TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MÙA THU ĐÃ CHẾT
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MÙA THU ĐÃ CHẾT

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bi



Ngày tham gia: 24 Aug 2010
Số bài: 86

Bài gửiGửi: Mon May 30, 2011 4:14 pm    Tiêu đề: MÙA THU ĐÃ CHẾT
Tác Giả: Bi

TA NGẮT ĐI MỘT CỤM HOA THẠCH THẢO
EM NHỚ CHO MÙA THU ĐÃ CHẾT RỒI (P.D.)

Nắng tháng ba vãi lửa trắng xuống trại Sungei Besi. Khí nóng bay cuộn từng đợt vòng vèo trong không gian. Nhìn ra đằng trước nắng làm chóa lòa mắt người ta. Từng buổi trưa im ắng gió, cả trại im lìm nằm say dưới nắng trưa, nhắc nhở huyền thoại 'trời tháng ba, bà già đi biển' của thời vượt biên. Ít ai đi ra ngoài đường vào trưa xế nắng làm cho trại vắng vẻ buồn tênh phơi uể oải dưới nắng nung Mã Lai. Tôi phải đi tắm ngày ba lần vì không chịu nỗi cái nóng; may mà có nước ngọt tắm thoải mái ở phòng tắm công cộng.

Các chuyến 'hốt rác' của Mỹ đã ngừng chuyển người qua trại Sungei Besi và những chuyến người chờ đi Mỹ tới trại trước đây đã được chở sang Phi Luật Tân chờ học Anh ngữ một năm trước khi tới Mỹ. Các chuyến vét người theo diện đi Úc cũng đã xong; từng đợt người chờ đi Úc đã lên đường. Các chuyến vớt người theo diện đi châu Âu cũng đã hoàn tất đưa người sang trại.

Tôi ở trại Sungei Besi chờ chuyến bay đã ba tháng. Kim Oanh vẫn biệt tăm. Trước đây, tôi nghe nàng nói chờ người thân ở Úc bảo lãnh, mà nay những chuyến nhận đi Úc đã ngừng. Rồi nghe nói anh chị nàng ở bên Thái Lan sắp được gặp Mỹ, mà nay những chuyến Mỹ nhận đã dứt. Tôi không biết tình hình nàng ở đảo ra sao; không còn ai biết nàng từ đảo qua để tôi hỏi thăm. Tôi viết một lá thư gửi về đảo để hỏi nàng. Không hồi âm.

Tôi suy nghĩ và phân tích thái độ và lời nói của nàng với tôi lúc còn ở đảo để đoán coi nàng xem tôi là gì. Cuối cùng, tôi phải công nhận là chữ 'khác' coi đơn giản vậy mà vô cùng rắc rối và khó hiểu. Rất... xóc tim. Tôi tiếp tục tương tư nàng. Nỗi nhớ như thuốc nhuộm lấm lem cả tâm hồn, cần phải có thời gian lâu dài mới mong rửa cho phai bớt màu nhớ.

Một đêm, tôi đang ngồi khâu khuy nút áo cho chặt thêm để lên máy bay khỏi sợ sút áo thì một em bé gái thò đầu vào nhà hỏi tên tôi. Tôi hỏi em có chuyện gì. Em nói "Chị Thu muốn gặp anh nói chuyện". Tôi mặc quần áo vào đi theo em. Vừa đi tôi vừa nghĩ không biết có chuyện gì mà Thu muốn gặp tôi. Những chuyến người đi Mỹ đã bay sang Phi Luật Tân mà sao nàng còn ở đây, không lẽ nàng đang bị nám phổi hay nám tim. Tưởng em dẫn xuống khu Thanh Nữ, em lại dẫn vòng vèo vào khu nhà lồng chợ. Từng ngăn có vách ngăn chia ra cho mỗi gia đình. Tất cả nhà ở Sungei Besi, nhà lồng hay nhà hộp, đều không có cửa. Ở khu nhà lồng chợ, có ngăn được người gia đình đó lấy vải hay mền che lên làm cửa sơ sài. Em bé gái dẫn tôi vào sâu trong một ngăn có mền làm cửa che kín mít, chỉ tay vào đó, nhìn tôi với ánh mắt tinh nghịch rồi bỏ chạy mất.

Tôi vén mền cửa chui vào. Thu đang ngồi trên chiếc nệm đặt dưới đất nhìn tôi cười tươi. Căn phòng ấm cúng và kín đáo. Chung quanh vang lại tiếng người nói chuyện của từng nhóm đang uống trà, đánh cờ, hoặc đang nhậu. Thu chỉ tay vào ghế đẩu nhỏ xíu trước tấm nệm mời tôi ngồi. Trên mặt chiếc ghế đẩu nhỏ còn lại là dĩa bánh, hai lon cokes, và hai trái táo. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống. Nàng mặc bộ đồ bộ màu trắng ngà mỏng tang, hơi trong suốt, nhìn vừa mát mẻ vừa khêu gợi. Cả thân hình đầy đặn của nàng là mùa xuân đang nở đều, gợi cảm gọi mời. Tôi cố tránh nhìn thẳng vào mùa xuân đang làm tôi hơi khó thở. Tôi hỏi nàng kêu tôi có chuyện gì. Nàng nói "Buồn nên muốn nói chuyện với anh. Bộ anh không muốn nói chuyện với Thu hả ?". Tôi nói "Lúc trước có người chê tôi không biết nói chuyện, cho nên tôi đâu biết nói gì…". Nàng cúi đầu cười rung rinh. Sau đó, nàng ngã người ra sau, với tay lấy tập nhạc trên kệ, làm bộ mông nàng vun to tròn nẩy về phía tôi, thấy rõ màu đỏ quần lót thấp thoáng sau làn vải quần mỏng. Tôi cắn miếng bánh nuốt trong ấm ức, nghẹn ngào.

Nàng nửa nằm, nửa ngồi trên nệm, nghiêng người chống tay vào đầu nói chuyện nhạc với tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì nàng nói nàng ưa thích nhạc và làm như biết tôi biết nhạc. Nàng nói về nhạc Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn v.v... giòng nhạc còn sót lại của thế hệ đi trước mà tuổi mới lớn thế hệ chúng tôi tập tành hát lén trong thời đi học và lao động khổ ải, thời cả nước là tu viện khắc khổ khổng lồ. Nàng nói ước gì có đàn thì tôi đàn và hát cho nàng nghe. Tôi ngạc nhiên hỏi nàng sao biết tôi biết đánh đàn. Nàng mỉm cười "Thu biết anh biết chơi đàn classical guitar". Tôi hỏi sao biết thì nàng không nói. Hồi ở đảo có lần nàng tiên sao cũng nói biết tôi biết chơi đàn. Lúc đó tôi không ngạc nhiên lắm vì có lần tôi mượn được cây guitar của cố vấn người Pháp đánh được một đêm cho đỡ nhớ; nhà nàng tiên sao gần nhà tôi nên có lẽ nàng tiên sao nghe được và biết tôi đánh đàn.

Thu hát nho nhỏ cho tôi nghe; bộ ngực căng tròn của nàng khiêu vũ thầm theo nốt nhạc:
tình ngỡ đã quên đi
nhưng tình vẫn còn về
người ngỡ đã xa xôi
ai ngờ vẫn quanh đây
...
(Tình Nhớ - T.C.S.)

Tôi suy nghĩ nhanh. Nếu tôi 'sa ngã' với nàng đêm nay thì sẽ ra sao ? Nàng là mùa xuân đang nở rộ, tựa như thỏi nam châm đang thu hút, còn tôi là thanh sắt đang bị lửa mùa xuân nằm kia nung lên từng phút, từng phút..., vậy nàng sẽ rất dễ... sình bụng. Nàng mà mang bầu thì chắc chắn là sẽ bị Mỹ 'xù' và trả về Bidong, chấm dứt đường đi Mỹ. Chắc chắn tôi cũng sẽ bị trả về Bidong để chờ gặp lại phái đoàn Canada giải quyết. Nếu Canada chấp nhận thì cả hai phải chờ khi nàng sinh xong mới rời đảo, và tôi khi tới Canada sẽ lo gánh vác gia đình vợ con, hết đường đi học. Nếu Canada 'xù' thì cả hai chỉ còn nước chờ đi một nước Bắc Âu, và mất vài năm nữa chờ đợi. Nếu nàng không mang bầu thì 'sa ngã' với nàng cũng đủ cho nàng níu áo đòi theo Canada, vậy tới nơi tôi phải lo bảo lãnh nàng ngay lập tức. Dường như nàng biết tôi là người không phải hạng Sở khanh. Đằng nào thì tôi cũng thiệt thòi khi 'sa ngã' với mùa xuân đêm nay. Phải chi, nàng đừng có chồng, và phải chi, tôi đừng gặp tiên sao ! Tôi suy nghĩ thật lẹ để tìm đường thoái thác.

Thu chợt đổi đề tài. Nàng nói là người chồng mà nàng khai trong hồ sơ hồi xưa là người theo đuổi nàng, thương nàng ghê lắm, anh ta cũng thích hát những bài nhạc mà nàng vừa nói. Thật ra, anh ta chỉ là... bồ, nàng nhìn tôi cười ngượng nghịu. Nhà anh ta giàu, hãng nước mắm, còn nhà nàng đông người chỉ đủ ăn. Lúc sắp đi vượt biên, anh ta có đề nghị làm giấy hôn thú để khi sang Mỹ rồi thì anh ta sẽ làm bảo lãnh. Mà làm giấy hôn thú thì phải có đám cưới, nên hai người làm đám cưới "giả" trước khi anh ta đi. Khi anh ta đi rồi, ở nhà em trai anh chàng thường lui tới thăm nom, chăm sóc nàng và em trai nẩy sinh ra ...yêu nàng. Nàng và em trai anh ta coi như cũng là bồ bịch luôn. Em trai mới xin vàng cha mẹ cho em trai và nàng vượt biên. Hai người tới đảo, nàng khai chồng ở Mỹ thì lòi ra anh trai đi trước không khai như đã hứa hồi hứa hôn. Nàng cho biết người con trai lúc trước hay đi với nàng trên đảo không phải là em bà con nàng như nàng nói mà là em trai 'chồng' nàng và người ấy cũng là bồ nàng hồi còn ở VN. Em trai đã tới Mỹ vì có anh trai ở Mỹ, còn nàng bị trả về Bidong vì khai gian. Em trai khi tới Mỹ có thú thật hết mọi sự tình yêu giữa em trai và 'chị dâu' cho anh trai biết, và em trai thay anh làm bảo lãnh khai nàng là fiancé. Do đó, nàng được Mỹ gọi qua trại này trở lại theo diện tái cứu xét đặc biệt là do bảo lãnh của người em trai. Mấy tháng rồi, nàng đã được phỏng vấn ba lần mà chưa biết kết quả đi Mỹ ra sao.

Nàng ngừng nói, nhìn tôi dò xét. Tôi kinh ngạc nghe nàng kể tình trạng của nàng, hỏi "Sao mà Thu lại làm nhiều chuyện rắc rối như vậy?". Nàng cười buồn, không trả lời.

Nàng nói tiếp là bây giờ nàng không muốn đi Mỹ nữa vì rất ngại và không muốn gặp lại hai anh em nhà ấy. Thật ra, hồi ở Bidong nàng đã tính đường đi Úc hoặc Canada rồi. Có mấy chàng muốn bảo lãnh nàng đi Úc mà nàng không chịu. Tôi biết nàng nói láo. Hồi đó, tôi biết nàng có cặp bồ với một, hai người đi Úc, chắc là mong nhờ bảo lãnh sang Úc, mà những người đó chỉ cặp cho vui hoặc lợi dụng, ra đi là quên hết. Nàng nói là từ khi sang trại Sungei Besi này cũng có mấy anh đi Canada muốn bảo lãnh nàng đi Canada mà nàng chưa chịu. Nàng kể ra vài cái tên. Tôi không tin là nàng không chịu, mà tin là nàng bị lừa thì đúng hơn, vì tình trạng lừa dối đó xảy ra rất thường ở đảo và ở Sungei Besi. Tôi nói với nàng là có rất nhiều phụ nữ đi một mình, và ai rồi cũng có đường đi định cư không cần nhờ vả ai hết, nếu nàng lỡ khai có chồng ở Mỹ mà chồng không khai có vợ thì xin với Cao ủy điều chỉnh lại, rồi sẽ được đi định cư như mọi người, tại sao lại dính líu tùm lum và nhờ vả lung tung làm cho mình bị lệ thuộc chuyện định cư vào người khác như vậy, lẽ ra Thu không cần phải nhờ vả, nương tựa mà vẫn đi định cư được. Nàng cười buồn "Vì Thu mong muốn rời đảo quá, không muốn ở lâu trong trại tỵ nạn". Tôi nói nàng làm như vậy là sai, tự gây khổ và khó khăn cho mình. Nàng im lặng. Một lúc sau, nàng nhìn tôi đắm đuối "Thu muốn đi Canada". Tôi thở dài, im lặng.

Một lúc sau, tôi ráng nói nhẹ nhàng "Hồi ở đảo, tôi không dám nghĩ tới tình yêu với ai vì đường định cư mù mịt quá và biết có đi chung với nhau không. Khi rời đảo rồi, tôi mới biết là mình đã yêu một người". Mặt Thu sáng rỡ. Nàng nhìn tôi cười sung sướng, tay đưa bánh vào miệng cắn chờ tôi nói tiếp. Biết nàng hiểu lầm, tôi nói mau "Người đó còn ở Bidong". Thu sững người như có luồng điện chạy qua, tay nàng cầm bánh vội rút ra khỏi miệng, và mắt nhìn tôi ngơ ngác như không tin. Thật lâu, nàng hỏi "Người đó còn ở đảo?". Tôi gật đầu mau và mạnh. Mặt nàng tái mét, mắt nàng nhìn tôi vừa ngơ ngác vừa tức tối. Nàng ngồi bật dậy trên giường, cúi đầu nghĩ ngợi, miệng mím chặt. Nàng ngẩng đầu lên, cố gượng cười trông rất bi thảm "Người may mắn đó là ai ?". Tôi lắc đầu "Biết như vậy được rồi, không cần biết tên". Nàng nhìn tôi tức giận "Anh nói thiệt không ?". Tôi gật đầu nhìn thẳng vào mắt nàng. Nàng nghiêng đầu suy nghĩ dữ lắm. Cuối cùng nàng nói "Để Thu đoán coi có đúng không nhen". Tôi gật đầu. Nàng nhìn tôi "Người đó đi sau Thu một số tàu". Tôi gật đầu. Nàng ngừng một lúc và nhìn tôi chăm chú "Người đó có em trai đi theo". Tôi gật đầu. Nàng quay mặt vào vách vẻ đau xót, mặt tái, miệng mím lại "Thu biết ai rồi". Bất chợt nàng quay nhìn tôi cười gượng gạo với ánh mắt có nét thù ghét, mặt vừa tái vừa sượng sùng như vừa bị ai đó nói với nàng những lời sỉ nhục. Tôi im lặng, ái ngại nhìn nàng. Nàng đưa mắt vẩn vơ lên trần nhà, đột ngột đứng dậy, với lấy cái áo khoác màu đỏ mặc vào che bớt thân hình gợi cảm lại, xỏ chân vào dép, nói với tôi "Thôi, mình về, trả lại phòng cho người ta". Tôi im lặng đứng lên theo nàng. Nàng đi nhanh dẫn tôi ra khỏi khu nhà lồng chợ. Tôi đi bên cạnh im lặng trong áy náy. Đi bên tôi là mùa xuân đang cố nén cơn giận dữ, mùa thu đang cháy bừng bừng ở góc trời hửng nắng. Ra khỏi khu nhà lồng chợ, nàng nói "Anh về đi. Khỏi phải đưa Thu về". Tôi nói "Để tôi đưa Thu tới khu nhà Thanh Nữ". Nàng quay mặt, kéo áo che cho kín thêm, bước nhanh "Thôi, khỏi". Cơn giận cúi đầu bước nhanh như gió thu xuyên thật nhanh vào màn đêm, băng qua mấy bóng đèn vàng vọt, mất hút vào cuối con đường về khu Thanh Nữ Độc Thân.

Giữa tháng tư 1987, tôi rời trại, Thu bất chợt xuất hiện, miệng cười hơi ngại ngùng. Nàng nói hãy quên hết những hiểu lầm và hờn giận giữa hai đứa. Tôi nói tôi không có gì hiểu lầm hay giận Thu hết. Nàng biểu tôi khi tới Canada nhớ viết thư về kể chuyện Canada cho nàng nghe. Tôi gật đầu, hứa sẽ viết thư kể chuyện. Nhìn quanh, không thấy một dòng sông ra khóc dối để tiễn tôi về xứ lạnh.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân