TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TIẾP XÚC VỚI SỰ SỐNG (NHẤT H
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TIẾP XÚC VỚI SỰ SỐNG (NHẤT H

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Sat Feb 16, 2008 4:20 am    Tiêu đề: TIẾP XÚC VỚI SỰ SỐNG (NHẤT HẠNH)

TIẾP XÚC VỚI SỰ SỐNG

Nhất Hạnh

1. CON NGƯỜI MỚI

Con người của thời đại bây giờ phần nhiều bị lôi cuốn trong guồng máy sản xuất và tiêu thụ đến mức trở thành một bộ phận của guồng máy kia và không còn khả năng tự chủ nữa . Cuộc sống hàng ngày phân tán tâm ý của bạn . Ðể đối phó với những vấn đề của sự sống, bạn có ít thì giờ và cơ hội để ý thức được mình và trở về với chính mình . Một ngày nào đó, quen theo đà hướng ngoại, bạn cảm thấy trống rỗng và cô đơn mỗi khi có dịp trở về đối diện với chính mình . Những giờ giấc rỗi rảnh, bạn phải đi tìm bạn bè hoặc hòa mình vào trong một đám đông, hoặc nghe máy thu thanh, thu hình để bít lấp cảm giác trống rỗng kia .

Thêm vào tình trạng phóng thể đối với bản thân đó, cuộc sống bận bịu và vội vã ngày nay còn trình bày nhiều khía cạnh bực mình, làm cho bạn trở nên cáu kỉnh một cách dễ dàng . Buồn giận và những cảm xúc khác tới lung lạc bạn và trấn ngự trong bạn, chính những thế lực này đóng vai trò quyết định trong rất nhiều trường hợp . Bạn không còn là bạn thì làm sao bạn có thể nói là bạn quyết định về đời sống của chính bạn được . Thiền tập giúp bạn có một nhận định mới, đúng đắn, an lạc, yêu đời và hạnh phúc hơn trong đời sống hàng ngày; để tiếp xúc với những gì mầu nhiệm đang có mặt, trong thân, tâm và hoàn cảnh chung quanh bạn .




2. SỐNG TỈNH TÁO VUI TƯƠI

Có những lúc bạn sống như trong một giấc mơ, bạn bị lôi kéo về quá khứ, về tương lai, bạn bị ràng buộc bởi những đau buồn, hờn giận, thắc mắc, sợ hãi . Trong hiện tại, giải thoát tức là vượt ra khỏi những trạng thái ấy để sống tỉnh táo, vui tưoi, an nhiên và tịnh lạc . Sống như vậy mới đáng sống . Sống như vậy, bạn sẽ là nguồn vui cho những người thân thuộc và cho những kẻ sống bên bạn cũng như chung quanh bạn . Ðạo Bụt thường nói đến sự giải thoát tối hậu là giải thoát khỏi sinh tử . Cái chết là một niềm đe dọa lớn . Bao nhiêu thắc mắc và sợ hãi đã được phát sinh từ ý niệm chết . Thiền quán cũng là để cởi cho bạn những sợi dây thắc mắc và sợ hãi đó và làm cho đời sống có thêm thực chất .




3. BẠN CÓ THỂ THỰC TẬP ÐƯỢC

Trong đời sống hàng ngày, bạn lái xe, làm việc trong sở, chờ buýt, nói điện thoại, đi bộ từ cao ốc này sang cao ốc khác, chùi nhà, nấu bếp, dọn dẹp, phơi quần áo v.v ... Bạn phải biết thực tập quán niệm hơi thở ngay trong khi bạn làm các công việc ấy . Thường trong khi làm các công việc này, bạn cứ để trí óc suy nghĩ vẩn vơ từ chuyện này sang chuyện khác . Những mừng vui, buồn giận, bực tức v.v ... cứ thay nhau đến rồi đi, thuận theo những dòng suy nghĩ mông lung đó . Như vậy ta sống mà không nắm được chủ quyền của tâm ý, ta sống trong quên lãng . Vậy bạn phải nắm lấy hơi thở, ý thức về hơi thở và theo dõi hơi thở của bạn . Thở và và thở ra, bạn biết là bạn thở vào hay thở ra và bạn mỉm cười để chứng tỏ bạn là bạn, bạn có chủ quyền trong bạn . Tôi xin cống hiến bài thi hệ này để bạn thực tập:




Quay về nương tựa,
Hải đảo tự thân .
Chánh niệm là Bụt,
Soi sáng xa gần .
Hơi thở là Pháp,
Bảo hộ thân tâm .
Năm uẩn là Tăng,
Phối hợp tinh cần .
Thở vào, thở ra,
Là hoa tươi mát .
Là núi vững vàng,
Nước tĩnh lặng chiếu .
Không gian thênh thang...

Thở vào bạn quán niệm thầm: "Quay về, thở ra nương tựẳ" cứ như vậy bạn thở vào thở ra theo dõi bài thi kệ cho đến hết . Thực tập một thời gian bạn sẽ thấy bạn có đức tin nơi chính bạn . Bạn là bạn, có sự tươi mát, vững vàng, tĩnh lặng và có không gian thênh thang . Bằng hơi thở có ý thức, bạn thiếp lập sự tỉnh thức trong giờ phút hiện tại . Thở và chỉ để ý đến hơi thở cùng bài thi kệ thôi, đó là bạn đã thiết lập được phương pháp tu chỉ, tức là sự định tâm . Hơi thở có ý thức giúp cho bạn khỏi phiêu lưu vào thế giới tạp niệm, nghĩa là thế giới của sự suy nghĩ miên man vớ vẩn . Phép tu này rất đơn giản, bạn có thể thực tập được . Tôi chấp hai tay lại thành búp sen, tôi chúc bạn thành công.



4. NIỀM VUI CỦA THIỀN TẬP

Bạn phải tự biết nuôi dưỡng bạn bằng thiền duyệt, nghĩa là bằng sự an vui của thiền tập, để trưởng thành và để có khả năng tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm của cuộc đời như: trúc tím, hoa vàng, mây trắng, trăng trong v.v ... là những biểu hiện mầu nhiệm của pháp thân . Khi ngồi dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, xa lánh cảnh náo nhiệt của thị thành, người bạn cảm thấy thoải mái và an lạc . Cảm giác thoải mái và an lạc này bạn cũng đạt được khi bạn xa lìa được những nhiễu nhương và phiền toái của cuộc sống quanh bạn . Mỗi cuối tuần xa lánh được thị thành náo nhiệt đầy phiền não và thoát được về miền quê, bạn cảm thấy vui mừng và thoải mái . Qua được một kỳ thi, bạn cảm thấy đã rũ bỏ được hết lo âu . Chấm dứt một ngày bận rộn, tắt được máy truyền hình, đốt lên một cây nhang cho thơm nhà, ngồi lại trong tư thế hoa sen bắt đầu thực tập nụ cười và hơi thở, bạn cảm thấy một niềm vui . Ðó là cảm giác của thiền tập đưa đến . Khi được nuôi dưỡng thường xuyên bằng thiền duyệt, bạn trở nên thoải mái dễ chịu, rộng lượng và từ bi . Vì vậy pháp lạc sẽ thấm sang những người bên cạnh . Có an lạc, bạn mới chia xẻ được sự an lạc với người khác và với các loài khác .




5. CÓ HIỂU MỚI THƯƠNG

Nhiều người cho rằng nếu không có thế lực và tiền bạc thì không thể thực hiện được lòng từ và lòng bi . Thật ra khi đã có nguồn suối từ bi, thanh bình, an lạc trong bạn, bạn có thể giúp cho nhiều người bớt khổ và đem lại cho họ rất nhiều hạnh phúc mà không cần đến tiên tài hay quyền thế . Mỗi một lời nói, một động tác hay một ý nghĩ của bạn cũng có thể làm cho người kia bớt khổ và có thêm hạnh phúc . Một lời nói có thể an ủi, có thể gây thêm niềm tin, có thể làm tiêu tan sự nghi ngờ, có thể hòa giải xung đột, có thể khai mở lối thoát cho người hoặc chỉ dẫn cho người con đường đi đến thành công và hạnh phúc . Một cử chỉ có thể làm được những công trình tương tự, có thể cứu được mạng người hay vật, có thể giúp người kia nắm lấy được cơ hội ngàn năm một thuở . Một ý nghĩ cũng thế, bởi vì ý nghĩ luôn luôn đưa đến lời nói và hành động . Có chất liệu từ bi trong tâm thì mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm của bạn đều có thể tạo nên phép lạ . Bởi vì hiểu biết là bản chất của tình thương, cho nên những lời nói và những hành động do tình thương phát động sẽ là những lời nói và hành động phù hợp với tình trạng và sẽ tránh được tình trạng "yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau", nghĩa là tình trạng muốn giúp mà vì vụng về chỉ làm cho người được thương thêm khổ . Bạn không thể không nhớ rằng Thương yêu là một với Hiểu biết .




6. CÁI NẦY CÓ VÌ CÁI KIA CÓ

Trong đời sống hàng ngày, ta có khuynh hướng nhận thức sự vật như những thực thể biệt lập với nhau và cái này nằm ngoài cái kia . Ví dụ một chiếc lá mà bạn thấy đang ve vẫy trên cành cây phia trược mặt . Bạn nghĩ chiếc lá ấy có mặt biệt lập với những chiếc lá khác, biệt lập với cành cây, thân cây, rễ cây, biệt lập với mây nước, đất trời . Kỳ thật chiếc lá ấy không thể có mặt ngoài sự có mặt của những thứ mà ta xem là biệt lập với chiếc lá . Chiếc lá ấy thực ra là một với các chiếc lá khác, là một với cành, thân và rễ cây, là một với đám mây, dòng nước, mặt đất, khí trời và ánh sáng . Thiếu một trong những thứ đó, chiếc lá không thể nào có mặt . Nhìn sâu vào chiếc lá, bạn thấy ngay sự có mặt của tất cả những thứ đó, chiếc lá và những thứ đó cùng có với nhau . Ðó là nguyên lý tương tức (interbeing) và tương nhập (interpenertration) mà kinh Hoa Nghiêm nói tới . Ðó là nguyên lý một là tất cả, tất cả là một cũng được nói tới trong kinh Hoa Nghiêm . Và đây là hình thức diễn đạt đầy đủ nhất của đạo lý duyên khởi . Sự vật không có mặt ngoài nhau, sự vật có mặt trong nhau và với nhau . Bởi lý do đó nên Bụt nói: "Cái nầy có vì cái kia có".



7. THỰC HÀNH THIỀN TRONG MỌI ÐỘNG TÁC
Hàng ngày bạn nên để thì giờ ra mà tọa thiền . Ngồi trên bồ đoàn, trong tư thế hoa sen gọi là kiết già, xếp bàn chân phải đặt lên bắp chân trái và bàn chân trái trên bắp chân phải, xương sống thẳng, đầu ngay ngắn, mắt nhìn xuống bàn tay trái để ngửa nằm trong lòng bàn tay phải . Ðây là một thế ngồi rất vững chãi và hùng mạnh . Những người mới tập sẽ thấy đau nhức trong thế ngồi này cho nên có thể ngồi kiểu bán già, nghĩa là bàn chân phải để lên bắp đùi trái, hoặc ngược lại . Sau một vài giờ bạn ngồi thiền trong tư thế kiết già, có thể đứng dây và đi kinh hành . Ði kinh hành là đi bách bộ trong thiền đường hoặc quanh thiền thất . Nếu ta tọa thiền chung với đại chúng, thì giờ kinh hành được qui định trước . Mọi người thong thả đi từng bước, mắt nhìn xuống phía trước, im lặng nối thành hàng đi nhiều vòng bên trong thiền đường, theo chiều hướng kim đồng hồ . Trong khi đi như thế, bạn vẫn có thể tiếp tục thiền quán . Sự xen kẽ kinh hành với tọa thiền làm cho máu chảy đều trong cơ thể, hai chân không bị tê nhức .

Nhưng không phải bạn chỉ thực hành thiền quán trong khi tọa thiền và đi kinh hành . Bạn có thể an trú trong thiền ngay những khi làm việc như vá áo, trồng rau, quét sân, rửa bát, lau nhà ... Nhiều vị thiền giả đạt được sự bừng sáng trong khi "chấp tác" công việc thường nhật như vậy . Thật ra bạn sẽ không thành công nếu không thực hành ngay trong các động tác hàng ngày kia . "Không có giác ngộ ngoài sự sống thường nhật" . Tôi nhớ câu chuyện giữa Bụt và lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo như sau:




- Nghe nói đạo Bụt là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Bụt thế nào ? Các ngài làm gì mỗi ngày ?

- Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ ....

- Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu . Ai lại không đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ .

- Ðặc biệt lắm chứ, thưa ngài . Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ . Còn những người khác đi, đứng, nằm, ngồi v.v ... thì họ không ý thức được là họ đang đi, đứng, nằm, ngồi...

Ðó bạn thấy được tầm quan trọng của nếp sống thiền tập trong các động tác hàng ngày chưa ?




8. BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

Khi bạn nghe nói rừng cây bệnh nhiều và chết nhiều, bạn lo lắng cho tình trạng môi sinh của ngày mai . Sự quan tâm ấy xuất phát từ ý thức về những gì xảy ra trong hiện tại và có thể trở nên động lực giúp bạn làm một cái gì để ngăn chận đà tàn phá của thiên nhiên . Tuy nhiên sự quan tâm có khác với sự lo lắng, nhất là sự lo lắng suông . Có thể vì sự lo lắng quá độ đó mà bạn không nhận ra được rằng vẫn còn rất nhiều cây cối xinh đẹp chung quanh bạn và mỗi khi mùa xuân hoặc mùa thu tới, cảnh tượng thiên nhiên lại trở nên huy hoàng rực rỡ . Bạn phải biết thưởng thức sự có mặt của những cây cối còn khỏe mạnh và xinh đẹp, bạn phải thấy sự có mặt của chúng là quí báu thì bạn mới thực sự quyết tâm bảo vệ chúng, không để cho chúng lần lượt ra đi . Sự lo lắng suông chỉ có thể gây tàn hại bạn mà không giúp bạn làm được gì để cải thiện tình trạng .




9. TIẾP XÚC VỚI SỰ SỐNG

Bí quyết của thiền tập là trở về an trú trong giờ phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống . Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, vì quá khứ đã không còn và tương lai thì chưa đến . Bụt, giải thoát, giác ngộ, an lạc và hạnh phúc chỉ có thể được tìm thấy trong hiện tại, vì vậy nơi hẹn của bạn với Bụt, với giải thoát, với an lạc là giờ phút hiện tại . Nếu bạn bước được những bước chân thảnh thơi, ăn cơm im lặng trong hạnh phúc, uống trà có ý thức, ngắm hoa hồng với tâm vô ưu, miệng nở nụ cười hàm tiếu và lòng cảm thấy an lạc thì là bạn đang tiếp xúc với Bụt trong tự tâm bạn . Bạn là Bụt trong lúc đó . Ðiều này có phải do tôi nói đâu, chính Bụt Thích Ca đã nói: "Tất cả các bạn đều có khả năng thành Bụt" Và Thường Bất Khinh Bồ Tát nói: "Tôi không dám khinh các bạn vì các bạn đều sẽ thành Bụt tương lai".
Vì vậy bạn đừng mặc cảm là bạn không thể thành Bụt.



10. QUÁN CHIẾU SỰ VẬT

Quán chiếu sự sống trong giây phút hiện tại, bạn tiếp xúc với sự vật, vì vậy bạn thấy được tính chất vô thường và vô ngã của sự vật . Vô thường và vô ngã không phải là tính chất tiêu cực của sự sống mà chính là nền tảng của sự sống . Vô thường là sự chuyển biến liên tục . Nếu không có vô thường thì không có sự sống . Vô ngã là nguyên lý tương quan, tương duyên giữa sự vật . Nếu không có sự tương quan, tương duyên ấy thì không có một sự vật nào có thể có mặt . Ví dụ không có mặt trời, đám mây, đất cát ... thì không thể có một đóa thược dược .

Bạn thường than thở rằng đời là vô thường, vô ngã, quên rằng nếu không có vô thường và vô ngã thì không có sự sống, không có cuộc đời . Nhận thức về vô thường và vô ngã không làm tiêu tan niềm vui sống mà còn đem lại cho bạn niềm vui sống có tính cách lành mạnh, vững chãi và thảnh thơi .

Chính vì không thấy được tính cách vô thường và vô ngã của sự vật cho nên con người mới đau khổ . Cho là thường những cái vô thường, cho là ngã những cái vô ngã, đó là nguồn gốc chính của mọi đau khổ . Khi nhìn sâu vào một đóa hoa hồng bạn có thể thấy rõ tính cách vô thường của nó . Tuy nhiên, bạn vẫn thấy được cái đẹp của đóa hoa hồng và vẫn có thể trân quý đóa hoa hồng . Có thể là bạn còn thấy đóa hoa hồng đẹp hơn nữa và trân quý đóa hoa hồng nhiều hơn nữa, chỉ vì bạn thấy được tính vô thường mong manh của nó .

Thật ra đối với nhiều người, hiện tượng càng mong manh thì càng đẹp và càng được trân quý như một chiếc cầu vòng, một cảnh mặt trời lặn, một đóa hoa quỳnh nở về đêm, một ngôi sao băng, một ly nước trong, một cơn gió mát, một tiếng chim hót, một bước chân thảnh thơi ... tất cả đều là những điều mầu nhiệm, tuy là vô thường và vô ngã .




11. GIẢI THOÁT VÀ AN LẠC

Hành trì thiền quán là để đạt tới giải thoát và an lạc . Giải thoát và an lạc là hai yếu tố liên hệ mật thiết với nhau: có giải thoát thì có an lạc, giải thoát càng lớn thì an lạc càng lớn . Nhưng giải thoát và an lạc không phải là những gì xa vời mà bạn chỉ có thể đạt được sau một thời gian thực tập lâu dài như mười năm, hai mươi năm hay ba mươi năm . Thực tập thiền quán, bạn có thể đạt tới giải thoát và an lạc ngay trong giờ phút bạn đang thực tập, dù mức độ giải thoát và an lạc còn chỉ là khiêm nhượng . Tuy khiêm nhượng nhưng những yếu tố giải thoát và an lạc ấy là nền tảng cho những giải thoát và an lạc lớn lao .

Thực tập thiền quán là tập quán sát để thấy và hiểu sâu được vào lòng sự vật . Nhờ cái thấy và cái hiểu đó mà bạn đạt tới giải thoát và an lạc . Những giận hờn, lo lắng và sợ hãi của bạn chẳng hạn đều đang làm cho bạn khổ đau . Muốn giải thoát khỏi chúng, bạn phải quán sát bản chất của chúng . Bản chất của chúng đều là sự u mê . Tên nó là vô minh . Tên nó là mờ ám . Tên nó là sự thiếu sáng suốt . Chìa khoát của giải thoát vì vậy là sự đập tan u mê, là thể nhập vào lòng của thực tại để có một cái biết trực tiếp và chân thực về thực tại . Cái biết này không phải là cái biết của tri thức suy luận . Cái biết này phải là cái biết trực tiếp của kinh nghiệm, của thực chứng . Ví dụ khi ta hiểu lầm một người bạn chẳng hạn, ta giận hờn và vì giận hờn ta khổ đau . Quán sát thực tại cho sâu sắc, bạn đánh tan được sự hiểu lầm đó và những khổ đau của bạn ta biến . Bạn tức khắc có sự an lạc và giải thoát .




12. TIẾP XÚC VỚI NHỮNG GÌ MẦU NHIỆM

Bạn phải có khả năng tiếp xúc với những gì mầu nhiệm và an lạc trên thế gian và thừa hưởng những thứ ấy . Nếu bạn không có khả năng tiếp xúc và thừa hưởng thì những mầu nhiệm và an lạc kia dù có mặt cũng không có ích lợi gì . Bạn phải có khả năng tiếp xúc với bông hoa, em bé, trời xanh, mây trắng, trăng trong, dòng sông, tiếng chim ca, ly nước mát, nhành liễu rủ . Bạn phải dạy cho các em bé biết thưởng thức những mầu nhiệm và quý báu có mặt trong sự sống . Biết thưởng thức, bạn sẽ bảo vệ những gì mầu nhiện và quý báu ấy . Ðó chính là công tác căn bản để bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho bạn, cho con cháu bạn và cho mọi người và mọi loài khác nữa .





13. MẮT THƯƠNG NHÌN CUỘC ÐỜI

Bạn nên lấy con mắt từ bi mà nhìn mọi người và mọi loài . Khi mà bạn có cái nhìn cởi mở, bao dung và rộng lượng thì tâm bạn nở ra như một đoá hoa và bạn là nguồn suối mát cho mọi người và mọi loài nhờ . Con mắt từ bi là con mắt hiểu biết . Từ bi là nước ngọt chảy từ nguồn hiểu biết . Không có hiểu biết thì không có từ bi và hễ có từ bì tức là đã có hiểu biết.Từ bi quán không thể tách rời nhân duyên quán . Nếu tôi đã được sinh ra trong hoàn cảnh của một kẻ cướp biển . Con người của một kẻ hải tặc đã được đúc kết nên bởi nhiều nhân duyên thuận lợi cho việc trở thành hải tặc . Trách nhiệm ấy là trách nhiệm chung của xã hội loài người . Khuya hôm nay, hàng trăm trẻ em đã chào đời bênh vịnh Xiêm La . Những em bé sơ sinh khuya nay, mười mấy năm sau có thể trở nên hải tặc, nếu những nhà giáo dục, những nhà chánh trị, những nhà kinh tế và những kẻ có lòng ngày hôm nay không làm một cái gì hết để ngăn ngừa . Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm ít nhiều trong sự có mặt của những người hải tặc .

Quán nhân duyên để có cái nhìn bằng con mắt từ bi và để thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình trong công cuộc ngăn chận khổ đau . Bồ Tát Quán Thế Âm vì thấy cho nên mới thương và vì thương cho nên mới hành động . Mắt thương nhìn cuộc đời, chỉ một câu ấy thôi cũng đủ cho chúng ta thực tập suốt đời . Hãy tập nhìn bằng con mắt từ bi, nghĩa là con mắt hiểu biết .




Thức dậy mỉm miệng cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi .
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đờị



14. TƯƠNG LAI ÐƯỢC LÀM BẰNG HIỆN TẠI

Bạn có biết rằng trong hiện tại mà có lòng thương, có hạnh phúc như thế thì trong tương lai nhất định bạn sẽ có hạnh phúc . Bởi vì tương lai được làm bằng hiện tại . Dù bạn có cực khổ cách mấy mà trong hiện tại bạn không có hạnh phúc thì tương lai bạn cũng không có hạnh phúc đâu, lý do là tương lai được làm bằng chất liệu hiện tại .

Ngày hôm nay néu bạn mỉm cười được, thảnh thơi được, an trú trong hiện tại, vui hưởng được từng bước chân, từng tách trà và từng nụ cười thì cái vốn liếng hạnh phúc ngày hôm nay sẽ làm ra cái vốn liếng cho ngày mai . Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ý tưởng là hôm nay phải cực khổ, ngày mai mới có thể sung sướng . Ví như câu ca dao:




Rủ nhau đi cấy đi cày,
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu .
Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừạ

Hôm nay khó nhọc, ngày mai mới có thiên đường của hạnh phúc . Không chắc lắm đâu . Tôi thấy hai câu sau có chân lý hơn nhiều và đẹp hơn hai câu đầu . Hai câu ấy cho thấy rằng làm việc chung có đủ vợ, chồng và con trâu là vui biết mấy . Cùng đồng tâm làm việc, đó là hạnh phúc rồi, đâu cần ngày mai ngày mốt gì nữa . Nếu đã đồng tâm làm việc thì trong hạnh phúc hôm nay, hiện tại thì tương lai dĩ nhiên được làm bằng hạnh phúc .




15. TIẾP XÚC VỚI TRỜI XANH

Cách đây chừng ba mươi sáu năm lúc còn dạy ở trường Phật học Ấn Quang, tôi có đọc một cuốn sách tiểu thuyết bằng tiếng Pháp của Albert Camus tựa là Người Xa Lạ [i](L'étranger{/i] . Cuốn sách đó đã làm tôi giật mình . Trong ấy tác giả thuật chuyện một tù nhân vì phạm tội giết người trong con giận dữ nên đã bị lênán tử hình . Anh tên là Meursault . Chỉ còn ba ngày nữa thì anh bị đem ra máy chém . Chuyện xảy ra ở Algérie . Anh Meursault là một người da trắng sinh ở Algérie . Nằm trong phòng giam không có cửa sổ, ngước nhìn lên phía trên trần nhà anh thấy có một khung kính vuông . Buổi sáng đó không biết nhờ phúc duyên gì mà anh tiếp xúc được với trời xanh . Trời xanh ở đây chỉ là một mảnh trời vuông thấy qua một khung cửa kính nhỏ . Bỗng nhiên tiếp xúc được với trời xanh, anh ta sung sướng vô cùng . Ðây là lần đầu tiên anh ta tiếp xúc được với trời xanh . Có nghĩa là trong bốn mươi năm của cuộc sống, anh chưa bao giờ thực sự nhìn trời và tiếp xúc được với bầu trời . Vô lý, một con người đã bốn mươi tuổi mà làm sao chưa thấy trời xanh ... Ðiều đó tuy nhiên có thật . Chúng ta tuy có nhìn thấy nhưng không tiếp xúc .

Khi tôi viết cuốn Bông Hồng Cài Áo, tôi có nói rằng: một con người ba mươi tuổi hay bốn mươi tuổi sống bên mẹ cả đời mà không hẳn đã tiếp xúc được với mẹ . Mỗi ngày đều gặp mẹ, nhỏ xin tiền mẹ ăn quà, lớn thì ăn cơm mẹ nấu, nhờ mẹ làm chuyện này chuyện kia nhưng chưa bao giờ thực sự tiếp xúc với mẹ cả để thấy sự quý giá vô cùng của mẹ . Ở đây cũng vậy . Trời xanh là cha mình . Vậy mà tuy sống có bốn mươi năm dưới vòm trời bao la đó, nhưng anh ta chưa bao giờ tiếp xúc được với trời thật sự . Giờ phút tiếp xúc được với trời xanh, anh ta sung sướng vô cùng . Không biết anh ta có tập thở hay không mà vẫn biết tiếp tục nuôi dưỡng ý thức tiếp xúc đó . Anh ta ý thức rằng anh ta là một con người đang sống, anh ta cảm thấy lần đầu tiên mình là một cái gì đang sống . Mà phép lạ đó hiển hiện chỉ nhờ anh tiếp xúc được với trời xanh . Và anh ta nguyện rằng trong ba ngày còn sót lại của đời anh, anh sẽ sống những giây phút thật sâu sắc . Cái khung trời xanh bé nhỏ kia đã cứu anh . Nó làm cho anh từ một người chết trở nên một người sống .

Bạn nên thực tập tiếp xúc với những gì mầu nhiệm ấy, để luôn sống trong tỉnh thức, trong vui tươị-
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân