TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tâm Sự góc sân trường
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tâm Sự góc sân trường

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 10:18 am    Tiêu đề: Tâm Sự góc sân trường

DIỆU HUYỀN thân mến,

Trước hết, tôi có lời thăm cô và gia quyến mạnh giỏi.Lâu quá mới liên lạc được với cô, vì tôi thay đổi e-mail và lại bận việc. Mong cô thông cảm. Hôm nay (sau rất nhiều tháng) tôi mở Duy Tan và thấy anh Lê Thanh Vân bịnh nặng.

Tôi quá vui mừng khi biết được anh Vân vẫn còn sống sau 41 năm xa cách. Anh và đứa con đang chăm sóc lại ở Long Hồ (Vĩnh Long), tức cách tôi 40 km.  Tôi bèn liên lạc với anh (qua con anh) và rất mừng vì anh nhận biết tôi. Tôi xúc động lắm, vì anh với tôi đã từng ngủ chung nhau ăn cùng mâm khi còn ở Phan Rang (quãng năm 1962, tôi học đệ tứ, anh học đệ nhị). Anh là bà con rất xa với tôi. Sau đó, tôi liên lạc với anh Lê Hữu Phúc (ở SG) để báo cho anh ấy mừng, vì còn có tôi ở Cần Thơ, gần anh Vân lắm. Tôi có xe riêng nên đến anh cũng dễ.  Có lẽ mai hay mốt tôi sẽ đến anh sau khi sắp xếp công việc.  Tội nghiệp anh Vân quá. Cảm ơn DH. Nếu không có diễn đàn DT làm sao tôi biết được anh Vân, người mà tôi mong mỏi gặp lại.  Anh khóa 15 Thủ Đức, tôi khóa 1/69 Thủ Đức.

Chắc DH còn nhớ tôi mà : tôi có bài gửi đăng trên đặc san Duy Tân (Hoài Niệm về Ngôi Trường Cũ : Duy Tân 1963-1966).

Từ nay trở đi, tôi cố sắp xếp thời gian để theo dõi trang Duy Tan, cô ạ.

Chân thành cảm ơn DH lắm.

Cần Thơ, April 23rd 2013
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 10:32 am    Tiêu đề:

Anh Phụng kính mến,

Làm sao DH quên anh được một nhân tài của Duy Tân. Bài Hoài niệm vê ngôi trường cũ Duy Tân  1963- 1966 của anh đã được đăng trên đặc san Duy Tân 2010 .
Nhờ lần liên lạc với đó anh có gởi cho anh Mai Thọ những tấm hình anh chụp với thầy Nguyễn quảng Tuấn .
Rất mừng anh gặp lại anh Vân. Mong anh vào Duy Tân và đóng góp cũng như chia sẻ những kiến thức uyên bác của anh cho gia đình DT
Cho DH và gia đình Duy Tân gời lời thăm anh Vân mong anh chóng lành bệnh .
Chúc anh và gia đình vạn sự an lành và thịnh vượng

_________________



Được sửa bởi DIEU HUYEN ngày Sat May 04, 2013 11:22 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 10:34 am    Tiêu đề:

Diệu Huyền mến,

Cảm ơn DH hồi âm nhanh quá. Thấy DH giúp luôn các trường khác của tỉnh nhà tôi vui lắm. Tôi sẽ đóng góp bài khi rảnh nhé.
Trước mắt tôi sẽ gửi 01 bài về trường Nguyễn-Công-Trứ (1959-1963) ; còn Duy-Tân thì có rồi (1963-1966) và đã đăng lên tập san Duy-Tân rồi. Tôi cũng thấy Mai-Hữu-Thọ cũng bỏ công sức ra nhiều lắm cho Duy-Tân.

Sau này nếu tôi có gửi bài thì có lẽ là những bài dịch từ Anh ra Việt liên quan đến triết học Ấn-Độ (the Vedantic philosophy) đặc biệt là của đại-sư Swami VIVEKANANDA (1863-1902), mà ở bang California có 1 trung-tâm của Ngài gọi là RAMAKRISHNA-VIVEKANANDA CENTER.
Vì tôi đang hành-trì theo phái VEDANTA , một trong 6 hệ-phái chính-thống của Ấn-Độ. Lý-thuyết và thực-hành của phái Vedanta rất được nhiều bậc thức-giả nổi tiếng thế-giới hành-trì, trong đó đáng lưu ý nhất là GS MAX MULLER (1823-1900), người đã có công khám phá các bản kinh tiếng Phạn (Sanskrit) của Phật-giáo Đại-thừa (Buddhist Mahayana), nhưng ông lại theo phái Vedanta.

Như DH biết, trước 1975 tôi học ngành Triết (Triết-Học Đông-Phương, Occidental Philosophy) nhưng tôi chỉ chuyên về triết Ấn (Indian philosophy).  Chính nhờ hành trì theo phái Vedanta nên tôi còn đủ sức sống tâm-linh (spritual power) sống đến bây giờ trong cái xã-hội Việt-Nam hiện nay.

Thân chào.  Chúc DH an khang và nhiều tài lộc.

ĐỖ KIM PHỤNG
Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 10:35 am    Tiêu đề:

Thư ĐÍNH CHÍNH,

Vừa viết cho DH xong, mới nhớ tôi viết lầm (ORIENTAL philosophy) chứ không phải Occidental. Cứ nhớ cậu em họ tôi TRẦN NHỰT TÂN , nó học triết Tây-phương (Occidental philosophy) mà cứ lộn mấy ông triết-gia Tây chỉ nói mà không hành, khác với Đông-phương. Cho nên các thầy dạy triết Đông của tụi tôi ở ĐH Văn Khoa Saigon cứ dặn tụi tôi rằng : hãy gọi là Đạo-Học Đông-Phương chứ đừng dùng chữ triết-học Đông-Phương.  

Vì sao vậy ?  Vì, thầy tôi nói như sau : TRIẾT- HỌC TÂY-PHƯƠNG KHÔNG BAO GIỜ NHẬN RÕ CÁI GIÁ-TRỊ CỦA HÀNH-TRÌNH TU-CHỨNG.  HỌ ĐI VÀO THẾ-GIỚI TRIẾT VỚI MỘT TINH-THẦN HỌC-GIẢ HƠN LÀ HÀNH-GIẢ; THÀNH THỬ HỌ BỊ KẸT TRONG VÒNG PHONG-TỎA CỦA Ý-THỨC-HỆ. Thầy tôi đã chết 1998; thầy là người đã đắc đạo, là bậc đã giải-thoát (LIBERATED MAN) tiếng Phạn gọi là JIVANMUKTA. Thầy tôi khác với nhiều người,như Nguyễn Hiến Lê chẳng hạn sau 1975 còn viết cho đến gần chết. Thầy tôi từ sau 1975 Ngài (tôi gọi bằng Ngài mới xứng đáng) ẩn tu không bao giờ lên tiếng : đời sống tâm-linh của thầy thật khủng khiếp. Thầy mất lúc thầy 91 tuổi tây .  Thầy đã để lại gương sáng cho bọn tôi.

Thân mến,


DKP
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 10:38 am    Tiêu đề:

Anh Phụng ,
DH rất mong nhận bài của anh  .Trang Nguyễn công Trứ đang chờ anh đó .
DH rất mong  anh đóng góp những nghiên cứu của anh VEDANTA váo trang Tâm Linh trên web .DH đồng ý với anh Tây Phương họ không hiểu giá trị của HÀNH-TRÌNH TU-CHỨNG  họ luôn hoài nghi nên chỉ được ...đứng xa mà nhìn với thái độ một học giả ngàn đời ...
Chúc anh an vui và hạnh phúc
Kính

Anh Thọ rất nhiệt tình với D Tan anh ấy gần xếp hàng đầu post bài rồi đó

_________________

Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 10:42 am    Tiêu đề:

DIỆU HUYỀN thân mến,

DH hồi-âm lẹ quá. Bây giờ ở Cần-Thơ là 07:00PM , sau khi săn sóc cho vợ xong ,mình viết vài dòng cho DH vậy.
Bài viết về trường bán-công Nguyễn-công-Trứ, minh có gửi đăng trên tập-san liên-trường Ninh-Thuận (anh Trần Thy Vân chủ biên) số 3 Hè 2007, với tựa đề "TRƯỜNG XƯA MẤT DẤU" (cũng do các cựu học-sinh Nguyễn công Trứ gợi ý thôi, chứ trước đó mình chưa biết tập-san này; từ đó đến nay mình cũng không biết tập-san giờ ra sao nữa !). Thấy DH lo cho Duy-Tân rồi bây giờ là các trường củ Ninh Thuận, mình mừng và cảm phục lắm. Người phụ-nữ như DH mình ngả nón chào : ngoài công sức bỏ ra cho Duy-Tân, DH còn có cái TÂM, caí tấm lòng TỪ-BI nữa (tìm cách giúp đỡ cho nhau những đồng-môn gặp nghịch cảnh).

Xin tặng DH 04 câu thơ sau đây của 01 thánh-nhân :

Trăm năm trước thì ta chưa có,
Trăm năm sau có cũng như không .
Cuộc đời sắc sắc không không,
Trăm năm còn lại tấm lòng TỪ-BI.

Và 01 đoạn văn sau đây nữa cũng của một thánh-nhân Việt-Nam (mình muốn gửi đến tặng DH vì DH đã làm tốt cho những đồng-môn DT vốn đang gặp khó khăn  tạo cho họ có niềm HI-VỌNG vậy) :

CHẤM NÀY NỐI TIẾP CHẤM KIA; NGÀN VẠN CHẤM THÀNH MỘT ĐƯỜNG DÀI.
PHÚT NÀY NỐI TIẾP PHÚT KIA; MUÔN TRIỆU PHÚT THÀNH MỘT ĐỜI SỐNG.
CHẤM MỖI CHẤM CHO ĐÚNG ĐƯỜNG SẼ ĐẸP. SỐNG MỖI PHÚT CHO TỐT ĐỜI SẼ THÁNH.
ĐƯỜNG HI VỌNG DO MỖI CHẤM HI-VỌNG. ĐỜI HI-VỌNG DO MỖI PHÚT HI-VỌNG.

Hẹn thư sau.  Chúc DH vui khỏe mãi.

Thân ái,
ĐỖ KIM PHỤNG (Vidyaratna)

PS : Thư sau mình sẽ nói về DIVINE MOTHER (Thánh-Mẫu), hay còn gọi là Bà Mẹ Vũ-Trụ mà tôn-giáo nào cũng có tuy danh xưng khác nhau. Mẹ nào cũng thương con, phụ nữ nào cũng có lòng từ-mẫn; bởi thế Sư-Phụ tôi (Guru) độc thân và lúc nào cũng kính lạy phụ-nữ, vì Ngài thấy người nữ nào cũng có hình ảnh của Thánh-Mẫu. Vợ tôi bệnh Alzheimer, tôi chăm sóc cho bà không để ai làm cả, mặc dù rất là vất-vả; vừa làm việc vừa lo cho bà : tôi coi bà như Thánh-Mẫu. Guru của tôi lúc nào cũng ban năng-lượng của Ngài cho tôi, nên tôi thấy việc làm của tôi cho vợ tôi như tập thể-dục và khi đêm về nằm xuống thấy lòng lâng lâng nhẹ nhàng như rơi vào một cảnh Trời nào đó vậy. Guru nói : sau lưng con còn có ta và trên đầu con còn có Guru của ta (tức acharya) , con ạ. Con sẽ nhận được thành-quả tốt ngay trong kiếp hiện-tại này , con ạ.
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2013 12:07 pm    Tiêu đề:

Anh Phụng kính mến,

"CHẤM NÀY NỐI TIẾP CHẤM KIA; NGÀN VẠN CHẤM THÀNH MỘT ĐƯỜNG DÀI.
PHÚT NÀY NỐI TIẾP PHÚT KIA; MUÔN TRIỆU PHÚT THÀNH MỘT ĐỜI SỐNG.
CHẤM MỖI CHẤM CHO ĐÚNG ĐƯỜNG SẼ ĐẸP. SỐNG MỖI PHÚT CHO TỐT ĐỜI SẼ THÁNH.
ĐƯỜNG HI VỌNG DO MỖI CHẤM HI-VỌNG. ĐỜI HI-VỌNG DO MỖI PHÚT HI-VỌNG. "

Mong là Duy Tân sẽ mãi mãi là những chấm Hi-VỌNG ...

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòa núi cao

Diệu Huyền cám ơn anh rất nhiều nhưng, thật sự Diệu Huyền không có làm gì cả nếu không có các bạn Duy Tân nên DH khônng dám nhận những lời khen của anh.

Xin gởi đến tặng lại cho tất cả mọi người đã có tấm lòng và bỏ công sức để vun sới và ấp ủ tình Duy Tân muôn thuở....

Mong rằng "Chấm này nối tiếp chấm kia ...." những thế hệ em,con, cháu chúng ta sẽ tiếp nối hành trình giúp đỡ và mang đến cho người người những CHẤM HI-VỌNG

Những việc làm đáng kính của anh mong sẽ lưu lại và Ngài sẽ chứng cho anh

Chúc anh vui khỏe an lạc và hoàn thành sứ mạng

PS: Liên Trường không sinh hoạt nữa, DH không nghe tin tức gì cả dù vẫn gởi email thường xuyên cho anh Thy Vân.

_________________

Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Sun May 12, 2013 12:41 am    Tiêu đề: TÚ-TÀI TOÀN PHẦN


DIỆU-HUYỀN thân mến,

Trước là thăm DH khỏe mạnh, sau là xin phép DH được hoãn lại bài về trường THBC Nguyễn-Công-Trứ, thay vào đó là một bài khác (vì sắp tới tháng 10 kỷ niệm 60 năm ngày Trường Duy-Tân chúng ta chào đời); Nhờ DH xem lại rồi tùy DH cho post lên mục nào tùy ý, vi DH là Editor-in-Chief mà, phải không ? Nói cho vui vậy thôi, ai mà không yêu mến DH.

Tôi viết về 02 phần để cho hậu-duệ của tụi mình ghi nhớ .

1- Bằng TÚ-TÀI TOÀN PHẦN ĐƯƠNG NHIÊN niên-khóa 1965-1966

Theo trí nhớ của tôi, niên-khóa 1965-1966 Bộ Văn-Hóa Giáo-Dục và Thanh-Niên có tổ chức một kỳ thi gọi là : Tú-Tài Toàn Phần Đương Nhiên dành riêng cho các học-sinh lớp Đệ-Nhất với tất cả các môn đã học , tức là : Toán, Vạn Vật, Lý-Hóa, Sử-Địa, Anh-văn, Pháp-Văn, hình như không có môn : Triết và Công-Dân Giáo-Dục thì phải (nếu quí vị nào còn nhớ bổ sung thêm nhé !)

Đặc-điểm của kỳ thi này như sau :

- Thi trước ngày thi khóa I của Tú-Tài toàn phần (hay còn gọi là Tú-Tài phần II. Hồi đó, ngày thi Tú-Tài II là 22-6-1966 được tổ chức tại 03 hội-đồng : Huế, Nha-Trang và Sài-Gòn). Hình như ngày thi của Tú-Tài Toàn Phần Đương Nhiên vào khoảng tháng 4 hay đầu tháng 5/1966 gì đó (quí vị nào còn nhớ thì bổ sung thêm).

- Mỗi học-sinh có quyền ghi tên thi 01 hay 02 môn tối đa (vì phụ thuộc vào thời-gian thi). Học-sinh nào muốn thi Tú-Tài Toàn Phần Đương Nhiên phải là : đứng đầu môn đó qua 02 kỳ thi đệ I và đệ II bán niên (gọi là lục-cá-nguyệt) và xếp thứ hạng trong lớp phải từ thứ Nhất đến thứ Tư. Ví dụ, bạn muốn thi môn Vạn-Vật bạn phải đứng nhất môn này trong 02 kỳ thi đệ I và đệ II bán niên và bạn phải có thứ hạng cuối năm ít nhất là thứ tư. Nghĩa là nếu bạn dù có đứng nhất môn Vạn-Vật mà lại xếp hạng 5 trong lớp thì không được. Do đó, kỳ thi này dành riêng cho các học-sinh ưu-tú nhất của nhà trường (hình như dành cho các học-sinh trường công-lập thì phải, lâu quá không nhớ).

- Bài thi làm trong 06 tiếng đồng-hồ (cho đem theo đồ ăn).

- Đề thi bao quát toàn bộ chương-trình từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Nhất .

- Muốn được trúng tuyển, bài thi phải có điểm ít nhất là 14/20 (thời đó điểm tối đa là 20/20 và điểm trung-bình là 10/20). Nếu bạn được 13.50/20 và người duy nhất trên toàn quốc có số điểm cao nhất của môn đó thì bạn vẫn không được trúng tuyển !


- Và, một khi được trúng tuyển, ngoài tấm bằng TÚ-TÀI TOÀN PHẦN ĐƯƠNG NHIÊN bạn còn có 02 đặc ân nữa là : 1) Khỏi phải thi bằng Tú Tài II. 2) Được Chánh-Phủ cấp học-bổng toàn phần du-học tại một trong các nước Anh, Pháp, Hoa-Kỳ, Gia-Nã-Đại (Canada) do bạn chọn.

Xem qua các đặc-điểm như trên quả là thật vinh-dự cho học-sinh nào trúng tuyển Tú-Tài Toàn Phần Đương Nhiên, phải không quí bạn. Hình như chỉ có niên-học 1965-1966 là có kỳ thi này thôi.

Người có sáng-kiến cho kỳ thi này là Tổng-Trưởng Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục thời đó (bấy giờ gọi là Tổng Ủy-Viên Văn Hóa Giáo-Dục của chánh-phủ Nguyễn-Cao-Kỳ) là một vị giáo-sư tài-năng  kiêm học-gỉa nổi tiếng : GS TRẦN NGỌC NINH, giáo-sư Thạc-sĩ Y-Khoa Đại-Học Y-Khoa Sài-Gòn.

Ở đây xin mở thêm một dấu ngoặc để nói về văn-bằng Thạc-sĩ và Tiến-sĩ thời chế-độ Cộng-Hòa : Hồi đó đa số các giáo-sư luật-khoa và y-khoa Sài-Gòn đều xuất thân tại Pháp . Hệ-thống văn-bằng của Pháp sau Cử-Nhân (Licencié) là : Cao-Học (Diplôme d'Etude Superieur) Tiến-sĩ đệ-tam-cấp (Doctorat du troisième cycle), Tiến-sĩ quốc gia (Doctorat d'Etat) và Thac-sĩ (Agrégé) ; Thạc-sĩ có 02 loại : thạc-sĩ đại-học (Agrege de l'Universite) và Thạc-sĩ chuyên-khoa (Agrege des Facultes).  Thac-sĩ đại-học thấp hơn Tiến-sĩ quốc-gia, Thạc-sĩ chuyên-khoa cao hơn Tiến-sĩ quốc-gia; nghĩa là phải có tiến-sĩ  quốc-gia rồi mới được dự thi Thạc-sĩ chuyên khoa.  Tuy nhiên, chỉ có 02 ngành y-khoa và luật-khoa mới có thêm văn-bằng Thạc-sĩ chuyên-khoa . Vì thế thời đó, ở VNCH rất hiếm Thạc-sĩ chuyên-khoa của Pháp (tính đến thời điểm tôi  bước chân vào đại-học năm 1966.  Luật khoa có : GS Vũ Văn Mẫu (tư-pháp), GS Nguyễn-Cao-Hách (kinh-tế), GS Vũ-Quốc-Thúc (kinh-tế), GS Nguyễn-Văn-Bông (công-pháp); Y-khoa thì nhiều hơn luật-khoa, có : GS Phạm-Biểu-Tâm (lúc đó là Khoa Trưởng Y-Khoa đại-học Saigon), GS Trần-Quang-Đệ (lúc đó là Viện-Trưởng Viện Đại-Học SG), GS Nguyễn Hữu , GS Trịnh-Văn-Tuất, GS Trần Vỹ, GS Trần-Ngọc-Ninh (lúc đó là Tổng Ủy-Viên Văn-Hóa Giáo-Dục), GS TRần Anh, GS Đào Đức Hoành v.v.. GS TRẦN NGỌC NINH là một giáo-sư tài-năng về xương (giải-phẫu chỉnh-hình) và là một học-giả lỗi-lạc với các tác-phẩm : Cơ-cấu Việt-ngữ, Đạo Phật Giữa Chúng Ta v.v..

Trở lại đề-tài, xin nói tiếp : Năm đó (1966) theo trí nhớ của tôi, có 03 người nổi tiếng đậu Tú-Tài Toàn Phần Đương Nhiên là :

* Phạm Toàn Thiện, học-sinh trường Võ Tánh, Nha-Trang , đứng nhất Anh Văn và đứng nhì Pháp-Văn toàn quốc.

* và 02 người nữa mà tôi quên mất tên : 01 người là học sinh trường Phan Châu Trinh , Đà-Nẵng, giải duy nhất về Toán và 01 nữ-sinh trường Ngô-Quyền, Biên-Hòa, giải duy nhất về Vạn-Vật.

Sở dĩ tôi nhớ Phạm Toàn Thiện là vì :

- Giành được 02 giải toàn quốc .

- Anh là người đoạt giải được Bộ Giáo-Dục cử ra đại-diện  đọc diễn văn trước ngoại-giao-đoàn các nước và các vị quan khach Việt-Nam và quốc tế.  Buổi lễ tổ-chức rất long trọng có Thủ-Tướng đến dự (hồi đó gọi là Thiếu-tướng Nguyễn-Cao-Kỳ, Chủ-tịch Ủy-ban Hành-pháp Trung-ương). Có lẽ chánh-phủ muốn phô-trương tuổi trẻ tài năng của đất nước cho bạn bè quốc-tế biết.

- Và, cái mà mọi người đều ngả mũ chào và bọn tụi tôi phải nể-phục Phạm-Toàn-Thiện là anh ứng-khẩu nói (không cần đọc giấy soạn sẵn) luôn bằng 03 ngoại-ngữ : Anh, Pháp và Đức ! Anh chỉ cần nói tiếng Anh thôi, nhưng anh muốn chứng tỏ học-sinh VN chúng tôi là như vậy đấy ! Tất cả ngoại-giao-đoàn đều đứng dậy vỗ tay tán-thưởng .Lúc đó anh cũng như bọn tôi mới 18 tuổi (thế-hệ sinh 1948 và tôt-nghiệp Tú-Tài 1966, thế-hệ của Trịnh-Xuân-Thuận, nhà thiên-văn lỗi-lạc hiện nay ở Hoa kỳ. Và ngay sau đó anh được Thủ-Tướng tặng 100.000 $ (thời đó vàng 01 lượng chỉ có 3000$).

Bây giờ tôi xin nói tiếp, đến 01 tài-năng của trường Duy-Tân chúng ta thời đó (1965-1966) đó là TRẦN KHÁNH PHỤNG. Anh học chung lớp Đệ Nhất A (ban Vạn-Vật) với tôi. Hôi đó Duy-Tân chỉ có 02 lớp đệ nhất (đệ nhất A và đệ  nhất B). Tôi nhớ anh là vì anh học Duy-Tân chỉ 01 năm đệ nhất thôi (vì anh theo ba anh được bổ-nhiệm Giám-đôc Trung-tâm Nha-Hố) và lúc đó tôi đứng đầu lớp Đệ Nhị (1964-1965). Lên lớp đệ nhất tôi tưởng tôi cũng sẽ  vậy; nhưng không ngờ Khánh Phụng giỏi quá, giỏi hơn tôi nhiều. Tôi chỉ lấy  04 ví dụ này thôi :

1- Mới vào ngày tựu trường đầu tiên lớp đệ Nhất  gặp thầy ĐOÀN LU (môn Toán) ông hỏi anh nào còn nhớ hết công-thức lượng-giác lớp đệ nhị không. Trời đất, thi Tu-tài I xong rồi ai mà con nhớ cho nổi. Thầy hỏi tôi, tôi lắc đầu. Bỗng một học sinh mới vào đứng dậy giơ tay, thầy Đoàn Lu kêu lên bảng chép ra . Anh ta làm cả lớp đệ nhất nể-phục, anh chép hết toàn bộ công-thức lượng-giác của lớp đệ nhị ngập luôn cả 02 tấm bảng đen của lớp học. Đó  là Trần Khánh Phụng. Thầy LU khen nức nở (Thầy LU là chồng của cô Hồng, giáo-viên tiểu-học. Không biết thầy Đoàn Lu bây giờ ở đâu ? Thầy Lu hút thuốc dữ lắm, và tánh rất thành-thật, hay đùa giỡn với bọn học-sinh chúng tôi).

2- Anh đứng đầu lớp từ đệ thất đến đệ nhất (và môn nào cũng đứng đầu; học-bạ của anh nên để vào bảo-tàng Duy-Tân thì hay biết mấy !). Và ngay lớp đệ nhất môn thi nào (dĩ nhiên là anh đứng nhất rồi) điểm của anh cũng từ 16/20 trở lên, đa số là 17/20 và 18/20 và anh bỏ xa người thứ nhì từ 3 đến 4 điểm; trong khi người thứ nhì hơn người thứ 3 chỉ  nửa hay 1 điểm thôi !

3- Anh được nhà trường (lúc này là thầy Đặng Vũ Hoãn làm hiệu-trưởng)  chỉ-định đi thi môn Vạn-Vật bằngTú-Tài  toàn phần đương nhiên 1966 (do GS TẠ-VĂN-PHÚC đề-cử). Tôi còn nhớ : khi anh đi thi về, bạn bè và thầy Phúc hỏi thăm về kỳ thi. Anh nói : đề ra có 03 từ thôi : CHẤT GLUCOSE. Nên nhớ đề thi Tú Tài Toàn phần đương nhiên bao trùm lên toàn bộ chương-trình các lớp từ đệ thất đến đệ nhất   Thầy Phúc hỏi : anh viết được mấy trang ? Khánh-Phụng nói : "Dạ, 12 trang."  Bọn tôi reo lên : Trời, mày giỏi quá vậy. Tụi tao không viết nổi 01 trang đâu! Thầy Phúc nói "Hi-vọng đấy."  Vậy mà Khánh Phụng không đậu. Thế mới biết cái cô nào đó của trường Biên-Hòa đậu Vạn  Vật rất ư là trội bật (oustanding), phải không các bạn.

4- Anh là người duy nhất của trường Duy-Tân được Tổng-Thống (lúc đó gọi là Trung-Tướng Nguyễn-Văn-Thiệu, Chủ-tịch Ủy-ban Lãnh-đạo Quốc-gia) ban cho : PHẦN THƯỞNG DANH-DỰ TOÀN TRƯỜNG (tôi nhớ hình như là bộ bách-khoa từ-điển-encyclopedia britanica hay america gì đó, có con dấu nổi rất lớn và chữ ký của TT  Thiệu. Lễ phát thưởng có trung-tá tỉnh trưởng chủ tọa và đích thân trao phần thưởng cho Trần Khánh Phụng; vinh-dự lắm. Năm đó hình như chỉ có trương Duy-Tân là được vinh-hạnh này, có lẽ TT Thiệu là người Ninh-Thuận.

Ôi ! dài quá hả DH.  Bây giờ nhờ DH lên post hỏi thăm TRẦN KHÁNH PHỤNG đang ở đâu, rất mong được gặp lại; vì sau khi thi tú-tài , biết kết-quả : Trần Khánh Phụng, đậu hạng BÌNH,và tôi, hạng BÌNH-THỨ, thì mỗi người mỗi nẻo ...

Chúc DH vui khỏe mãi để phục-vụ trường Duy-Tân chúng ta.
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Mon May 13, 2013 6:42 pm    Tiêu đề: GS TRẦN NGỌC NINH - GS ĐOÀN LU

Anh Phụng thân mến,

Diệu Huyền đã post trên mục nhắn tin tìm anh Trần Khánh Phụng hy vọng chúng ta sẽ có tin tức về anh Trần Khánh Phụng sớm .
Thầy Đoàn Lu cũng là Giáo Sư dạy môn toán của DH. Thầy rất giỏi, nghiêm nghị, cao ốm và đẹp trai, hồi đó thầy thường đi dạo phố bên cạnh cô Hường đúng là một cặp trai tài gái sắc. Vợ thầy Lu là Nguyễn thị Hường cùng các con đang được định cư tại tiểu bang CA, tỉnh San Jose, nước Mỹ. Cô Hường có tham dự đại hội Duy Tân và tour du lịch của DT năm 2009. Thầy Đoàn Lu đã qua đời nhiều năm rồi.  

Trong thư anh có nhắc đến GS TRẦN NGỌC NINH, giáo-sư Thạc-sĩ Y-Khoa Đại-Học Y-Khoa Sài-Gòn. Đây là một GS Bác sĩ giỏi nỗi tiếng tại Saigon chuyên môn về mỗ xương. Năm 1972 trong một chuyến lái xe từ Saigon về Phanrang đi đến Cà Ná ,Ba của Diệu Huyền bị tại nạn Bác sĩ Ninh đã làm phẩu thuật nối ghép xương bắt mấy cái ốc vào chân của ba Diệu Huyền trong tình trạng ông cụ vừa bị tiểu đường vừa cao máu. Qua mấy chục năm rồi nếu không để ý không ai thấy chân cụ đi hơn khác thường, bây giờ ông cụ đã gần 90 tuổi rồi. Mỗi lần nhớ lại DH vẫn thấy kinh hoàng và thầm cám ơn cũng như thán phục vị bác sĩ đại tài này. Lúc đó vừa đưa lên bàn mỗ bác sĩ bảo ngừng lại và đưa xuống vì lượng đường trong máu cao, người nhà của DH đã vắt nước cam cho cụ uống cho có chất bổ dưỡng đễ đương đầu với case mỗ nguy hiễm. Cũng may là BS Ninh cho thử máu lại trước khi mỗ khi biết Ba DH đang ở thời kỳ tiền tiểu đường.

Cả hai Giáo Sư tài ba mà anh nhắc đến này, đều đã ra người thiên cổ. Có ai trẻ mãi không già, có ai sống mãi không chết. Có sinh có diệt có hoại có tử phải không anh Phụng. Nhưng chết không phải là hết mà chết là một kết nối sau một chuyến du lịch đầy lý thú ...  

Chúc anh vui và an lành
Kính
dhv

Vợ thầy Đoàn Lu Nguyễn thị Hường người mặc bộ đồ màu nâu đứng bên tay mặt hình chụp trước nhà hàng Grand Garden nơi tổ chức đại hội Duy Tân Khung trời kỷ niệm 2009

_________________



Được sửa bởi DIEU HUYEN ngày Mon May 13, 2013 6:55 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Mon May 13, 2013 6:44 pm    Tiêu đề:

Diệu Huyền ,

Cảm ơn DH đã dành cho tôi một mục trong trunghocduytan.com ; như thế bắt đầu từ hôm nay (15 May 2013) tôi sẽ cố-gắng đều-đặn viết bài . Cái này làm tôi nhớ lại trên tạp-chí Phổ-Thông bán-nguyệt-san của Nguyễn Vỹ (1912-1971) vào cuối thập-niên 50 và đầu thập niên 60 của thế-kỷ trước có một tác-giả bút-danh DIỆU-HUYỀN đều đặn có bài trên tạp-chí này ở mục MÌNH ƠI ! . . .  Trong đó tác-giả cung-cấp cho người đọc những điều kỳ-thú trên thế-giới về đủ mọi vấn-đề rất bổ-ích cho kiến-thức phổ-thông, mà hồi đó đang học lớp đệ thất, đệ lục tôi rất say mê; tiếc là bây giờ tôi chẳng còn lại một cuốn nào cả ; vì sau ngày 30-4-1975 tủ sách của tôi ở Phan Rang-Tháp Chàm bị ai đó lấy mất; thời-điểm đó tôi đang học-tập cải-tạo xa quê nhà.  Thật ra Diệu-Huyền của tạp-chí Phổ-Thông chính là Nguyễn Vỹ . Ông cùng còn lấy một bút danh khác nữa là Tân-Phong. Lúc đó mới ngộ ra vì sao nhà văn Nguyễn Vỹ với những bài như vậy lại ký tên DIỆU-HUYỀN (vì các bài đều mang tính-chất kỳ-DIỆU và HUYỀN-bí chăng ?).  Diệu-Huyền của Duy-Tân bây giờ cũng mang lại cho đồng-môn Duy-Tân những điều kỳ-DIỆU; còn HUYỀN-bí thì không biết DH có tin vào những điều huyền-bí của tâm-linh không; chắc là có, phải không. Thế thì hay lắm. Sau này sẽ viết riêng cho DH.

Thôi, trở lại chủ-đề nhé, DH. Tôi sẽ chỉ viết về hai lãnh-vực : Ngôn-ngữ (Science of Languages; không phải liguistics đâu nhé) và Triết-học (Science of Reasoning; không phải philosophy đâu nhé !), còn chính-trị và tôn-giáo tôi không dám đụng đến, vì sao ?  Hãy nghe ALBERT EINSTEIN (1870-1955) nhà bác-học kiệt-xuất của nhân-loại nói "Khoa-học là vĩnh-cữu, chính-trị là nhất thời" ; ông nói câu này khi Do-Thái được lập quốc năm 1948 người dân xứ này khẩn khoản ông về làm lãnh-tụ cho quê-hương, ông không dám nhận lời. Còn tôn-giáo thì khỏi phải bàn, đó là vấn-đề rất nhạy cảm (sensible issue).

Nay bài đầu tiên của tôi mang tựa đề : HÃY DÙNG DẤU NGANG NỐI CHO CÁC TỪ KÉP CỦA VIỆT-NGỮ

Thật ra đã từ rất lâu chúng ta đã quen với lối viết này rồi, chỉ  sau 1975 là thấy mất dạng thôi, và bây giờ ở VN từ báo-chí đến sách giáo-khoa hay khảo-cứu đều không sử-dụng đến nó nữa.

Thêm vào đó lại Việt hóa những từ-ngữ đã có lâu đời rất lạ tai, ví dụ : thay vì hàng-không mẫu-hạm (aircraft carrier) thì lại là : tàu sân bay và mới đây lại còn dùng từ SIÊU tàu sân bay (thay vì nói SIÊU hàng-không mẫu-hạm có nghe hay và xuôi tai hơn không), hoặc thay vì gọi giám-khảo lại là người chấm thi, thay vì giám-thị lại là người coi thi; nhiều lắm kể ra không xiết. Cách Việt-hóa này ngay cả kinh sách (sutra) cũng thấy có chiều-hướng như thế, ví dụ : trong bản in năm 1971 HT Minh Châu (nguyên Viện- Trưởng Viện Đại-Học Vạn-Hạnh) dịch kinh Pali sang Việt-ngữ Trung Bộ Kinh, sau này sửa lại là Kinh Trung Bộ, và Lâm Kinh thì sửa lại là Kinh Rừng v.v..; hay là trong Thành Duy-Thức Luận của ngài Huyền-Trang (600-663) được một vị cao tăng Việt dịch là Luận Thành Duy-Thức , và sở-tri chướng và phiền-não chướng thì Việt dịch là chướng sở-tri và chướng phiền não ! Hết biết !

Hãy nghe đại học-giả PHẠM QUỲNH (1892-1945) nói một câu để đời "TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN, TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN". Ngay từ thời đó, tức là Việt-ngữ đang thời-kỳ phôi-thai mà các vị tiền-bối đã rất chú-trọng đến từ-ngữ (lexicology) và cú-pháp (syntax). Các Ngài luôn dùng dấu ngang nối (hyphen) cho các từ kép có trọn vẹn một ý-nghĩa.

Bây giờ, tôi chỉ có ước mong rằng : hãy trở lại việc sử-dụng dấu ngang nối cho các từ kép.  Vì sao ?

1- Cho thấy sự cẩn-trọng khi viết một từ, một câu .
2- Cho thấy câu văn có cách trình-bày rất đẹp.
3- Tránh sự hiểu lầm.  Ví dụ : nhà-cửa (housing) để khỏi bị nhầm là : nhà và cửa (house & door..) , bóng-đá (football, soccer) để khỏi bị nhầm là bóng làm bằng đá (ball made of stone !); thật ra dùng túc-cầu có hay hơn không ?

Tôi còn nhớ, thầy tôi ở đại-học Văn-khoa Saigon, GS LÊ NGỌC-TRỤ (1909-1979), nguyên giáo-sư diễn-giảng Đạihọc Văn-khoa Saigon, khi giảng về chánh-tả Việt-ngữ thầy có đưa ra một cứ-liệu với bút-tích của Phạm Quỳnh viết ngày 15-4-1922 từ Marseille trong một bức điện-văn (telegraph) về cho phu-nhân chỉ có 4, 5 giòng mà ông đã dùng các gạch nối cho các từ : ái-khanh, An-Nam, vội-vàng, cuộc đấu-xảo. Xin các bạn hãy tìm đọc 03 quyển sau của GS Lê Ngọc-Trụ, nhà ngữ-học kiệt-xuất của nước ta để thấy GS chăm-chút cho tiếng mẹ đẻ như thế nào :

1- Chánh-tả Việt-ngữ (nxb Trường Thi SG, 1960)
2- Việt-ngữ chánh-tả tự-vị (nxb Khai-Trí SG, tái bản 1971)
3- Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam (nxb TP Hồ chí Minh, 1993)

Sau cùng, để chứng-minh cho cách sử-dụng dấu ngang nối đã có từ lâu, xin các bạn hãy tìm đọc lại :

1- Việt-Nam Tự-Điển của Hội Khai-Trí Tiến Đức (nxb Trung Bắc Tân Văn, Hà-Nội 1931, bản in lại của nxb Mặc-Lâm không ghi năm)
2- Việt-Nam Tự-Điển do Lê Ngọc-Trụ hiệu-đính (nxb Khai-Trí , Saigon 1970)
3- Từ-Điển Pháp-Việt Pháp-Chính-Kinh-Tài & Xã-hội của GS Vũ-Văn-Mẫu (Viện Đạihọc Vạn-Hạnh, SG xuất bản 1970)

Và, mới đây trong cuốn DICTIONARIUM ANAMITICO LATINUM (nxb Trung-Tâm Nghiên-cứu Quốc-học, 2004) có bài viết của GS Trần Văn Toàn, nguyên giáo-sư triết-học Viện Đại-Học Huế những năm cuối thập niên1950, và GS Đại-học Lille (Pháp) những năm 1980, khi giới-thiệu cuốn từ-điển này, GS đã dùng hệ-thống ngang nối suốt bài viết của ông năm 2001.

Thư dài quá, xin tạm ngưng ở đây.  Hẹn DH thư sau nhé.

ĐỖ-KIM-PHỤNG (vidyaratna)
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue May 21, 2013 5:58 pm    Tiêu đề:

Anh Phụng ơi,

Anh là người thứ nhì nói về tên Diệu Huyền và nhắc đến về nhà văn Nguyễn Vỹ .

Diệu Huyền là diệu là diệu vi và huyền là huyền bí phải không, hay là Diệu Huyền trái bí tuyệt diệu đó hi..hi....
Trong video phỏng vấn Diệu Huyền về đại hội Duy Tân Khung Trời Kỷ niệm xướng ngôn viên Ngọc Chiệu có hỏi Diệu Huyền về cái tên này .....
nói theo phật giáo thì là pháp danh, theo thiên chúa giáo là tên thánh .

Hẹn anh thư sau[code]

VIDEO NGOC CHIỆU PHONG VAN

_________________

Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Tue May 21, 2013 6:10 pm    Tiêu đề:

DIỆU-HUYỀN thân-mến,

Tối nay thứ Bảy hơi rảnh việc, tôi xin phép nói chuyện với DH nhé (tâm-sự góc sân trường mà !).
Khi đọc thư,  DH có nói ba của DH may mắn được GS Trần-Ngọc-Ninh, chuyên-gia hàng đầu về chấn-thương chỉnh-hình của VN trước 1975, giải-phẫu khi ông cụ bị tai-nạn giao-thông trên đường lái xe về Phan-Rang, và nhờ đó mà ông cụ bây giờ đi đứng vẫn tốt. Thế là tôi thắc mắc không biết thân-phụ của DH là ai mà được đưa đến tận SG và được GS NINH phẫu-thuật; tôi nghĩ chắc ông ta phải là một nhân-vật có thế-lực ở PR lắm mới được chuyên-gia số một về chỉnh-hình  Đông-Nam-Á phẫu-thuật.  Thế là tôi bèn phone cho HIỆP, một thành-viên của trang web Duy-Tân chúng ta, thế-hệ Duy-Tân 1968-1975. HIỆP nói :" Ủa, anh Phụng không biết ba DH sao. Ổng hồi đó là chủ 3 rạp hát lớn nhất của Ninh Thuận." Tôi bèn nói : " Vậy  ổng là con Bà Tổng Hợi hả". Hiệp nói đúng rồi.
Ối, thật hay quá ! Tôi không biết mặt bà Nội của DH, chỉ nghe tiếng thôi. Nhưng rất may tôi có một lần gặp mặt ba của DH. Kể cho DH nghe nhé. Năm đó hình như 1965, 1966 gì đó lâu quá không nhớ, tôi đang đứng đợi lên xe đò để đi PR; lúc đó bến xe Tháp-Chàm là bãi đất trống trước nhà máy gạo của Cô Năm Lợi. (Không biết tại sao gọi bằng cô trong khi bà Nội DH thì gọi là bà. Cái này chắc DH rõ; vì hai người thời ấy đều là "đại-gia" của Ninh-Thuận chưa kể bà (cũng bà nữa, sao không là cô) bà Ngô-Thị-Khiết, nhà máy gạo ở PR.). Lúc đó khoảng 9 hay 10 giờ sáng tôi thấy 1 chiếc Renault (của Pháp) màu đậm, hình như màu tím hay xanh đậm gì đó hường từ PR lên đậu lại gần đó. Ôi ! chiếc xe thật kỳ-diệu. Nó khi dừng hẳn thì chiếc xe hạ xuống với  cái dàn xe gần chạm đất; lạ kỳ quá mới thấy lần đầu. Tất cả mọi người đứng gần đó đều trầm-trồ chiếc xe. Tối-tân thật và đẹp quá. Rồi trong xe bước ra 1 người đàn ông trạc 40 hay gần 40. Ôi, ông ta đẹp trai quá, mặc áo cụt tay, dáng người thật đẹp với mái tóc có vẻ tài-tử. Ông ta bước qua bên kia đường vào tiệm thuốc Tây của Bùi Đức Châu (anh hay em gì đó của Bùi-Đức-Nhã), kế cầu Bảo. Tôi bèn hỏi một ông tài-xế xe đò (tụi tôi đi học PR là đi mấy chiếc đó Peugeot 202 cũ mèm này) ai vậy . Ông ta đáp ngay : Con bà Tổng Hợi . Đấy lần đâu tiên tôi biết mặt "con bà Tổng Hợi" sau đó một vài lần cũng thấy ông nữa. Cái mà làm tôi ấn-tượng nhất là : ông ta đẹp trai quá, giống như tài-tử và chiếc xe của ông sang trọng quá, tối-tân quá !  
Hổng biết tôi nói có đúng không ? Vì lâu quá và chỉ gặp thôi chứ chưa lần nào đối-diện với ông (như mấy thầy Duy-Tân). Bây giờ được HIỆP nhắc lại mới nhớ ra.
Chuyện này làm tôi nhớ  đến 02 cái rạp hát : Việt-Tiến và Thanh-Bình thời trước khi tôi rời PR . Rạp Việt-Tiến chuyên chiếu phim còn Thanh-Bình thường cho các đoàn cải-lương miền Nam mướn.  Rạp Việt-Tiến phía trước treo ảnh của các tài-tử nổi-danh (quãng năm 1960-1961) : William Holden, Marlon Brando, Yul Breiner, Sophia Loren ... Rạp VT sạch-sẽ hơn Thanh-Bình. Năm 1960, 1961 tôi trọ học ở nhà Dì tôi đường Thống-Nhất gần rạp Thanh-Bình nên thường hay thấy các kép hát và cô đào (hồi đó gọi là nghệ-sĩ sân-khấu). Có lần tôi thấy người ta bu quanh một kép hát dáng người thấp, mập, miệng hay cười, tóc chải thẳng đang đi bách bộ ngang qua nhà dì tôi. Tôi hỏi ai đi mà người ta bu quá vậy. Một người nói ngay: "Trời đất, mày không biết hả, ÚT-TRÀ-ÔN đó con." Ôi, nghe tiếng bây giờ mới thấy mặt. Rồi một lần nữa, 01 chiếc xe Peugeot 203 (loại du-lịch) đậu gần chợ PR (hồi đó gọi là Chợ Thị-Xã), một phụ-nữ mặc áo dài tha-thướt buớc xuống xe có tài-xế rieng6u, người ta bu lại; đó là THANH-NGA . Hồi đó, các nghệ-sĩ sân-khấu giàu, nhưng mà hình như chỉ có ThanhNga và Thành-Được là có xe chạy ở PR. Thành-Được hồi đó gọi là KÉP ĐẸP.  Tôi không hứng thú gì mấy ông kép bà đào cải-lương, nhưng phải công-nhận mấy ổng đẹp trai lắm, còn các cô đào cũng đẹp nữa : Thanh-Nga, Út-Bạch-Lan, Thanh-Hương ...
Nảy giờ nói chuyện gì đâu không, mà quên hỏi DH. Nghe DH nói ba còn sống và gần 90 rồi. Vậy cho mình hỏi vài câu nhé, có tọc-mạch không nào .
1- Sao không gọi ông Tổng Hợi mà lại là Bà Tổng Hợi ? Bà Nội qua đời trước hay sau 1975 ?
2- Ba  của  DH lúc này có đẹp lão không ? Thưa với ổng rằng : Có người cùng quê biết ba  lúc thanh-niên đẹp trai lắm. Ông ta bây giờ 65 tuổi rồi nhưng mãi mãi ấn-tượng ba xuống xe Renaut ở Tháp-Chàm . Chiếc xe quá sang-trọng cùng người chủ đẹp trai như tài-tử (tài-tử chứ không phải kép hát nhé!).  
3- Hiện giờ ba của DH có đang sống với con, cháu bên Hoa-Kỳ không ? DH là con thứ mấy của gia-đình ?
Vậy là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, phải không ? Giống đây la2 danh- tiếng (ai cũng biết DH) nhưng con hơn cha là nhà có phúc. DH được nhiều người biết hơn là cha . Ba DH chỉ trong phạm-vi tỉnh NT,  còn DH (nói không phải nịnh đâu nhé) thì GLOBAL nhé. Còn giống cha thì tôi chưa thấy DH chỉ thấy ảnh thôi, nhưng chắc là cũng đẹp khi còn trẻ.
Thôi dài dòng quá.  Hẹn lần sau gửi DH một hai bài viết về ngôn-ngữ và tâm-linh nhé.

Chúc DH khỏe mạnh để các đồng-môn Duy-Tân có nhịp cầu hưởng hạnh-phúc của tuổi già.
Thân ái,
ĐKP
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue May 21, 2013 6:24 pm    Tiêu đề:

Anh Phụng ,
Đúng như là cả gia phả của DH được anh lôi ra hết ...
Nhà DH đang có khách bận lắm nên chỉ trả lời anh vaì câu thôi .
Ông nội DH làm chức Tỗng tên Hợi nên người ta hay gọi lóng như vậy các bạn vẫn thừờng xin lỗi DH khi vô ý gọi tên tộc của ông DH trước mặt DH. Không ai nhắc đến ông nội DH vì ông nội qua đời sớm. Ba má DH và các em đang sống ở CA .
Anh Phụng nói giỏi hơn ba thì DH xấu hổ đến chết không dám đâu, ba DH ngày xưa là triệu phú ở VN còn DH bây giờ là một người tầm thường sống an phận tại một tiểu bang nước Mỹ thôi .Nhưng anh nói nhà có phúc thì cám ơn bề trên đã hộ độ cả đại gia đình của DH đều sống bình yên ở Mỹ.
Các con DH đều lập gia thất, nên người đạo đức và đàng hoàng nếu bằng lòng với số phận thì mọi người đều thành công và hạnh phúc .


Hẹn anh thư sau

_________________



Được sửa bởi DIEU HUYEN ngày Thu Jun 06, 2013 11:43 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Do Kim Phung



Ngày tham gia: 20 Jun 2011
Số bài: 8

Bài gửiGửi: Tue May 21, 2013 6:47 pm    Tiêu đề:

DIỆU-HUYỀN thân kính,
Mình xin lỗi DH nhé. Thấy DH 2, 3 hôm nay không lên tiếng, mình đoán DH chắc là buồn mình rồi.
Đôi khi "quá riêng tư" không được. ....


BÀI KINH SÁM-HỐI

Đệ-tử kính lạy
Đức Phật Thích-Ca,
Phật A-Di-Đà
Thập phương chư Phật,
Vô lượng Phật-pháp
Cùng thánh-hiền tăng.
Đệ-tử lâu đời lâu kiếp
Nghiệp-chướng nặng-nề
Tham giận kiêu-căng
Si-mê lầm lạc
Ngày nay nhờ Phật
Biết sự lỗi-lầm
Thành-tâm sám-hối
Thề tránh điều dữ
Nguyện làm việc lành
Ngưỡng trông Ơn Phật
Từ-bi gia-hộ
Thân không tật-bệnh
Tâm không phiền-não
Hằng ngày an vui tu-tập
Pháp Phật nhiệm-màu
Để mau ra khỏi luân-hồi
Minh-tâm kiến tánh
Trí-huệ sáng-suốt
Thần-thông tự tại
Đặng cứu-độ
Các bậc tông-trưởng
Cha mẹ anh em
Thân bằng quyến-thuộc
Cùng tất cả chúng-sinh
Đồng thành Phật đạo.

Bài kinh SÁM-HỐI này trich trong  NGHI-THỨC TỤNG-NIỆM do Phật-Học Viện Trung-Phần xuất bản năm 1962 (nhà in Hoa Sen, số 82 Độc-Lập, Nha-Trang, ngày 20-7-1962)

Đáng lưu-ý là cuốn Nghi-Thức Tụng-Niệm này được sự chứng-minh của : HT Thích Tịnh-Khiết (1890-1973), HT Thích Giác-Nhiên (1878-1979), HT Thích Khánh-Anh (1895-1961) và HT Thích-Giác-Nguyên (1877-1980). Đây là bốn vị Đại Cao-Tăng trong lịch-sử  Phật-Giáo VN . Quí vị nào muốn tìm hiểu các Ngài có thể tìm kiếm trên mạng; dễ mà. Cuốn này Mẹ tôi đọc mỗi đêm lúc sinh thời và đi đâu tôi cũng mang theo bên mình, như là vật gia-bảo vậy.
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon May 27, 2013 4:01 am    Tiêu đề:



Vedanta 1

      How to attain purity living in this  life ? Shall we all go to the forest caves ? What good would it do ? If the mind is not under control, it is no use living in a cave because the same mind will bring all disturbances there. We will find twenty devils in the cave because all the devils are in the mind.  If the mind is under control, we can have the cave anywhere, wherever we are.  
      It is our own mental attitude which makes the world what it is for us.  Our thoughts make things beautiful, our thoughts make things ugly. The whole world is in our minds.

Swami Vivekananda (1863-1902)



Thực Tại Tuyệt Đối

      Làm thế nào để có được cuộc sống thanh tịnh trong đời này? Ta đi vào các hang động trong rừng chăng? Điều đó sẽ làm được gì tốt đẹp? Nếu không tự chủ cái tâm thì chẳng ích gì khi sống trong hang động, vì chính cái tâm như vậy sẽ mang lại tất cả những phiền phức ở nơi đó. Ta sẽ thấy hai mươi con quỉ trong vái hang này vì những con quỉ đang ở trong tâm ta. Nếu tâm ta tự chủ thì ta có thể có hang động ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào mà ta đang có mặt.
      Chính thái độ tâm linh của ta đã tạo ra thế gian theo ý của mình. Tư tưởng của chúng ta làm cho mọi thứ đẹp đẽ, cũng chính tư tưởng của chúng ta làm cho mọi thứ xấu xa. Toàn thể thế gian này đều nằm ở trong tâm của ta.

Swami Vivekananda (1863-1902)


ĐỖ KIM PHỤNG dịch từ THE COMPLETE WORKS OF SWAMI VIVEKANANDA, quyển 1, trang 141; bản in lần thứ 27, tháng Giêng 2009; nxb Advaita Ashrama, Ấn Độ.



Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon May 27, 2013 4:15 am    Tiêu đề: Vedanta 1

How to attain purity living in this  life ? Shall we all go to the forest caves ? What good would it do ? If the mind is not under control, it is no use living in a cave because the same mind will bring all disturbances there . We will find twenty devils in the cave because all the devils are in the mind.  If the mind is under control, we can have the cave anywhere, wherever we are .  

It is our own mental attitude which makes the world what it is for us.  Our thoughts make things beautiful, our thoughts make things ugly . The whole world is in our minds.

SWAMI VIVEKANANDA (1863-1902)

Làm thế nào để có được cuộc sống thanh tịnh trong đời này ?  Ta đi vào các hang động trong rừng chăng ?  Điều đó sẽ làm được gì tốt đẹp ?  Nếu không tự chủ cái tâm thì chẳng ích gì khi sống trong hang động, vì chính cái tâm như vậy sẽ mang lại tất cả những phiền phức ở nơi đó .  Ta sẽ thấy hai mươi con quỉ trong vái hang này vì những con quỉ đang ở trong tâm ta .  Nếu tâm ta tự chủ  thì ta có thể có hang động ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào mà ta đang  có mặt .

Chính thái độ tâm linh của ta đã tạo ra thế gian theo ý của mình .  Tư tưởng của chúng ta làm cho mọi thứ đẹp đẽ, cũng chính tư tưởng của chúng ta làm cho mọi thứ xấu xa .  Toàn thể thế gian này đều nằm ở  trong tâm của ta .

ĐỖ KIM PHỤNG dịch từ THE COMPLETE WORKS OF SWAMI VIVEKANANDA, tập 1, bản in lần thứ 27, tháng Giêng 2009; nxb Advaita Ashrama, Ấn Độ .
Về Đầu Trang
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon May 27, 2013 2:51 pm    Tiêu đề: vedanta 2

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Thủ Thỉ Góc Sân Trường Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân