TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - THƯ GỬI MẸ _ Đỗ Vẫn Trọn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

THƯ GỬI MẸ _ Đỗ Vẫn Trọn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Ơn Đức Sinh Thành
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Mon May 09, 2011 12:18 pm    Tiêu đề: THƯ GỬI MẸ _ Đỗ Vẫn Trọn




THƯ GỬI MẸ


      Lá thư đầu tiên của nhà văn Đỗ Vẫn Trọn gởi cho mẹ cách đây 30 năm lần đầu tiên anh bước chân đến Mỹ.


      Mẹ kính yêu,
      Mỗi lần nhận được thư mẹ là lòng con rộn lên một niềm vui. Con được gần mẹ hơn, để nghe những lời chỉ bảo từ mẹ, để con còn đủ can đảm nghị lực chấp nhận với thời gian, trong hy vọng khao khát đợi chờ ngày tháng đó.
      Ðọc thư mẹ, con đã cố gắng dằn những cơn xúc động để đừng bật thành tiếng khóc. Từng dòng chữ của mẹ, như một âm thanh tuyệt diệu êm ả đang truyền đến con những yêu thương ngọt ngào, nồng nàn, tình mẫu tử. Con đang muốn quỳ dưới chân mẹ để được ôm trọn vào lòng, dạt dào yêu thương cảm nhận từ mẹ. Từng câu nói nhắc nhở, lo lắng của mẹ thấm vào lòng con một nỗi buồn tê dại. Uất nghẹn dâng tràn, con cắn chặt môi để đừng khóc. Nhưng nỗi xúc động, làm con không thể nào ngăn được những giọt nước mắt yêu thương đang tuôn trào. Con khóc tức tưởi như một đứa trẻ thơ đang bị ai giật một miếng bánh ngon trong tay. Con muốn hét lớn và kêu gào như một con thú đang bị trúng thương. Ðau đớn bởi mũi tên bắn vào, ghim sâu trong cơ thể. Vết thương đang rỉ máu, nó cố vùng vẫy để tìm sự sống.
      Con ước gì có một phép lạ mầu nhiệm nào đó dẫn âm thanh này tới mẹ. Mẹ sẽ nghe lại tiếng khóc, lời nói của con và mẹ sẽ thấy con vẫn như thuở nào sống bên mẹ. Giờ, dù con có rên rỉ, kêu la thì tiếng vọng đó chỉ phát ra trong một khoảng giới hạn nào của không gian mà thôi. Thật buồn cho số kiếp ly hương mẹ ạ! Con đã mất, mất tất cả những gì mình tôn kính và yêu quí nhất trên đời. Như một cảm nhận cho nỗi niềm đau thương vô cùng lớn lao trong cuộc đời làm người. Những mong mỏi của mẹ đã in sâu vào lòng con một quyết tâm. Từ tình yêu thương vô bờ mẹ đã nung nấu, nuôi dưỡng con nên người. Mẹ đã có những chia xẻ, những gởi gấm, nhắn nhủ, khuyên răn, những tâm sự của mẹ như một chấp nhận để chia xa các con.



      Lời của mẹ:
      Mẹ muốn nói với con thật nhiều, để các con luôn luôn là hình ảnh ngày nào trong vòng tay mẹ. Trong suốt ba muơi năm trời, mẹ cố tận tụy lo lắng để mong nhìn thấy tương lai các con... Nhưng để rồi ngày hôm nay, mẹ phải đành chia lìa các con. Còn gì đau xót hơn khi mẹ phải gắng gượng vui để các con chia xa. Ngày các con ra đi, mẹ đã xuống tóc, giờ tóc mẹ đã lố nhố mọc, nhưng càng bạc trắng hơn. Mắt mẹ cũng mờ dần vì mỗi lần nhớ các con mẹ lại khóc. Lúc này mẹ ốm và gầy nhiều. Mẹ biết các con trông hình mẹ lắm, nhưng mẹ không muốn gửi sợ các con càng nhớ mà buồn hơn. Mẹ vui, vì các con đã đạt được niềm mơ ước. Và mẹ buồn vì từ đây mẹ phải xa các con. Nhiều lúc mẹ liên tưởng các con còn quanh quẩn đâu đây trong ngôi nhà ấm cúng này. Bên tai mẹ lúc nào cũng nghe văng vẳng tiếng cười đùa của Trường trong những lần nghịch phá với các cháu, tiếng Trọn lao xao về những dự định tương lai. Có những đêm bất chợt mẹ tỉnh giấc, mẹ cứ tưởng Trọn, Trường đang còn ngủ. Mẹ nằm đó mà kêu lên: Sáng rồi, Trọn, Trường dậy học bài mà sửa soạn đi học.
      Xa các con mười tám tháng, mà mẹ cứ tưởng chừng mười tám năm, hình bóng các con luôn luôn bên mẹ. Các con như con chim lìa đàn, sẽ không còn được những đòi hỏi, các con phải thiếu thốn tình thương nhiều, những lúc các con bệnh, mẹ nghĩ ai sẽ chăm sóc các con? Càng nghĩ mẹ càng buồn và xót xa. Duy chỉ có một điều mẹ mong các con qua đó phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hãy thương yêu và chia xẻ với người cùng cảnh ngộ như các con. Anh em cố cùng nhau đặt tương lai mà gia đình mong đợi và kỳ vọng ở các con. Những ai đã giúp đỡ các con nhớ viết thư về để mẹ cám ơn những người đó. Mẹ biết các con qua đó buồn nhiều, nhưng cũng đừng quá lo nghĩ. Yên tâm lo học hành, đừng gởi gì về cho gia đình cả. Nghèo về vật chất không sao các con ạ! Chính các con mới khổ hơn, các con phải thiếu hẳn về mặt tinh thần, phải tự lập để thích nghi và bắt đầu với cuộc sống mới. Mẹ không muốn các con phải nhịn ăn, nhịn mặc để dành dụm gởi tiền về gia đình. Lúc nào mẹ còn sống là mẹ còn lo cho các anh, các chị, các em, các cháu được. Dù ở bất kỳ môi trường nào, khi các con đỗ đạt thành tài, tức là các con đã gởi gia đình một món quà vô giá, các con đã chứng tỏ được lòng hiếu thảo đối với Ba Mẹ. Các con phải làm đúng bổn phận những lời hứa khi các con ra đi. Và điều này mẹ nhấn mạnh với các con. Dù ở cuộc sống thế nào đi nữa, các con cũng phải luôn luôn hướng về gia đình, quê hương với những căn bản mà Ba Mẹ đã dạy bảo. Bất cứ lúc nào các con cũng là người Việt Nam, các con phải nuôi dưỡng trong lòng những ước mơ của tuổi trẻ. Tuổi trẻ Việt Nam anh hùng và hào khí. Các con phải tự hào về điểm đó... Ðó là những điều mẹ mong muốn nên đành lòng để các con ra đi...
      Mẹ yêu dấu! Nhiều lúc con gần như điên khùng về nỗi thương nhớ gia đình. Con muốn thét to cho muôn triệu người biết rằng: Con rất hãnh diện, sung sướng đã sinh ra và lớn lên trong gia đình có người mẹ đã quên hết mình, lo tròn trách nhiệm và bổn phận đối với chồng, con. Suốt cuộc đời Người lúc nào cũng nhận sự hy sinh để chồng con sung sướng. Ðôi bàn tay mẹ đã vun trồng, nuôi dưỡng các con thành người. Mẹ nhắc nhở các con từng điểm nhỏ: Thân thiện và kính trọng tất cả mọi người điều các con phải ghi nhớ. Mẹ là hình ảnh cao cả và độ lượng biết bao. Nhìn vào gia đình mình, chắc ai cũng ngạc nhiên và thán phục mẹ. Với mười sáu người con, mẹ đã phải vất vả thật nhiều để lo lắng dạy bảo từng người. Trong suốt bao nhiêu năm trời, mẹ đã không mệt mỏi, trái tim của mẹ chan hòa và trải đều trên niềm yêu thương. Không một ngôn từ, lời lẽ nào để con có thể diễn tả hết về đức tính sáng ngời của mẹ. Một người mẹ mà chưa bao giờ có được bữa ăn ngon - dù chỉ là bữa cơm nóng - một phút giây hưởng thụ. Ðời sống của mẹ lúc nào cũng là hy sinh và lo lắng cho các con. Mẹ là thể hiện tất cả những đức tính của người phụ nữ Việt Nam. Hôm nay chính nhờ sự chia cách mà con có thời gian để nhìn lại tình mẫu tử một cách sâu đậm và rõ ràng hơn. Cuốn phim về mẹ đã quay lại và hiện ra trong con, thôi thúc con những nhận xét khôn lớn hơn. Buồn thay! Khi những điều con biết được thì là lúc con phải chia cách mẹ.
      Nghĩ tới những ngày tháng bên mẹ, con đã làm Người buồn phiền. Ân hận và ray rứt trong tâm can con. Trách mình khi còn ở quê nhà đã không làm gì để chia xẻ gánh nặng cùng mẹ mà còn làm những điều phiền toái gây phiền muộn đến cho Người. Giờ hối tiếc thì con đã xa rời bàn tay yêu dấu của mẹ. Nhớ có một lần giận mẹ, con đã dẫm nát lên những ổ bánh mì đang trải đều trên tấm ván ép. Mẹ tức giận, không nói được một lời, mẹ nhìn con bằng đôi mắt thất vọng, rồi mẹ khóc và cơn bệnh áp huyết sẵn có trong người mẹ bộc phát, thế là mẹ chết giấc. Hình ảnh đó làm con cứ bị ray rứt dầy vò mãi. Con nghĩ đó là một tội lỗi lớn lao nhất trong cuộc đời của con. Con sẽ không bao giờ phạm phải lần thứ hai. Nhắc lại điều này con đau đớn lắm, xin mẹ hãy tha thứ cho con. Lúc đó con đâu biết rằng, chính những ổ bánh mì kia là nguồn sống của gia đình. Trong đó có con, vì nó, mà mẹ đã phải thức đêm, dậy sớm để các con có được ngày hôm nay. Tại sao con không nhận thấy điều đó? Nhớ lại lúc đó mẹ đang ngồi gục đầu vào cuốn sổ, ngả nghiêng trong tư thế mệt mỏi, dùng sức nóng từ những ổ bánh mì để xua tan giấc ngủ. Tại sao lúc đó con không làm được việc nào khác để thay vào tội lỗi tày trời ấy? Ðã không giúp được gì cho mẹ, con còn gây nên lỗi lầm. Con cảm thấy con thật bất hiếu. Tại sao con không có được suy nghĩ như ngày hôm nay? Tại sao lúc đó con không thức sắp xếp những ổ bánh mì, chất cho có thứ tự để đừng bị xẹp, bánh mì khỏi hư thì mới dễ bán cho khách hàng. Công việc đó của con đúng hơn là của mẹ. Con phải làm điều đó để mẹ được ngủ. Ban ngày mẹ đã vất vả mệt m? i lo việc nhà và thêm các công việc khác nữa. Con nghĩ sức chịu đựng của mẹ đã quá mức. Ðêm đến, mẹ cần phải nghỉ ngơi. Mẹ đã không có quá năm tiếng đồng hồ để nghỉ! Trong khi con có thừa giấc ngủ, mà giấc ngủ của mẹ, con nghĩ mẹ sẽ thèm vô cùng. Tại sao lúc đó con không chia xẻ phần nào công việc với mẹ? Tại sao con đã làm việc đó...? Con đặt cho mình bằng những chữ TẠI SAO và ngày hôm nay con hổ thẹn về những chữ tại sao này.



      Cuộc đời của mẹ sao quá nhọc nhằn. Mẹ chịu đựng đủ điều. Mười hai tuổi mẹ đã nhận thấy trách nhiệm đối với gia đình. Mẹ san sẻ phần nào công việc với ngoại để lo cho các cậu. Với số tuổi đó mẹ, đã gánh đôi nước mắm nặng gần bốn mươi ký, chân không dép, mẹ đi từ một giờ sáng, bước chân của mẹ như không ngừng nghỉ, lướt nhanh cùng đoàn người để kịp giờ chợ nhóm. Mẹ phải băng qua những bãi cát của vùng biển Sơn Hải, dấu chân của mẹ đã in đều trên cát và trên những con đê ngăn những thửa ruộng đi qua những cái kênh được bắt tạm bằng một đòn cây chòng chành, lắc lư. Bàn chân của mẹ đã phải bám thật chặt. Một trắc trở nào mẹ bị trượt té, hai thùng nước mắm vỡ thì ngày đó chắn hẳn mẹ sẽ buồn khổ nhiều. Ngày đó mẹ sẽ đau lòng hơn nữa khi tiếng ho của ngoại càng lớn hơn. Nỗi lo sợ của mẹ không phải là nỗi bực dọc của ngoại mà chính là nỗi lo lắng của mẹ đối với ngoại. Hai mươi lăm cây số đường dài mẹ chỉ có năm giờ đồng hồ để đi. Niềm vui sướng của mẹ là đổi được gánh nước mắm, đổi thúng gạo và mang ít tiền trở về. Nguồn hạnh phúc của mẹ là được nhìn thấy các cậu ròn rã học những vần quốc ngữ, và mẹ không phải đau lòng khi những thang thuốc chưa kịp đến với ngoại trong những chứng bệnh ngặt nghèo.
      Chắc những lúc trời đông, mẹ sẽ lạnh thật nhiều, nhất là cái lạnh về đêm càng làm cho con người tê buốt hơn. Con biết lúc đó, mẹ sẽ không có được chiếc áo len nào cả. Mẹ sẽ chống rét bằng hơi ấm của dòng máu yêu thương đang chảy đều trong thân thể của mẹ. Chiếc áo len của mẹ sẽ được đan bằng tình yêu thương và tinh thần hy sinh cho con cái.
      Về mùa mưa, thì hẳn mẹ sẽ có được chiếc áo tơi kết bằng những chiếc lá tranh, nối liền nhau bằng sợi dây lạt. Những giọt mưa rơi chảy dài trên nón, trên tóc, trên má, trên cổ, trên thân thể của mẹ và cũng chính là những giọt nước mắt yêu thương đang chảy trong con từ trên hai chục năm qua.

Ðỗ Vẫn Trọn



Về Đầu Trang
thach thao



Ngày tham gia: 11 Jan 2008
Số bài: 44

Bài gửiGửi: Mon May 09, 2011 2:42 pm    Tiêu đề:

Nhà văn Đổ Vẩn Trọn là President của Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao tại Miền Bắc California




http://vienthao.com/
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Ơn Đức Sinh Thành Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân