TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - THEO DẤU VÔ HÌNH
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

THEO DẤU VÔ HÌNH

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
aihuu



Ngày tham gia: 05 Dec 2007
Số bài: 95

Bài gửiGửi: Tue Apr 08, 2008 3:05 am    Tiêu đề: THEO DẤU VÔ HÌNH
Tác Giả: NGƯỜI NẠI




THEO DẤU VÔ HÌNH

NGƯỜI NẠI

Biến cố 30 tháng Tư năm 1975, toàn dân quân cán chính của chế độ miền Nam Việt Nam tràn ngập đau thương!

Bầu trời đầy u ám bởi các đám mây xám xịt, đen tối kéo đến che kín chân trời và những cơn mưa hè đã đến thủ đô Saigòn vào tháng Sáu năm một chín bẩy năm; mưa nhẹ và từng cơn kéo dài suốt ngày như chia xẻ, xót thương cho số phận cho các quân dân cán chính, sĩ quan của chế độ cũ đang tự giác lê bước trình diện vào các trại tù tập trung của chế độ miền Bắc đang cưỡng chiếm miền Nam quê hương Việt Nam. Người bạn cùng binh chủng Không quân và tôi vì không thích cảnh tiễn đưa buồn bã của các thân nhân trong một biến cố lịch sử quan trọng đau buồn này, nên len lén hẹn nhau cùng đón chuyến xe “buýt” từ Bình Thạnh ra trạm Sài Gòn và đi tiếp tuyến đường thứ hai chạy vào Chợ Lớn. Tâm trạng ngổn ngang và đầy hoang mang lo lắng, hình như linh tính báo trước một sự việc chẳng lành đang sắp xẩy ra! Hành lý của chúng tôi đem theo rất gọn nhẹ, đó là một túi xách nhỏ đựng vài bộ quần áo và tiền cơm gạo trong mười ngày trình diện học tập.

Ðường phố trơn và ngập đầy nước mưa, chúng tôi xuống trạm xe buýt (bus) gần Khu Ðại học xá Minh Mạng, mưa nhẹ vẫn còn lất phất đủ làm ướt mái tóc mới hớt gọn gàng sạch sẽ của tôi. Trước mặt khu Ðại học xá là các dãy hàng cây Me rất cao, che bóng mát ở lề chính giữa phân chia hai tuyến đường, nơi đây cũng là nơi khi xưa tôi hay dừng xe lại để uống nước dừa tươi của các quán lưu động. Bây giờ, khung cảnh vắng tanh, không có người bán và cũng không có người mua, khu vực Ðại học xá đã được bao bọc bởi hai dãy dây thép gai cuộn vòng tròn làm nơi quân sự “cách mạng” trú đóng. Nhìn thấy hai người bộ đội Cộng Sản đang cầm súng, đầu đội nón cối đứng gác trước cổng ra vào đã làm bước chân tôi như muốn khựng lại và quay trở về nhà, vì tôi chợt nghĩ có lẽ đây không phải là lớp học của “mười ngày học tập” như họ loan báo trên đài phát thanh và báo chí, mà có thể lâu hơn thế nữa, vậy mà khi ra đi tôi đã quên lời từ giã các người thân trong gia đình.

Sau khi giao nộp tiền cơm học tập trong mười ngày thì ngay chiều hôm ấy chúng tôi được ăn một buổi ăn tối do một nhà hàng sang trọng ở vùng Chợ Lớn đảm trách. Chúng tôi vẫn còn ngu muội và ngỡ rằng các lớp học tập chính sách của một chính phủ mới sẽ tổ chức tại khu vực Ðại học xá và cơm nước sẽ do nhà hàng này đảm trách. Một buổi cơm tối của một nhà hàng nổi tiếng khi xưa (trước năm 1975) đã làm chúng tôi ghi nhớ mãi bởi vì thức ăn hôm nay quá tệ (món xào thì quá mặn và rau muống thì quá nhiều so với cá thịt) và cơm thì lẫn nhiều cát sạn đã làm cho chúng tôi, các sĩ quan của chế độ cũ phải ôm bụng nhăn-nhó và thầm những câu chửi thề. Chúng tôi nghĩ rằng họ lấy tiền cơm của mình mà nấu ăn không ra “trò trống” gì và biết đâu chính họ cũng bị bắt buộc phải làm công việc dưới áp lực chính quyền mới. Nhưng suốt những năm dài trong lao lý thì chính bữa ăn tối ấy là ngon nhất mà chúng tôi phải ghi nhớ và cảm ơn họ tự nguyện đã thết đãi buổi cơm cuối cùng để âm thầm tiễn biệt người đồng cảnh ngộ trong sự nuối tiếc về dĩ vãng, một quá khứ tự do dân chủ...

Tối hôm ấy tại phòng ăn khu Ðại Học xá, tôi cũng có dịp gặp lại một số bạn bè cũ cùng đơn vị trước ngày “Giã từ vũ khí” tâm trạng chúng tôi ngổn ngang trăm mối, vui, buồn, lo lắng... Thay vì vui mừng khi tàn cuộc chiến mà mình vẫn còn may mắn tồn tại, sống sót, chúng tôi gặp nhau chỉ chào hỏi như một xã giao thông thường và cố gắng chôn giấu tiểu sử lai lịch của mình trong một sự im lặng có tính toán và đầy kịch tính. Ðêm đã khuya, nhưng tôi không thể nào chợp mắt ngủ! Tâm trí bồn chồn vì tôi chợt nghĩ đến các người thân bên ngoài hàng rào dây kẽm gai, hình ảnh ngôi nhà và các người thân chợt lóe lên trong khoảng khắc tâm trí... Khi gần nửa đêm (12 giờ khuya) thì một đoàn xe Bộ Ðội V. C bít bùng đã đến và “lùa” hết chúng tôi đến một phương trời vô định...

Trời vừa hừng sáng, “người tù nhân lương tâm” đã được đưa đến căn cứ xa lạ! Chúng tôi bị ngồi yên “chịu trận” suốt đêm dưới sàn xe chật hẹp, ọp ẹp như những súc vật bị chuyên chở đem bán nơi chợ, suốt một lộ trình dài hơn 5 giờ mà không dừng xe để đi đại hay tiểu tiện (vệ sinh). Ðoàn xe chạy trong đêm chỉ mở có một đèn đủ sáng, không an toàn trên xa lộ vì tài xế Việt Cộng chỉ quen lái xe trong rừng. Hoặc họ cũng cố ý đánh lạc hướng những người dân đi đường tò mò, khó đoán ra là một đoàn xe đang di chuyển các sĩ quan chế độ cũ đến một nơi xa lạ để giam giữ. Ngồi trên xe, chúng tôi đoán ra nhiều địa điểm để đến bằng các hướng khác nhau căn cứ vận tốc và số giờ xe chạy, nhưng không chính xác.

Trước tiên tôi cũng không nhận ra căn cứ hay địa điểm đang dừng lại là nơi nào; một vài người bạn trên xe cho biết đây là căn cứ quân sự Trảng Lớn vùng Tây Ninh. Ngay sau đó, chúng tôi được phân chia thành các đơn vị tổ; mỗi tổ có 10 người, 4 tổ thành một đội, 4 đội thành một khối, 4 hay 5 khối hợp lại thành tiểu đoàn... Tổ của tôi gồm có hai vị cao niên đã giải ngũ trước năm 1975, một Thiếu Tá Công Binh, một Thiếu Tá Ðại đức Tuyên Úy trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm tại Sài Gòn, 2 vị Bác sĩ Quân y, 2 Dược sĩ cùng tuổi và các anh em binh chủng Hải Lục Không quân cấp úy. Nơi ở tạm của chúng tôi là những Lô-cốt (pháo đài trú ẩn) chiến đấu khắp nơi trong căn cứ, nơi trú ẩn của người lính Cộng Hòa chống đạn pháo kích của Cộng quân khi xưa. Ôi! Cảnh đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến mà giờ đây, chính chúng tôi là những người tiên phong đi dọn dẹp, tháo gỡ các mìn bẫy còn sót lại khắp nơi trong căn cứ, tìm kiếm các vật liệu để chắp vá che kín chỗ ở hiện tại. Chúng tôi tự tổ chức nấu ăn tập thể với các phương tiện eo hẹp ban đầu nên đã phải nếm qua mùi vị cơm sống, cơm khô, cơm nhão, cơm cháy khét... Ngày thì chúng tôi bị “lùa” đi “lao động”, tối về thì tập họp sinh hoạt và ngủ sớm. Thời gian nơi đây được biết nhờ vào tiếng kẻng báo hiệu dậy sớm tập thể dục, giờ lao động, giờ ăn, giờ ngủ tối...

Thời gian thấm thoát qua nhanh, đã hơn một tháng nên các lương thực và tiền bạc mang theo dự phòng trong mười ngày đã cạn mà chúng tôi vẫn chưa được học một bài nào về “Ðường lối chủ trương chánh sách của họ đối với những thành phần sĩ quan chế độ cũ.” Chúng tôi có hỏi, “Khi nào chúng tôi được về”, thì các cán bộ Cộng Sản đáp, “Học tập tốt, lao động tốt thì được về”; tôi thì không biết thế nào là học tập tốt hay tiến bộ... theo đúng nghĩa của họ. Suốt ngày chúng tôi quanh quẩn trong căn cứ và không được tiếp xúc (quan hệ) với bất cứ một người dân nào bên ngoài cổng trại, do đó những gì đang xẩy ra bên ngoài cổng trại là chúng tôi chẳng hay biết gì; điều mà chúng tôi muốn biết là bao giờ chúng tôi được ra về gia đình, nhưng không có câu trả lời. Không gian thật vắng lặng! Ngoại trừ những đêm có trăng sao lấp lánh trên bầu trời, còn lại là sự u tịch vắng vẻ của đêm đen, mặc dù có sự hiện diện cả ngàn người đang chen chút nơi đây. Mỗi nơi ở của chúng tôi được cấp phát một ít dầu hôi dùng để thắp sáng về đêm; đèn dầu thì do chúng tôi tự chế tạo như cắt các chai lọ để làm bóng đèn và hũ nhỏ đựng tương chao dùng làm bình chứa dầu... vì đèn tự chế tạo để bớt nhiên liệu nên ánh sáng bị hạn chế, do đó ban đêm, mọi vật trở nên hư ảo, ẩn hiện mờ nhạt như những bóng ma xuất hiện đâu đây, nơi phía chân núi Bà Ðen xa xa và thấp thoáng ẩn khuất phía sau cành cây tàn lá trong doanh trại. Tôi là lính thành phố và chưa hề nếm mùi cảnh hoang vắng, chiến trường như các bạn bộ binh đã từng xông pha nơi các chiến địa, do đó buổi tối tôi thường giăng màn mùng để đi ngủ sớm vì ngại bị muỗi đốt hoặc sợ bị ám ảnh cảnh ma quái chung quanh. Nhưng tôi nào có ngủ được, vừa chợp mắt thì các hình ảnh bạn bè chung đơn vị phi đoàn, cảnh vui vẻ chung vui, lúc phi cơ tránh né những đạn hỏa tiễn tầm nhiệt SA 7, lúc bay vào vùng súng phòng không cao xạ địch bắn lên như muôn ngàn chiếc pháo bông lấp lánh trên bầu trời đêm, lúc phi cơ lâm nạn phải đáp khần cấp... tất cả đã trở thành quá khứ vậy mà trong giấc ngủ vẫn thấy mình vẫn còn mang dù, đội nón đi bay, đang lái những chiếc phi cơ bị gẫy cánh, cùng lái với những người bạn đã tử nạn nhiều năm trước đây... Ôi, những cơn ác mộng này luôn đến trong những năm tháng đầu tù đày!

Ðoàn Tử Bằng, phi công lái vận tải cơ C-47, người bạn rất vui tính và có bộ bộ nhớ vô cùng siêu việt. Mỗi đêm một mình anh độc diễn, thao thao bất tuyệt trong màng mùng với các chuyện tiếu lâm đã làm vị sư già của chúng tôi cười lăn bò càng; các truyện kiếm hiệp Kim Dung cũng được đem ra kể từng đêm và phân chia thành nhiều tập vô cùng hồi hộp, hấp dẫn, anh bạn của tôi đã biết dừng lại ở những đoạn gây cấn trong câu chuyện để kéo một liều thuốc lào ro ro, đầy lâng lâng hứng chí. Tiếp theo là các chuyện phim Mỹ, Ấn Ðộ mà anh đã xem... quả thật, trí nhớ anh vô cùng phong phú; anh ta thường thêm bớt hay bịa đặt một số chi tiết trong câu chuyện thêm dài, nhiều tập và éo le gây cấn. (Rất tiếc, người bạn tôi đã tử nạn tại Long Khánh khi kho đạn phát nổ vào năm 1976) Một hôm anh ta đề nghị trò chơi “Sai cơ”, Xoay cơ hoặc Thôi cơ gì đó! Tôi chẳng biết dùng từ nào cho đúng nghĩa; có một người ngồi bịt mắt lại, trước mặt là tờ giấy trắng cỡ giấy tập học trò trên đó có viết hai mươi bốn chữ cái A, B, C... cho đến chữ Y, có đánh số thứ tự từ 0 đến số 9, các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng... các chữ Thần Thánh, Tiên, Phật và Ma Quỉ Yêu Tinh... đầy trên trang giấy ấy. Bàn tay của người sai cơ được đặt trên một miếng giấy dầy hình trái tim và góc nhọn được quay lên trên. Anh giống như một vị pháp sư lành nghề, tất cả mọi thứ do anh bày vẽ ra hết, mắt anh lim dim, miệng khẽ đọc các câu thơ như là Thần chú để mời gọi các linh hồn chung quanh đâu đây về “Ðàn” trò chuyện cùng ông ta.

Lòng thành bát nước dừa hương
Mở đàn vọng nguyệt....

Thật ra trò chơi này không có gì mới mẻ vì tôi đã từng cùng các bạn bè trong những năm trung học rủ nhau ra nghĩa trang Mạc Ðỉnh Chi ở Sài Gòn chọn một ngôi mộ có người trí thức (bằng cấp và địa vị trong xã hội thời đó) để xin đề thi TRUNG HỌC và TÚ TÀI, nhưng tôi chưa bao giờ thấy có hiện tượng thế giới vô hình nào xuất hiện chỉ dẫn các đề thi ấy. Sau khi đã đọc xong các câu thần chú, bạn tôi rót nước trà và đem ra một ít cơm còn lại sau buổi ăn chiều để mời, thỉnh các linh hồn đang lang thang hay vất vưởng nơi đây về dự Ðàn. Anh cho biết, nơi này ngày xưa là căn cứ của Mỹ và đặc biệt là gần núi Bà Ðen Tây Ninh linh thiêng nên có rất nhiều thần linh và các vong hồn đã bị tử nạn, các chiến sĩ vô danh.... Chúng tôi có một người tình nguyện ngồi gần cửa ra vào dãy nhà để quan sát và báo động nếu có cán bộ quản giáo C.S. đi đến để chúng tôi kịp thời giải tán ngay. Vì họ là vô thần không tin vào những việc này mà nếu bắt gặp thì chúng tôi dễ bị kết tội là mê tín dị đoan, vi phạm chính sách... Số người còn lại ngồi chung quanh quan sát anh diễn xuất. Không khí rất nghiêm trang, ngọn đèn dầu lờ mờ, thấp thoáng chỉ đủ sáng trang giấy; ba người cùng để ba ngón trỏ vào ba góc hình trái tim, bỗng nhiên tôi thấy hình trái tim di động và hình trái tim ấy chạy lệch ra ngoài tờ giấy trắng. Tất cả mọi người cùng cười lên vì họ nghĩ rằng trong số ba người để ngón tay vào hình Cơ và đã đẩy “Cơ” cho di chuyển nên không linh ứng. Lần này, thay vì ba người cùng để tay vào, chúng tôi đề nghị chỉ để một người bịt mắt và đặt ngón tay trỏ của mình lên Cơ mà thôi.
Mọi người trong phòng thay nhau ngồi bịt mắt để thử xem có linh ứng gì không, ngay cả người khác tôn giáo, có người không tin tôn giáo nào, bố già Thiếu Tá Công binh và vị sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cũng tham dự. Tôi rất lo sợ đến phiên mình bị ngồi bịt mắt như vậy, vì nhỡ một hồn ma nào nhập vào mà không chịu “xuất” ra thì mình làm sao đây. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh nhập đồng cốt ở ngoài đời, một khi “Cô hay Cậu” gì đó nhập hồn về ca hát, nhẩy múa ăn uống và nói năng tùng lum như một người điên mà người đời thường nói, “Người yếu bóng vía nên Ma, Quỷ hay Yêu Tinh... dễ nhập hồn hay mượn xác.” Tất cả mọi người trong phòng đã tham dự “ngồi cơ” nhưng không kết quả và cuối cùng cũng đến phiên tôi ngồi bịt mắt lại và để một ngón tay trỏ lên tờ giấy có hình trái tim. Tôi khép hai mắt lại nên khung cảnh chung quanh là một màu đen và thỉnh thoảng trong mắt tôi chợt lóe lên như những tia chớp, tai lắng nghe bài thơ “Chiêu Hồn” của anh ta; giọng đọc của anh lúc trầm lúc bỗng như vị phù thủy nhưng chỉ đủ cho người ngồi kế bên nghe. Một cảm giác rờn rợn đang lan trong người, tôi cảm thấy như có luồng điện tỏa từ trên đầu và lan truyền xuống đến chân làm cho cơ thể “rùng mình” nhè nhe, như khi đêm tối tôi ra ngoài sương khuya, đầu để trần, không mũ hoặc nón che đội và gặp không khí lạnh nên cơ thể phản ứng lại bằng sự rùn mình hay run rẩy một cách tự nhiên để chống cái thời tiết lạnh ấy. Tôi chú tâm vào ngón tay đang đặt trên “Cơ” và có cảm giác ngón tay mình nhúc nhích; tai tôi vẫn còn nghe rõ giọng nói của vị “Pháp Sư” đang thỉnh, mời một Linh hồn nào đó và xin cho biết chức vị là Thần, Thánh, Tiên Phật hay Ma Quỷ... Ngón tay tôi tiếp tục di chuyển trên tờ giấy trắng ấy theo cái ý của mình và bên tai nghe bạn tôi nói, “Nếu hồn không biết tiếng Việt thì xin mời vị khác”. Lúc ấy, ngón tay tôi đang tiếp tục chạy ra khỏi tờ giấy trắng mà không biết cách nào để trở vào được. Tôi mở mắt và kéo khăn che mặt ra thì thấy ngón tay của mình đã ở bên ngoài tờ giấy, những chữ được một người bạn ngồi kế bên ghi lại thì không ai hiểu được là ngôn ngữ nào.

Mỗi người trong phòng có những ý nghĩ khác nhau theo quan niệm tôn giáo của mình, người thì nghĩ rằng không có cõi âm nào cả (Ma, Quỉ, Yêu Tinh hay Thần Thánh Tiên Phật,) người thì cho rằng tất cả chúng tôi là những kẻ “Nặng bóng vía nên các Ngài không “nhập” hồn được”, người thì bảo rằng nghi thức không đúng... riêng tôi vẫn cho rằng mình “nặng nề bóng vía.” hay thân xác còn đầy ô trượt. Thật ra lúc ấy tôi cũng chưa hiểu được “bóng vía” là gì và “nặng nề” là như thế nào, khái niệm về Ðức tin còn lờ mờ trong tâm trí phía trước. Tôi còn nhớ lúc bé vì bệnh nặng và khó nuôi nên tôi được cha mẹ đưa đến các chùa trong làng nhờ các Sư tụng trì Kinh cứu bệnh và khi vào quân đội, chiến cuộc đã trở nên khốc liệt thì tôi có xin một lá bùa để hộ mạng. Nay cuộc chiến đã tàn, tôi được tồn tại không biết có phải nhờ vào lá bùa hộ mạng này hay do sự may mắn nào khác. Tôi tin rằng số mình chưa đến lúc phải chết, thế thôi! “Nặng nề” là từ ngữ có nhiều nghĩa, nhưng khi nói “nặng nề bóng vía” thì ý nói đến người có khuynh hướng vật chất xác thịt hơn tinh thần, người có nhiều nam tính, người chỉ biết và hưởng các thú ăn chơi, đam mê và đau thương trên cõi đời này. Trước đây, khi còn trong quân đội tôi đã nếm và từng trải qua tất cả những lạc thú này hoặc nếu tôi có đến Chùa thì đó chỉ là cơ hội để liếc nhìn hoặc làm quen với các giai nhân; có xin bùa hộ mệnh chẳng qua vì quá sợ chết mà thôi, tôi thực sự không biết gì và cũng không tin gì về sự mầu nhiệm của thế giới Vô hình. Tất cả kinh sách Phật, tôi chưa bao giờ đọc qua; thờ cúng, lễ bái... vì theo tập tục của gia đình và tôi chưa hề có một “Ðức tin” vào một tôn giáo nào trước đó.

Sự tò mò khám phá thế giới vô hình, sự hiếu kỳ, cầu xin sự mách bảo của các vị Thần linh, ước mong biết được ngày ra tù, số phận của mình và tương lai đất nước, được nói chuyện hoặc mong ước được sự xuất hiện của các hồn ma như trong các truyện “Liêu Trai Chí Dị” mà tôi đã có dịp đọc sách trước đây, hoặc như một trò vui chơi, giải trí, đùa giỡn trong lúc bị giam giữ như thế này,... Tất cả những ý tưởng này luôn luôn hiện diện và tồn tại trong tâm trí, đặc biệt, khi họ chuyển tôi đến vùng Long Khánh và một cơ duyên ân hồng đã giúp tôi khám phá được thế giới vô hình, thế giới mầu nhiệm linh ứng. Những lời dạy bảo của Chư vị đã giúp tôi vượt qua những gian nan khốn khó trong các trại giam Long Khánh, Long Giao, Kàtum, Hốc Môn, Xuân Lộc K 3... Do đó, suốt bẩy năm trong lao tù lao động khổ sai đã giúp tôi vững ý chí, hiểu rõ chế độ độc tài thâm độc và sự lừa dối của Ðảng Cộng Sản. Tiền tài danh vọng... là phù vân ảo ảnh trên cõi đời, hiểu rõ về bản chất con người, bạn tù đồng cảnh ngộ trong những lúc đói khổ, nhất là hiểu biết và thấy thật sự con người thật của mình trong lúc gian nguy, khốn khó...

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân