TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ĐỨA CON TRÚNG TÀ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ĐỨA CON TRÚNG TÀ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Diem Khanh



Ngày tham gia: 04 Jul 2008
Số bài: 579

Bài gửiGửi: Sun Dec 18, 2011 5:05 pm    Tiêu đề: ĐỨA CON TRÚNG TÀ
Tác Giả: MINH HÒA

 



 
ĐỨA CON TRÚNG TÀ
                                                     MINH HÒA
           

           Lúc bấy giờ, ông Mai mặt mày rầu rĩ, ngồi xuống bên cạnh đứa con trai duy nhất của vợ chồng mình. Mới nằm trên chiếc giường gỗ mốc, trải chiếc chiếu cũ kỹ đã ngã sang màu cháo lòng, cùng màu với quần đùi cậu ta mặc . Bụng đau lâm râm, không dứt đã ba ngày. Mới mắc phải chứng bịnh kỳ lạ, sau khi cùng các bạn vào rừng hái trái táo hoang. Những cây táo có gai, mọc theo bìa rừng, gần khu vực làng Thương Diêm và Đồn Bằng, nơi Chủ Sở Muối và đám lính Tây trú đóng. Bụng Mới cứ đau từng cơn, dường như trướng lên vì không đi cầu được. Song thân đã chạy chữa đủ thuốc, đủ thầy lang tại địa phương, nhưng Mới không thải phân ra được. Nhiều người nghi cậu bị trúng tà, do ma quái vùng sơn lâm chướng khí trên núi rừng xăm nhập vào cơ thể, làm Mới bị bịnh, không thể đại tiện được. Bà con cô bác, hàng xóm láng giềng, thương tình, bày uống thuốc nhuận trường xem có kết quả gì không, bởi vì họ nghĩ Mới bị táo bón. Tuy nhiên, người nhà cho uống loại thuốc nói trên, vẫn không hiệu quả chút nào. Chất cặn bã trong cơ thể Mới vẫn không ra được, dù cậu rán rặn cách mấy đi chăng nữa. Rồi tới thuốc xổ, thân phụ cho cậu uống lượng cao. Tuy có xổ ra nước phân, nhưng cái bụng càng ngày càng trương cứng như cô gái có bầu vậy. Thế mới đáng lo ngại, khổ đau cho con trai cưng của họ. Thiên hạ mách gì, ông bà Mai cũng làm theo vì thương con, sợ nó có mệnh hệ nào thì cha mẹ đau khổ vô cùng. Hữu bịnh tất cầu. Dầu nhị thiên đường ông cứ xoa bụng cho con bớt đau. Nhưng Mới vẫn rên la dài dài. Hầu như vô phương cứu chữa ở nơi khỉ ho cò gáy. Một xó xỉnh đèo heo hút gió, chó ăn đá gà ăn muối này. Người dân ngu khu đen, vốn nghèo khổ ít học. Bác sĩ không có. Chỉ có y tá của Sở Muối. Thuốc men hiếm hoi. Chỉ có cồn, bông gòn, thuốc đỏ, aspirin, ganidan, quinine . Ai đau cảm cúm thường dùng nồi xông xả,  cây nhà, lá vườn, gừng, dầu gió... Khi bịnh nhân bị sưng khớp xương hay bịnh phong thấp,  họ dùng ống tê giác để hút máu chỗ viêm có mũ. Thầy lang chuyên trị bịnh cho dân địa phương bằng thuốc nam, thuốc bắc hay thuốc gia truyền. Thuốc tây hiếm hoi ở đây vào thời điểm ấy.
 Dùng các loại thuốc bà con mách, bịnh Mới vẫn không thuyên giảm. Càng ngày càng trầm trọng. Bụng lớn dần, căng ra như cái trống chầu. Dễ sợ thật. Ông bà Mai lo lằng, buồn bã vô cùng. Không biết làm gì cho con giảm bịnh đây ? Mới cứ nằm rên hừ hừ. Đôi mắt nhắm nghiền. Mồ hôi vả đầy trán. Gương mặt xanh xao, vàng vọt. Chiếc áo sơ mi ngắn tay xanh nhạt đã ngã sang màu tro sậm bẩn thỉu vì dính mũ cây nhiều chỗ. Lúc Mới cùng bạn bè vào rừng hái trái táo dại, áo bị gai cào rách một vài chỗ. Bà Mai chưa kịp vá cho con vì nó đau bụng nằm liệt giường suốt mấy hôm nay. Chỉ ăn được ít cháo lỏng bỏ muối hầm và uống nước gừng cho ấm bụng. Vì là con một, nên Mới được song thân thương yêu chìu chuộng “ Cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa” ngay từ bé, dù gia cảnh cơ hàn thiếu thốn nhiều thứ. Có thể nói cậu ta chẳng khác con cầu tự . Vì nhà nghèo nên ông bà Mai làm cu li Sở Muối giống nhiều người dân ở Thương Diêm- Cà Ná. Mới không được đi học như bao trẻ khác bởi gia cảnh lắm khó khăn. Chỉ biết đọc, biết viết, biết tính toán chút ít thôi. Cậu ta ở nhà làm việc vặt vảnh giúp cha mẹ như gánh nước, bữa củi, nấu cơm, quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Làm xong việc, Mới thường đi chơi với bạn vui vẻ thỏa thích . Họ hay rũ nhau đi bắt dế, bắn chim, hái trái duối chín ăn hay tìm quả cây rừng bỏ bụng. Mới đi chơi với bạn vì ham vui hơn là kiếm thức ăn lót dạ. Ngoài ra cậu cũng thường theo bạn đi tắm suối ở đầu làng. Vào mùa mưa, nước lũ từ rừng sâu, núi cao, tràn về đầy suối và mương trước xóm. Con mương nằm dọc theo đê, phát xuất từ Cầu Hoằng, chạy  song song với ruộng muối phía trước làng. Mương đổ dài ra biển cả mênh mông ở cuối thôn. Con suối và mương nói trên thường khô hạn. Chỉ có mùa mưa lũ mới đầy nước. Lúc ấy, trẻ con trong làng tha hồ vui đùa, bơi lội, tắm suối mát mẻ thích thú vô cùng. Con mương khi lũ về hòa nhập với nước biển tràn lên, trở thành thế giới của nhiều sinh vật cư ngụ. Nước chà hai là nơi sinh sôi nẩy nở của đủ loại cá ưa chuộng môi trường này. Nào cá căn, cá chốt, cá măng... bơi lội từng đàn tung tăng trong muơng nước đầy rong rêu, bùn sình khắp ngả. Thằng Nguyên cháu Bà Dư bán quán, thằng Ba con ông Ba Bún ( Ông này chuyên nghề làm bún bán, nên có biệt danh trên). Thằng Cải, con ông Đinh, nhà phía bên kia lộ, thường la cà, vui chơi với Mới, đi hái trái rừng, tắm suối, mò cua, bắt ốc ngoài bãi biển Thương Diêm...Thôn xóm hẻo lánh ở vùng duyên hải, người dân hầu như vất vả quanh năm, suốt tháng vì công việc làm thuê, làm mướn, ăn lương khoán chả bao nhiêu của Chủ Sở Pháp Lang Sa. Các ông Tây, mắt xanh, mũi lõ, tóc hoe vàng, đi xe hơi bóng lộn, có khi lái máy bay nữa.
    Mới bị bịnh có mấy hôm mà trông người sa sút hẳn. Thật tội nghiệp. Cậu ta đang khỏe mạnh như voi, bỗng nhiên ốm đau. Bụng sình chương bính chướng như đàn bà sắp sanh con vậy. Lúc này, ông bà Mai ủ dột mày châu, lo âu phiền não tới tấp, muốn ngã bịnh luôn. Họ nghe tin có Thầy Hai Pháp Sư ở Cà Ná, chuyên chữa bịnh trúng tà, bịnh do yêu quái, ma quỷ ám hại, xăm nhập vào cơ thể nạn nhân. Tây y- đông y  không thể nào chữa trị dứt đựợc. Hôm đó, bà Ba Bún nói với vợ ông Mai:
-Không phải ông ấy nói trúng bịnh đau, Mợ Hai à. Nhờ Cậu Năm nhập vào ông ta đó! Nhờ ăn ở phước đức, có lòng cứu nhân, độ thế, nên Cậu nhập vào Thầy Pháp Sư. Nghe đồn Cậu Năm linh thiêng lắm!

Khi bà Ba Bún nói vậy, bà Hai Tú, hàng xóm, chen vô:
-Cậu Năm nào vậy, hả chị Ba?
Bà Ba tỏ ra rành rỏi sáu câu về vong linh này. Đôi mắt chớp chớp, như được gãi trúng chỗ ngứa, bà liền lên giọng thao thao bất tuyệt. Bà kể lớp lang như tiểu thuyết giả tưởng.
- Các bà biết hôn ? Cậu Năm vốn là trai tân. Một hôm, trên đường đi viếng Chùa Núi gần thôn Vĩnh Hảo, nhân ngày lễ Phật Đản, bị Tây phục kích, bắn chết vì cậu bị nghi là du kích Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Cậu chết oan. Có lẽ nhờ tâm hướng thiện, lòng từ bi bác ái, cầu Phật hộ trì, nên vong hồn kẻ mệnh bạc trở nên linh thiêng. Cậu Năm cứu nhân độ thế nên hay nhập hồn vào Thầy Pháp Sư Cà Ná. Cậu lên tiếng nói trúng phốc. Cậu mách nước, chỉ bảo, định bịnh hộ cho Thầy điều trị, mỗi khi bệnh nhân bị trúng tà hay bị ma nhập, quỷ ám, thần linh quở phạt...Nhờ vậy, Thầy chữa khỏi bịnh, cứu nguy nhiều kẻ thoát khỏi khùng điên, cuồng loạn, phá phách, gây rối người thân, gia đình, hàng xóm.
 Lúc bấy giờ, lũ con nít ở ngoài sân tò mò nhìn vô nhà bạn . Chúng vừa buồn vừa lo sợ bịnh tình nghiêm trọng của Mới. Cái bụng chang bang như trống chầu, làm sao xẹp đây? Lại nữa Mới không đi cầu tự nhiên, như bị táo bón. Mới cứ nằm rên rỉ mặt mày hốc hác xanh lè như tàu lá chuối non.
 Sau đó, ông Mai mời được Thầy Pháp Sư danh tiếng nói trên. Ai cũng mong mỏi Thầy chữa lành bịnh cho Mới. Thầy này, khoảng chừng bốn mươi tuổi. Tóc quăn, da ngăm đen như người Chăm. Giọng nói sang sảng, chậm rãi, rõ ràng, dứt khoát, dễ thuyết phục người đối diện. Nguyên nghe người ta bình luận “ Những người tóc quăn tự nhiên, thường thông minh, lanh lợi, khôn khéo hết nói”. Một nhà thơ đã viết:
    “ Những người mắt mèo, tóc quăn
      Thông minh, lanh lợi, khôn ngoan khó lường .
      Tóc quăn gợn sóng, bờm sờm
      Lõi đời, mưu trí, người thường mấy ai.
      Chỉ là tướng số đoán thôi
      Lòng người sâu thẳm, khó thời tường tri.”
 Lúc Thầy Pháp hành lễ, lũ trẻ đứng ngoài sân hiếu kỳ nhìn vào rất đông.  Chúng đứng chật ních cả lối đi. Trên bàn cúng đặt một con gà luộc, rượu trắng, hoa quả, đĩa muối gạo và tách nước trà nóng, ngoài hai cốc nước lã cho Thần Linh súc miệng. Khói hương nghi ngút bay ngợp cả gian phòng. Bịnh nhân nằm trên giường, đôi mắt nhìn lên trần nhà lờ đờ, mệt mỏi. Gương mặt hốc hác, xanh xao. Bụng trướng phình như bao gạo nhỏ. Pháp Sư miệng lâm râm khấn vái trong lúc làm lễ cầu Tổ Thầy linh thiêng hổ trợ. Ông ta đọc thần chú như tiếng Phạn, không ai hiểu ý nghĩa là gì. Sau khi cúng xong, ông nốc  từ từ ly rượu trên bàn. Mặt mày bỗng chốc trở nên đỏ lừng như Quan Công  Cặp mắt lờ đờ. Miệng lâm râm khấn vái gì đó. Ông mặc áo choàng đỏ sẫm. đầu đội mũ ca lô vàng óng ánh. Rồi ông rùng mình một cái. Ánh mắt trở nên lim dim, lung linh huyền ảo. Đôi lông mày rậm rạp như màn lưới rung rinh. Làn mi dài nhấp nháy theo thần nhãn liếc qua liếc lại sáng quắc. Mái tóc quăn dợn sóng tự nhiên phía sau, như ôm kín chiếc ót của Pháp Sư. Ông trâm một hồi ngôn ngữ gì như tiếng Thượng hay Chàm. Không ai hiểu Thầy muốn nói gì. Gia chủ quỳ lạy bên bàn thờ như tế sao, miệng cầu khấn một cách thành tâm:
- Xin Trời Phật, chư Thánh, Thần Bề Trên. Kính xin Cậu Năm linh thiêng cứu giúp con của đệ tử, Nguyễn Mới, 15 tuổi, được tai qua nạn khỏi.
    Pháp Sư kiêm Thầy Đồng, sau khi rùng mình, đồi mắt lóng lánh như hạt kim cương, trông thật dễ sợ. Gương mặt đỏ kè vì rượu mạnh chạy rần rần trong máu. Lúc này ông như biến thành người khác. Bà Ba nói nhỏ với những người hàng xóm đang bu quanh:
- Cậu Năm nhập rồi. Cậu về rồi bà con ơi!
Pháp Sư chỉ bệnh nhân nằm rên hừ hừ. Đôi mắt mệt mỏi. Môi tím rịm. Mặt tái xanh như tàu lá.  Sau khi nhìn kỹ Mới, ông ta phán với giọng lơ lớ, giống tiếng nói của người dân tộc:
- Y bị Thần Nữ tuần vu núi Sơn Hải, dạo gót vùng đồi Thương Diêm, quở  phạt vì tội xăm nhập vùng đất thiêng của Thần Linh. Sơn Thần, Thổ Địa cũng không thể che chở cho y. Nay thấy gia chủ thành khẩn lễ bái tạ tội chư Thánh Thần. Nữ Thần tạm phạt cảnh cáo, tha cho một phen Nếu đương sự tái phạm, e rằng mạng sống của mình, khó lòng bảo đảm an toàn.
   Sau đó, Thầy Pháp trâm một tràng tiếng Chàm rồi ngã xuống chiếc ghế bành dành cho Thầy. Thầy rùng minh rồi thiếp đi một lúc.
- Cậu thăng rồi. Bà Ba khẻ lên tiếng.
Mọi người bàn tán xì xào. Chừng vài phút sau Thầy tỉnh lại, Thầy lấy thuốc tán trong người, pha nước cho Mới uống, có lẽ là thuốc xổ.Ông quay sang gia chủ, nói với giọng bình thường, khác hẳn giọng lúc Cậu Năm nhập vào ông.
- Chừng bốn tới sáu giờ bịnh nhân sẽ đi cầu. Bà con nên biết chất độc tôi trừ trong cơ thể do bùa phép đã hổ trợ thuốc tán. Đó là Thánh Dược. Bụng sẽ xẹp hết vài bữa nữa.
 Quả nhiên, hôm sau, Mới nằm dài trên giường để đại tiện vào một cái chậu to tổ nái đặt dưới đất. Ông Mai dùng hai chiếc que mềm, khơi phân trong lỗ đít con chui ra. Cậu ta cứ cố gắng rặn hết sức theo lời thân phụ:
- Rặn! Rặn! Rặn! Nỗ lực lên con! Phân ra rừ từ. Bụng con hết đau và xẹp. Rặn! Rặn! Rặn!
Đầu cậu ta được đặt trên hai chiếc gối cao. Lưng kê một cái. Mông và đít chếch về phía dưới  Chỉ có chiếc áo che bên trên một chút. Ở truồng như nhọng. Phân tiếp tục tuôn xuống chậu. Hết lỏng rồi tới đặc, pha lẫn hột táo trôi theo. Mùi hôi thối bay nồng nực khắp nơi vì là chất cặn bã tích trữ trong bụng đả hơn ba ngày trời. Những người hiếu kỳ  kể cả trẻ nít liền bịt mũi rút lui gần hết.
  Sau khi đi cầu thông, Mới khỏe dần rồi hêt bịnh. Ông bà Mai làm gà vịt cúng tạ Thần Linh và vong hồn Cậu Năm đã hộ trì bịnh nhân. Thầy Pháp Sư được gia chủ tạ lễ hậu hĩnh sau đó. Không rõ thực hư như thế nào . Đa phần người dân địa phương tin thần linh ma nhập, quỷ thần quở phạt . Họ khó thoát khỏi mê tín, dị đoan có từ đời nào của tổ tiên ta, nhất là dân quê ít học. Thực ra trần gian có nhiều điều khó hiểu, khó tin nhưng có thật, như nhà văn kiêm thi sĩ Mai Thảo từng thốt lên:
      “ Thế giới có triệu điều khó hiểu
        Càng hiểu không ra lúc cuối đời.
         Chả sao, khi đã nằm trong đất
         Hỏi ở sao trời cũng hiểu thôi.”
       “ Khoa học khó giải khó tường
        Nhiều điều kỳ lạ bất thướng thế gian
        Thần Linh, bùa chú dị đoan
        Đôi khi hết bịnh, rõ ràng khó tin”
  Ph, con gái Thầy Tú, y tá Sở Muối, trạc tuổi Nguyên, tỏ vẻ rành rẽ hết ý về việc “Trục tà” này, nên tâm tình với lũ nhóc đứng quanh sau đó. Từ lâu, Nguyên si mê người đẹp quê Quảng Đà. Nàng xinh xắn dễ thương chi lạ. Đôi môi tươi thắm, đỏ chót như thoa son. Nước da nõn nà. Hai má giai nhân phúng phính, trắng hồng. Cặp mắt to đen, long lanh như sao trời. Mái tóc thề óng ả phủ kín bờ vai thon. Nàng nhìn đám trẻ, nói năng lưu loát, giọng thanh tao như chim hót, hoặc giả anh chàng si Nguyên tưởng tượng như thế chăng. Một khi đã thương ai thì họ nói gì cũng hay, cười cũng đẹp, thậm chì khóc cũng đẹp, nhăn mặt càng đẹp nốt, giống như Tây Thi, gái nước Việt, càng nhăn mặt càng diễm lệ, hay nụ cười của Bao Tự làm nghiêng thùng đổ nước vì dân đang gánh nước mãi ngắm nhìn mỹ nhân cười ngày xưa, hay nghiêng thành mất nước, chỉ Vua chúa vì mê gái đẹp giang san bị lọt vào tay kẻ khác,
( Vua U Vương Nhà Châu, vì nụ cười của vương phi Bao Tự, mà phải thất quốc về tay Hung Nô)
 Lúc này, Ph thao thao bất tuyệt:
- Ba tôi nói: “ Mới bị bịnh táo bón. Trái táo rừng vốn nóng lại thêm ăn uống khô khan, cá kho, mắm thắm, lâu ngày dễ mắc bịnh này. Phân đóng cứng khô như đá sỏi. Nhờ uống thuốc nhuận trướng mấy hôm trước nên phân mềm ra. Giờ uồng thuốc xổ cực mạnh thì chất cặn bã trong bụng sẽ thải ra. Bụng xẹp dần. Ăn cháo lỏng, rồi cháo đặc dỉnh dưỡng ít ngày, bịnh sẽ lành. Nếu để táo bón lâu ngày có thể bị trĩ hay biến chứng đường ruột. Ruột bị nhiễm độc, tánh mạng bịnh nhân có thể lâm nguy.
  Mọi người nhìn người đẹp Sở Muối, bái phục sự hiểu biết về y khoa sâu rộng của má hồng. Anh Dinh, con Bà Mới, thanh niên nổi tiếng bơi, lặn giỏi nhất làng. Truớc kia, gia đình anh ngụ tại Xóm Cầu Tàu, giờ chuyển về đây, nhìn lũ trẻ trong sân nhà Ông bà Mai. Anh tỏ ra lịch lãm, kẻ cả. Anh ca tụng thân phụ của Ph.
-Thầy Tú, Thầy Ba nhà thương, là Thầy thuốc tây y giỏi nhất Đồn Bằng. Thầy chuyên trị bịnh cho dân làng. Thầy rất rành rẽ về các chứng bịnh thông thường. Lời Thầy nói chắc như bắp.. Chúng ta vui mừng ví Mới đã khỏi bịnh, không cần bíết mắc bịnh gì. Hà Bá đã tha tào. Chúng ta có thêm người bạn để bắt dế, bắn chim, tắm suối, u mọi, cút bắt. Vui không tụi bây?
Lũ trẻ đồng vỗ tay, la to:
-Vui lắm! Vui lắm!
Ph. cũng tươi cười rạng rỡ. Ánh nắng chiều như tô hồng thêm đôi má nàng Tiên vùng duyên hải. Nắng vàng lấp lánh trên những đọt cây sầu đâu cao ngất nghễu phía nhà Bưu Điện, cũng là ngôi trường sơ học của Sở Muối. Tin Mới lành bịnh lan nhanh trong xóm vắng. Mọi người hân hoan chúc mừng gia đình ông Mai.
        Tại nơi thôn quê hẻo lánh, hoang dã miền rừng núi như Thương Diêm- Cà Ná, trong thời chiến tranh trước đây, người dân thường gánh chịu những tai ương, bất hạnh, khổ đau, xảy ra bất ngờ cho mình .
        Bà Hai, nhà ở cạnh chiếc cầu trước làng. Cầu bắc qua mương nước, nối thôn xóm và con đường cái quan, chạy dọc theo  ruộng muối. Thật bất ngờ, bà bị cọp tha đi khi ngồi giặt qưần áo bên bờ suối vào trưa hôm ấy. Báo hại dân làng huy động đông người, đánh phèn la, cầm rựa dao búa đuổi theo vào tận rừng núi bao la bát ngát. Cuối cùng tìm thấy xác bà trong một bụi cây. Mắt bị ông Ba Mươi móc nhai. Mặt, thân hình bị chúa tể sơn lâm cạp nhiều chỗ. Mấy hôm sau, bà Bông cũng dân gốc Quảng Nam như gia đình Bà Hai, cư sĩ tu trên gác, cạnh bờ suối ở bìa rừng. Bà là một Phật tử thuần thành, ăn chay trường, tụng kinh gõ mõ hàng đêm. Bà ở một mình trong chòi tranh có làm gác nơi thờ Phật và hành lễ. Bà trồng chuối, cam, ngô, sắn, đậu, khoai lang... bên bờ suối. Vào thời điểm ấy, voi thường về quấy phá hoa màu ban đêm. Chúng kéo nhau từng bầy, từng đàn.. Tối hôm ấy. bà ra xóm mua đồ về trễ, bị voi chà chết thảm bên chiếc am tranh .Ngoài ra,  anh Ban con ông bà Long, ngụ ở cuối thôn. Một ngày nọ, anh ham vui lên rừng hái quả chín để xơi. Anh rủi ro đạp nhầm quả đạn lớn,. Trái phá nổ tung, làm anh bị tổn thương thân thể trầm trọng phải nhờ xe Chủ Sở đưa ra bệnh viện Phan Rang điều trị. Chưa bíết anh ta có khỏi bịnh chưa hay bị tàn tật gì đó. Ngoài ra Anh Bảy, con ông bà Hắc ở gần nhà ông Bộ Ấn, đêm Việt Minh Bảo Vệ Mùa Màng giao chiến vời quân Pháp. Lính Tây bắn lên nhà dân ven rừng, đạn xuyên qua vách ván lũng hai gò má của anh ta. May mà không trúng đầu. Anh Bảy phải ra điều trị tại bịnh viện nói trên một thời gian dài mới lành. Tại nơi núi rừng hẻo lánh, vùng tranh chấp giữa thực dân Pháp và kháng chiến VM người dân bị kẹt giữa hai lằn đạn, mạng sống không được an toàn. Không kể họ phải chịu áp lức của hai phía. Ban ngày thì Pháp cai trị. Ban đêm thì VM về đóng thuế người dân ngu khu đen.  Đa phần dân chúng lúc bấy giờ phải làm theo lịnh của kháng chiến quân. Nếu không theo họ thì mạng sống và gia đình mình bị đe dọa nghiêm trọng. Lúc ấy có mấy vị tai mắt danh tiếng ở địa phương, làm việc cho Pháp trước kia, hay hiện tại, bị Ban Ám Sát về làng đêm tối,  uy hiếp, bắt đi lên núi xét xử  hay hành quyết tại chỗ, hoặc chôn sống ven rừng.. Khẩu hiệu của VM lúc bấy giờ là” Trừng trị trước, lần lượt báo cáo sau.” “ Thà giết lầm hơn bỏ sót” . “ Kinh khủng thật .
                “ Thời loạn dân khổ vô vàn
                 Những vùng hẻo lánh lại càng khổ đau.
                 Trên đe, dưới búa ngập đầu
                 Tai ương phủ chụp đậm màu người dân.”  
                                   
                                                MINH HÒA
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân