TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Truyện Ngắn - Thanh Ty
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Truyện Ngắn - Thanh Ty

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
THANH TY



Ngày tham gia: 02 Apr 2012
Số bài: 6

Bài gửiGửi: Sat Apr 07, 2012 8:07 pm    Tiêu đề: Truyện Ngắn - Thanh Ty



Mắm Ruột Cá Ngừ


      Chỉ còn hơn ba tuần nữa lại Tết.
      Lật bật ngày tháng qua mau.
      Mới đó mà đã sắp tới cái Tết thứ mười lăm nơi đất khách.
      Cái khí hậu miền Đông Bắc Hoa Kỳ này rất khắc nghiệt trong tháng giêng Tây tức tháng chạp ta, và kéo dài cho hết tháng tư.
      Bầu trời lúc nào cũng u ám một màu chì, nặng sũng nước mưa và tuyết lạnh chực chờ rớt xuống. Bất kể ngày đêm.
      Trời lạnh căm căm. Tuyết rơi hôm trước chưa tan hết, đón thêm trận tuyết mấy hôm sau, chất đống lên. Xe ủi ủi tắp vào hai bên lề cao như núi. Lớp nọ nén vào lớp kia cứng hơn đá tảng.
      Mỗi sáng thức dậy đi làm, nhìn đống tuyết trước lối xe ra mà ngao ngán. Không xúc thì xe ra không được. Mà ráng xúc dọn một con đường nhỏ, vừa lọt chiếc xe đi ra đường thôi, cũng không biết ngã xuống chết lúc nào vì cái bệnh đau tim mãn tính.
      Sáng nay, trong lúc vừa xúc tuyết vừa thở hổn hển, đầu óc tôi lại loay hoay nhớ đến cái lành lạnh buổi sáng những ngày tháng chạp ở quê nhà.
      Cái lạnh nhè nhẹ buổi sáng sớm đủ cho bọn trẻ con làm bộ co ro xúm quanh bên cái ấm nồng than hồng của lò bánh căn mới dọn ra lề đường.
      Tôi lại nhớ đến không khí Tết ở quê nhà.
      Nôn nao nhớ đủ thứ chuyện trên đời, mỗi lần Tết đến. Trời cũng bàng bạc một màu xám trắng, nhưng không có mưa. Thỉnh thoảng chỉ có những cơn gió nhẹ quét dài theo hai bên đường, cuốn theo mấy cái rác, mấy tờ giấy vụn hoặc lá cây khô.
      Những lúc ấy, bọn trẻ xuýt xoa, hai tay ôm lấy ngực, hai vai so lại vờ kêu lên:
      - Ái dà! Lạnh! Lạnh quá!
      Trong chốc lát chúng lại quên ngay cái lạnh giả vờ ấy để chen nhau dành cho được cái bánh căn nóng hổi bà Sáu vừa vớt ra khỏi khuôn. Mỗi khi dành được chúng lại cười ré lên đắc thắng.
      Trong những ngày cuối tháng chạp ấy, trẻ con cứ hí hửng mừng vui kháo chuyện Tết, mặc cho người lớn tất bật chuyện nhà cửa, chuyện mua bán, chuyện tính toán tiền nong, nợ nần. Mọi việc, mọi cái, nhất nhất phải trang trải, thanh toán, hứa hẹn đâu vào đó cho dứt điểm cuối năm.
      Chậm nhất là chiều ba mươi mọi việc phải hoàn tất.
      Cái thuở từ mười tuổi cho tới mười lăm, tôi sợ nhất là ngày này.
      Tôi là con lớn đầu đàn nên những việc nhà tôi phải gánh hết. Mới sáng tinh mơ mặt trời chưa ngóc lên khỏi mặt biển là cha tôi đã hối má tôi lên tận Mã Vồng đón xe ngựa từ Thành xuống để mua trước những xấp lá chuối hột còn nguyên chưa ai lựa. Ông nói mua như thế mới được những lá nguyên lành, gói bánh tét mới ngon. Lá rách chắp nối nhau, gói bánh "không ưng ý".
      Khi mặt trời mọc lên chừng cây sào, ông giao những xắp lá đó cho tôi, leo lên mái nhà phơi cho heo héo. Trước khi đi làm ông dặn đi, dặn lại:
      - Nhớ trở lá nghe con! Đừng để lá khô lắm! Đừng để lá bay xuống đất bị rách hết đó!
      Ngoài chuyện phơi và canh lá chuối trên mái nhà ra tôi còn hai việc quan trọng nữa phải làm. Đó là chùi bộ chưn đèn trên bàn thờ bằng nước me chua và tro cho sáng bóng lên và đem hết mấy cái giường gỗ cùng vạt giuờng qua bên kia sông kỳ cọ bằng cái xơ dừa cho sạch. Cha tôi nói đó là tẩy hết cái ô uế năm cũ. Năm mới nằm cho “nhẹ mình".
      Chùi chưn đèn là một việc làm thích thú nhưng rất cực. Đêm hôm trước, cha tôi đem về một rổ me chua. Ông giã nát ra, hòa với nước trong chậu đất. Xong ông tháo rời mấy cái chưn đèn ra từng đoạn, ngâm chung với hai cái đài đựng tách trà, cái cổ bồng đựng hoa quả. Sáng hôm sau mấy cái đồ đồng lổn nhổn trong chậu nước me lên "teng" xanh lè. Tôi dùng tro bếp với cái nùi giẻ cọ đi, kỳ lại mấy cái món đồ đó hàng trăm lần cho đến khi mất hết màu xanh rỉ thì màu đồng vàng mới sáng ánh lên. Xong đem phơi nắng. Mấy cái đường viền nhỏ li ti chạy hoa văn theo chưn đèn giờ đây khô lại lòi ra tro dính trong khe. Tôi lại phải dùng tăm tre tẳn mẳn xỉa ra từng chút một.
      Tối lại, trong lúc má tôi loay hoay dưới bếp nấu mấy món cúng tất niên, cha tôi mới cẩn trọng dùng cái khăn lông sạch, khô, chùi lại một lần nữa trước khi ráp lại thành bộ ngũ chưng lên bàn thờ.
      Buổi trưa, trong lúc phơi bộ đồ thờ ngoài nắng cho khô, tôi tháo hai cái giường gỗ ra thành từng mãnh rồi chồng hết lên hai tấm vạt giường, ôm chúng lội qua bên kia sông giữa cồn. Trời tháng chạp, nước sông lạnh. Nửa thân mình dưới nước lạnh. Nửa thân trên nắng chiếu nóng ấm. Trong lúc chùi rửa kỳ cọ, tôi ngại phải hụp mình xuống nước. Phần trên đang ấm thình lình chạm nước lại càng lạnh hơn. Tôi vẫn phải làm cho xong. Và phơi cho khô, cho kịp chiều nay.
      Trong đêm ba mươi tất bật bao nhiêu là việc. Lòng tôi cứ nhấp nhỏm trông cho mau xong để dông ra đường theo tụi bạn đi nhặt pháo. Những cái pháo tịt ngòi đầy hấp dẫn và quyến rũ. Có một cái việc tôi vừa chán mà buộc phải làm là chuyện vàng mã. Mỗi năm, cha mẹ tôi tốn rất nhiều tiền về mấy cái thứ này. Nào là áo quần, giầy mũ, tiền vàng. Có năm còn có cả cái nhà. Chốc nữa đây, sau khi cúng xong cha tôi sẽ đốt chúng trong cái chậu đất. Vừa đốt, ông vừa lâm râm khấn vái kêu tên mấy đứa em tôi đã chết về nhận quần áo mới, tiền tết lì xì về dưới mà hưởng.
      Xong, đến cái màn đi dán bùa vẻ hình ông cọp ở các cửa ra vào và giấy vàng bạc ở khắp nơi. Từ lu gạo cho tới vò nước. Mỗi nơi dán một tờ. Cha tôi nói dán như vậy tiền sẽ vô tứ phía. Nhưng từ nhỏ tôi đã không tin tưởng chuyện này. Năm nào tôi cũng đi dán ít nhất là mười lăm chổ, nhưng sao nhà tôi vẫn cứ nghèo. Tôi có thấy tiền vô ngõ nào đâu?
      Cha tôi lại an ủi:
      - Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống!
      Mà nhà tôi thì trống thật.
      Nhưng nhớ Tết là phải nhớ tới cái ăn và các món ăn.
             Tháng giêng là tháng ăn chơi mà!
      Lại còn:
             Có nghèo cũng thể ba ngày Tết! Có hết cũng thể ba ngày mùa!
      Nhà tôi cũng như phần đông trong xóm, tuy nghèo nhưng cũng đủ các món ăn đặc biệt trong ngày đầu năm mới. Trên bàn thờ phải có ít nhất là ba đòn bánh tét, mấy dĩa mứt rim, nào khoai lang, nào gừng lát, gừng củ, nào dừa đủ màu xanh đỏ... Dưới bếp thì một nồi thịt kho Tàu thật to, măng khô kho với thịt ba chỉ xắc cục lớn bằng ba ngón tay... bên cạnh một xoong tôm rim mặn và một thẩu kiệu chua trộn với hành củ.
      Từ sáng mồng một cho tới mồng ba, háo hức ăn ngốn ngấu mấy món đó riết rồi đâm ngán thịt mỡ, dưa hành. Cha tôi nói má tôi đi chợ đầu năm rang kiếm mua một con cá ngừ về kho ngót ăn với bún để thay món.
      Khi mua cá ngừ về, thế nào má tôi cũng làm một tô mắm ruột.
      Mắm ruột cá ngừ là một loại mắm đặc biệt, chỉ làm ăn trong gia đình chớ không có bán ở chợ. Loại mắm này một năm chỉ ăn được vài lần là cùng chớ không có ăn thường xuyên. Vì vậy cứ thấy nhớ và thòm thèm. Càng xa quê hương càng thấy thèm và nhớ.
      Vậy mắm ruột là loại mắm gì mà khan hiếm như thế?
      Tôi không biết ngoài cái xóm nghèo của tôi chế biến cái món mắm đó ra, còn có xứ nào trên đất nước Việt Nam ăn mắm ruột không!
      Tôi thử kể lại xem có bạn nào ở miền Nam, miền Bắc... ăn món mắm này chưa! Nếu đã từng thì cũng là điều "tha phương ngộ cố tri" vui lắm thay!
      Người Việt Nam mình khác Tàu ở chỗ ăn nước mắm là chính chứ không phải xì dầu. Người Mỹ thường hay đánh đồng Tàu và Việt Nam là một. Ăn uống giống nhau. Họ cứ gọi "Chai nít Niu Gya", "Chai nít phút". Khi còn làm việc trong hãng chung với Mỹ, cứ mỗi lần Tết đến là tôi lại có cơ hội nói chuyện với các bạn Mỹ về phong tục tập quán của ta, nhất là các món ăn rất khác nhau giữa ta và Tàu. Đặc biệt là sự khác nhau giữa "phít xốt với xoi bin xốt".
      Về mắm ta có nhiều thứ: Mắm nước, mắm nêm, mắm ruốc, mắm lóc, mắm cua, mắm thu, mắm tôm...
      Ít khi nghe nói tới mắm ruột.
      Mắm ruột làm bằng ruột cá. Đặc biệt chỉ có cá ngừ, cá chù, cá chắm, cá ồ là làm được mà thôi. Ngon nhất là ruột cá ngừ.
      Các loại cá này thuộc loại lớn con. Con nào cũng to từ cổ cẳng trở lên. Cá ồ là loại nhỏ nhất củng cỡ bắp tay. Gia đình nào đông con, cũng chỉ mua một con là đủ ăn. Hoặc hai cho tới ba con cá ồ là ăn bá thở. Vì vậy số lượng ruột cá rất ít. Không đủ làm mắm cho gia đình lấy đâu đem ra chợ bán?
      Cá mua về phải còn tươi. Cắt cá ra máu còn đỏ chảy ròng ròng mắm mới ngon.
      Chuẩn bị làm mắm, má tôi rửa cá thật sạch trước khi cắt khúc để nấu kho.
      Bà cẩn thận mổ bụng cá banh ra, móc hết bộ đồ lòng cá gồm bao tử, gan, ruột cho hết vào một cái tô to để sẵn. Bao nhiêu máu cá bà cho chảy hết vô tô. Sau cùng là hai cái mang cá cũng được vắt triệt để hết máu cho vào tô. Sau đó bà trộn một ít muối hột vào và đem dang nắng ba ngày cho chua. Nhớ đậy lại bằng miếng vải mùng để tránh ruồi lằn. Mỗi ngày dùng đủa trộn lên một lần.
      Sau ba nắng là "ngấu", mắm có thể kho lên ăn được. Gia vị thêm vào gồm có ít thịt ba chỉ xắc sợi bằng đầu đũa. Tóp mỡ, vài củ hành củ và một trái cà chua chín, bằm nhỏ. Thêm một chút tiêu, một chút đường đen.
      Mắm để nguyên trong tô mà kho. Đặt tô lên bếp than, kho riu riu lửa. Một chốc sau, mắm trong tô sôi lên rục rịch. Những cái bọt bong bóng màu nâu vàng từ dưới đáy tô bung lên, lớn dần ra rồi vỡ, nổ lụp bụp nghe vui tai và tỏa mùi thơm dần dần trở nên điếc mũi.
      Không lâu lắm, chừng nửa giờ là nhắc tô xuống bếp ăn được.
      Mắm ruột ăn cơm, mà phải là cơm nguội mới đúng điệu, chấm với cà dĩa chẻ làm tám miếng, kẹp với khế chua. Không có khế thì thay bằng xoài sống bằm sợi.
      Mắm ruột nấu chín, ruột cá và các thứ gia vị hòa tan, quánh vào nhau thành một hợp chất sền sệt có màu nâu sậm rất đẹp mắt. Cắn miếng cà dòn rụm, vị khế chua chua trộn với vị mắm mằn mặn, bùi bùi trong lưỡi, mùi thơm ngậy ở mũi, nước miếng chân răng cứ ứa ra, cục yết hầu ở cổ họng chạy lên chạy xuống liên hồi không kịp nuốt. Cứ thế mà ăn cho đến khi no cành hông. Và phải uống một gáo nước lạnh ở lu mới đã cái thần khẩu.
      Phải công nhận bữa cơm ăn với mắm ruột ngày mồng bảy Tết ngon hơn thịt mỡ dưa hành, bánh tét nhiều lắm lắm.
      Nhưng tôi vẫn thích ăn bánh tráng nướng chấm với mắm ruột lúc ba giờ chiều hơn. Vừa ngủ trưa dậy, bụng hơi đoi đói, bánh tráng vừa nướng lên xong, nhúng nước một mặt, bẻ ra từng miếng, chấm vào tô mắm ruột mới hâm nóng lên, bánh tráng vừa dòn, vừa mềm, nhai trong miệng rôm rốp. Thiệt là, để ngoài môi nó đã lôi vào miệng. Đã cái thần khẩu quá chừng.
      Nhưng ngày đầu năm đi chợ tìm cho được con cá ngừ quả là điều khó khăn. Loại cá này chỉ có nhiều vào mùa từ tháng sáu cho tới tháng chín. Còn tháng "giêng động dài, tháng hai động tố” biển động thường xuyên cá rất hiếm. Năm nào gặp trời êm biển lặng mới có.
      Ở Mỹ bây giờ chợ Việt Nam mọc lên khá nhiều. Bất cứ món gì cũng có. Ý chừng còn ngon và sạch hơn ở quê nhà. Vậy mà sao mua về ăn vẫn cứ thấy sao sao ấy.
      Lại cứ thèm và nhớ mấy cái món ăn cắc cớ không đâu. Thèm chi cái món mắm ruột chấm bánh tráng! Chấm cà dĩa!
      Sao không thèm nem công, chả phụng! Chân giò hầm bát bửu! Xúp vi cá, nấm đông cô!
      Thiệt rõ là già rồi lẩm cẩm. Đi nhớ ba cái vớ vẩn quê mùa, thô lậu!
      Cái nhớ nhung lan man, xà quần làm tôi quên đi thời gian, không ngờ đã xúc hết cả một đống tuyết ngập tới đầu gối hồi nào không hay.
      Bụng nghe chừng đã đói. Hình như có ai kho mắm ruột trong nhà thì phải?
      Mùi thơm của mắm quyện với mùi hành, mùi tiêu thoang thoảng bay ra chun vào hai lỗ mũi cứ phập phồng.
      Bà vợ tôi biết ý, đang kho trong đó chăng? Tôi cất xẻng và đi vào bếp.
      Bếp vắng tanh. Sực nhớ “bậu tôi” đã ra khỏi nhà đi làm từ lúc sáu giờ.
      Chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng mà có cả vị, cả mùi.
      Quả cái bệnh nhớ nhà của tôi đã quá nặng rồi. Có lẽ không còn thuốc chữa!
      Một thi sĩ nào đó cũng nhớ làng, nhớ xóm, nhớ quê đã viết:
      Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà!
      Tôi không phải là thi sỉ nên không biết làm thơ để thơ mộng hóa cái nhớ của mình mà chỉ biết nôn nao nhớ nhà trong cái mùi mắm ruột có hương vị bùi bùi, nồng nàn tê tê đầu lưỡi với vị chát của cà dĩa, vị chua của khế, vị nhân nhẫn của mật cá và cái âm thành dòn rụm của bánh tráng gạo.
      Thế nào rồi tôi cũng phải có ngày về quê ăn Tết.
      Nhất định phải có ngày về.

Nguyễn Thanh Ty
Mồng bảy tháng Chạp Giáp Thân.



Về Đầu Trang
THANH TY



Ngày tham gia: 02 Apr 2012
Số bài: 6

Bài gửiGửi: Sun Apr 08, 2012 3:52 pm    Tiêu đề:

MỘT THUỞ DẠI KHỜ:
Cái Cặp Táp Lạ Đời !Nguyễn Thanh Ty

 

Bọn con nít xóm tôi đông hàng hà sa số. Xóm tôi, đàn bà ai cũng mắn đẻ và đẻ sai nữa kìa. Nghe người ta " bình lựng" rằng những xóm ở gần đường xe lửa là những hảng chuyên sản xuất con nít hàng lô, hàng lốc. Không biết tại sao ở gần đường rầy đàn bà lại hay đẻ? Đẻ sòn sòn năm một. Có lẽ cái âm thanh "xình xịch" của xe lửa mỗi "chuyến đi về sáng” đồng thanh cộng hưởng với độ rung của cái giường ngủ giúp cho những đứa trẻ hăng hái ra nhìn đời chăng ?

Hay cái tiếng kin kít nghiến lên đường rày của tiếng bánh xe đánh thức những cặp vợ chồng trẻ “nửa đêm về sáng” thức dậy bất ngờ rồi không ngủ lại được nữa, bèn đem bàn cờ của bà Xuân Hương ra đánh một ván chơi ? Cứ mỗi ván cờ là có một khán giả bất đắc dĩ thò ra để chứng kiến cuộc cờ ?

Nhưng xóm tôi là xóm chài. Ba bề bốn phía là nước. Đâu có dính dáng gì tới xe lửa đâu, sao con nít cứ mỗi năm mỗi đông ? Vậy chúng từ trong nách nhảy ra hay sao ? Nếu thế thì chúng sẽ giống bà Ê Và được Đức Bời Lời làm ra từ cái xương sườn thứ sáu của ông A Đam và sẽ không có lỗ rún. Nhưng bọn chúng, trai gái, phần đông đứa nào cũng có cái rún lồi trước bụng to bằng ngón tay cái kia mà ! Thật không hiểu được! Muốn biết con nít xóm tôi đông cỡ nào cứ nhìn những lúc các ông Cố, bà Cố người Tây đi xuống xóm rao giảng đạo thì rõ. Các ông, bà truyền giáo mắt xanh mũi lõ đi trước. Đám con nít, đứa quần đùi, đứa ở truồng, rồng rắn theo sau, dài hơn mấy " goong" xe lửa. Không cách nào đếm được. Bọn nó có chịu đứng yên đâu mà đếm.

Riêng nội nhà tôi thôi, lúc đó đã bảy anh em rồi. Ai ai trong làng cũng nói một rập như nhau:
- Trời sinh voi, sinh cỏ. Ông bà cho bao nhiêu nuôi bấy nhiêu.
- Người ta thì giàu hào của! Mình giàu hào con!
Cha tôi cũng nói y như vậy, khi ông thấy bầy heo con của ông mỗi bữa ăn, quay quần xung quanh cái mâm cơm làm bằng nhôm đã có vài chỗ nứt bể sứt sẹo.

Nhưng trong cái đám con nít đông hàng hà như cát biển ấy, số được cặp sách đến trường thì mười ngón tay chưa đếm hết. Từ đuôi cồn cho đến đầu cồn, e chừng mới hơn tám đứa. Gạo không có đủ ăn nói gì đến chuyện sách vở ? Mà học thì nên ông nghè, ông cống gì ?
- Đó ! Học cho giỏi như Chín Ú, như Bảy Dẹo đó rồi thành khùng, thành điên chớ ích lợi gì!
Đa số người làng tôi luôn đưa hai nhân vật này ra như những nhân chứng tệ hại để nại lý do không cho con cái đi học. Nhất là con gái lại càng không được.
- Con gái đi học biết chữ chỉ tổ viết thơ cho trai chớ lợi lộc gì ! Năm tôi được mười tuổi thì đã biết hai người này, chú Chín Ú và anh Bảy Dẹo là người học giỏi nhất làng rồi. (Xin đọc Hình bóng nhạt nhòa để biết rõ về hai nhân vật này)

Không cần phải là thầy địa lý Tả Ao mới có thể biết rằng làng tôi khó mà phát lên được trước các lập luận đầy tự ti này.

Chúng tôi chỉ có vài móng loe ngoe được ôm cặp đến trường với sự cố gắng vượt bực của cha mẹ. “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” như gia cảnh cụ Tú Xương thuở xưa thật đã là phờ râu tôm rồi. Cho nên, cái việc chúng tôi được ôm cặp đến trường là một điều quá sức rồi. Còn cái chuyện học được hay không, giỏi hay dốt là cha mẹ phú cho Trời. Có ai biết chữ đâu mà kèm cặp thêm cho con cái ? Có giờ giấc rảnh đâu mà ngó nhìn đến cái vở, cuốn tập của thằng con ?

Chúng tôi đi học giống như những con ngựa hoang ngoài đồng nội, như những con chim chiền chiện trên rừng, như những con cá lạc bầy dưới biển. Hôm nào thích thì vào trường. Hôm nào ham vui theo tiếng gọi " thiêng liêng" tức là mùa trái rừng bắt đầu chín tới là dấu cặp trong bụi rậm, trốn học đi hoang trong những bãi ma dương, dũ dẻ, chùm bao, nhãn rừng... Ôi ! Thời gian đi học là cả một thiên đường thần tiên cho tuổi trẻ chúng tôi !

Thật sự đi học là cả một chuyện khó nhọc cho chúng tôi chứ chẳng dễ dàng gì ! Anh em thằng Bụi, thằng Bờ con bác Sáu Chúc nói cũng có lý của nó:
- Đi học khổ chết cha! Ở nhà đi qua lồ sướng hơn, lại có tiền ăn hàng nữa!

Chúng tôi khổ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Quần áo thì chỉ một bộ duy nhất vì bị bắt buộc của nhà trường mới có: quần soọc xanh, áo sơ mi trắng. Mặc suốt một tuần, giặt một lần ngày chủ nhật, sáng thứ hai mặc tiếp. Ba năm quần sờn đít, bạc màu. Áo bục ra từng mãng sau lưng. Mới may bộ khác. Năm năm ở tiểu học tôi được cha mẹ may cho ba bộ. Về nhà là đánh trần với cái quần đùi may bằng vải ú đen. Vở thì bao bìa bằng bao giấy xi măng. Cái nhãn vở làm bằng tờ giấy học trò cắt ra theo cái mẫu "ê ti két" có vẽ hoa lá chung quanh của mấy đứa trên Đầm, mua ở tiệm tạp hóa Vĩnh An Thành đường Phan bội Châu.

Gáy mấy cuốn vở lâu ngày bị mồ hôi tay ôm mỗi ngày, sờn ra, rách lòi lưng cái bìa vở thấp thoáng in bảng cửu chương bên trong. Cây viết thì đút túi. Chạy nhảy, nô đùa một hồi, ngó lại, nó đã rớt mất ở đâu rồi. Tìm cả ngày không ra. Đành phải lấy tre vót thành cái cán rồi xin ngòi viết lá tre cũ đã bị rè của thằng bạn vất ra, cột vào, xài đỡ. Ngòi viết lá tre rẻ nhất. Năm cắc ba cái. Ngòi viết dẹp năm cắc hai cái. Đắt nhứt là ngòi viết bầu. Một đồng hai cái. Mất viết là chuyện dài dài. Đâu thể mỗi tuần xin tiền mua viết một lần vì tội ham chơi làm mất. Bình mực thì lấy giây nhợ cột tòng teng ở cổ bình, đeo bên hông. Nhảy một hồi, nắp bung ra, mực chảy tá lã xuống quần, xuống lưng, ròng ròng theo ống cẳng. Ngó lại mực trong bình còn chút xíu không đủ ngập một phần tư ngòi viết. Đổ nước thêm vào cho đủ chấm. Lúc viết bài, mực lạt nhách chỉ thấy mờ mờ. Xin thằng bạn kế bên một chút pha vào cho thêm độ đậm. Ai ngờ mực nó loại khác, pha vào chống nhau, mực bị thúi, không ra màu gì cả. Giơ bình lên trời soi, thấy nước trong veo, còn mực thì đóng cục lợn cợn những hột li ti. Phải đem đi đổ, súc bình cho sạch, mới bỏ mực khác vào. Nay mực xanh. Mai mực tím. Xin được mực nào viết mực ấy. Hóa ra cuốn vở đủ màu. Một màu dơ dáy. Chữ viết lẫn lộn lung tung như gà bới rác.

Nói đến sách học “thêm" thì càng khổ hơn nữa. Đầu năm, thầy giáo cho biết một số sách cần phải mua để tự học thêm ở nhà. Quan trọng nhất là sách toán pháp. Trò nào muốn mua thì góp tiền cho lớp trưởng gom lại, Thầy sẽ gửi nhà sách mua dùm một lần cho rẽ hơn giá bán từng cuốn. Năm tôi học lớp Ba với thầy Phạm văn Thanh, cuốn sách toán pháp chỉ có ba đồng, mà tôi vẫn không có nổi để góp mua. Năm ấy, thầy đã xuống tận nhà tôi, tặng cho tôi cuốn sách đó trong lúc tôi đang xây bột nếp để Má tôi nấu chè sôi nước bán.

Thầy chép miệng:
- Con thiệt là nghèo cháy túi !
Suốt đời tôi không bao giờ quên được cái ngày này. Ngày lịch sử trọng đại nhất đời tôi.

Tập vở cũng là vật che mưa che nắng. Ngày nắng chang chang thì đội vở lên đầu mà đi. Ngày mưa phùn, mưa lai rai cũng dùng vở che đầu thay cho nón lá. Gặp ngày mưa to hay mưa dông thì đút vở trong bụng mà chạy thục mạng. Loi ngoi lóp ngóp. Tập vở bèm hem, nhàu nát. Chữ nghĩa quanh rìa lem nhem loang lỗ như bức tranh mây chó.

Đâu có đứa nào có cặp, dù là cái cặp nhựa một ngăn của Ba Tàu sản xuất, in hình mấy đứa trẻ Tàu mặt mũi ngô nghê, màu sắc loè loẹt, cũng đang mang cặp trên lưng đến trường. Tôi mơ ước có một cái cặp táp làm bằng da bò màu vàng, có ba ngăn. Thằng Trụ ngồi bên cạnh, có một cái mới "keng". Ngày ngày nó xách cặp táp đi học. Nhìn cách nó cầm cái quai cặp táp da bò đi vào lớp, bộ điệu chững chạc như người lớn, tôi thèm thuồng và kính nể nó biết bao. Sách vở nó lúc nào cũng tinh tươm sạch sẽ. Nó lại học giỏi nữa. Tôi định bụng nó học giỏi một phần cũng nhờ vào cái cặp táp này. Nếu tôi có được một cái như nó nhỉ ! Lúc ấy tôi cũng sẽ học giỏi, biết chừng còn hơn nó nữa là đằng khác.

Nhưng suốt thời gian đi học, tôi không bao giờ có được một cái cặp táp như trong ước mơ. Dù rằng sau này lên trung học, những cái cặp làm bằng da thuộc, màu đen, lớn hơn, có nhiều ngăn hơn, oai vệ hơn càng làm tăng thêm cái thèm thuồng ước muốn của tôi.

Một ngày kia, không biết cha tôi mua hay xin được ở đâu đó một miếng bạt vải bố nhà binh màu xám xanh cứt ngựa, rất to, bằng chiếc chiếu đôi. Tôi thấy ông lấy dây thước thợ may đo dọc, đo ngang miếng vải bố nhiều lần rồi lẫm nhẩm tính toán. Một lúc, ông lại bảo tôi cho ông mượn cuốn vở. Ông dùng cuốn vở tôi làm ni, đo tới, đo lui. Ông dùng cục than bếp và cái đòn gánh má tôi làm thước, gạch một đường dài theo chiều ngang tấm bố. Ông lại dùng dao rọc cho đứt rời ra làm hai mãnh. Mãnh nhỏ bề ngang lớn hơn cuốn tập một chút, ông cuốn tròn lại dựng ở sau tủ thờ. Miếng lớn ông làm cho má tôi tấm phên che nắng, che mưa ngồi bán hàng, thay cho tấm phên làm bằng lá dừa nặng trịch, di chuyển khó khăn. Mấy hôm sau, ông đem về một cái dùi, một cuộn dây cước mãnh, loại tôi hay dùng để câu cá sơn lòng tong và một cây kim to, loại kim thiến heo. Ông đem miếng vải bố ra, vừa dùi lỗ, vừa xỏ kim, may may, cột cột.

Tôi tò mò không biết ông làm cái gì. Dần dần nó thành hình cái túi dết, giống như cái túi đặt trên lưng lừa, thồ vật dụng. Túi dết có hai ngăn. Ngăn bên trái, ngăn bên phải. Gấp đôi lại, hai túi nằm bên trong.

A ! Tôi biết rồi! Cha tôi may cho tôi một cái cặp táp để cho tôi đựng vở và viết cùng những thứ linh tinh như gôm, bút màu, bút chì...

Tôi sung sướng nhìn cha tôi, lòng thầm cám ơn ông. Ông đã quan tâm tới chuyện học hành của tôi từ lâu mà tôi không biết. Cha tôi không biết chữ nên ông không cách nào giúp gì được cho tôi trong việc học hành. Ngày ngày ông chỉ có la rầy là tôi ham chơi và một câu duy nhất ông nói với tôi như vừa nhắc nhở vừa hăm he:
- Bữa nay học bài thuộc chưa ?
Dĩ nhiên, trăm lần như một tôi đều trả lời như máy:
- Dạ ! Thưa cha ! Thuộc rồi.

Hai ngày sau cái cặp táp hoàn tất. Ông xin dầu rái trong của ông ngoại tôi phết lên lớp bố. Lớp này vừa khô, ông phết lớp khác lên. Nhiều lần như vậy, tuần sau tôi có chiếc cặp cứng cáp, bóng lưỡng, ngon lành. Tôi dồn hết mọi thứ vô hai ngăn. Hai ngăn đầy sách vở phồng lên giống như bụng con lừa có chửa. Cha tôi quên, không may cái quai xách. Bây giờ có may cũng hết vải bố rồi!

Ngày đầu tiên tôi ôm cái cặp táp vải bố hăng hăng mùi dầu rái đi học, bọn trong xóm đứa nào cũng trầm trồ, chạy theo coi. Tôi hãnh diện vô cùng. Tám đứa học trò trong làng chỉ có mỗi mình tôi có cặp. Ôi chao ôi ! Còn niềm hãnh diện nào bằng!

Tôi sẽ học giỏi vượt bực nhờ cái cặp này ! Tôi sẽ làm toán dễ dàng cũng sẽ nhờ cái cặp này. Nghĩa là nhờ cái cặp này, ngày mai cuộc đời đứa học trò dốt toán, ít khi thuộc bài của tôi sẽ đổi khác. Cứ ôm cái cặp trong lòng là mọi sự sẽ như phép lạ của bà Tiên, đều tốt đẹp hết. Tôi sẽ bằng rồi qua mặt thằng Trụ một cái vù. Nó sẽ há hốc miệng ra và tha hồ mà ngạc nhiên. Tôi vừa đi vừa miên man nghĩ bao điều thú vị trong đầu. Bất giác cười thành tiếng.

Khi tôi vừa vào đến lớp, chưa kịp khoe cái cặp mới tinh cho mấy đứa bạn ngồi gần thì bọn chúng đã xô tới, giằng cái cặp trong tay tôi, chạy vòng vòng xung quanh dãy bàn học vừa cười hô hố, vừa banh cái cặp làm hai ra. Sách vở bút mực, bút chì rơi ra tung toé trên nền xi măng. Chúng chuyền cái cặp tôi như chuyền banh cho nhau xem rồi cười ngặt nghẽo. Ban đầu tôi giận tím mặt. Chúng dám đem cả một công trình của cha tôi ra mà chế diễu. Tôi chạy theo giựt lại. Vừa túm được đứa này thì nó đã tung sang cho đứa khác. Thấy tôi càng đuổi theo chúng càng đùa dai. Chúng đem cái cặp da bò của thằng Trụ so với cái cặp mới của tôi rồi hò lên:
- Chúng mày hãy xem cái cặp táp tân kỳ có một không hai trên đời nè!
- Cái cặp của nó bay mùi Cồn quá tụi bay ơi!

Bây giờ thì tôi mới nhận ra rõ ràng cái cặp của cha tôi may, nằm bên cạnh cái cặp táp da bò của thằng Trụ, thật quê mùa, xấu xí quá đỗi. Trông nó trụi lũi, bóng láng một vách vô duyên như cô gái quê tập đánh phấn lần đầu vụng về, hai gò má đỏ như hai khuôn dấu ịn lên vậy. Cuối cùng thì trò chơi quái ác của chúng cũng phải chấm dứt khi trống vô lớp đã đánh thùng thùng.

Tôi bẽn lẽn lấy lại cái cặp và thu gom sách vở xếp vào như cũ. Tôi bỏ nó vào hộc bàn rồi ngồi thu lu buồn xo. Bao nhiêu hý hửng buổi sáng mai khi ra khỏi nhà bây giờ tan biến hết. Thay vào đó là nổi mặc cảm tủi hổ của con nhà nghèo. Tôi lại nhớ đến bài học thuộc lòng :
...
Con nhà nghèo nhiều khi vất vả,
Khỏi học đường thư thả được đâu!
Khi thì quảy nước tưới rau,
Chợ tan, đòn gánh theo sau mẹ già!
Việc giấy bút vẫn là đi học!
Chốn học đường khó nhọc nhường bao!...
Rồi tôi tủi thân, ngồi khóc thút thít...

Khi Thầy vào lớp thấy tôi khóc, hỏi duyên cớ, có đứa mách câu chuyện cái cặp lạ đời của tôi cho Thầy nghe. Thầy bảo tôi đưa cho Thầy xem. Tôi rụt rè đưa “cái vật lạ đời” cho Thầy. Thầy cầm nó đem lên bục, ngắm nghía hồi lâu, rồi quay xuống lớp, nghiêm giọng:

-Tại sao các con lại đem cái cặp của trò ấy làm điều chế diễu ? Thầy thấy đây mới đích thực là cái cặp đáng quí. Cha trò ấy vì thương con nhưng nhà nghèo nên phải tự tay mình may cho con một cái cặp tự chế để con giữ gìn sách vở với mưa nắng. Các con có cảm thấy mỗi đường may là cả một tình thương ấp ủ trong đó không ?

Thầy khuyên các con không nên làm chuyện saí quấy như vậy nữa!

Tôi càng nghe Thầy nói càng thổn thức nhiều hơn. Bây giờ tôi khóc thực sự. Khóc không phải vì mặc cảm xấu hổ như lúc nãy mà khóc vì cảm động với những lời của Thầy. Lời Thầy như nước Cam Lồ chảy vào lòng tôi, thấm từng tế bào, thấm vào gan ruột làm cho cho cả người tôi ngọt mềm ra với dòng suối tràn đầy cảm xúc chan chứa ân tình của cha tôi. Hình ảnh ông ngồi gò lưng cặm cụi hai buổi trưa may cho tôi chiếc cặp sao mà thương quá đổi.

... Tôi ôm cái cặp lạ đời đó từ lớp Ba cho đến lớp Nhất. Bây giờ thì nó đã quá thân thương với tôi và cũng đã quen mắt với mọi đứa học trò trong trường rồi. Không ai chú ý đến nó nữa. Đến năm lớp Nhất thì lớp dầu rái bên ngoài đã bong ra gần hết để lòi ra loang lỗ cái màu xám xanh cứt ngựa như xưa. Có vài chổ đã bạc màu , thấy rõ cả những sợi vải đan chéo nhau. Bốn góc cặp cũng mòn lĩn và một góc đã thủng một lỗ to bằng ngón tay. Mấy cây viết cứ theo đó mà rơi ra ngoài. Cha tôi xin một miếng rẻo vải xanh ka ki bằng bàn tay ở quán may chú Đạm, vá chằm lên để bít cái lỗ.

Qua bao năm tháng, cái cặp giỡ ra, xếp vào không biết bao nhiêu lần, nay đã xếp thành lằn ở chính giữa và mòn dần muốn đứt ra làm hai mãnh. Tôi phải ôm nó thật cẩn thận khi đi học mỗi ngày. Nó đã từng che mưa, che nắng cho tôi như cánh tay của cha tôi vươn ra và bảo vệ sách vở tôi chu đáo không thua gì những cái cặp da bò đắt tiền của những đứa con nhà giàu.

Rồi ngày tàn của nó đến lúc cũng phải tới. Đó là qui luật đất trời. Đâu có gì là vĩnh cữu. Nhưng nó đã tới một cách oanh liệt, hào hùng và cảm động.

Trong trận thư hùng với bọn du côn đánh giầy năm cuối cùng trước khi tôi rời mái trường Nam Tiểu Học thân yêu, chúng tôi đã đánh nhau một trận kịch liệt với bọn chúng.

Chiếc cặp đã che cho tôi khỏi bị cái thùng gỗ đánh giầy xáng vào đầu. Và tôi đã dùng chiếc cặp như một vũ khí đánh lại chúng. Tôi vung cái cặp quay tít quanh đầu, xông vào giáp chiến. Bọn thằng Phát, thằng Jean, thằng So, thằng Lía... nhào vô cả tay lẫn chân đá, loi, thoi, chọt tưng bừng...Bọn đánh giầy chỉ còn đưa thùng gỗ lên che mặt và tháo lui. Tôi vung trúng một cái thùng gỗ. Hai vật chạm nhau dữ dội. Cái thùng gỗ văng ra xa. Cái cặp tôi đứt lìa làm hai. Một nửa bay về phía chúng. Thằng Phát nhảy tới cướp cái thùng. Bọn chúng chộp lấy một nửa cái cặp của tôi chạy tuốt về phía chợ Đầm, mất dạng.

Tôi không bao giờ tìm được trở lại một nửa cái cái cặp đó. Tôi thương nhớ nó vô cùng. Nó đã xa rời tôi vĩnh viễn. Một nửa hồn tôi đã gắn liền với nó, Giờ đây chỉ còn lại nổi ngậm ngùi. Tôi giử một nửa còn lại làm kỷ niệm cho mãi đến khi học hết trung học.

Và khi rời Nha Trang, dấn thân vào chốn mưa gió cuộc đời để dành giật miếng cơm manh áo đời thường, mỗi lần nhớ lại “cái cặp lạ đời” với cả một quá khứ non dại, tôi không khỏi mĩm cười và bồi hồi thổn thức.

Tôi lại nhớ đến cha tôi, cái hình ảnh ông ngồi cặm cụi, vừa dùi lỗ vừa xỏ kim, may cho tôi chiếc cặp một cách chắm chú, tẳn mẳn, tỉ mỉ, tôi càng cảm thấy câu: Công cha như núi Thái Sơn...ý nghĩa to lớn và sâu sắc biết nhường nào !



 


Nguyễn Thanh Ty
Mùa hè, tháng 8 năm 2004
Mời nghe Thanh Phương đọc chuyện “Cái cặp táp”
http://thuongduqueviet.free.fr/e107_plugins/forum/forum_viewtopic.php?122404
Về Đầu Trang
THANH TY



Ngày tham gia: 02 Apr 2012
Số bài: 6

Bài gửiGửi: Thu Apr 19, 2012 10:24 pm    Tiêu đề:

BỆNH  LẠ

Nguyễn Thanh Ty



Mấy hôm nay bệnh ông Hai bỗng nhiên trở nặng. Bà Hai lo lắm. Bà lẳng lặng ngó chừng và theo dõi ông từng bước đi. Ông cứ thơ thẩn quanh nhà, mắt thỉnh thoảng nhìn lên trời rồi cúi xuống đất như tìm kiếm vật gì, rồi bỗng cười khan.
Tiếng cười ông nghe lạ lắm. Nó vừa bi phẩn vừa chua chát. Không ra tiếng cười reo vui. Có lúc chỉ nghe “hực” một tiếng ngắn trong cổ họng. Có lúc lại nghe cả tràng dài ha hả. Mấy năm nay ông thường có triệu chứng như thế. Nhưng chỉ đôi khi.  
Tối tối, cơm nước xong, Ông thường ngồi đọc báo trên Net. Bà nằm coi Tivi, trên chiếc sô pha bên cạnh. Chốc chốc bà lại nghe tiếng ông xì một cái:
- Chuyện!
Rồi ông cười hực lên nghe như tiếng “hứ”. Bà quay sang:
- Chuyện gì vui vậy ông?
- Chuyện mấy thằng “nỡm” viết báo bên nhà!
- Họ viết cái gì vậy?
- Thì cũng ba cái chuyện “muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ” vậy mà!
- Nhưng mà chuyện gì mới được chớ? Ông nói chung chung rồi cười một mình coi bộ thấm ý?
- Thì cái tin nào, “đầu vào” cũng có khó khăn nhất định, “đầu ra” thì phải thắng lợi vẻ vang! Vượt chỉ tiêu cùng thời kỳ năm ngoái!
- Cũng tùy theo báo chớ. Không lẽ báo nào cũng rập khuôn?
- Hơn sáu trăm tờ báo từ Nam chí Bắc, tờ nào cũng một lò mà ra thì không rập khuôn là gì?
- Tui thấy trừ mấy tờ báo Đảng, báo Đoàn, báo Công An… chuyên phổ biến chỉ thị thông cáo, và tuyên truyền ba hoa khoác lác ra, mấy tờ khác như tờ Tuổi Trẻ, tờ Thanh Niên đọc cũng được lắm?
- Ừ thì lâu lâu cũng có vài bài nhờ viết “lách” xì ra một hai cái tin, như chuyện thuốc tây tăng giá cắt cổ dân nghèo, chuyện tàu Trung Quốc bắn chết ngư dân Việt nam. Nhưng vừa mới xì ra bửa trước, bửa sau bị Đảng ta đấm vào mõm, gãy răng, miệng mỏ sưng vêu lên, tịt ngòi, còn chuẩn bị ra tòa lãnh án tù nữa kia!
- Ối trời! Vậy thì còn gì là báo với chí! Rồi dân chúng sống sao cho nổi?
- Vậy mới có chuyện để cười!
Ấy, ông Hai có cái cười như thế, lâu dần thành bệnh di căn, lưu cữu, mỗi ngày mỗi nặng.
Hồi trước, ông cũng đã có một cái bệnh khác, lạ không kém. Cái bệnh này ông bị lâu lắm, từ cái hồi năm bảy mươi lăm lận.
Sau khi qua Mỹ được mấy tháng, tự nhiên dứt bệnh, chẳng cần thuốc thang gì mà vẫn khỏi.
Tháng tư năm bảy lăm, bộ đội Cụ Hồ với dép lốp, nón tai bèo, ruột tượng gạo, ào vô chiếm Miền Nam, mang theo hai chứng bệnh kỳ lạ.
Bệnh thứ nhất là bệnh ghẻ hòm của Tàu phù, còn gọi là ghẻ “bộ đội”. Mụt nào cũng to như hột bắp nếp, mưng mủ xanh lè, mọc từ kẻ tay, kẻ chân cho tới kẻ háng. Không thuốc nào bôi cho khỏi. Trẻ con cho chí người lớn, mình mẫy nhoe nhoét một màu phẩm xanh lá cây. Đến Viện Da Liễu thì được phát cho Xuyên Tâm Liên. Cứ về uống ngày một bụm. Sáng hôm sau ỉa phân xanh toàn lá cây mà ghẻ cứ ghẻ. Chẳng nhằm nhò một ly ông cụ. Tay chân sưng phù lên, đơ ra, không cầm nắm, làm ăn gì được.
Bệnh thứ hai thì phát sinh ở dưới hạ bộ. Không biết phải gọi tên gì. Ngay trên hai hòn “ngọc hành” cứ mọc mụt, to bằng ngón tay, mọng nước, căng bóng. Vài hôm sau mụt này vỡ nước thì mấy mụt khác mọc ra.
Cứ như thế, nó dai dẳng.
Mãi về sau, người ta đành phải gọi nó là “ghẻ phỏng” để có cái tên khi đi khai bệnh.
Ghẻ phỏng thì từ xưa vẫn có. Nhưng nó chỉ mọc ở trên lưng, trước ngực hay ở tay chân là cùng. Cứ xức “bô mát” vài hôm là khỏi. Còn bây giờ cái “ghẻ phỏng” tai ác này cứ nhè ngay trên hai viên ngọc quí mà mọc triền miên như trăm hoa đua nở.
Các Bác sĩ Chuyên Tu ngoài Bắc vào, cũng chịu chết. Chưa hề thấy cái chứng này bao giờ. Không biết do con vi trùng gì mà nó lây lan một cách mau chóng lạ kỳ.
Mới đầu hôm, sớm mai, chưa đầy mấy tháng mà chỗ nào cũng có người bị bệnh này. Được cái, nó không hành hạ đau đớn cấp tính. Nó cứ xót xót, ngứa ngứa, lầy nhầy dưới háng rất khó chịu. Làm cho mấy ông phiền phức trong vấn đề đi đứng. Hai chân cứ chàng hảng như người bị bệnh hoa liễu lậu mũ.
Nhất là mấy bà vợ, buồn lòng không ít, bởi khi mắc bệnh này mấy ông chồng không làm ăn gì được. Có bà quá thất vọng, bỏ luôn chồng cũ để đi lấy “bộ đội Cụ Hồ anh hùng” cho thỏa chí “tang bồng”.
Nói của đáng tội, sau cái ngày tháng tư bảy lăm, với chính sách “cào bằng” của Đảng ta để hai miền Nam Bắc được mạt rệp như nhau, không còn giai cấp địa chủ và bần cố nông, bằng liên tiếp mấy cú tuyệt chiêu chuyên chính như đổi tiền, cải tạo công thương nghiệp và đánh tư sản mại bản. Một sáng bừng mắt dậy, miền Nam bỗng nhiên trở thành sa mạc chết.
Hàng trăm ngàn người vô trại tù.
Thực phẩm, lúa gạo biến mất sạch.
Ngăn sông cấm chợ.
Công An hùng hổ đi bắt nóng, bắt nguội, bắt khẩn cấp khắp nơi. Một bầu không khí chết chóc khủng bố bao trùm. Ai ai cũng ngơ ngác lo sợ phập phồng. Mấy ông vừa nhấp nhổm lo sợ  không biết bị “tó” đi cải tạo hồi nào, vừa lo chạy đủ gạo, đủ sắn lát, bo bo, cho con ăn đã phờ người ra rồi, ông nào còn đủ can đảm và nhiệt tình nghĩ đến ba cái chuyện xa xĩ đó.
Lại còn có thêm cái bệnh lạ khác xãy ra nữa.
Đó là bệnh “dập dế”.
Bệnh này chỉ xãy ra và lây lan trên chiếc tàu Thương Tín thôi. Sau khi đám người trên tàu chạy tới đảo Guam, được chính quyền và dân chúng trên đảo chào đón hoan hô, ngày ngày cơm dâng, nước rót, chờ ngày nhập cư qua Mỹ. Bỗng dưng, không biết ăn nhầm cái giống gì, cả đám nhao nhao đòi về lại “quê hương mến yêu có Bác Hồ vĩ đại”. Rồi làm reo, rồi biểu tình. Đốt cả trại. Rối xồm xồm. Hung hăng con bọ xít. Chính quyền ở đảo lại phải cung cấp dầu mỡ, lương thực và đưa thợ máy xuống tàu sữa chữa máy móc cho hoàn hảo để đám người “yêu nước” về với Bác.
Tàu về đến bến Cầu Đá Nha Trang, mấy ông Tá, ông Úy Hải Quân được Ủy Ban Quân quản phát quần áo mới, bèn hớn hở quăng hết bộ đồ cũ của Mỹ Ngụy, để đoạn tuyệt quá khứ. Vừa lên khỏi bến tàu, ai nấy đều “hồ hởi phấn khởi” hoa tay múa chân, mồm nhe răng ra cười toe toét, tưởng đâu được Nhà Nước vẫy cờ đỏ tung hê chào đón, ai dè, từng đoàn, từng đoàn, bị Đảng ta cho lên xe bít bùng chở thẳng ra A.30 ở Phú Yên một mớ để tập ca bài “Phú Yên ơi! như Phù Đổng thiên vương…” của ông nhạc sĩ răng vàng Mác Điên (Tuyên), một mớ ra tận ngoài Bắc để chờ ngày thăm lăng Bác.
Mỗi nơi, anh nào cũng được Nhà Nước “mến  tặng” từ năm đến mười lăm cuốn lịch còn mới nguyên, để ngày ngày sau khi đi lao động vinh quang mười hai tiếng đồng hồ, về ngồi bóc lịch cho đỡ buồn, khỏi phải gãi háng như ông “Già gân” Trần văn Hương thuở nọ.
Ông Hai có người bạn Thiếu Tá Hải Quân, cũng trên chuyến tàu ấy. Hồi ở chung trại A.30, một hôm tình cờ tắm cùng một bến nước, thấy hai cái hòn “ngọc hành” của ông bạn vàng teo mất, chỉ còn một túm da, hỏi ra mới biết đầu đuôi câu chuyện.
Số là, lúc còn ở Guam, ăn no rững mỡ, hai cái dịch hoàn cứ phồng to lên, bóng lộn. Mỗi lần cơm no là muốn bò cưỡi. Ngặt cái, trên tàu làm gì có bò. Cho nên “nục” quá, ai cũng muốn về quê kiếm bò lạc. Hí hửng tưởng bở rằng, nước nhà đã độc lập, sẽ “thung thướng” cái sự đời.
Nào dè…
Khi đưa vô các trại tù có cái tên hoa mỹ là “Cải Tạo”, anh nào cũng được cho uống một liều thuốc đặc chế từ Trung Quốc, có tên là “thi não đơn”, để tẩy rửa sạch mùi đế quốc. Sau khi uống xong, hai hòn “toòng teng” bỗng dưng teo dần và biến mất, kèm theo nỗi đau đớn dày vò, đau thốn tim can, đau thấu tận trời xanh, như có trùng độc đang đục lên óc. Đã bảo là “ thi não đơn” mà! Hai viên “dế” có cảm tưởng đau y như bị kẹp dập. Mỗi lần bị thuốc hành, anh nào cũng trợn trắng mắt, tay đấm bình bịch vào ngực, rên lên như bị trúng phong:
 - Lỗi tại ta mọi đàng! Mày ngu thì cho mày chết!
Không ai hiểu cái câu ấy ám chỉ cái gì và ai ngu.
Anh em trong trại cứ gọi yêu một cách âu yếm là mấy anh chàng “dập dế”.
                    Ông Hai mỗi lần buồn buồn, cứ đùa dai với ông bạn vàng Hải Quân Thiếu Tá:
- Ê “dập dế”! Lại đây làm một bi thuốc lào rồi nói chuyện đời chơi!
Ông này bị bỡn mãi, đâm cáu văng tục:
- Lào với liếc! Đời cái con c… Ông đấm bòi vào! Mày bị phỏng dái, tao bị dập dái cũng như nhau! Cả một lũ đầu bò cả! Ai cười ai?
May thay, mấy năm sau, cái bệnh “ghẻ phỏng” trong Nam bỗng dưng biến mất một cách lặng lẽ và kỳ lạ.
Người ta xì xào rĩ tai nhau là nhờ có cái bà nhà văn nào đó ở ngoài Bắc lật đật vô Nam sau cái ngày “thống nhất” để được kịp nghe tận tai, thấy tận mắt cái nghèo đói, cái nô lệ của đế quốc Mỹ tròng lên đầu, lên cổ nhân dân Miền Nam ruột thịt mấy chục năm nay, gọi là “đi thực tế”, để có tư liệu viết văn cho sống động hơn, sát sườn hơn… Bà sợ chậm chân vài tháng thì dân miền Nam đã được Đảng ta “giải phóng” sẽ trở nên giàu có và tự do như ngoài Bắc thì mất đi cơ hội bằng vàng hiếm có, nghìn năm một thuở.
Không ngờ, sau mấy ngày đi dạo phố Sài Gòn, bà chứng kiến “cảnh sống cực khổ đói rách và nô lệ” của dân chúng Miền Nam một cách “rất không lô gíc” như bà đã được học tập. Ai nấy đều “phồn vinh giả tạo” hết. Nào nhà cửa, phố lầu cao ngất, chợ búa sầm uất bán buôn, nào quần là, áo lượt, nào ăn nhậu tưng bừng, ngựa xe đi lại như nước, phát chóng mặt. Và nhất là thấy sách vở của Mỹ Ngụy bày bán ký lô lềnh khênh đủ loại, từ Tư Bản luận dâm ô cho tới Mác Xít chủ nghĩa đồi trụy, thứ nào cũng có, dọc theo hai bên đường, thay vì đem đốt bỏ theo lệnh Nhà Nước. Bà cầm lên đọc thử. Hết cuốn này sang cuốn khác. Bà đọc mê man đến nổi, ba ngày quên ăn, quên uống và quên cả đi tè. Đến khi mót quá, bà chạy vô cái nhà vệ sinh cạnh đó hối hả làm cái việc bất đắc dĩ. Ai dè, nhà vệ sinh lại mất vệ sinh, bà bị lây cái bệnh “ghẻ phỏng” của cánh đàn ông Miền Nam.
Con vi rút “G-P” (phiên âm đọc là Gờ Phờ, do mấy nhà Bác Học ở Hà Nội nghiên cứu hai chữ “ghẻ phỏng” mà đặt thành tên. Có thằng phản động cứ đọc là Giải Phóng) theo bà ra Bắc. Và phút chốc lây lan ra cả Miền Bắc một cách mau chóng. Nhà Nước hốt hoảng với cái chứng bệnh ngược đường này, không biết cách trị liệu làm sao để chận đứng, bèn dùng biện pháp khoanh vùng, cô lập bà nhà văn này lại để theo dõi. ( Nói theo ngôn ngữ mới là “cách ly”) Nhưng con vi rút quái ác này đã hoành hành dữ dội lắm rồi. Nó không những lây lan từ chốn dân nghèo cùng đinh, (gọi đúng chữ là giai cấp bần cố nông) ăn dơ ở bẩn, mà luồn sâu vô cả giai cấp nhà giầu, trí thức khoa bảng, luôn cả những đảng viên nòng cốt cao cấp của ta có cả áo giáp che chắn nữa.
Không có thuốc chữa, Nhà Nước ta chỉ còn biện pháp duy nhất đối với đảng viên và mấy ông trí thức là cô lập cả bọn họ trong mấy cái trại đặc biệt. Dân chúng thì được chữa trị chung bằng tâm lý theo phương pháp “tự kỷ ám thị” của “Mao Xếnh Xáng vĩ đại kính mến” là cứ tụng kinh “Hồng Thư” của Bác Mao hàng ngày, mọi bệnh sẽ khỏi. Tất cả báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình ta được lệnh đăng tải và phát thanh, phát hình liên tục mỗi ngày ba buổi cho dân chúng “học tập và làm theo báo đài” rằng bệnh “ghẻ phỏng” là do bọn phản động hải ngoại và những thế lực thù địch nước ngoài rãi chất độc có vi rút “Gờ Phờ” không có gì nguy hiểm, chỉ tác hại ngoài da, ở “một bộ phận” nhất định. Nhân dân cứ tuyệt đối tin tưởng và thấm nhuần “chủ nghĩa vô địch Các Mác và vận dụng tư tưởng siêu việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến” tụng niệm hàng ngày theo báo đài là bệnh nhất định từng bước sẽ hết.
Nhưng gần ba chục năm qua, phương pháp chữa bệnh theo kiểu này coi bộ không khá. Mấy cái loa thiếc treo khắp xóm trong nước đã rè và móp méo, sứt càng gãy cọng, báo Đảng đem bán ký lô hàng tấn tấn cho mấy bà bán hàng trong chợ gói đồ, đài truyền hình xuống cấp, thay đổi tần số mấy lần vẫn không hiệu quả mấy. Dịch bệnh có mòi ngày thêm xấu đi. ( Báo Hồng Kông gọi cái bệnh dịch đó là  “Mộ Dung Cô Tô tâm phúc thống” )
Còn cái bà nhà văn nói trên, mới bị “cách ly” đâu chừng sáu tháng thì bà vợ ông Tổng Thống Pháp Mít tơ Răng rỗi việc, làm một chuyến du lịch sang Việt Nam để tận mắt nhìn thấy con rồng Việt Nam ngày ngày từ trên trời bay lên, lộn xuống cái vịnh nước có tên Vịnh Hạ Long cho mãn nhãn như tin các Văn phòng VNTourist bao trọn gói quãng cáo trên Internet.
Ai dè đến nơi, rồng đâu không thấy, chỉ thấy cái lồng nhốt con khỉ già. Lại gần, hóa ra không phải khỉ mà là bà nhà văn nọ. Quá thất vọng, bà Mít tơ Răng bỏ về Pháp và “mách bu” với ông chồng.
Vừa bị lừa, vừa xót của, Ông Tổng thống Pháp yêu cầu thả ngay bà nhà văn ra nếu không thì không thèm chơi và tặng Ơ Rô nữa.
Nhà Nước ta chỉ cần Ơ Rô thôi, chớ chơi thì đâu cần chi tới mấy anh thực dân Pháp. Anh Tây Cà Lồ này là một trong hai đế quốc đầu sỏ trên thế giới, chuyên môn đi ăn cướp nước người khác, đã bị ta đánh cho lổ mũi ăn trầu, ôm đầu máu cút khỏi Việt Nam, vĩnh viễn không dám quay đầu trở lại. Ta chỉ cần chơi với Ông Cu Ba vĩ đại, Ông Bắc Hàn vĩ đại và Ông Miến Điện vĩ đại là dư ăn rồi. Đủ sức tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ Nghĩa Xã Hụi rồi. Nhưng kẹt cái, mấy triệu Ơ Rô, của không vốn tự trên trời rơi xuống, ngu gì không bỏ túi, mới mở lồng thả con mẹ già “nhà văn không đáng giá cục phân” ra, cho thỏa lòng thằng Tây mũi lõ để hằng năm ta xách bị gậy qua Pháp lãnh tiền phát chẫn. Vẫn thắng lợi chán!
Chỉ tội nghiệp mấy ông trí thức khác không được bà Tổng Thống Công Gô hay Tân Ghi Nê Xích đạo nào đến viếng nữa nên đành nằm ấp nhiều năm để cay đắng nghiền ngẫm cái tình nghĩa “đồng chí đồng rận” nó khốn nạn ra làm sao!
Sở dĩ cái bệnh của ông Hai ngày càng biến chứng nặng thêm, một phần cũng do bà Hai vô tình kể lại cái chuyện “cải cách giáo dục” của Đảng ta.
Trước bảy lăm, bà Hai là giáo viên của ông Hai. Sau bảy lăm ông Hai đi tù cải tạo. Cô giáo ( nay là bà Hai) tiếp tục phục vụ cho Nhà Nước ta. Cách dạy các con em hoàn toàn thay đổi, khác trước một trăm phần trăm.
Cách mạng mà! Không thể dạy giống như bọn Ngụy được.
Phương pháp giáo dục mới của Chủ Nghĩa Xã Hội bây giờ là “hai tổng một phân” không giống phương pháp “thính thị” như Sư phạm cũ.
Ông Hai nghe tới đây lại cười sặc lên:
- Giáo dục gì mà có “phân” ở trỏng? Bà làm tôi nhớ đến câu đối của ông sĩ phu Bắc Hà:
- Thứ cứt gì cũng phân!
- Mà phân thì như cứt…
Bà Hai lừ mắt nguýt ông một cái dài:
-  Cứ để cho tôi kể cho mà nghe! Tổng  là  tổng hợp. Phân là phân tích. Chớ không phải phân là cứt đâu. Các em trước kia học vần: a, b, c… đọc là a,  bê, xê.
Nay văn hoá Xã hội Chủ Nghĩa a, b, c phải đọc lại thành a, bờ, cờ. Mấy cô giáo, thầy giáo chế độ trước phải tập lại cách đọc vần trẹo cả lưỡi, sái cả mồm để “lên lớp”. Vở soạn bài bây giờ phải theo Tàu kêu là “giáo án”. Chắc là cái điềm: Thầy giáo thành “tháo giầy”. Giáo chức thành “dứt cháo”. Giáo án thành “dán áo”.
Bà Hai kể tiếp:
- Hồi xưa mình đánh vần chữ khổ là: ca - hát -  ô - khô - hỏi - khổ. Có khổ đi nữa cũng còn ca hát. Bây giờ đánh vần theo “văn hóa mới” “hai tổng một phân” là phát âm chử khổ trước, đó là một tổng. Xong tới “phân”, phân ra khờ - ô - khô, rồi “tổng”  lần thứ hai, hỏi - khổ. Tức là chưa khổ đã khờ rồi.
Ông Hai nghe kể tới đó cười hộc lên một tiếng nghe như tiếng chó mắc xương, bèn lấy tờ giấy trắng ra viết hai hàng mẫu tự, chìa cho bà Hai xem rồi đố:
-  Bà đọc thử mấy cái mẫu tự này coi!
Bà Hai ghé mắt vô rồi lẩm nhẩm đọc theo cách giáo dục mới:
     - Nờ, cờ, mờ, hờ, u, ơ.
       Mờ, cờ, nờ, hờ, mờ, rờ, cờ, nờ.
Đọc xong, bà Hai không hiểu ông đang dở trò quĩ quái gì nên thắc mắc:
  -  Khi không ông biểu tôi đọc ba cái chữ này có nghĩa gì, mà để làm chi vậy?
- Ấy! Thủng thẳng tôi chỉ cho bà xem cái “ưu việt” của văn hóa mới. Mấy cái mẫu tự tôi viết gồm có:      
            N, K, M, H, U, Ơ,
                  M, K, N, H, M, R, Q, N.
Nếu đọc theo lối cũ mình sẽ có hai câu thơ rất vui mà lại dễ nhớ. Cái cách này tôi học ở Thầy Bửu Cân. Hồi nãy bà đọc mờ, nờ, hờ… tôi tức cười quá mà ráng nín, sợ bà giận. Bây giờ tôi đọc cho bà nghe nè:      
                   Anh ca em hát u ơ,
                   Em ca anh hát, em rờ cu anh!
Đọc xong ông Hai cười ha hả, lấy làm khoái chí lắm. Bà Hai đỏ mặt, lấy ngón tay xĩa vào trán ông mắng yêu:
- Đồ quĩ! Rồi cười mím chi con cọp.
Ông Hai được trớn, lướt tới:
- Bà thấy chưa! Cái cách đọc lờ, mờ, hờ gì đó của “Cách Mạng ta” người nghe cũng phờ râu tôm rồi kể chi tới người đọc cũng đờ cả lưỡi! À mà này bà! Chớ mấy cái ông lãnh đạo Giáo dục của bà hồi đó với mấy cái ông lãnh đạo Nhà nước ta khi nói tới cái đài phát thanh B.B.C của Anh Quốc thì họ đọc là đài Bờ Bờ Cờ hả?
-  Đâu có! Họ vẫn đọc là Bê Bê Xê đó chớ!
- Vậy rõ ràng là “nói vậy mà không phải vậy” phải không bà? Ông Thiệu làm Tổng Thống mấy năm không để lại công đức gì cho đất nước cả mà chỉ để lại cho đời một câu nói đáng giá bạc tỉ: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Bà Hai hình như cũng bị lôi cuốn theo cách hài hước cố hữu của ông nên cũng tích cực tham gia, đóng góp ý kiến cho “ nền cải cách giáo dục” ngày càng tiến lên xã hội chủ nghĩa ưu việt và vô địch:
- Bữa trước, tôi có gọi điện thoại về Việt Nam thăm mấy cô bạn còn đang đi dạy, họ cho biết năm nay lại có cải cách mới. Ông Tiến sĩ gì đó trong Bộ Giáo Dục mới khám phá ra một phát minh quan trọng là trẻ con mới sinh ra không có kêu lên a…a…đầu tiên mà là e.. e.. be… he…, nên ông quyết định đổi sách giáo khoa toàn bộ dạy con em Mẫu Giáo bắt đầu bằng chữ e, be, bờ e be, he, hờ e he rồi tiếp theo chữ d, con dê, dờ ê dê…
Nghe tới đây, ông Hai lại cười hộc lên một tiếng. Lần này không nghe như tiếng chó mắc xương mà nghe như tiếng heo ăn nhầm cám trộn mạt cưa, kêu “khặc” lên một tiếng rồi ngã ngữa ra bất tỉnh.
Bà Hai hết hồn, vội đánh dầu con Ó xanh lên trán, lên màn tang và giựt tóc mai ông Hai gần sứt cả chùm tóc, hồi lâu ông mới tỉnh. Từ đó về sau, bà Hai không dám đá động gì tới “nền giáo dục” ưu việt Nhà nước ta nữa. Bà sợ lần tới, dám ông đi luôn theo Bác lắm. Cái điều này thì bà không thích. Nhiều lần bà bắt ông phải nhổ nước miếng nói lại khi ông vô ý nói nhầm là đi theo Bác bán muối ở Vùng năm để làm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ cái hôm ông bị “sốc” với cái tin chấn động, trẻ con mới sinh ra kêu lên hai tiếng “be he” thay cho tiếng oa, oa, a, a ông bị bệnh thật sự. Ông hay cười khan vô cớ. Lắm lúc ngồi một mình ông cũng cười. Đi quanh vườn ngắm mấy luống cải, luống hành, luống hẹ, luống é ông cũng liên tưởng tới tiếng trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ kêu lên “be he” ông lại cười ra tiếng, khiến bà ở trong nhà tưởng ông nói chuyện với ai, vội mở cửa sau ra xem, chỉ thấy một mình ông ở vườn với tiếng cười khô khốc.
Cửa nhà vắng vẻ, con cái có gia đình cơ ngơi riêng, lâu lâu chúng mới đến thăm một lần, nên khi bà đi làm, ông ở nhà một mình cô đơn, buồn bả. Ông đánh bạn với ông Đót Côm hàng ngày cho vui, sau giờ đi làm về. Vợ chồng ông đi làm trái ca. Hai người như mặt trăng, mặt trời. Khi ông lên thì bà xuống. Chỉ tối mới gặp nhau. Cơm nước xong, ông dính vào cái ông Đót Côm. Bà dính vào cái màn hình Ti Vi, say mê theo dõi cái đám thể thao. Đêm nào không có đội “Ba Trịt” (Patriots) dành nhau ném trái banh cà na thì cũng đội “Rét Xót” (Red Sox) tranh nhau đánh khúc côn cầu.
Cái bệnh cười ngớ ngẩn của ông có lẽ bắt nguồn  từ khi ông đọc được bốn chữ “khúc ruột ngàn dậm” của Nhà Nước ta bắt đầu kêu gọi những người trước kia bị miệt thị là thành phần “đĩ điếm, phản quốc” chạy theo ôm chân đế quốc Mỹ để ăn bơ thừa sữa cặn.
Lần đầu tiên, đọc lời kêu gọi này trên báo “Nhân dân”, ông cười sặc cả ly nước trà đang uống. May mà bà Hai ngồi xéo một bên chớ không thì đã lãnh đủ một trận “tsunami” vô mặt. Dứt cười, ông đọc lại cái gọi là “lời kêu gọi khúc ruột ngàn dặm xa tổ quốc hãy mau mau trở về xây dựng tổ quốc” Nhà Nước đang mở rộng vòng tay đón chờ… cho bà Hai nghe. Xong ông kết luận:
- Báo Nhân Dân đăng như thế còn thiếu “ý Đảng lòng dân”. Phải đăng đầy đủ câu như thế này: Hởi những “đồng tiền” liền khúc ruột ngàn dặm…mới trúng tim đen của Đảng. Nếu mỗi năm, người Việt Hải ngoại không gửi về cho thân nhân trong nước hơn ba tỉ đô xanh thì “muôn đời Lục quân Việt Nam”, Đảng ta vẫn kiên quyết đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào. Làm gì có chuyện kêu gọi thảm thiết đến như thế?
Tiếp theo sau lời kêu gọi, Nhà Nước ta ban hành Nghị quyết 36 về việc bảo vệ người Việt ở nước ngoài càng làm cho bệnh cười ngu ngơ của ông Hai thêm nặng. Ông càng đọc càng cười to. Tiếng cười có lúc thống khoái có lúc lại bi thương.
Thống khoái bởi “cái đám đĩ điếm, phản quốc” nay được Nhà Nước o bế như đồ quốc bảo.
Tha hồ mà sướng nhé!
Bi thương bởi e rằng sẽ có những con cừu già đầu có sừng vẫn còn ngây thơ tin vào cái Nghị quyết này mà thân bại danh liệt. Cái gương tày liếp từ năm 45 kéo dài cho đến 75 còn sờ sờ ra đó, Cọng Sản đâu có dung túng cho một ai ngoài cái đảng của mình. Kể cả đứa anh em con ngoại hôn có cái tên là MTGPMN một thời ruột thịt chi viện. Một thời được âu yếm gọi là “Miền Nam trái vú sữa trong tim Người”. Thế mà vừa chiếm được miền Nam hôm trước, hôm sau ông anh VNDCCH giết ngay thằng em đã cúc cung tận tụy gài mìn, đặt bom, phá cầu, đào đường… dọn cổ cho ông anh ngoài Bắc vào xơi, để một mình một chợ, đổi thành cái tên mới cho hợp với chủ nghĩa Quốc Tế vô sản là CHXHCNVN.
Chẳng cần phải giở lịch sử lâu lắc ra làm chi cho mất thì giờ để chứng minh sự lật lọng của Cộng Sản. Mới đây thôi, ngay cái việc Đảng ta kêu gọi mọi người hãy giúp Đảng chống tham nhũng. Tham nhũng là quốc nạn. Nhiều anh tưởng bở vội vàng xắn tay áo lên nhào vô giúp, xin thành lập “Hội chống tham nhũng”, đứng bên cạnh Đảng, mong giúp Đảng trong sạch hóa guồng máy Xã Hội Chủ Nghĩa. Giấy xin phép (giúp Đảng mà còn phải đơn từ xin phép, thiệt là chuyện lạ. Ai đời, đem công, đem của đi giúp người mà phải xin xỏ lậy lục người cho phép!) vừa đệ trình lên, cả bọn đã bị cum đầu vô tù ráo trọi.
- Tao nói thế chứ tao có bảo chúng mày được phép chống tham nhũng đâu mà chúng mày vớ vẩn! Chúng mày chống tham nhũng tức là chống Đảng, chống chúng tao! Biết chửa! Đồ ngu!
Dĩ nhiên sau đó, mấy cái anh thơ ngây trên đều bị hộc máu mồm hết. Lại còn bị dập cả dế nữa.
Chuyện nội bộ Đảng ta còn là như vậy. Huống hồ chi mấy cái anh Ngụy ôm đầu máu chạy bán sống, bán chết mới vượt được ra khỏi nước, mặt còn xanh lè vì sợ, hơi thở chưa kịp điều hòa vì thất đảm hồn kinh cái ngón đòn đánh tư sản mại bản, bu gi chưa kịp hồi phục lại bình thường vì bị teo thót dế lúc co giò chạy, thì Đảng ta sá gì “một lưỡi gươm chém ruồi” mà không tặng cho cái đám “Việt kiều yêu nước” ôm tiền về đâu tư xây dựng sau khi đã nạp mạng. “Yêu Tổ quốc tức yêu Xã Hội Chủ Nghĩa”. Anh nào quên câu thần chú đó thì tiền của kể như đi đong mà đời thì coi như tàn theo đời cô Lựu. Yêu nước chỉ có người Cộng Sản độc quyền. Giống như ngày xưa, thời Cộng Hòa có nhiều anh chính khứa độc quyền chống Cộng. Câu nói chế diễu bất hủ của cố nhà văn Duyên Anh:
- Xê ra cho người ta đi chống Cộng!
đến nay vẫn còn cười được.
Về cái chuyện nhiều anh “Việt kiều yêu nước” đa số là ở Úc và Mỹ tí tởn ôm tiền về nước đầu tư theo cái Nghị quyết 36, chỉ thời gian ngắn hai năm đã ôm đầu máu chạy ngược về, nín khe không dám hó hé khóc một tiếng, vì sợ Cộng đồng hải ngoại biết được nó cười cho thúi đầu “già mà dại”.
Ông Hai có lời bàn  Mao Tôn Cương với bà Hai:
- Lỗi là do mấy anh “già đầu mà dại ” đó, chớ chẳng phải do ở Đảng và Nhà Nước nước ta! Tại mấy anh đó dốt không hiểu cái ý sâu xa bí ẩn trong cái Nghị quyết. Nhà Nước đã nói rõ trong đó là: Đừng có dại mà về!
-  Ông nói lạ! Nghị quyết nào lại nói vậy?
-  Bà cứ nhìn con số 36 thì nghiệm ra ngay thôi. Tại sao Nhà Nước ta không dùng con số 34, 35 hoặc 37 hay 38 để làm Nghị quyết mà lại chọn con số 36. Nghị quyết tức là trí tuệ cả một Bộ Chính trị to đùng và đầy mưu lược chớ đâu phải chuyện tơ lơ mơ bạ đâu dùng đấy. Con số 36 đó đã rút ra trong Binh pháp Tôn Tử đấy. Nguyên văn của nó là  “Tam thập lục kế: Đào tẩu vi thượng sách”. Diễn nôm ra là: Trong 36 kế, kế bỏ chạy là hay nhứt. Rõ như thế mà không nghe, cứ nhắm mắt mà về thì làm sao Nhà Nước không dạy cho bài học nhớ đời?
- Lời bàn của ông là Mao tôn Gàn chớ Cương gì! Cương ẩu thì có!
- Gàn hay Cương gì cứ lấy thực tế chứng minh thì biết ngay. Tôi chỉ luận theo phép lô gíc của  “Duy vật biện chứng pháp” thôi. Bà “hãy đợi đấy” mà xem. Hồi sau sẽ rõ!!!
Hôm mồng một Tết năm con gà vừa qua, nhằm ngày giữa tuần, ai nấy vẫn phải đi làm như thường. Ông Hai làm ca hai nên được ở nhà buổi sáng. Ông rót nước, thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên khấn vái xong, quay qua ăn sáng với cái bánh chưng đầu năm với dưa món, củ kiệu. Kiêng cử mãi, bây giờ mới được ăn nhân mỡ, ông xực luôn nửa cái bánh. Thiệt là quá đã. Đang lúc khát nước, ông xẻ thêm trái dưa hấu đầu năm vừa bói thử dưa đỏ hay hồng, vận may hay không, vừa ăn cho mát miệng. Dưa đỏ tươi lại có cát. Ông xơi luôn một phần tư trái dưa. Kết quả ngày hôm đó ông bị phát ách, bụng ông cứ nê, cứng như cái trống.
Bà quở:
-  Đã bảo “minh bất thực quả” mà!
Ông đang mệt vì cái bụng mà cũng phải phì cười vì hôm nay bà bỗng xổ nho chùm.
- Thế ăn vào buổi trưa thì nói làm sao?
Bà ngẫn ra một lúc rồi nói có vẻ gượng gạo:
- Thì… thì…  “ngọ bất thực quả”!
Đến lúc này thì ông cười sặc sụa, cười quặn cả ruột.
Bà tự ái nổi cáu, gắt:
- Có gì mà cười? Tôi nói không đúng sao?
- Thì đúng tôi mới cười chớ! Mà sao hôm nay bà lại xổ nho chùm ngon lành quá mạng vậy?
- Vịt ở với gà lâu ngày cũng phải biết gáy chớ? Ông chưa bao giờ thấy gà mái gáy?
- Thấy rồi! Thấy rồi! Bởi thấy bà gáy nên tôi nhớ lại chuyện cái bà Tôn Nữ thị Lo Huyền được Nhà Nước ta cử sang đi du thuyết tại Mỹ để rãi độc về vụ Việt Nam bị Mỹ xếp một trong ba nước “có vấn đề”.
- Chuyện có gì mà cười? Bà ta đi nói năm ba câu cho có lệ chớ thuyết phục được ai? Còn nghe nói toàn đi cửa sau rất thê thảm nữa kìa!
- Bà cũng rành cái vụ này dữ! Tôi cười là vì cái chữ ngọ của bà kìa!
- Cái chữ ngọ tôi nói ăn nhằm gì tới cái rãi độc của bà Lo Huyền?
Ông Hai vừa cười tủm tỉm vừa kể:
-Có ông bạn bên Ca Li gọi điện thoại kể chuyện bà Lo Huyền đi du thuyết cho tôi nghe. Hôm bầu đoàn thê tử của bà vừa tới Phăng Xít Cô định tổ chức gặp gỡ với mấy anh mũi lõ thì bị một đám đông người Việt hải ngoại mang biểu ngữ với cờ vàng đứng trước Tòa Tổng Lãnh sự đòi gặp bà Lo Huyền để đối chất. Bà Lo Huyền không dám tiếp, chỉ núp trong Tòa nhà nhìn ra, thấy một ông cụ áo dài, khăn đống, râu ba chòm, dài tới ngực, trắng như cước, tiến vào trước cửa Sứ Quán dùng phấn viết to một chữ “ngọ” rồi kéo đám biểu tình đi. Bà Lo Huyền và mọi người trong Sứ quán ngơ ngác không hiểu gì sấc. Họ cười ầm lên cho là lão già điên. Mới có mười giờ sáng mà viết chữ ngọ là mười hai giờ trưa. Không biết lão muốn nói hay thưa gởi điều gì. Anh bạn hỏi tôi có hiểu ý nghĩa chữ đó không?
Tôi nghe kể bèn cười ngất. Nói với anh bạn rằng ông già thâm Nho đã chửi xỏ bà Tôn Nữ thị Lo Huyền đó là “Đồ trâu bò! Sợ không dám ló đầu ra!” Anh bạn nghi ngờ cái cách giảng nghĩa của tôi, hỏi lại:
- Có thiệt không đó anh bạn già? Anh cứ cà rỡn cái kiểu “ Tội gì không biết tội gì? Sáng ra lãnh củ khoai mì tí teo” ở trong A.30!
    - Thiệt đó! Tôi nói chuyện “đứng đắn đi tới hôn nhân” đó. Bởi chữ “ngọ” là do chữ “ngưu”, Hán tự, viết không có ló cái đầu ra. Tức con trâu không ló đầu thành ra chữ ngọ. Nếu ông bạn vàng không tin lời tôi thì cứ giở Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh, do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội in lại năm 2001, quyển Hạ, trang 32 dòng thứ 10 sẽ thấy ngay.
Thấy tôi nói có sách, mách có chứng, anh bạn cũng hơi tin tưởng, bèn hỏi thêm:
- Nè! Cái bà Tôn Nữ người Huế đó, xem trên Ti vi  mặt mày coi cũng được, nhưng mỗi lần nhoẽn miệng cười làm duyên với phóng viên thì lộ ra một bó răng vàng lóng lánh coi xấu quá! Thời buổi này ai lại đi bịt răng vàng?
- Ậy! Vậy là anh bạn không biết tiểu sử bà này rồi! Bà này ngày xưa được Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa nuôi ăn học, gởi qua tận bên Pháp để du học nữa. Bằng cấp bà cũng to lắm. Nhưng rồi bà phản thùng, phản lại ân nhân nuôi nấng bà từ nhỏ tới lớn để chạy theo Cộng Sản. Hàm răng bà đã ăn gạo Quốc Gia mấy mươi niên đến độ cùn hết, nên bây giờ phải bịt vàng để nói năng chớ không thì nói ngọng sao? Anh bạn tôi nghe tới đó bỗng “ngộ” ra, ồ lên một tiếng như tiếng nước ống cống xả lù, rồi cười rống lên bên kia đầu giây, điếc cả tai, tôi phải vội vàng cúp máy.
Bà Hai cũng đã quen cái lối “nói láo mà chơi nghe láo chơi” của ông Hai nên nghe xong cũng cười xòa theo chớ không hỏi lại như ông bạn là “có thiệt hôn?”
Dạo gần đây, tối nào ông cũng “xợt” vô cái mục “Ý kiến bạn đọc” của đài B.B.C, để coi thiên hạ “tranh luận” về những chuyện “quốc gia đại sự”. Thỉnh thoảng bà Hai nằm coi Ti vi cũng giựt mình khi nghe ông vùng cười lên sằng sặc. Bà nhỏm dậy nhìn sang, hỏi ông chuyện gì mà cười dữ vậy. Ông trích đọc một số ý kiến trên diễn đàn cho bà nghe làm bà  cau mày chớ không cười nổi. Bà càu nhàu:
- Thời buổi “mạng lưới thông tin toàn cầu” rồi mà sao còn có những người tự bưng mắt, bịt tai, sắm lưỡi gỗ, nói năng cái kiểu cách đây ba mươi năm, như cái ông Thái Long gì đó, bán sách ở Đà Nẵng, nghe ngứa cái lổ tai quá chừng. Ông này chắc là con cháu gì của ông thi nô Tố Hữu, mới lọt lòng mẹ đã gọi ngay tên Xít Ta Lin rồi. Thiệt là tài! Thiệt là không biết mắc cỡ cái miệng!
Nhưng hai cái chuyện sau này làm ông cười ngất đến nổi bà Hai phải lật đật đưa ông vào bệnh viện để khám chẩn phòng căn.
Chuyện thứ nhất là cái Ngài Tổng Giám đốc hãng E-Việt Nam trả lời anh phóng viên đài B.B.C. Ông Hai cứ mở đi, mở lại cái đoạn Ngài  Tổng E mắng anh phóng viên là “ở xa tổ quốc lâu ngày nên ăn nói thiếu văn hóa” và hù dọa anh chàng này là “có thu băng đấy nhé ” để nghe rồi cười ngắc nghẻo không thôi.
Thiệt là cái văn hóa của ông Tổng “cao ngất bằng cầu Ông Lãnh”. Cỡ anh chàng A.Q của ông Lỗ Tấn còn lâu mới theo kịp. Chí Phèo của Văn Cao là đồ bỏ.
Chuyện thứ hai là anh chàng bồi bút Nguyễn Phong Nhĩ của tờ An Ninh Thế giới viết một bài bôi bác Ông Trần Khuê, nhà nghiên cứu Hán Nôm.  
Anh chàng Phong Nhĩ này là một ký giả chuyên       nghiệp về bưng bô vấy bẩn thiên hạ. Ngoài cái lối viết duy nhất là bôi lọ, vu cáo, chụp mũ một cách hạ cấp hơn cả mấy bà bán cá chợ Quốc Toản, như ngón sở trường anh ta cứ dùng đi, dùng lại với mọi người hàng ngày, lần này anh được bơm xà phòng  vào đít quá đô nên rất hung hăng con bọ xít. Anh ta thay luôn vị trí Ba Tòa quan lớn tuyên án  và thay luôn chức năng mấy ông “cớm” đòi bắt giam ông  Khuê.
Đọc mà thấy ớn…cười.
( Nghe nói anh này được Báo Công An coi như là  một “mũi nhọn xung kích” chuyên dùng để đột kích bất cứ ai có lời nói khác Đảng, trước một vài số báo, rồi sau đó Công An hình sự dàn dựng hiện trường giả như lấy cớ đi xe không có giấy tờ, đi thăm người không xin phép trước vv…để bắt họ bỏ tù)
Rõ là chẳng còn gì phép nước. Một anh ký giả quèn, mỗi ngày phải gò lưng, bẻ cong ngòi bút rán rặn ra một bài ca tụng lãnh tụ để kiếm cơm, nuôi vợ, nuôi con ( còn dư chút ít nuôi U 20) mà còn hống hách cái lối đó thì còn lạ gì cái anh Xã trưởng ở cái Xã “vùng sâu, vùng xa, hải đảo” hạnh hoẹ, quát nạt dân đen, vạch quần trỏ vào chim cu:
- Đảng là tao nè! Luật pháp là tao nè!
Đọc xong bài báo, ông Hai cười nghiêng, cười ngã, cười quặn cả ruột, cười thắt cả lưng, không nín được nữa. Hai mắt ông trợn trừng, hai tay ông bắt chuồn chuồn, miệng không ngậm lại được giống như động phong. Bà Hai hoảng vía, run lập cập, bấm phôn “cọt lét” gọi 911, nói vừa tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tiếng được, tiếng mất:
- Y mớ giăng xi! Mai hất ben sắp đai! Heo! Heo!
Chừng hơn năm phút sau, một xe cảnh sát chớp đèn xanh, đỏ, vàng nhấp nháy chạy trước dẫn đường, phía sau một xe cứu thương hụ còi “oéo, oéo” chạy theo và sau chót là chiếc xe Cứu Hỏa màu đỏ to đùng, rú còi rền rĩ vang động cả khu phố, nối đuôi đậu trước cửa nhà ông Hai.
Hàng xóm hai bên mở cửa thò đầu ra nhìn thấy hai y tá khiêng cái băng ca từ trong nhà ra, bên trên ông Hai nằm ngay đơ, tay chân được cột chặt vào băng ca, miệng được chụp ống dưỡng khí để thở. Bà Hai theo sau mếu máo khóc, cái miệng méo xẹo. Hai viên cảnh sát đứng chận hai đầu đường không cho xe chạy qua, chạy lại sợ làm cản trở công tác cấp cứu. Bốn nhân viên chữa lửa cầm hai cái khoèo móc dài thoòng và hai cái búa rìu sáng choang, chuẩn bị xông vô phá cửa nếu như gặp trường hợp bệnh nhân mập to quá khiêng không lọt qua cửa.
Ba chiếc xe lại hú còi chạy thẳng đến bệnh viện. Ông Hai được hai Bác sĩ và bốn y tá túc trực trước cửa “chào đón” vì đã được báo trước.
Suốt ngày hôm đó, ông Hai được vô nước biển, nằm phòng lạnh hồi sức. Bác sĩ, y tá lăn xăn bắt mạch, nghe tim. Khắp người ông Hai giây nhợ lòng thòng bao quanh để đo điện tâm đồ, điện não đồ. Cả cái ngón tay trỏ cũng còn bị kẹp thêm một cái kẹp màu đỏ.  Thiệt đúng là bị kềm kẹp. Nhưng ông mệt nhất là với cái đám sinh viên thực tập. Ông nào bệnh hoạn gì, chỉ vì cười quá khiến cho cơ bắp bị chuột rút thôi như hồi ông đi tắm biển bị vọp bẻ vậy. Tại bà Hai quýnh quáng kêu 911 nên ông đành nằm yên chịu trận cho “nhà thương muốn mổ thì mổ, muốn xẻ thì xẻ”.
Ông lại cười thầm trong bụng để xem họ phán ông bị bệnh gì. Cái đám thực tập mỗi đứa cầm một bảng ghi chép trên tay gồm mấy chục câu hỏi. Hết đứa này, đến đứa khác cứ bao nhiêu câu đó hỏi tới, hỏi lui. Ông trả lời đến đứa thứ năm thì bắt đầu nổi khùng:
- Ai em vé ri thai! Ai em gấu inh tu đai!  Li mi ờ lon !Bờ li!
Đến lúc đó, cái đám sinh viên mới chịu rút lui.
Qua ngày thứ hai, ông được đưa ra khỏi phòng lạnh để khám tổng quát. Lấy máu xong, lại lấy nước tiểu. Hết vạch mắt, tới le lưỡi. Khám từ đầu cho tới đít. Hết hả họng cho Bác sĩ chiếu đèn vô trong rồi bắt le lưỡi kêu a…! a…!, lại khom lưng tụt quần cho Bác sĩ ngoáy ngón tay vào hậu môn, nhột muốn chết. Suýt tí nữa ông lại phì cười.
Lâu lắm, kể từ lần khám chót tại Bệnh Viện 30.4 ở SàiGòn, để được xác nhận hoàn toàn khoẻ mạnh, đủ tiêu chuẩn bước lên máy bay đến nay, hai viên “ngọc hành” của ông mới được hai ngón tay ông Bác sĩ nâng niu âu yếm trở lại. Ông cảm thấy nhột nhột. Lại muốn cười.
Bảng nhận xét bệnh lý
Về Đầu Trang
THANH TY



Ngày tham gia: 02 Apr 2012
Số bài: 6

Bài gửiGửi: Thu Apr 19, 2012 10:36 pm    Tiêu đề:

Áo gấm về làng
Nguyễn thanh Ty



    Trong vòng một tuần lễ mà Đại ca Cần gọi điện thoại “lông đít tăng” từ San José, miền thung lũng đầy hoa vàng và nắng ấm, đến cái bang Mass xa xôi, heo hút lạnh giá này, để thăm hỏi sức khoẻ của tiểu đệ đến những hai lần, quả là chuyện lạ, tốt, hiếm có.
Mà ở đời cái gì “tốt quá cũng sinh nghi”.
Dân miền Nam sau cái ngày gọi là “thống nhất đất nước” đã học được nhiều cái  tốt nhớ đời của Đảng Bác đã ưu ái tặng cho. Và cái con vi rút có tên là “nghi ngờ” cũng theo chân bộ đội, đảng viên Cụ Hồ tràn vào miền Nam luôn. Con vi rút “nghi ngờ” này  xâm nhập vào được một môi trường tốt là tấm lòng người miền Nam xưa nay không biết ăn gian, nói dối, sống chân thật với nhau suốt bao đời, tha hồ mà tự tung, tự tác, tha hồ phát triễn. Dân miền Nam chưa hề được chích vắc xin miễn nhiễm về loại siêu vi khuẩn này  nên ai nấy đều ngắc ngư con tàu đi vì bị bệnh hành.
Trong một thời gian ngắn kỷ lục, chỉ có mấy tháng sau ngày “phải dóng”, hầu hết dân miền Nam đều bị nhiễm bệnh “nghi ngờ” rất trầm trọng. Bệnh không có thuốc chữa. Chỉ có thuốc giải. Thuốc giải do Đảng ban phát. Ai lập được công to dâng lên Đảng, như tố cáo được người nào có lời nói hay hành vi ngược lại Đảng chẳng hạn, thì được Đảng ban thuốc giải. Con bệnh sẽ không bị hành hạ trong một thời gian. Sau đó tiếp tục đi rình mò người khác moi cho được lỗi lầm, để lập công tiếp.
Từ đó, cha mẹ nghi ngờ con cái. Con cái rình mò cha mẹ. Anh chị em nghi ngờ lẫn nhau. Trò nghi thầy. Thầy không tin trò. Bạn hữu nhìn nhau bằng con mắt dò xét. Hàng xóm láng giềng ra cửa gặp nhau ngoãnh mặt làm lơ như người lạ. Không khí xã hội im như tờ, lạnh như nước đá. Suốt hơn mười năm không nghe tiếng trẻ nô đùa, không nghe tiếng cười của người lớn. Chỉ nghe tiếng loa Phường oang oang ở đầu ngõ và bóng cờ đỏ bay rợp trời, phần phật trong gió.
Một thí dụ điển hình về lòng nhân của Đảng. Đảng không giết một ai như lời vu cáo của bè lũ phản động hô hoán lên rằng miền Nam sẽ có biển máu. Đảng lấy “chí nhân mà thay cho cường bạo”. Đảng chỉ dùng chiêu “học tập cải tạo” để giáo hóa những kẻ lầm đường lạc lối theo “MỹNgụy”. Đảng đã dẹp bỏ mấy cái thứ “ác ôn côn đồ” như dao găm, mã tấu, lựu đạn chày từ khuya rồi.
Toàn thể sĩ quan, công chức chen nhau hớn hở nộp tiền, nộp gạo xin được đi học tập mười ngày để thông suốt đường lối “khoan hồng, độ lượng và hoà hợp hòa giải dân tộc” như Đảng chủ trương và kêu gọi Quân Cán Chính miền Nam “khẩn trương đăng ký” để sớm được hưởng…khoan hồng.
Thế rồi cả mấy trăm ngàn người hí hửng ra đi. Té  ra, “Đi mút chỉ cần câu” những mười năm lẻ chẳng thấy về. Mấy bà vợ trẻ lúc ấy cũng “hồ hởi phấn khởi” vẫy tay chào từ giả đấng lang quân lên đường, theo chân Bác, Đảng để sớm trở thành người dân tốt dưới chế độ xã nghĩa.
Để rồi chiều chiều ra đứng cửa sau chờ chồng:
 …Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy  rừng sâu.
Rừng sâu xanh thẫm  một màu:
Màu kinh tế mới, môt màu tang thương!*
( Xin phép Ông Đặng Trần Côn và Bà Đoàn thị Điểm, được đổi mấy chữ cho hợp nghĩa.)
Về sau, trong bộ An Nam dị sử, nhà chép sử Vi bá Đạo ghi một câu xanh rờn để đời: Ngày Bính Ngọ, tháng Canh Thìn, năm Ất Mão, có hơn ba mươi vạn người ngu, đem tiền nộp cho Nhà nước để xin được ở tù khổ sai. Cổ kim xưa nay chưa hề có.
Cũng nhờ ơn Bác, Đảng và rút được nhiều kinh nghiệm gần sáu năm “học tập” tôi cũng biết thế nào là “lễ độ” nên đã biết “kinh nhi viễn chi”.
Hóa ra Đại ca Cân gọi phôn hai lần, sau khi thăm hỏi lòng vòng chuyện mưa nắng bên Tây, bên Tàu cho phải đạo bằng hữu, rốt lại cái mục đích là: Nhớ viết  một bài báo Xuân năm nay cho Đặc san của mình nhé!
Đấy, “tốt quá sinh nghi” là ở chổ đó.
Mà cũng phải. Một tuần lễ ngao du ở Bắc Cali. Ăn ở nhà hai Ông Bà Cần mấy ngày, được Ông Bà và con cháu tiếp đãi ân cần, đưa rước chu đáo… Cái ơn trọng ấy chưa biết lấy gì đền đáp đang còn nghĩ lung thì dịp tốt lại đến.
Thức một đêm, viết một bài báo Xuân cho bạn, cũng đáng lắm.
Nhưng ngặt nỗi, năm ngoái đã viết bài “ Năm Tuất nói chuyện chó” ngon lành như thế mà bây giờ chỉ còn mấy ngày nữa là năm Hợi lù lù dẫn xác tới trước cửa nhà, mà “sờ bụng thầy không môt chữ gì” thì lấy gì mà viết chuyện heo.
Sáng nay, Đại ca lại gọi điện thăm nữa. Và câu sau cùng ân cần, âu yếm nhắc: Cuối tháng 12 này lay out đó.
Bí quá, nhưng không thể phụ lòng hai người bạn già, thôi đành đánh trống lãng sang chuyện khác vậy.
Gọi là đền ơn đãi ngộ, Tiểu đệ xin kể chuyện “Áo gấm về làng” mà vợ chồng đệ vừa xênh xang một chuyến trở về sau mười sáu năm tha phương cầu thực.
Một chuyến “lọng anh đi trước, võng nàng theo sau” lâu đến những bốn tháng ở một thành phố nghèo miền Trung, có biển xanh, cát trắng, gió mát hiền hoà tất nhiên là có vô số chuyện để mà nói khoác.
Nói là “áo gấm về làng” chỉ là cách nói ước lệ của mấy anh đồ nho thời xưa. Chứ bây giờ mà mặc áo gấm, đội khăn đống đi khơi khơi giữa phố thì e rằng không phải “té giếng” thì cũng “mát giây”.
Đệ lôi bộ “Còm lê Cà la oách” từ cái thời đi H.O năm 91 ra, để mang về mặc lại. Bộ còm lê  năm  xưa còn mới tinh, đang ở  trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Mười sáu năm ở xứ người, có dịp mặc đi ăn đám cưới đâu chừng năm, ba bận gì đó rồi nằm mãi trong ngăn “cờ lô xịt” chờ ngày vô Viện Bảo Tàng trưng bày đồ cổ.
Qua xứ Mỹ, lỡ thầy, lỡ thợ. Tiếng Anh, Tiếng U ăn đong. Định nói “nai” là đẹp (nice) thành số chín (nine), thành ban đêm (night), thành con dao (knight)…
Mỹ nói thì mình ngớ ra. Mình nói thì Mỹ: What?
Cuối cùng chỉ có mỗi việc lao động tay chân dành cho nhân viên “cổ xanh”. Gọi văn huê là công nhân cán dài tức là công việc dọn dẹp vệ sinh.
Mà làm cái “Giốp” này đâu có dịp “Ăn Tô Ny Cọp” tức mặc bộ đồ lớn Vét Tông Cà la Oách.
Khổ cái là, lúc đi may nó thì thân thể còm nhom vì ăn nhiều bo bo và khoai sắn độn. Bây giờ sau mười mấy năm, bị đế quốc Mỹ đầu độc “bơ thừa sữa cặn” nên cái thân còm cõi năm xưa nó ú ra, cái bụng nó phệ ra, mà cái bộ còm lê sau mấy lần “Rai cờ lin” nó teo tóp lại, mặc vào nó bó rọ như đòn bánh tét, nghẹt thở gần chết.
Mà đã gọi là “áo gấm về làng” không lẽ xuềnh xoàng quần cao bồi với áo Ti Sớt coi sao được.  Ể mặt quá! Dù gì cũng thể!
May sao, may quá là may! Về quê đúng cái tháng tư, “ai xuôi con cuốc gọi vào hè, cái nóng nung người nóng nóng ghê” nên cái “áo gấm Cà la oách” chưa được đem ra lần nào để khoe mẻ. Bốn tháng trời ở cái xứ biển xanh, cát trắng, Đệ cứ quần soọc, áo Ti-Sớt đi dạo biển sáng, chiều là “nhất cử tam tứ tiện”.
Chỉ tội cho bà vợ già của Đệ, hì hà hì hục cả tuần, gom bao nhiêu là quần áo cũ chất đầy hai thùng cạc tông mang về cho người thân, chắc mẫm rằng họ mừng lắm.
Cứ mỗi lần nhắc đến người thân ở quê nhà, bả lại chép miệng:
- Thiệt tội nghiệp!
Ai dè! Khi mở thùng ra, mấy đứa em bưng miệng cười ầm lên:
- Ối trời! Giờ này mà chị mang ba cái thứ này về làm chi cho nặng máy bay! Bây giờ ở Việt Nam họ gọi thứ này là “đồ Si Đa”.
Nói xong, chúng lôi ra mấy giỏ cần xé đầy những món đồ y chang. Bọn chúng đang bán thứ này ở chợ trời.
Sau đó, mới hay rằng, quần áo cứu trợ thiên tai, bão lụt, Quốc tế giúp cho dân nghèo bị nạn, đều chạy trật đường rày hết. Thay vì đến chổ cứu trơ chúng chạy lộn ra chợ trời.
Hai thùng cạc tông đầy nhóc quần áo mang từ Mỹ về tưởng đâu là “miếng khi đói, gói khi no” bỗng chốc thành đống giẻ rách.
Bà vợ đệ đang hí ha, hí hững vui như hoa mười giờ mới nở, bây giờ xìu xuống buồn hiu như hoa quỳnh tàn.
Cô em gái tôi biết ý bà chị dâu bèn an ủi, vỗ về:
- Chị Hai đừng có buồn làm chi cho nhiệt. Ở Việt Nam bây giờ mấy ổng đổi mới hết trơn rồi. Mấy ổng nói “ ta làm ăn theo kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nên ai ai cũng muốn có những tờ giấy xanh xanh in hình ông tổng thống Oách sinh Tông của cái kinh tế thị trường để làm kỷ niệm. Tụi em cũng thích sưu tập mấy cái tờ giấy đó. Anh chị cứ cho tụi em vài tờ có số 100 là vui rồi. Còn cái mớ đồ cũ này để dành lau nhà cũng tốt.
Bà vợ Đệ nghe cô em chồng thuyết một hơi, há hốc mồm ra, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi hỏi một câu thơ ngây y như “con nai vàng ngơ ngác” của Lưu trong Lư thời tiền chiến. ( Sau, Lư theo Bác, Đảng làm “Kách mệnh” đã sửa câu thơ “ Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô” thành một câu rất ư là thổ tả: “Con nai vàng không còn ngơ ngác nữa em ơi”. Từ đó danh hiệu nhà thơ Lưu trọng Lư bị chết theo câu thơ đó):
- Cô nói Nhà nước ta làm kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa là nghĩa làm sao?
- Em đâu có biết gì về chính chị, chính em. Nhưng suốt ngày cái loa Phường đầu ngõ cứ ông ổng giải thích cho quần chúng biết rằng, kinh tế thị trường là của tụi đế quốc tư bản rất là xấu xa, chuyên đi bóc lột xương máu nhân dân. Còn kinh tế của ta là kinh tế quốc doanh chuyên phục vụ nhân dân. Nhưng vì mấy chục năm qua, tuy hòa bình độc lập, người ăn thì nhiều, người làm thì ít, Nhà nước thu mua và phân phối không đồng bộ, khiến cho một số bộ phận còn thiếu ăn, nhất là vùng sâu, vùng xa phải ăn tạm rễ cây và côn trùng sâu bọ để sống.
- Vậy thì đâu có dinh dáng gì tới kinh tế thị trường mà lại có định hướng chủ nghĩa xã hội?
- Ậy! Mấy ổng giải thích rằng là, tụi tư bản có xấu xa đấy, có bóc lột đấy, nhưng được cái họ ăn ít mà làm nhiều thành ra vật chất dư thừa đến nỗi phải đem ra biển đổ bớt. Ông thủ tướng Phạm văn Đồng có đi qua Mỹ tham quan một chuyến, về nói chuyện lại cho cả nước nghe rằng tụi Mỹ mỗi ngày chỉ ăn có ba lạng gạo mà một mình làm đến mấy chục mẫu ruộng. Còn ta mỗi người ăn tới tám lạng gạo, ngược lại, mấy chục người làm có mỗi một công đất. Nên cái nạn thiếu đói “dứt khoát không đảo ngược được”.
Rồi cô em hạ giọng, thì thầm bên tai bà chị dâu:
- Mấy ổng nói đổi mới để tiến nhanh, tiến mạnh lên thiên đường Cộng Sản mà người dân thấy càng ngày càng giống trở lại thời trước năm 1975. Cái bọn tư bản trước khi ăn còn phải bóc, phải lột. Còn mấy ổng lủm luôn cả lá lẫn vỏ, khỏi cần bóc lột.
- Bộ người dân xầm xì như vậy không sợ Công An khu vực rình rập nghe lén sao?
- Ối! Bi giờ người ta đâu còn sợ té đái vãi cứt trong quần như trước nữa. Bây giờ mấy ổng mạnh ai nấy kiếm ăn. Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ. Cái đó gọi là kinh tế thị trường.
- Ừa! Nhắc lại mới nhớ. Định hỏi cô sao lại có định hướng dính chung với kinh tế thị trường? Hai cái như nước với lửa mà làm sao đi chung với nhau được?
- Cái này thì mấy ổng bắt dân học tập kỹ lắm để thông suốt, quán triệt đường lối của Đảng và Nhà nước. Nếu không, dễ bị bọn phản động ở nước ngoài xuyên tạc lắm. Mấy ổng giải thích rằng thì là: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết bên bờ vực thẵm vì vậy ta phải có định hướng xã hội chủ nghĩa đi theo, có công dụng như cái đuôi con khỉ. Khi tụi tư bản té xuống hố thẳm thì ta có cái đuôi khỉ tức định hướng xã hội, lẹ làng quấn vào gốc cây bên trên bờ vực y như con khỉ treo mình trên cành cây nhờ cái đuôi vậy. Lúc đó trên địa cầu chỉ còn lại Thế giới đại đồng, mà Việt Nam ta là lá cờ tiên phong.
- À há! Có phải cái phát minh sáng kiến đó có ở trong sách Mác Lê Nin không?
- Mác LêNin làm gì mà biết  trước được Đảng ta đi cặp với tư bản!
Mấy ổng nói đó là “Tư tưởng Bác Hồ”. Đó mới là “đỉnh cao trí tuệ loài người”
Bà vợ Đệ nghe cô em chồng thầm thì to nhỏ một hồi cứ à há luôn miệng. Khuôn mặt lúc thì xanh, lúc thì đỏ, biến đổi liên hồi y như con kỳ nhông bị đuổi bắt, da cứ thay màu theo nơi chạy trốn. Cuối cùng Đệ nghe bà ta than một câu mùi y như lúc Út Trà Ôn xuống câu xề trong bài “Tình anh bán chiếu”:
- Cám ơn cô. Nhờ cô mà bây giờ tôi mở rộng được tầm mắt. Bây giờ tôi mới tin chuyện lạ ông Văn Vĩ, nhạc sĩ cổ nhạc, bị mù bẩm sinh, nhờ cách mạng vô giải phóng miền Nam mà mắt ổng được sáng lại là có thật. Tui nghe bấy lâu nay mà hổng dám tin.
Đệ ngồi bàn bên cạnh, nhâm nhi ly bia hiệu ba con số 3 màu đỏ, made in Sai Gon, dỏng tai nghe lóm hai chị em nói chuyện, câu được, câu chăng mà cũng có lúc rùng mình lo sợ. Lo sợ vì mới bỏ nước ra đi chưa hơn mười lăm năm mà mình trở nên lạc hậu, tối tăm quá đổi. Quê hương đã đổi mới, lớn nhanh như Phù Đổng Thiên Vương. Đâu đâu cũng nhà lầu cao ngất ngưỡng, xe hơi đắt tiền bóng loáng. Người dân giàu có tính bằng tiền tỷ, ăn chơi xả láng. Trong khi mang tiếng là đang ở một đất nước giàu có văn minh nhất tinh cầu mà Đệ cũng như nhiều gia đình lưu vong tị nạn khác ở trong những căn nhà trệt, đi chiếc xe cũ mèm, trị giá chưa tới năm ngàn đô. Lạc hậu trong suy nghĩ, cứ tưởng bà con mình còn khổ, còn nghèo nên ai ai cũng ăn nhín, nhịn mặc, dành dụm tiền gửi về giúp đỡ thân nhân. Mỗi năm tổng số tiền lến đến tới ba, bốn tỷ Mỹ kim.
Sau buổi gặp gia đình lần đầu tiên đó, Đệ rút ngay cái kinh nghiệm “tri bỉ tri kỷ” bèn “thủ khẩu như bình” tức là ngậm miệng ăn tiền, không dám “nổ” như đa số “Việt kiều yêu nước” áo gấm về làng. Ai ai qua Mỹ vài năm cũng trở thành bác sĩ, kỷ sư…Tệ lắm cũng là Giám đốc xưởng này, Công ty nọ.
Nhưng cái sự “nổ” của mấy anh “Vịt kìu iêu nước” xem ra, nghe vui chơi rồi bỏ, không làm hại chết thằng Tây đen nào. Nghe nói, cái sự “nổ” về văn hóa trong nước thuộc lãnh vực bằng cấp thì tác hại ghê gớm lắm. Nó ảnh hưởng giây chuyền còn rùng rợn hơn cả vụ nổ nhà máy nguyên tử ở Nga năm nào nữa. Nghĩa là nó ảnh hưởng tới cả trăm năm như câu nói Bác Hồ thuổng lại của người xưa là “trăm năm trồng người” được treo la liệt khắp các trường học. Mỗi năm, Nhà nước sản xuất ra hàng lô, hàng lốc tiến sĩ, thạc sĩ, phó giáo sư, xe ba gác chở không hết. Đến khi thử khui lại hồ sơ vài ông thì thấy ông nào cũng chưa có chứng chỉ đệ thất hay đệ lục mà lại có bằng đại học. Mà toàn là cán bộ cao cấp, cầm cân nẫy mực Ba Tòa Quan lớn của guồng máy Nhà nước cả đấy. Mấy ông đều nhờ ở  “chuyên tu” và học “tại chức” cả. Mà cái “vụ tu và tại” này là ơn mưa móc của Đảng đền đáp cho công lao các đồng chí đã ngậm đạn B.40 vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ cứu nước. (Sic)
Cái bọn bình dân học vụ sáng sáng uống cà phê cóc bên vĩa hè hay ganh ghét người có tài, có của, cứ dè biểu mấy ông tiến sĩ, thạc sĩ  “nội hóa” cái câu “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” cho hả lòng nhỏ mọn.
Ngu dốt mà đè đầu, đè cổ được mấy chục triệu dân à? Cứ là bố láo!
Cái chuyện “ Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” có dịp Đệ sẽ bàn láo chơi sau. Bây giờ đang kể chuyện “áo gấm về làng” lan man sang chuyện khác e lại lạc đề.
Suốt bốn tháng rong chơi, ngày ngày Đệ nhờ mấy thằng bạn học cũ, bạn từ cái thuở còn mặc quần lủng đít, chở đi khắp hang cùng ngõ hẽm để “thăm dân cho biết sự tình”.
Sự đời, mắt có thấy, tai có nghe, tay có sờ, mũi có hít, lưỡi có liếm…thì mới tin đó là thực. Còn cái sự nghe nói lại, hoặc “Đài ta nói rằng… Báo Đảng nói rằng…” thì  e rằng phải còn xét lại từng chữ, từng câu một cách cẩn thận mới tin được.
Trong nước, khi trà dư tửu hậu, mấy dân nhậu ưa vỗ đùi ngâm nga mấy câu vè tiếu lâm làm trò vui với nhau:
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn,
Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà.
Đồ nhà tuy có hơi già,
Nhưng là đồ thiệt, hơn là Đồ Sơn.
Mấy cha này, có lẽ là con cháu hậu duệ của bà Chúa thơ Nôm Hồ xuân Hương, chắc lọc hết cái tinh tuý của loại văn song nghĩa, lập đi lập lại chữ “đồ” để chơi chữ: Đồ nhà và Đồ Sơn. Bãi biển Đồ Sơn, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở miền Bắc, nay trở thành hoạt cảnh thứ hai như ở Cần Thơ miền Nam:
Chiều chiều dưới bến Ninh Kiều,
Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân.
Chưa dừng lại ở đó, mấy cha còn chuyển vế sang chuyện du lịch, cái “mũi nhọn xung kích”, cái ngón nghề móc tiền du khách của ta:
Chưa đi chưa biết Việt nam,
Đi rồi mới biết chẳng ham tới gần.
Việt Nam đi thử một lần,
Đi rồi mới thấy ngại ngần Việt Nam.
Hỏi ra mới hay, du khách đến Việt Nam bị sập bẫy đủ trò. Từ viếng cảnh tới ăn uống, mua sắm. Đâu đâu cũng bị gạt. Tởn tới già. Cạch không dám đến lần thứ hai.
Mấy chuyện này Đệ nghe mà không dám nói. Nói ra dễ bị Công An gán cho cái tội tày trời là “có âm mưu khủng bố đặt bom toà Đại Sứ Hoa Kỳ” rồi còng tay, a lê hấp nhốt xà lim, hậu xét. Nếu vậy thì mất mẹ nó mấy tháng vô lối, vô ích, vô bổ.
Thấy vết xe đỗ đàng trước nên tránh xa, bà Thương Cúc, Ông Đỗ công Thành, khi khổng khi không, bị bắt nhốt khơi khơi mười mấy tháng, chẳng cần biết tội gì, Đệ lập tức mua hai cái khóa Yale, loại xịn, khóa cái miệng lại, chờ 120 ngày qua mau, để về lại Mỹ. Cứ sợ “được vạ thì má đã sưng”.
Thiệt tình Đệ sợ.
Ở cái xứ mà con người có thể bị bắt nhốt bất cứ lúc nào cũng được, không cần lý do, không cần luật pháp thì Ông Trời lỡ có lúc xuống trần đi lang thang chơi cũng phải són đái trong quần nếu bị Công An chận đường hỏi hộ khẩu.
Một câu ngắn gọn để nói về hiện tình Việt Nam: Tám mươi triệu dân đang sống dưới bóng ma khổng lồ có cái tên là SỢ.
Đất nước mình, quê hương mình, làng xóm mình, bà con mình… mà từng bước đi, từng lời nói lúc nào cũng nơm nớp lo sợ trong lòng thì sống làm sao nổi hở trời!
Con người có miệng ăn mà không có miệng nói thì khác chi loài vật, cỏ cây?
Đệ trở lại Mỹ, nói tiếng Anh, tiếng U, ba xí ba tú với người bản xứ mà sao trong lòng Đệ thấy thoải mái, vui sướng lạ thường.
Vợ chồng ông Bill nhà đối diện, thấy vợ chồng Đệ đi Việt Nam trở về, lò dò sang thăm hỏi đủ thứ chuyện trên đời.
Kể từ ngày dọn nhà đến ở khu này, ba bề bốn bên đều là những người Mỹ tốt bụng nên tình hàng xóm rất thân thiện. Những ngày nắng ấm, mấy bà già Mỹ thường ra tam cấp trước cửa ngồi sưỡi nắng, nói chuyện mưa nắng, trao đổi râm ran với bà vợ Đệ rất thân tình. Khi chúng tôi chào tạm biệt đi về Việt Nam, bà Florene, mẹ ông Bill nói:
- Hai người cứ đi chơi vui vẻ. Nhà để đó chúng tôi trông coi cho. Đừng lo lắng gì.
Về đến nhà, chưa kịp đến cám ơn thì hôm sau vợ chồng Bill sang thăm.
Sau đây là câu chuyện trao đổi giữa gia đình Đệ với vợ chồng ông bà Bill thay cho sự kể lể dông dài “chuyến đi về sáng” gọi là “áo gấm về làng”. Cũng xin nói trước cho hai bạn và độc giả biết là vì “tự ái dân tộc của một “Vịt kìu iêu nước”, Đệ “nổ” văng miễn luôn, cho người Mỹ lé mắt chơi. Đừng có nói với Đệ rằng: Sao mầy xạo quá vậy hử?
Bill: Sao? Đi chơi có vui không? Đất nước Việt Nam bây giờ ra sao? Có gì thay đổi sau ba mươi năm độc lập tự do?
Đệ:  Số một. Việt Nam kỳ này được Quốc tế xếp hạng nhất nhì thế giới về tình trạng an ninh và “ổn định chính trị” nên mỗi năm có tới hàng triệu du khách đến thăm viếng và họ cho biết đất nước tôi tuyệt vời hơn cả những nơi tuyệt vời mà họ đã từng đến. Kỹ nghệ du lịch Việt Nam hiện nay đứng đầu thế giới. Thái Lan và Nam Dương không sánh kịp.
Bill: Nhờ có ngành du lịch tốt như vậy, chắc Nhà nước tạo được nhiều công ăn việc làm cho dân chúng hơn ở Mỹ phải không? Có nạn thất nghiệp không?
Đệ: Làm gì có thất nghiệp ở Việt Nam! Đảng Cộng Sản luôn lo cho dân và vì dân. Bất cứ ai không có việc làm, Nhà nước lập tức cấp đất ở Vùng kinh tế mới và phát cho một cây rựa để làm ăn tức khắc.
Bây giờ có du lịch nên Nhà nước tổ chức ngay đội ngủ xe ôm, xe xích lô và đội quân bán hàng rong để kịp thời ngày đêm phục vụ tốt cho du khách. Ba đội quân này rất nhiệt tình hợp tác “nhuần nhuyễn” với đội quân tóc dài đông đảo, hoạt động về đêm rất rộn rịp. Nhờ vậy, chỉ có mấy năm mà dân tôi giàu có lên nhanh chóng. Ai ai cũng có nhà lầu và xe hơi.
Bill: Có thật không đó? Mới năm ngoái, ông Thủ Tướng Khải còn phải sang đây xin tiền cứu trợ mà!
Đệ: Ối chà chà! Ông không biết cái mánh của dân tộc tôi đâu. Cái đó gọi là “giả dạng thường dân”. Cái nghề khôn lõi của dân Á Châu, mấy ông không thể nào học biết được đâu. Người Việt Nam chúng tôi dù có giàu nứt đố, đổ vách đi nữa, cái miệng vẫn cứ than nghèo. Nên có câu thành ngữ “ Cả nước có tám chục triệu cái mỏ than” là vậy. Nước tôi là một nước giàu tài nguyên. Từ bé học Mẫu giáo đã được dạy rằng: “Đất nước ta là một dãy giang sơn cẩm tú, rừng vàng biển bạc, đất kim cương. Ngoài ra còn có mỏ dầu lớn nhất thế giới”.
Bill: Nếu nói vậy sao sau năm 1975, tôi đọc báo thấy dân Việt Nam đói đến nổi phải ăn thức ăn dành cho gia súc và có nơi phải ăn cả lá cây?
Đệ: Làm gì có chuyện đó! Mấy tờ báo phản động ở nước ngoài lúc nào cũng muốn bôi xấu đất nước tôi. Sỡ dĩ có lúc ăn bo bo mấy năm là vì Đảng Cộng Sản Việt Nam học được một phát kiến mới ở Trung Quốc rằng một ký rau muống bổ bằng năm ký thịt bò và một hột bo bo bổ bằng mười hột gạo. Còn cái chuyện ăn lá cây cũng là bố láo. Những năm đó Nhà nước phát miễn phí thuốc bổ tăng lực cho nhân dân uống để tăng thêm sức có tên là Xuyên tâm liên. Thuốc này khi uống vào người trở nên hồng hào béo tốt, cứ nhìn hình “Bác Hồ muôn vàn kính yêu” mặt mày hồng hào, hai cái má phinh phính thì đủ biết. Nhưng khi đi cầu thì ra phân lỏng, xanh lè. Bọn thù địch nhìn thấy cứ cho là tại ăn lá cây. Còn nữa, thành ngữ nước tôi còn có câu: “Đói ăn rau, đau uống thuốc” để chỉ về văn hóa ẩm thực.
Bill: Nếu bo bo và rau muống bổ như vậy sao không tiếp tục ăn mà phải qua Thái Lan mua thêm gạo? Mà miền Nam trước kia nổi tiếng là vựa gạo của Đông Nam Á . Hàng năm xuất bán ra khắp nơi, nay sao lại phải đi mua ở những nước có ít lúa gạo hơn?
Đệ: Sở dĩ kế hoạch ăn bo bo thay gạo phải ngưng nửa chừng là vì hai lý do: Thứ nhất là dân miền Nam chưa thích nghi hột bo bo với cái bao tử lười biếng làm việc chỉ quen ăn gạo hột dài. Nay ăn vào ỉa ra, hột bo bo còn y nguyên, lại được tái sinh cho heo ăn. Thứ hai là đàn anh Trung Quốc không chịu bán thường xuyên, lúc bán, lúc không, giống như con chuồn chuồn, khi vui thì đậu, khi buồn thì bay. Còn chuyện thiếu gạo phải đi mua thêm ở ngoài là vì Việt Nam trước kia 90% dân chúng sống vế nông nghiệp. Nay nhờ Đảng dẫn dắt theo chủ nghĩa Mác Lê, một bước nhảy vọt lên đại kỹ nghệ tiên tiến, dân chúng bỏ ruộng đồng, đổ xô vô các xí nghiệp, nhà máy để chế tạo máy bay, tàu thủy, hỏa tiễn để sau vài kế hoạch ngũ niên sẽ có thể đưa người lên cung trăng vớt bèo hoa dâu mà đồng chí Phạm Tuân mang lên nuôi trồng trên đó mấy chục năm nay. Do đó, chuyện lúa gạo chỉ là giai đoạn tạm thời. Nay mai, lấy được bèo hoa dâu về rồi thì dân Việt nam tha hồ mà ăn. Ăn mệt nghỉ.
Bill: Này! Có thật không đó? Ông có biết câu ngạn ngữ nước tôi là: Nói láo không có chân đứng không? ( A lie no leg)
Đệ: Cái nói láo của xứ ông không có chân là phải. Các ông không biết nói láo nên dễ bị Đảng chúng tôi gạt hoài. Còn nói láo của Đảng tôi có đến ba chân. “Vững như kiềng ba chân” Ông nghe câu này của chúng tôi chưa? Đảng tôi nói láo hơn bảy chục năm nay. Nói láo từ trên xuống dưới. Nói láo từ trong ra ngoài. Nhà nhà nói láo. Người người nói láo. Mở miệng ra là nói láo. Bây giờ nói láo đã trở thành quán tính di truyền. Nói láo đã trở thành nói thật. Dã sử có ai đó nói: “Việt Nam không có tự do dân chủ” thì lập tức có 600 tờ báo và vài chục Đài phát thanh, phát hình của Đảng lên án là nói láo liền. Vì Đảng đã nói láo hơn bảy chục năm rằng “Việt Nam có dân chủ, tự do triệu lần hơn đế quốc”.
Bill: Chổ đàn ông với nhau, hỏi “láo” nhé. Về đó có em út chút đỉnh gì không? Cấm có nói “thật” đấy!
Đệ:  Cái đó dứt khoát là không! Nói “láo” đấy! Thấy mấy em mơn mởn cũng thòm thèm nhưng nghĩ đến bệnh AID thì lại teo nên không dám. Cái món này bây giờ nhiều hơn lúa gạo. Muốn mua gạo phải vào chợ. Chứ “em út” thì nhan nhãn đầy đường, đầy công viên. Không muốn mua cũng bị chèo kéo, chài mồi.
Bill: Tôi đọc báo thấy con gái Việt Nam bị bán ra ngoại quốc nhiều lắm. Tin này có đúng không? Họ còn đăng hình đứng trong lồng kính và cả trên E-Bay để rao hàng như rao một món đồ?
Đệ: Không có chuyện đó. Ông Lê Dũng, phát ngôn nhân của Nhà nước đã cực lực phản đối những tin trên. Những kẻ thù địch và những tên phản động đã vu cáo Đảng ta. Đảng ta chỉ giúp cho một số cô thích lấy chồng ngoại quốc thôi. Đó là việc làm nhân đạo và có tính cách pháp lý rõ ràng như Nhà nước ta đã ký kết với các nước đối tác.
Bill: Không phải là một số ít. Tôi thấy con số lến tới cả trăm ngàn cô và có cả trẻ em nữa.
Đệ: Ông lại càng không hiểu cách điều hành đất nước của Đảng CS nước tôi. “Bác Hồ muôn vàn kính yêu” thuở chưa chuyển sang từ trần có nói  “Con người là vốn quí” và dặn dò đám con cháu sau này hãy xử dụng sao cho có lợi nhất. Bây giờ con cháu Bác thấy “cái vốn quí ” ấy đã đến lúc đem ra xuất khẩu. Trai hay gái đều được dùng chung dưới cái tên là “Xuất khẩu lao động”. Mà muốn được Đảng xuất khẩu không phải là chuyện dễ ăn. Thủ tục đầu tiên để được xuất là tiền đâu. Tức là muốn được Đảng bán thân như Kiều thuở xưa phải có “ba trăm lạng bạc trao tay” nộp cho Đảng.
Còn con số vài ba trăm ngàn cô là con số ít là rất đúng vì nếu có điều kiện và chính sách xuất khẩu lao động dễ dãi một chút thì con số phải lên vài ba triệu cô muốn “đi lấy chồng xa”.
Bill: Thôi tóm lại một câu, ông đi sang đây có hơn mười năm, bây giờ trở về thấy nước mạnh dân giàu như vậy, ông có biết phép lạ nào đã biến đổi nước ông một cách thần kỳ như vậy và ông có dự định về lại Việt Nam để sống cho đến cuối đời không?
Đệ: Chẳng có phép lạ nào hết. Nói phép lạ là nói đến mê tín dị đoan. Người Cộng Sản duy vật không bao giờ tin chuyện thần thánh. Mọi sự trên đời đều do Đảng sắp xếp sẵn cho mọi người. Có những câu kinh Đảng bắt dân tụng niệm hàng ngày như:
Bàn tay ta làm nên tất cả
Với sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Hay là:
Mất mùa là bởi thiên tai,
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta.
Còn chuyện toàn dân Việt nam trong vòng có mấy năm mà trở nên giàu có mau chóng như vậy là nhờ Đảng xóa bỏ “cơ chế bao cấp” và “làm kinh tế thị trường”. Nghĩa là hồi trước Đảng một mình ôm hết tất cả tài nguyên đất nước, không một ai được tư hữu. Ngay cả căn nhà của mình đang ở, từ đời ông tới đời con cháu, mà Đảng thấy vừa mắt là cho lâu la đến tịch thâu.
Bây giờ Đảng xả láng cho đảng viên làm giàu không còn vô sản nữa. Hùa theo dòng chảy đó dân chúng tha hồ lên rừng hốt vàng (rừng vàng), xuống biển hốt bạc (biển bạc) và xẻ đất ra bán (đất kim cương).
Một số ra sau hè nhà đào đất lấy dầu lửa đem đổi lấy đô la tươi.( Năm 75, cán bộ răng đen mã tấu vào dạy dân miền Nam rằng: Mỏ dầu của ta lớn vô cùng tận, chổ nào cũng có dầu. Mỏ dầu của ta ví như con voi, mỏ dầu thế giới ví như con tem dán lên đít voi. Đồng bào cứ ra sau hè nhà bới đất lên lấy dầu đun bếp thoải mái. Nhưng từ năm 75 đến năm 2000 Đảng cấm không cho dân bới đất lấy dầu. Ai lén làm thì lập tức bị qui vào tội phá hoại kinh tế, tội tử hình.)
Còn chuyện trở về quê hương sống nốt những ngày còn lại thì chưa dám nghĩ đến. Vì không khí ở đó, từ năm 75, một luồng gió độc thổi từ Bắc vào Nam làm chết rất nhiều người. Nay lại bị ô nhiễm trầm trọng thêm bởi khí thải của hàng triệu chiếc xe máy phun xả mịt mù ngày đêm khó thở quá  đối với cái phổi quen thở khí trời ở đây. Thứ nữa, với số tiền hưu ít ỏi hiện nay nếu mang về Việt Nam sống bên cạnh cung cách của cán bộ Đảng ăn xài hàng ngày thì chắc chắn là từ chết đến bị thương.
Dân chúng Việt Nam đã đánh giá lại tầng lớp xã hội hiện nay: (VC gọi là giai cấp) Việt kiều thua Việt Cộng.
Ông Bill nghe Đệ nói đến đây thì vội vàng đứng dậy xin cáo từ, miệng cứ lẩm bẩm:
- Nếu đúng như lời nói “láo” của Mít tờ Thai (Ty) thì nước Mỹ của mình chẳng còn bao lâu nữa sẽ giãy chết không kịp ngáp.
Ông Bill vừa thụt lùi ra cửa, vừa rút giấy “náp kin” trong túi ra lau mồ hôi trán đang vả ra chảy ròng ròng xuống mặt.
Sau khi tiễn ông ra khỏi cửa, Đệ vào toa lét soi gương, lấy tay sờ vào da mặt coi thử dày lên bao nhiêu phân. Lạ thay da mặt cứng như đeo mo. Hoảng hốt, bất giác Đệ đấm ngực và khóc rống lên ba tiếng và rên lên ba tiếng:
- Lỗi tại ta mọi đàng!
Bỗng dưng có ai đập mạnh vào bả vai, ngó lại thấy bà vợ nằm bên cạnh, miệng đang càu nhàu:
- Ba mươi năm rồi mà  vẫn còn thấy ác mộng. Hết khóc lại cười.    
Hóa ra chỉ là một giấc chiêm bao.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân