TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Danh nhân tỉnh nhà : bà Nguyễn Nhược Thị
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Danh nhân tỉnh nhà : bà Nguyễn Nhược Thị

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Trần Phước Chung



Ngày tham gia: 13 Mar 2010
Số bài: 164

Bài gửiGửi: Sat Jun 29, 2013 12:27 am    Tiêu đề: Danh nhân tỉnh nhà : bà Nguyễn Nhược Thị

Danh nhân tỉnh nhà: Bà Nguyễn Nhược Thị

Bà Nguyễn Nhược Thị

1830 - 1909

Bà Lễ Tần Nguyễn Nhược Thị tên thật là Nguyễn Thị Bích, tự là Lang Hoàn, sinh năm Canh Dần đời vua Minh Mạng thứ 11 (1830) Tại huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (Quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận). Bà là con gái thứ 4 (út nữ) của ông Nguyễn Nhược Sơn, mẹ bà cũng họ Nguyễn nên được gia tặng hàm Thục Nhân. Tương truyền, bà Thục Nhân khi mang thai, một hôm nằm mơ bổng thấy ngôi sao Bích, một trong Nhị thập bát tú, tượng trưng cho sách vở bỗng từ trên trời sa vào miệng rồi nuốt, vì thế sau khi sinh mới đặt cho con gái tên là Bích.

Bà Nguyễn Nhược Thị từ thưở nhỏ đã nỗi tiếng thông minh, học đâu nhớ đó, thuộc rất nhiều kinh sử nước nhà và Trung Hoa. Năm 13 tuổi, bà đã nỗi tiếng văn hay chữ tốt. Lấy hiệu là Nguyễn Nhược Thị hay Nguyễn Nhược Thị Bích.

Cha đi làm quan nhiều nơi, thường cho bà đi theo nên nhờ đó Bà có được sự hiểu biết rộng sâu về đời sống dân chúng, đến đâu người ta cũng khen ngợi trí thông minh và tài văn học của Nguyễn Thị Bích. Theo điển lễ của triều Nguyễn, phàm là con gái của các quan trong triều sẽ được vinh dự tiến cung làm phi tần “nâng khăn sửa túi” cho hoàng đế và tùy theo tước phẩm của người cha, cô gái ấy được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp

Năm Mậu Thân, Tự Đức nguyên niên (1848) bà Nguyễn Nhược Thị được 18 tuổi, vừa có sắc, lại có tài, tiếng tăm của bà lan rộng khắp nơi. Bấy giờ, quan Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa biết bà là người hiếm có bèn viết tờ biểu tiến cử lên vua Tự Đức. Xem tờ biểu, vua rất ngạc nhiên về một thiếu nữ mới 18 tuổi không những xinh đẹp mà lại giỏi văn thơ, bèn triệu vào cung để thử tài.

Hôm đó có một buổi ngâm thơ vịnh cảnh, vua Tự Đức ra đề thơ là “Tảo mai” (Hoa mai sớm nở) và bài họa của Nguyễn Thị Bích được nhà vua chấm hay nhất, trong đó có hai câu rất nổi tiếng:

“Nhược giao dụng nhữ hòa canh vị,

Nguyện tác lương thần phụ hữu Thương”.

Nghĩa là:

“Nếu bảo dùng người cho vừa vị canh,

Xin làm người bầy tôi giỏi giúp nhà Thương”.

(Đại ý họ Nguyễn Nhược trung thành tận tâm tận lực)

Vua Tự Đức đặc biệt khen ngợi rằng: “Khéo điều chế câu thơ như người điều chế mai, tỏ rõ chí khí như của Tể tướng Phó Duyệt, thật là bổ ích. Đáng tiếc là nữ, nếu là nam thì chức ấy trẫm cũng không tiếc”.

Vua tâm đắc và ban thưởng cho bà 20 đỉnh bạc, cho tuyển vào cung sung chức Thượng nghi viên sư.

Năm Tự Đức thứ 3 (1850) bà được phong làm Tài Nhân thường hầu trực trong cung và theo hầu vua. Chẳng những là người thông minh học thức, bà còn luôn tỏ ra kính cẩn, đoan nghi, nên vua Tự Đức rất yêu quý, thường khen bà là một phụ nữ rất thông mẫn kính cẩn; bèn dạy cho bà cách làm các lối thơ phú (!). Do đó, khắp trong cung đều gọi bà là ThiênTử Nữ Môn Sinh (tức là người học trò gái của vua).

Năm Tự Đức thứ 13 (1860) bà được phong làm Mỹ Nhân rồi ít lâu sau lại phong làm Quý Nhân. Năm Mậu Thìn (1868) lại được Tấn Phong Tiệp Dư, từ đây bà lảnh trách nhiệm dạy kinh điển cho hai hoàng tử Chánh Mông (tức Nguyễn Phúc biện hay Ưng Thị, sau là vua Đồng Khánh) và Dưỡng Thiện (tức nguyễn Phúc Hạo hay Ưng Đăng, sau là vua Kiến Phúc. Do đó bà được tôn chức Tiệp Dư phu tử (Đức thầy Tiệp Dư). Thật ra vua Tự Đức không có con vua đành lấy 3 người cháu, con của anh em họ đưa vào cung nhận làm con nuôi. Đó là Nguyễn Phúc Ưng Ái (con của Thoại Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y), Nguyễn Phúc Ưng Đăng và Ưng Kỷ (con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai).

Về sau bà được cử làm chức bí thư hầu bà Từ Dũ thái hậu là mẹ vua Tự Đức. Vua Tự Đức thờ mẹ rất có hiếu, hàng tháng cứ ngày chẵn thì sang chầu Thái Hậu, ngày lẻ thì ngự triều bàn việc nước với các quan, thành ra mỗi tháng Ngài dùng 15 ngày lo việc nước, 15 ngày lo chu toàn đạo làm con. Mỗi lần đến chầu Thái Hậu, vua tâu lên mọi chuyện. Nhờ vậy bà Nguyễn Nhược Thị nghe được nhiều điều trao đổi giữa Từ Dũ thái hậu và Vua Tự Đức, nhờ những tư liệu “thâm cung bí sử” này đã giúp bà Nguyễn Nhược Thị viết nên một tác phẩm nổi tiếng để đời.

Tháng 6 năm Quý Mùi (1883), vua Tự Đức băng hà. Mọi ý chỉ, sắc dụ của Lưỡng Tôn Cung (Từ Dũ Thái hoàng thái hậu và Chính phi Vũ Thị Duyên) đều do một tay bà soạn thảo, chấp bút. (Có sách chép Lưỡng Tôn Cung bấy giờ là cung Từ Dũ Thái Hoàng thái hậu và cung bà Thuận Hiến Hoàng Thái hậu- vợ cả vua Tự Đức).

Đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 7 năm 1885, tức đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, biến cố kinh thành Huế xảy ra, cuộc đánh úp Tòa khâm Sứ Pháp do hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương bị thất bại, kinh thành Huế bị quân Pháp tấn công nên vua Hàm Nghi cùng triều thần phải rời bỏ kinh thành Huế, đồng thời nhà vua hạ chiếu Cần Vương. Bà Tiệp Như Nguyễn Nhược Thị Bích phải đi theo hộ giá tam cung (mẹ và chánh, thứ phi của cố hoàng đế Tự Đức), chạy theo vua Hàm Nghi do Tôn Thất Thuyết chủ xướng hướng dẫn ra cố thủ ở Tân Sở (nay thuộc địa phận làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Vào lối 7 giờ sáng xa giá và tam cung qua cửa Chương Đức, theo ngã Thiên Mụ đi lên. Nguyễn Văn Tường được lịnh ở lại thu xếp công việc nhưng sau đó ra hàng giặc Pháp. Được tin đó Tôn Thất Thuyết vội phò vua và tam cung ra Quảng Trị. Vì tuổi cao tác lớn và lâu nay sống trong cung cấm nhàn hạ đã quen, nay trên đường bôn tẩu, các bà đã phải trải qua những mệt nhọc chưa từng thấy, nên tới Quảng Trị bà Từ Dũ không chịu đi nữa. Lại vừa tiếp được sớ của Nguyễn Văn Tường gởi ra xin rước xa giá và Tam Cung hồi loan.

Không chịu để cho vua Hàm Nghi, linh hồn của cuộc kháng chiến Cần Vương cứu nước lọt vào tay giặc, ông Tôn Thất Thuyết bèn rước vua lên Tân Sở và để mặc Tam Cung lưu lại tại Quảng Trị vì có tin giặc Pháp sắp kéo đến. Ngày 30 âm lịch Nguyễn Văn tường cho người mang sớ ra giục xa giá và Tam Cung mau trở về và cho biết mọi chuyện đã thu xếp xong. Bấy giờ vì vua đã đi đi xa, bà Từ Dũ bèn quyết định trở về kinh, một lần nữa bà Nguyễn Nhược Thị lại theo hộ giá trên bước đường về, lần này đỡ vất vả hơn lúc ra đi. Cuối cùng xa giá cũng trở lại Huế, đến lánh ở Khiêm Lăng (Lăng vua Tự Đức) rồi trở về hoàng cung, chịu sự quản chế của Pháp.

Qua những biến cố dồn dập xảy ra như một cơn ác mộng, bà Nguyễn Nhược Thị lại trở về cuộc sống bình thường nơi cung cấm, kéo lê những ngày tàn bên cạnh bà Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, mặc cho ngoài đời bao nhiêu thay đổi diễn tiếp. Lợi dụng thì giờ nhàn rỗi, bà Nguyễn Nhược thị bèn moi ký ức, ôn lại những việc mình đã tai nghe mắt thấy, lòng cảm biết, chép thành bản trường ca, ghi lại những việc xảy ra trong nội cung mà người ngoài ít ai được biết, cùng những trãi nghiệm trong giờ phút kinh hoàng của đêm kinh thành Huế thất thủ.

Bản trường ca do bà sáng tác mang tên là Loạn dư Hạnh Thục quốc âm ca, sau này gọi tắt là Hạnh thục ca, bằng chữ Nôm, mượn tích truyện vua Đường Huyền Tông ở Trung Quốc bỏ kinh đô, chạy vào đất Thục để tránh loạn An Lộc Sơn (Đường Minh Hoàng tị Lộc Sơn hạnh Thục. * Hạnh là nơi vua lập hành cung), Hạnh Thục ca được viết theo thể thơ lục bát, dài 1036 câu, là một sử liệu vô cùng quý giá. Các sử gia ngày nay phải dùng tài liệu này để phối kiểm với tài liệu của người Pháp để viết về giai đoạn lịch sử bi thảm của dân tộc ta từ khi sau cái chết của vua Tự Đức đến ngày người Pháp đặt vua Thành Thái lên ngôi.

Theo Lệ Thần Trận Trọng Kim nhận xét về Hạnh Thục ca: “Vả lại cái giá trị quyển sách của bà Nguyễn Nhược Thị là không phải ở câu văn, mà ở những tài liệu của bà đã nhặt được để giúp nhà làm sử sau này”

Học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã viết bài nhận định về văn chương trong Hạnh Thục Ca có đoạn như sau: “ Lời văn gọn ghẽ, thanh thoát; cách bố trí minh bạch đường hoàng – Hạnh Thục Ca là một thiên lịch sử có bút pháp Xuân Thu ”.

Như vậy Hạnh Thục Ca có giá trị cả về lịch sử và văn học, có thể nói đây là tác phẩm rất quý hiếm vào cuối thế kỷ 19 ở nước ta. Hạnh Thục Ca có thể chia làm bốn phần như sau:

• Lượt thuật nguồn gốc họ Hồng Bàng nước ta... và qua các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê... Nhấn mạnh đến nhà Nguyễn, nhất là vua Tự Đức.

• Quân Pháp xâm lược nước ta

• Chuyện phế lập ngôi vua, phong trào Cần Vương

• Từ lúc tác giả phò giá trở về kinh đô Huế đến lễ bát tuần của Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ.

Bà mở đầu bằng những câu thơ sau:

Ngẫm câu tạo hóa khôn lường,

Trải xem trị loạn lẽ thường xưa nay.

Thịnh suy thế vận lần xoay,

Non sông như cũ đổi thay khốn cùng.

Ngày nay chúng ta nếu muốn đọc toàn bộ Hạnh Thục Ca, rất dễ dàng chỉ cần tra vào Google là có ngay.

Hiện nay, ngoài tác phẩm Hạnh Thục ca, Nguyễn Nhược Thị còn để lại một ít bài thơ cảm tác bằng chữ Hán, nổi bật nhất là bài thơ Đường luật thể hiện cảm xúc mừng vui khi vào năm Tân Mão (1891), sau bao ngày tang thương dâu bể, lễ Nam Giao đầu tiên được tổ chức lại:

Kỷ tải liêu liêu phong tục di,

Hà kỳ thịnh điểm phục vu ti.

Di cung Thiếu Đế khôi tiền liệt,

Hiệp tán lương thần tục cựu quy.

Sạ đổ y quan phu chúng vọng,

Tái văn chung cổ khỉ nhơn ti.

Cổ lai lễ nhạc duy ban bổn,

Dục trì hoàn ưng dụng Hạ nghi.

Nghĩa là:

Phong tục bao năm chẳng đổi thay

Nước nhà hưng thịnh thấy từ đây.

Trong cung vua trẻ noi gương trước,

Dưới trướng tôi lành giữ nếp nầy.

Áo mão phơi bày đông kẻ nhớ,

Trống chiêng vang dậy lắm người khuây,

Xưa nay lễ nhạc là giềng nước,

Muốn được an dân phải thế nầy.

(Đào Tất Đạt ở Tuy Hòa dịch)

Đến năm Nhâm Thìn, năm vua Thành Thái thứ 4 (1892), để ban thưởng cho những công lao, đóng góp của bà, Thái Hoàng Thái hậu Từ Dũ đã tấn phong cho Tiệp dư Nguyễn Nhược Thị làm Tam giai Lễ Tần, một chức nữ quan dưới hàng Phi.

Đến tháng 11 năm Kỷ Dậu niên hiệu vua Duy Tân thứ 3 (1909), bà Lễ Tần tài hoa Nguyễn Nhược Thị qua đời tại kinh đô Huế, thọ 80 tuổi, lăng mộ đặt tại làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Để viết bài này Chung tham khảo các sách sau:

* Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư.

*Nữ sĩ Việt Nam Tiểu sử và giai thoại Cổ-Cận đại của Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền.

*Bài viết: Giai thoại tuyển phi tần lạ thường của vua Tự Đức của tác giả Lê Thái Dũng

Và những tài liệu khác trên internet.

Vì muốn góp thêm bài viết về các danh nhân tỉnh nhà của anh Đỗ Kim Phụng đã khởi xướng, Chung đã cố gắng góp nhặt thêm chi tiết để cho phần sử liệu của bà Nguyễn Nhược Thị được phong phú hơn, dĩ nhiên bài này vẫn còn nhiều thiếu sót, Chung rất cần những lời dạy dỗ, góp ý từ các Thầy Cô cùng các anh chị trên diễn đàn Duy Tân để Chung đủ can đảm viết tiếp những danh nhân tỉnh nhà.

Cảm ơn anh Đỗ Kim Phụng đã khích lệ em viết bài này.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân