TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - KỲ VƯƠNG ĐÔNG GIANG
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

KỲ VƯƠNG ĐÔNG GIANG

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Sat Apr 26, 2008 12:20 pm    Tiêu đề: KỲ VƯƠNG ĐÔNG GIANG
Tác Giả: CẨM TRANG




KỲ VƯƠNG ĐÔNG GIANG

CẨM TRANG

Vài Hàng Dẫn Nhập:

“Hà Nội băm sáu phố phường
Nơi nào Cờ Tướng là chàng ghé vô.
Cờ Tàn, Cờ Thế giang hồ
Kỳ phùng địch thủ, thi đua so tài.
Bắc Hà, cao thủ đầy nơi
Người hùng học hỏi, càng chơi hơn người."

“Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông
Cờ cao nhất nước, xếp sòng tại đây.
Lân la, trao đổi anh tài
Cờ thêm tiến bộ, tìm người cao nhân".


CÁC THẾ CỜ THÔNG DỤNG

1) "Pháo Đầu, Mã Đội tấn công
Thủ thành, đôi mã Bình Phong vững vàng.
Chốt Ba, Chốt Bẩy thông thương
Xe hà, đón đỡ mọi đường qua sông"

2) "Pháo năm. pháo bẩy công thành
“Tượng Kỳ Hậu Vệ" gồng mình, đỡ đao.
Pháo giăng, ngựa nhẩy lao xao
Xe lan mọi ngã, anh hào ra tay.
Kỳ phùng địch thủ trổ tài
Qua bàn cờ tướng, biết người trí mưu.

3) Mã Quỳ, thế yếu, thủ thành
Giả danh, cao thủ, dụ anh hết tiền (1)
Chốt đầu bị pháo dứt liền
Chạy ra đè mã chẳng lên khỏi hà.

4) Đơn đề, đi hậu, đỡ đòn
Pháo đầu, nào dễ tấn công khuôn thành.
Song xa ứng chiến thật nhanh
Bên tiên, cũng khó lộng hành Cung Vua.

5) Cao cờ Thuận Pháo, dễ chơi
Làm cho đi hậu, kịp thời phản công.
Bao nhiêu sách vở thuộc lòng
Không bằng trí tuệ của Ông Vua Cờ.

6) Đương Đầu Pháo, kẻ đi tiên
“Hậu Kỳ Nghịch Pháo" trận tiền dễ thua.
Trừ tay danh thủ, cờ vua
Đi sao cũng thắng, vì cờ quá cao.
Ngang tài, Nghịch Pháo đối đầu
Những người đi hậu, dễ đâu thủ thành.


VÀO TRUYỆN:

“Vua Cờ nổi tiếng Đông Giang
Tài cao không thể nào lường tay chơi.
Chỉ hơn một nước, tùy người
Khách xa nể mặt, tuyệt vời Kỳ Vương."


Ông "Năm Cao Cờ" là biệt hiệu của Danh Thủ Cờ Tướng ở Đông Giang. Ông nổi danh từ lâu là Kỳ Vương của cả một vùng một duyên hải bao gồm các thôn làng sau đấy: Đông-Tây-Giang / Thành Hòa / Tân Thành - Cửa / Tân Xuân / Mỹ Nghĩa / Phú Thọ. Tại thành phố Phan Rang hay những nơi khác trong tỉnh Ninh thuận, các cao thủ, danh thủ, kỳ thủ, kỳ vương cũng tỏ ra hâm mộ, trọng nể tài năng và vốn kiến thức đã nghiên cứu, đã thông thạo, am tường sâu xa về nghệ thuật chơi cờ tướng. Thật ra, tài nghệ tuyệt vời của ông quả khó lường. Giao đấu so tài với danh thủ càng cao thâm chừng nào, ông càng tỏ ra nhạy cảm, thông minh, xoay sở, tìm cách đỡ đòn, chống trả, thủ thành hay phản công mãnh liệt bất ngờ, chớp nhoáng. Càng thi đấu, nước cờ của người hùng Đông Giang, càng lúc càng sắc bén, sáng tạo, đặc sắc, kỳ diệu hoàn hảo, tuyệt vời hết nói. Ông ta cũng hao hao như Cao Thủ Võ Lâm Trung Nguyên một thời Tiểu Phi Đạo Soái Lưu Hương trong tác phẩm Long Hổ Phong Vân nổi tiếng của Kim Dung. Người hùng khôi ngô, tuấn tú, thông minh tuyệt đỉnh, có võ công cao thâm không thể nào lường được. Thật vậy, càng giao đấu với cao thủ chưởng môn nhân các đại môn phái cao thâm tài giỏi chừng nào, vào thời kỳ đó, thì tài nghệ siêu quần của Đạo Soái càng bộc lộ ra rõ nét. Cuối cùng Vua Trộm đã hạ đối phương một cách dễ dàng.

Ông Năm Kỳ Vương cũng na ná như thế. Thi đấu cờ với các danh thủ, càng cao thâm, xuất sắc bao nhiêu, ông càng lộ ra tài năng, thông minh, nhạy cảm biết cách đối phó, xoay sở, chống trả lại các thế công, thủ của đối phương bấy nhiêu. Kết cuộc, ông dã đánh bại đối thủ và mang về chiến thắng, vẻ vang, vinh dự, cho chính ông, Quê hương mình cũng được tiếng thơm lây. Thế mới tài cao khôn lường được của Kỳ Vương Động Giang một thời.

“Ngọa Long, tài chẳng lộ ra
Cao nhân, danh thủ, thì ta thi tài.
Chỉ hơn một nước mà thôi
Làm cho người tưởng, đấu thời ngang nhau.
Bao nhiêu cuộc đấu trước sau
Khó ai biết được tài cao mức nào.
Nhiều tay bị hạ, tức sao
Nghĩ mình ăn chắc, tiền vào túi ai.
Thích chơi cá độ lai rai
Chỉ thua một nước, bực thời tiền tăng.
Cuối cùng sạch túi, nhăn răng.
Kỳ Vương xơi hết, ngỡ rằng thắng may.
Chỉ thua một nước hậu này
Thế là sẽ đấu, mong ngày mai ăn."


Những danh thủ, kỳ thủ nổi tiếng tại vùng duyện hải như ông Hai Mỹ ở Thành Hòa, ông Lý Hưng ở Đông Giang. Tại thành phố Phan Rang lúc đó, như ông Chín Tòng ờ Xóm Gò. Đạo Long, ông Bảy Thạnh ở Xóm Động, những cao thủ đương thời cũng tỏ ra e dè nể nang khi thi dấu với ông.

“Thông minh, tài trí tuyệt vời
Gặp tay cao thủ, cờ thời càng cao.
Người hùng, danh tiếng hàng đầu
Đông Giang lan rộng, xôn xao tỉnh nhà"


Thật tình mà nói, Ông Năm say mê cờ tướng hết nói. Tuy nhiên, ông không thích đánh giải trí để vui chơi. Ông ta chỉ thích đánh độ, đánh ăn tiền thôi! Không phải ông chuyên sống về nghề cờ tướng như bao nhiêu tay cờ chuyên nghiệp khác. Ông vốn giàu có, nhà lều muối mắm. Ông có chiếc ghe bầu thường dùng chở mắm đi bán khắp nơi từ Bắc trở vô Nam. Nếu có bạn hữu nào, nài nỉ ông chơi cờ với tính cách giao hữu hay chơi giải trí hoặc chơi tài tử, không cá độ, ăn tiền bạc, thì ông ta thường chơi lơ là không chịu trổ hết tài nghệ của mình. Thông thường Ông ta bị thua hay hòa thôi. Ông Năm hay giấu tài nghệ, giấu khả năng, thực chất, nghệ thuật sáng tạo, siêu đẳng của mình. Người nào muốn biết rõ tài ông hay muốn học các nước bí hiểm, cờ thế độc đáo xuất sắc của ông thì phải đánh ăn tiền, họa may ông mới trổ tài phần nào. Phải đánh lớn, chứ chơi nhỏ ăn thua không đáng kể thì ông không hâm mộ. Ông thường từ chối. Kỳ Vương mà lỵ! Ông thua cho đáng, chứ ăn thua kiếm bạc cắc, chơi kiểu cơm gạo, kiếm tiền uống cà phê, ăn quà, hạng cá kèo, ông không ham đâu. Ông không chơi.

Thật ra, Kỳ Vương Đông Giang được nhiều người hâm mộ, ưa chuộng, khen ngợi, ca tụng. Vì thế, sau này, Ông Năm trở thành nhân vật huyền thoại. Thiên hạ thường bàn tán trong lúc trà dư tửu hậu, tại các quán xá hay chỗ công cộng về danh thủ cờ tướng nổi tiếng một thời này. Họ đồn rằng khi chơi cờ ăn độ trước mặt có nhiều người coi, thì ông thường thua hay hòa. Ông cố giấu tài vì sợ địch thủ biết ông quá cao, sẽ không dám giao đấu hay đánh cá độ với ông nữa. Không ai dám chơi ăn tiền với Ông nữa. Ông sẽ "mất mối" là cái chắc. Ông sẽ bị "ế độ". Bấy giờ, Ông sẽ trở nên "Độc Cô Cầu Bại" mất, sư phụ nổi danh của Tiền Bối Phong Thanh Dương trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Cho nên, Ông Năm, thường hay áp dụng thủ thuật chơi cờ bình thường. Ông cứ để mình thua. Nếu cần chiến thắng địch thủ thì chỉ thắng một nước tiên để đối thủ cứ tức, không biết tài mình kém hơn. Chỉ thua có một nước mà lỵ! Đấu tiếp.

Xóm trên, có Ông Ba Tàu, Ông Bang Tám. Ông này sở hữu ngôi nhà đồ sộ có lầu một tầng. Ông ta vốn giàu có lại ưa chơi cờ tướng. Ông Năm thích chơi cờ với Ông ta. Tài cờ tướng, Ông Năm hơn Ông này khoảng một con ngựa. Tuy nhiên, hai người đánh đồng, đánh phân tiên. Ai thua thì đi trước. Họ thường chơi lớn tiền. Hai bên thường vui chơi suốt cả buổi hay cả ngày. Ông Năm chỉ thắng vài ván thôi. Những ván cuối, cùng trước khi ra về, Ông năm cứ để mình thua đối phương. Vì thế, Ông Tám khoái, ngồi rung đùi, tươi cười, miệng phì phà điếu thuốc thơm, vừa nhâm nhi ly trà sen thơm phức. Do đó, Ông Tám rất thích chơi cờ với Ông Năm. Mỗi lần Ông Năm lại nhà, là ông hớn hở vồn vã kéo ghế, mang bàn cờ tường và giỏ cờ ra, rót trà sen, rút thuốc lá Cotab thơm, mời khách quý quang lâm tệ xá, hầu cờ với mình mà lỵ. Vì sao vậy? Bởi vì xét về bàn thua thắng, thì Ông Tám thắng trội hơn đối thủ. Nhưng xét về tài chánh thì Ông Năm thắng. Những bàn cá độ tăng tiền gấp hai, ba, bốn lần, thì Ông Năm không tha. Còn chơi nho nhỏ thì cứ thua. Chả sao. Không chết thằng Tây, Thằng Tàu, thằng Thượng nào cả.

Những lúc chiến thắng đối phương như thế, Ông Tám hay cười ha hả, cười sảng khoái, tỏ ra thú vị, tự mãn vô cùng. ôâng cứ nghĩ mình cờ cao hơn đối thủ. Ông nhìn bạn:

- Cái là nị pị thua ngộ tả tơi!

Tuy nhiên, những khi vắng khách, chỉ có hai người thi tài bằng mưu trí và nghê thuật giao đấu thì Ông Năm "dớt lại" nhanh, nhất là những ván cờ tăng thêm tiền đánh độ.

Ông Tám thường hay nóng tánh. Khi thua cờ hay nổi quạu, bực tức. Hay cãi vã, bướng bỉnh, chơi ẩu, ăn gian, cãi cối, cãi chày, nhì nhằng. Tánh Ông vốn háo thắng và lỗ mãng dễ gây mất hòa khí. Tuy nhiên, vì Ông là phú hộ. Gia đình có lều mắm lớn và buôn bán kinh doanh đồ sộ, nhiều bạc, thích chơi cờ tướng, ưa đánh độ. Cho nên Ông Năm chìu, nhẫn nhịn Ông vì đối thủ cờ là khách sộp, là Thần Tài gõ cửa nhà mình mà lỵ! Ngậm miệng ăn tiền. Nín thở qua sông. Ông Năm thường dắt theo một người bạn thân, Ông Hải, ngồi coi hai người thi tài. Ông Hải cũng là tay cờ cao ngang ngửa với Ông Tám. Do đó Ông Tám, vì trước mặt khách bàng quan, coi như trọng tài im lặng, theo dõi xem xét trận đấu. Ông Bang Chủ không dám ăn gian cãi ẩu, sợ mất mặt bầu cua cá cọp.

Sau khi kết thúc cuộc chơi cá độ lớn. Ông Năm đưa bạn ra tiệm ăn, thức ngon, bia rượu, khề khà, thoải mái, vui vẻ cả làng. Ông đãi đằng bạn, bù công sức ngồi xem làm trọng tài hôm đó. "Có qua có lại mới toại lòng nhau". Ông Hải được bồi dưỡng mà Ông Năm cũng hốt bạc êm ả. Thì giờ là vàng bạc. Cả hai bên đều có lợi cả, phải khộng quý vị? "Bánh ít trao đi, bánh quy trao lại".

Riêng giao đấu ăn tiền lớn với những tay lạ, thì Ông Năm áp dụng chiến thuật quen thuộc như sau: Ván cuối cùng cá độ rất lớn gần như xả láng. Bởi vì lúc đó có con Ông chạy tới bảo:

- Mời Ba về gấp! Má cần Ba về giúp Bà việc quan trọng. Ba nhanh lên! Khẩn trương lắm! Hãy về nhanh lên Ba!

Đối phương lỡ thua rồi, nóng lòng gỡ ván chót. Cho nên thường móc tiền túi ra chơi xả láng. Thế là Ông Năm "dớt" gọn cái ót. Dĩ nhiên, Ông chỉ ăn một nước tiên thôi. Đối thủ tức tối vô cùng. "Ta có thua gã nhiều nhỏi gì cho cam! Chỉ là nước tiên, nước hậu thôi. Nghĩ có tức không chớ? Lần sau nghiên cứu lại, ta sẽ phục thù". Cứ thế, Ông Năm thường xuyên có tay chơi cờ ăn tiền với mình. Kỳ Vương quá thông minh, lanh lợi, trí nhớ tuyệt vời, ranh mãnh, mánh lới để kiếm tiền bỏ túi hết xẩy.

Truyện kể, ghe bầu mỗi lần chở mắm ra Miền Bắc bán, ông thường giao người nhà coi ghe khi hàng giải quyết xong xuôi. Ông Năm thích đi tham quan, ngao du các phố Hà Thành, chốn Ngàn Năm Văn Vật. Hà Nội ba mươi sáu phố phường.

“Đồng Xuân chợ hãy còn đông?
Hàng Đào, tà áo phớt hồng còn bay?"
(Huyền Viêm)


Hôm đó, trông thấy đám người đang ngồi say mê thi đấu cờ tướng trong Quán Nước dã chiến bên lề đường, ông vội dừng chân đứng lại xem họ tranh tài cao thấp. Họ hầu như cờ bạc công khai ngoài lề đường phố Hà Nội. Hai người đấu cờ cá độ rất lớn. Sau đó, Ông vào ngồi chơi với một trong hai cao thủ. Thì ra họ là những danh thủ cờ Vua của Bắc Kỳ rất lừng danh vào thời đó. Hai người chơi ăn thua lớn, Người ngồi coi không được xì xào bàn tán hay chỉ chỏ, mách nước gì cả. Ông ta quá cao. Ông thua khá đậm. Ông Năm không phải hàng đối thủ với Kỳ Vương Bắc Hà lúc này. "Tri bỉ tri kỷ bỉ, bách chiến bách thắng" như Tôn Tử ngày xưa đả tỏ ra chí lý khi đưa ra nhận xét trên. Chắc thật như hai với hai là bốn. Chắc như ăn bắp. Chắc chắn như đinh đóng cột. Ông Năm nóng lòng muốn gỡ, nên thua xiểng liểng. Ông bị thảm bại, mang đầu máu trở về ghe mình. Quả là: "Cao nhân, tất hữu cao nhân trị" "Núi này cao, còn có núi khác cao hơn":

“Kỳ phùng địch thủ mấy ai?
Hôm nay mới gặp được người cao nhân"


Trên đường về nhà, trong thời gian, chiếc ghe bầu của Ông còn lênh đênh trên mặt biển, Ông xem lại một số sách cờ tướng của các danh thủ nổi tiếng ở Trung Hoa ngày xưa biên soạn. Ông luôn luôn mang theo bên mình những cuốn sách cờ quan trọng, như Quốc Trung Bí (Chuyên dùng thế Đương Đầu Pháo, Pháo Đầu, Mã Đội hay Ngũ Thất Pháo, Ngũ Lục Pháo... trong khi đi tiên, để tấn công đối thủ đi hậu. Thường thường mang lại chiến thắng, nếu chơi không thiếu sót hay vô ý trật nước cờ) Mai Hoa Phổ (Chuyên dùng thế thủ thành bằng Bình Phong Mã trong khi đi hậu để chống lại Thế Đương Đầu Pháo của bên tiên). Trong khi đi bán mắm xa nhà lâu ngày, Ông giải trí bằng cách đọc chúng như Kinh Nhật Tụng để ôn lại một số thế cờ công / thủ cơ bản hay các thế cờ tàn hay thế cờ giang hồ thường áp dụng trong khi giao đấu ăn tiền háy cá độ lớn. Sau đó, Ông đem bàn cờ ra, tự sắp lại những ván cờ Ông đã thua đối phương ngày hôm đó tại Hà Nội (Lúc bấy giờ chưa có những cuốn sách cờ nổi danh của các cao thủ hậu bối, chuyên phá các thế cờ trong hai cuốn sách đã trình bày trên như Pháo Mã Tranh Hùng của Lý Chí Hải, Tượng Kỳ Tiền Phong, Tượng Kỳ Hậu Vệ của Vương Gia Lương, các sách chơi cờ nổi danh của Lê Thượng Kiến, Dương Quang Lân... bên Trung Hoa. Hay một số sách cờ tướng nổi danh của tác giả Việt Nam, nguyên là những danh thủ, cao thủ, Kỳ Vương ở Miền Nam như Phạm Tấn Hòa, Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị, Lý Anh Mậu...)

“Pháo Đầu, Mã Đội tấn công
Thủ thành, dùng Mã Bình Phong vững vàng.
Chốt Ba, Chốt Bẩy thông thương
Xe hà, đón đỡ mọi đường qua sông.
Pháo Năm, Pháo Bẩy công thành
Tượng Kỳ Hậu Vệ, gồng mình, đỡ đao.
Pháo Giăng, ngựa nhẩy lao xao
Xe lăn mọi ngã, anh hào ra tay."


Những tay cao thủ hay lang thang trên các hè phố Sài Gòn trước kia, nơi nào có dân chơi cờ tướng ăn tiền, thường nhào vào kiếm ăn. Họ giả vờ chơi thế cờ Mã Quỳ tỏ ra ta đây kém hiểu biết về thế thủ khi đi hậu. Họ chuyên dụ khị đối phương đánh giá thấp tài cờ tướng của mình để dễ "dớt" tiền thiên hạ ngây thơ. Thua hết túi vẫn chưa biết địch thủ là danh thủ cải dạng tay kém cờ, mới biết chơi cờ. Họ thường chỉ thắng trước một nước tiên thôi. Thế mới dễ bị lầm lẫn, "Đoạn trường, ai có qua cầu mới hay" (Kiều) "Đúng là:

"Mã Quỳ, thế yếu thủ thành
Giả danh cao thủ dụ anh hết tiền".

Trong thế thủ Mã Quỳ này, chốt đầu bị bên đi tiên dùng Pháo Đầu giết chết con chốt đầu và chiếu tướng. Nước tiếp theo Pháo ra đè mã, không cho lên hà được. Sau đó họ thúc con chốt đầu đi tự nhiên, thênh thang cũng đã thắng rồi, nếu tài cán chơi cờ ngang ngửa nhau. Bị kẹt là vậy. Bị thất thế dẫn đến thua cuộc luôn. Tuy nhiên, danh thủ hay tay cao cờ hơn người bình thường nhiều, nên y đi thế nào, cuối cùng y cũng thắng dễ dàng thôi. Giao đấu cờ tướng, hễ ai cao hơn, là thắng, trừ khi người cao muốn thả vài bàn để dụ đối phương thì khỏi nói. Cờ tướng thắng bại không phải do may rủi. Thông thường do cao cờ, chắc thắng như ăn bắp. Rõ ràng "Chuối đó cưỡng!" Không phải môn cờ bạc đỏ đen may rủi như các môn chơi khác trong Tứ Đổ Tường.

“Đơn Đề, đi hậu đỡ đòn
Pháo Đầu nào dễ tấn công khuôn thành.
Song xa ứng chiến thật nhanh
Bên tiên cũng khó lộng hành Cung Vua".

“Cao cờ, Thuận Pháo dễ chơi
Làm cho đi hậu kịp thời phản công.
Bao nhiêu sách vở thuộc lòng
Không qua trí tuệ của Ông Vua Cờ".


Còn thế đi hậu, dùng Nghịch Pháo hay Liệt Thủ Pháo thì sao? Các cao thủ cho rằng thế thủ kiểu này không bảo đảm, không được an toàn xa lộ cho lắm. Thế thủ không vững chắc bằng bên đi hậu dùng thế Thuận Pháo đã nói ở đoạn trên.

“Đương Đầu Pháo, kẻ đi tiên
Hậu kỳ Nghịch Pháo, trận tiền, dễ thua.
Trừ tay danh thủ Cờ Vua
Đi sao cũng thắng vì cờ quá cao.
Ngang tài, Nghịch Pháo đối đầu
Thì người đi hậu dễ đâu thủ thành."


Trở lại với Kỳ Vương Đông Giang trong thời kỳ đó. Mỗi khi Ông đấu thua người nào tại các thành phố lớn thì Ông thường thường không chịu bó tay. Ông vốn thông minh và háo thắng. Ông ít chịu thua ai. Ông về nhà. Ông cố moi trí nhớ của mình. Ôn lại các nước cờ của đối phương. Ông bày bàn cờ ra, nghiên cứu, chơi một mình, xem có cách nào phá thế cờ của đối phương tài cao cờ hơn ông không. Nhờ chịu khó, nhẫn nại nghiên cứu như thế, cờ của Ông tiến bộ nhanh. Cuối cùng Ông đã nghĩ ra cách phá các thế cờ tuyệt vời của các đối thủ đã thắng ông trước đây. Có thế nói không ngoa Ông là Thiên Tài cờ tướng, tài bẩm sinh. Ông sinh ra để chơi môn giải trí bẳng trí óc, bằng trí tuệ này. Ông rất có năng khiếu về môn thể thao bằng lao động trí óc này vậy. Thật vậy, chừng mấy tháng sau, Ông Năm lại đi ghe bầu ra Hà Nội bán mắm như mấy lần trước đây. Sau khi thanh toán, giải quyết, giao mắm xong cho các Đại lý, Ông cho người coi ghe. Ông Năm đi dạo phố Hà Nội. Ông liền ghé lại nơi cũ tại Quán Nước dã chiến bên lề đường, nơi có chơi cờ tướng như mọi khi. Ông gặp lại cố nhân không khó. Chính tay cao thủ đã thắng ông trước kia.

Kỳ này chơi lớn hơn. Địch thủ hớn hở, tưởng Thần Tài đến gõ cửa nhà mình như mọi khi. Nai nộp mạng cho beo và cọp, sư tử mà lị. Dân ngồi coi chầu rìa theo phe ta rất nhiều. Cuối cùng Ông Năm thắng tuốt. Nóng mặt, họ đề nghị đánh cá độ cao hơn. Ông Năm bắt ráo trọi và thắng hết. Ông đã phục thù và thành công vẻ vang bằng chính tài thông minh, sáng tạo và tư duy, tự nghiên cứu, cách phá thế chơi cố hữu của đối phương. Ông Năm quả là một Thiên Tài hiếm có, hy hữu về môn cờ tướng vậy.

Một hôm, có một tay cao cờ từ Sài Gòn ra Phan Rang chơi cờ. Ông này có đàn em đi theo tháp tùng, hộ vệ rất đông. Ông ta tỏ ra một tay chuyên nghiệp về môn thể thao bằng trí tuệ này. Ông ta chỉ giao đấu với ai thích chơi cá độ lớn. Ăn tiền nhỏ ông ta từ chối thử cờ, so tài môn chơi rất dễ lôi cuốn hấp dẫn người chơi lẫn khách bàng quan ngồi xem này. Tuy nhiên, ông khách, dân Thủ Đô Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông không chịu thổ lộ danh tánh mình. Ông giấu tên, chỉ nói là ham chơi cờ tướng thôi. Ông này trung niên, tuổi ngang ngửa với các danh thủ Phan Thành lúc bấy giờ. Thế là đàn em hai bên bắt tay nhau cá độ lớn. Dân địa phương Phan Rang ủng hộ gà nhà mà, phải không bà con cô bác? Ông này chơi quá cao, cao quá cỡ thợ mộc, trời ạ! Tội nghiệp dân ta thua đậm. Các cao thủ của thành phố "Hầu như nóng bốn mùa" của "Thị Trấn Khô" trổ hết tài năng nhưng thua đối phương cái rụp. Họ bị thảm bại trước cao thủ vô danh Sài Gòn (Có thể Kỳ Vương Thủ Đô Sài Gòn Chợ Lớn mà giấu tên không chừng). Mấy hôm sau đó, có lẽ nghe người giới thiệu, đàn em đưa ông ta xuống Đông Giang để so tài với Ông Năm, Kỳ Vương vùng duyên hải Đông-Tây Giang- Hải Chữ này. Rủi thay Ông Năm lúc đó đã vắng nhà. Ông đã đi ghe bầu ra Hà Nội bán mắm chưa về. Tiếc quá, dân hâm mộ cờ tướng và tài năng của Ông Năm thất vọng buồn bã định ra về. Họ chỉ mong sao được chứng kiến trận so tài cao hạ của hai danh thủ Sài Gòn và Đông Giang, Ninh Thuận. Tiếc quá, bà con ơi!

“Kỳ phùng đich thủ đấu nhau
Bàng quan thiên hạ nôn nao xem trò."

Tuy nhiên, cũng may, tại Xóm Thành Hòa phía trên Động Giang có Ông Hai Mỹ cũng tay cao cờ nhất địa phương ông cư ngụ. Thế là ông ta chịu tiếp cờ với khách phương xa đã quang lâm tệ xá (do dân đồng hương dẫn tới giới thiệu). Thế là cuộc giao đấu giao hữu nhưng cá độ lớn đã diễn ra. Hai phe cá độ rất lớn tiền. Dân Phan Rang và vùng duyện hải đều ủng hộ ông Hai Mỹ gà nhà. Khi đối phương bị chết con xe thì mọi người xem cờ thuộc phe Miền Trung mừng húm. Tuy nhiên, cao thủ Sài Gòn hô cá tiền thêm đi. Phe ta chắc ăn, vì địch thủ bị chết xe rồi mà. Thế là hai bên cá thêm tiền rất lớn. Cuối cùng, ván cờ đó, Ông Hai Mỹ bị thua mới đau chớ! Điều đó, chứng tỏ ông khách Sài Gòn cờ cao siêu hơn Hai Mỹ nhiều quá! Địch thủ chết con xe mà vẫn thắng cuộc. Hai Mỹ đầu hàng, không dám chơi nữa. Khách mỉm cười, ôn tồn bảo để ông ta có điều kiện thắng, ông chấp một mã. Hai Mỹ ngần ngừ. Nhưng các ủng hộ viên dân Phan Rang và địa phương chịu bỏ tiền ra đánh. Thế là Ông ta bằng lòng chơi nữa. Kết quả Hai Mỹ vẫn thua. Ông đứng dậy, xoa cờ chạy làng luôn. Nhưng khách ngỏ ý thử chấp cặp mã tạ chốt đầu cho đối phương gỡ gạc số tiền đã trót thua. Cờ cao như Hai Mỹ mà có người chấp cặp mã ư? Ông chấp thuận cái ào, hy vọng gỡ lại. Vẫn đánh lớn, kỳ vọng lấy lại số tiền thua quá đậm rồi. Rốt cuôc cờ hòa vì ông ta thủ hay quá khiến Hai Mỹ không có cách nào đánh thắng được. Thế là tạm ngưng chơi vì trời đã tối rồi.

Sau cùng, ông khách Thủ Đô cho biết tên thực mình là Giáo Hội. Vô địch cờ tướng Sài Gòn vào lúc bấy giờ. Ngoài ra, đồng thời với ông còn có Kỳ Vương Hà Quang Bố, Giáo Bố cũng là danh thủ tài cờ ngang ngửa với ông ta. Mọi người lúc bấy giờ nghe qua mới tá hỏa tam tinh. Dân ta thua quá nhiều rồi. Biết danh cao nhân Kỳ Vương Sài Gòn thì đã muộn màng, Khách ăn tiền hết được, nên mới xưng tên Vua Cờ Thủ Đô Hòn Ngọc Viễn Đông vào thời kỳ ấy. Về sau này có Giáo Kỳ cũng nổi danh cao thủ Miền Nam. Ngoài ra, những danh thủ cờ tướng thế hệ nối tiếp, nghe nói tài nghệ còn siêu việt hơn nghệ thuật chơi cờ càng ngày càng hiện dại tài tình hơn. Sách vở ngoại quốc nhất là của Hồng Kông, Trung Quốc lan tràn. Thời đại nào cũng thế, dân chơi cờ vùng Sài Gòn Chợ Lớn Việt Nam cũng như Hoa Kiều đều nổi danh cao thủ nhất nước Việt Nam. Chẳng hạn như các danh thủ Kỳ Vương từng đoạt Giải Quán Quân, Giải Vô Địch Cờ Tướng toàn quốâc trước đây như:

Phạm Tấn Hòa, Lê Thiên Vị, Phạm Nam Đài (Tức Phạm Thanh Mai, dân Bắc Kỳ, ngụ tại Sài Gòn, người từng hạ Lý Chí Hải vô địch Hồng Kông tại Sân Tinh Võ Chợ Lớn vào thập niên 50) Tám Hải (tức Lê Văn Tám, chú họ của Phạm Tấn Hòa) Những cao thủ Hoa Kiều ngụ tại Chợ Lớn như Lê Đình Thủy (Chuối) Chú Tiều (ngưởi Triều Châu) Từ Đạo Tân, Lê Bỉnh, Tắt Hắn Dương (người chuyên luyện thế xa pháo khuyết một sĩ, phải đi tới 78 nước cờ, đúng cách, mới bắt được một con tượng của bên đối phương, chỉ còn một xe và hai tượng. Nếu đi sai thì phải đi lại từ đầu. Khó như thế đó. Chơi cờ cao đòi hỏi phải có năng khiếu, đam mê, thông minh, nhạy bén, biết đánh giá lực lượng đối phương, có trí nhớ tốt và có sách vở cờ tướng của các danh thủ trên thế giới, nhất là của các tác giả, soạn giả người Trung Quốc, vì cờ tướng phát xuất từ đất nước khổng lồ có dân số đông nhất thế giới này. Các tay chơi cờ muốn giỏi, muốn tiến bộ hơn về nghệ thuật chơi cờ, thi đấu cờ sắc bén hơn, nhất là cách thức ra quân khai cuộc, trung cuộc, tàn cuộc, các loại cờ thế, người chơi cờ phải bỏ công sức ra nghiên cứu thêm, mới cao được. Ngoài ra, phải lăn lộn trong giới giang hồ, phải đánh ăn tiền, phải chịu chơi, chịu thua nhiều, phải đấu với người cao hơn mình, mới học được nước cờ cao của kẻ khác. Người cao cờ còn có người cao hơn. "Cao nhân tất hữu cao nhân trị" là vậy. Có thể nói, cờ tướng là thú vui, thú tiêu khiển, giải sầu, giải buồn phiền, môn thể thao bằng trí tuệ, giải trí tao nhã, cao thượng của người xưa hơn hẳn các trò chơi cờ bạc đen đỏ khác, các môn đổ bác khác. Nó là một trong bốn thú tiêu khiển, hưởng thú điền viên, hưởng nhàn, tao nhã, cao quý của các hiền nhân quân tử, của các bậc tao nhân, mặc khách xưa nay, Như cụ Nguyễn Công Trứ từng ca tụng:

“Cầm, kỳ, thi tửu
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây!
Cờ đôi nước rập rình xe ngực đó"
Thơ một túi phẩm đề câu Nguyệt Lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà.
Thú xuất trần, Tiên vẫn là ta
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng ờ cũng đáng.
Cầm tứ tiêu nhiên, Kỳ tứ sản
Thi hoài lạc hữu, tửu hoài nồng.
Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung."


Cao thủ cờ tướng số một Miền Trung sau này, quê Bình Định ngụ tại Thành phố Nha Trang có Ông Xí. Nhưng Ông ta phải chịu thua bẩy tay cao thủ Sài Gòn sau đây. Họ đánh thắng Ông và ăn Ông khá nhiều tiền. Họ phải chấp ông ta hai nước đi tiên, mới ngang cờ. Bẩy cao thủ đó là: Phạm Tấn Hòa, Phạm Thanh Mai, Tám Hài, Lê Bỉnh, Từ Đạo Tân, Trịnh Đình Thủy và Chú Tiều. Về sau, có tên trẻ tuổi, cũng người Hoa Kiều Chợ Lớn, mới hơn hai mươi, biệt danh Lắc Chảy tên thật Trần Quới vô địch nhiều năm toàn quốc. Anh ta quả là một thiên Tài Cờ Tướng lúc đó. Nghe nói y vượt biên và mất tích luôn sau này. Y cao cờ hơn các kỳ Vương danh thủ thế hệ trước kể trên.

Trở lại, lúc bấy giờ, dân Phan Rang và vùng duyên hải Ninh Thuận rất tiếc không chứng kiến tải thư hùng giao đấu của hai Kỳ Vương Sài Gòn và Đông Giang. Ông Năm không có duyên giao đấu với danh thủ tiếng tăm lẫy lừng khắp Miền Nam lúc đó. Thiên hạ nghĩ rằng có lẽ Giáo Hội và Giáo Bố cao hơn Ông Năm một bậc. Vì dân Sài Gòn thường thường sinh ra để chơi cờ tướng mà lị. Dù sao thì Ông Năm, Kỳ Vương Đông Giang đã nổi danh khắp tỉnh Ninh Thuận vào lúc bấy giờ. Có thế nói, Ông Năm Kỳ Vương vùng duyên hải của quê hương nắng gió Phan Rang Ninh Thuận là một huyền thoại trong làng cờ tướng dân gian Ninh Thuận. Tên Ông mãi mãi truyền tụng trong giới chơi cờ tỉnh nhà. Nhất là vùng Đông-Tây Giang Thành-Hòa - Hải Chữ Tân-Thành - Tân Xuân - Mỹ Nghĩa...

“Kỳ Vương nổi tiếng một thời.
Cả Vùng Đông Hải khắp nơi khen tài.
Người hùng giao đấu lai rai.
Nghe danh cao thủ miệt mài thi đua"

CẨM TRANG

(Danh thủ PT Hòa, quê Sài Gòn, vô địch toàn quốc trước 1975, hay xài chiêu này để dụ khị các tay cờ chưa biết mặt Kỳ Vương)

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân