TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - 5 NĂM SỐNG TẠI HOA KỲ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

5 NĂM SỐNG TẠI HOA KỲ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2434

Bài gửiGửi: Thu Mar 06, 2008 1:26 am    Tiêu đề: 5 NĂM SỐNG TẠI HOA KỲ
Tác Giả: Nguyễn Tấn Phúc




5 NĂM SỐNG TẠI HOA KỲ


      - "Lâu nay tôi chỉ đến nhà người chứ chưa có người nào đến nhà tôi cả vì... "
      - "Có nhà đâu mà đến! " Mai Hữu Phúc đã nhanh miệng giải thích giùm tôi.
      Đúng vậy, tôi đã không có nhà kể từ khi mất nước! Đặt chân đến California vào tháng 8 năm 2002. Vợ chồng Thanh Tiềm đón tôi về nhà ở Santa Ana, bao ăn ở đúng một tháng. Tiềm đã xin việc cho tôi để kiếm tiền liền và đã cho tôi chiếc xe BMW cũ để đi làm.
      Trong tháng đầu ở đây, hết bất ngờ này tới ngạc nhiên nọ đến với tôi. Sự bất ngờ rất dễ thương và điều ngạc nhiên đầy thú vị trong những lần gặp lại bạn cũ người xưa. Những lời động viên, an ủi, chúc mừng của họ là những liều thuốc giảm đau, chống "shock" rất hiệu quả. Tôi không quên hình ảnh một bì thư có 100 USD (Mỹ Kim) để trên đầu giường tôi do anh Nguyễn Xuân Cung và anh Bảo thay mặt Hội Ái Hữu Ninh Thuận đem đến thăm tôi trong lúc tôi vắng nhà. Hội đã lưu tâm tôi từ ngày chân ướt chân ráo bước lên bờ tự do. Tôi mãi mãi nhớ ơn này ông Hội Trưởng Đáng ạ!
      - "Hôm nay tụi em đến đây không với tư cách ông Hội trưởng và cũng không dám thay mặt Hội.. " Đáng vừa cười vừa đính chính.
      - "Xin lỗi các bạn là mình chưa dám mời Hội! Ông bạn đồng nghiệp chí thân Mai Hữu Phúc đây hiểu mình hơn ai hết, nên mình đã điện thoại báo tin mừng trước tiên là bảo ổng đưa cả gia đình đạp đất nhà, luôn tiện nhờ ổng chuyển lời rủ vợ chồng Đáng Phấn với vài bạn nào đó nữa cùng đến chơi. "
      - "Vậy em là khách không mời mà đến phải không", Lại Văn Mười mỉm cười trách khéo và tiếp, "Nếu không bận đi xa bất ngờ thì Trắc đã có mặt để thăm anh rồi. "
      - "Hiểu nhau mà đến với nhau là vui rồi! Phải mất 5 năm, hôm nay tôi mới có chỗ để tự do tiếp bạn bè đây! Quí vị khách quí của tôi ạ! "
      - Nghe nói sau khi rời Việt Nam ông sống với gia đình Phong, con trai ông ở Kansas, tôi yên tâm, nhưng hơi nhớ nhớ và luôn mong đợi ngày nào đó ông sẽ về bên tôi, gần gũi như hồi ở bên nhà. Hữu Phúc thỏ thẻ bày tỏ và tiếp: "Khi ông đứng bán hàng trong tiệm Hột Vịt Long An, bên chợ ABC thì mình còn thất nghiệp, mỗi chiều đi mua báo đều tạt vào hỏi thăm ông vài câu, rồi "bai-bai" liền vì thấy ông đang bận rộn quá! Rồi đùng một cái! Ông vắng luôn! Đến không cho hay và đi cũng chẳng thèm báo! "
      - "Bây giờ báo đây! Ở Kansas chưa được ba tháng thì nhà mình đòi về Việt Nam với nhiều lý do rất là hợp tình. Cha con tôi phải bàn với nhau tìm cách hoãn binh, "Mùa này lạnh quá! Thôi thì ba má về Cali chơi ba tháng, khi nắng ấm, con sẽ qua đón về lại. Chừng nào đi để con "book" vé? " Con trai tôi vào thẳng vấn đề như vậy đó! "
      - "Má không thích đi máy bay, cho má đi xe hơi hay tàu lửa cũng được".
      - "OK, con sẽ mua vé xe "Grey-Hound" để có dịp tha hồ mà ngắm cảnh dọc đường. Hy vọng ba má sẽ thấy vui mà bớt mệt trong chuyến đi xuyên bang dài ngày này".
      "Thế là kế hoãn binh có hiệu lực ngay! Chúng tôi rời thành phố nhỏ OLATHE sau một đêm tuyết rơi đầu mùa. Cái lạnh ở đây đã đẩy chúng tôi tới Westminster, California sớm hơn dự định. "
      Đáng tìm hiểu thêm:
      - "Đang làm ăn ngon lành ngay tại Little Sài Gòn, sao lại bỏ đi? Có người nói anh chị về Việt Nam ở luôn, em không tin. "
      Hữu Phúc đáp thay tôi:
      - "Con lo cho đi chơi 3 tháng mà lại ham làm tới 8 tháng! Nghe đâu hồi ấy con ổng mới mua nhà nó đã qua rước ổng bả về lại rồi cuối năm đó về quê ăn Tết"
      - "Anh chị năm nào cũng về Phan Rang ăn Tết phải không? Vui quá còn gì! " Phấn hỏi tới.
      Đang lo việc bếp núc nhưng chắc có theo dõi cuộc trò chuyện, nghe Phấn lên tiếng, vợ tôi báo cáo một hơi một thẻ:
      - "Cái mình tôi ở Mỹ, nhưng đầu óc tôi thì ở đâu đâu! Lúc thì ở Sài Gòn với con gái, khi thì về Phan Rang với trưởng nam, rồi vô Phan Thiết, rồi ra Tuy Hòa... Ở Kansas chỉ có một con và một cháu nội. Còn tại Việt Nam tới bốn đứa ở rải rác bốn tỉnh cùng với mười hai cháu nội nữa! Còn về được để thăm thì nên về! Vì ở quê nhà có nhiều cái để nhớ, để thương, để lo lắng hơn. Ở xứ người này càng đầy đủ bao nhiêu thì mình càng buồn nhớ bấy nhiêu, càng thấy tội nghiệp bấy nhiêu khi nghĩ tới lũ con cháu mình. Trong năm năm qua chúng tôi đã cùng về Việt Nam 3 lần rồi - chuẩn bị về nay mai đây"
      Tôi tiếp: "Sau 18 tháng xa quê hương, cảnh đoàn tụ lần đầu của một gia đình "Việt Kiều" thật là hạnh phúc biết bao! Sau 4 tháng qua nhanh, tôi trở lại Mỹ. Rồi đùng một tháng sau đó, vợ chồng tôi phải tức tốc trở về Việt Nam lại! Với sự hộ tống của tôi và con trai tôi, vợ tôi mới an toàn về đến nhà để vuốt mắt lần cuối đứa con trai út 23 tuổi! Trong tiếng khóc tức tưởi của gia tộc, bạn bè, xóm giềng... Nhìn con như đang ngủ trong hòm kính, vợ tôi đã ngất xỉu nhiều lần vì quá xúc động! Nguyễn Tấn Dũng, con tôi đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Phan Thiết sau hơn 6 tiếng đồng hồ nằm thoi thóp mà không được can thiệp bằng một phương pháp cấp cứu nào! Tai nạn Honda đã cướp mất đứa con trai có tên trong danh sách chờ bảo lãnh cùng với chị nó. Sự mất mát này tưởng làm tôi bỏ cuộc nửa chừng! Đi Mỹ là vì nghĩ tới tương lai của thế hệ con cháu mình nhiều hơn là cho hiện tại của mình! Tới giờ này, thỉnh thoảng vợ tôi vẫn còn cảm thấy áy náy, đôi khi còn ân hận tự trách mình về sự sớm vĩnh viễn ra đi của thằng út yêu dấu, tội nghiệp nhất của mình! Không thể ở sáu tháng; sau nhiều lần cả nhà ngồi lại với nhau khuyên giải nhau, bàn hơn, tính thiệt với nhau... cuối cùng chúng tôi đã trở lại Mỹ và quyết định dừng chân chốn này, Nam Cali, nơi có cộng đồng người Việt lớn mạnh nhất. Để lấy lại tinh thần và phấn đấu sống như mọi người, tôi đi học, vợ tôi đi làm và đã tồn tại cho đến hôm nay để được gặp nhau giờ này nè! "
      - "Anh lặn kỹ quá! Không cho địa chỉ, đổi số phone, không biết anh mai danh ẩn tích nơi nào! Tìm anh khó quá! Đại hội kỳ rồi vắng anh hơi buồn đấy nghe! " Đáng vừa cười vừa bày tỏ sự lưu tâm của một người có trách nhiệm trong Hội Ninh Thuận.
      Từ khi trở thành người thân với gia đình Hiệp Thạnh, tôi coi Phấn như đàn em trong nhà và từ đó tôi không khách sáo gì với Đáng, chúng tôi thường xưng anh em ngọt xớt khi nói chuyện với nhau. Nửa đùa nửa thật, tôi trách nhẹ Đáng:
      - "Có thật vậy không? Không gặp vì khó tìm hả? Tìm anh khó vì anh rầy đây mai đó, hay vì ý muốn tìm lúc có lúc không? " Tếu hơi lỡ lời, sợ hiểu lầm nên liền bày tỏ thêm:
      - "Thật tình lâu nay mình sống hơi bụi! Mình thường ăn nhờ, ở đậu nhiều nơi, lúc ở chùa, khi nhà bà con, nhà bạn bè, nhà chủ... mình khác dân "homeless" là chưa bao giờ cầm bảng Carton đứng ở các ngã tư đường. "
      "Ở xứ này mình hoàn toàn "độc lập" và "tự do". Mình đã tự do share phòng để sống độc lập nhưng ở phòng share không tự do. 400 - 500 đô một tháng mà cấm đủ thứ, nào là không được nấu ăn, không được hút thuốc, nào hạn chế tiếp bạn bè... Nghèo nàn lạc hậu thế thì làm sao mà dám mời ai, rước ai? Mà có ai tìm, ai hỏi đâu mà đón với rước! "Bần cùng tọa thị vô nhơn vấn" mà! "
      - "Nữa, nữa! Xin tha cho thần dân đi bệ hạ ơi! " Đáng vừa cười vừa móc lại, rồi tiếp với giọng trầm buồn một chút:
      - "Tụi em đâu ngờ lâu nay anh chị lao đao lận đận dữ vậy! Bây giờ thì qua cơn bỉ cực rồi. Hôm nay rủ nhau đến thăm anh chị, thấy thế này... tụi em cũng như anh chị Mai Hữu Phúc đây yên tâm lắm đó! Xin thành thật chúc mừng anh chị có nhà mới! "
      - "Anh "mới có nhà" thì đúng hơn, làm gì mà "có nhà mới". "
      - "Bánh xèo thơm quá! " Hữu Phúc reo to làm tôi ngưng chuyện, Ổng tiếp, "Có một mình mà bà Phúc bày vẽ đủ thứ, tội chưa! "
      Một tay bưng một tô soup, tay kia một đĩa bánh xèo vàng cháy hấp dẫn, Cẩm Hy, vợ tôi nghe bạn của chồng khen, vui quá lên tiếng liền:
      - "Đây là món ăn bình dân của quê nhà, anh Phúc nhà tôi nói: lâu nay "căn" hoài khô khan, ảnh bảo bữa nay đổi món, làm "xèo" một bữa cho ướt át một chút. Hơn nữa, ăn bánh xèo để nhắc chuyện Phan Rang thì hợp tình đồng hương hơn là ăn sơn hào hải vị! Của ít lòng nhiều mà! Xin mời vào bàn và tự nhiên nghe, quí vị! "
      Vừa chậm bước tới bàn ăn, Mai Hữu Phúc vừa hò một mình:
      - " Đến đây đâu phải để ăn!
      Để thăm Tấn Phúc khó khăn thế nào"...
      Phải không ông chủ tịch Đáng? "
      Đáng nhìn ổng, nhìn tôi rồi cùng vỗ tay khen 2 câu hò vừa xuất cảng. Đáng chụp cơ hội nhắc liền:
      - "Thế là kỳ này, mỗi anh Phúc phải viết ít nhất là một bài cho Đặc san Ninh Thuận đấy nghe! "
      Lại Văn Mười nãy giờ ngồi im, nghe Hữu Phúc đọc thơ chận họng liền đứng lên đáp lại:
      "Không ăn thì uống đi nào!
      Bia đâu, xin rót, mời vào cụng ly"!
      Tôi lật đật tiếp tế bia lon kịp thời cho các nhà thơ của tôi thấm giọng.
      Rồi, tiếng nói, tiếng cười gọi nhau rộn rã, tiếng kéo ghế sột soạt trên nền nhà, lẫn với tiếng khua chén đũa, tiếng khui bia... đưa mọi người ngồi lại với nhau quanh một cái bàn do tôi tự chế và buổi ăn bánh xèo trưa hôm ấy đang bắt đầu trong không khí thân mật hết sức tự nhiên có ba cựu học sinh cũ của tôi đến.
      - Chào thầy ạ! Chiều tụi em bận nên đến đây đột ngột đây.
      - Thầy cô khỏe không? Cô đâu rồi?
      - Nhà thầy đẹp quá! Kín cổng cao tường thế này! Còn thua ai!
      - Vào đây Lượng Dung! Cả Quán nữa! Kịp lúc! Kịp lúc! Ngồi chung cho vui!
      Xong vài câu chào hỏi thủ tục, Tôi giới thiệu, cũ mới bắt tay chào thân thiết như biết nhau tự bao giờ.
      Nới chỗ, thêm ghế, thêm chén đũa, rồi bữa họp mặt tiếp tục.
      Tình cờ hai ông chủ nhà báo không hẹn mà gặp. Tôi xếp cho Nguyễn Công Lượng, một thành viên chủ chốt trong Ban Chủ Nhiệm Đặc San Lại Giang ngồi bên Trình Đế Đáng, chủ tịch Hội Thân Hữu Ninh Thuận kiêm Chủ nhiệm Đặc San Ninh Thuận. Hai "nhà làm việc không lương" cho hai cộng đồng này vào đề ngay và kết thân rất nhanh, trao tặng sản phẩm tinh thần cho nhau nữa chứ! Trong cóp-xe của quí vị này lúc nào cũng có Đặc san, không phải đi bán dạo mà chỉ để "kính biếu". Tội nghiệp thật tình!
      - "Còn ai nữa không thầy? " Dung, vợ của Lượng phụ vợ tôi bưng soup cho từng người, đứng trước tôi hỏi và tự giới thiệu tiếp:
      - "Em và Muội, cháu của cô Hy đây là học trò của thầy Phúc, ngày thầy mới tới Bồng Sơn. Hồi ấy thầy là giáo sư trẻ nhất, vui tính nhất và rất dễ chịu! Đầu tóc của thầy luôn luôn láng bóng! Nhắc tới thầy là nhớ ra liền. "
      - "Đó là "Model" cách đây 45 năm! Không có "Brillantine" thì tóc mình sẽ bù xù coi không được. Vô tình mình cũng có một cái gì đó... để học sinh mình nhớ mãi! " Vài lời giải thích, tôi chuyển đề tài:
      - "Dung ngồi đối diện với Phấn đây nhé! Ăn bánh đi lát nữa tha hồ tâm sự với nhau về kinh nghiệm giúp mấy ông chồng làm báo".
      Bánh xèo tôm thịt không nóng giòn như ở hàng quán nhưng cũng đủ lấp những khoảng trống khi vừa ăn vừa nói. Thực sự nói nhiều chứ ăn chẳng bao nhiêu. Để người nghe không buồn ngủ nên mình thường pha trò, với cái tật têu tếu của mình mới xuất hiện gần đây, đôi khi hư cấu một chút cốt chọc cười thôi vì cười hoài thì sẽ lâu già! Có ai chê trách, không cười thì mình cười!.
      "Một hôm có một người đàn bà khoe với tôi: Bánh căn Phan Rang ăn với nước cá kho khoái khẩu thật!
      - "Sao cô biết? " Tôi hỏi cộc lốc.
      - "Tình cờ em được ăn tại "Mile Square Park" một lần mà nhớ hoài. " Cô ta õng ẹo trả lời.
      - "Nhớ bánh căn hay nhớ người mời cô, hay nhớ Phan Rang? "
      - "Phan Rang có gì để nhớ" Nghe người ta ca tụng quê anh đây nè, rồi cô đọc:
      Gió bụi Phan thành thổi suốt năm
      Bốn mùa chỉ một nắng chang chang
      Đồng khô, lúa cháy, người thiêu đốt
      Vì gió luôn Phan và nắng mãi Rang...
      - "Hơi đâu mà cô tin mấy lời thơ con cóc đó! Mà ai đọc cho cô nghe? Hồi nào? Có ý gì? Chê quê tôi hả? Tôi tấn công cô tới tấp để có thì giờ tìm vài lời đáp lại...
      - "Đây nè", tôi xuất cảng liền:
      Phan Rang nắng ấm, gió êm rồi,
      Một thời tên tuổi lắm cô ơi!
      Tri Thủy nên thơ làng ông Thiệu
      Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng Thống tôi!
      - "Hay quá! Hay quá! Anh trở thành thi sĩ của em hồi nào vậy? " Rồi cô ta choàng ôm cổ tôi, mạnh quá! Tôi nghẹt thở.... cố la lớn....
      - "Anh Phúc! Anh! Chuyện gì vậy! " Vợ tôi nằm bên cạnh vừa kêu vừa kéo tay tôi, khi nghe ớ, ớ...
      - "Chiêm bao! Ác mộng! " Vừa thở vừa trả lời yếu xìu!
      - "Hay lắm, Hay lắm! Kể chuyện hay có thưởng" Dô! Dô!
      - "Còn đâu mà dô với ra! Hết bia! "
      - "Em" Tôi kêu lớn
      - "Dạ" Cẩm Hy nhà tôi hiểu ý khi thấy ánh mắt của tôi dạ đáp và liền mở tủ, không để lấy bia mà bưng ra mấy đĩa kem FLAN vàng óng ánh, lần lượt đặt trước mỗi người.
      - "Đây là món FLAN chính hiệu Phan Rang! Xin mời tráng miệng "cứ tự nhiên. Xin tự phục vụ thêm nhé! " Vừa phụ bưng thêm kem, tôi cũng lăng xăng không kém! Trong tích tắc, hình ảnh hơn 30 năm, trước lại về với tôi: Từ khi đi tù về, kem FLAN, bánh đậu xanh nướng là những món đặc biệt trên xe "Giải Khát lưu động, " kế sinh nhai "Emergency" hữu hiệu! Vợ tôi chế biến các con tôi thay phiên đứng bán. Tôi cũng có mặt và chạy bàn rất lịch sự hàng đêm trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong (Gia Long cũ) Phan Rang những buổi chiều tối không thơ mộng ấy, ai kêu cũng dạ, ai gọi cũng vâng...
      Ôi! Một thời để nhớ của mình sao mà chẳng tình tứ lãng mạn chút nào cả!
      - "Thôi! Cắt cái khúc phim thời sự của thời kỳ đen tối đó đi anh! " Vợ tôi nhắc khéo và tiếp tục mời khách dùng thêm vài món trái cây, món cuối của thực đơn!
      Ăn FLAN khỏi phải nhai nên dễ nói.
      Trong khi Lượng và Đáng lướt qua Đặc san cũ vừa trao tặng thì Dung và Phấn, hai phu nhân của hai vị chủ tịch cũng không còn thấy xa lạ mà đang thao thao với nhau một cách thân mật vui vẻ. Bắt gặp cái nhìn của tôi, Dung đứng dậy nhìn tôi và hỏi trổng:
      - "Không biết đằng ấy thế nào! Chứ ông Lượng nhà em thì bỏ ăn, mất ngủ, nhiều đêm làm cả nhà thức luôn cũng vì Đặc San, vì báo... "
      - "Báo gì? " Tôi ngắt lời Dung và tiếp:
      - "Nè! Thầy nói Dung nghe nè:
      - "Báo ngày thì 24 tiếng, báo tuần thì 7 ngày, báo tháng thì 30 đêm - Đặc San là báo năm - Mỗi năm làm một lần mà than thở gì? Còn nhiều thứ "Báo đời" nữa kìa nếu chẳng may lỡ nhận thì cũng phải ráng mà đọc, âm thầm đọc cho hết, đâu dám than thở với ai! Nhân đây tôi cũng xin vinh danh quý nữ lưu ở đây, đã từng có thành tích chịu đựng, hy sinh công sức để thương chồng, giúp chồng hết mình. Qua đây quý bà là số 1! Đàn ông tụi tui thì hết số thứ tự rồi! Có ai đó nói, "Bên sự thành đạt của người chồng, thường có công lớn của người vợ. " Bà xã tôi đến bên cạnh, nhéo bắp vế tôi, không dám nói lớn nhưng cố ý cho mọi người nghe:
      - "Sao ông thường nói với tôi là: Có mấy bà bên cạnh thì chẳng làm ăn được gì cả.. " Nịnh đầm vừa.. vừa thôi nghe... cưng! Bả cũng quậy được một trận cười ha hả.
      Bị "quê", tôi đánh trống lảng,
      - "Thoáng một cái hơn 30 năm đã qua! Chớp một cái, mình đã sống tại Hoa Kỳ đúng 5 năm! Năm năm dài chờ đợi nay "mới có nhà" Housing, mới tạm ổn định! Tạm an cư! Mà chưa lạc nghiệp! "
      - "Vậy... vậy là... là cha trên đời rồi! Ông Tấn Phúc ạ! Vì quá vui mừng với cái có Housing của tôi, ông bạn ruột của tôi thốt lên một câu hơi đứt khoảng hơn mọi lần, Mai Hữu Phúc tiếp:
      - "Tôi phân bì về ông đó! Qua trước ông 3 năm mà đâu có được căn nhà lịch sự, đủ tiện nghi được cấp FREE như thế này! Ai bảo "Trâu chậm uống nước đục" nào! Ông có cả tấn phúc hèn gì?
      - "Còn Mai Hữu Phúc thì ngày mai mới có phúc hả? Tui với ông là SONG PHÚC, tụi mình có phúc từ khi làm giấy khai sinh lận! Ông có biết không? Hôm nay tôi để ông đạp đất nhà tôi cũng vì cái tên tốt đẹp mà cha mẹ cố đặt cho mình đó! Biết chửa! "
      Quay sang mọi người, tôi kể:
      - "Tên mình hay ho vậy đó mà tôi cứ bị sinh viên Golden West College chọc hoài. Nó hỏi tên mình, mình phát âm đúng tiếng Việt và rõ ràng thậm chí còn dịch sang tiếng Mỹ: "Phuc means happy" thế mà nó lại chúm chím cười khi lắp bắp cố lập lại. Một bà giáo người Mỹ bảo tôi: "Khi có quốc tịch Mỹ đừng giữ tên này vì phát âm theo tiếng Mỹ thì người ta hiểu khác, kỳ cục lắm... FUCK! "
      - "Gọi sai tên của ai đó dù vô tình hay cố ý đều bị coi là không lịch sự lắm! Tôi sửa họ nhẹ nhàng.
      - "Hay, hay! Chuyện của anh Phúc càng ngày càng hấp dẫn, "Kể tiếp đi anh", Lại Văn Mười tham gia điều tra, hỏi:
      - "Anh Phúc về trường Duy Tân dạy hồi nào mà em không nhớ á? Chớ ở trại tù Sông Mao thì cả khối 6 (Trung uý/Ninh Thuận) chắc không ai quên anh, nhất là những ngày đầu nhập trại, khi anh cầm ống chích tiêm ngừa cho tù. "
      Lúc ấy nhiều cặp mắt nhìn nhau lo lắng, sợ họ sẽ cho mình trở thành điên khùng hết thì nguy!
      - "Hỏi thì phải trả lời, lý lịch trích ngang thôi nghe chưa! ", tôi tuôn một hơi trả lời chung:
      - "Vào năm 1965, tôi được chuyển về trung học Duy Tân, ngôi trường mà tôi đã từng gặp Thầy, bạn suốt 4 năm khi còn là học sinh thế hệ thứ nhì ở đây, sau khi dạy tại trung học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn/Bình Định từ 1962. Từ Duy Tân, theo lệnh Tổng Động Viên năm 1966, tôi nhập ngũ khóa 23/sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Ra trường năm 1968, mặc quân phục Sĩ Quan trợ Y, trình diện đơn vị đầu tiên: Tiểu đoàn 23 Quân Y và biệt phái về tiểu đoàn 231 Pháo binh Ban Mê Thuột sau Tết Mậu Thân mấy ngày. Sau đó tôi được biệt phái về nhiệm sở cũ: Trường Duy Tân vào năm 1970, được hưởng lương theo ngạch Giáo Sư Trung Học Đệ Nhất Cấp của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Để rồi trở thành một "Thầy giáo mất dạy" kể từ khi mất nước! Vừa bị mất dạy, tôi cùng với với đúng 100 Sĩ Quan biệt phái (các công chức các ngành của tỉnh lúc ấy) nhập Trại Tù Mỹ Đức rồi bị phân tán đi Sông Cái, Song Mao...
      Sau 18 tháng làm "Y sĩ" bất đắc dĩ cho khối 6 thì được về nhà, rồi gặp Việt Kiều Mai Hữu Phúc trong những ngày hồi hương lần đầu. Hữu Phúc đã đẩy một phát sau cùng cho tôi tới Mỹ. Và tại Cali này dụ tôi cắp sách đến trường cho đi học tiếp. Trích ngang như vậy đủ chưa? Thưa cán bộ Mười? Hì hì..!
      - "Thưa thầy, năm nay thầy định lấy lớp nào? Cũng 12 Units chứ? Mùa tới là mùa chót của em. "
      Phan Thanh Quán, cùng tuổi với vợ tôi, một cựu học sinh Tăng Bạt Hổ, cùng lớp với Lượng, vừa lên tiếng hỏi về chuyện học của tôi. Quán là người đã dìu dặt tôi đến Golden West College khi còn hơi xa lạ với Đại học cộng đồng này! Nhân đây tôi cũng muốn chia xẻ cảm tưởng của một người giáo già Việt Nam trong gần 2 năm ngồi bên sinh viên đa quốc gia, tôi lại tiếp tục nói về mình, một điều tối kỵ trong "Đắc Nhơn Tâm".
      "Mình đang học mùa thứ 6 (Fall 2007), có lẽ còn 2 mùa nữa. Học đối với mình là để cho các tế bào thần kinh não làm việc, nó mà làm biếng thì mình sớm lú lẫn mất - Golden West College là nơi để mình relax thôi. Luôn luôn kề cạnh bên thanh nam nữ tú, đôi khi mình quên là mình đã già, tưởng mình đang ở tuổi học trò, đang ngồi ở phòng lớp Đệ Tứ 2 trên lầu trường Duy Tân... Một phút lo ra, nhìn qua cửa sổ: Sông Dinh mùa nước cạn, bãi cát trắng xóa chạy dài từ rặng keo trĩu trái chín mọng đỏ bên Thuông đến tận lưng trường... chăm chú nhìn mấy đứa bé trần truồng ngồi vọc cát xây tháp nhọn bên các cô gái đang giặt đồ... lác đác xa xa những đôi thùng thiếc bên vũng nước vét, vài cô gái khác ngồi bệt múc từng gáo nước trong đổ vào thùng. Ôi! Thanh bình và êm ả quá! Cảnh ấy thỉnh thoảng lại về với tôi làm tôi nhớ da diết nơi tuổi thiếu thời của tôi không mơ mộng như bây giờ!
      Đến Golden West Colege tôi muốn bắt đầu từ đầu, từ trình độ thấp nhất tôi ghi tên học toán, học Pháp văn với ESL (English as Second language) là môn chính. Phải đủ 12 Units để được hưởng Finacial Aid (2050 đô la/ 1 Semester = 4 tháng). Cấp sách đến trường, lãnh lương! Nói đi học! Ai tin! Nhất là bà con bạn bè mình ở Việt Nam không ngờ ở Mỹ lại có chuyện lạ này.
      - "Tôi biết! Học là nghề của ông mà! " Mai Hữu Phúc động viên, ông tiếp: "Khả năng ông qua dư sức qua cầu, mùa nào cũng Pass, lãnh lương đều đều. Cái Job này không bao giờ mất đối với ông chứ? "
      - "Không, Pell Grant chỉ trợ cấp cho sinh viên học khoảng 70 Units (trong 3 năm rưỡi) thôi". Nghe nói có cách học tiếp, học lên nữa để nhận tiền thêm. Dù sao "Job" này đã giúp mình trang trải tạm tiền share phòng. Cảm ơn ông Nhà Giáo tốt bụng Hoa Kỳ! "
      - "Tài thật! Trong hoàn cảnh như vậy mà vẫn sống phây phây! Em thấy anh chị càng ngày càng đẹp lão ra đấy" Phấn quay sang phỏng vấn vợ tôi:
      - "Còn chị Phúc thì sao? Ảnh đi học, chị ở nhà một mình sợ bắt cóc hôn? Đi làm cho đỡ buồn! "
      - "Cảm ơn Phấn đã để ý đến "Bé Bự" của anh, " tôi mở đề khi vợ tôi nói về mình:
      - "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Phải biết cái đủ của mình thì không bao giờ than thiếu. Kinh nghiệm của những người lớn tuổi mới qua Mỹ cho biết: Không đi làm thì buồn mà sinh bệnh, đi làm sẽ bớt buồn, không bịnh mà còn có tiền - Vạn sự khởi đầu nan! Dần dần nghề dạy nghề. Tôi đã làm một nghề, đã quen tay nghề không cần qua trường lớp nào. Đàn bà như mình, con đàn cháu đống cả rồi, kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc trẻ có thừa, nuôi cha mẹ già cũng quen nữa. Đã nhận xứ người làm quê hương mình thì cái chuyện coi con cháu họ như con cháu mình, cha mẹ họ như người thân của mình có gì là khó! Cứ thử làm "Babysitter" đi! Họ trả tiền giờ, làm ngày nào có tiền ngày đó, thích thì làm, không bằng lòng thì nghỉ, hết sức là tự do! Nói thật nhé! Ở đây, còn có sức mà không đi làm thì uổng lắm! Trong thời gian qua thỉnh thoảng tôi cũng "đi cày" với người ta chớ! Nếu không đi cày thì làm sao có lúa gạo cho lũ chim chóc đang há mồm ở bển?! Tuổi tác này mà còn ở Việt Nam thì con cái không cho đi làm. Mà muốn có tiền, xin đi làm cũng không ai cho! Thôi thì cứ tự coi như mình đang đi làm ăn xa vậy! Ở đâu mà bà không phải trông con giữ cháu? Ở Mỹ mà không cày để kiếm gạo thôi thà về quê làm vườn cho xong!
      - "Hoan hô cô Phúc! Hoan hô chị Hy! " nhiều người vỗ tay khen vì hôm nay vợ tôi bày tỏ chí tình chí lý quá!
      Chưa chịu tha, Mai Hữu Phúc định kết thúc buổi phỏng vấn, ông lên tiếng:
      - "Đây là câu hỏi chót, chừng nào thi quốc tịch? Sau 5 năm ở Mỹ, ông được những gì nào?
      - "Chuyện dài lắm! Nhưng 5 năm rồi mới có cái buổi hò hẹn này", tôi tóm tắt tiếp:
      - "Nhiều lời động viên đã nói: "Đừng lo, từ từ rồi có tất cả. " Đúng! Mình đã dần dần có:
      - "Vào ngày 10 tháng 2 năm 2004, đúng chính xác 65 tuổi, mình được Medicare vào đúng ngày ở Cali 5 năm. (Mdedicare PartA&B). Trong thời gian qua mình được hưởng Foodstamp trong 2 năm do California cấp. Cầm thẻ Medicare ai cũng nói đó là tấm thẻ quí nhất, nó bảo vệ sức khỏe cho mình suốt đời nhất là một người mang bệnh huyết áp cao như tôi, đã một lần đột quỵ (Stroke) khi ở Phan Rang và như quí bạn thấy đó: Nhà này được cấp cho người già, income thấp. Đây là "Housing - section 8" coi như mình có trúng số rồi đó! Chỉ còn chờ trở thành người Mỹ gốc Việt nữa là coi như kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thành công!
      Khi có quốc tịch, mình sẽ bổ túc hồ sơ bảo lãnh con gái độc thân và sẽ hưởng tiền SSI. Ở tuổi "bẩy bó" này mình đã dư già để hưởng tiền già! Nhưng chưa phải là Mỹ già nên chưa nhận tiền già của Mỹ!
      Ai cũng nói, "Trâu chậm uống nước đục", đối với mình còn nước đục để lọc lại mà uống là còn may hơn nhiều bạn bè của mình đang khát ở bển! Hơn 800 đô la một tháng! Có sớm ngày nào hay ngày đó.
      - "A" mà ông nộp đơn đúng như tôi dặn không? Ông mà thi rớt thì tôi đãi đó! thuộc bài chưa?
      - "Rồi! Đúng 4 năm 9 tháng tôi nạp đơn - Đã lăn tay hơn 6 tháng rồi! Có hỏi thì họ bảo chờ FBI trả lời! Chờ sốt ruột quá ông Mai có Phúc ơi!
      - "Quyền lợi quan trọng nhất của công dân Hoa Kỳ là gì?
      - Ông dò bài tôi hả?
      - Không, thi thử đây, trả lời đi!
      - "Quan trọng nhất là quyền đi bầu, tôi trả lời đúng tài liệu... Tại sao ông nóng lòng trở thành người Mỹ? " Phúc hỏi tiếp.
      - "Để bảo lãnh con và để có 800 đô mỗi tháng.
      - Rớt, thi lại hà... hà...
      - Sao lại đánh rớt tôi khi tôi nói đúng sự thật là tôi đang cần tiền. Tôi đâu dám nói dóc với ông!
      - Cho rớt thì đãi đi! Ăn cái gì đây ông bạn!
      Mọi người cùng cười vui với chúng tôi khi họ thấy hai "đứa trẻ sống lâu" đang giỡn một cách đơn giản rất thú vị trước mặt họ.
      - "Sau cơn mưa trời lại sáng". Với dáng đứng nghiêm chỉnh và hạ thấp giọng, vợ tôi thưa tiếp:
      "Hơn 1/3 thế kỷ con cháu mình vẫn còn sống trong sự thiếu thốn, của một tỉnh lẻ nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu, khiến chúng tôi thấy rất vui sướng với những cái gọi là được trong 5 năm qua. Một cái được to lớn và quý giá nhất là tình tương thân tương ái của Hội Thân Hữu Ninh Thuận đã từng lưu tâm đến cuộc sống của đồng hương Ninh Thuận nói chung và của vợ chồng chúng tôi nói riêng. Chúng tôi rất mừng và không biết dùng ngôn từ để diễn tả hết nghĩa cử cao đẹp của Ban Chấp hành Hội, khi nhận thư ủy lạo cùng hiện kim 150 đô la mà chính ông bà chủ tịch Hội đã trực tiếp trao cho chúng tôi tại nhà hôm 5 tháng 9/ 2007. Chúng tôi xin ghi nhớ mãi ân sâu nghĩa nặng này của tất cả quý hội viên đồng hương Ninh Thuận. "
      - "Hôm nay em phát biểu hay quá! Cảm ơn em! Tôi ngắt lời vợ mình v không chững chạc chút nào, tôi vừa cười vừa tiếp:
      "Dù đến đây với cương vị nào, thôi thì công, tư kết hợp nghe! Khi nào có dịp Đáng báo cáo cùng ban Chấp hành Hội về chuyến "THĂM DÂN CHO BIẾT SỰ TÌNH" này và đừng quên chuyển lời cảm ơn chân thành của chúng tôi nhé!
      Từ nay chúng ta mãi mãi bên nhau, luôn luôn bên cạnh đồng hương tại Sài Gòn nhỏ, thủ đô tị nạn của người Việt ly hương này. Nơi đây là nơi sống thích hợp nhất cho người Việt và cũng là vị trí "NHẤT HOÀN VŨ", theo sự nhận xét của một "Ếch ngồi đáy giếng",
      Sài Gòn nhỏ (Little Sài Gòn) là nhứt quận Cam
      Quận Cam là nhất Cali
      Cali là nhất Hoa Kỳ
      Hoa Kỳ là nhất thế giới.
      - "Còn đùa tới bao giờ nữa đây ông Tấn Phúc? Cái ông Phúc này, cũng là một ông... đấy! "
      Một tràng pháo tay tiễn khách, xen lẫn những tiếng chào tạm biệt nhau, trong cái bắt tay nồng thắm cùng những lời cảm ơn nhau không khách sáo!
      Trước khi ra về, mỗi người đều nhận một danh thiếp có in:
      Nguyễn Tấn Phúc
      Dư Cẩm Hy
      1542 S. Hamstead St # D
      Anaheim, CA 92802
      Tel: 714- 230- 5129
      Lời chú thích mặt sau:
      Đây không là: Lều tranh hai quả tim vàng
      Mà là: Housing tổ ấm chàng nàng sống vui
      Đồng hương Ninh Thuận biết tui
      Xin mời, xin rủ tới lui tâm tình.

Nguyễn Tấn Phúc


Chú Thích:

Thanhksgiving 2007





Được sửa bởi Annie ngày Sat Sep 12, 2009 11:33 pm; sửa lần 3.
Về Đầu Trang
Admin



Ngày tham gia: 23 Oct 2007
Số bài: 2276

Bài gửiGửi: Wed Apr 02, 2008 11:01 pm    Tiêu đề:

Chuyện cảm động lắm. Mong sẽ nhận được thêm nhiều sáng tác mới nữa của anh Phúc.
Về Đầu Trang
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Tue Apr 08, 2008 12:13 pm    Tiêu đề: KHỞI SẮC

CHÀO MỪNG CỰU GIÁO SƯ NGUYỄN TẤN PHÚC , SỰ GÓP MẶT CỦA ANH SẼ LÀM WEB SITE DUY TÂN KHỞI SẮC HƠN.
SNOW WHITE
Về Đầu Trang
HUONG XUA



Ngày tham gia: 26 Jan 2008
Số bài: 510

Bài gửiGửi: Sat Aug 27, 2011 6:04 pm    Tiêu đề:

Tình người Ninh Thuận đáng ca ngợi ,ngoài vợ chồng anh Tiềm, còn bao nhiêu bạn bè đồng hương và hội Thân Hữu Ninh Thuận ....
Mong được nghe tiếp câu chuyện của thầy Phúc  trên đất Mỹ.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân