TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Danh nhân tỉnh nhà : ông Nguyễn Nhược Sơn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Danh nhân tỉnh nhà : ông Nguyễn Nhược Sơn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Trần Phước Chung



Ngày tham gia: 13 Mar 2010
Số bài: 164

Bài gửiGửi: Thu Jun 13, 2013 1:34 am    Tiêu đề: Danh nhân tỉnh nhà : ông Nguyễn Nhược Sơn


Danh nhân tỉnh nhà : Ông Nguyễn Nhược Sơn

Nếu đọc qua lịch sử nước nhà, chúng ta biết Ninh Thuận là vùng đất mới, lại ở vào khu vực có khí hậu đặc biệt, nên trước kia số người Việt di cư đến đây lập nghiệp không có bao nhiêu. Những người đầu tiên đến đây phần lớn là binh lính và gia đình của họ. Một số khác là quan chức lúc mãn nhiệm ở lại, hoặc nhân vật có liên quan đến các phong trào Cần Vương thất bại, trốn đến đây ẩn dật.

Dưới con mắt của triều đình Huế, vùng đất Ninh Thuận là nơi ma thiêng nước độc, đồng khô cỏ cháy, dân địa phương còn man rợ, ngôn ngữ bất đồng, nên không mấy lưu tâm đến. Mọi việc mở mang ở đây đều bị xem nhẹ, bằng chứng là về phương diện hành chánh, đất Ninh Thuận đã trãi qua nhiều thay lần thay tên đổi chủ, khi thì thuộc về Bình Thuận, khi thì nhập vào Khánh Hòa, khi thì được gọi là phủ, lúc đổi thành đạo. Vì vậy mà các cơ sở tượng trưng cho nền văn hiến thời xưa như Văn Miếu, Đàn xã tắc v. v... không được kiến tạo.

Khi triều đình coi nhẹ như vậy, tất nhiên dân chúng cũng không mấy người muốn đến đây lập nghiệp, nhất là những danh gia vọng tộc, do đó sự khai hóa dân chúng rất chậm chạp. Việc học hành không được mở mang, không có các bậc danh sư hướng dẫn, dân chúng lại nghèo đói, lạc hậu. Vì xa trường thi như Qui Nhơn, Huế, Vĩnh Long, nên trãi mấy trăm năm trước đây, đất Ninh Thuận không sản sinh được những nhân vật lỗi lạc như ở các tỉnh khác.

Dù vậy trong sử sách nước nhà vẫn có chép tên những người con đất Ninh Thuận đã làm nên những chiến công, để lại cho hậu thế những tinh hoa của họ, góp phần vào nền văn hóa Việt Nam.

Sau đây xin được lần lượt giới thiệu đến các Thầy Cô, các anh chị em đồng môn Duy Tân những danh nhân tỉnh nhà đã lưu danh hậu thế.

Ông Nguyễn Nhược Sơn

Ông Nguyễn Nhược Sơn sinh năm Thái Đức thứ 10 nhà Tây Sơn, tức năm Đinh Mùi (1787) tại làng Đông Giang, xã Đông Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận ngày nay (trước 1975).

Lớn lên theo học chữ Hán, đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821) thi đậu Tú tài, lúc đó đã 34 tuổi, được bổ làm quan chức Hàn Lâm Viện Điển Bộ, hàm Tòng bát phẩm. Thời bấy giờ nhà Nguyễn mới trung hưng, việc văn học còn kém, các bậc khoa bảng chưa được mấy, nên những người đậu Tú tài là đã được bổ đi làm quan rồi.

Sau bảy năm, niên hiệu Minh Mạng thứ 9, ông được thăng chức Lang Trung Bộ Hình, làm việc tại Bộ Hình được 8 năm thì liên tiếp được cử giữ chức Thư Hiệp Trấn tỉnh Nam Định, rồi Án sát tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nội. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) ông được thăng chức Bố Chánh Sứ tỉnh Thanh Hóa. Năm 1838 được phong chức Phụng Nghi Đại Phu Hàn Lâm Viện Thị Độc, hàm Chánh ngũ Phẩm.

Đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840) vì có lỗi bị giáng chức chuyển qua coi việc quân binh tại Trấn Tây Thành, tức là đất Cao Miên (Campuchia ngày nay). Nhưng vì chính sách hà khắc của quan quân ta, dân địa phương nổi dậy khắp nơi như ong vỡ tổ, quân ta đánh dẹp không nổi, nên qua năm sau, Thiệu Trị nguyên niên (1841), nhà vua hạ lệnh rút khỏi Trấn Tây Thành, lui về giữ miệt An Giang, Hà Tiên.

Cùng năm ấy quân Xiêm (Thái Lan) trở lại chiếm đóng Chân Lạp, xui giục dân bản xứ tràn qua quấy nhiễu vùng Vĩnh Tế (An Giang). Tại vùng Lạc Hóa, Trà Vinh có giặc sư Sâm, tổng Công và tên mạo xưng là phò mã Đội tụ tập bè đảng có đến 7-8 ngàn người, cướp phá dân chúng. Quan Bố Chánh Trần Tuyên và quan Tri huyện Hoàng Hữu Quang đi dẹp giặc đều bị tử trận.

Vua Thiệu Trị bèn cử Lê Văn Đức làm Tham Tán, cùng với Nguyễn Tiến Lâm, Nguyễn Công Trứ đem quân đánh dẹp, ông Nguyễn Nhược Sơn có tham gia đạo quân này, kết quả là giặc Lân Sâm và bè đảng bị dẹp yên.

Quan quân chưa được nghỉ ngơi thì tướng Xiêm là Chất Tri (tiếng Thái là Chakri, người Tây Phương gọi là tướng Bodin) mang quân từ Chân Lạp chia làm hai đạo thủy bộ kéo sang đánh phá vùng Thất Sơn, Vĩnh Tế. Lê Văn Đức lại được cử giữ chức Tổng Thống Binh Vụ Đại Thần đi tiễu trừ. Ông Nguyễn Nhược Sơn vẫn ở trong quân ngũ và tham gia chiến trận, tạo được chiến công là phá đồn giặc ở núi Thất Sơn. Nhờ thế ông được phục chức Ngoại Lang Bộ Lại. Sau đó lại được tiến cử giữ chức Hiệp Lý Thanh Tra của bộ Hộ và bộ Hình.

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) ông lại được thăng thọ Hàn Lâm ViệnThị Giảng Học Sĩ, hàm Tòng ngũ phẩm.

Năm vua Tự Đức Nguyên Niên (1847) ông được cải bổ sang chức Lang Trung bộ Công. Thời gian này, người con gái thứ tư của ông (gái út) là bà Nguyễn Nhược Thị được tuyển vào cung sung chức Viện Nghi viên sư.

Tuy vua Tự Đức lên ngôi năm 1847 nhưng mãi đến năm 1849 vua nhà Thanh mới sai sứ sang tận triều đình Huế tấn phong. Ngày xưa việc tiếp rước sứ thần các nước là nhiệm vụ của bộ Công, mà lúc đó ông Nguyễn Nhược Sơn giữ chức Lang Trung, tất nhiên phải lo liệu mọi việc. Bấy giờ sứ thần Trung Quốc là vị đại diện của Thiên Triều, nên sự nghinh tiếp phải hết sức trọng thể và đúng lễ nghi, nếu sơ sót điều gì làm phật lòng sứ thần thì các quan có trách nhiệm đều bị khiển trách, giáng chức.

Trong dịp này không rõ việc đón rước sứ thần nhà Thanh đã có những thiếu sót gì mà quan Lang Trung bộ Công Nguyễn Nhược Sơn bị giáng xuống chức Thừa Biện (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì năm Tự Đức nguyên niên, ông được giữ chức Án Sát tỉnh Nghệ An. Nhưng theo gia phổ họ Nguyễn Nhược ghi như trên có lẽ đúng hơn, vì năm đó ông được cải bổ Lang Trung bộ Công làm việc tại Huế. Cho nên người con gái út của ông là bà Nguyễn Nhược Thị nổi tiếng văn học mới được quan Phục chánh Lâm Duy Nghĩa tiến cử vào cung, nếu ông làm quan ở Nghệ An thì khó mà có việc này xảy ra.) ông chán ngán sự đời và tuổi cũng đã cao, bèn xin cáo quan về quê rồi mất vào năm Tự Đức thứ 4 (1850), hưởng thọ 63 tuổi.

Ông Nguyễn Nhược Sơn là người thông sáng, tính tình khảng khái, gặp việc dám làm dám nói, nên bước hoạn đồ của ông đã phải trãi qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên ông được người đương thời phục là người có hào khí.

Ông sinh hạ được 4 trai và 4 gái. Người trai trưởng là Nguyễn Nhược Hà đậu tú tài rồi mất, người thứ hai và thứ tư mất sớm, người thứ ba là Nguyễn Nhược Châu đậu Tú tài, được bổ Tri huyện Phù Mỹ (Bình Định). Ba người con gái lớn đều có gia thất cả, duy có bà Nguyễn Nhược Thị là con gái út thì được tuyển vào cung như trên đã nói.

Gia đình ông Nguyễn Nhược Sơn đều có văn học, trai gái đều hiển đạt, nên khi ông mất, nhân sĩ trong hạt có phúng điếu câu đối như sau:

Nam giả kế khoa mục, nữ giả thi cung vi, thiên tài quốc thần kiêm quốc thích.

Sanh nhi cận cổ hy, tử nhi hoàn cố thổ, lưỡng gian hoàn phúc điện hoàn nhân.

Nghĩa là:

Trai thì nối nghiệp khoa cử, gái thì hầu chầu trong cung, nghìn năm được tiếng là tôi của nước mà cũng là thân thích nhà vua.

Sống đến gần bảy mươi tuổi (Thất thập cổ lai hy), lúc chết lại được về nơi chôn nhau cắt rốn, cả hai hoàn cảnh đều do phước nhà tạo ra và cách làm người tạo ra.

Theo Nguyễn Đình Tư

Rất tiếc ông Nguyễn Đình Tư không ghi lại mộ phần của ông Nguyễn Nhược Sơn chôn địa phương nào ở Phan Rang dù rằng khi viết về ông Nguyễn Nhược Sơn, ông Nguyễn Đình Tư có gặp và trò chuyện với hậu duệ dòng họ Nguyễn Nhược như ông Nguyễn Nhược Liêm, thậm chí còn tiếp cận và đọc được gia phả của dòng họ Nguyễn Nhược ở Phan Rang Ninh Thuận. Hy vọng một ngày nào đó sẽ có người hoặc con cháu dòng họ Nguyễn Nhược cung cấp thêm chi tiết này, lúc đó chúng ta càng rõ hơn về sự nghiệp của ông Nguyễn Nhược Sơn, người đã sinh ra bà Nguyễn Nhược Thị.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân