TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chuyên đề về đau lưng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chuyên đề về đau lưng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
thinhdang



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 2020

Bài gửiGửi: Thu Aug 16, 2012 10:15 am    Tiêu đề: Chuyên đề về đau lưng




Chuyên đề 1:GAI CỘT SỐNG, THOÁI HÓA CỘT SỐNG, ÐAU THẦN KINH TỌA HAY THOÁT VỊ ÐĨA ÐỆM?
Tác giả : BS. VÕ XUÂN SƠN
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Những tên bệnh như trên đôi khi làm bạn bối rối và tự hỏi: Rốt cuộc thì mình bị bệnh gì? Có người hoảng sợ nghĩ rằng mình bị nhiều bệnh quá, người khác lại cho rằng chẳng qua đó là những cách gọi khác nhau của một bệnh.
Khi bạn bị đau từ thắt lưng lan xuống mông, xuống chân thì thường là bị đau thần kinh tọa (ÐTKT). Dây thần kinh tọa (còn gọi là dây thần kinh ngồi) là dây thần kinh to nhất của cơ thể, nó được các rễ thần kinh của vùng thắt lưng hợp thành và sau đó chạy dọc theo mặt sau mông, đùi xuống chân. ÐTKT thường do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây ra, thường kèm theo tê, yếu chân hoặc teo cơ... Tuy nhiên, còn có thể do nhiều nguyên nhân khác như hẹp ống sống, viêm khớp cột sống, viêm đĩa đệm, viêm thần kinh tọa, u thần kinh tọa...
Cột sống là một trục chống đỡ của cơ thể, giúp ta có thể cúi, ngửa hoặc vặn mình, cột sống cần phải uốn cong được, chính vì vậy mà nó không phải một khúc xương dài như ở tay chân mà là một cột được tạo ra bởi các đốt sống xếp chồng lên nhau. Giữa các đốt sống là đĩa đệm. Ðĩa đệm có hình cái đĩa, bên ngoài là một bao xơ dày và chắc, trong ruột là chất nhầy, gần giống như tròng trắng trứng gọi là nhân nhầy. Khi bao xơ bị rách, nhân nhầy bên trong sẽ thoát ra ngoài, tạo thành một khối gọi là khối thoát vị. Nếu khối thoát vị đè vào rễ thần kinh sẽ gây ra các hiện tượng như đau, tê, yếu liệt... Khi thoát vị ở vùng thắt lưng, các rễ tạo thành thần kinh tọa bị chèn ép và gây ra ÐTKT. Còn khi thoát vị nằm ở vùng cổ thì có thể gây đau cổ, vai, hoặc gây ra đau, tê, yếu liệt tay chân. Nếu thoát vị ở vùng ngực, chứng đau thần kinh liên sườn là triệu chứng có thể gặp. Các đĩa đệm ở vùng cổ và vùng thắt lưng hay bị thoát vị nhất.
Thế nào là "gai" cột sống?
Khi khối thoát vị lồi ra, sẽ kéo theo màng xương cạnh nó và lâu ngày xương sẽ mọc ra theo, tạo thành những vành xương mà trên phim X-quang ta nhìn thấy như những cái gai nên gọi là "gai" cột sống. Nếu khối thoát vị đĩa đệm gây đau tê hay yếu liệt, khi đi khám bệnh, các bác sĩ sẽ giải quyết nó trước khi "gai" hình thành. Các khối thoát vị không gây triệu chứng gì (thường thì do chúng không gây chèn ép vào thần kinh) nên mới có đủ thời gian để tạo ra những cái "gai". Vì vậy bạn chớ vội lo sợ khi biết mình có "gai" cột sống. Chỉ có rất ít những "gai" cần phải "nhổ" bỏ. Ngoài ra, mấu gai là tên gọi một bộ phận của cột sống, không liên quan gì đến loại "gai" mà chúng ta đang nói đến.
Tại sao các nhân nhầy lại có thể thoát ra ngoài bao xơ thành khối thoát vị?
Ðấy là do quá trình thoái hóa gây nên. Thoái hóa nói cho cùng là sự già đi của cơ thể con người. Ðây là một quá trình tự nhiên của cơ thể. Khi ta mới biết đi thì đĩa đệm đã bắt đầu thoái hóa, càng lớn tuổi quá trình thoái hóa diễn ra càng nhanh. Không chỉ riêng đĩa đệm mới bị thoái hóa mà nhiều bộ phận trong cơ thể cũng vậy. Bao xơ của đĩa đệm bị thoái hóa trở nên dòn chứ không còn dai, chắc nữa, và thế là nó bị nứt ra, mở đường cho nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài. Thoái hóa có vai trò quan trọng nhất trong việc gây ra các thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên những yếu tố khác như viêm khớp, làm việc nặng, chấn thương... cũng làm cho bao xơ yếu đi và nứt nẻ. Ngoài ra, thoái hóa còn có thể làm các bộ phận khác của cột sống trở nên sần sùi, phình to ra và chèn vào các rễ thần kinh, giống như các khối thoát vị của đĩa đệm, hoặc chèn vào những bộ phận khác của cột sống gây đau lưng, đau cổ.
Như vậy, thoái hóa cột sống là yếu tố chính gây ra thoát vị đĩa đệm, từ đó sinh ra "gai" cột sống, ÐTKT. Thoái hóa cột sống còn có thể gây đau lưng, đau cổ hoặc ÐTKT mà không cần phải có thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, nó còn là nguyên nhân của một số bệnh khác, được gọi chung là bệnh lý thoái hóa của cột sống. Thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng là nguyên nhân chính gây ÐTKT. Còn nếu thoát vị đĩa đệm ở cổ thì bạn thường được chẩn đoán "hội chứng cổ - vai - tay" hoặc điều gì đó tương tự.
Nhìn chung, mỗi tên gọi đều có ý nghĩa riêng của nó. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng những tên gọi này còn chưa thống nhất nên làm bối rối cho không ít người.?







Chuyên đề 2¨GAI CỘT SỐNG CÓ PHẢI LÀ NGUYÊN NHÂN GÂY CÁC CHỨNG ĐAU LƯNG THÔNG THƯỜNG?
Tác giả : BS. NGUYỄN QUANG LONG
I. CHỨC NĂNG CỦA CỘT SỐNG
Cột sống là một tập hợp 24 đốt sống, bắt khớp cùng nhau tạo một chuỗi xương dài hướng thẳng đứng, có 3 chức năng:
1. Là cột trụ chính chống đỡ cho cơ thể con người đứng thẳng.
2. Là một chuỗi khớp xương rất di động giúp cho đầu và thân vận động đa dạng, thoải mái. Cột sống cũng giúp cho sự vận động tứ chi của con người có thể lao động và hoạt động thể thao.
3. Là một ống dài bảo vệ tủy sống, phần kéo dài của não bộ và nơi xuất phát các rễ thần kinh đi khắp phủ tạng, các bắp thịt và da.
II. CÁC THÀNH PHẦN CẤU TẠO ĐOẠN ĐỐT SỐNG DI ĐỘNG
Mỗi khớp của cột sống (được gọi là đoạn đốt sống di động Junghanns) bao gồm các bộ phận:
1. Hai đốt sống (trên và dưới kề nhau) có hai phần:
a. Thân đốt sống ở phía trước.
b. Hai mõm khớp sau, bắt khớp nối hai đốt sống.
- Chức năng chính của các đốt sống là chịu lực và chống đỡ cơ thể.
- Các đốt sống không có các tận cùng thần kinh cảm giác nên không đau khi bị chấn thương.
2. Đĩa đệm
Là phần nằm xen kẽ giữa hai thân đốt sống, bao gồm:
a. Nhân keo đĩa đệm hình trái xoan ở trung tâm, nằm hơi lùi ra phía sau, thành phần chủ yếu là nước (88% khi mới sinh và 70% ở tuổi trung niên). Có thể di động trong đĩa đệm và xẹp thấp tạm thời.
b. Các vòng xơ sụn
Bao quanh nhân keo, số vòng xơ phía sau ít, chỉ bằng nửa số vòng phía trước, phần vòng xơ phía sau mỏng và yếu.
c. Các bản mặt sụn
Ở phía trên và phía dưới đĩa đệm, nối kết đĩa đệm với hai thân đốt sống trên và dưới.
- Chỉ có các vòng xơ ngoài cùng phía sau là có các tận cùng thần kinh cảm giác và đau đớn khi bị kích thích.
Đĩa đệm có hai chức năng:
- Là “một túi mềm” giữ chức năng như một “ống nhún giảm tốc” tiếp nhận mọi áp lực dư thừa tác động lên cột sống khi lao động.
- Là “một trục cầu bánh chè” giúp cho hai đốt sống vận động chung quanh một cách trơn tru (cúi ngửa, nghiêng hai bên, xoay cột sống), nhờ khả năng của đĩa đệm tạm thời thay đổi hình dạng khi các đốt sống vận động (thí dụ: cúi về trước, ngửa ra sau).
- Muốn các vận động của hai đốt sống thực hiện phù hợp với sự biến dạng của đĩa đệm, các vận động phải được tiến hành từ tốn, nhịp nhàng. Động tác vội vã, “lỗi nhịp” của các đốt sống sẽ làm kẹt đĩa đệm, gây đau đớn.
3. Các dây chằng
Là các bản sợi dẹt siết giữ vững vàng các đốt sống và đĩa đệm vào với nhau, giữ cho chuỗi cột sống ở tư thế thẳng đứng.
Chỉ có dây chằng dọc sau cột sống mới có tận cùng thần kinh cảm giác và gây đau đớn khi bị tổn thương.
4. Hệ thống các bắp thịt
- Không nằm trong đoạn đốt sống di động, song hệ thống các bắp thịt là thành phần rất quan trọng: tăng cường sự vững chắc của toàn bộ cột sống khi vận động và chia xẻ phần lớn sức nén ép lên cột sống khi lao động.
- Giống như các dây néo cột buồm.
- Các bắp thịt đều có các tận cùng thần kinh cảm giác và gây đau đớn khi bị tổn thương.
- Chỉ có thành phần xương là không có tận cùng thần kinh cảm giác và không gây đau đớn khi bị tổn thương.
Tất cả bốn yếu tố cấu tạo đoạn đốt sống di động nói trên lúc bình thường hoạt động phối hợp nhịp nhàng đồng bộ sẽ đảm bảo cho cột sống vận động tốt và tiếp nhận mọi lực nén lên cột sống khi lao động. Ta nói là có sự cân bằng giữa khả năng chịu lực và lao động của đoạn đốt sống di động (cung) với yêu cầu lao động trong các công việc hàng ngày (cầu), như vậy:
Khi cung = cầu, cột sống không bị đau đớn.
Ngược lại nếu mất cân bằng giữa cung và cầu: cung < cầu gây các chứng đau lưng.
III. CON NGƯỜI ĐỨNG THẲNG TRÊN HAI CHÂN
Một thách thức nghiệt ngã đối với khả năng chịu đựng của cột sống.
Các kết quả của ngành khảo cổ học đã khẳng định.
- Tổ tiên chung của loài người và loài khỉ hắc tinh tinh là Proconsul (Hopwood), một động vật không có đuôi còn đi trên bốn chân, di chuyển chậm trên cây, có khả năng chuyển từ cây này sang cây khác nhờ các bàn tay (bộ primate) sống cách đây khoảng mười tám triệu năm.
- Một trong các mẫu người đầu tiên đứng trên hai chân được D. Johanson phát hiện ngày 30/11/1974 (châu Phi) là một phụ nữ tuổi khoảng 20, cao chừng 1 mét cân nặng 30kg, được đặt tên nàng “Lucy”, ký hiệu AL 288-1 (Phạm Thành Hỗ, 1998).
- Điều chúng ta quan tâm ở đây là:
Cột sống của loài người hoàn toàn là hình mẫu của loài động vật đi bốn chân (chỉ trừ không có các đốt sống đuôi).
Có thể suy ra:
1. Ở vật đi bốn chân, trọng lượng cơ thể phân bổ đều cho từng đốt sống.
Ở người đứng trên hai chân thì đoạn đốt sống di động thắt lưng cuối cùng (L5-S1) chịu sức tì nén lớn nhất.
Nếu một người cân nặng 50kg thì áp suất tì nén lên đĩa đệm L5-S1 ở tư thế đứng nghỉ bằng 50%, tức là 25kg (Dupuis, 1986).
2. Các tư thế khác nhau (trừ tư thế nằm) và sự vận động của cột sống con người tạo nên các áp lực lên đĩa đệm L5-S1 đều lớn hơn áp lực tư thế đứng yên.
Một người dùng hai tay nhấc một quả tạ nặng 90kg, đầu gối duỗi thẳng thì áp lực lên đĩa đệm nói trên là 672,9kg (Dupuis, 1986).
Thực sự các cơ lưng và áp lực trong ổ bụng (cơ hoành và các cơ thành bụng) hỗ trợ chịu một phần lớn lực nén ép.
Kết luận
- Cột sống con người, đặc biệt ở vùng L5-S1, luôn luôn chịu một sức tì đè khủng khiếp trong hoạt động đi lại và lao động.
- Yamada (1962) cho rằng: Loài người chưa hoàn toàn thích nghi với tư thế thẳng đứng.
- Tư thế cột sống đứng thẳng là nguyên nhân cơ bản nhất làm cho cột sống mảnh mai, dễ bị các chứng đau lưng thông thường.







Chuyên đề 3: 6 biện pháp giúp phụ nữ giảm đau lưng
Đau lưng có thể do loãng xương hoặc làm việc không đúng tư thế.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trung niên, nhất là những người làm việc bàn giấy. Do ngồi một chỗ quá lâu, hay cúi khom về phía trước nên các cơ lưng bị căng, gây đau. Về lâu dài, chứng đau lưng có thể gây biến dạng cột sống như khòm lưng, lưng tôm…
Khi bị đau lưng do cơ bắp và khớp xương bị tổn thương, bạn nên:
- Tập thể dục bằng cách đi bộ để giúp xương và cơ lưng được dẻo dai.
- Ăn uống các loại thực phẩm có hàm lượng chất can xi cao, giảm chất béo.
- Uống các thuốc giảm đau theo chỉ định của thầy thuốc vì đa số thuốc kháng viêm, giảm đau có thể làm bạn bị đau dạ dày và thận do tác dụng phụ.
- Ở nơi làm việc, nên ngồi thật thẳng, không tựa hẳn vào lưng ghế, chỉ dựa từ thắt lưng trở xuống, chân đặt thẳng ngang với nền nhà, đầu gối vuông góc. Nếu làm việc với máy vi tính thì phần cao nhất của màn hình phải đặt ngang mắt bạn. Không nên ngồi một chỗ quá lâu, thỉnh thoảng đứng dậy thư giãn bằng cách vươn vai hay đi lại tại chỗ. Không nên đi giày cao gót thường xuyên.
- Ở nhà, nên mặc đồ lót bằng loại vải mềm mại, thoải mái, nếu cần mang vác một vật nặng hay nhặt lên một vật gì, đừng cúi rạp người xuống mà hãy giữ lưng thật thẳng, quỳ gối xuống từ từ nhấc lên.
- Khi ngủ, tránh nằm sấp. Nếu nệm quá mềm, quá lún, hãy thay một tấm nệm khác phẳng hơn. Trước khi rời giường, bạn nằm ngửa, giơ hai chân lên cao, làm động tác đạp xe đạp vài phút.
Chuyên đề 4:
Điều trị đau thắt lưng tại nhà
BS. Phan Hữu Phước
           Khi xuất hiện tình trạng đau lưng, phải đến bác sĩ thăm bệnh để biết được mức độ nặng nhẹ của bệnh, nguyên nhân của bệnh và nhờ bác sĩ hướng dẫn những việc nào có thể thực hiện tại nhà để điều trị chứng đau lưng của mình.
           Khi điều trị đau lưng tại nhà bạn cần lưu ý:
           - Trong cơn đau cấp tính dữ dội: nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường vài ngày hoặc lâu hơn cho đến khi giảm đau nhiều và thấy nhẹ nhàng khi cử động lại. Lúc này cần phải vận động đôi chút.
           - Khi nằm nghỉ nên nằm trên ván phẳng hay nệm mỏng 3 – 5cm.
           - Khi mức độ đau giảm khá nhiều, bạn có thể bắt đầu các bài tập cột sống để chữa chứng đau lưng.
           Điều trị cơn đau lưng cấp tính:
           - Trong cơn đau, bạn có thể dùng phương pháp vật lý trị liệu là chiếu đèn hồng ngoại để giảm đau.
           - Khi sử dụng đèn hồng ngoại bạn cần lưu ý:
●   Gọi là đèn hồng ngoại vì tia sáng đèn phát ra có màu hồng. Có hai loại đèn: dạng đèn bóng hay dạng điện trở. Loại dùng trong gia đình thường là dạng bóng, để bàn hay có chân đứng.
●   Tác dụng của tia hồng ngoại. Tia hồng ngoại có tác dụng thấu nhiệt nông xuyên qua da khoảng 3mm. Tia sáng này làm nóng da tại chỗ, nhiệt độ da tăng lên, mạch máu tại chỗ giãn ra. Do hiện tượng tăng lượng máu cục bộ và tăng nhiệt độ tại chỗ dẫn đến phát tán nhiệt đi khắp cơ thể và làm tăng nhiệt toàn thân.
●   Tia hồng ngoại tác dụng lên đầu dây thần kinh tại vùng bị đau, khi sức nóng chiếu vừa sẽ có tác dụng giảm đau tốt nhưng khi chiếu đèn quá nóng sẽ gây phản tác dụng, làm đau tăng lên và kèm theo co cơ, cảm giác phỏng rát. Nhờ tác dụng giảm đau và giãn cơ tại chỗ nên tia hồng ngoại có tác dụng tốt trong những trường hợp đau có kèm theo cơ cơ thắt lưng.
- Cách sử dụng đèn hồng ngoại: khoảng cách từ đèn hồng ngoại đến da khoảng 40 – 90cm, điểu chỉnh độ nóng bằng cách điều chỉnh khoảng cách từ đèn đến vùng được chiếu, để tiện hơn có thể dùng đèn có núm điều chỉnh độ nóng của đèn, cần đặt đèn sau cho tia sáng chiếu đến vuông góc với da mới đạt hiệu quả cao nhất. Lưu ý nếu đèn quá gần có thể gây phỏng da. Thời gian chiếu trung bình 20 – 40 phút, mỗi ngày chiếu khoảng 2 – 3 lần.
- Nên tránh chiếu đèn hồng ngoại ở vùng da bị tổn thương hay chấn thương, vùng da bị mất cảm giác, vùng da có sẹo lồi.
- Nếu không có đèn hồng ngoại, có thể dùng túi chườm nóng cũng có tác dụng tương tự. Cũng cần lưu ý túi chườm có thể gây phỏng da nếu dùng nước quá nóng.
- Trong những trường hợp cần dùng thêm thuốc, nên hỏi ý kiến của bác sĩ vì hầu hết các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng phụ nhất định lên dạ dày.  







Chuyên đề 5:
20 bài thuốc chữa đau lưng
Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH
Ðau lưng là một bệnh rất hay gặp ở độ tuổi trung và cao niên. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và thường được chia làm hai loại: Ðau lưng cấp tính và đau lưng mãn tính.
Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản, dễ tìm có thể chữa được bệnh đau lưng mãn tính.
Bài 1: Lá ngải cứu tươi xào nóng với dấm, bọc trong túi vải đắp, chườm vào thắt lưng hay chỗ đau.
Bài 2: Bã dấm 250g, xào nóng, bọc trong túi vải, đắp vào chỗ đau trước khi đi ngủ 1-2 giờ.
Bài 3: Dây mướp tươi 2m, thái lát mỏng. Sắc uống 2-3 lần trong ngày.
Bài 4: Rễ cây mướp và dây mướp già ở gần gốc đem đốt thành tro hoặc sao, đến khi có màu vàng già thì xay nhỏ thành bột. Ngâm uống 2 lần, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng rượu.
Bài 5: Cẩu tích (rễ cây lông cu-li) 30g, sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do hàn thấp.
Bài 6: Hạt mướp tươi 60g, giã nát, đắp vào huyệt mệnh môn (nằm ở giữa 2 gai đốt sống thắt lưng 3 và 4). Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 7: Hạt cam sao vàng, xay nhỏ thành bột mịn. Ngày uống 10g, chia 2 lần, chiêu thuốc bằng rượu nhẹ. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do chấn thương gây ứ huyết bên trong.
Bài 8: Hạt hẹ 12g, vỏ vừng 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.
Bài 9: Rễ cà 20g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.
Bài 10: Vỏ quả bí ngô già 60g, rễ cây bông 60g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 11: Vỏ quả bí ngô già 60g, hương nhu 15g, đường đỏ 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 12: Ðậu đỏ nhỏ 30g, xơ mướp 12g, củ hành ta 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
Bài 13: Hạt bí ngô 40g, đậu đỏ nhỏ 30g, lá cây lạc 20g, gừng khô 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Bài 14: Hạt bông 40g, hành củ 20g, lá tía tô 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Bài 15: Lá ớt cay 50g, rượu vừa đủ. Lá ớt rửa sạch, giã nát, xào nóng rồi cho thêm chút rượu, bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau khi thuốc còn nóng. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Khi thuốc nguội có thể xào lại 1-2 lần.
Bài 16: Trà xanh 1g, bột vừng chín 5g, đổ vào nửa lít nước sôi, khuấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang.
Bài 17: Rễ cây lau 30g, vỏ quả bí ngô già 30g, nhân trần 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Bài 18: Bổ cốt toái 30g, đem sấy khô rồi xay thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g. Chiêu thuốc bằng rượu hoặc sắc nước uống.
Bài 19: Rễ hẹ 100g, dấm chua 50ml. Rễ hẹ rửa sạch, giã nát, thêm dấm rồi bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài 20: Gừng sống 20g, hành củ 15g, bột mì 30g. Ðem gừng và hành giã nát rồi cho bột mì vào. Xào nóng, sau đó đắp vào chỗ đau, dùng băng vải cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần
Chuyên đề 6: Đau lưng
Chuyên khảo về cột sống .
Nguyên nhân:
Đau lưng là biểu hiện của khá nhiều các chứng bệnh khác nhau trong cơ thể con người. Nhưng nguyên nhân rõ rệt nhất, phổ biến nhất gây đau lưng là thoái hoá cột sống.
Thoái hoá cột sống là gì?
Cột sống là khung đỡ của toàn bộ cơ thể. Theo năm tháng, do ảnh hưởng từ môi trường, chế độ ăn uống, tư thế vận động, sinh hoạt, luyện tập và chịu sức nặng cơ thể mà bị yếu đi, lão hoá và sức nâng đỡ kém.
Error! Filename not specified.
Những yếu tố nào đã đẩy nhanh quá trình thoái hoá cột sống của con người?
- Điều kiện sống khó khăn, ăn uống không đầy đủ.
- Làm việc, lao động nặng quá sớm và quá sức. Ví dụ như mang vác, gồng gánh nặng từ lúc 12, 13 tuổi, khi mà khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện.
- Tập luyện thể dục, thể thao không hợp lý.
- Thường xuyên mang, vác, đẩy, kéo các vật nặng không đúng tư thế.
- Ngồi quá nhiều hoặc luôn luôn làm việc ở một tư thế ít thay đổi.
- Trọng lượng quá mức cho phép khiến cột sống luôn phải gắng đỡ cơ thể.
- Thông thường, bệnh xuất hiện ở người có tuổi từ 35, 40 trở lên. Tỷ lệ bị thoái hoá cột sống ở nam và nữ là gần như nhau mặc dù nguyên nhân là tương đối khác nhau ở hai giới. Nếu như ở nam giới phần lớn là do lao động nặng, chơi thể thao quá độ, thì nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai và sinh nở mà không được bù đắp kịp thời và đầy đủ.
Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu có các biểu hiện sau đây:
- Lưng đau đột ngột, không có nguyên nhân rõ ràng.
- Đau lưng kèm các triệu chứng khác như sốt, đau ngực, khó thở, co dạ dày.
- Đau dữ dội kéo dài 2 – 3 ngày không hết.
- Đau âm ỉ kéo dài 2 tuần.
- Đau lưng nhanh chóng lan xuống chân, đầu gối và bàn chân.
Biểu hiện của thoái hoá cột sống
- Biểu hiện rõ rệt nhất là những cơn đau lưng xuất hiện thường xuyên, cảm giác khó chịu, bức bối trong cơ thể, dáng đi không bình thường, vẹo vọ hoặc lưng còng xuống... Nếu gặp phải những hiện tượng như vậy, có thể bạn đã bị thoái hoá cột sống.
- Đôi khi có những cơn đau cấp tính khiến bạn cảm thấy nhói buốt, đau cả sang những vùng khác như vai, thần kinh toạ, đau hông và đùi đến mức không thể đi lại lâu được.
Tình trạng cột sống
Khống chế những cơn đau lưng và khó chịu do thoái hoá cột sống bằng cách nào?
- Có nhiều phương pháp được sử dụng hiện nay tại các bệnh viện là: Dùng thuốc, thuỷ châm, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu v.v... Tất cả các phương pháp này đều phải được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định thực hiện.
- Khi ở nhà, nếu bị đau lưng, bạn nên lập tức nằm nghỉ, thư giãn. Nhưng cũng không được nằm quá lâu khiến máu khó lưu thông, tăng cảm giác mệt mỏi. Chỉ cần cảm thấy đỡ đau là bạn đã phải đi lại đôi chút. Nói chung, người bị thoái hoá cột sống không nên ngồi một chỗ mà nên vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải.
- Chườm nóng và xoa bóp được coi là biện pháp hữu hiệu tức thời. Tuy nhiên, có một sai lầm lớn là khi bị đau lưng, ta thường bóp dầu nóng, mật gấu và rượu. Làm như vậy sẽ khiến vùng bị đau có phản ứng co cơ, khiến cơn đau càng trầm trọng hơn.
-Chú ý:
- Bệnh đau cột sống không nằm trên giường đệm, không nằm võng, không mang vác nặng.
- Không ăn thịt gà, gan động vật, trứng vịt lộn, măng, cà tím, hạn chế đồ ăn cay hoặc chua.


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân