TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TRÚNG TÀ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TRÚNG TÀ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2437

Bài gửiGửi: Fri Feb 15, 2008 5:33 am    Tiêu đề: TRÚNG TÀ - (MINH THÀNH)




TRÚNG TÀ

MINH THÀNH

"Bịnh chi kỳ lạ quá chừng
Bụng kia sình chướng, nhà thương chạy dài.
Bịnh tà, bùa ngải tới lui
Ðủ thầy, đủ thuốc, bịnh thời nặng thêm.
Bịnh nhân tắt thở, chẳng êm
Bụng, hàng chữ đỏ, nổi liền lạ thay.
Chữ gì, mời đủ các thày
Không hề đọc được, chữ rày Cõi Âm.
Thế là bí mật lặng câm
Mang theo thông điệp cõi trần mù khơi"


Ông Ðảnh còn khỏe mạnh, đang làm rẫy, thì ngã bịnh bất thình lình. Ông nằm trên giường, mê man, bất tỉnh đã mấy hôm nay. Bịnh ông thật kỳ lạ. Bụng bị trướng ra. Ê ẩm, mệt mỏi vô cùng. Người nhà vội vàng đưa ông xuống Bịnh Viện Phan Rang để điều trị. Các Bác Sĩ sau khi khám kỹ lưỡng và làm mọi xét nghiệm về máu. Họ không tìm ra bịnh gì nơi ông. Gan, tụy tạng, lá lách, tim, phổi, thận, bao tử, ruột, lục phủ ngũ tạng đều bình thường. Không có dấu hiệu bộ phận nào trong cơ thể bịnh nhân bị tổn hại. Các chuyên gia y tế tại đây không hiểu rõ nguyên do gì gây nên bụng ông sình chương bính chướng như Trư Bát Giới hay Ðường Tam Tạng sau khi uống nước sông Nữ quốc xứ Tây Lương trong hành trình đi thỉnh kinh ở Tây Phương, bị mang bầu. Họ chịu thua. Họ đầu hàng, không thể điều trị lành bệnh cho ông được. Ông Ðảnh càng ngày càng xanh xao vàng vọt. Ông bỏ ăn, bỏ uống mấy hôm liền. Bịnh nhân coi mòi sắp về chầu Diêm Chúa hay Ngọc Hoàng Thượng Ðế nay mai. Họ hối thúc người thân đưa bịnh nhân về nhà để lo hậu sự.

Sau khi Tây y đã chạy làng, đầu hàng vô điều kiện, ông Ðảnh được vợ, bà Cúc, đem về nhà ở Phước Khánh. Bà tiếp tục chạy chữa cho chồng, cho trọn đạo phu thê, trọn nghĩa tao khang, tấm cám, trọn duyên kiếp Ba Sinh Hương Lửa. Hai vợ chồng thành hôn với nhau đã lâu mà chưa có mụn con nào để nối dõi tông đường. Một mình bà lo đủ thứ khi chồng ngã bịnh hiểm nghèo. Bà mệt đừ, muốn bá thở cào cào. Tuy nhiên. còn nước, còn tát. Bà con mách bảo gì bà làm theo cái nấy. Không hề tiếc tiền tiếc công sức, để lo chữa chạy cho phu quân mới cán mức "Tam thập nhi lập" cộng thêm ba niên. Nên bà vội vàng mời Thầy Pháp chữa trị xem sao khi thuốc bắc, thuốc nam do người quen chỉ vẽ, đều đã mua dùng hết mà bịnh càng ngày, càng trầm trọng thêm. Nguy kịch quá rồi, trời ạ! Nhưng, ông thầy Pháp lừng danh, cao tay ấn, có bùa ngải và thầy từng chu du tầm sư học đạo pháp, phù thủy tận bên Lào, về hành nghề lâu nay. Thầy Hai Pháp Sư danh tiếng cả Phan Rang và vùng phụ cận, chữa trị mãi mà bịnh tình của ông Ðảnh không bớt chút nào. Ông ta vẫn sình lên, xẹp xuống. Bụng ông, cuối cùng, bị trướng to như cái thúng, như cái trống chầu. Bụng phình to, u ra, nhô cao như bụng chửa của phụ nữ, sắp sửa khai hoa, nở nhụy. Bùa ngải, thuốc thang của thầy Pháp vô công hiệu. Sau cùng, Thầy Hai, Pháp Sư Ðạo Long, Phan Rang, đành đầu hàng vô điều kiện. Thầy đã chiến đấu với yêu đạo, tà ma, quỷ quái, thần linh mấy hôm liền,. Tuy nhiên, lực lượng của Ma Vương Quỷ Sứ quá ư hùng hậu. Bây giờ, ba mươi sáu kế "Vi tẩu là thượng sách". Tốt nhất là cuốn gói, ô rờ lui, cái ót là chắc ăn như bắp. Vì cứ kéo dài thêm thì đổ nợ ra. Bịnh nhân cứ hôn mê, không ăn uống chi được. Người nhà phải cậy miệng đổ nước cháo gạo ran để bịnh nhân cầm hơi thoi thóp.

Bà Cúc đã hết lòng chạy chữa đủ thầy, đủ thuốc cho lang quân. Nào Tây Y, Ðông y, thuốc Nam, thuốc ngoại khoa. Ngoài ra, bà còn thỉnh mời các sư tụng kinh cầu an cho chồng. Thầy pháp chữa trị tà mà, bị tru ếm bằng roi cá đuối, bùa ngải, cầu tổ khu trục tà mà ám hại bịnh nhân. Tất cả đều vô hiệu quả. Bịnh nhân cứ nằm trên giường bất động, hơi thở yếu dần, thoi thóp. Mắt nhắm nghiền, hôn mê bất tỉnh liên tu bất tận. Chỉ chờ tắt thở về Âm Cảnh, chờ quỷ vô thương đến rước đi Ðịa Phủ.

Thế là phải chịu cảnh hao tài tốn của. Tiền mất tật mang. Hai ông bà ưng nhau gần mười nay mà không có con cái. Có người xấu miệng nói rằng:

"Cây độc không trái, gái độc không con"

Hay là

"Gái nân, nên chẳng sinh con
Làm sao nối dõi tông đường được đây?
Cho chồng cưới thiếp, họa may
Sinh con, đẻ cháu nhà này sẽ vui."


Thật ra, bà Cúc rất hiền lành và tốt bụng. Chẳng may lang quân bịnh càng ngày, càng trầm trọng, nan y. Bịnh tà ma yêu quái hãm hại hay thần linh quở phạt gì đó. Ông cứ bất tỉnh hôn mê. Mấy hôm sau thì ông trút hơi thở cuối cùng. Kỳ lạ làm sao! Trên bụng căng tròn như Trư Bát Giới của ông, nổi hai hàng chữ đỏ như son. Những con chữ vừa phải thật là kỳ dị. Bà cứ khóc lóc thảm thiết. Lúc bấy giờ, ông Bộ Tổng, một nhà giáo chuyên dạy chữ Nho trong làng, được khổ chủ mời đến xem hộ ý nghĩa của những con chữ lạ lùng, quái dị đó. Hình như là thông điệp của Thần Linh gửi cho gia đình nạn nhân vậy. Ông Thầy Ðồ uyên bác nhất trong vùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột:

- Ðây không phải chữ Nho, chữ Tàu. Loại chữ gì mà trông kỳ dị quá. Tuồng chữ viết hao hao giồng chữ Chàm, chữ Miên, chữ Lào gì đó.

Thế là Thầy Pháp học bên Lào hay Cao Mên, được mời đến xem thử. Ông ta coi rất kỹ, nhưng không hiểu gì cả. Vị Pháp Sư từng quen thuộc những con chữ loăng quăng trên bùa ngải đã khẳng định với khổ chủ, chắc chắn như ăn bắp, như sau:

- Ông nhà rõ mười mươi là bị bịnh tà. Ông bị ma quỷ ám rồi. Hay là bị Thần, Thánh trừng phạt gì đây. Có lẽ đây là thông điệp của Cõi Âm chăng?

Thật ra, cách đây sáu tháng, Ông Ðảnh có cuốc, xúc, đào xới, sửa sang lại khu rẫy. Khu đất này nằm cách nhà ông khoảng một trăm mét, xuôi về hướng Ðông Nam. Miếng rẫy nằm gần những ngôi mộ. Những gò mả này nằm sát bờ ranh, gần đường mương dẫn nước vào rẫy và ruộng lúa. Nghe nói, trong lúc ông đào đất chuyển sỏi đá để trồng cây thì phát hiện một hũ vàng. Vàng do người Chàm chôn giấu ngày trước. Có lẽ như thế. Ông lấy vàng, nhưng không cúng tạ kẻ khuất mặt. Có lẽ thần giữ của người Chiêm Thành, đã bắt tội ông. Ðây là đất đai thuộc về người Chàm. Họ là con cháu của Chế Mân, Chế Bồng Nga, của Nữ Thánh Ni Na, một công chúa kiều diễm của vương quốc Champa xa xưa. Sau đó, ông ngã bịnh thình lình và thuốc men gì cũng không trị hết bịnh kỳ lạ của ông, như đã kể ở đoạn trên. Vì vậy, dân làng đã đồn ông bị trúng tà, bị Thần Linh coi giữ vàng, bắt tội vì ông lấy vàng của chủ nhân Chiêm Thành, đã ếm, đã ký gửi. Không biết sự thực như thế nào. Không rõ lời đồn đại trên có đúng không. Chỉ còn mong đọc được thông điệp viết bằng những con chữ quái dị nổi trên da bụng phình trướng như Trư Bát Giới, chữ ngoằn ngoèo đỏ lòm, trông quái dị, khủng khiếp, lạ lùng hết nói. Những con chữ ma quái hay chữ viết của nước nào trên thế giới, chưa rõ. Người nhà còn mời khách đến xem.

"Nạn nhân, đồn đại được vàng
Của thì giữ lấy, đèn nhang cúng Thần.
Chẳng tạ lễ vật đền ân
Cho nên bị quở, tội nhân chết liền.
Thông điệp trên bụng nổi lên
Báo cho khổ chủ oan khiêng tội đồ.
Tuy nhiên chữ víết mịt mờ
Chữ gì lạ hoắc mù mờ Cõi Âm"


Sau đó gia đình cho người đi mời một vài Thày Chang, thầy Xế ở làng Chàm Văn Lâm và Hữu Ðức đến đọc thử để biết nội dung những con chữ đỏ lòm quỷ quái này. Tuy nhiên, không ai đọc được và họ tuyên bố:

- Ðây không phải chữ viết Chiêm Thành. Có lẽ chữ Phạn hay chữ Ấn Ðộ gì đó.

Thế là gia đình buồn bã thất vọng vô cùng. Tuy nhiên, còn nước, còn tát. Người nhà lại xuống Phan Rang mời anh Bẩy Ca Ri nòi trăm phần trăm xứ Bom Bay Ấn Ðộ, lên làng Phước Khánh, nhờ đọc xem tuồng chữ nói gì trên bụng kẻ xấu số, bị Thần Linh hốt hồn hốt vía, mất tiêu. "Anh Bẩy đen, chứ đồng bạc anh Bẩy, không đen chút nào, em ơi!" Anh ta có tiệm bán vải trước Trường Nam Tiểu Học Phan Rang. Anh ta xem xong lắc đầu ngoay ngoảy. Anh ta trả lời gia chủ giọng lơ lớ:

- Chư này không phai chũ nước toi. Rat tiec toi không hieu chi ca.

Thế là thông điệp của Thần linh, bí mật, vẫn mang theo người chết xuống suối vàng.

"Chữ này thông điệp lạ lùng,
Chữ Chàm không phải, cũng không Hán, Tàu,
Ấn Ðộ, Phạn ngữ mịt mù
Nạn nhân bí mật, mang vào Cõi Âm".


Thế là ông Ðảnh đã giã từ cuộc đời ở tuổi còn dồi dào sức lực "Sức khỏe bẻ gẫy sừng trâu". Ông vốn là nông dân chơn chất, mộc mạc, cần cù lao động siêng năng. Một người hiền lành tốt bụng. Bí mật của bức thông điệp ghi trên bụng nạn nhân đã mang theo cùng với tấm thân tứ đại vô thường giả tạm của ông Ðảnh về Miền Âm Phủ xa tít ngút ngàn âm khơi diệu vợi. Không biết có phải ông bị bỏ mạng vì bị trúng tà hay không. Có phải nạn nhân do Thần gìn giữ hũ vàng của người chủ Chiêm Thành bắt chết đền mạng hay không. Không ai xác nhận, xác định rõ ràng cả. Tuy nhiên, có nhiều người trong làng tỏ ra tiếc thương ông Ðảnh. Họ đến viếng thăm, chia buồn bà quả phụ còn trẻ, chưa có con cái. Ông Ðảnh nổi tíếng gan dạ một thời. Ông vốn tu hạnh ban vui, hay làm phước, bố thí, cúng dường. Ông hay giúp đỡ những người khốn khổ, bần cùng. Những người neo đơn trong làng, dù gia đình ông không phải giàu có gì. Ai cần gì ông, hễ có điều kiện, có khả năng, là ông giúp đỡ ngay. Những em nào trong vùng học giỏi, chăm ngoan, hạnh kiểm tốt, hiếu dạo với cha mẹ, ông bà, là ông hết lời khen tặng, khuyến khích, tặng quà, dù ít dù nhiều. Ngoài ra, những con cháu trong nhà, trong dòng họ, bà con, em nào học giỏi, một mực kính yêu ông bà, song thân, anh chị em trong gia đình, ông cũng khen tặng, tưởng thưởng khích lệ như trên. Ông Ðảnh nổi danh nhất là việc gìn giữ an ninh trật tự trong làng xóm. Ông có chút võ nghệ phòng thân. Ông đã góp công sức bắt được tên trộm viếng làng Phước Khánh đêm hôm đó.

"Người hùng võ nghệ cũng chì
Ra tay góp sức trộm kia chạy dài.
Bị rơi vào bẫy ruộng ngoài
Võ sư nhị vị, hạ thời, tóm ngay.
Trói gô tội phạm tức thời
Nhà làng chuyển đến, dân coi lu bù."


Thật vậy, một đêm nọ, một tên ăn trộm, cư ngụ ở xóm bên kia sông, đã tới viếng làng Phước Khánh thình lình. Y đột kích một nhà dân ở xóm giữa. Ðó là một ngôi nhà ngói, nền cao ráo, lót gạch. Tên hắc đạo, cậy, giở gạch thẻ, đào xuyên qua cửa cái, lẻn vào nhà trộm đồ của khổ chủ. Y xông thuốc mê, làm mê man những người trong nhà. Họ ngủ say sưa, không hề hay biết gì cả. Có lẽ tên trộm, không lấy được gì quý giá, nên lập tức chuồn êm. Tiền bạc, nữ trang, gia chủ giấu kín quá cỡ. Y không tìm ra được gì có giá trị. Không sơ múi gì cả. Y liền chui ra ngoài, rời khỏi hiên và lẻn vào một nhà dân khác nằm gần giáp ranh làng Thuôn, Thuận Hòa. Chẳng may, gia chủ thức dậy, kịp thời phát hiện hắc đạo đang thăm viếng nhà mình lúc nửa đêm. Thế là họ hoảng hốt la to lên:

- Ăn trộm! Ăn Trộm! Bớ làng nước, bà con, cô bác ơi! Ăn trộm! Ăn trộm!

Tên trộm kinh hãi chạy vội ra hướng Ðình Làng nằm cạnh gốc cây Bàng to cao ở đầu làng, gần ven bờ Sông Dinh. Y định lội nước bơi qua sông chạy về nhà ở Sông Cạn, Mỹ Ðức để thoát thân phi tang. Lúc bấy giờ, ông Ðảnh đã thức giấc vì nghe tiếng truy hô cầu cứu của khổ chủ nhà cũng gần đấy thôi. Ông vội vã tung cửa chạy ra sân. Trong bóng đêm, ánh trăng lưỡi liềm nhờ nhờ và vài vì sao còn thức khuya lấp lánh, ông thoáng thấy có bóng người chạy qua đường. Ông liền cầm gậy phóng nhanh ra con lộ dẫn lên hướng Ðình Làng và bờ sông. Ông đón đầu, chận lại tên hắc đạo đang cố tẩu thoát. Thấy có người cao to, với chiếc côn trong tay, đứng đón đường mình, y vội quay người lại, chạy một mạch ra hướng ruộng lúa trải dài bao la, bát ngát, phía trước làng. Ông Ðảnh liền chạy đuổi theo, nhưng không kịp vì hắn chạy quá lẹ. Y nhắm hướng Sông Quao sải dài như gió. Ông Ðảnh liền hô to:

- Trộm! Ăn trộm! Ối làng nước ôi! Trộm! Ăn trộm! Ối bà con ôi! Bắt lấy nó! Trộm!

Tiếng ông ấm tròn và rền vang trong đêm trường thanh vắng. Lúc đó, tên đạo chích không còn lối thoát ngõ hậu. Chỉ có một hướng duy nhất hy vọng trốn được là chạy về phía đằng trước mặt mình. Thế thôi. Không còn cách lựa chọn nào khác hơn.

"Ba mươi sáu kế, vi tẩu thượng sách.
Chạy về phía trước mặt, thật chắc ăn.
Con Sông Quao đưới ánh trăng mờ nhạt.
Kẻ trộm kia lật đật sải vội vàng"


Y cầu may qua được con sông nước cạn này. Dòng sông nho nhỏ, chuyên thả trồng rau muống của dân địa phương. Sông không sâu lắm. Từ đó, y sẽ nương về hướng làng Long Bình hay Bình Quý để lẩn trốn thoát nạn. Tuy nhiên, chẳng may cho tên trộm đêm hôm đó là phía trước mặt y có hai người đàn ông chăn vịt. Họ đang chuẩn bị "Welcome him warmly", trời ạ. Họ đang ngủ trong chòi giữ vịt bên sông, thì nghe tiếng la ăn trộm vang cả một góc cánh đồng ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, vì mùa gặt mới xong. Họ cho vịt ăn lúa trong ruộng tại khu vực này. Thật là xui xẻo cho y. Tại đây có những lùm tre rậm rạp, màu xám xịt lịm mình trong bóng đêm bao trùm cảnh vật. Tâm cảnh tại đấy thật vắng vẻ, thê lương, quạnh hiu hết nói. Gió thổi vi vu. Ánh trăng hạ tuần soi nhờ nhờ, vàng úa, trên cánh đồng ruộng mênh mông bát ngát. Họ nhận ra một bóng người đang chạy thoăn thoắt. Họ biết là ai rồi. Thế là tên trộm bị hai tay võ sư Bình Ðịnh chăn vịt chận đánh tơi tả hoa lá cành. Một trận đánh thừa chết, thiếu sống. Dù có võ công phòng thân. nhưng y chống trả bằng tay không. Trong lúc hai võ sĩ kia chơi bằng sào chăn vịt. Y bị vỡ lưng, tét thịt, trầy da, lủng nhiều lỗ sâu hoắm trên thân người trên trán, má, mặt mày và tay chân. Y thật khỏe, có thể cầm cự, đương đầu khá lâu với hai võ sư. Sau cùng, thì kiệt sức. Họ trói y và khiêng về làng. Sáng hôm sau, dân chúng hiều kỳ đến nhà làng xem dung mạo của hùm thiêng bị sa lưới. Họ trói gô y và đặt y nằm ở một góc sân trong khuôn viên nhà việc. Thiên hạ bu quanh coi y. Có người nhận diện y là người ở bên kia sông, vùng Mỹ Ðức Sông cạn. Tội nghiệp cho một tên đạo chích bị sa cơ thầt thế, bị sa chân sảy bước vào lưới pháp luật. Làm trò cười mỉa mai, bàn tán, xì xào khinh ghét của thiên hạ. Trông y thật thê thảm tang thương hết nói.

Thành thật mà nói, ông Ðảnh đã góp công lớn trong việc bắt được tên trộm. Nhờ ông đứng thủ thế có cầm côn trong tay, chận đường rút lui, tháo chạy về phía Ngôi Ðình làng và hướng bờ sông, nên y cùng đường, bí lối phải tháo chạy về ngã đồng ruộng. Ông bắt buộc y cuối cùng phải lọt vào ổ phục kích của hai võ sư chăn vịt. Họ đã đánh gục ngã y. Ðánh một trận dữ dội, nặng nề, khủng khiếp. Y bị thương tích trầm trọng đầy người, suýt bỏ mạng sa trường tại chỗ.

Bây giờ người hùng Phước Khánh đã ngao du trong gió nội, mây ngàn. Ðã về Âm Cảnh. Thiên hạ quả quyết là ông Ðảnh bị trúng tà. Bị thần linh quở phạt. Bị quỷ ám, ma nhập. Dân làng nghi ông nhặt được hũ vàng mà không cúng tạ, nên bị thần giữ cửa Chiêâm Thành quở phạt, trừng trị đích đáng. Không biết tin này có đúng không. Bà Cúc thương chồng vô cùng. Bà cứ khóc than thảm thiết, sầu muộn khôn khuây. Bà mời các sư ở chùa làm lễ cầu siêu trong đám tang của chồng. Làm lễ bẩy ngày và bẩy thất bốn mươi chín ngày, rồi một trăm ngày. Lễ cầu siêu thật trai tịnh, nghiêm trang chu đáo.

Có điều để đánh tan lời đồn vô căn cứ nói trên, bà Cúc đã khẳng định với bà con dòng họ sau đó là ông Ðảnh không hề tìm thấy hũ vàng nào cả. Ðó chỉ là sự nghi ngờ, phỏng đoán vu vơ của bàng quan thiên hạ. Lúc đó, bà Cúc còn trẻ và hương sắc còn mặn mà. Về sau, có những gã sồn sồn, những đàn ông góa vợ, mến mộ dung nhan của người sương phu trẻ trung, còn duyên dáng. Họ cứ theo tán tỉnh, đề nghị bà cùng sóng bước trong quãng đời còn lại. Nhưng bà đều từ chồi, ở vậy thờ chồng cho đến trọn đời. Không bao lâu, bà Cúc đã xuất gia tu hành, nương nhờ chốn Phật Tiền muối dưa chay tịnh, trường trai. Bà sửa sang nhà cửa thành lập ngôi chùa tư tại ngay đầu làng Phước Khánh gần giáp ranh làng Thuôn / Thuận Hòa nói trên. Bà tu hành cho đến cuối đời. Bà thường tu hạnh ban vui, phóng sanh, chuyên làm phước, cứu người, hay giúp đỡ kẻ nghèo khổ, tật nguyền, kẻ neo đơn, côi cút. Bà cũng chuyên tu trì hạnh bao dung, nhẫn nhục để nuôi dưỡng tình thương và từ, bi, hỷ, xả. Bà thường nuôi một số cháu gọi bà bằng cô khi mẹ chúng mất sớm. Gia đình em ruột của bà nghèo khổ, thiếu ăn, đông con. Gà trống nuôi con thơ dại mà.

Ngôi chùa của bà Cúc còn đất trống. Bà trồng trầu, cau, chuối, dừa, và các cây ăn quả khác, để dâng cúng dường chư Phật và cải thiện trong cuộc sống đạm bạc của chốn Thìền Môn. Bà cũng làm tương chao để cúng chay và dùng hằng ngày với cơm rau, dưa muối đắp đổí qua ngày đoạn tháng trong cõi trần ô giả tạm vô thường, ngũ trượt ác thế. Cõi Ta Bà đầy khổ đau và hệ lụy này. Bà Cúc an vui thanh thản tâm hồn, tu hành và hủ hỷ săn sóc che chở, chu cấp các cháu hằng ngày.

"Muối dưa đã bén mùi Thiền
Nương nhờ Cửa Phật nhiều niên đã lề.
An nhiên, tự tại, đi về
Tâm hồn thanh thản, sớm khuya tu hành.
Niết Bàn Trần Tục tươi xanh
Câu kinh lời kệ, tâm lành nở hoa.
Ta vui trong cõi Ta Ba
Não phiền, lo lắng, gió lùa qua hiên.
Ở, đi, trùng điệp nghiệp duyên
Như là cánh bướm đậu trên hoa này."

MINH THÀNH

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân