TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ÁNG MÂY
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ÁNG MÂY

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Diem Khanh



Ngày tham gia: 04 Jul 2008
Số bài: 579

Bài gửiGửi: Fri Oct 07, 2011 1:52 pm    Tiêu đề: ÁNG MÂY
Tác Giả: NGUYÊN HÒA

     



                               
  ÁNG MÂY
                                    NGUYÊN HÒA

               
                “Tình ta như áng mây bay
                 Sương mai lóng lánh, trăng gầy quạnh hiu.”


Nguyên đang nằm ngủ trong bệnh viện thì có tiếng súng nổ vang rền ở phía quận Hàm Thuận.gần trường trung học tư thục Bạch Vân. Hình như Quận đường bị địch tấn công. Tiếng súng liên thanh vang rền phá tan bầu không khí yên tĩnh của đêm trường thanh vắng.Lựu đạn nổ ầm ầm cả một góc phố. Mọi người vội xuống nằm dưới nền xi măng của phòng bệnh. Các bệnh nhân xì xào, bàn tán. Tiếng súng nổ liên hồi. Hỏa châu soi sáng cả một góc trời. Hai bên choảng nhau dữ dội. Tiếng đạn reo thưa dần rồi dứt hẳn sau đó.
     Sáng hôm sau, một số người dạn dĩ, thức dậy sớm, đi lên quận xem tình hình. Họ truyền miệng, nói phía bên kia có người bị bắn chết đang nằm phơi mình gần sân vận động. Một gã đàn ông to con, khỏe mạnh. bị bắn nát mình, nhất là đùi bị thủng nhiều lỗ. Máu ra lênh láng trên bãi cỏ.
   Nguyên chen vào đám đông đang bu quanh coi xác chết. Máu chảy quá nhiều. nên da mặt tái nhạt xanh xao. Tóc đen bù xù xỏa xuống mặt bê bết máu. Đến khoảng xế chiều thì người ta dùng xe bang bù kéo xác đem đi chôn. Nghe nói một gia đình nhà ở gần Trường Tiểu Học Phú Trinh vì phát hiện nhiều người võ trang lạ mặt băng qua trường tiến về phía quận, nên bị họ sát hại. Tin này không rõ có đúng không. Cũng có thể để giữ bí mật quân sự, họ dám gây hại kẻ vô tội để diệt khẩu, ngõ hầu bảo đàm an toàn cho cuộc tấn công.
   Nguyên cảm thấy ngán ngẫm cuộc chiến huynh đệ tương tàn, chém giết lẫn nhau. Sự hận thù và chiến tranh ý thưc hệ của dân tộc Việt Nam đến bao giờ mới chấm dứt tàn sát nhau. Lúc ấy, chàng lê bước khập khễnh vì bị bệnh sưng đầu gối và thấp khớp kinh niên. Khu phố Năm Căn, nhiều người đứng bàn tán, chỉ chỏ về phía quận lỵ, nơi có trận đánh nhau hồi hôm. Nhà thương tỉnh nằm đối diện khu phố này, đang tấp nập người ra kẻ vào. Chàng về phòng nằm. Khu Nội A trở nên nhộn nhịp vì các y tá ra vô lăng xăng. Các y sinh đang thụ huấn Khóa Y Tá và Hộ Sinh nông thôn cũng qua qua lại lại.
 Chàng vào bệnh viện hơn một tuần nay. Bệnh tình chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Chứng thấp khớp đeo đẳng chàng từ thuở niên thiếu đến bây giờ. Hồi ở với Bà Ngoại và Dì Tám tại một thôn làng hẻo lánh, xa xôi vùng duyên hải Cà Ná Thương Diêm, chàng đã bị bệnh này rồi. Hai đầu gối sưng vù, ửng đỏ, đau nhức vô cùng. Cánh tay mặt, vùng xương nằm sau lưng đau đớn, nhức mỏi. Lúc bấy giờ ở Thương Diêm, thuốc men thiếu thốn. Mỗi lần khớp xương sưng vù, nhức nhối là Bà Ngoại và Dì Tám cho mời anh Cải, người hàng xóm, một thầy thuốc nam, chuyên dùng ống hút làm bằng sừng trâu nhọn hoắt một đầu. Anh dùng mẻ chai bén cắt chỗ sưng cho máu vọt ra. Rồi lấy một miếng giấy vụn khô quẹt diêm đốt, bỏ vô cán chụp sừng trâu hơ nóng. Sau đó anh chụp vào vết máu đang phun ra. Thế là các ly hút máu mũ của người bệnh. Nhờ thế khớp xương sưng xẹp dần và sự đau nhức cũng vơi đi.
   Chứng bệnh tàn ác, chằng ăn, trăn quấn, cọp xé, ó đâm, voi giầy ... trở thành kinh niên. Nó cứ đeo đuổi, bám riết cơ thể vốn yếu đuối, đa bênh tật của Nguyên. Hầu như năm nào bệnh cũng tái diễn. Về sau này, nhờ có thuốc tây trị liệu. Các loại dược phẩm bào chế  bằng chất cortison có trong thận người và hóa chất do các viện bào chế sản xuất thay thế chất đó. Các loại thuốc bác sĩ cho chàng dùng trị bịnh này do Việt Nam nhập hàng từ Pháp như Cortancyl, Deronil, Butagine, AHCT ( chích) Dectancyl. Combiotic hay Bipénicilline ( chích)...Nhờ vậy bệnh đau khớp xương ( hay thắp khớp, phong thắp) của chàng có thể chữa trị nhanh chóng hơn. Tuy nhiên cơn bệnh ác nghiệt cứ bám theo mãi, làm chàng lao đao, lận đận, vất vả, khổ sở, trong vấn đề đến trường học hành vào những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường trung học. Căn bệnh cứ tái diễn, kéo dài hàng tháng. Đầu gối này sưng vù nhức nhối, vừa được chữa thuốc xẹp bớt, thì đầu gối kia bắt đầu ửng đỏ rồi sưng to đau đớn vô cùng. Chàng phải chống gậy trong lúc di chuyển. Có khi phải tiểu tiện tại chỗ vì cả hai đầu gối bị un mũ nhức nhối, không thể cử động đi lại được.
      Mấy hôm nay, chàng phải nghỉ dạy đi khám bệnh. Bác sĩ (BS) Nguyễn Đức Khoang,  ngưởi Bắc, cựu Trung Tá y sĩ giải phẩu, tốt nghiệp BS y khoa ở Pháp. BS Khoang có phòng mạch ở thảnh phố Phan Thiết. Ông là vị thầy thuốc giỏi, hiền từ, tận tụy chữa trị  cho bệnh nhân. Lúc bấy giờ chính phủ VNCH trưng dụng ông làm việc cho bịnh viện tỉnh một số giờ nhất định. Ông đang cho chích ACTH để điều trị đầu gối bị sưng vù ửng đỏ đau nhức khó chịu hết nói của ông Nguyên.
     Bệnh nhân nằm cùng phòng với ông là một công chức người Thừa Thiên, không rõ tên họ. Thiên hạ cứ gọi ông này “ Ông Huế” ông ta cũng đồng bệnh với chàng. Hai người thường gặp nhau tại đây vì chứng bệnh quái ác kinh niên này. Ông ta là công chức Tòa Hành Chánh. Ông còn trẻ, khôi ngô tuấn tú hết cỡ. Ông nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn, khôn khéo, giọng Miền Trung ngọt xớt như đường phèn. Ông có nước da trắng trẻo, đôi mắt to đen, trong sáng, đa tình, đa cảm. Đôi môi thắm đỏ như con gái. Hàm răng trắng nõn đều đặn. Đặc biệt mái tóc đen lánh, hơi quăn một cách tự nhiên. Mái tóc cắt ngắn vừa phải phủ xuống ót trắng nõn. Tay chân ông thon thả mềm mại trắng mượt. Rõ là một mỹ nam tử. Bà vợ ông cũng là một phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng, gợi cảm người khác phái. Ho gọi “Bà Huế” vì cùng quê chồng. Nhưng so với ông chồng quá khôi ngô tuấn tú như thế, thật sự mà nói, họ là cặp phu thê không xứng đôi vừa lứa lắm. Đáng lý ra vợ ông phải là một trang giai nhân tuyệt sắc mới xứng với anh chồng đẹp trai như tài tử xi nê này. Tuy nhiên, hiền thê của hiệp sĩ điển trai ăn mặc sang trọng, trang điểm lộng lẫy, nước hoa thơm phứt thoang thoảng lan ra khắp cả phòng. Bà đem cam lại cho ông. Bà nói chuyện với chồng một chốc. Ông hỏi thăm về bịnh tình của Nguyên. Sau đó bà nói chuyện với chàng. Trong lúc cao hứng bà nói sơ qua về tình sử của vợ chồng mình:
 -Nói thật với ông giáo. Trước đây thiếu gì người sang trọng, có địa vị cao trong xã hội, học vấn, bằng cấp hơn ông nhiều. Họ theo tán tỉnh tôi. Song vì nhà tôi đẹp trai quá thành thử tôi khó xa ông.
  Bà tỏ ra hãnh diện có ông chồng khôi ngô, tuấn tú như Phan An, Tống Ngọc hay Kim Trọng của Thúy Kiều:
                 “ Hài văn lần bước dặm xanh
                    Một vùng như thể cây quỳnh, cành giao.”
   Theo văn chương, sách vở quãng bá tư tưởng:” Trai ham sắc, gái ham tài.”. Đàn ông con trai thường mê sắc đẹp của các giai nhân :” Yểu điệu thục nữ, quân tử hiếu cầu.”. Họ ca tụng ngưỡng mộ nét diễm kiều, sắc nước hương trời của đám quần thoa:
                  “ Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc
                     Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường” ( “Tuổi 13” Nguyên Sa, )  
        Hay:   “ Nắng Sài Gòn tôi đi mà chợt mát
                     Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
                     Tôi vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
                     Thơ của tôi vẫn còn nguyên lụa trắng.” ( “Áo Lụa Hà Đông”, NS)
       Cỏn về phương diện phong tục luân lý đạo đức trong cộng đồng xã hội, người ta quý trọng ở người phụ nữ nết na, tính tình, tài năng, đoan trang, hiển thục, thủy chung, trung trinh, tiết hạnh hơn là vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài.
                     “ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.”
                      “ Cái nết đánh chết cái đẹp”
                      “ Tâm trí đậm đặc hơn bản mặt sặc sỡ.”
         Nhưng trong thực tế, nhiều phụ nữ chỉ ưa chuộng nét khôi ngô, tuấn tú, hào hoa phong nhã, điển trai bên ngoài của nam giới. Nhà văn Khái Hưng từng nhận xét:
    “ Phụ nữ chỉ say mê một người đàn ông. Một là phải thật khôi ngô tuấn tú. Hai phải có tài năng đặc biệt hơn người.”
       Nguyên còn nhớ một cô giáo đồng nghiệp với chàng dạy tại Long Hương, Quận Tuy Phong, Bình Thuận, tuyên bố với các bạn đồng nghiệp:
   - Tôi thà lấy người chồng chỉ cần học tới lớp Nhất đẹp trai còn hơn một bác sĩ xấu trai.”
Cô ta quê Nha Trang duyên dáng có nhan sắc. Chồng cũng  đồng nghiệp, nguời Huế, đẹp trai.
  Có lần, Nguyên đang ngồi chấm bài ở một nhà trọ, nghe một cô tớ gái nói với bạn mình có lẽ cũng dạng ô sin như cô ta:
-Tao thích có bồ trắng trẻo đẹp trai. Còn mày thì sao?
- Tao ư? Tao cũng thích người tình khôi ngô.
Thật ra ai cũng thích người yêu có ngoại hình dễ coi.
Lúc bấy giờ, gần nhà trọ, Nguyên từng găp một phụ nữ rất xinh đẹp cũng quê hương vùng Sông Hương, Núi Ngự, làm lẻ cho một anh thợ may, cùng quê quán.  Có lần, vui miệng, cô ta tâm sự với Nguyên:
- Hối trước, có một giáo sư trung học theo đuổi tôi. muốn cưới tôi làm vợ. Gia đình tôi ép tôi ưng ông ấy. Tuy nhiên, ông này da đen quá. Vì vậy tôi sợ hãi bỏ trốn. Thà ăn xin với nhau nhưng phải đẹp người tôi mới chịu. Hiện tại, chồng tôi tuy lớn tuổi hơn tôi, nhưng anh đẹp trai, nên tôi yêu anh.
  Thà làm phòng hai của một chàng thợ may khôi ngô, chứ không bằng lòng kết hôn với một giáo sư có nước da ngăm. Thế mới biết phụ nữ cũng mê sắc như nam nhân. Ai cũng chọn người yêu phải có ngoại hình sáng sủa. Câu nói của người xưa “Cái nết đánh chết cái đẹp” hay “ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” xem ra không tác dụng lắm với người chỉ ưa ham chuộng vẻ đẹp bên ngoài. Họ không chú trọng lắm về tính tình. đạo đức hay tài năng học vấn, bằng cấp bên trong của một người.
     Đến bao giờ thỉ cái đẹp về xác thân bề ngoài của con người không lấn át cái đẹp tinh thần như nết na đức hạnh, đạo đức, tài năng...tiêm ẩn bên trong mỗi cá nhân?
     Xin trở lại vợ chồng Ông Bà Huế. Hôm ấy bà cũng nhìn ông Nguyên gợi ý:
- Nghe nói Thầy xem được chỉ tay phải không?
Chàng ngạc nhiên nhìn giai nhân miền Sông Hương Núi Ngự :
- Dạ đúng.
Bà ta tươi cười:
- Vậy xin Thầy hãy xem hộ giùm bàn tay tôi. Sao tôi cứ lao đao lận đận, hao tài tốn của mãi. Ông nhà cứ bệnh đau liên miên.            
   Nguyên còn nhớ hôm Ông Huế được người nhà đưa vào bệnh viện. Ông bị hai đầu gối sưng vù, nên đi lại rất khó khăn. Các y công và gia đình phải dỉu ông vào phòng. Bà vợ xinh đẹp cũng đi kèm theo lang quân điển trai. Cô con gái chừng 18 xuân xanh, khuôn mặt cũng kiều diễm, giống cả cha lẫn mẹ nhiều nét. Đôi mắt ướt long lanh đen láy, đa tình của mẹ. Chiếc mũi dọc dừa, nước da trắng nõn, môi xinh đỏ thắm giống cha. Bàn tay với những ngón thon dài, búp măng giống mẹ. Rõ ràng là một giai nhân.
 Lúc bấy giờ, nhận ra người quen và thường gặp nhau tại nhà thương vì đồng bệnh, Nguyên lịch sự chào hỏi:
-Lại gặp Bác rồi! Dạ Bác bị bệnh cũ tái phát, phải không?
Tuy bệnh đi không được nhưng ông vui vẻ cười tếu:
- Vì leo trèo quá nên hai đầu gối bị sưng vù.
Nói xong, ông thích chí cười hả hê coi như không bệnh đau gì hết.
Bà vợ đỏ mặt, ngước nhìn ông âu yếm, nói khẻ:
- Coi ông này hay đùa. Bệnh không lo chữa mà cứ cà rỡn.
BS Nguyễn Đức Khoang, sau khi khám bệnh lại cho ông chích ACTH như Nguyên đang điều trị bệnh này. Ngoài ra BS còn cho toa mua thêm thuốc chích như Bipénicilline. Thuốc uống như Hydrocortancyl, Deronine...để rút mũ làm xẹp đầu gối. Thuốc bổ như Vitamine B1, C. Còn thuốc ACTH nhà thương cấp vì là phòng công chức.
  Vài hôm sau lại có thêm một thanh niên từ Hòa Đa đưa vào đìều trị vì bị bệnh viêm khớp xương, sưng đầu voi, như hai người nói trên.
  Ban ngày, phòng bệnh trở nên sinh động khác thường., người ra vô tấp nập. Thân nhân người bệnh vào thăm nuôi. Các y sinh theo y tá và BS thực tập trong giờ hành chánh. Cô Hằng, Trưởng phòng Nội A cấm Nguyên không được di chuyển vì ngại bệnh tình sẽ lâu khỏi. Mặc dù cô ta đã nhờ chàng coi chỉ tay giùm mỉnh và bạn cô. Họ khen chàng nói trúng nhiều điểm về quá khứ và tính tình. Tương lai chưa biết ra sao. Khoa coi chỉ tay có tính cách khoa học, không phải dị đoan, mê tín hay đoán mò. Chàng cũng coi hộ nhiều cô y tá đến săn sóc thuốc men điều trị cho mình và các y sinh học nghề để lấy lòng họ. Cô  Hằng cảnh cáo ông giáo, nếu không tuân phục đề nghị của cô, cô sẽ báo cáo lên BS cho xuất viện. Tuy nhiên, tánh chàng thích năng động, không chịu nằm dài mãi trong phòng bệnh. Cho nên chàng cứ lén lén đi ra khỏi phòng ngắm nhìn quang cảnh bệnh viện vào buổi tối khi BS và y tá đã khám bệnh và cho thuốc, chích thuốc xong xuôi.
   Trong lúc nằm viện, cũng có nhiều nữ y tá hộ sinh học viên ở khác phòng đến nhờ chàng coi chỉ tay. Nễ tình họ, chàng đều đoán vận mệnh, tương lai, sự nghiệp của họ thể hiện qua những đường nét và gò trên bàn tay của mỗi người. Không khí taị nhà thương  thường thường chìm đắm trong bệnh tật, khổ đau, chết chốc, rên la, khóc lóc. Trong thời kỳ chiến tranh, các nghĩa quân, dân vệ hay thường dân bị bom đạn, thương tật đưa vào bệnh viện tỉnh chữa trị thường xuyên, ngoài số bịnh nhân cơ hữu tại đây. nên hiện tượng kể trên cứ tái diễn dài dài. Cho nên ông Nguyên thường buồn bực, dễ nản, chán đời những lúc nằm dài dưỡng bệnh hay đọc sách giải sầu. Chàng thích có người trò chuyện, tâm tình cởi mở cho vui. Trong số học viên y tá hộ sinh nông thôn, chàng chú ý đến một thiếu nữ, quê Phan Rí Cửa. ĐT Kim L. Nàng hơi đẫy đà chút ít, nhưng da mặt nõn nà, thân hình gọn gàng, cân đối, gợi cảm người khác phái. Khuôn mặt mủm mỉm, má hồng, làn môi tươi thắm. Đôi mắt ướt đen láy, long lanh. Mái tóc huyền uốn ngắn óng ả, ôm bờ vai thon thả. Chàng cầm tay nàng. Những ngón tay búp măng, trắng muốt, mềm mại. Chàng trổ hết tài năng ra coi cho người đẹp. Nàng lắng tai nghe, mỉm cười, khen một vài câu, rồi từ giã đi làm.
     Hằng ngày, Nguyên cứ mong ngóng giai nhân đến phòng mỉnh. Có thể chàng đã
“ cảm” cô ta rồi chăng? Chứng bệnh cứ kéo dài. Thuốc tiêm, thuốc uống vừa xẹp đầu gối này, lại sưng vù đầu gôi khác. Rõ chán ngấy, trời ạ!
  Kim L thỉnh thoảng ghé thăm chàng, làm ông giáo cũng vui và yêu đời. Thế là hai người dần dần thân nhau.
        “ Tri âm, tri kỷ đôi ta.
          Phải tu nhiều kiếp mới là tình nhân.”
 Một hôm, nàng chứng kiến cảnh chàng coi chỉ tay cho nhiều cô y sinh đến yêu cầu, sau khi BS khám bệnh xong. Kim L, tỏ vẻ không hài lòng. Nàng nhìn chàng nói có vẻ trách móc, hờn ghen:
-Tại sao cô nào anh cũng nắm tay hết vậy? Anh dễ tính ghê! Ai nhờ cũng coi. Xấu đẹp gì anh cũng nắm lấy, nâng niu bàn tay. Anh nói thao thao bất tuyệt. Hơn nữa, tại sao anh có nhiều bạn gái dữ vậy?
Chàng kinh ngạc nhìn sững nàng.
- Sao em biết anh có nhiều bạn gái ?
Nàng cúi đầu e lệ, hơi đỏ mặt.
- Xin lỗi anh! Em đã xem qua cuốn nhật ký anh để dưới gối, lúc em vào thăm anh ban đềm. Tối hôm ấy em trực. Em đọc lúc anh ngủ say. Cô nào anh cũng hôn hết là sao? Anh đa tình quá vậy?
Nguyên chới với, nhìn nàng chữa thẹn
-Tại vì... tại vì ... tình yêu trai gái âu yếm chút ít bên ngoài là việc bình thường, có sao đâu? Anh có dám đi xa hơn đâu em.
- Đành rằng là vậy. Ai bảo anh ghi vô nhật ký làm gì. Anh em cũng là giáo sư ở Sài Gòn có viết nhật ký. Nhưng không có ghi giống như anh đâu.
Kim L có vẻ giận Nguyên ra mặt. Nàng tỏ ra ghen tuông với những cô bạn gái viết trong cuốn nhật ký của chàng.
     Một hôm, chàng đang nằm xem tờ tạp chí văn học, sau khi BS khám bệnh xong, Kim L. vào phòng gọi:
- Anh Nguyên ơi! Anh theo em ra xem hai người điên vừa được đưa tới bệnh viện. Đi cho thoải mái, giãn gân cốt chút ít, anh ơi! Cứ nằm hoài, làm sao lành bệnh.”
Nàng gịuc chàng.
  Lúc bấy giờ, nhà thương có vẻ huyên náo hẳn lên. Hai kẻ điên bị nhốt vào hai phòng kề nhau, gần khu vực nhà bếp. Bên kia là Khu Ngoại Khoa. Kim L. mặc cáo blouse trắng nổi bật làn da nõn nà. Bàn tay búp măng trông dễ thương chi lạ. Ánh nắng rực rỡ chiếu lấp lánh trên những ngọn me tây rậm lá cạnh vòng rào. Hai người điên, một trẻ, khoảng chừng 22, 23 tuổi. Một gã trông lớn hơn, khoảng 34, 35. Cậu nhỏ hét ỏm tỏi, đập vào cánh cửa rầm rầm. Người lớn tuổi cứ ngâm thơ của nhà thơ cung đình xã hôi chủ nghĩa Tố Hữu hay thơ của thi sĩ cùng phe:
       “Cha say mê thiếu nữ yêu kiều
         Con tận tụy tấm tình yêu tổ quốc”
  Thiên hạ bu quanh xem hai kẻ điên rất đông. Bỗng nhiên Kim L kéo tay chàng nói khẻ:
-Thôi anh! Công an chìm nổi đang đi qua lại đằng kia!
Chàng nhìn quanh, có vẻ e ngại. Chàng hoảng sợ nên thoăn thoắt bước theo người đẹp dọc hành lang đến khu nhà BS Tiến, Giám Đốc bệnh viện Sau đó nàng kể cho chàng biết là mọi người đang bàn tán xôn xao về hai tên điên này. Người thanh niên nguyên là du kích ở gần làng Đại Nẫm. Một hôm hắn về đầu thú chính quyền địa phương, có mang theo khẩu Trung liên Bar. Bỗng vô ý, y làm đạn nổ gây tử thương một người thân nào đó. Cậu ta hóa điên, cào xé quần áo. la hét om sòm, chạy cà nhỏng trần truồng khắp làng. Cuối cùng y bị bắt đưa vô đây để BS điều trị tâm thần. Còn anh chàng thanh niên lớn tuổi kia không rõ tại sao cũng nổi khùng xé quần áo, la hét lung tung. Có lúc tỉnh có lúc mê bất thường. Tuy nhiên y hay đọc các bài thơ cách mạng chống Pháp của phía bên kia. Công an mật vụ  trong thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa luôn luôn theo dõi hai người này. Họ thay phiên nhau đi qua đi lại trước hai phòng nhốt người điên. Nghi chúng giả vờ khùng khình để chống chế độ Miền Nam.
  Lúc này, Kim L. níu lấy tay người tình, nhìn anh khẻ bảo:
-Thôi anh! Mình về phòng Nội A. Em có viêc muốn bàn với anh.
Mấy hôm nay, bệnh thấp khớp đã thuyên giảm khá nhiều nhờ chàng mua thuốc thêm trợ lực theo toa BS Khoang. Đầu gối và bắp chân đã xẹp hẳn, chỉ còn đau ê ẩm lai rai bên trong. Chàng định xuất viện, xin BS cho nghỉ ít ngày để về Phan Rang thăm gia đình. BS cũng đồng ý cho chàng miễn gác đêm ( Vào thời điểm ấy, các công chức, giáo chức tại thành phố Phan Thiết, có nhiệm vụ phân công trực gác ban đêm các cơ sở của chính phủ VNCH. Gác canh với vũ khí. Ban thanh tra hành chánh kiểm soát, điểm danh thường xuyên vào buổi tối. Nguyên hy vọng từ đây mình khỏi gác đêm. Căn bệnh dễ bị tái phát khi làm việc quá sức.
   Chàng ngoan ngoãn theo người đẹp về phòng. Khi đi qua hành lang, họ gặp cô Hằng, Trưởng phòng. Cô ta tươi cười, tỏ ra vồn vã với chàng. Cô không trách rày như trước:
- Cấm anh không được đi lại nhiều, Đầu gối sẽ bị sưng lại đấy!
Kim L. chờ chàng ngồi xuống giường bệnh. Nàng vui vẻ thỏ thẻ giọng oanh vàng:
( Oanh vàng thỏ thẻ lầu thơ, Thương em anh cũng ngẩn ngơ bên nàng)
-Hai ngày nữa, em sẽ mãn khóa. Em được bổ dụng về làm y tá hộ sinh ( cô đỡ hương thôn) tại một thôn làng gần quê em. Sau khi nhận việc, em sẽ vào thăm anh tại nhà trọ anh đang ngụ, vì em biết anh cũng được xuất viện rồi. Nhân dịp nghỉ lễ Quốc Khánh cả tuần sắp tới, anh khỏi dạy học, em sẽ đua anh đi du ngoạn, tham quan Phan Rí Cửa, quê em nhé!  Em sẽ đưa anh thăm Gành Son ở Duồng, đẹp lắm! Anh Nguyên ơi! Xin hãy chìu em một lần nghe anh !
  Nàng nũng nịu, đưa bàn tay búp măng có những ngón thon nhỏ trắng muốt, vuốt các lọn tóc bím đen huyền đu đưa hai bên vai no tròn đầy đặn, rắn chắc của nàng. Đôi mắt long lanh sáng rỡ vơi hàng mi cong vút. Nàng xinh xắn dễ thương, mủm mỉm như một đóa hoa hàm tiếu. Làm sao chàng có thể từ chối lời yêu cầu của người yêu đây? Chàng chợt nhớ bài thơ thuộc thể tự do, tả quê hương của nàng, đăng trên tuần báo Đời Mới, do nhà văn Trần Văn Ân làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút, khoản năm 1954-55 gì đó. Bài thơ rất nhiều hình ảnh sóng động, gợi cảm, gợi tình. Chàng thích, nên đọc đi đọc lại nhiều lần thành thử thuộc lòng luôn. Lâu quá chàng quên tác giả bài thơ tuyệt vời này.
                                  PHAN RÍ
                         Phan Rí xa vởi
                         Có dòng sông chảy
                         Có rừng đồi núi
                         Có trời xanh xanh.
                         Phan Rí, gió lành lạnh
                         Sương mai óng ánh.
                       
                         Đoàn em bé tóc xanh
                         Quay quần dưới mái nhà tranh                        
                         Bên cha, bên mẹ, bên anh cười ròn.
                         Phan Rí
                         Đất nghèo  
                         Làng xóm cheo leo                          
                         Cây rừng lạnh lẽo
                           
                         Phan Rí,
                         Đường sá gập ghềnh
                         Lênh đênh ngoài biển cả
                         Vài chiếc ghe đánh cá nuôi dân.
                         Chăm làm ăn
                         Không màng công danh quyền lợi
                         Nuôi dân làng sống cuộc đời ấm no.

                         Ai ơi!
                         Có xuôi Phan Rí xa vời
                         Cho tôi nhắn gởi đôi lời mến thương.
                         Phan Rí ơi!

                           Phan Thiết một chiều buồn nhớ.
                         Tác giả (  Xin lỗi, người viết đã quên tên)
                 
        Thế là Nguyên chìu ý giai nhân. Khoản mười hôm sau, nhằm Lễ Quốc Khánh, nghỉ dạy. Chàng đã xuất viện trước đó và được miễn gác đêm. Kim L. vào Phan Thiết thăm chàng. Nàng đã nhận nhịệm sở mới. Cô đỡ hương thôn kiêm y tá chích thuốc tại một trạm xá, gần nhà cha mẹ nàng. Hai người đi xe đò. Xe chạy qua các vùng Lương Sơn, Sông Lũy, Chợ Lầu, Hòa Đa, Phan Rí Thành, rồi đến ngã ba, xe rẽ tay phải, chạy tới quê nàng. Ba má nàng là những ngừời dân mộc mạc. chất phát, hiền lành, phúc hậu, cởi mở. Họ đón tiếp chàng rất niềm nỡ nhiệt tình. Nhà cửa của song thân nàng cao ráo, khang trang nằm giữa xóm. Họ có cả một khu vườn trồng cây ăn trái xanh tươi mát mẻ tọa lạc gần Quốc lộ I, nối liền Chợ Lầu và Long Hương. Họ đãi chàng ăn món gỏi cá cơm thang ngon tuyệt. Gõi mềm mại, ngọt liệm, kèm bánh tráng nướng dòn với rau sống. Những bữa ăn rất thịch soạn. Anh nàng dạy học tại Trường Trung Học Võ trường Toản ở Sài gòn. Thỉnh thoàng sư huynh của nàng mới ghé về nhà thăm cha mẹ và các em.
    Sáng hôm ấy, nàng đưa chàng đi thăm vườn cây sum sê của song thân. Bình minh nắng mai ấm áp nhuộm hồng khắp thôn quê làng mạc. Chim chóc hót líu lo tưng bừng trên những ngọn cây mận, xoài, ổi...đủ loại. Cảnh sắc tươi vui, hấp dẫn khách thưởng ngoạn vô cùng. Nàng cũng đưa chàng xuống thăm biển cả xanh rì. Thuyền ghe ra vô tấp nập. Những cánh buồm trắng xóa thấp thoáng ngoài khơi. Nguyên cao hứng ngâm khẻ:
          “ Buồn trông cửa bể chiều hôm
            Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” ( Kiều)
             “Đôi ta dạo biền vui vầy
            Xanh tươi kỷ niệm, những ngày bên nhau .”
  Ô kìa ! Bãi cát trắng xóa, mịn màng trải dài đến vô tận. Hàng dừa xanh um bát ngát. Người dân hiền hòa mộc mạc. Quê hương xinh đẹp, diễm lệ vô cùng. Bầu trời xanh biếc trong vắt. Ánh nắng chiếu lấp lánh, rực rỡ trải dài trên biển cả xanh rờn. Nàng cười nói chạy nhảy tung tăng rất dễ thương. Nàng nô đùa trên bãi cát mịn, đuổi bắt những chú cồng vui vẻ. Sóng vỗ rì rào bất tận. Cát trắng mịn mơn trớn hai gót chân hồng hào xinh xắn của người đẹp Phan Rí Cửa.
    Sau đó nàng đưa chàng đi thăm Gành Son ở Duồng. Hai người băng qua một bãi cát rộng mênh mông, nằm phía trước ngôi làng hẻo lánh, gần biển cả bao la bát ngát. Gành Son màu đỏ hồng tươi, trải dài lê thê, hun hút bên cạnh bãi cát trắng xóa. Một ngôi cổ tự nằm trên triền đá phẳng bằng, cây cối rải rác khắp nơi. Mái ngói cong ngã màu nâu sậm.như thiếp mình trong cõi thanh tịnh, thiền định. Mặc cho thế sự đổi thay. Biển cả hùng vĩ, bí mật, xanh thăm thẳm. Sóng vỗ rì rào không ngừng nghỉ. Chàng hứng chí ngâm nho nhỏ các câu thơ của một thi sĩ nào đó::
         “ Thủy triều lên xuống không ngừng
             Pháp trần thay đổi, mênh mông bất ngờ.
             Vô thường cõi tạm nhấp nhô
             Kiếp người, đại sự hai bờ Tử- Sanh”
  Cuộc du ngọan thích thú hết nói. Tuy mệt, nhưng cả hai cảm thấy vui vẻ, thoải mái vô cùng. Sau đó, họ ra xe về lại Phan Rí Cửa. Chàng lưu lại nhà nàng, theo đề nghị của bạn tri ậm, vài hôm, rồi về lại Phan Thiết. Kim L. bịn rịn lưu luyến khi tiễn chàng lên xe đò. Sau đó thỉnh thoảng cô ta cũng dẫn người em gái út, khoảng 9. 10 tuổi, cũng da trắng, mặt trái soan, xinh xắn như chị mình, đến thăm chàng. Hai người vẫn là bạn thân. Chưa có dự định gì về tương lai thì chàng nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển về dạy tại tỉnh nhà. Thế là hai người không còn gặp nhau nữa. Tình yêu của họ chỉ mới ở giai đoạn tìm hiểu nhau. Chưa đậm đà tha thiết lắm Vả lại Kim L. khó tính, cứ e dè, lúc nào cũng giữ mình.
            “ Dễ gì động đến má hồng
               Trừ khi cưới hỏi loan phòng phu thê.”
  Sau đó chàng đi lính để làm tròn nghĩa vụ của người thanh niên trong thời loạn như bao nhiêu chàng trai khác. Thỉnh thoảng chàng có gặp bạn gái của nàng, hỏi thăm về Kim L. Tuy nhiên không ai rõ nàng đang ở đâu, làm ăn, chồng con ra sao. Chàng bâng khuâng xao xuyến cõi lòng nhớ người yêu năm nào. Chàng ngăm khè giải sầu:
                “ Trước sau, bèo hợp rồi tan
                   Bao nhiêu hoài niệm chàng-nàng còn đây.
                   Tình ta như áng mây bay
                   Sương mai lóng lánh, trăng gầy quạnh hiu.”
                   
                                    NGUYÊN HÒA              
                   
                                     


       
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân