TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - chờ đợi một quê hương nhân bản
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

chờ đợi một quê hương nhân bản

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Fri Oct 28, 2011 2:29 pm    Tiêu đề: chờ đợi một quê hương nhân bản

Dưới đây là một bài tham luận ngắn tiếp theo một bài ngắn của thi sĩ Cao Thoại Châu đang trên web của cựu sinh viên đại học sư pham. Theo web của Luân Hoán, CTC xuất thân từ ban sử địa Đại Học Sư Phạm Saigon 1963, hiện sinh hồi hưu tại Long An VN. Ông sinh 1939 tại Nam Định và xuôi Nam theo cuộc di cư 1954. Tuần trước, trên blog riêng của mình, Rạng Đông Một Ngày Vô Định, ông nói rằng người ta chỉ biết ông là một giáo sư trung học, động viên làm sĩ quan QLVNCH, đi cải tạo, nhưng người ta không nói thêm rằng ông, sau khi ra tù, kiếm sống bằng nghể cũ, và song song với việc ấy, hơn 20 năm viết mà KHÔNG lách.
Phần đóng góp nầy gồm ba phần:
Cao Thoại Châu: chờ đợi và nghiệt ngã
Tôn Thất Tuệ: Nghiệt ngã đến bao giờ
Phụ bản: Kinh Cô Đơn (thơ TTT).

chờ đợi và nghiệt ngã
cao thoại châu

Mấy năm trước một anh bạn đồng nghiệp từ nước ngoài về có mời gặp một vài người. Ai đó hỏi người rằng cái gì là đặc thù cuộc sống ở nước ấy. Câu trả lời của người về: “ Có 2 điều không ai tránh được là thuế và chết!”. Bạn coi đó là sự “nghiệt ngã” ở nơi anh đã sống gần 20 năm.
   Đóng thuế cho những gì mình thụ hưởng, dù nói thế nào vẫn là một lẽ công bằng. Với một nước phát triển thì chống trốn, gian lận thuế là điều không khó bởi luật pháp chặt chẽ và nhân viên thuế có tay nghề cao. Nộp thuế còn là ý thức về những hình phạt nếu làm ngược lại. Không có chi là nghiệt ngã cả nếu đừng có máu bất lương trốn tránh cái giá phải trả.!Chết cũng thế. Ai không biết đó là điểm đến sau cùng của mỗi con người, nó đáng buồn nhưng thật bình thường, công bằng là đằng khác và không phải điều nghiệt ngã vì nó không giáng xuống một kẻ riêng nào.
   Tối tắt đèn với ý nghĩ về Thuế - Chết không phải là Nghiệt ngã…Giấc ngủ không chập chờn, say nhưng ngắn vì bây giờ mới gần 2 giờ một ngày mới.
   Hiện tôi có hai lời hẹn và có hẹn là có đợi chờ. Nhà giáo Nguyễn Bá Học từng viết “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đã loáng thoáng trong khoảng bao la này một chút ngại núi e sông .
    Là kẻ sống gửi xứ người, tôi thường bị dồn dập bởi những câu “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” thơ dịch Đường thi của Tản Đà. Hoặc “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Trông lại tha hồ mây trắng bay” của Nguyễn Bính và gần đây là nguyên một tập thơ của Phạm Cao Hoàng “Mây khói quê nhà”. Vì vậy rất cám ơn hạnh phúc khi một ngày nọ bỗng có một quê nhà không phải bằng đất đá núi sông mà bằng con người, một đời người. Nhưng có đó và chờ đợi cũng là đó, ở một hòan cảnh nào đó chờ đợi là lãng mạn thú vị nhưng khi sang một khúc quanh nó có thể thành nghiệt ngã, bao la mênh mông hơn cả tràng giang với con thuyền lá tre. Tôi yếu đuối, sức lực có lúc cạn kiệt và đêm qua đi ngủ lởn vởn trong đầu Thuế & Chết của anh bạn nước ngoài về, cùng với sự lởn vởn của Nghiệt ngã mà tôi nhận ra không phải ở hai thứ nói đó. Thấy mình như cọng rau buổi chợ chiều. Thức dậy cọng rau không tươi hơn dù một tinh mơ ngày mới đã đến…
   Cái hẹn thứ hai ngắn hơn, nhỏ và gọn hơn, không bao la mờ ảo mà nằm trên cuốn lịch đang vơi dần và có thể gọi thành tên. Tôi chờ đợi hai cái hẹn từ cùng một quê nhà và hiểu thấm thía là sự đợi chờ có khi được trả lời môt cách trái ngược.
  Nhớ cuốn phim chiến tranh coi hồi xưa. Một đại úy biệt kích Pháp được thả xuống Bắc Phi để bắt người lãnh đạo cao nhất cuộc kháng chiến. Vượt qua nhiều gian nguy, toán của viên đại úy đã hòan thành nhiệm vụ và giải tù binh bằng máy bay về Pháp, anh sĩ quan này còn mang theo một đứa bé không cha mẹ về như đứa con nuôi anh ta gặp trên đường nhiệm vụ. Dưới chân thang máy bay là những chiếc xe bóng lộn và một quan chức cao cấp đón người tù binh như một thượng khách công du không phải kẻ bị truy nã! Hai bên đã có một thỏa thuận mới và việc làm của toán biệt kích thành vô nghĩa! “Moi et toi, nous sommes seuls tout les deux!”- tao và mày chúng ta đều cô đơn- viên đại úy nói với đứa bé khi cả hai lên xe như những người thất bại!  
   Cái mà anh ta chờ đợi đã đến và đến theo một hướng khác!

Nghiệt ngã đến bao giờ?
tôn thất tuệ

À tôi nhớ ra rồi, cái tên của anh thầy giáo là Daru. Các thuộc địa Pháp đều có trường tiếng tây ở nhiều cấp giúp cho dân địa phương tiến thân; có thể ghê gớm như Bùi Bằng Đoàn từ thông ngôn lên hình bộ thượng thư có quyền sinh sát (nghĩa đen) hay chỉ là thầy ký ngồi ghi sổ tiền đi chợ ở nhà một ông quan năm Tậy. Cũng vậy, trên xứ Algérie Bắc Phi ở một ngôi làng xa, thầy Darus người Pháp một mình quản lãnh cơ sở giáo dục, được đối xử như một người con trong thôn xóm. Cả ba nước thuộc địa ngó qua Địa Trung Hải đã rục rịch những bất ổn, khơi mào sự đòi độc lập. Chính quyền thuộc địa đã phải vận dụng tài nguyên nhân sự bằng cách ghép mọi người Pháp vào công việc trị an, kể cả thành phần tôn giáo. Vậy huống chi Darus, thầy giáo trường làng lớp ba.
Hôm ấy chiều chưa ngã nắng, Darus đang dạy bài địa lý. Hình lục giác nước Pháp trên bảng có những con sông bằng phấn xanh, những dãy núi bằng phấn đỏ. Nhìn ra ngoài sân, Darus thấy một ông sen đầm (gendarme) gọi chàng ra nói chuyện. Chàng trở vào bãi lớp, cùng người lính bước xuống mấy cấp đến nơi có một người bản xứ bị trói hai tay và neo vào một thân cây. Darus có nhiệm vụ giải giao tội nhân nầy cho trạm công an làng bên để tiếp sức đến trung ương.
Chàng tuân lệnh, cầm sợi dây như dẫn con vật ra đồng. Người lính lui về đường cũ. Khi không thấy người kia nữa, Darus mở trói cho tội nhân chạy thoát. Darus trở lại trường, nơi đó có phòng trọ của chàng. Ngang qua lớp, chàng thấy trên bảng, hình bản đồ lục giác vẫn còn. Chàng thấy có thêm một dòng chữ lạ, cứng cáp không như chữ học trò. “Darus, mầy sẽ phải trả món nợ máu nầy”.

Mấy dòng trên tôi ghi lại khi hồi tưởng truyện ngắn Hôte của Albert Camus. Tôi không nhớ rốt ráo câu chuyện nhưng những yếu tố trên nằm trong đề tài hiện sinh như cô đơn, ngộ nhận v.v…tuy tác giả sinh ở Algérie, đã từng hoạt động kháng chiến chống Đức.
Câu chuyện hao hao giông  giống với truyện phim ở phần cuối của bài Chờ Đợi và Nghiệt Ngã. Một đại úy biệt kích Pháp được thả xuống Bắc Phi để bắt người lãnh đạo cao nhất cuộc kháng chiến. Vượt qua nhiều gian nguy, toán của viên đại úy đã hoàn thành nhiệm vụ và giải tù binh bằng máy bay về Pháp, anh sĩ quan này còn mang theo một đứa bé không cha mẹ về như đứa con nuôi anh ta gặp trên đường nhiệm vụ. Dưới chân thang máy bay là những chiếc xe bóng lộn và một viên chức cao cấp đón người tù binh như một thượng khách không phải kẻ bị truy nã! Hai bên đã có một thỏa thuận mới và việc làm của toán biệt kích thành vô nghĩa!.
Hôte cho thấy một Darus bị hàm oan, nhưng có thể giải thích được vì sự ngộ nhận dựa trên sự kiện có thật, thấy rõ là chàng dẫn tội nhân từ anh lính sen đầm, kinh nghiệm cá nhân thời tao loạn có thể cho anh thấy mối nghi ngờ trước khi nhìn lên bảng có lời de dọa. Anh tiếp nhận một cách chậm chạp.
Nay hãy nhìn  đoạn phim CTC kể. Đại úy nhà ta như bị cái lưới trời, thiên la địa võng chụp xuống theo lối bẩy chim. Thế à, người ta cung nghinh đón tiếp kẻ anh phải khổ công đi bắt sống, chỉ thiếu kèn trống và cờ xí. Chính anh bị truốt bỏ cái ý nghĩa, mục đích việc làm gian nguy. Ý nghĩa việc làm, dù không đúng trên bình diện hoàn vũ, là keo sơn móc mối con người và con người; móc nối thành chuổi hành động, suy nghĩ, những thời khắc của riêng một con người.
Ý nghĩa không thể bị / được tiền tệ hóa (monétiser, monetize). Một người được thuê đào từng lỗ đất khá sâu; đào xong chủ nhà ra xem rồi ra lệnh lấp lại, và đào chỗ khác. Hắn ta bỏ cuộc khi được yêu ầu đào lần thứ tư vì thấy việc nầy vô nghĩa lý, hắn phải làm cái việc phi lý dù được trả tiền. Sau khi được giải thích mục đích là tìm một kỷ vật mà người cha không kịp chỉ rõ trước khi chết; hắn ta vui vẻ và đào nhanh hơn. Câu chuyện giáo khoa nầy giải thích trường hợp nhân viên phải xin đi chỗ khác khi bị ngồi chơi xơi nước mà hưởng lương hàng tháng đủ; ngồi chơi xơi nước trong khi kẻ khác trong bộ thì đầu tắt mặt tối kêu than mệt mỏi. Kẻ ấy thấy mình vô dụng, đứng ngoài hệ thống, nói cho văn hoa là một thứ lưu đày trên sinh quán.
Sự mất ý nghĩa vì bị tướt đoạt hay tự mình rủ bỏ cái bị buộc nhận là giá trị, sự mất nầy khởi đầu diễn trình gọi là vong thân, tha hóa, phẩn nộ ... Nói dễ hiểu là rời rạc, nhân tâm ly tán, lòng người đảo điên. Nói theo xã hội học, thiếu cái tương thuận (consensus). Thật vậy, làm sao người thọ thuế thản nhiên lặng ngắm mây trôi theo sách Thiền, khi một ông tổng thống công du mỗi ngày tốn 200 triệu dollars; Obama đã đốt một tỷ bạc khi đi Ấn Độ. Vợ tổng thống Marcos có ba ngàn đôi giày khi dân Phi Luật Tân moi rác mà sống bị rác đè chết khi núi rác lở sau cơn mưa. Cái gì là ý nghĩa phải cầm cờ tôn giáo không phải của mình mà đi biểu tình đón tiếp một người trong tộc họ kẻ cầm quyền?
Nói vậy mới hiểu Gandhi. Vị thánh nầy muốn xây dụng một Ấn Độ với cái tinh thần mà ông kêu gọi dân chúng hun đúc: vì hạnh phục cá nhân, của gia đình và xã hội, từ bỏ óc nô lệ làm giàu cho người Anh.
Tôi đang đến gần cự điểm (point focal), danh từ quang học,  của CTC trong bài nầy: đi tìm một quê nhà bằng , bởi, của người đời và đời người. Cho kiểu cách một tý, quê nhà nhân bản. Như vậy quê ấy không mang tính cách trừu tượng, một xã hội vô tưởng, cũng không có tính cách tôn giáo như cõi Cực Lạc của Phật Di Đà, vùng đất của Chúa có thánh Phê Rô canh giữ, hay cảnh giới của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vv…
Quê nhà ấy được thấy qua trực giác như Thằng Bờm đã thấy lẽ công bằng nguyên thủy gồm hai vế cân xứng là nắm xôi và cái quạt mo.  Khi người đời bị triệt tiêu, đời người cũng chết theo. Thế kỷ 20 là thế kỷ nhiều máu nhất, buồn nản nhất. Thời trung cổ Âu châu được xem như một đêm dài, nông nô bị xiềng bởi cái xiềng vô hình trong nông trại của chủ, nhưng vẫn có chút không khí mà thở còn nghe những chàng du ca ngồi trên mình ngựa gãy những khúc đàn êm. Họ còn chút tồn tại của tư duy, dĩ nhiên cách suy nghĩ bị điều kiện hóa bởi các thứ thần học lạc hậu. Vẫn trong khung cảnh Âu Châu, những thời như Phục Hưng, cổ điền, duy lý vv… đi kèm theo các triều đại độc tài.  Nói vậy, nhưng dù bạn không được phép hô hào nơi công viên, vua Louis 14 không đến đầu giường bảo bạn suy nghĩ thế nào, nhào nắn tư tưởng theo một khuôn đúc của triều đình.
Qua đến thế kỷ 20, ý nghĩa cuộc sống bị cắt cụt đến tận vô thức. Đó là lý do có những tiếng kêu. Thống thiết nhất là Koestler: cường quyền là cực đại, con người là số không, bản ngã chỉ là một ảo tưởng văn phạm. André Malraux: cuộc đời chẳng có giá trị gì, nhưng không có gì có giá trị như cuộc đời. Tôi không rành văn học nhưng cứ nghĩ phong trào muôn dạng gọi là hiện sinh, tuy không giải quyết được nhiều như những học thuyết tôn giáo và tâm linh, báo động nguy cơ hủy diệt sự hiện sinh.
Hiện sinh đó là sự sống bình thường, không thiên thần không thú vật. Hiện sinh đó nhận chân bởi những con người tầm thường. Họ chia sẻ với một tác giả nào đó đã nói: không có cái chết, chỉ có những người chết. Khi không tìm ra lẽ sống hay ý nghĩa cuộc sống bị rứt bỏ, mình xem như đã chết. Vì vậy có thể hiểu vì sao có kẻ tự tử, vì một giá trị nào đó mất đi, dĩ nhiên giá trị chủ quan như một mối tình vv…
Cũng vậy, đại úy biệt kích nhà ta đã chết điếng, chết đứng như Từ Hải khi thấy sự chờ đợi của mình đã chệch hướng, biến chính mình làm đồ chơi của những thế lực chính trị. Ông đã ghép đứa bé mồ côi vào chính mình, đồng thời nhận biết cả hai không còn gì ngoại trừ chính cái cô đơn, lạc loài. Toi et moi, nous sommes seuls, tous les deux. Cả hai đi vào một thế giới không hồn, thế giới ấy là thế giới khách quan hay nội tại chẳng quan trọng. Nhưng bên trong thì nhiều hơn. In me there has been a soulless world. Đây không phải là trạng thái tự tại hồn nhiên mà trái lại, sôi động, đau đớn, như con cá hất lên đất khô, cố tìm sống qua chút âm ẩm còn trên da. Còn về Darus như đã nói trên chàng chưa vào ngõ cụt, câu viết trên bản chưa làm thân thể chàng chết, chàng lo cho cái chết của ý nghĩa thả tù, hy vọng người ta sẽ hiểu chàng hơn.
CTC không phải là tác giả cuốn phim, nhưng khi viết ông đã phóng chiếu sự chờ mong nghiệt ngã lên nhân vật nầy, dấn ông vào cái cô đơn tuyệt đối. Hãy so sánh với một nhân vật phụ của Hawthorne; cái hồn ma. Hồn ma của người đã chết trở về đứng bên lò sưởi, nhìn những người thân còn sống ngồi quanh cây đèn măng sông; hồn ma muốn thốt lên một lời thương mến nhưng khóa kín miệng. Mình đã bị bắn ra ngoài như những tinh thể không chịu nỗi sức ly tâm. Bây giờ thốt ra tiếng nồng thơm thì mình là con ma, người ta sẽ mời thầy mời cha về trừ quỷ ám. Và dĩ nhiên hình ảnh thân yêu (là chính mình) cũng mất đi trong lòng những người kia. Thôi hãy lui ra tàng cây rộng.
Thật vậy, hai bên không còn sự thuận hợp, nói theo xã hội học thì làm sao được việc cũng như Khổng Tử nói nội ngoại bất tề sự bất thành.  Nhưng đất sống của viên đại úy khác với trường hợp của hồn ma, hồn ma thành hình vì những cơ duyên tự nhiên của thành trụ hoại không. Không phải là cảnh lòng người ly tán; hồn ma chơi vơi theo kiểu hồn ma; kẻ còn sống vẫn tiếp tục nếp cũ.
Ông quan ba vẫn phải sống trên cái quê nhà đất cát, núi non, cái quê nhà vô cơ (inorganic), ngày một khô thêm vì nông dân dùng phân hóa học, vì xứ sở ngày một nhiều độc tố.
Như một cơ chế tự nhiên trong tâm sinh học, sự ước mơ chờ đợi đã đến với ông để xoa dịu vết thương tâm lý. Ông mơ ước có một quê hương nhân bản, quê hương của đời người và người đời. Nhưng sức người có hạn.  Viên thuốc ước mơ đã bào mòn bao tử làm cho bệnh nhân cầm nắm được trong tay sự nghiệt ngã tấy nguyên hình từ những ước mơ nhỏ nhoi không vời đến được, những cơn ác mộng, những hoài niệm đau thương, những tương tác dùi cui chấm mắm nêm. Một chân trong thế giới vô cơ, một chân trong thế giới không hồn có thật trong nội tâm.
Bao giờ sự nghiệt ngã chấm dứt?
Khi mình thành tượng đá khác nào thiếu phụ trông chồng thành Hòn Vọng Phu.
Nghiệt ngã như rứa đã vừa chưa?!
tốn thất tuệ    30/09/2011

phụ bản:
              kinh cô đơn
               tôn thất tuệ

                  Giọt nước mắt thầm buông
                  như suối ngọc
                  trôi về xa quá vực cô liêu.
                  Ôi suối ngọc hãy về nguyên ủy:
                  những ưu tư đau đớn xót chua
                  những ước mơ thầm kín sâu xa
                  những tin yêu tha thiết mặn mà.

                  Nơi khởi thủy của dòng đời có thật
                  xin suối ngọc tìm về quê cũ.
                  Nước mắt ơi hãy vỡ tung ra
                  trả lại ta thương cảm đậm đà
                  ta sẽ kết một vòng tràng hạt
                  đếm cô đơn từng giọt, tiếng cô đơn.
                  Kinh cô đơn ta niệm hằng giờ.----
Về Đầu Trang
Hải Đăng



Ngày tham gia: 05 Aug 2011
Số bài: 29

Bài gửiGửi: Sun Oct 30, 2011 9:51 pm    Tiêu đề:

Người thì mong chờ
Kẻ thì hưởng thụ
Còn trong mê cuồng
Biết đến bao giờ
Có chờ được không
Càng trông càng mờ mịt
Có ai dẫn dắt
Cho dân tộc này
đã lắm khổ đau
Mấy chục năm trãi qua
Chia rẽ và hận thù
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân