TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - DUYÊN NGHIỆP
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

DUYÊN NGHIỆP

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Mon Feb 25, 2008 8:55 am    Tiêu đề: DUYÊN NGHIỆP - (MINH CẨM)




DUYÊN NGHIỆP

MINH CẨM

"Vợ chồng duyên nghiệp Ba Sinh
Con là cái nợ, vợ mình oan gia.
Tới lui các pháp bất ngờ
Điệp trùng sanh khởi, gió lùa, mây bay.
Bao dung, nhẫn nhục, tu rày
An nhiên tự tại, tháng ngày thong dong."


Ông Nguyên dán mắt lên bảng thông cáo ghi rõ tên và giờ khởi hành, tới nơi của các chuyến bay sắp đến Phi Trường Baton Rouge. Đồng hồ đeo tay chỉ 12 giơ đêm mà chuyến bay Houston - Baton Rouge ghi trên bảng thông báo chưa thấy đáp xuống phi trường này. Đúng ra, chuyến bay phải đến nơi lúc 10 giờ tối. Thời tiết xấu. Trời âm u. Mây xám giăng phủ, đen kín cả bầu trời đêm nhờ nhờ. Có dấu hiệu mưa bão sắp xẩy đến nên chuyến bay phải tạm hoãn lại. Trời lạnh gần 0 độ C. Gió bấc vi vu, rít mạnh bên ngoài phòng đợi. Trời rét buốt. Rét cóng tay chân. Rét lạnh thấu xương. Rét thấm qua những chiếc áo khoác bên ngoài da thịt. Rét quá chừng, làm mọi người muốn run. Bà Thanh bận đi "cày", không thể đi đón con trai. Thắng Anh, từ Việt Nam qua Mỹ. Nó đưa đứa con gái đầu mới bẩy tuổi sang miền Đất Hứa. Nó đã về Việt Nam hơn bẩy tuần rồi vì bị trục trặc giấy tờ và không có cha mẹ hướng dẫn con bé. Nó đang vào phỏng vấn ở Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, nên hồ sơ bị trục trặc.

Thằng Vương, cháu gọi ông Nguyên bằng cậu, đánh điện sang Mỹ báo cho gia đình ông biết như thế. Thế là thằng Anh phải mang hồ sơ của Luật sư xác nhận lý do tại sao mẹ cha ở Mỹ mà con nhỏ lại đang ở Việt Nam (Vợ Anh được bảo lãnh qua Hoa Kỳ trước. Con bị kẹt lại). Ngoài ra, còn nộp cả giấy tờ xác nhận Occupation Registration của cha mẹ và của ông bà Nội. Đã bẩy năm bảo lãnh con gái đầu lòng, mà con bé chưa được qua. Thật là rắc rối. Anh đã mang hết hồ sơ về Việt Nam nộp cho Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ. Vừa rồi họ gọi phỏng vấn và hạch sách đủ điều. Phải chờ một thời gian, con bé mới có Visa và được xuất cảnh cho đoàn tụ cùng bố mẹ ở Mỹ. Hai cha con sẽ đến Baton Rouge đêm nay.

Con Tố, con gái út của ông Nguyên, đang choàng vai thằng Charles. Tố nhỏ con, dáng không cao. Nhưng thằng bạn trai, Mỹ trắng, to con, đẫy đà, dong dỏng như một võ sĩ. Tóc hoe vàng. Tay chân ô dề. Hai đứa làm cùng sở, sau khi cùng tốt nghiệp Đại học LSU, ngành Điện Toán. Con gái đầu lòng, con Đào, đang ngồi nghỉ trên ghế dựa tường của Phòng Đợi. Nó đang trò chuyện với chồng nó, thằng Quốc. Quốc vốn là bạn quen biết với người em trai của vợ, thằng Anh, trước khi kết hôn với chị của cậu này. Ông Nguyên ngồi dựa lưng trên chiếc dài nhìn qua khung cửa kính. Bầu trời bên ngoài vẫn xám xịt, ảm đạm, thê lương vô cùng. Ánh điện vàng nhạt, hắt qua khung cửa kính. Phòng Đợi của Phi Trường chật hẹp. Vì vấn đề an ninh, chính phủ không cho phép thân nhân đang chờ đợi người nhà, đi vào phòng trong rộng bao la bát ngát hướng về Phi Trường, nơi có máy bay lên xuống liên tục.

Một cậu Mỹ trắng đợi lâu quá. Y tỏ vẻ mệt mỏi, chán nản. Y ngả lưng nằm dài trên tấm thảm. Y phủ chiếc áo màu xám lên ngực, mắt nhắm nghiền. Một vị khách Mỹ khác, bụng phệ, ngồi trên ghế, đầu gục lên, gục xuống, mắt nhắm nghiền. Bà vợ ngồi bên cạnh, cũng dựa vào vai chồng ngáy khò. Một thiếu phụ xứ Cờ Hoa khác, trẻ tuổi, ngồi chờ lâu trên ghế, bà ta tỏ ra uể oải, mệt mỏi. Bà cũng đứng dậy đi qua, đi lại một chặp, rồi ngã dài trên tấm thảm ở một góc phòng, như để dưỡng sức, chờ thân nhân đến. Lúc bấy giờ, Ông Nguyên ngước nhìn các con. Nhìn bạn tri âm của con gái út. Nhìn đứa con dâu đã có hai gái với con trai duy nhất của mình. Ông nghe lòng nao nao. Ông xúc cảm vu vơ, rồi lẩm bẩm, như than thở với chính mình:

- Thật là duyên nghiệp. Duyên khởi trùng trùng. Nghiệp đến chẳng buông. Gia đình ông bây giờ trở thành thành tạp chủng, tả pí lù, như xứ sở của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ "The Melting Pot Country" đa văn hóa, đa tôn giáo và đa chủng tộc này. Gia đình bé nhỏ của ông giờ có đến mấy sắc dân khác nhau. Nào Việt Nam, Chàm, Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, Bốn tôn giáo lớn nhất trên thế giới: Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành. Chồng của con gái lớn gia đình ông, thuộc Công giáo nòi, Bắc di cư. Thằng Charles chính hiệu Đạo Tin Lành Baptist. Trưởng nữ của ông bắt buộc phải theo đạo của chồng từ lâu. Con gái út không rõ có theo đạo của bạn trai không. Ông chưa hỏi nó vì vấn đề tế nhị, chứ nó vốn là một Huynh Trưởng trong Gia Đình Phật Tử Thiện Ái của Chùa Tam Bảo ở địa phương trước kia. Bây giờ ít thấy nó đi chùa như xưa. Gia đình ông Nguyên gốc Phật Giáo lâu đời. Bà Nội tu hành, ăn chay trường cả đời. Cô Ba, em gái kế của bố ông, xuât gia đầu Phật, sau tang chồng, khi cô chưa đến ba mươi tuổi. Cô Mạng, bà con bên Nội, xuất gia tu tại Chùa Diệu Ấn Phan Rang từ nhỏ. Hiện cô là Sư Bà Chùa Sư Nữ nổi danh khắp thành phố quê hương nắng gió Ninh Thuận. Cô Hà, em họ con ông chú ruột, Chú Bẩy, cũng xuất gia tu chùa nói trên từ nhỏ. Ông có dịp đọc nhiều sách nói về các đạo giáo tên hoàn cầu. Nhất là sách về Phật giáo. Ông biết mọi việc trên đời xẩy ra, tùy theo Duyên Nghiệp, chi phối bởi Qui Luật Nhân Quả. Chúng sanh nên sống theo Trung Đạo. Không nên Chấp Thủ quá đáng. Không nên cố chấp, vô minh, cuồng tín. Không nên quá khích, cực đoan, một chiều. Tốt hay xấu, thiện hay ác, lành hay dữ, đều do chính con người gây ra, chứ khộng phải tôn giáo hay thần linh gì cả. Chính do con người lợi dụng tôn giáo, lợi dụng sự cuồng tín cực đoan của tín đồ, để kích động thù hận và chiến tranh, với mục đích tranh giành bá quyền thống trị thiên hạ và thủ lợi cá nhân hay tập đoàn của phe cánh mình. Cái đau khổ của chúng sanh là chỗ đó, Thật ra, tôn giáo nào cũng có kẻ tốt, người xấu, kẻ ôn hòa ngưới quá khích cực đoan, cuồng tín, óc cục bộ, hẹp hòi.

"Tốt, xấu do con người gây tội ác
Nhân danh tôn giáo tàn, sát lẫn nhau.
Vốn cuồng tín, vô minh và mê muội
Chiến tranh, lòng thù hận mãi tươi màu."


Ông bà Nguyên vốn là những Phật tử thuần thành, Chuyên tu hạnh bao dung và nhẫn nhục từ lâu, nên tỏ ra cởi mở vui vẻ giao tiếp với suôi gia khác đạo. Họ quan niệm: “Con người xấu, chứ tôn giáo không xấu. Thật ra, đạo nào cũng dạy tín dồ làm lành, lánh dữ. Đạo nào cũng dạy con người hướng về Chân Thiện Mỹ ”, phải không quý vị?

Ông còn nhớ hồi đó, gia đình ông vừa sang định cư tại tiểu bang nắng ấm này chừng hai tháng chứ mấy, họ tổ chức lễ hỏi con gái ông, con Đào, cho thằng Quốc tại nhà ông. Khi ông bà Nguyên làm lễ ra mắt ông bà trước bàn Phật trong phòng khách trước mặt khách tham dự rất đông. Ông bà suôi trừng mắt nhìn thằng Quốc:

- Mày không được lạy tượng Phật.

Lúc bấy giờ, ông Nguyên rất bối rối. Làm sao cho hai đứa lạy đây? Bàn thờ ông bà bên dưới, Bàn thờ Phật thiết lập phần trên cao hơn. Ông Nguyên buồn ghê lắm. Tuy nhiên, trước mặt có nhiều quan khách theo Đạo Phật và Đạo Thiên Chúa. Ông giữ im lặng cho qua. Ông biết con ông thương thằng Quốc, không thể có vấn đề gì không tốt bất hòa, xẩy ra giữa hai họ nhà trai và nhà gái, nhất là vấn đề tranh chấp tôn giáo trong ngày vui, ngày Đại Hỷ của các con. Rồi dến ngày Lễ Rửa Tội cho con Đào tại nhà thờ Saint Anthony, ông bà phải đi tham dự, theo lời mời của con gái, để làm vui lòng ông bà suồi. Khi xong lễ, một người tín đồ ngoan đạo trên nhà thờ nói với ông, mắt tươi cười rạng rỡ, tỏ vẻ hân hoan vô cùng vì có người tin Đạo Chúa:

- Chúc mừng gia đình ông bà. Chúc mừng cháu đã trở lại đạo.

Ông Nguyên im lặng, cố nén cơn buồn đã nung nấu lòng ông. Ông nghĩ bụng: "Phật Giáo đã ra đời trước Thiên Chúa Giáo cả năm thế kỷ. Tại sao bảo Trở lại đạo". Ông không hiểu gì cả, Chúc mừng cái gì đây? Ông không vui và cũng giữ "Im lặng là vàng." Ông kia cũng nín thinh và quay đi luôn.

Hai ông bà Nguyên vẫn vui vẻ, hòa nhã, giao tế bình thương với bên suôi gia. Hai ông thông gia có vẻ tâm đắc với nhau. Ông Nguyên tánh tình xuề xòa cởi mở với mọi người, bất kể tôn giáo nào. giai cấp nào, quý phái, cao sang, vọng tộc, giàu nghèo, hèn hạ, thấp kém, ít học... Ông đều đối xử như nhau. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng về bản thể mà lị. Chính con dâu của ông quê ở Văn Lâm. một thôn làng Chàm bé nhỏ, nghèo nàn, trong một tỉnh nhỏ bé nhất Miền Trung.

"Ninh Thuận, đất nghèo đá sỏi
Nước mưa ít tới nơi này.
Người dân chuyên nghề rẫy bái
Vui nghề chài lưới, ngoài khơi."


Thôn Văn Lâm nằm gần Nhà Ga Xe Lửa Hòa Trinh, một ga xép đìu hiu nằm phơi mình dười ánh nắng chói chang, gay gắt, hầu như quanh năm suốt tháng. Rải rác đó đây là những ngôi nhà tranh lụp sụp. Lơ thơ vài ngôi nhà gạch, mái lợp ngói. Hiếm lắm mới thấy vài nhà đúc. Cánh đồng ruộng gần nhà ga xép, thuộc loại "Buồn Ga Nhỏ" của nhà văn kiêm thi sĩ Thanh Nam. Cánh đồng khô hạn hầu như quanh năm suốt tháng như ngóng cao cấn cổ trông nước mưa tới.

"Bơ phờ Ga Xép chìm trong nắng
Tàu Chợ dừng chân, Trạm Vãng Lai.
Hành khách dăm người, lên hoặc xuống
Đồng khô, mòn mỏi, ngóng mưa trời."


Hồi nhỏ nhà nghèo, ông Nguyên đã đi bán kem dạo lên tận mãi vùng thôn quê hẻo lánh này. Sau 75, ông làm nghề chào hàng Bia 88, Phân Xưởng Bia, một chi nhánh của Xí Nghiệp Gạch Vôi Đạo Long Phan Rang. Ông bỏ hàng tại Hợp Tác Xã Phước Nam (Xã Phước Nam Chàm, bao gồm các thôn làng người Châm như Văn Lâm, Hòa Trinh...). Con trai ông, thằng Anh. lúc bấy giờ, dạy mônToán tại Trường Phổ Thông Cơ Sở Mỹ Nghiệp. Rồi sau đó, nó gá nghĩa với cô gái Chàm xinh đẹp, nổi tiếng hoa khôi làng Văn Lâm, như đã nói ở trên. Hai đứa gặp nhau thật bất ngờ, như là nhân duyên tiền định.

"Ông Tơ Bà Nguyệt, Ba Sinh Hương Lửa.
Tiền duyên xui khiến, hai kẻ phải lòng.
Hữu duyện thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện, bất tương phùng."


Thật vậy, thằng Anh đang dạy học tại một làng theo Đạo Bà Châm, tức Bà La Môn Giáo / Ấn Độ Giáo, thờ bò, ăn xả láng thịt heo. Làng này tọa lạc cách xa làng Văn Lâm, theo Đạo Bà Ni, tức Đạo Hồi Giáo, cử thịt heo, ăn xả láng thịt bò. Nó có dòng máu nghệ sĩ trong người. Cậu giáo Anh ưa đàn địch, ca xướng. Nó thường hay lân la đến Trung Tâm Văn Hóa Chàm ở Phan Rang nơi có Đoàn Văn Nghệ của người Chàm đang tập dượt để trình diễn văn nghệ dân tộc tại các vùng núi non, thôn quê hẻo lánh xa xôi, ở các khu vực cư trú của người Chàm. Lúc bấy giờ, con Lam là diễn viên ca, múa của Đoàn Văn Nghệ. Nó thường đánh đàn Guitare, cho con Lam hát. Anh cao ráo, đẹp trai, tánh hài hước, thích tếu. Nó ưa cà rỡn, tán tỉnh, chọc ghẹo các cô, các ả tầm phào, giải trí vui chơi. Lam Chiêm Nữ kiều diễm. Da hơi ngăm, nhưng khuôn mặt đẹp như hoa. Đôi mắt sáng long lanh. Đôi môi tươi thắm. Chiếc miệng nhỏ, xinh xắn gợi cảm. Gương mặt cô gái Chàm, con cháu của Chế Mân, Chế Bồng Nga, của Nữ Thánh Ni Na, một công chúa diễm lệ của Vương Quốc Chiêm Thành xa xưa. Hai đứa đã yêu nhau tha thiết. Anh mê mệt giai nhân Văn Lâm quá cỡ thợ mộc rồi. Nó không còn thiết gì đến gia đình, cha mẹ, chị, em nữa. Lấy cớ đi dạy học xa ở luôn, lâu lâu nó mới mò về nhà. Thế thôi. Lương phạn hằng tháng không cánh mà bay mất tiêu. Lại còn về báo cha mẹ, xin tiền xài vì túi trống trơn hà.

"Tìền lương chẳng thấy một đồng
Cơm nhà miễn phí, rỗng không túi tiền.
Lại về cha mẹ xin thêm
Chi tiêu bè bạn, cùng em tâm tình.
Ví bằng Duyên Nợ Ba Sinh
Tương lai chẳng thiết, gia đình chẳng lo.
Đi Hoa Kỳ cứ hững hờ.
Trót mê mẩn sắc, trót mơ má hồng.
Ngôn ngữ, chủng tộc bất đồng
Tình yêu nào kể gai chông ngút ngàn.
Đam mê, ham muốn ngổn ngang
Sông sâu cũng lội, quan san cũng liều.
Hiểm nguy, trở ngại mọi chiều
Chiêm Nương, Trai Việt bồng phiêu tang tình."


Lúc bấy giờ, thành thật mà nói, Ông bà Nguyên rất lo lắng cho thằng con trai duy nhất để nối dõi tông đường vô cùng, bà con ạ! Rõ ràng, nó đã bị bùa mê, thuốc lú, bị trù bị ếm bị người Chàm bỏ bùa, bỏ ngải, mê cô Chàm kiều diễm mất tiêu rồi. Trước kia nó có bồ với cô giáo dạy Anh Văn cùng khóa Sự Pham Cao đẳng Tháp Chàm. Tuy nhiên, song thân cô này ở Phan thiết không gả, vì họ không chịu xuất cảnh theo diện HO như gia đinh bạn trai của con gái rượu, cao ráo, trắng trẻ, xinh đẹp, giai nhân Phú Hội Phan Thành. Ông ta nguyên là Phó Quận Trưởng Hành Chánh chế độ cũ, bị tù cải tạo nhìều năm trong nhà giam của kẻ chiến thắng. Ông đủ điều kiện lập hồ sơ diện HO. Tuy nhiên, ông không chịu tiến hành thủ tục xin xuất cảnh như bao nhiêu tù nhân diện chính trị khác. Dù con gái ông, rất yêu bạn tri âm của mình. Hai đứa đã yêu nhau tha thiết trong ba năm theo học tại Tháp Chàm. Họ đã thề non hẹn biển, nặng gieo nhiều hứa hẹn trăm năm hạnh phúc sau này. Bố mẹ và gia đình cô gái, không rõ nghe theo ai nói, mà phán một câu nghe xanh đờn. Họ cho là dân tị nạn tại Xứ Cờ Hoa khổ lắm, trời ạ. Họ tuyên bố như đinh đóng cột. Không hiểu tại sao họ có thành kiến tai hại như thế.

- Đi Mỹ khổ lắm! Cực lắm! Cày bỏ mẹ. Thời tiết lạnh lẽo. Bị người bản xứ kỳ thị...

Trở lại, việc ông bà Nguyên lo sợ con trai sẽ bỏ đi Mỹ. Hôm đó, ông bà bàn nhau thử lòng thằng Anh xem nó còn tha thiết đến việc xuất cảnh nữa không, sau khi mọi thủ tục đã hoàn tất xong hết. Gia Đình chỉ còn chờ nhận vé máy bay và tên chuyến bay sang Vùng Đất Hứa nữa thôi. Ông đưa cho Anh giấy "Tình Nguyện ở lại Việt Nam". Thằng mê gái Chàm quá cỡ thợ mộc. Nó liền cầm giấy, vội vàng đưa cặp mắt sáng to, lông mày rậm, chỉ liếc tiêu đề và rút bút ký cái ót. Nó không thèm đọc tờ Cam Đoan trên một hàng nào khác. Thật hết nói. Nó đã mê Chiêm Nữ tít thò lò rồi, quý vị ạ.

"Em duyên dáng, diễm kiều, gợi cảm
Anh mê quá chừng, chẳng muốn xa nàng.
Quyết ở lại cùng bạn vàng say đắm
Tình xanh tươi, thơm trăng gió mơ màng."


Thế là ông bà hội ý phải thân hành lên Văn Lâm gặp gia đình con Lam và đương sự vì họ sợ cô gái quyến rũ con ông ở lại Việt Nam, thì phiền toái, rắc rối lắm. Họ lên xuống nhà cô ta, trước sau hai lần, mới tạm yên tâm để lo vấn đề khác trong những ngày sắp đi Hoa Kỳ. Họ phải dùng "Khổ Nhục Kế". Họ hạ mình, năn nỉ bà mẹ. Cha Lam theo vợ lẽ ở làng Hữu Đức, mặc dù ông đã ăn ở với vợ chính thức có sáu mặt con. Ngũ Long Công Chúa đầu lòng và một cậu Út còn đi học. Năm cô con gái, có hai cô thật xinh đẹp là Lam và Kim.

"Vợ chồng ăn ở sáu con
Anh mê vợ bé, phòng đơn vợ nhà.
Lang quân tạm trú làng xa.
Tang tình mây nước, mặn mà Bà Hai.
Bà Cả xinh đẹp, cũ rồi.
Nổi cơn ghen tức bái bai ông chồng.
Bây giờ ở vậy nuôi con.
Giã từ ông xã hai lòng, chia tay"


Thành thật mà nói, người Chàm có nhiều mặc cảm tự ti sao đó. Họ không quan tâm lắm đến vấn đề lịch sự xã giao chào hỏi khách ở xa đến, không thuộc "Đàng Ta". Họ cũng không mời mọc trà nườc chi cho khách vào thăm bất đắc dĩ cả. Ông bà Nguyên phải tự giới thiệu họ là song thân của thằng Anh. Sau đó, ông Nguyên nhìn cô gái Chàm nhỏ hơn con trai mình chừng vài tuổi là cùng. Cô ta quả là giai nhân tuyệt sắc. Nước da hơi ngăm nhưng bóng mượt. Khuôn mặt đẹp như hoa. Miệng nhỏ, xinh xắn. Đôi môi tráí tim, đỏ như thoa son, gợi cảm hết chê. Dáng người thon thả. Quả là một cô gái có nhan sắc tuyệt vời, đã quyến rũ con họ hết cỡ rồi, trời ạ! Hèn chi nó mê mẩn cô nàng và ký giấy tình nguyện ở lại cái rụp. Ông Nguyên nhìn cô Chiêm Nữ nói từ tốn, nhỏ nhẹ, ngọt xớt như đường phèn:

- Chúng tôi tôn trọng tình yêu của Anh và con. Xin con thương nó mà cho nó đi Mỹ. Sau này nó sẽ về lại Việt Nam, làm giấy tờ hôn thú với con. Con sẽ là vợ chính thức của nó. Nó sẽ bảo lãnh con qua Hoa Kỳ. Vợ chồng sẽ đoàn tụ với nhau, không lâu đâu con...

Lam như cảm động. Cô ta chớp chớp đôi mắt long lanh, to dài trong sáng, Nó nói tiếng Việt với giọng gái Chàm, nòi trăm phần trăm, bà con, cô bác ơi! Nghe nói nó học hết lớp 9 trong làng. Trường Cơ Sở Phổ Thông, nơi dậy, chưa có thầy dạy sinh ngữ Anh Văn. Người đẹp không học cao và hình như không ham học chữ nghĩa nhiều lắm. Có lẽ con gái kiều diễm, có nhan sắc rực rỡ, thường thường khó học cao ghê lắm.

Lam nhìn ông bà Nguyên ngập ngừng, thỏ thẻ, giọng thanh tao, Chàm rặt:

- Con thương anh Anh. Con không làm khó dễ ảnh đi Mỹ đâu. Xin hai bác đừng lo.

Khi gia đình ông Nguyên đã sang định cư tại Hoa Kỳ, có rất nhiều cô gái Việt Nam xinh đẹp tỏ ra mến mộ thằng Anh ra mặt, vì nó rất khôi ngô tuấn tú lại hào hoa phong nhã thích pha trò, têu tếu chút chút, lại biết ca hát và chơi đàn guitare cừ khôi nữa. Cả bố mẹ họ đều ngỏ ý muốn kết thông gia với gia đình ông Nguyên. Tuy nhiên, nó chỉ yêu có Lam, Chiêm Nữ Văn Lâm thôi. Sau chừng một vài năm, nó về lại Việt Nam lập hôn thú và bảo lãnh vợ sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Thế là hàng năm nó cứ về thăm bà xã hai, ba lần. Do đó, Income của nó thấp lè tè dưới mặt đất, không đủ điều kiện bảo trợ cho vợ sang định cư tại Xứ Cờ Hoa. Sau đó, nó phải nhờ bố mẹ bảo trợ "Co-Sponsor" cho hiền thê sang Mỹ. Rồi vợ được phái đoàn phỏng vấn Hoa Kỳ chấp thuận cho qua Mỹ nhưng bác con gái vì người lập hồ sơ trước kia, không rành thủ tục lắm. Đã không tiến hành, lập thành hồ sơ riêng cho con gái. Nó cứ tưởng là "Con ăn theo mẹ". Thật là bé cái nhầm, tai hại vô cùng. Ba chìm bẩy nổi, chín long đong, mười gập ghềnh, uốn khúc tùng tùng xèng. Ông Bà Nội lại phải "Co-Sign" cùng hợp tác, bảo trợ cho đứa cháu Nội thiếu may mắn này. Bây giờ nó mới được chính phủ Hoa Kỹ chấp thuận cho sang đoàn tụ với bố mẹ và đứa em Út.

Lúc này, đồng hồ treo trên tường của Phòng Đợi chỉ đúng 12 giờ 30 khuya, họ mới nghe Phi Trường thông báo chuyến bay Houston - Baton Rouge đã hạ cánh. Thế là mọi người nôn nao ngồi dậy để đón tiếp người thân đã rời phi cơ, vào tới Phòng Tiếp Tân. Anh xuất hiện với cô bé loắt choắt tiến vào phòng. Lam vội vã phóng vào ôm con. Con bé lạnh lùng nhìn mọi người. Nó tỏ ra xa lạ, hờ hững, mệt mỏi vô cùng, sau chuyến hành trình mấy ngày đêm vất vả. Nó chỉ muốn ở Việt Nam với Bà Ngoại và các Dì, cùng Cậu Út thôi. Bẩy năm sống quen bên Ngoại, cô bé đã mến tay, mến chân với những người thân trong dòng họ mẹ nó. Con bé da đen sạm, gầy đét và choắt người như con mắm. Nó nhỏ tác như cô bé mới 4, 5 tuổi. Mái tóc vàng hoe, nắng cháy. Dáng dấp hơi dong dỏng cao. Khuôn mặt thanh tú, mắt sáng, lông mi dài và cong. Ngực ốm nhách, xẹp lép như con mắm bị ép xác. Nó không nói được tiếng Việt hay tiếng Anh. Cha mẹ nó bảo có cho con bé học tiếng Việt ở quê nhà. Nhưng con bé giờ này không hiểu tiếng Việt chi cả. Cha mẹ nó báo cáo, con nhỏ bị nhổ răng sâu mấy bận. Dây thần kinh bị động chạm, nên trí nhớ đã mưa nắng thất thường. Học trước, quên sau. Nó không nhớ chi cả.

Mấy hôm sau, con bé vẫn chưa tỏ ra thân thiện với ông Nội, dù cách đây hai năm, ông đã về Việt Nam thăm mẹ và các em cũng như bà con ở Phan Rang. Ninh Thuận, quê hương nắng gió của ông đã thay đổi nhiều. Ông có đến thăm gia đình bà suôi ở Văn Lâm và ở tại nhà này với vợ chồng thằng Anh và con Đa, tên đứa cháu Nội nói trên. Giờ đây, tại xứ Cờ Hoa, trong thời gian đầu, con bé còn bỡ ngỡ, lạ lẫm vì mới chân ướt chân ráo tới nơi. Nó ở tại nhà ông bà Nội, với bố mẹ. Ông Nguyên đã sử dụng vốn liếng tiếng Chàm ít oi mà ông học được hồi còn dạy thêm giờ tại Trường Trung Học Pklông Phan Rang, để nói chuyện với cháu. Cô bé lai hai dòng Máu Chiêm - Việt này, xem chừng phong tục, tập quán, văn hóa cũng như giọng nói, ngôn ngữ người Chàm đã ảnh hưởng con bé lâu rồi. Ông âu yếm vuốt mái tóc vàng khè, như bị cháy nắng của nó, trầm giọng Đàng Thổ, bập bẹ:

- Ai nất Cho. (Ông thương cháu)

Tuy nhiên, con Đa vẫn lơ đi. Mặt tiu nghỉu, không vui. Nó vẫn tỏ ra không thân thiện gì với ông già đã từng ẵm bế nó, ôm hôn nó tại Việt Nam cách đây hai năm. Hình như nó quên hết trơn hà, bà con ạ. Cha nó phải dỗ dành nó hết mực khi lên máy bay qua Mỹ hôm đó. Con bé cứ khóc ré lên, khóc ấm ức, khóc tỉ tê, khóc dai dẳng. Nó cứ đòi ở lại Việt Nam với bà Ngoại và Cậu cùng các Dì. Họ tiễn đưa cháu tận Phi Trường Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn. Cha nó phải hứa lèo, dụ khị con bé cho nó nín khóc:

- Con sang Mỹ với ba má, chừng một thời gian ngắn là ba đưa con về Việt Nam ở luôn.

- Má và em con phải về Việt Nam ở với con nữa.

- Ba hứa sau một năm, mình sẽ về Văn Lâm thăm Ngoại và ở luôn.

Lúc bấy giờ, con Đa mới chịu nín khóc. Tuy nhiên, con bé cứ ứa nước mắt đến mấy hôm. Con nít cũng dễ quên, dễ phai, khi nó có em bé cùng vui chơi, cùng xem phim hoạt họa và phim thiếu nhi. Nhất là Bộ Phim Thế Hệ Trẻ thật hấp dẫn trẻ con giải trí, ca hát, hài hước, nhẩy múa, vui chơi, thỏa thích. Con bé tự nhiên nói được một số tiếng Việt làm ông bà Nội ngạc nhiên và rất hân hoan. Đặc biệt cuốn băng Xuân Mai, cô bé diễn viên ở Việt Nam chừng 7, 8 tuổi như nó. Cô bé trắng trẻo, mũm mĩm, xinh đẹp, vừa múa vừa hát, hay đọc các câu ngạn ngữ cách ngôn thông dụng của văn chương dân gian Việt Nam. Cô bé biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn. Nó tỏ ra điêu luyện sành sỏi, thành thạo trình diễn múa hát tự nhiên. Những diễn viên tí hon khác, cùng trang lứa với Xuân Mai, cũng hát theo, nhẩy múa chung quanh cô bé trên sân khấu. Những băng hình Video này rất lôi cuốn con nít Việt Nam ở hải ngoại. Trong băng có cậu bé tên Thi Tài, đẹp trai, ngồi đánh đàn. "Thi Tài - Phấn Đấu" âm thanh vang vang trong khúc nhạc. Những từ ngữ trên được lập đi lập lậi nhiều lần. Con Đa bỗng bắt chước giọng hát thốt lên:

"Thi Tài / Thi Tài. Phấn Đấu".

Thật rõ ràng giống như đúc. Ông Nguyên mừng rỡ quay lại đoạn phim ấy có cậu bé trắng trẻo, đẹp trai, tròn trịa như cục bột, như hột mít vậy. Nó đang ôm chiếc đàn giutare nhỏ, vừa gẩy, vừa hát (Không rõ thằng bé biết chơi đàn thực hay giả, hoặc có người đệm đàn cho nó phía bên ngoài). Ông ngạc nhiên quay sang hỏi con dâu:

- Tại sao con Đa thích đoạn "Thi Tài Phấn Đấu"?

Lam mỉm cười, nói tự nhiên như nửa đùa, nửa thật:

- Thưa ba, đó là bồ nó. Nó khoái thằng bé này.

Vì thế, hôm nay, ông cứ quay đi, quay lại đoạn phim "Thi Tài đàn và hát" cho con Đa xem. Nó tỏ ra thích thú vô cùng, bà con ơi! Thì ra tình yêu đã nẩy nở rất sớm ở cô bé Chiêm Thành có dòng máu Việt. Ba má chúng đều là những con người giàu tâm hồng nghệ sĩ, lãng mạn chút chút. Đúng là "Cha nào con nấy’" Tel père, tel fils: (thành ngữ Pháp), hay "Like father, like son" (Ngạn ngữ Anh văn).

"Mẹ ca múa, cha đánh đàn
Đứa con bẩy tuổi, ưa chàng tí hon.
Biết đàn biết hát, trắng tròn
Khôi ngô tuấn tú, gái Chàm thấy thương."


Điều này khiến ông Nguyên nhớ chuyện một nghệ sĩ Mỹ, lừng danh thế giới. Trong cuốn hồi ký nổi tíếng của mình, ông có kể lại đoạn tình hồi ông mười tuổi, mê một cô bé mới có bẩy xuân xanh. Cuộc tình rất đặc biệt, rất là ngây thơ, hấp dẫn lôi cuốn độc giả có tánh híếu kỳ và hâm mộ truyện tình nam nữ trẻ trung, hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Tình yêu quả là kỳ diệu và nhiệm mầu. Tình yêu thật là đa hình, đa dạng, nhiêu khê, phức tạp, rắc rối. Nhất là phụ nữ, thì tình yêu càng khó hiểu, khó đoán, khó biết, khó lường hơn. "Con tim có những lý lẽ, mà lý trí không thể nào biết được." như triết gia Pháp Pascal đã nhận xét.

Bây giờ hai đứa cháu Nội là nguồn vui cho ông bà già và cho cả nhà ông Nguyên. Nhất là con bé út, đã biết đi nhanh. Giáp thôi nôi là cháu biết đi lững thững rồi. Nó nghịch ngợm, phá phách lung tung. Hai chị em chơi vơi nhau quen rồi. Con Đa nói tiếng Việt đã khá hơn, tiến bộ hơn. Hàng ngày cô bé dùng hai ngôn ngữ. Khi nó nói với mẹ thì trầm giống Chàm, trăm phần trăm, bà con ơi! Khi nói vời ba và ông bà Nội thì nói tập tành tiếng Việt, nó học cũng mau thôi, vì có sẵn dòng máu Việt Nam trong huyết quản cô bé lai này. Ngoài ra con bé phải học tiếng Anh. Nó không biết chữ Anh nào cả, nhưng nhà trường cho học Lớp Hai vì ở Việt Nam nó đã học qua lớp này rồi, thế mới là tai hại. Nó kém nhất lớp. Ông bà Nội phải ráng kèm Anh văn cho cháu. Ba má nó bận cày suốt tuần. Chúng giao khoán cho ông bà lo cháu học. Nhất là ông Nội phụ trách dạy kèm cháu Anh văn và Toán cũng như các môn khác vào buổi tối. Cháu mới qua Mỹ, không biết mô tê chi cả. Nó phải nhét vào đầu ba ngôn ngữ. Còn vấn đề ăn uống cử kiêng trong nhà. Thật là phức tạp, rắc rối, phiền não. Con dâu vốn ngoan đạo vô cùng. Nó tuyệt đối kiêng ăn thịt heo. Thàng con theo Đạo vợ từ hồi nào, cũng cữ ăn thịt chú ụt ịt luôn. Cha me đành ăn cá và thịt gà, bò thôi. Thét rồi cũng quen đí. Ăn cá càng tốt, vì bớt xơi chất béo, bớt bịnh mỡ trong máu Cholesterolỉ chớ sao. Hàm răng mà nhai xả láng, không chịu kiêng khem, không ăn nhiều rau quả, dễ bị bịnh hiểm nghèo tại xứ Cờ Hoa, phải không quý vị? Như một thầy thuốc Pháp, năm xưa, đã tỏ ra chí lý khi nhận xét: "Hàm răng là mồ chôn chính thân xác mình." hay là người Á Đông cũng có câu: "Bịnh từ miệng mà vào. Họa từ miệng mà ra".

Con trai làm thợ máy sửa xe hơi. Con dâu làm nail. Cháu nhỏ gửi nhà trẻ. Cháu lớn đi học, chừng ba giờ rưỡi xế về, cũng gửi nhà coi trẻ do người Việt Nam ngụ gần trường học coi ngó. Bà Nội hay Ông Nội đón chúng về nhà sau đó. Người đời thường nói:

"Con là nợ, vợ là oan gia, Cửa nhà là nghiệp báo." Hay là "Con là máu, cháu là mủ" Dù sao thì ruột rà, máu mủ, như núm ruột. Con thú còn thương con, thương cháu huống hồ là con người, ai cũng thương con cái, cháu chắt, dòng họ ruột thịt của mình. Ông bà ta cũng có câu: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã" ngụ ý nên thương yêu đùm bọc thân nhân ruột thịt của mình. “Có đắng cũng ruột thịt, có ngọt cũng người dưng".

Thật ra ông bà Nguyên rất thương con cháu, lo cho chúng mọi thứ như bao nhiêu bậc làm cha mẹ khác ở đời. Ông tự an ủi mình, cứ lầm bầm đọc như để khuây khỏa, vui vẻ, an nhiên, tự tại trong lòng mình:

"Vạn pháp tùy duyên sanh, vạn pháp tùy duyên diệt"

Hay là:

"Duyên khởi trùng trùng
Nghiệp quả mênh mông"
"Trùng trùng duyên khởi, rồi đi
Giác tâm an lạc, tâm mê lụy phiền."


MINH CẨM

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân