TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - thằng khùng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

thằng khùng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Thu Dec 01, 2011 10:23 pm    Tiêu đề: thằng khùng
Tác Giả: phùng quán / Nguyễn Tuân

Bài đăng có hai phần: a) chuyện Thằng Khùng của Nguyễn Tuân b) tham luận ngắn về Voltaire của tôn thất tuệ
Thằng Khùng
Phùng Quán viết lại theo lời kể của Nguyễn Tuân khi cùng ở trong tù:

"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.
Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính. Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc. Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ. Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:
- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?
Anh ta chấp tay khúm núm thưa:
- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.
Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại mặc, cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc. Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?… Thế rồi, một lần, mình và anh ta cùng đi lùa trâu xuống con sông gần trại cho dầm nước. Trời nóng như dội lửa. Bãi sông đầy cát và sỏi bị nóng rang bỏng như than đỏ. Trên bãi sông mọc độc một cây mủng già gốc sần sùi tán lá xác xơ trải một mảng bóng râm bằng chiếc chiếu cá nhân xuống cát và sỏi. Người lính gác ngồi trên bờ sông dốc đứng, ôm súng trú nắng dưới một lùm cây. Anh ta và mình phải ngồi trú nắng dưới gốc cây mủng, canh đàn trâu ngụp lặn dưới sông. Vì mảng bóng râm quá hẹp nên hai người gần sát lưng nhau. Anh ta bỗng lên tiếng trước, hỏi mà đầu không quay lại:
- Anh Tuân này - không rõ anh ta biết tên mình lúc nào - sống ở đây anh thèm cái gì nhất?
- Thèm được đọc sách - mình buột miệng trả lời, và chợt nghĩ, có lẽ anh ta chưa thấy một cuốn sách bao giờ, có thể anh ta cũng không biết đọc biết viết cũng nên.
- Nếu bây giờ có sách thì anh thích đọc ai? - anh ta hỏi.
- Voltaire! - một lần nữa mình lại buột miệng. Và lại nghĩ: Nói với anh ta về Voltaire thì cũng chẳng khác gì nói với gốc cây mủng mà mình đang ngồi dựa lưng. Nhưng nhu cầu được chuyện trò bộc bạch với con người nó cũng lớn như nhu cầu được ăn, được uống… Nhiều lúc chẳng cần biết có ai nghe mình, hiểu mình hay không. Đó chính là tâm trạng của anh công chức nát rượu Marmeladov bất chợt nói to lên những điều tủi hổ nung nấu trong lòng với những người vớ vẩn trong một quán rượu tồi tàn, mà Dostoievsky miêu tả trong Tội ác và trừng phạt. Anh ta ngồi bó gối, mắt không rời mặt sông loá nắng, hỏi lại:
- Trong các tác phẩm của Voltaire, anh thích nhất tác phẩm nào?
Mình sửng sốt nhìn anh ta, và tự nhiên trong đầu nảy ra một ý nghĩ kỳ lạ: một người nào khác đã ngồi thay vào chỗ anh ta… Mình lại liên tưởng đến một cậu làm việc cùng phòng hồi còn ở Đài phát thanh, tốt nghiệp đại học hẳn hoi, đọc tên nhạc sĩ Chopin (Sôpanh) là Cho Pin.
Mình trả lời anh ta:
- Tôi thích nhất là Candide.
- Anh có thích đọc Candide ngay bây giờ không?
Không đợi mình trả lời, anh ta nói tiếp:
- Không phải đọc mà nghe… Tôi sẽ đọc cho anh nghe ngay bây giờ.
Rồi anh ta cất giọng đều đều đọc nguyên bản Candide. Anh đọc chậm rãi, phát âm chuẩn và hay như mấy cha cố người Pháp, thầy dạy mình ở trường Providence. Mình trân trân nhìn cái miệng rúm ró, răng vàng khè đầy bựa của anh ta như nhìn phép lạ. Còn anh ta, mắt vẫn không rời dòng sông loá nắng, tưởng chừng như anh ta đang đọc thiên truyện Candide nguyên bản được chép lên mặt sông…
Anh đọc đến câu cuối cùng thì kẻng ở trại cũng vang lên từng hồi, báo đến giờ lùa trâu về trại. Người lính gác trên bờ cao nói vọng xuống: "Hai đứa xuống lùa trâu, nhanh lên!".
- Chúng mình lùa trâu lên bờ đi! - anh nói.
Lội ra đến giữa sông, mình hỏi anh ta:
- Anh là ai vậy?
Anh ta cỡi lên lưng một con trâu, vừa vung roi xua những con trâu khác, trả lời:
- Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.
Rồi anh ta tiếp:
- Đừng nói với bất cứ ai chuyện vừa rồi…
Giáp mặt người lính canh, bộ mặt anh ta thay đổi hẳn - ngu ngơ, đần độn như thường ngày. Cuối mùa đông năm đó, anh ta ngã bệnh. Nghe các trại viên kháo nhau mình mới biết.
Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đong. Thế là nếu bọn mình ngoẻo, sẽ không còn được khâm liệm tử tế và chẳng có ai khóc tống tiễn vong hồn… - những người tù nói, giọng buồn.
Mình gặp giám thị trại, xin được thăm anh ta.
Giám thị hỏi:
- Trước kia anh có quen biết gì thằng này không?
Mình nói:
- Thưa cán bộ, không. Chúng tôi hay đi lùa trâu với nhau nên quen nhau thôi.
Giám thị đồng ý cho mình đến thăm, có lính đi kèm. Anh ta nằm cách ly trong gian lán dành cho người ốm nặng. Anh ta nằm như dán người xuống sạp nằm, hai hốc mắt sâu trũng, nhắm nghiền, chốc chốc lại lên cơn co giật…
Mình cúi xuống sát người anh ta, gọi hai ba lần, anh ta mới mở mắt, chăm chăm nhìn mình. Trên khoé môi rúm ró như thoáng một nét cười. Nước mắt mình tự nhiên trào ra rơi lã chã xuống mặt anh ta. Anh ta thè luỡi liếm mấy giọt nước mắt rớt trúng vành môi. Anh ta thều thào nói:
- Tuân ở lại, mình đi đây… Đưa bàn tay đây cho mình…
Anh ta nắm chặt bàn tay mình hồi lâu. Một tay anh ta rờ rẫm mớ giẻ rách khoác trên người, lấy ra một viên than củi, được mài tròn nhẵn như viên phấn viết. Với một sức cố gắng phi thường, anh ta dùng viên than viết vào lòng bàn tay mình một chữ nho. Chữ NHẪN.
Viết xong, anh ta hoàn toàn kiệt sức, đánh rớt viên than, và lên cơn co giật.
Người lính canh dẫn mình lên giám thị trại với bàn tay có viết chữ Nhẫn ngửa ra. Người lính canh ngờ rằng đó là một ám hiệu.
Giám thị hỏi:
- Cái hình nguệch ngoạc này có ý nghĩa gì? Anh mà không thành khẩn khai báo, tôi tống cổ anh ngay lập tức vào biệt giam.
Mình nói:
- Thưa cán bộ, thật tình tôi không rõ. Anh ta chỉ nói: tôi vẽ tặng cậu một đạo bùa để xua đuổi bệnh tật và tà khí.
Nghe ra cũng có lý, giám thị trại tha cho mình về lán…



Voltaire và Nguyễn Tuân

Câu chuyện của Nguyễn Tuân gồm rất nhiều điều quan trọng giúp tìm hiểu một phần nhỏ của lao tù CS. Nhưng ở đây tôi chỉ xin nói vài dòng về Voltaire nhân khi Thằng Khùng đọc truyện Candide.Thằng Khùng như một nhà tiên tri, có thể đọc ý tưởng của bạn (read your mind), đã đọc ý tưởng của Nguyễn Tuân. Anh Khùng thuộc lòng bao nhiêu truyện hay chỉ một truyện tình cờ gặp phải Candide?
Voltaire có cái châm biếm, xin lỗi dịch nguyên tiếng Pháp là như chó cắn (sarcasme mordant). Có giai thoại, ông đã làm giao thọ (précepteur) cho một vị vua ở Âu chấu. Vua Frederic xứ Prussia cùng nhà văn đứng hai bên một cái bàn dài. Nhà vua hỏi lấy cái gì phân biệt kẻ ngu người trí. Đáp: một cái bàn dài. Nhà vua đã đuổi ông về vườn, nói cho cùng không vì chuyện nầy mà Voltaire nằm trong áp lực của mọi giới nhất là nhà thờ.
Voltaire viết hầu hết các thể loại: triết học, lịch sử, thi ca, kịch nghệ, truyện.
Candide nói trong bài là truyện được biết nhiều nhất. Truyện ngắn của Voltaire về hình thức là truyện kể (conte), dùng như cái sườn để móc lên những ý tưởng cho nên không có sự sắp xếp như một truyện ngắn (nouvelle/short sory). Các "conte" nầy không tha một ai, từ giáo hoàng cho đến anh trưởng giả học làm sang.
Những người bênh giáo hội nói lúc chết Voltaire bị quỷ hành. Thật ra người ta từ chối không làm lễ an táng theo nghi thức TCG. Về tôn giáo, Voltaire tự nhận là một deiste, người tin có Dieu, có thượng đế, như một nguyên tắc sơ khởi (principe premier) nằm trong hệ thống tin tưởng Âu châu (trong lúc ấy Albert Einstein tin thượng đế là một luật vũ trụ lấy trong triết lý Ấn Hoa).
Voltaire là một trong bốn cột trụ chính của thế kỷ Ánh Sáng (Siècle de Lumière), đứng chung với Montesqieu, Diderot và JJ Rousseau.
Tư tưởng của thời nầy là nền tảng của cuộc cách mạng Pháp, và cả cho hiến pháp hiện hành của HK. Những người như Jefferson, John Adams tự cho mình là đồ đệ của trường pháp học thuật Enlightenment. Những nhà nghiên cứu chính trị Mỹ và chính những người bị nghiên cứu luôn xem nước Pháp là nguồn ánh sáng. Kể cũng dễ hiều nước Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo độc lập cho Mỹ.
Nhưng nhìn kỹ, Voltaire đã bị ảnh hưởng sâu đậm bới các định chế của Anh, khi ông bị lưu đày trên đảo quốc nầy trong ba năm thay vì thời gian dài trong tù. Các thầy luật ở VN chỉ nói đến Montesqieu như cha đẻ của thuyết phân quyền (lập, hành, tư pháp). Nhưng thật ra John Locke đã viết và kinh nghiệm hiến pháp bất thành văn của Anh đã thi hành mức độ lớn của sự phân quyền nầy. Đi xa nữa, các quan niệm về Enlightenment đã có trong mô thức vua/triết nhân của Platon.
Thằng Khùng cho thấy Nguyễn Tuân thích Voltaire và anh Khùng lại thuộc lòng conte Candide. Hai chi tiết ấy hé mở cho thấy sự chú tâm của thế hệ cha anh của lớp thất thập hiện nay như Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân.
Thế kỷ Ánh Sáng (18), lọt giữa hai thế kỷ nhiều tính chất văn chương hơn: 17 chính gốc là cổ điển với Racine, Corneil, Molière, La Fontaine; đến 19 thì lãng mạn với Chateaubriand, với Lamartine. Càng đi tiếp về sau, thế kỷ nầy hầu như đơn độc với những ý tưởng chính trị và các nền móng khoa học.
Lý thuyết tam dân của Tôn Dật Tiên chỉ là một mẫu mới của Enlightenment. Người Tàu đã tiếp xúc với văn hóa Anglo qua các mục sư tin lành. Chữ Tam Dân phải chăng từ ba chữ của Mỹ: of, by, for the people, và nằm đâu đó trong thành ngữ đặc thù : We The People...
Thế hệ Nguyễn Tuân sôi sục với những phong trào chính trị tại VN như hành động của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Họ, tuy hướng về văn chương hơn các cụ, vẫn chú tâm nhiều đến những tư tưởng chính trị như thời Voltaire. Không rõ chữ Voltaire đọc ra chữ tàu lai là gì nhưng Montesqieu là Mạnh Đức Tư Cưu, Rousseau là Lư Thoa. Những tên Việt Hán ấy, theo Phạm Quỳnh, là do người Việt đọc Lương Khải Siêu viết về tư tưởng Tây phương.
Vài truyện ngắn của Nguyễn Tuân cũng mang cái chua cay của Voltaire.
Candide là tên của một thằng khờ, đầy nhân tính, nhân chi sơ tánh bản thiện nhưng đời không thiện tý nào mà người là lang sói đối với người. Sau bao nhiêu lần sống chết, Candide trở về quê với một kết luận cho chính mình và cho câu kết của câu chuyện: Phải chăm sóc trồng xới mãnh vườn của chúng ta" (il faut cultiver notre jardin).
Câu nầy có tính chât Đông Phương, notre jardin là tâm điền, ruộng phước.
Nhưng không ai ngạc nhiên khi thấy nằm xếp lớp trong tù những kẻ có cái tâm điền nầy, có cái hào phóng của Voltaire dám châm chọc kẻ có quyền thế.
Chỉ buồn thương cho Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Mạnh Tường và hàng ngàn Thằng Khùng khác.
tôn thất tuệ

Muốn đọc Candide, xin mở link:
http://www.gutenberg.org/cache/epub/4650/pg4650.txt
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân