TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - QUÊ NGOẠI
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

QUÊ NGOẠI

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Wed Nov 02, 2011 2:14 pm    Tiêu đề: QUÊ NGOẠI
Tác Giả: THANH ĐÀO



       
QUÊ NGOẠI
                                       THANH ĐÀO  
   
          Quê Ngoại của chàng là vùng duyên hải Sở Muối Thương Diêm- Cà Ná. Vùng biển đèo heo hút gió này tọa lạc bên rừng núi mênh mông, bao la, bát ngát. Hầu như chàng sống nơi đây suốt thời kỳ niên thiếu của mình. Những kỷ niêm êm đềm, thơ mộng, ngọt ngào, cay đằng, xót xa, thân ái của thời kỳ ấy, cứ ấp ủ trong lòng mình. Tưởng đã chôn vùi trong vùng trời ký ức của tuổi thơ, nhưng thỉnh thoảng chúng lại xuất hiện trong những giấc mơ của người cao niên nơi đất khách quê người. Ông Bà Ngoại, Dì Tám, Dì Thạnh, song thân của chàng, đã không còn nữa. Những hoài niệm ấy cứ lại mơn man xoa dịu con tim đa cảm của người viễn khách tha phương.
      “ Bao nhiêu hoài niệm tuỵệt vời
        Hoa niên Quê Ngoại sáng ngời long lanh.”  
   Lúc bấy giờ Nguyên có nhiệm vụ giữ rẫy bắp và khoai lang của Bà Ngoại sắp đến ngày thu hoạch.      
                    ooo
Nguyên nhìn lại phía trong chiếc chòi vách làm bằng lá buông, mái lợp tranh sơ sài mà Ông Bảy vừa cất xong, do Dì Tám thuê, cách đây ba hôm. Bên cạnh chòi là đám rẫy rộng lớn, trồng khoai lang và ngô. Khoai đã ra dây dài, bò ngỗn ngang trên những luống cao đắp đầy đất cát. Màu đất xám xịt, trộn lẫn san hô. Khu rẫy của Bà Ngoại chàng nằm trên một gò đất trải dài mênh mông và rộng bao la, sát bãi cát mịn, cạnh biển Thương Diêm. Biển xanh rờn. Bãi tắm lởm chởm đá, sỏi, san hô, trải dài trước mắt Nguyên. Sóng vỗ rì rào suốt ngày đêm bất tận. Sóng đập vào bờ đá, đập vào chiếc Cầu Tàu phía xa xa. Sóng tung xòa, bọt trắng xóa như ve vuốt những trụ xi măng, cột sắt dùng làm chân cầu.
     Trên chiếc cầu bằng gỗ này, Chủ Sở Muối cho thành lập đường rầy để xe rùa có thể chuyển muối ra cầu. Sau đó đưa muối xuống sà lan đậu phía dưới cầu. Lúc ấy chiếc Chaloup sẽ kéo sà lan chở đầy muối hột ra chỗ tàu thủy đến mua muối, đang thả neo đậu phía ngoài xa. Những trụ đá xi măng cốt sắt của chiếc Cầu Tàu rất dài này, biến thành chỗ trú ngụ, bám víu vững chắc, dai dẳng của đủ loại các con hào biển, lớn nhỏ đủ cỡ. Chúng mọc lố nhố, sắc bén vô cùng, nguy hiểm lắm! Thật vậy, các tay tắm biển, bơi lội nhởn nhơ quanh quẩn đấy, nếu vô ý, dễ bị vỏ con hào nói trên, cắt chảy máu tay chân hay mình mảy. Lũ trẻ Thương Diêm thường hay xuống tắm biển, bơi lội, đùa giỡn bên Cầu Tàu. Chúng đã nhiều lần bị con hào đâm chảy máu. Hào cũng bám trên các tảng đá nữa..
    Còn phía sau chiếc gò đất cao là đồng muối Thương Diêm phẳng bằng rộng mênh mông. Ánh nắng của vầng thái dương tại vùng duyên hải này, thường chiếu rực rỡ, chói chang, lấp lánh trên mặt nước những đám ruộng muối bao la bát ngát. Những đường rầy sét rỉ, màu nâu  sậm, chạy xa tít, từ vựa muối sừng sững, màu đen sạm, nằm lù lù từ phía xa xa. Hai vựa muối này tọa lạc sát dẫy núi âm u, bát ngát của dẫy Trường Sơn nằm phía bên kia đồi. Con đường sắt chạy dọc theo hàng dọc của một phi trường loại nhỏ. Loại sân bay dã chiến. Sân bay của Chủ Sở Muối, người Pháp. Phi trường được Chủ Sở Muối cho trải trên mặt đất lớp xi phách bằng phẳng, trắng xóa. Phi trường này nằm sát bãi biển Thương Diêm và gần khu vực chiếc Cầu Tàu.
      Con đường sắt chạy lang thang, từ hai vựa muối bên núi, bọc qua “Nhà Máy Thương Diêm” cao ngất, đồ sộ. Khu Nhà Máy này chiếm một vùng đất bao la, bát ngát. Phía bên kia là con đường lộ,  cỏ vàng úa xác xơ, ủ rũ, ngủ vùi hai bên bờ đường. Con đường cái quan bằng phẳng, lát đà sỏi, cát, chạy dài miên man, thăm thẳm. đến tận Quốc Lộ I, dẫn về nhà ga xe lửa Cà Ná. Xa xa, trên đồi cao là tòa nhà đồ sộ, rộng mênh mông, phòng ốc  bao la, khang trang, sạch sẽ. Đó là tòa nhà của Chủ Sở Muối, bao gồm tư gia của các Ông Chủ người Pháp. Tại tòa nhà đúc rộng lớn, mái bằng phẳng, cũng gọi là “ Nhà Bằng, có các văn phòng làm việc của những công chức, nhân viên phục vụ cho Sở Muối. Có cả Trạm Y Tế và Đồn Binh nữa. Trên mái có một lầu cao dành cho lính gác ngày và đêm. Người lính đứng trên lầu gác cao có thể quan sát khắp bốn phía của làng Thương Diêm vào thời điểm ấy.
    Xa  xa là con đường lộ chạy miệt mài ven con đê làng Thương Diêm, nhô cao thoai thoải. Mương nước chà hai ( Nửa nước mặn, nửa nước ngọt) chảy lờ đờ, cấu bẩn, đục ngầu. Mương nước xuất phát từ khu rừng Cà Ná, xa tít mãi tận Cầu Hoằng gần Quốc Lộ I. Nước mưa từ rừng núi nằm phía tít xa, đổ về con mương này khi trời mưa lớn. Những lúc ấy, nước mưa đổ xối xả qua các khe, rạch, suối nguồn. trôi về con mương này. Cạnh chiếc mương cạn, bẩn cấu, rác rưới, rong rêu, cỏ mọc lềnh bềnh, lác đác khắp nơi là Thương Diêm. Nhà cửa mọc rải rác, thưa thớt, xác xơ, đìu hiu vắng vẻ tại vùng duyên hải khô khan, bên núi rừng bao la bát ngát.
    Nguyên thường đứng trên chiếc cầu gỗ bắc qua con mương để hóng mát vào những chiều êm ả.. Lúc ấy con mương khô cạn. Chỉ vào mùa mưa, nước lũ mới trôi về mương. Chàng có thể nhìn thấy bao quát vùng Sở Muối, nơi đèo heo hút gió, khỉ ho cò gấy này. Con đường lộ từ bên ngoài nằm cạnh ruộng muối mênh mông, chạy vô cầu, chạy thẳng ngang qua khu chợ chồm hổm, khu chợ dã chiến, bên lề đường cái. Đối diện với khu chợ trời này là ngôi nhà đồ sộ, khang trang nhất làng của Thầy Hoàng. Ngôi nhà đúc, rộng lớn nhất làng do Chủ Sở dành cho Ông Xếp Sòng đám công nhân Sở Muối. Tại khu chợ nói trên, mọc rải rác vài quày bán hàng lặt vặt, như rau cải, tôm cá, bánh căn, bánh xèo, mì bún, bánh kẹo, thực phẩm linh tinh...
  Con đường lộ cỏ thưởng úa vàng hai bên lề vì khí hậu miền núi khô khan, nắng gắt. “ Nước mưa ít viếng nơi này Khô cằn sỏi đá, cỏ cây tiêu điều.” Lúc ấy con lộ cứ chạy lang thang mãi đến gần nhà Ông Bộ Ấn. Ngôi nhà ngói cao ráo, đồ sộ, tọa lạc cạnh khu rẫy, rừng  trải dài mênh mông, nằm phía sau hong ngôi nhà. Lúc bấy giờ, con lộ nhập cùng con đường cái quan khác, cũng phẳng bằng, rộng rãi. Con đường này chạy từ khu nhà của Chủ Sở nằm trên đồi cao, đến tận Đồn Cửu Thân. Đồn binh này nằm gần giếng nước, thành giếng đúc bằng xi măng, lớn nhất trong làng Thương Diêm. Ông Quang, người tài xế, hằng ngày, lái chiềc xe hơi cũ kỹ, bạc màu sơn. Một loại xe van chở nước từ giếng này về các nơi sinh hoạt của Sở Muối. Chiếc xe cũ mèm chạy cà rịch, cà tang, hầu như chở nước cả ngày.
         Lúc ây Nguyên có bổn phận coi rẫy cho Ngoại mình . Nguyên đứng cạnh chiếc chòi trên khu rẫy của Bà Ngoại. Chàng ngắm nhìn đám ngô mọc cao ráo, trải dài trước mặt chàng. Những hàng ngô xanh tốt, trái bụ bẫm, gần ngày thu hoạch. Những luống khoai đã có củ. Nguyên cảm thấy lòng mình gợn lên một cảm giác thích thú vô cùng. Đây là cả một công trình lao động ngoài trời bằng chân tay vất vả, mất nhiều thời gian. Một công trình đầy mồ hôi, nước mắt của cả nhà Bà Ngoại: Dì Tám, Dì Thạnh ( người Dì họ, bà con bên Ngoại) Má cậu, và chính cậu nữa, dù Nguyên lúc đó chỉ có 11 tuổi thôi.
      Cứ mỗi buổi sáng sớm, khi tiếng kẻng báo thức do Ông Tư Bò, nhà Ông ở phía sau nhà Ngoại của cậu, đánh, hầu như mọi người dân làng đều thức dậy. Chiếc kẻng làm bằng thanh sắt lớn, được treo trên một sà ngang nâng đỡ bằng hai trụ cột, hình cái nạng ở hai đầu ( trông giống như chiếc ghế xích đu ngày nay). Hồi kẻng lần thứ nhất báo hiệu cho công nhân Sở Muối giờ thức dậy lo cơm nước để chuẩn bị đi làm. Hồi kẻng thứ hai, cách hồi kéng thứ nhất khoảng chừng một giờ, báo hiệu đến giờ đi làm của công nhân Sở Muối. Nguyên cũng dậy sớm khi tiếng kẻng vang lên lần đầu. Tiếng kẻng vang rền phá tan bầu không khí yên tỉnh của vùng rừng núi âm u. Chốc chốc, cậu nghe tiếng gà xao xác, gáy từ phía xa xa. Rồi mấy con gà cồ Ngoại nuôi ở chuồng phía sau nhà, cũng phụ họa theo: “ Ò, ó, o... ò o... Cậu cũng thường nghe tiếng chim hót vang trong những lùm cây xung quanh đấy. Chim đủ loại thi nhau trổi nhạc tưng bừng rộn rã, từ phía khu rừng, sau nhà Ngoại, nhất là trên những tàng cây rậm rạp, xanh biếc cạnh nhà Ông Thầy Lục, Ông Bộ Ấn, ở sát bìa rừng. Những ông này là công chức của Sở Muối, được Chủ Nhân cấp nhà ở, khang trang đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi.
    Nguyên thường theo Má và Dì Tám đi làm rẫy, còn Dì Thạnh đi bán bánh ở Bến Tàu hay ngoài ruộng muối, nơi có dân phu đang lao động tại đây. Bình minh tại vùng duyên hải thật rực rỡ, đẹp đẽ, hấp dẫn cảm quan của cậu bé vốn dồi dào tình cảm. Từ xa, Nguyên thấy ánh mặt trời đỏ chói, đang từ từ nhô lên khỏi mặt biển xanh rờn. Đường chân trời thẳng tắp, cắt ngang mặt biển xanh um, êm ả. Ánh nắng mai ấm áp bắt đầu xóa tan bầu không khí se lạnh, còn ẩm ướt hơi sương. Cậu thoăn thoắt buớc  theo Má và Dì để đến rẫy như thường lệ. Khu rẫy nằm trên gò cao, phía bên kia đồng muối. Rẫy nằm gần bãi cát mịn và bãi biển lắm đá sỏi . Sóng vỗ trắng xóa, rì rào, ngày đêm bất tận. Họ đi trên con đường làng nhô cao, nằm cạnh con mương. Mương này thường thường nước cạn, đục ngầu, trong đó cậu thường nhìn thấy đám cá chốt, cá trắng, cá căn, chợt ẩn, chợt hiện. Những đàn cá dủ loại tung tăng bơi lội nhởn nhơ, hay chui mình dưới các đám rong rêu xanh rì, trôi lềnh bềnh đây đó. Con đường quê đầy cát sỏi, pha lẫn đất màu xám xịt. Cỏ non xanh biếc mọc lác đác hai bên lề đường, còn ướt đẫm sương đêm. Họ bước đi thoăn thoắt trên con đê làng, chạy song song với ruộng muối và con mương nước chà hai . Xa xa, con đường sắt, sau khi chạy băng băng dọc theo nhà Máy, rẽ vào đồng muối và chạy tứ tán khắp nơi.  Từ đó đường rầy mọc ra những nhánh đường sắt thênh thang, chạy dọc theo các đám ruộng.
    Mùa này, Sở Muối đang thời kỳ thu hoạch cho vào vựa. Mấy hôm trước, chiếc xe tải của Sở Muối đi mộ phu người Chàm ở tận các làng Hòa Trinh, Văn Lâm, Mỹ Nghiệp, .. Đa số công nhân được Chủ Sở tuyển chọn là những thanh niên khỏe mạnh, dồi dào sức lực, còn trẻ hay trung niên.  Sau đó Chủ cho xe đưa họ vào Sở Muối. Họ được tập trung  và cho tạm trú ở một dãy nhà tập thể rộng lớn, vách đất, mái tranh. Ngôi nhà cao ráo sạch sẽ tọa lạc gần giếng nước lớn trước Đồn Cửu Thân . Đồn Cửu Thân, lúc ấy, do một trung đội lính Bảo An trấn giữ. Vị chỉ huy là Quan Thủ Tạ, Quan Quản ( tức Thượng Sĩ sau này) Thủ Tạ lúc bấy giờ oai phong lắm đó. Ông có quyền sinh sát trong tay đám dân ngu khu đen của Sở Muối trong thời kỳ  kháng chiến Việt Minh chống thực dân Pháp. Quan Quản quê Dư Khánh. Ngài có tướng cao to, mắt sáng như sao. Dưới quyền Ngài có Thầy Đội Nhất, khoảng tuổi  trung niên, người Huế, đẹp trai. Thầy Đội Nhì, một thanh niên khoảng 25 tuổi, khôi ngô, tuấn tú, dáng người như con gái. Thầy Cai Nào, cao lớn, tiếng nói sang sảng. Vì vậy dân làng hầu như ai cũng ngán Thầy lắm.
  Trở lại đám công nhân làm muối. Trước tiên, đoàn người Chàm dùng xà beng nhọn xắn muối trong những thửa ruộng đã đóng dày. Muối hột kết tinh thành tảng lớn  Họ đứng sắp hàng ngay ngắn trong ruộng. Họ bắt đầu đồng lọat xắn muối. Họ lao động rất thuần thục, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nhịp nhàng. Lớp muối hột trắng xóa, dày cộm khoảng một tấc được bẫy lên, vỡ tan thành những cục muối nhỏ. Muối hột nằm phơi mình dưới ánh nắng hè gây gắt. Người dân phu hì hục xắn muối từ thửa ruộng này, sang thửa ruộng khác. Sau đó, từng toán phu người Chàm trong Đội Cào Muối bước xuống những ruộng mà muối vừa được xắn xong. Họ bắt đầu công việc cào muối thành những đóng muối dài trắng xóa, nhô cao khỏi mặt nước mặn chát, dễ gây xót ngứa khó chịu da thịt con người khi họ nhúng chân xuống đó. Đây là những ruộng muối công nghiệp. Xắn và cào muối quả thật là những việc làm bằng tay chân, cực kỳ nặng nhọc vất vả.  Đúng như ông bà ta thường nói:
            “ Đổ bát mồ hôi, lấy bát cơm.”
             “Ai ơi! Bưng bát cơm đầy
              Nửa khô, nửa dẻo, đắng cay muôn phần.”
     Có thể nói, chỉ có người Chàm khỏe mạnh, cường tráng, dẻo dai, chịu cực, chịu khổ đã quen, mới chịu lao động như vậy. Nguyên chưa thấy dân Việt Nam, con Rồng cháu Tiên, làm các khâu nói trên tại Sở Muối. Họ.hì hục làm việc
. Nắng như thiêu như đốt da thịt người cu li Sở Muối. Nắng như tóe lửa. Nước mặn tung tóe xót xa ngứa ngáy, khó chịu da thịt người lao động. Dân làng Cà Ná, Thương Diêm đẩy xe rùa xuống đồng muối đã cào thành đóng. Họ xúc đầy toa. Họ đuợc Chủ khoáng trắng công việc như người Châm xắn vá cào muối vậy. “ Làm nhiều ăn nhiều. Làm ít ăn ít. Không làm không có lương” Cứ hai người cu li phụ trách xúc muối hột đã được cào thành đóng đầy một toa xe rồi đẩy lên đường quan cho đầu máy xe rùa kéo về vựa muối,  gần núi rửng rộng mênh mông. Phải có phe phái, quen biết với Ông Cai Sở Muối, người dân làng mới được xếp làm chung với người mình ưa thích, hay hợp tính với mình và được xúc các toa đầu tiên của đoàn xe  rùa kéo dài đến mấy chục toa chở muối. Nếu công nhân phụ trách các toa đầu tiên, sau khi đẩy xe lên trên đường lộ, họ được nghỉ ngơi sớm. Còn ai phụ trách xúc các toa cuối, thì vừa đẩy xe lên lề đường xa tít, bá thở cào cào,  chưa được nghỉ ngơi, họ phải đẩy xe không xuống ruộng muối xúc tiếp. Công việc lao động toàn bằng chân tay liên tục rất nặng nề vất vả, mệt mỏi vô cùng.
      Các công nhân cứ xúc đầy toa muối rồi họ đẩy toa sắt này lên con đường lộ bằng phẳng có đường sắt chạy qua. Sau đó, anh Của, người tài xế lái đầu máy xe rùa , nổ máy kéo đoàn xe chở đầy muối hột về vựa ở cuối làng. Anh ngồi trên ghế bành của đầu máy, hút thuốc  lá, nói cười vui vẻ với các đồng nghiệp Sở Muối. Có thể nói, từ toa thứ nhất, đến toa thứ năm, gần đầu máy là “khỏe nhất” Họ được đẩy toa muối lên sớm, nghỉ ngơi thoải mái trong thời gian khá lâu, để lấy lại sức, trong khi chờ đợi toa cuối cùng đẩy lên ở cuối đoàn xe rùa. Đầu máy kéo các toa đầy muối đi về vựa, sau khi đẩy một đoàn xe rùa khác, toàn là toa không, xuống ruộng muối để đám dân phu tiếp tục xúc chuyến khác.                                                                      
                                          000          
  Ba Nguyên cũng làm công nhân Sở muối. Gia đình chàng, song thân của chàng, cũng như các Dì, kể cả Bà Ngoại chàng, sống nơi đây thật vất vả, lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, chịu cực, chịu khổ, hầu như quanh năm suốt tháng mới có miếng cơm manh áo để độ nhật qua ngày đoạn tháng, cũng như hầu hết bao nhiêu người dân khác của vùng quê duyên hải, Sở Muối Thương Diêm, Cà Ná. Quê Ngoại của chàng nghèo lắm! Người dân cực khổ lắm! Phải làm mướn làm thuê cho Chủ Sở để sinh tồn.
                “ Quê tôi nghèo lắm, ai ơi!          
                  Thương Diêm Sở Muối sỏi phơi, đất cằn.
                   Cần cù chất phác người dân
                   Nhớ về Quê Ngoại vô vàn yêu thương.”
                     
                           THANH ĐÀO                              
                           
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân