TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGƯỜI ĐẸP THƯƠNG DIÊM
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGƯỜI ĐẸP THƯƠNG DIÊM

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Tue Feb 19, 2008 6:24 am    Tiêu đề: NGƯỜI ĐẸP THƯƠNG DIÊM
Tác Giả: MINH CẨM




NGƯỜI ĐẸP THƯƠNG DIÊM

MINH CẨM


"Người đâu duyên dáng, dễ thương
Tuổi hoa, ta đã mê nàng, ngày xưa.
Trở về thăm lại quê nhà
Cô hàng bán quán, sao mà giống ai?
Má hồng, da trắng, tóc dài
Mắt nhung lấp lánh, môi cười thật xinh."


Ông Nguyên bước vào Quán Cà Phê nho nhỏ, xinh xắn, bên đường gần ngôi chợ Chồm Hổm. Loại chợ dã chiến, kiểu chợ trời của vùng thôn quê duyên hải, khỉ ho, cò gáy. Vùng đất khô cằn sỏi đá Thương Diêm. Ông ngạc nhiên, suýt nữa đã kêu lên:

- "Cô Canh!" Tuy nhiên, ông kịp dừng lại vì cô chủ quán này còn trẻ quá mà. Cô ta chừng hai mươi là cùng. "Sao cô gái trông giống nàng quá vậy?". Chàng tự nhủ với lòng mình như thế khi bước vào quán. Chàng an tọa vào chiếc ghế bên khung cửa sổ trông ra ngôi chợ hương thôn. Ngày xưa, khi còn là học sinh, có lần chàng về thăm quê Ngoại tại Sở Muốì Thương Diêm - Cà Ná, nhân dịp nghỉ lễ Phục Sinh hai tuần vào năm 1957. Quê Mẹ vùng duyên hải lúc bấy giờ nhằm "Mùa Tàu Ăn Muối". Không khí thôn làng thật là tưng bừng rộn rịp. Công nhân bận bịu lao động kiếm tiền vì những ngày dài thất nghiệp trong mùa gió bấc sắp tới. Mùa tàu ăn muối kéo dài ra ngoài ngày đến tận tháng tư, tháng năm mới chấm dứt.

Chàng hay lân la xuống tàu thủy đang neo ngoài xa để nhận muối hột chuyển từ Vựa nằm sát núi bằng xe rùa ra cầu tàu. Rồi sà lan và sà lúp đưa muối ra cạnh chiếc tàu. Họ dùng cần trục chuyển những giỏ mây to tổ nái chứa đầy muối do công nhân vừa xúc đổ đầy. Chiềc giỏ muối được cần trục chuyển đổ xuống hầm tàu, sâu hun hút.

Chàng học sinh đa tình, đa cảm và lãng mạn chút chút này đã thấy giai nhân Thương Diêm dưới hầm tàu. Nàng chuyên dùng chiếc trang ban muối phẳng bằng sau khi muối hột được đổ ào xuống bên đưới hầm. Muối vun thành đống to như núi. Hầm tàu rộng bao la bát ngát chứa muối, nuốt muối như con quái vật khổng lồ nuốt thực phẩm vào bụng sâu thăm thẳm ngút ngàn và chiếc bao tử trải dài mênh mông như thung lũng tình yêu vậy. Chàng ta như bị cú sét ái tình khi trông thấy dung nhan diễm lệ của "Hoa Khôi Xóm Lò Vôi" và có lẽ của cả vùng Sở Muối lúc đó. Xóm Lò Vôi, bé nhỏ này, rải rác chừng mươi nóc nhà, nằm bên kia đồng ruộng muối phẳng bằng, gần bãi biển Thương Diêm. Còn đồng ruộng muối thì kéo dài xa tít tận chiếc Cầu Hoằng gần núi rừng bao la bát ngát phía đông bắc khu vực. Chiếc cầu này tráng bằng đá xanh chạy qua mương nước dẫn vào Sông Cà Ná, rồi đổ ra biển cả phía xa xa. Cầu sát Quốc Lộ 1 cạnh đường quan đi vào Vĩnh Hảo, Phan Rí và Phan Thiết mù khơi vời vợi. Nhà ga xe lửa nằm trơ vơ, hiu quạnh phía bên kia quốc lộ.

Đối với chàng bạch diện thư sinh đa tình thì Canh, tên giai nhân nói trên, có lẽ là nàng tiên trong chốn sơn thôn "Chó ăn đá, gà ăn muối’. Hoặc giả chàng quá si mê người đẹp mà có ảo giác trên chăng? Ai mà biết được thực hư ra sao. Tình cảm con trai xen vô khi đánh giá sắc đẹp của cô gái mình phải lòng, dễ bị thậm xưng, ngoa ngữ hay cường điệu, hay nhân cách hóa, nàng lên ghê lắm, phải không quý vị?

Lúc bấy giờ, ông Nguyên, dè đặt hỏi khẽ cô Chủ Quán, sau khi gọi ly cà phê đá lạnh giải khát. Cuộc hành trình thật là vất vả mệt nhọc từ Phan Rang vào đây. Nhiều năm rồi ông mới trở lại cố quận thăm quê Mẹ.

- Cháu có quan hệ gì với Bà Canh?

Cô gái kinh ngạc mở tròn xoe đôi mắt huyền to đen giống như hai hột nhãn lồng. Vài sợi tóc mai lòa xòa trên vầng trán trắng nõn. Gió từ biển bên kia cánh đồng muối thổi về lồng lộng làm tóc cô ta bay tung vờn trong không khí. Cô ta cứ nhìn ông khách tóc hoa râm, màu muối tiêu lốm đốm vài sợi bạc phau. Rõ ràng là khách từ phương xa tới viếng Sở Muối Cà Ná - Thương Diêm. Cô ta liền vui vẻ, tươi cười, đon đả trả lời khách:

- Dạ thưa Bác, cháu là con gái của bà ta. Bác có quen má cháu?

- Bác có quen bà ta trước kia. Bà Canh vẫn khỏe chứ? Xin lỗi, quý danh của cháu là gì?

- Dạ thưa, cháu tên Lan. Má cháu vẫn khỏe. Ba má cháu hiện ngụ tại làng Cà Ná. Ba má trông coi Quán Cà Phê gần Nhà Ga Xe Lửa và làng Cà Ná. Còn cháu mở thêm Quán Cà phê giải khát tại đây. Thời buổi Kinh Tế Thị Trường buôn bán làm ăn phát triển mà bác. Xin lỗi, bác là... Tại sao bác biết mẹ cháu?

Cô gái xinh đẹp, thông minh, lanh lợi, giống mẹ như đúc. Ông nhìn bâng quơ làng xóm quạnh quẽ đìu hiu. Ngôi nhà Ngoại chàng không còn nữa. Nhà bà con nằm không xa ngôi quán này mấy. Ông mỉm cười nhìn cô chủ quán, bâng khuâng, nói khẽ:

- Bác biết má cháu lâu rồi. Vì quê mẹ của bác ở tại đậy mà.

Cô gái lộ vẻ thiện cảm, cười niềm nở, reo lên:

- Cháu là con gái út trong nhà. Xin bác cho biết tên để cháu nói lại với mẹ cháu.

Ông Nguyên bỗng cảm thấy lòng xúc động vu vơ. Ông đưa mắt lơ đãng nhìn ra chiếc cầu đúc bằng xi măng cốt sắt bắc qua mương nước giờ đã cạn khô nằm phía trước làng.

Ông nhìn cô chủ quán trẻ trung, nói khẽ:

- Không cần thiết đâu cháu.

Cô gái ngỡ ngàng nhìn vu vơ qua khung cửa sổ rồi nhìn ông khách có vẻ bí ẩn, kỳ dị. Hình như ông ta biêt rõ về mẹ cô.

Tự nhiên, những hoài niệm xa xôi trong vùng trời ký ức của tuổi thơ lại bùng lên, tỏa lấp lánh trong tâm thức ông. Ông đốt điếu thuốc thơm phì phà, nhấp ly cà phê mát rượi, nhìn khu Chợ Chồm Hổm. Rải rác đây đó những mái nhà xập xệ, nằm cạnh những ngôi nhà ngói khang trang, cao ráo, sáng sủa. Vài chiếc nhà lầu mọc lưa thưa, nổi bật tại vùng quê duyên hải, xa xôi, hẻo lánh này.

Hồi xưa, bố Nguyên, quê Phước Khánh, ngao du vào làm muối tại đây. Ông gặp má cậu là hoa khôi Thương Diêm. Hai người đã se duyên Tần Tấn sanh ra một bày con. Lúc bấy giờ, ba cậu bị bịnh về nằm nhà thường Phan Rang. Khỏi bịnh ông về dưỡng sức tại nhà Nội ở làng Tâm Tượng / Phước Khánh. Nguyên thường ẵm em giúp má. Bà đang sống với Ngoại và Dì Tám tại Sở Muối. Má và Dì làm rẫy hay bán buôn lặt vặt để kiếm sống qua ngày. Chàng thường cõng em trai nhỏ hơn chàng 5 tuổi, lân la lên nhà Thầy Hoàng, Cai Sở Muối, vui chơi với lũ trẻ đồng trang lứa khác. Chàng qua lại chợ Chồm Hổm. Chàng đã mê cô bé tên Canh xinh đẹp, nổi tiếng là hoa khôi Xóm Lò Vôi như đã nói ở trên. Nàng theo mẹ đi qua Chợ Chồm Hổm bán cá măng và cá căn, do bố nàng chài được tại các đầm nước chà hai (Nước nửa ngọt, nửa mặn).

"Lò Vôi, xóm nhỏ đìu hiu
Cô em duyên dáng, diễm kiều biết bao.
Biển xanh, gò đất lao xao
Chim ca lảnh lót, rì rào sóng reo.
Hoàng hôn, khói tỏa xóm nghèo
Vi vu gió lộng, sáo diều tung bay.
Giai nhân mắt biếc, xinh thay
Cánh đồng muối phẳng, nắng gầy lung linh."


Có thể nói, Nguyên mê cô ả hết cỡ. Dù còn bé, nhưng hai người đã có cảm tình với nhau. "Thời gian như thể thoi đưa Nó đi, đi mãi, có chờ, chờ ai." Hay là: "Thời gian như thể tên bay Năm năm, tháng tháng, ngày ngày qua nhanh". Thật vậy, chẳng bao lâu, cả hai đều nhổ giò, trổ mã rất nhanh. Canh càng lớn, càng xinh đẹp hơn. Lúc này, hiếm khi Nguyên gặp mặt nàng. Cô ta ở biệt bên Lò Vôi, nằm cách Thương Diêm một quãng khá xa, phải băng qua cánh đồng muối phẳng bằng, rộng mênh mông, bát ngát. Rồi sau đó, chàng theo gia đình về sống tại Quê Nội ở Phước Khánh. Thời gian trôi qua, chàng theo bố mẹ và các em về ngụ tại Phường Kinh Dinh, gần Chợ Dinh, Phan Rang. Thế là chàng không gặp lại người đẹp Lò Vôi, Thương Diêm trong nhiều năm.

"Lâu rồi không gặp má hồng,
Đi về lặng lẽ, chập chờn trong mơ.
Giai nhân xa lắc, xa lơ
Lai rai xuất hiện vật vờ khó quên.
Chữ tình, ôi hỡi chữ tình!
Tuổi hoa lưu luyến, ảnh hình nào phai."


Mãi cho đến khi chàng lên Trung học, chàng mới có dịp về lại Quê Ngoại. Đó là dịp nghỉ lễ Phục Sinh, như đã kể đoạn trên. Chàng ngụ tại nhà ông bà Mười, bà con bên Ngoại trước đầy. Lúc bấy giờ, chàng thường lân la ra cánh đồng ruộng muối đang bốc muối hột. Chiếc xe rùa vận chuyển muối về vựa. Dân phu làm việc rất căng dưới sức nóng của miền nhiệt đới duyên hải. Nắng chang chang. Nắng như thiêu như đốt. Chàng cũng thường lui tới Bến Cầu Tàu, ra vô tàu thủy đang ăn muối. Chủ tàu thường là người Hồng Kông, Tân Gia Ba, Phi Luật Tân, Nhât Bản, Đại Hàn hay Anh Quốc. Họ hầu như giao dịch với dân ta bằng tíếng Anh, là ngôn ngữ thông dụng khắp hoàn cầu lúc bấy giờ. Bấy giờ chàng còn yếu Anh Văn, nên đem theo cuốn tự điển Anh Ngữ Việt Anh, và Anh Việt của Giáo Sư Lê Bá Công loại bỏ túi và vài quyển sách song ngữ Anh Việt, loại mỏng nhỏ, đã mua tại Tiệm Quảng Thuận trước đây  để học thêm cho tiện giao dịch với người ngoại quốc. Đó là loại sách do các Giáo sư Anh Văn soạn viết câu ngắn gọn, đơn giản cho các học sinh Trung học, trau giồi sinh ngữ phổ thông trên thế giới ngày nay, giống như loại Sách Hồng luyện viết Việt văn vậy.

Một hôm, chàng đi thăm một hầm tàu thủy mở rộng, đang chuyển những giỏ muối, to tổ nái đưa vào đổ xuống đó. Hầm sâu hun hút, thằm thẳm mù khơi. Hầm giống như con quái vật khổng lồ đang hả chiếc miệng bự sư nuốt những tấn muối rơi rào rào xuống đó. Khi chiếc giỏ đã "Empty every thing" trong hầm tàu và cần trục đã chuyển giở mây lên trên không trung để đưa nó xuống sà lan cho công nhân xúc muối đổ vào giỏ như trước. Công việc thật là nặng nề, vất vả. Hầu như tất cả đều do công nhân Sở Muối, lao động bằng chân tay. Đúng là:

"Đổi bát mồ hôi lấy bát cơm."

Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai nỡ đem phần đến cho.


Chiếc giỏ vừa bái bai khu hầm ăn muối. Các cu li đứng làm việc dưới hầm liền dùng chiếc trang bằng sắt, khom mình, ban đống muối cao, lan khắp hang cùng ngõ hẻm, nằm sâu hun hút, trong các góc của hầm tàu khổng lồ như không đáy. Họ phải cấp tốc ban muối hột phẳng bằng, để chờ giỏ muối đầy khác sắp chuyển vào không lâu. Công việc làm nhanh nhẹn, ăn khớp đều tay. Làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Việc làm khoáng sản phẩm mà lị. Chủ nhân người Pháp. Các Thầy Cai gốc da vàng, mũi tẹt, dân Giao Chỉ, nòi một trăm phần trăm, em ơi! Họ ăn mặc sang trọng, áo quần chải chốt, láng mượt, quản lý hầu hết các khâu lao động của công nhân, dân bản xứ An Nam chính hiệu con nai vàng ngơ ngác. Bỗng nhiên, một cô gái xuất hiện từ trong hầm sâu thăm thẳm, Nàng lộ ra đột ngột, làm hầm muối như chói sáng lên, trời ạ!

"Bỗng nhiên xuất hiện giai nhân
Bàn tay thon thả, trắng ngần, dễ thương.
Tóc huyền óng ả vương vương
Áo quần đơn giản, mà nường xinh ghê!
Nhìn qua chàng đã thấy mê.
Quả là người đẹp, vùng quê tuyệt vời.
Chàng si ngây ngất, ngắm hoài
Nào ngờ Quê Ngoại có người hoa khôi".


Nàng còn trẻ lắm. Chừng khoảng tuổi chàng là cùng. Nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó . Trong tình yêu, làm gì kể tuổi tác, phải không quý vị? Bất chợt cô gái quay mặt nhìn lên hầm tàu. Trời đất! Canh đó ư? Nàng đã lớn rồi. Thật là diễm lệ. Thật là duyên dáng, xinh đẹp quá cỡ đi chớ! Khuôn mặt cô em trắng hồng. Da láng mướt mượt mà hết chê. Đôi môi tươi thắm, đỏ dần trong ánh sáng hắt xuống hầm, Đôi môi tráí tim ửng hồng tự nhiên, dù không son phấn, dễ say lòng ai quá đi. Hai mắt nàng trong sáng, to dài long lanh như hạt nhãn lồng. Chàng không ngờ mình đã gặp lại cố nhân. Cô bạn gái năm nào giờ đã trở thành một thiếu nữ thật kiều diễm tại vùng quê duyên hải, xa xôi hẻo lánh "Chó ăn đá, gà ăn muối" "Khỉ ho cò gáy" và "Đất cày lên sỏi đá này". Hoặc giả Nguyên đã nhân cách hóa, quá tưởng tượng về nhan sắc của người đẹp Thương Diêm chăng? Canh tươi cười e lệ, gật đầu chào chàng. Nàng đã nhận ra cố nhân,  một thời chết mê chết mệt cô bé Lò Vôi. Con gái có giác quan thứ sáu. Nàng nhậy cảm ghê lắm. Chàng vội bước xuống hầm để có thể diện kiến với má hồng. Canh như ngượng nghịu cúi đầu vì đôi mắt của chàng trai 18 tuổi cứ đờ đẫn nhìn ai. Bộ ngực nở nang, đầy đặn gợi cảm như có hấp lực nam châm với người khác phái, nhất là người bạn năm xưa đã mê mẩn cô nàng quá cỡ rồi.

"Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm bíết có duyên gì hay không?
Ngẩn ngơ, ngơ ngẩn cõi lòng
Giai nhân diện kíến, má hồng lân la.
Như là cú sét đậm đà
Tương tư, ai cứ vô ra ảnh hình.
Anh chàng thi sĩ đa tình
Đa mang, đa lụy, cho mình khổ đau." (Nhại Kiều)


Nhà thơ Phan Rang cứ ngâm nga để an ủi mình và giải sầu sau đó:

"Bây giờ gặp lại cố nhân
Tuy lao động, đẹp tuyệt trần, ai kia!
Tay nàng thon thả, áo the,
Chiếc trang dường thẹn, buồn se sắt buồn.
Ngón ngà, trắng trẻo, dễ thương
Má hồng mà phải nắng sương dãi dầu.
Dẫu là xinh đẹp biết bao
Chân tay làm mãi, cũng hao dáng Kiều.
Năm xưa, đã mết ai nhiều
Bây giờ gặp lại, tình yêu dạt dào"


Thế là từ hôm ấy, Nguyên cứ lân la tìm cách trò chuyện với người đẹp. Tuy nhiên, nàng phải lo làm việc với các công nhân khác dưới hầm. nàng phải phụ trang muối cho bằng phẳng mặt hầm. Công việc lao động bằng chân tay thật là nặng nề, vất vả. Nghề làm muối khâu nào, người cu li cũng phải đổ nhiều mồ hôi nước mắt. Hồi nãy, lúc đi trên Cầu Tàu, Nguyên đã gặp cô An. Nàng cư ngụ tại Xóm cùng tên cây cầu bắc nhô ra biển cả chừng vài trăm mét, dùng để vận chuyển muối hột ra tàu thủy bán cho khách thương ngoại quốc. Hiện giờ, nàng đã di chuyển cùng gia đình lên ngụ ở xóm trên làng Thương Diêm. Nàng đã có chồng, làm thợ máy cho Chủ Sở. An cùng tuổi và xinh đẹp ngang ngửa với Canh. An là hoa khôi trong vùng như Canh vậy, nàng lên xe hoa rất sớm, khiến nhiều thanh niên trong khu vực trót mê nàng, phải ngẩn ngơ tiếc nuối. Có thể nói An và Canh là Nhị Kiều của Sở Muối Thương Diêm - Cà Ná lúc bấy giờ. Sắc đẹp của hai nàng coi như xấp xỉ như nhau: "Kẻ non tám làng, người già nửa cân".

An làm tại Khâu Cào Muối xuống sà lan. Nếu như xe rùa đổ muối xuống phía dưới lòng chiếc thuyền, mà còn muối hột vướng trên tấm phản, thì công nhân khâu này dùng trang đẩy hết muối bị kẹt xuống sà lan. Xe rùa từ vựa chạy xình xịch từ phía núi xa chuyển các toa muối hột đến Cầu Tàu. Những toa muối do các công nhân cuốc vựa muối to như quả núi. Muối từ ruộng chuyển về chứa tại hai vựa không lồ. Muối chứa lâu năm, cứng như đá. Khâu cuốc xong. Khâu xúc muối hột đã rời rã, cho vào xe rùa, rồi chuyển ra Cầu Tàu bán cho tàu thủy nước ngoài vào mua muối hột công nghiệp như đã nói ở trên.

Xin trở lại hai người đẹp Thương Diêm. An mặc đơn sơ trong khi lao động. Nàng có nước da nõn nà, tươi mượt, bóng láng lấp lánh trong ánh nắng nhiệt đới và làn nước biển xanh biếc. Nàng thật diễm lệ, bắt mắtả trong chiếc áo bà ba vải phin trắng ngà"

"Hai nàng đều đẹp, đều xinh
Mỗi người mỗi vẻ dáng thanh, da ngà
Mặt hoa, má phấn, thướt tha
Nhị Kiều, áo trắng bà ba, tuyệt vời.
Gái quê nhan sắc mượt tươi
Giai nhân mắt biếc, sáng ngời dung nhan."


Qua trò chuyện chào hỏi xã giao nhau, chàng nhận thấy Canh không còn vồn vã với ai như hồi nàng còn bé nữa. Quả là "Xa mặt cách lòng". Nguyện buồn bã chán nản ngâm khẽ:

"Lâu rồi cách biệt hai ta
Bây giờ tình nghĩa đậm đà mây bay.
Nữ nhi xinh đẹp thế này
Không còn nhớ đến những ngày xa xưa.
Cô nàng chỉ thích khôi ngô
Thông minh, học giỏi, bằng thừa với ai."


Chàng si cứ ngớ ngẩn nhìn cô bạn gái thời hoa niên không chớp mắt. Nàng lạnh lùng cúi đầu lặng lẽ. Nàng cứ quơ chiếc trang ban muối. Hiện tại, người đẹp đã lớn rồi. Tình cảm cũng đã thay đổi. "Gió mưa là bịnh của trời Đổi thay là bịnh của ai với chàng." (Nhại thơ Nguyễn Bính). Tuy nhiên, chàng chưa tuyệt vọng. "Còn nước, còn tát". Ông bà ta có câu: "Gái khôn cho mấy, trai dỗ lâu buồn cũng phải xiêu." "Thất bại là mẹ thành công." hay: "Có công mài sắt, có ngày nên kim" Một nhà văn đã gợi ý: "Một ước mơ mãnh liệt, kiên trì, thường được trời và mọi điều ủng hộ thành đạt".

Vì vậy, chàng vẫn nuôi hy vọng người đẹp sẽ cảm dộng tấm chân tình của kẻ si mê nhan sắc của ai quá cỡ. Chị Tánh, một người quen biết với Dì Hoa, người Dì bà con bên Ngoại ở địa phương, trước kia, đồng ý làm con chim xanh, giúp chàng khi nhà thơ ngỏ ý nhờ Đại Tỷ chiếu cố. Chị Tánh làm công nhân trên Tàu như Canh, nhưng thuộc khâu khác. Chị ta là bạn của Chị Hai của Canh.  Nhà chị ở gần nhà nàng, thuộc xóm trên, nằm bên kia con đường quan chạy phía trước nhà Thầy Hoàng, Cai Sở Muối lúc bấy giờ. Nhà Bà Mười, nơi chàng đang cư ngụ, nằm gần Chộ Chồm Hổm. Nhà bà con của Nguyên tọa lạc không xa cây cầu bắc qua con mương lớn, nối liền làng Thương Diêm với Đồng Ruộng Muối phẳng bằng trải dài phía trước làng. Sau đó, Chị Tánh trả lời:

- Canh bảo: "Bận lắm! Phải đi ngủ sớm, để mai đi làm. Không thể tiếp cậu được".

Nguyên bị chạm tự ái nặng nề. Chàng buồn vô cùng khi bị người đẹp từ chối thẳng thừng. Chàng còn nhớ, hôm đó, chàng đứng trên con dốc trên đường lộ nhìn xuống khoảng đất trũng, lối đi nhỏ cạnh khu rẫy bắp nằm gần chiếc mương khô cạn chạy dài ven bờ đê ớ trước làng, chợt thấy bóng Canh tha thướt bước về phía con dốc. Chàng mừng húm. Chàng cứ nhìn không chớp mắt về phía má hồng. Nàng trông thật xinh đẹp, duyên dáng, quyến rũ, bắt mắt hết nói, trong ánh sáng chấp chóa của buổi hoàng hôn vùng duyên hải Quê Ngoại. Nàng gật đầu chào lại khi chàng tươi cười, lên tiếng từ xa:

- Chào cô Canh. Cô khỏe chứ?

Sau đó, nàng chợt nghiêm nghị, lạnh lùng, cúi đầu, bước lên dốc và tiến về phía Chợ Chồm Hổm. Rõ ràng mười mươi là giai nhân Sở Muối không để ý gì đến kẻ tình si đau khổ này. Nguyên ngâm khẽ, nhại thơ của thi hào Trấn Tế Xương, để an ủi mình cho khuây khỏa nỗi lòng đau như bị bò đá lúc bấy giờ, bà con ạ! Chàng bị gái đẹp cho leo cây cái ót. Ai biểu đa tình, đa lụy, đa mang. Xuất hành mà không coi giờ Hoàng Đạo.

"Bụng buồn còn muốn nói năng chi
Đệ nhất buồn là gái cho de.
Ai kẻ si tình, quê quá cỡ
Say mê bóng sắc chỉ não nề!"


Chị Tánh còn bồi thêm một cú móc họng, đau như trời giáng:

- Cô ta chỉ thích sắc đẹp của nam nhân theo tán tỉnh cô ta thôi. Canh chỉ ưa thanh niên tuấn tú khôi ngô thôi, Còn thông minh, học giỏi, đứng sau vẻ điển trai, cậu ạ!

Chàng tự ái rờ lui cái ào. Buổi chiều, chàng không còn ra con dốc nhìn xuống đường mòn, nối từ xóm có nhà nàng, để trông ngóng bóng hình giai nhân đi chợ buổi chiều nữa. Chàng xuống tàu giao du với mấy thanh niên Hồng Kông biết nói tiếng Anh. Họ đi dạo khắp làng Thương Diêm. Họ nhờ chàng làm thông dịch mua thực phẩm, gà vịt, trái cây, các thứ cần thiết. Họ chụp hình lưu niệm tặng chàng thật thích thú vui vẻ bổ ích hết chê. Chàng cũng tạm vơi nỗi buồn bị người đẹp hất hủi. Nhưng chỉ một tuần là chàng về lại Phan Rang, dù đã dự định nghỉ mát tại Thương Diêm hai tuần nhân dịp lễ Pâques.

Sau này, tại thành phố quê hương, chàng gặp Canh và chồng nàng trên đường Hùng Vương, tại một hẻm, khi chàng đứng trò chuyện với người bạn gái, đồng nghiệp, của chàng. Nàng kiều diễm hơn Canh. Anh Cho, quê An Thạnh, lớn hơn Canh chừng vài tuổi, bạn học cùng lớp hồi Duy Tân. Anh này da trắng, đẹp trai, học lên Đệ Lục thì bỏ ngang. Cặp vợ chồng trẻ đang sống tại làng Cà Ná. Sau Đổi Đời, Cho và vợ vẫn sống tại Cà Ná, sinh một bày con. Nghe nói,  vợ chồng mở quán Cà Phê kiếm sống qua ngày. Anh thường lấy chài đi đánh cá trên những đầm nước chà hai gần đấy.

Một số học sinh, con cán bộ chế độ mới ra Phan Rang trọ học. Một hôm, con Lành, học sinh đang học hè tại nhà chàng, trong giờ giải lao, tiến lại ông thầy,  hỏi chàng:

- Bà Canh nói hồi trẻ, Thầy để ý đến Bà ta, phải không?

Lúc đó, chàng muốn trả lời cô bé chừng 16 tuổi, hóm hỉnh, thông minh dễ thương:

- Phải! "Trai ham sắc, gái ham tài". Thầy là con người nghệ sĩ, vốn đa tình, đa cảm chút chút. Tuy nhiên người đẹp chỉ ưa thanh niên thật khôi ngô, tuấn tú thôi.

Tuy nhiên, chàng chỉ im lặng mỉm cười và tiếp tục dạy học.

Bây giờ đây, con gái của giai nhân mà chàng mê mệt một thời năm xưa, cũng hao hao giống mẹ. Nàng đang làm chủ Quán Nước Thương Diêm. Còn má đào ngày nào, mặt hoa, da trắng, tóc huyền óng ả, môi hồng, mắt biếc, tay ngà thon thả, búp măng,  tóc đã muối tiêu, nhan sắc đã tàn phai. Nàng đã trở thành Bà Nội, Bà Ngoại rồi. Năm tháng đã trôi nhanh như một giấc mộng. Chỉ còn lớp bụi thời gian nhạt nhòa cuốn theo mây gió của kiếp nhân sinh, vô thường và giả tạm.

Nguyên bùi ngùi nhìn ánh nắng chiều như rưng rưng trên con lộ trải dài phía trước Quán Nước. Chàng ngâm khẽ:

"Tre tàn, măng mọc xanh tươi
Mẹ xưa duyên dáng, con thời giai nhân.
Thương Diêm, người đẹp bao lần
Tóc nàng rồi cũng phai dần tháng năm.
Mặn mà, nhan sắc cũng tàn
Môi hồng, rồi cũng nhạt Xuân, tím màu.
Mắt nhung, rồi cũng gầy hao
Thời gian, sương gió cũng bào dáng hương.
Dung nhan diễm lệ má hường
Cũng thành bà lão, lưng còng, da nhăn"


Lúc bấy giờ, cô gái xinh đẹp, trẻ trung, tươi tắn, nổi tíếng của vùng quê duyên hải vẫn cười nói vui vẻ, tự nhiên phục vụ khách hàng. Các cậu thanh niên ra vô lai rai cứ quấn quít bên cô chủ duyên dáng. Cô gái trông dễ thương, bắt mắt và quyến rũ khách nam nhân trẻ tuổi chi lạ. Cô ta xinh đẹp giống mẹ quá cỡ đi chớ. Cô ta biết lợi dụng nhan sắc mình để làm ăn kinh doanh hàng quán trong thời buổi "Kinh Tế Thị Trường" của cả nước.

MINH CẨM

 
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân