TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - cha xứ và bà bếp chung giường
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

cha xứ và bà bếp chung giường

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
tonthattue



Ngày tham gia: 17 Jul 2010
Số bài: 209
Đến từ: Georgia USA

Bài gửiGửi: Fri Jun 17, 2011 10:18 pm    Tiêu đề: cha xứ và bà bếp chung giường

Sáng Noel năm 2009, tôi nhận email từ một người bạn học chung lớp đệ thất năm 1952 và hơn nửa thế kỷ không gặp; (thầy Tôn Thất Liệu cũng trong số nầy). Anh ấy hỏi tôi mấy điểm và tôi trả lời đơn giản với những gì còn lại sau khi đã quên hết với tuổi thất thập cổ lai hy.

Cha Xứ và bà bếp
tôn thất tuệ
Các bạn thân,
Bây giờ bắt đầu ngày 25 với vạn triệu con chim đen phủ những bãi có và cây cối trong vườn. Cũng là lúc vừa nhận thư của NM Bàng với những câu hỏi rất khó. Trả lời bằng những nét sơ phát như sau.
1. Qua lịch sử và các chứng liệu khảo cổ, Thiên Chúa Giáo là một hình thái của Phật Giáo khai triển trong một khung cảnh rất khác với Ấn Độ. Khung cảnh đó được các nhà tôn giáo học gọi là vùng sa mạc (civilisation désertique). Sa mạc trung đông, chữ sa mạc cho ta thấy rõ môi sinh hoàn toàn khác với Ấn Độ, theo gió mùa, mưa nhiều vào hạ như miền Nam VN, có nền văn minh nông nghiệp và định canh. Người du mục vẫn còn theo phần nào mô thức kiếm ăn (gathering, như vào rừng hái sim) và săn bắn.
Người du mục hiếu sát hơn vì phải săn bắn. Bây giờ Trung Đông và Bắc Phi vẫn còn thích ăn cừu và dê, hai giống vật rất thích hợp với sa mạc.
PG rất uyển chuyển, ta có nhật hóa và tàu hóa và VN cũng có sinh hoạt riêng. Ví dụ uyển chuyển: PG không đả phá việc cúng ông bà nhưng khuyên không nên giết gà heo mà cúng, không xa xỉ  trong việc cúng, nhân việc cúng mà bố thí.
2. Từ lâu đã xẩy ra một cuộc đấu lý đấu trí giữa giáo hội Vatican (cùng với các nhánh Christian) và các nhóm tự xưng là khoa học (thực nghiệm và nhân văn, xã hội). Tại mỗi nơi trận đấu kèm theo những nét địa phương ví dụ ở VN, nó lồng vào chuyện Pháp cai trị VN và sự xuất hiện của các Ky Tô Hữu. Ở một nước Nam Mỹ, người ta phát giác một nhà thờ xây trên nền của một ngôi đền của người Incas.
Hai bên đều dùng sử liệu để  buộc tội nhau.
3. Người ta dùng những khám phá khoa học để chứng minh thần học TCG phản khoa học và họ cũng dùng khoa học để khen PG. Vụ nổi tiếng nhất là quả đất tròn hay vuông và số tuổi của thế gian nầy chỉ vài ngàn năm. Quả đất như thế nào, ngày nay với các kỹ thuật tân kỳ nói nó là tròn, hay đúng hơn là khối câu, không tròn hẵn như hình học quan niệm. Tuổi thì quá già triệu triệu năm.
Văn minh cổ đại (cổ đại lũy thừa) của Ấn Độ, không riêng gì đến Phật Thích Ca, đã nói đến triệu tinh tú và sự vận hành vũ trụ. Nay các nhà vật lý đã dùng những quan niệm của Đông Phương (Tàu và Ấn) mà khám phá nhiều điều. Albert Einstein phải nhờ triết Ấn mà giải những khó khăn đang gặp. Cuốn The Tao of Physic của F. Capra mở đầu cho giới khoa học Tây Phương nhìn về Đông Phương.
Khuynh hướng dùng khoa học để cho Phật Giáo nhiều điểm (credit) mắc phải những sai lầm theo tôi rất trầm trọng và có nhiều di lụy.
PG không phải là khoa học. Mục đích của Phật Thích Ca không phải dạy bài vật lý. Mục đích là giải thoát. Kinh Pháp Hoa: Như Lai quảng diễn kinh điển để độ thoát chúng sinh; khi chỉ sự mình khi chỉ sự người; khi nói việc mình khi nói việc người (Phẩm 16). Vì vậy khi nói việc nầy việc kia Ngài dùng những điều mà sau nầy người đời gọi là khoa học. Trong một chén nước có muôn triệu sinh vật, chứng tỏ lòng từ bi của Ngài bao trùm từ to đến nhỏ. Ngài đã có cái nhìn cực tiểu và cực đại. Cục tiểu như vi trùng vừa nói. Cực đại: tam thiên đại thiên thế giới tán nhỏ ra thành bụi, lấy mỗi hạt bụi bỏ lên một thế giới, hết bụi mà vẫn còn thế giới chưa nhiễm hồng trần.
Từ đó cái biết của khoa học mà người đời rất hãnh diện không thể nào sánh với trí tuệ của chư Phật. Freud chỉ mới nói đến vô thức hay tiềm thức nhưng Phật biết đến hoạt động của A lại gia thức và Như Lai Tạng thức. Ngài đã giải thích cái mà tây phương gọi là tự do triết học. Khoa học chỉ là mồ chôn các lý thuyết.  Các khoa học chính xác tại bản chất đã không chính xác. (Les sciences exactes sont essentiellement inexactes- Duhamel? Le Comte de Nouille?)
Một nhà bác học vật lý Pháp nói ông ta chết đứng, quá sung sướng khi nghe Phật nói: Chúng sinh không thấy đường đi của con cá, hay đường bay con chim nhưng chư Phật biết. Cũng như ta thấy các vật thể nằm yên ngàn năm nhưng các phân tử nguyên tử hay tiểu nguyên tử (sub atome) phải xoay chuyển để duy trì sự hiện diện ví như con vụ không xoay thì ngã nằm.
Nay đem những chuyện khoa học nầy để chống phá Vatican không có ích gì. Tinh thần khoa học nói trên không giúp con người nhận (thể nghiệm) cái không gian nội tâm. Âm nhạc làm đều đó. Trái với các nhà nhạc sử nghĩ, Beethoven không phải là người đầu tiên của nhạc diễn tả. Nhưng ông đầu tiên tả không gian nội tâm khi viết Khúc Nhạc Đồng Quê (số 6).
Không gian tâm linh ấy giải thích việc Tháp Phật Đa Bảo xuất hiện lừng lựng giữa hư không. Đa Bảo Như Lai mời Phật Thích Ca  lên ngồi chung. (Phẩm Hiện Bảo Tháp, DPL Hoa). Chẳng khoa học tý nào. Phật nói lúc voi say của vua A Xà Thế chạy ra đường giết Ngài, Ngài vì từ bi đưa năm ngón tay chỉa vào mặt nó, trên đầu năm ngón tay là năm con sư tử, voi say quỳ mọp. Chỉ có Phật và con voi thấy năm con sư tử ấy. Có hay không thuộc phạm vi bất khả tư nghị.
Không gian nội tâm ấy cho ta quán niệm được việc Chúa Jesus sống lại. Đoạn Thánh Kinh nầy cũng như phẩm Hiện Bảo Tháp phải dùng mô thức "ý tại  ngôn ngoại". Đó là ý niệm hóa thân (đối với chúng sinh là tái sinh).
4. Phi thiêng hóa (désacraliser / desecrate) và ngược lại gây nhiều hứng thú cho hai bên. Vui cười nhất là cả hai bên đều dùng Bible. (Cũng như chống hay ủng hộ đồng tính luyến ái - homo...) đều đem Tân và Cựu Ước ra xài.
Bên chống cho rằng Jesus là con của bà Mary và một kẻ vô lại nhưng ông Joseph phải ngậm miệng. Jesus nếu từ huyết thống của vua David thì từ vua nầy cho đến ông là chuổi loạn luân cha lấy con với sự hiện diện của năm người đàn bà.
Phe ủng hộ thì dựa vào Thánh Kinh bởi Mathieu. Thiên sứ kêu bà Mary bảo đừng sợ vì Thánh Linh đã làm bà thụ thai và sinh ra một vĩ nhân làm vua Do Thái. Hồng Y Nguyễn Văn Thuận quả quyết sự truyền sinh trong lành từ vua David. Giáo hoàng đương thời vẫn cho những điều trong Tân và Cựu Ước là chân lý khoa học và chân lý lịch sử.
Sách báo chống Thánh Kinh nhiều như sách Kim Dung. Họ vạch ra những tệ hại như hận thù giết cả một dân tộc, loạn luân, còn bê bối hơn Đông Chu Liệt Quốc. Có kẻ còn cho Jesus là thằng điên. Họ không chịu nhận  Dec 25 là ngày Noel vì các tài liệu cho biết JC sinh vào mùa nắng hạn chứ không phải đêm đông lạnh lẽo nằm trong hang đá nơi máng lừa. Đó là một ngày lễ hội Mardi Gras. (Nếu quả đúng thì HCM đã bắt chước giải thích Hà Nội treo cờ vì sinh nhật của ông chứ không phải để tiếp đón Pháp).
Nhiều giáo sĩ Tin Lành ở Mỹ cho biết Cựu Ước chỉ là một thứ lịch sử của Do Thái. Tân Ước mới là căn bản xây dựng tôn giáo của họ. Họ cũng cho biết trên thực tế Vatican không đếm xỉa gì đến Tân hay Cựu Ước họ có giáo lý riêng gọi là Cathechism. Tiếng Pháp cũng vậy, đó là cathéchisme bạn phải học làm môn chính nếu vào Pellerin, Jeand'Arc, hay Providence. Nhưng các giáo hội vẫn cho JC thể hiện tiếng nói của Chúa Cha trong cựu ước.
Tính chất sadisme, incestuousness, aldutary ... trong Cựu Ước rất có thể nằm trong vùng ảnh hưởng của huyền thoại Hy Lạp (mythologie grecque). Các vị thần thì quá cỡ thợ mộc.
Người ta còn tranh cải về cuộc đời của Chúa Jesus nhưng họ không phủ nhận sự hiện diện của một JC. Đài TV Discovery của Mỹ dùng những chứng liệu lịch sử và tinh thần khoa học để nói về Bible. Ví dụ chú bé David  và người khổng lồ. Họ đưa ra những người phát triển bất thường nam nữ cao bằng trần nhà, tức là người khổng lồ có thật. Họ tìm ra dưới hầm của Vatican những nét sơ phát trên đá là hình ảnh của Thánh Phê Rô (Pierre hay Peter) để công nhận Peter là giáo hoàng thứ nhất và là sáng lập viên của giáo hội La Mã.
Nhưng đài nầy lại xác quyết rằng đã hai lần Phê Rô không nhận đã quen biết  JC khi nhà cầm quyền La Mã hỏi ông trước khi xử án JC. Đài ngầm nói việc phủ nhận nầy có phần đóng góp vào cái chết của JC. Đài nầy yêu cầu khán thính giả sửa đổi quan niệm rằng Judas là kẻ phản bội chúa. Judas đã gần như một danh từ chung cho sự phản bội. Theo TV nầy Judas giao JC cho chính quyền vì tin chính quyền bảo vệ cho JC trước những kẻ muốn tự làm luật pháp; chẳng may đưa trứng cho ác.
Có thuyết nói JC chỉ muốn làm một người tầm thường rao giảng tình thương và ông muốn thành lập một giáo phái cùng với bà vợ là Madelaine. Bà nầy thuộc lòng các bài giảng của JC (tôi liên tưởng đến A Nan thuộc lời Phật, về sau đọc lại trong kỳ kết tập).  Sau khi JC bị đóng đinh, người ta tìm giết bà nầy để chứng minh JC không có vợ. (Lại liên tưởng HCM bị làm kẻ không có vợ).
(Nói chuyện khác; Nghiêm Xuân Hồng nghiên cứu điều ông gọi là TCG nguyên thủy; Christianisme primitif). Có những người quanh JC biết những quan điểm của JC không được chấp nhận trong Vatican. Ví dụ luân hồi, phủ nhận địa ngục vĩnh viễn, thiên đường vĩnh viễn. Tôi đã gặp những người tu theo JC, đi chân đất như JC vì tránh sát sanh để làm da, và ăn chay như JC, xin trở về chuyện ảnh hưởng Ấn Độ nói trên).
4. Xem như rứa thật bế tắc. Tui không có ý hòa giải. Nhưng muốn dùng ý niệm vô ngại, vì vô ngại không phải là thỏa hiệp,  anh bớt một chút tôi bớt một chút cho vừa cái ghế ngồi chung.
Bế tắc chung vẫn do cái nạn nguyên tắc. Một bà mất chiếc nhẫn hột xoàn. Bà chỉ có một nguyên tắc: phải có người lấy, con mèo con chó không lấy. Suy nghĩ ngày đêm không ra. Chồng có bồ nhí? Con xì ke? Thằng cha giặc thảm? Thằng hàng xóm bỏ bùa mê? Ông sư có bàn tay gọi là diệu thủ (prestidigitateur)? Con thợ làm móng tay bỏ nhạc tôi ngủ say? Nguyên tắc đó làm bà xem mọi người là kẻ có thể cỗm cái nhẫn hột xoàn, bà muốm đâm muốn chém. Thì ra nữ trang ấy rơi trong kẹt tủ, tìm ra khi dọn nhà trước Tết.
Nguyên tắc của người Tây Phương là đấng cứu thế phải là con trời. Một mục sư TL ở Bến Ngự khuyên tôi đừng tin Phật, Phật dù là một hoàng tử vẫn là người còn Chúa Ki Tô là con Trời.
Có người nói Phật là hoàng tử còn ông Ki Tô là gã cùng đinh không có áo quần mà mặt, đẻ rơi đẻ rớt.
Tầm bậy, ngài có huyết hệ từ vua David.
Đúng, từ David mà xuống có bao nhiêu sự loạn luân dâm ô.
Người ta nói với nhau cái gì? Nói để làm gì?
Muốn có vô ngại (không cản trở nhau mà thông thoát) phải nhìn ở một góc cạnh khác, cao hơn nếu cần, hay hủy bỏ cả một cấu trúc gọi là nguyên tắc (vô cớ). Mà đây lại là chuyện tôn giáo.
Thái độ nói, tâm thức nói, tối ư quan trọng nhất là trong kinh Phật. Điều nầy ít được chú ý vì chỉ để tâm lời Phật nói. Phẩm đầu tiên sau phần tựa của kinh Pháp Hoa (Phương Tiện Phẩm Đệ Nhị) bắt đầu: Nhĩ thời Thế Tôn tùng tam muội an tường nhi khởi cáo Xá Lợi Phất... (Lúc ấy Đức Thế Tôn ra khỏi chính định an lành nói...) Trước khi thuyết giảng Ngài phải tập trung toàn lực để cho niệm an lành điều dẫn cuộc thuyết pháp. Nói khác vì sự lành mà nói. Nhiều kinh khác có nói đến tư thế ấy. Lời hay mà tâm không lành sẽ thành thuốc độc. Nó trở lại ô nhiễm người nói; dù văn hoa, trên lẽ đạo lý là một thứ "hàm huyết phúng nhân" (xin lỗi hơi quá). Lại nữa nếu dùng những luận thuyết ấy để so sánh làm nổi bậc PG thì càng sai. Phật nói: khi giảng kinh chỉ nói đến kinh của mình, tự nó là ánh sáng; không ai bảo, ánh sáng sẽ đánh tan u tối. Ngài nói: muốn thuyết giảng kinh phải ở nhà Như Lai (tâm quảng đại từ bi), mặc áo Như Lai (nhẫn nhục, khiêm tốn), ngồi tòa Như Lai (nhất thiết nghĩa không).
Về nội dung, xin nhớ rằng nếu vì con người thì những nhận thức của bạn phải đặt trên căn bản là nhân bản, nói dễ là rất người, gần gũi con người, nói lên giá trị con người. Tôi không chủ xướng khía cạnh nhân bản  thay cho tính chất hoàn vũ (cosmic) nhưng nó là một phần bộ chính trong cấu trúc tư duy.
Trước tiên tôi nhìn Thích Ca và JC là những con người như chúng ta.  Kinh Niết Bàn nói con trâu con bò con người và Phật đều là thai sinh, đẻ từ bọc chứa nhưng Phật thấy được chân lý, giác ngộ, và trở nên chính là pháp thân. Ngài không bao giờ phủ nhận mình là con vua Tịnh Phạn, Ngài biết ép xác không đi đến đâu, Ngài nhận thể xác như một hiện hữu nên Ngài đã dùng sữa cô bé chăn dê dâng để hồi sinh và đi đến giác ngộ dưới gốc Bổ đề. Trong thuật ngữ của ngành Pháp Hoa, Ngài đứng về phía chúng sinh để hội nhập vào tổng thể pháp thân qua hình ảnh Ngài ngồi chung với Đa Bảo Như Lai. Đó là sự hội nhập giữa con người và chân lý khách quan; là lòng tin sống thật và là dòng sống đạo. Anh ngữ có nhóm chữ rất hay là "to embrace the faith".
Sau khi hoàn tất sứ mệnh làm Phật với Kinh Pháp Hoa, Ngài còn cố sức nói kinh Niết Bàn như một phụ giải tăng tính chất đầy tình người. Ngài đặt con người trở lại vị trí tiên khởi, chưa học đạo sông là sông, núi là núi; học đạo núi không phải núi sông không phải sông, đạt đạo núi trở lại núi sông trở lại sông. Hoặc: trước khi giác ngộ, gánh nước, sau khi giác ngộ, gánh nước. Ngài nhấn mạnh sự giác ngộ tự thân (per se enlightenment), và đạt đạo trong trạng thái bình thường. Ngài không thấy ai thành Phật bằng cách treo đầu lộn ngược, đứng một chân hay dùng một tay và một chân mà đi...
Như Lai, Ứng Cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô thượng sĩ, Điều Ngự Tượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Hai trong mười danh vị ấy, chỉ rõ tinh cách thế gian của Phật là Thiện Thế gian giải là thấy rõ cuộc đời trần tục.
Thật ra chữ "Thiện" là cao còn "thệ" là thấp. Nhưng Ngài đã hé mở tính chất siêu nhiên trong danh vị nầy.
Cái cao ấy là cao ngầm nằm trong cái vi diệu vô hình tướng biểu lộ qua cái thấp. Nói khác đó là sự hóa hiện. Chỉ có con rắn đực mới thấy con rắn cái đẹp. Thiên thần hay ma quỷ không thể sống chung với người để lôi kéo người về thiện hay ác. Chư Phật đã hóa hiện ở trà đình tữu điếm, nơi đồ tể.
Hoặc trùng hợp (những tư tưởng cao gặp nhau) hoặc bị ảnh hưởng của Phật, JC đã nói: ta là con của người và cũng là con của trời. JC không phủ nhận mình là con bà Mary như những đứa con khác; TC cũng vậy nhận mình là con vua Tịnh Phạn.
Đứa con JC của trời hóa hiện vào nơi hổn mang, nơi đầy ái dục vô luân, nơi giết chóc thường nhật để kêu gọi tình thương. Môi trường dơ dáy ấy là thứ bùn cho hoa sen nở. JC là một con người bình thường làm nghề thợ mộc, có vợ là ba Madelaine như Phật có gia đình có vợ con rồi đi tu.
Tính chất trời của JC, theo tôi, không được xác quyết bởi vua David mà Cựu Ước nói là con Thượng Đế. Tính chất ấy có trong hành vi của JC trong thông điệp bác ái. JC đã đuổi các thầy tế ra khỏi đền thờ vì nhóm nầy chủ trương giết súc vật (hy sinh) để cúng tế. Ngài chủ trương không sát sanh, Ngài ăn chay. Khối thầy cúng nầy rất có thể đã vận động cái chết của JC.
5. JC chết trên cây thánh giá để chuộc tội cho con người. Những ai dị ứng (allergic) với đức tin TC sẽ cho câu nầy rất phi lý, cả vú lấp miệng em. Nhưng về mặt thuần lý có thể giải thích được bằng quan niệm cọng nghiệp của PG trong sách vở và trong tín ngưỡng dân gian. Nữ nhân Quang Mục, tiền thân của bồ tát Địa Tạng sau khi cứu mẹ ra khỏi địa ngục đã thệ nguyện khi cứu xong, không còn một ai trong địa ngục thì nàng mới thành chánh quả.
Dĩ nhiên, ngoài JC còn rất nhiều người khác bị đóng đinh trên thập giá nhưng không phải tất cả các nạn nhân trước khi chết đã thuyết giảng giáo lý bác ái. Cũng vậy có rất nhiều hoàng tử khắp lục địa Ấn Hà nhưng chỉ một mình Tất Đạt Đa chuyển pháp luân.
Giáo hội (église, church) hình thành khi dù chỉ có ba người cùng chung một ý hướng tôn giáo. Đó là định nghĩa căn bản của danh từ. Sau 10 năm vắng bóng (nhiều học giả cho là đi Ấn Độ học Phật), JC bắt đầu truyền giảng và chứng tỏ là một người muốn cải cách xã hội. Ấy là lý do JC phải bị loại khỏi địa bàn. Kẻ thù của ông không riêng gì Do Thái mà cả Romain. Hai bên còn nhập nhằng đổ lỗi cho nhau. Nhưng người Romain đã thành công trong việc gán cho Do Thái. Nhiều học giả cận đại có khuynh hướng buộc tội giáo hoàng Pie 12 đồng ý cho Hitler giết người Do Thái, và họ đưa ra các chứng liệu tòa thánh che chở cho những tay sát nhân Nazis; một số đông đã bị phát giác khi mặc áo dòng ở Nam Pháp gần Ý; có sự tố cáo các tổ chức từ thiện TC thành lập sau thế chiến 2 trên mặt: mặt nổi giúp cho nạn nhân chiến cuộc nhưng mặt chìm tìm cách cho những sát thủ nầy vào các nước như Mỹ và Nam Mỹ (Otto Adoft Eichmann, kiến trúc sư Holocaust sau chiến tranh vào Argentine bằng thẻ thông hành giả do Hội Hồng Thập Tự cấp và làm việc cho Mercedes Benz cho đến 1960 bị Do Thái bắt).
Việc thuyết giảng của JC rất ngắn chỉ hơn một năm. Ngài  chết trong khoảng từ 30 đến 35 tuổi. Thích Ca thì may hơn và xem đã giảng đủ  với tạng bí yếu cuối cùng: chúng sinh thành Phật được với đạo nhất thừa và chết lúc 80 tuổi với 48 năm nói pháp. Kinh điển rất nhiều với con số tượng trưng là 84 ngàn.
Nếu JC có một thọ lượng như TC, chắc chắn giáo lý của Ngài cũng đã sẽ rất nhiều. Cứ nhìn theo cái sườn cấu trúc thuyết giảng của Phật, ta thấy những điều JC nói chỉ mới là những sơ phát (énonciation) cần quảng diễn, cần "phá", cần nhào nắn lại. Các Phật trong ba thời phải tùy căn cơ để thuyết giảng chân lý tối thượng, nhiều khi như nói dối: Thấy chúng sinh đau khổ quá, ta nói Niết Bàn để xoa dịu cũng như bệnh nhân vào nhà thương y sĩ cho chút nước cam thảo để sống mà mỗ xẻ. Các thứ ấy chỉ là hóa thành (phẩm Hóa thành thứ bảy Pháp Hoa). Tôi tin rằng nếu có cơ may như TC, Jesus sẽ tạo nên một hệ thống đầy đủ, không quá thiên về cõi trời, hay nói khác đem trời về với người rồi đưa người lên trời.
TC đã phải mất rất nhiều thời gian để đưa cái địa ngục quan niệm như nhà tù dưới đất đến cái địa ngục như một tâm thể (thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, thanh văn, duyên giác, bồ tát, Phật). Giới hạn của chúng sanh là thiếu trí huệ, giới hạn của chư thánh là sự thiếu trí huệ của người nghe.
6. André Gide thắc mắc phải chăng giáo hội là của Chúa hay của thánh Pierre (Phê rô, Peter). Dù trả lời thế nào, giáo hội cũng xây dựng trong bối cảnh Romain, trong lối suy tư của La Hy, tiếp nối sự hình thành trong khung cảnh sa mạc từ khi JC ở trong ngôi đền tại Jerusalem.
Sinh cảnh ấy đã cống hiến những hình thái đặc trưng trên những ý niệm chung tìm thấy ở Đông phương và Ấn Độ.
nghiệp / tội tổ tông; sám hối /xưng tội. Nói theo học già Suzuki Nhật Bản, chẳng may những hình thái trong TCG thiếu khả năng gợi ra sự an lành. Thật vậy,  nhóm chữ "tội tổ tông" hàm một oan khiêng của kẻ khác, một mặc cảm tội lỗi, trong lúc nghiệp vô thủy nghe nhẹ nhàng hơn. Suzuki nói biểu tượng uống máu chúa qua rượu lễ để hội nhập với thánh linh thì người đông phương dùng quán niệm, nhập.
Sự khô nắng vùng sa mạc làm cho con người cứng rắn trong việc đời và việc đạo. Cây đao bên cạnh mặt trăng là dấu hiệu của Hồi Giáo, tôn giáo nầy cũng rất quyết liệt với người anh em TCG và TCG cũng ít nhân nhượng vối người anh em kia.
Nhiều người cho rằng JC đến Ấn Độ khi kinh Pháp Hoa chưa được qui tập. JC chỉ gặp những kinh tiền đại thừa với hạnh nguyện cứu độ như Địa Tạng và mô biểu thiên đàng trong Kinh A Di Đà. Đẹp lòng Chúa cũng như vừa lòng Phật Di Đà. Nhóm chống tha lực ở Nhật đã xem người cầu A Di Đà như cầu Chúa trông chờ một cách thụ động và không chú ý sự đóng góp của con người trên vận nghiệp.
7. Tôi không hiểu đã đi về đâu trong chủ đề nầy. Thật ra những điểm trên sau nầy tôi sẽ hệ thống hóa nếu cần phải viết một bài như thường lệ, nhập đề, thân bài kết luận như thân thể chia làm ba phần đầu mình và chân tay.
Email của NM Bàng gồm hai quan điểm trái ngược, một bên nói thánh kinh  trái với khoa học và bên kia giáo hoàng cho là chân lý. Giáo hoàng có uy lực giữ phần hồn của con chiên, hay ít ra con chiên nghĩ rằng phần hồn của mình trong tay của Giáo hoàng. Họ không học khoa học từ Bible. Họ áp dụng cái khôn ngoan thực tế: trong một khung cảnh, nếu bạn biết quy luật thì bạn tự do; ví như nếu bạn không lái xe ngược chiều thì mọi con đường trong thành phố là của bạn.
Tưởng cũng nên thêm một phản ứng rất hài hòa và rất triết lý. Nói với các triết gia TCG, Albert Camus trách họ có hai cái nhìn đối nghịch: tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp ở bên kia cuộc sống nhờ sự cứu rỗi của Chúa và mặt kia rất bi quan trong mặc cảm tội lỗi của những người trên trần thế. Ông tin tưởng con người có thể cải thiện đời sống ngay bây giờ. Nên biết Camus không thích thuyết vô tưởng của CS. Ông chống độc tài toàn trị và cụ thể chống việc Soviet đem xe tăng vào Budapest 1956.
Xin hưu chiến một cách lười biếng nếu không nói là bựa như sau:
Từ bên ngoài, bạn sẽ hiểu Giáo Hội khi bạn hiểu câu chuyện mở đầu  tiểu thuyết Phong Thánh (bản Việt ngữ):
Trong một nhà thờ hẻo lánh miền Nam Ý, cha xứ và bà bếp đắp chung một cái mền.
Tác giả Morris West viết tiếp, họ rất thánh thiện, cả hai người tâm bất động, ai ở nhà nấy. Nhưng quá nghèo, không mua được cái chăn thứ hai trong mùa đông giá.-  tôn thất tuệ

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân