TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - XUÂN VỀ TRÊN ÐẤT CŨ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

XUÂN VỀ TRÊN ÐẤT CŨ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Mon Feb 04, 2008 4:25 am    Tiêu đề: XUÂN VỀ TRÊN ÐẤT CŨ
Tác Giả: TRUNG ĐẠO


XUÂN  VỀ TRÊN ÐẤT CŨ

TRUNG ĐẠO

Sau 22 năm đi học và làm việc trên đất Mỹ, ăn những cái Tết tha hương  nhạt nhẽo nhớ nhà, sau cùng , tôi quyết định về Việt nam  hưởng lại mùa Xuân trên quê hương đầu năm Bính Tuất 2006,  khi  vừa nghỉ hưu được mấy tháng.
Những cái Tết tưng bừng thời thanh xuân những năm 1960s, có hoa mai vàng rực rỡ và bánh trái linh đình trong nhà những ngày ba và bà ngoại còn sống đã quá xa xôi, chỉ còn lại phảng phất mơ hồ trong ký ức. Tôi không mong sống lại những cái Tết hạnh phúc thần tiên đông đủ ấy, cũng không dám nghĩ tới, chỉ thêm buồn ứa nước mắt. Ngôi nhà trệt tiệm buôn má xây lên sau khi ba và bà ngoại mất năm 64, đã không còn hình thù quen thuộc nữa. Em rễ tôi buôn bán lớn , đã biến thành ngôi nhà lầu 3 tầng, rộng từ trước kéo dài thông thống ra sau đầy ắp hàng hóa ti vi, tủ lạnh, máy hát, máy giặt…,chỉ còn giữ lại cây mận đỏ cổ thụ tôi trồng 37 năm về trước, ngày mới lấy vợ, cao xuyên thủng qua sàn lầu một, lá xanh che mát cả một vùng patio giữa các phòng ngủ và offices.
Năm nay má đã 80, tóc trắng bạc phơ, nhàn nhã ra vào, ngồi thiền, nghe băng thuyết pháp của thày Thanh Từ, Chân Quang…không còn dáng vẻ sắc sảo mặn mà nhanh nhẹn của những năm 40-50 tuổi, bương chãi buôn bán nuôi bầy con đông. Cả nhà chỉ còn một em gái và chồng con săn sóc cho Má, các con khác đều ở xa, đa phần ở ngoại quốc, lâu lâu một hai đứa về thăm vài ba tuần, rồi vội vã trở về Mỹ, về Úc, về Nhật…
Thành phố đã lớn lên nhiều lắm, nhà cửa xây cất mọc lên như nấm, đường xá chi chit, tiêm buôn sầm uất, những người quen cũ đã già hết, chỉ còn lác đác năm ba người rải rác đó đây, tay bắt mặt mừng, nhắc kỉ nệm cũ, còn toàn là mặt người trẻ mới lớn, thản nhiên đối xử với mình như người lạ ở xa tới. Tôi là con trưởng, nằm trên giường chiếc chung phòng với má, có đầy đủ tiện nghi, bước ra lan can thấy lốm đốm những trái mận hồng còn non giữa tàng lá xanh. Thời tiết man mát, pha chút nắng ấm dễ chịu những ngày cuối tháng chạp. ..Phòng thờ Phật và ông bà ở lầu ba, lúc nào cũng có hoa tươi và đèn vàng ấm áp, thắp nhang rồi không dám ở lâu  vì những tấm hình người thân trên bàn thờ gợi nhắc quá nhiều kỉ niệm đau thương…
Những ngày 23, 24,25, tháng chạp, công nhân làm ở Saigon đã chen chúc nhau trên các toa xe lửa về quê miền Trung, miền Bắc đoàn tụ với gia đình ăn Tết. Có nhiều người ít tiền, phải ngậm ngùi ở lại Saigon sống lẻ loi 3 ngày Xuân, dành  tiền gửi về cho cha mẹ,vợ con ngoài ấy…Tục lệ cúng Ông táo ngày 23 tháng chạp vẫn còn nhiều người giữ, áo quần giấy, vàng mã, nải chuối, ly gạo,tách nước…Tết mà không đưa ông Táo về Trời thì thiếu mất nhiều ý nghĩa của Tết. Sau 23 là những ngày nôn nao, bồn chồn, lo lắng của đủ loại người già trẻ lớn bé…Người già lo cúng kiến, thờ phụng, thở dài không biết còn ăn được mấy cái tết nữa trước khi về chầu ông bà, người lớn lo thanh toán nợ nần, sắm sửa quần áo, đổi tiền mới để dành lì xì cho trẻ con, mua cây mai, bông hoa, bánh trái , lau dọn cho nhà cửa tươm tất, xôm tụ. Có nhiều gia đình nghèo suốt năm quần quật làm không đủ ăn.Tết đến, đau buồn tủi hổ không sắm nỗi áo quần, giày dép mới cho con.Trẻ con nghèo giàu gì cũng có cùng một tâm hồn nao nức chờ đón được mặc đồ mới, tiền lì xì mừng tuổi, đốt pháo, mua này mua kia, bỏ tiền đồng binh…
Tôi nhớ lại cái cảm giác nô nức kỳ diệu của những ngày cuối năm hồi còn thơ ấu cho đến lên đại học khi còn trong nước. Bây giờ thì đầu đã 2 thứ tóc, quen với phong tục Âu Mỹ hai  ba mươi năm nay, không còn cái cảm giác nao nao của những ngày còn bé trong mấy ngày cuối năm, tuy cố chuẩn bị cho mình cái tinh thần ngày Tết, nhìn đâu cũng chỉ thấy buồn, thấy toàn là kỷ niệm, người thân đã khuất, bà con, thày bạn, người quen ly tán, mất mát.
Ngày 30 Tết, tôi phụ má lau dọn bàn thờ. Má trách ngày xưa trưởng nam phải ngồi  đánh bóng lư hương chân đèn bằng đồng, trang hoàng buồng thờ ông bà lộng lẫy. Tôi cười:”Xưa rồi má ơi. Bên Mỹ bây giờ người ta thắp nến điện, nhang điện cho khỏi đóng khói dơ nhà.” Em gái lục đục dưới bếp với người làm nấu cỗ cúng giao thừa đón ông bà về ăn Tết, mùi thơm xào nấu của thức ăn bay lên lầu hai. Mấy chục năm nay, thời thế thay đổi, tôi đâu còn quen với những bổn phận lặt vặt cổ truyền đó nữa. Bây giờ, ở đâu, cái gì cũng đơn giản, đại khái, cho thích ứng với cuộc sống xã hội chủ nghĩa duy vật vô thần, hay cuộc sống máy móc tư bản Âu Mỹ. Ai cũng lo làm tiền, vơ vét kiếm tiền thật nhiều, cho bõ những năm nghèo đói chiến tranh, học cải tạo, bao cấp, đói kém…Ở ngoại quốc thì ăn Tết vào các ngày thứ bảy chủ nhật thiên hạ không phải đi làm, trước hay sau mồng một, Tết đâu có ý nghĩa gì. Về đất cũ, ăn Tết đúng ngày giờ. Chợ Tết thì năm nào cũng chừng đó,chậu cúc, cành mai, chậu quất, hoa vạn thọ,”lay ơn”, cành đào…. Trái cây có buồng chuối, trái bưởi, quả cam, đu đủ, dừa, xoài, bom táo lê mận nhập cảng. Thành phố nào chợ búa cũng tuôn ra ngoài đường, cản trở xe cộ, la liệt trăm thứ hàng xanh đỏ tím vàng, đông đúc người bán ngồi xổm, người mua chen lấn, kêu gọi ơi ới…Và còn gì tiêu điều, xơ xác hơn chợ chiều 30 Tết, rác rưới ngổn ngang, hai ba người mua nghèo khó vơ vét mấy thứ hoa trái rau cỏ cặn cọt rẻ tiền trong khi phu quét đường cố gắng quét dọn cho sạch kịp ngày mai thiên hạ du xuân. Khác với các thành phố đông cộng đồng Việt ở ngoại quốc ưa tổ chức Hội chợ Tết để quảng cáo business, sách báo, bán thức ăn đặc sản, trình diễn văn nghệ, qui tụ đồng hương, Việt nam chỉ có rải rác những trò cờ bạc bầu cua cá cọp hay hàng ăn tạm bợ trên một hai khu phố dành cho khách và trẻ con qua đường.
Ðêm giao thừa gia đình ở nhà cúng đón ông Táo trở về từ Thượng giới, cúng ông bà, rồi bày cơm cúng ra ăn.   Nhớ những cái tết xa xưa trước 75, gia đình tôi thỉnh thoảng có lệ đi chùa lễ Phật, hái lộc, có cái thú đêm sương đi bộ về lành lạnh, thức rất khuya, ăn hột dưa,nếm mứt gừng, chờ đón giao thừa, nghe pháo nổ các nhà láng giềng ,ở đông bắc tây nam, tứ phía trong thành phố.. Tiếng pháo xua đuổi những xui xẻo buồn phiền của năm  cũ sắp qua và đón mừng Xuân mới đem lại hy vọng và may mắn . Ở Mỹ, trong các khu phố người Việt ở San Jose , Wesminster, Houston, cũng có nghe đốt pháo chí chát điếc tai như ở Việt nam trước 75, nhưng ở  Viet nam bây giờ thì tuyệt đối cấm đốt pháo, bao nhiêu năm qua giao thừa im ỉm như đêm đen ở bãi tha ma. Bao nhiêu năm thống nhất đất nước, hệ thống công an chằng chịt khắp hang cùng ngõ hẽm, mà vẫn còn sợ kẻ xấu lợi dụng tiếng pháo, nổ súng tấn công, phá hoại...Có người nói tại chính phủ  sợ cháy nhà dân, nhà tranh, nhà ván chen chúc san sát trong xóm, trong ngõ lao động nghèo nàn (?), hay muốn tiết kiệm tiền bạc cho nhân dân (?!). Tết mà thiếu tiếng pháo cũng giảm đi cái không khí rộn ràng vui nhộn của ba ngày Tết . Giới trí thức, sinh viên, học sinh có một thú vui tinh thần khác là ở nhà đọc báo Xuân.  Báo Xuân cũng có bán vài ba tờ, Tuổi trẻ,Thanh niên, Công an….ngoài sạp báo, nhưng có thấy mấy ai mua về nhà nhàn nhã đọc ba ngày Tết như thời xa xưa. Thiên hạ còn  mãi đua nhau chạy xe gắn máy ngoài đường, thăm bà con bè bạn, đi chùa , thăm mồ mã ông bà cha mẹ…
Gia đình tôi cũng giữ truyền thống mồng một Tết chúc Tết lì xì trong gia đình. Má ngồi ghế, con  cháu lớn nhỏ tề tựu xung quanh. Tôi là trưởng nam, thay mặt các em chúc má sống lâu trăm tuổi, khỏe mạnh an vui, lì xì cho mẹ 100 đô, chúc các em các cháu làm ăn thịnh vượng, học hành tấn tới, kèm theo những bịch lì xì đỏ. Má cũng chúc lại cho con cháu, cho bịch lì xì mừng tuổi.  Xong màn chúc Tết, tất cả vào phòng thờ lạy Phật và ông bà. Kế đó, cả nhà lên xe đi nghĩa trang thăm mộ thắp nhang cho ông bà, cha mẹ…Ngày xưa mướn nguyên chiếc xe Lambretta chở cả nhà, bây giờ thì cứ 2 người ngồi một xe Honda, nối đuôi nhau  chạy .  Mỗi lần ra thăm mộ ông bà ngoại và ba là mỗi lần thấy lòng chùng xuống, mặt mày đăm chiêu buồn bã, kỷ niệm xa xưa hiện về khêu gợi mối thương tâm. Ðưa mắt nhìn cây cỏ xung quanh mà tâm tư lan man nhớ lại những mùa Xuân mấy chục năm về trước, những năm hạnh phúc êm ấm trước 75. Quanh tôi, lác đác người thăm viếng thắp hương cho mồ mã thân nhân, xa quê hương quá lâu, toàn người lạ mặt, chẳng biết họ là ai và họ cũng chẳng biết mình là ai.
Trên đường  về, chúng tôi ghé chùa Tỉnh Hội lễ Phật, cúng tiền phước sương, hỏi thăm mấy chú tiểu, rồi qua chùa Diệu Ấn thăm Sư cô trụ trì, ăn miếng mứt gừng, cúng tiền, dạo cảnh. Chùa chiền ngày Xuân không được tấp nập, ấm cúng ,đông đúc rộn rã như ngày xưa. Về tới nhà , em gái xuống bếp hâm thức ăn, khui bánh chưng bánh tét,củ kiệu củ cải dưa muối, thịt heo kho nước dừa, dọn lên cả nhà ăn trưa.  Má thấy mệt, đi nằm nghỉ, con cháu ai muốn đi đâu thì đi, thăm bạn bè,người quen. Ngày xưa gia đình cô Sáu chưa dọn vào Saigon thì qua đó thăm, chúc Tết, mừng tuổi, nhận tiền lì xì.  Bây giờ thì đâu còn ai để đi thăm, mạnh ai muốn đi chơi đâu thì đi. Mồng Một theo phong tục,có nhiều nhà kiêng cữ, không dám đi xông đất nhà ai, sợ mang lại xui xẻo cho người ta, nên chỉ đi chùa hay nhà thờ, nằm nhà nghỉ ngơi,chờ qua mồng hai. Ngày xưa, người Hoa buôn bán đóng cửa nghỉ ngơi suốt tháng Giêng,các nhà khác nghỉ một tuần, sau đó coi lịch chờ ngày tốt mở cửa lại khai trương.
Tôi lái xe Honda xuống biển Bình Sơn, cách thành phố có 2 cây số, hóng gió biển, thấy dân nhà quê áo quần mới xanh đỏ từ các nơi xa xôi đổ xô về đó, gửi xe đông nghẹt, mua vé vào xem Hội chợ, ăn uống, xem xiếc, đánh bài, bấu cua cá cọp. Tiếng nhạc ồn ào, tưng bừng, màu sắc trang trí cờ quạt xanh đỏ phất phới trong gió biền thật vui mắt. Cũng muốn gửi xe, bước xuống lăn mình vào dòng người vui nhộn, coi này coi kia, vui lây cái vui của thiên hạ, nhưng kịp hiểu rằng thời của mình không còn nữa. Sẽ chỉ gặp toàn những khuôn mặt trẻ mới lớn xa lạ. Sẽ nhớ tiếc thời vàng son tươi đẹp, bè bạn thân thiết của những ngày niên thiếu xa xưa…  Không biết từ bao năm rồi, biển Bình Sơn và những khuôn viên khách sạn xây cất kiến trúc lạ mắt ở đây đã thu hút người dân quê mùa tới ăn chơi mấy ngày Xuân ngắn ngủi, sau một năm dài làm việc vất vã...Việc này có lẽ đã trở nên một thông lệ cho người dân hiền lành mộc mạc Ninh thuận.
Cứ thế, tôi trở về quê hương ăn Tết, để thấy mình chỉ là người cô đơn trong biển ngừời trẻ năng động kia, không có biến cố lịch sử chung nào,hoạt động kỉ niệm nào chung, ràng buộc mình với những người xa lạ đó để trở thành thân quen. Mình như thuộc về một thế giới khác, một xã hội khác, sau khi rời bỏ quê hương hai mươi mấy năm qua…Mồng hai Tết, mồng ba Tết, lặng lẽ qua, không có tiếp xúc nào đáng nhớ với xã hội bên ngoài. Rôi mồng bốn, nấu ăn làm cỗ cúng tiễn ông bà đi, theo phong tục. Mồng năm.. mồng sáu..mồng bảy…Không có dự định nào đặc biệt cho tháng ngày sắp tới. Không phải vào Saigon đi học lại như ngày xưa, không cần phải sửa soạn trở về Mỹ đi làm lại…Không có gì phải hấp tấp, nôn nóng. Ý nghĩa của Tết phai nhạt dần với mỗi ngày trôi qua trong thành phố hiền hòa lặng lẽ… Mùa Xuân của quê hương cũ không có hoa hồng, hoa tím,hoa xanh nở tươi thắm khắp các góc đường, công viên, bãi cỏ, mặt tiền nhà cửa như ở xứ người. Chỉ có hàng cau dài xanh mướt thẳng tắp chạy dọc giữa con đường Trung tâm xuống biển, ngọn gió mát từ dưới biển đưa lên, những ngôi nhà lầu mới cửa sắt khang trang mở cửa trở lại dọc hai bên phố, và những con người ta bắt đầu lục tục ra đường, đi lại, học hành, buôn bán, kiếm ăn, làm việc, sinh hoạt bình thường, mở màn cho một năm mới trở về trên đất cũ ngày nào…

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân