TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Kinh Vĩnh Tế và những di tích tiềm ẩn.
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Kinh Vĩnh Tế và những di tích tiềm ẩn.

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Thu Dec 06, 2012 12:43 am    Tiêu đề: Kinh Vĩnh Tế và những di tích tiềm ẩn.




Kinh Vĩnh Tế và những di tích tiềm ẩn.

Kinh Vĩnh Tế dài 90 km nối liền Châu Đốc - Hà Tiên (gồm 72 km kinh đào và 18 km kinh thiên nhiên) được khởi công vào năm 1823 dưới triều vua Minh Mạng và người chỉ huy trực tiếp thủy lộ quan trọng này là Nguyễn Văn Thoại, một danh tướng của triều Nguyễn. Ông sinh ngày 25/4/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, được phong tước Ngọc Hầu. Ông có công rất lớn trong việc mở mang và khai phá vùng đất phía tây nam Tổ Quốc. Ông mất ngày 6/6/1829 và được an táng tại chân núi Sam Châu Đốc phía tả ngạn kinh Vĩnh Tế và chỉ cách đầu nguồn 5 km.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ 19, Châu Đốc Đạo (vùng đất Thủy Chân Lạp, phần đất cuối cùng của cuộc Nam Tiến) hãy còn hoang dã; toàn bộ vùng Thất Sơn và dọc biên giới Miên - Việt chỉ có thú rừng, thiếu dấu chân người. Nhận thấy tầm quan trọng của vùng đất phì nhiêu, Thoại Ngọc Hầu đã đề xuất việc đào kinh. Ngoài việc dẫn thủy nhập điền mở mang nông nghiệp, kinh Vĩnh Tế còn đóng một vai trò quan trọng trong việc giao thông từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Toàn bộ dân phu và binh sĩ thuộc quyền phải nhiều năm vật lộn với thiên nhiên, đương đầu với bao khó khăn và thử thách. Sơn lam chướng khí, thú dữ giặc thù vẫn không làm họ sờn lòng. Khí thiêng hùng vĩ của vùng địa linh Thất Sơn đã giúp ông cũng như toàn bộ thuộc hạ hoàn thành sứ mạng. Một kỳ tích mà mãi cho đến nay vẫn bất biến với thời gian.

Kinh Vĩnh Tế và chung đỉnh triều đình Huế

Trải qua bao thế kỷ, dòng kinh vẫn hiền hòa xuôi chảy. Nếu có dịp ngồi trên chuyến đò từ Châu Đốc đi Hà Tiên, chúng ta không khỏi chạnh lòng nhớ lại những di tích diệu kỳ vẫn còn tiềm ẩn đó đây trên dòng kinh thầm lặng này.
Rời tỉnh lỵ Châu Đốc nơi đầu nguồn bên hữu ngạn, bên tả ngạn là xã Vĩnh Ngươn nằm cặp bờ kinh chạy dọc theo biên giới, đình Vĩnh Ngươn vẫn còn dấu tích của ngày nào khi ông Đạo Lãnh một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An đã cùng với quan Quản Cơ Trần văn Thành vượt kinh Vĩnh Tế truy kích giặc Chân Lạp phá rối vùng biên giới vào năm Quý Mão 1843. Nước xuôi dòng, chúng ta rời tỉnh lỵ và xã Vĩnh Ngươn để đến xã Vĩnh Tế bên hữu ngạn bờ kinh. Dưới chân núi Sam những di tích và lăng tẩm càng tăng thêm vẻ uy nghiêm. Ở đây những di tích được xếp hạng như Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An, Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Hang... tạo một khung cảnh trang nghiêm và tráng lệ. Khi mặt trời vừa nhô cao, ánh nắng ban mai còn ôm ấp dãy Thất Sơn phía tả ngạn, bên hữu ngạn dọc biên giới Miên - Việt những cụm thốt nốt bao trùm lấy phum sóc của tỉnh Tà Kheo. Suốt đoạn đường trên 20 km, ven hai bên bờ kinh từng dãy nhà san sát nối đuôi nhau chạy đến quận lỵ Tịnh Biên, các xã Nhơn Hưng Xuân Tô. Rời trung tâm mua bán khá sầm uất của quận biên giới, chúng ta đi dần đến các xã Lạc Quới, Vĩnh Gia, Vĩnh Điền. Chính nơi đây vào đầu thế kỷ 20, vào năm 1901 một vị Phật Sống ra đời hoằng khai Đạo Pháp và dùng thuyền xuôi ngược trên kinh Vĩnh Tế khuyên người đời tu niệm. Đó là ông "Sư Vải Bán Khoai". Sự xuất hiện của ông coi tiếp nối sứ mạng của Đức Phật Thầy Tây An để giáo truyền Đạo Pháp Bửu Sơn Kỳ Hương. Rời vùng đất phì nhiêu với nhiều dấu ấn thời gian, chúng ta đi dần đến phần cuối cùng của tỉnh Châu Đốc là xã Tân Khánh Hòa (Giang Thành). Như thế là chúng ta đã ngắm nhìn trọn vẹn 72 km kinh đào của dòng Vĩnh Tế trước khi đổ vào Long Hồ và vượt thêm 18 km nữa để đến quận lỵ Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang.
Trải qua hơn một thế kỷ, dòng kinh kiêu hùng này đã chứng kiến biết bao dâu bể tang thương của đất nước, thủy lộ quan trọng này bao lần đã tiễn đưa những người con Tổ Quốc vĩnh viễn ra đi trong công cuộc "Bảo Quốc An Dân". Sâu đậm hơn là cuối thập niên 1970 bọn Pol Pot đã xua quân tràn sang biên giới, vượt kinh Vĩnh Tế để giết hại không biết bao nhiêu người dân hiền lành chất phác; máu của cư dân trong vùng đã đổ rất nhiều trong thời chiến tranh và lại tiếp tục đổ vào những năm đau thương đó. Thời gian qua nhanh, hơn một thế kỷ trôi qua, mặc dù cư dân trong vùng luôn luôn chỉnh trang cuộc sống nhưng những di tích tiềm ẩn như bất diệt với thời gian và nếu có dịp về đây, vào những đêm trăng sáng trong những ngày lễ hội, chúng ta có dịp nghe lại những chuyện tích diệu kỳ của vùng "Thất Sơn mầu nhiệm" và dòng kinh Vĩnh Tế với bao kỳ tích.
* Ông Đạo Lãnh: Trong cuộc dẹp loạn Chân Lạp của quan Quản Cơ Trần văn Thành (Đức Cố Quản Trần văn Thành) dưới triều vua Thiệu Trị, Đức Quản Cơ có một thuộc tướng rất tài ba làm cho người Chân Lạp lắm phen kinh sợ. Thuộc tướng ấy là ông Hai Lãnh tức ông Đạo Lãnh.
Vào khoảng năm 1841, ông Hai Lãnh đã gặp quan Quản Cơ Trần văn Thành tại An Giang và xin tòng quân giết giặc. Kể từ đó ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách trong công cuộc bình định vùng phía tây nam Tổ Quốc. Đặc biệt, vào năm Quí Mão 1843, ông đã đánh tan phiến quân Chân Lạp tại trận Láng Cháy vùng Thất Sơn. Năm Ất Tỵ 1845, ông thừa lệnh quan Quản Cơ kéo đại binh vượt kinh Vĩnh Tế thuộc địa phận xã Vĩnh Ngươn để truy kích quân Chân Lạp phá rối vùng biên giới nhưng vì trời tối và địa hình khá phức tạp, đạo quân ông bị phục kích và cũng trong thời gian này coi như ông bị mất tích. Vợ ông Hai Lãnh hay được hung tin đã cùng con gái đưa nhau lên đến Cao Miên tìm kiếm. Ngót mấy tháng trời trèo non vượt suối nhưng vẫn bặt tin tức về ông. Quá thất vọng và coi như ông đã chết, bà quay về quê (núi Voi) chùa Phi Lai chờ đợi thêm ít lâu nữa rồi tự thiêu để giữ tròn khí tiết:
"Bà Hai am tự thâm tình,
Hỏa thiêu thân thể ẩn hình Phi Lai".
Tuy nhiên ông Hai Lãnh không chết và đến năm 1846 ông tìm đường trở về cố quốc. Về đến nơi, biết được hung tin ông rất đau lòng; vả lại, lúc này nước nhà đã tạm ổn nên sau đó ông đã quy y với Đức Phật Thầy Tây An và trở thành một đại đệ tử của Ngài:
"Cửa Phật trau giồi công đức lớn,
Ngâm tầm mùi Đạo rất tinh minh"
* Ông Sư Vải Bán Khoai: (Đầu thế kỷ 20), ông tên thật là Mỹ. Mãi cho đến ngày hôm nay, người ta vẫn không biết họ của ông và nơi sinh quán; chỉ biết lúc trưởng thành ông lập nghiệp tại xã Vĩnh Gia thuộc kinh Vĩnh Tế địa phận quận Tịnh Biên (Châu Đốc).
Hình dạng ông nhỏ bé, ốm yếu như người đàn bà, trước ngực thường mang một cái yếm, nhìn từ xa giống như một cô vải. Vả lại, ông trị bệnh cho đời hay dùng vải áo, vải khăn của mình mà cho, do đó biệt danh "Sư Vải Bán Khoai" có từ đó.
Cũng như Đức Phật Thầy Tây An, Đức Bổn Sư Ngô Lợi, ông "Sư Vải Bán Khoai" tự nhiên tỏ ngộ và thấu hiểu lẽ diệu huyền. Vào những năm Tân Sửu 1901 và Nhâm Dần 1902, ông bơi xuồng xuôi ngược kinh Vĩnh Tế, giả dạng người bán khoai để cảnh tỉnh người đời và khuyên tu niệm. Ông đã có mặt hầu hết những làng mạc ven kinh Vĩnh Tế từ Vĩnh Gia, Vĩnh Điền đến Giang Thành, vân du đây đó bằng thuyền (xuồng ba lá):
"Nào khi Sư Vải Bán Khoai,
Trong kinh Vĩnh Tế ai ai cũng lầm"
hoặc là:
"Thương thay ông Lão Bán Khoai,
Lên non xuống núi hôm mai dạy đời".
Ngoài việc khuyên người đời tu niệm, ông còn nhắc nhở bổn phận làm người và gợi lên tấm lòng trung quân ái quốc:
"Niệm Phật phải giữ Tứ Ân,
Ơn nhà nợ nước xử phân trọn nghì"
hay là:
"Thảo cha ngay chúa xưa nay,
Dẫu mà có thác miếu son tạc thờ.
Xem trong các truyện các thơ,
Nịnh thần có thác miếu thờ ở đâu?"

Kinh Vĩnh Tế

Trong hai năm Tân Sửu và Nhâm Dần, bóng dáng ông thoạt đây thoạt đó; dòng kinh Vĩnh Tế đã giúp ông xuôi ngược cứu thế độ đời. Tuy nhiên sau đó người ta không còn thấy ông đâu nữa? Ông để lại bộ "Sấm Giảng Người Đời" gồm 11 quyển với nội dung khuyên người đời làm lành lánh dữ và trung quân ái quốc.
Ngày nay cặp hai bờ kinh Vĩnh Tế, nhà cửa san sát, dân trong vùng khá sung túc; các xã ven kinh mua bán nhộn nhịp và dòng kinh thân thương vẫn hiền hòa xuôi chảy. Nếu có dịp qua lại dòng kinh, những dấu ấn vẫn còn sống mãi với thời gian: Xã Vĩnh Ngươn như còn đó đây âm vang tiếng hò reo của đạo quân Ông Đạo Lãnh trong công cuộc bảo vệ biên thùy Miên - Việt; Vĩnh Gia, Vĩnh Điền, Lạc Quới như còn hình ảnh của Ông Sư Vải Bán Khoai đang ngược xuôi đây đó khuyên người đời tu niệm.
Dãy Thất Sơn vẫn hùng vĩ, kinh Vĩnh Tế vẫn hiền hòa và những di tích vẫn tồn tại mãi với thời gian.

Trường Thi
(Trích Giang Sơn Biên Trấn)






Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân