TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thiền vị , Đạo vị , Thi vị
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thiền vị , Đạo vị , Thi vị

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
huynh mai



Ngày tham gia: 18 Apr 2012
Số bài: 1556

Bài gửiGửi: Thu May 30, 2013 9:46 pm    Tiêu đề: Thiền vị , Đạo vị , Thi vị


Cung Oán Ngâm Khúc







Xưa nay, nói đến Phật giáo, là nói đến khổ khắc tu hành, trai giới khổ hạnh, có như nói cái gì xả thân diệt dục. Mà nói đến thi ca là nói đến lãng mạn phá giới, có như nói cái gì sống ngoài vòng giới cấm.
Ấy như thế mà lạ lùng thay, trong văn chương Việt Nam đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo trong đó không ít. về nội dung tín ngưỡng, cũng như về hình thức ngoại cảnh.

Lâu nay , đã nhiều lần được nghe các đại đức cao tăng thuyết pháp, được nghe các giáo sư triết học diễn giãng về triết lý cao siêu, về tư tưởng thâm trầm của Phật giáo, và học thuyết nầy đã ảnh hưởng sâu đậm vào vũ trụ quan, nhân sinh quan trong quan niệm tư tưởng, trong văn học nghệ thuật Việt Nam  !tôi chỉ xin nói riêng về một điểm thiền vị trong thi ca Việt Nam mà thôi.

Tôi không định nghĩa thế nào là thiền vị, thế nào là đạo vị, và thế nào là thi vị. Vì làm sao mà định nghĩa cho rõ ràng được một cái gì như có hình có sắc, như nhìn thấy được, bắt lấy được; mà lại cũng như không có màu sắc phân minh, không có bóng hình nhất định, mắt không nhìn thấy, tai không nghe thấy, mà lạ lùng thay nó vẫn có đó, nó phảng phất quanh quẩn đâu đây, nó lảng vảng vẩn vơ trong tâm trí như làn khói trầm hương từ ngàn xa bát ngát, như tiếng hồng chung vọng giữa đêm thanh tĩnh thâm trường.

Làm sao mà định nghĩa được cho rõ ràng cái gì nó đã xâm chiếm tâm hồn ta, có lẽ đã lâu lắm rồi, từ thuở nào mà ta không biết. Nó đã tập nhiễm cho ta thành một tư tưởng suy tư mà ta không dè. Nó đã khiến cho lòng ta yêu thích, một thứ yêu thích không đắm đuối hẳn mà chỉ có một chút say mê, không quyến luyến lắm mà sao không rời bỏ được. Mùi trầm hương đó, tiếng hồng chung đó hình như nhắc cho ta nhớ nhung một tiền kiếp chân thân từ nghìn xưa sâu thẳm. Nếu chúng ta là thi nhân, mà ai lại không thể trở thành thi nhân trong thời khắc huyền ảo thâm trầm như vậy; tự nhiên ta sẽ cất tiếng ngâm nga, để nói lên nổi niềm cảm xúc. Bây giờ, thơ của chúng ta đã có trộn lẫn mùi thiền và mùi đạo ít nhiều trong đó mà chúng ta không dè nữa.

oOo
Người Việt Nam còn ai không thuộc chuyện Quan Âm Thị Kính, và chuyện Vu Lan Bồn tức chuyện Mục Kiền Liên. Hai áng văn đó bản thân đã thành hẳn là Phật truyện diễn ca, cốt chuyện hoàn toàn là sự tích nhà Phật, được coi đó là hai bản kinh rồi. Tôi xin phép lược đi mà không nói đến.

             Cung Oán Ngâm Khúc.

Một áng văn than vãn nỗi oán hờn của một người cung nữ đối với quân vương, đương nhiên là phải tả ra những lạnh lẽo, thê lương nơi cung cấm, nói lên những tiêu điều, vắng vẻ của lòng người, kể lể bao đoạn khổ tình thương của một đời thanh xuân mơn mởn bị giam hãm, bị trói buộc một nơi để làm thú vui chốc lát của người đàn ông, có khi bị lãng quên; suốt đời ước ao chờ được giải thoát. Nội dung đó, nếu như ở ngòi bút của một thi sĩ, văn sĩ tây phương thì họ đã khai thác đề tài trên địa hạt sinh lý, hoặc xét vấn đề theo tâm lý học, phân tâm học, khi tình dục bị dồn nén, bị thiếu thốn.

Ở đây trái lại, tác giả Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều xây dựng ngâm khúc của mình bằng học thuyết nhà Phật:

Ngẫm nhân sự cớ chi ra thế
Sợi xích thằng chi để vướng chân
Vắt tay nằm nghĩ cơ trần
Nước dương muốn rảy nguội dần lửa duyên

Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê

Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Ðường thế đồ gót rổ khi khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô gập ghềnh

Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật
Mói thất tình quyết dứt cho xong
Ða mang chi nữa đèo bòng
Vui gì thế sự mà mong nhân tình

Lãy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.

Đoạn văn vừa kể, có phải y như nghe một đoạn thuyết pháp về sinh lão bệnh tử, về căn quả nhân duyên, mà trong đó có hàm chứa biết bao thi vị.

Ðến đây, chúng ta lại thấy thêm chẳng những tác giả đã thi vị hóa Phật thuyết bằng văn chương, mà còn thi vị hóa triết lý tôn giáo bằng cả câu chuyện cung oán.

Ðọc xong khúc Cung Oán, chúng ta hoát nhiên tỉnh ngộ mà nhận thấy rằng: Trong khoảng vũ trụ bao la, thời gian vô tận, không gian vô cùng nầy, lũ nhân loại chúng sanh kéo dài cuộc sống vô thường, giam hãm kiếp người trong khuôn đào chú, trong vòng chiết ma, lòng vẫn mong mỏi ước ao được có ngày giải thoát cho khỏi kiếp luân hồi, thì vòm trời đất bao la mênh mông này đối với nhân loại chúng sinh cũng có khác gì vòng cung cấm chật hẹp của bầy cung nữ phi tần. Chúng ta nếu đã biết thương xót cho số kiếp đọa đày, duyên phận lao đao của người cung nữ thì chúng ta lại càng phải biết tự thương xót cho duyên phận số kiếp của chúng sinh nhân loại, trong đó có chúng ta lúc nhúc trong khoảng thiên địa gian lạnh lẽo thê lương vô tuyệt kỳ.

Văn thuyết lý thường thì cứng ngắc khô khan, thì văn Cung oán này đã khéo thi vị hóa triết lý, khiến cho đạo lý cũng uyển chuyển nhẹ nhàng linh động theo tiếng nói của văn chương. Thông hiểu đạo lý không cần phải dùng trí não suy tư mà tâm đắc bằng quả tim thông cảm.

                 Lâm Tuyền Kỳ Ngộ và Bích Câu Kỳ Ngộ.

Chúng ta có biết chuyện diễn ca phổ biến trong dân gian là truyện Bạch Viên - Tôn Các.

Truyện kỳ ngộ giữa một đôi kiếp tiên, nàng Bạch Viên và chàng Tôn Các, thác sanh xuống trần làm một thục nữ tu hành, và một nho sinh hay chữ. Hai đàng gặp nhau ở chùa Phi Lai. Vì là duyên Phật kiếp tiên cho nên lúc nào cũng lưu luyến cảnh thiền môn am tự. Ði đâu thì đi, rồi lòng cứ khắc khoải nhớ nhung cảnh mây nhàn gió tĩnh mà trở về.

Cũng thì một cốt truyện Bạch Viên Tôn Các này, hồi thời Lê Trịnh, đã có một tác giả khuyết danh làm thành bản truyện Lâm Tuyền Kỳ Ngộ. Bản này không phải làm lối lục bát diễn ca, là lối văn thịnh hành về thời cuối Lê đầu Nguyễn.

Lâm Tuyền Kỳ Ngộ làm lối thơ bát cú thất ngôn như thơ thời Lê Hồng Ðức, thơ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cả bản truyện gồm trên 140 bài bát cú. Văn chương nhẹ nhàng thanh thoát. Gần phân nửa số bài thơ dành để ca ngợi cảnh trí thanh bình u nhã của nhà chùa.

Nhờ lối trang nghiêm thanh nhã của thơ Nôm Ðường luật, nhờ chân thân tiên phong đạo cốt của tác giả, mà suốt tác phẩm Lâm Tuyền Kỳ Ngộ như bàng bạc một khí vị hư ảo u huyền, siêu phàm thoát tục. Bất cứ trích đọc một câu nào chúng ta cũng thấy lời thơ thanh thản lâng lâng.

Gió trúc đưa hương dâng bệ Phật
Cầm thông giòng kệ nức am tuyền
Nước non khuyến sách say mùi đạo
Hoa cỏ đưa tăng tới cửa thiền.
Khuya sớm lân la ngoài ngọn trúc
Hôm mai gặp gỡ dưới am tuyền
Ðêm thanh lắng kệ nương xem nguyệt
Ngày vắng nghe kinh náu bóng hiên
Hương dâng ngày những vừng ô xế
Kệ tụng đêm thâu bóng thỏ tà
Cửa độ ước ao công đức vẹn
Thuyền từ mong mỏi tháng ngày qua.

Trích dẫn cho toàn tập Lâm Tuyền Kỳ Ngộ:

Vẳng vẳng bên tai tiếng pháp chung
Phi lai trông đã cách bờ sông
Gió sầu đòi đoạn bay con trúc
Mây thảm ghe phen gác bóng tùng
Thương khác xa xôi nên lận đận
Tưởng người ly biệt luống long đong
Buồn chung ai để sầu riêng ấy
Biết nỗi này chăng khách má hồng.

Ðã Nói đến Lâm Tuyền Kỳ Ngộ thì phải nhắc đến một chuyện kỳ ngộ khác. Ðó là truyện Bích Câu Kỳ Ngộ. Câu chuyện hoàn toàn Việt Nam, xảy ra trên đất nước Việt Nam. Ðây là thiên diễn ca, một trong sáu truyện trích trong bộ Truyền kỳ mạn lục. Bích Câu là tên một phường của 36 phường trong thành Thăng Long xưa, thuộc về làng Yên Trạch, huyện Thọ Xương; vùng Văn miếu Hà Nội. Cũng như Lâm tuyền kỳ ngộ, là duyên gặp gỡ lạ lùng, giữa một tiên nữ đa tình và một thư sinh lãng mạn. Gặp nhau ở hội chùa Ngọc Hồ. Chính bản thân câu chuyện đã cũng nên thơ rồi. Chuyện là chuyện tiên thì thơ tự nhiên cũng phải là thơ tiên. Tôi xin tạm trích đoạn tả cảnh Bích Câu và hội chùa:





Thành tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
Ðua chen Thu cúc Xuân đào
Lựu phun lửa Hạ mai chào gió Ðông
Xanh xanh dãy liễu ngàn thông
Cỏ lan lối mục rêu phong dấu tiều
Một vùng non nước quỳnh dao
Phất phơ gió trúc dập dìu mưa hoa...

oOo

Ngọc Hồ có đám trai tăng
Nức nô cảnh Phật tưng bừng hội tăng
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngổn ngang mã tích sa trần thiếu ai
Thưởng Xuân, sinh cũng dạo chơi
Thơ lưng lưng túi rượu vơi vơi bầu
Mảng xem cây phạm thú mầu
Vừng kim ô đã gác đầu non tê
Tiệc thôi ai nấy cùng về
Gió chiều lay bóng hoa lê la đà
Bên cầu đàn lũ năm ba
Trần tiên trước mắt ai là kẻ hay
Sinh vừa tựa liễu nương cây
Lá hồng đâu đã thôi bay lại gần ...
Thấy người trước cửa tam quan
Theo sau ba bảy con hoàn nhởn nhơ
Lạ lùng con mắt người thơ
Hoa còn phong nhụy trăng vừa tròn gương...
Khách rằng trong hội Vô già
Cửa không ngàn giác đấy là từ bi...
Giọng kiều nghe lọt bên tai
Ðã gần bể sắc khôn vơi sóng tình
Thưa rằng chút phận thư sinh
Ðèn từ soi đến tấm thành với nao
Kỳ viên nở hẹp hòi sao
Mở đường phương tiện chút nào được chăng?...
Bè từ có hẹp chi ai
Dốc đem thuyền giác độ người bến mê
Ngán cho bên cõi Bồ đề
Phải đường ong bướm đi về đấy sao...
Rằng đây lần xuống mê tân
Tiền duyên xin để kim thân tu đền
Ba sinh chưa vẹn mười nguyền
Nhờ tay kim tướng đưa duyên xích thằng
Gậy linh mượn phép cao tăng
Phá thành sầu khổ cho bằng mới cam...
Người còn gợi gió cợt mây
Gót tiên khách đã trở giày làm thinh
Ngóng theo đến Quảng Văn đình
Bóng trăng trông đã trên cành lướt hoa
Ơn lòng nhắn liễu thăm hoa
Biết đâu sắc sắc vẫn là không không
Thoát thôi lẫn bóng ngàn thông
Hương trầm còn thoảng cánh hồng đã khơi.

           Thuở học trò đang thời say đắm, say đắm nghĩa lý văn chương và say đắm danh lam thắng cảnh. Ðọc truyện Từ Thức, đọc truyện Bích Câu, lòng cứ đinh ninh hễ đến hội chùa thì thế nào cũng gặp được những nàng tiên đẹp giáng trần.

              Hiện nay hội chùa có thường và có nhiều, không biết các cậu bây giờ có những mơ ước dại dột nên thơ đó nữa hay không.

Ðông Hồ           (Sưu tầm)

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hình Ảnh Việt Nam Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân