TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chúc mùng 3 Tết Vui vẻ _ Nam Sơn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chúc mùng 3 Tết Vui vẻ _ Nam Sơn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Nam Son



Ngày tham gia: 21 Feb 2010
Số bài: 30

Bài gửiGửi: Sun Feb 06, 2011 11:59 pm    Tiêu đề: Chúc mùng 3 Tết Vui vẻ _ Nam Sơn




Chúc mùng 3 Tết Vui vẻ


      Úc châu Mùng 3 Tết
      Kính Thân Hữu
      Chúc mùng 3 Tết Vui vẻ:
      Xuân Vẫn Còn Xuân
      (Hôm nay Trời Xuân bao tươi thắm
      Dừng bước phiêu linh về Quê nhà...).
   
              Tết Nói Chuyện Câu Đối
      (Vì lười biếng quá, nên NNS chỉ tổng hợp những tài liệu viết sẵn về Câu Đối (Tết) cho Thân Hữu đọc trong 3 ngày Xuân, mà đáng lẽ ra NNS phải viết như một bài riêng, cho hoàn chỉnh).
      I.
      Tết đến, nhà nào chẳng treo đèn, kết hoa, sửa sang bàn thờ, lo những chậu quất cành đào, cỗ bàn cho thật ưng ý. Nhưng tết lại cũng không thể thiếu câu đối xuân được.
      Theo sử sách, câu đối lúc đầu là bùa bát quái được người Trung Hoa cổ xưa dùng để treo ở giữa đòn dông nhà và dán hai bên cửa để giữ yên nhà cửa, xua đuổi không cho ma quỷ đến gần. Các bùa chú này phải được đặt đúng nơi, đúng lúc và phải làm lễ cúng bái mới phát huy được tác dụng. Không chỉ dán bùa chú, người Trung Hoa cổ xưa còn vẽ hình các vị thần thánh, các nhân vật huyền thoại theo tín ngưỡng, đem dán ở cửa nhà cũng để trừ tà ma. Tương truyền, Thần Thư và Uất Luật là hai vị thần chuyên bắt những con ma hung dữ, trói chúng lại bằng cỏ lau rồi đem cho hổ ăn. Vì vậy, trong những ngày giáp tết, người ta thường vẽ hình hai vị thần này rồi dùng cọng lau treo hai bên cửa để trừ ma quỷ. Người Trung Hoa cổ xưa cũng tin rằng cây đào là linh thụ chứa tinh anh trong ngũ hành nên được gọi là cây tiên đào và có khả năng trừ ma quỷ. Do đó, vào ngày tết, người ta thường vẽ hình của Thần Thư và Uất Luật trên ván bằng gỗ đào đế trấn giữ tà ma. Sau này, gỗ đào được thay bằng giấy và các vật khác. Nội dung hình vẽ và bùa chú cũng được thay bằng các câu văn rút ra từ kinh điển hay tác phẩm văn học, hoặc những lời chúc tụng cho năm mới tốt lành và hạnh phúc. Như vậy, từ hình thức tín ngưỡng có phần mê tín ban đầu dần dần việc dán câu đối vào ngày tết đã trở thành một mỹ tục của người Á Đông.
      Ngày nay, câu đối được chạm khắc hoặc viết trên gỗ rất hiếm. Trong dịp tết, câu đối thường được viết trên giấy hồng điều bằng mực tàu, chữ Hán (hoặc chữ kim nhũ vàng). Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đó dát vàng.
      Làm câu đối không quy định chữ, dài ngắn đều được, có điều phải tuân theo một số quy định như đối phải chỉnh, phải đúng lối bằng, trắc và các lối đối như câu tiểu đối (bốn chữ), câu đối thơ (năm chữ hoặc bảy chữ), câu song quan, gồm hai câu đối nhau, mỗi câu là một đoạn văn liền, từ năm chữ đến chín chữ.
      Câu cách cú, có hai vế, mỗi vế gồm hai đoạn đối ngắn dài tiếp nhau (Ví dụ: Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới. Đá xanh xây cổng, hòn dưới nống hòn trên). Câu gối hạc (hạc tất) mỗi vế có từ ba đoạn trở lên như chân con hạc (Ví dụ: Nào thuở trước dưới rừng cây nghe nhạc ngựa, thấp thoáng bóng dù dáng kiệu, những than dài chí cả trượng phu. Mà đến nay ngồi bệ ngọc ngắm tranh người, xôn xao đầu mũ gót hài, lại làm khoảnh ngôi sang hoàng đế)...
      Câu đối lại cần có người viết chữ, chữ đẹp thì càng đắt giá. Câu đối Tết là một thú chơi đặc biệt, thường được nhà nhà treo trước cửa, mừng xuân mới, với những mong ước an hòa, hạnh phúc của từng nhà.
      Theo học giả đời Thanh Trần Vân Đạm thì: "Câu đối tết có từ thời Thái tổ nhà Minh Chu Nguyên Chương, nhà vua định đô ở Kim Lăng, đêm ba mươi Tết truyền chỉ: Các vị công khanh, học trò, dân thường, nhà nào cũng phải có câu đối tết dán ở cửa nhà. Các học giả đời sau cũng cho rằng câu đối tết trở thành phổ biến là từ đầu đời Minh.
      Người dân Trung Quốc thường lại nhớ đến bài thơ nổi tiếng "Nguyên Đán" của Vương An Thạch đời Tống. Thơ có nhắc đến chuyện câu đối tết như sau: "Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ. Xuân phong tống noãn nhập Đô Tô. Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật. Tổng bả tần đào hoán cựu phù", nghĩa là: "Pháo trú kêu vang hết một năm. Rượu Đô Tô uống đón mừng xuân. Hơi xuân nồng hậu, muôn nhà sáng. Thẻ đào tống cựu, đón bình an”.
      Thẻ đào chính là câu đối. Nhưng có nhà nghiên cứu thì cho là câu đối xuân đã có trước đó nhiều. Trương Đường Anh đời Thanh cho câu đối xuân có trước cả đời Tống. Có người lại dựa vào giai thoại của Vương Hy Chi về câu đối của ông nhân ngày tết, thì chủ trương câu đối xuân phải có từ đời Tấn.
      Chuyện đó như sau: Có một năm nhà thư pháp trứ danh Vương Hy Chi chiều ba mươi tết, cho treo đôi câu đối chữ rất đẹp. Nhưng ai đến xem thưởng thức thì đều không hiểu sao ông lại chơi đôi câu đối tết thế này. Xem ra, toàn chuyện không hay. Vế một là Phúc vô song chí (Phúc không đến hai lần), vế hai là Họa bất đơn hành (Họa chằng đi một mình). Đọc rồi mọi người đều cau trán bỏ đi. Nhưng đến hôm sau, phần gỗ đào ở phía dưới mới được Vương Hy Chi viết tiếp, toàn văn như sau:
      Phúc vô song chí, Kim triêu chí
      Họa bất đơn hành, tạc dạ hành
      Nghĩa là:
      Phúc không đến cặp, sớm nay đến
      Họa chẳng đi xuống, tối trước đi
      Thì lại là đôi câu đối thật hay, vừa ỡm ờ lại vừa độc đáo...
      Trong từ điển Trung Quốc thì chép theo sách cổ Sơn hải Kinh: "Câu đối bắt đầu từ tục làm đào phù (thẻ đào). Ngày trước, dân Trung Hoa, tết đến dân chúng thường lấy gỗ đào khắc lên hai vị thần là Trần Trà và Quách Lũy, treo ngoài cửa để đuổi tà ma gọi là đào phù (thẻ đào hoặc bùa đào).
      Sau đó thay bằng giấy vẽ lên, cho đến đời Hậu Thục thì phát triển thành câu đối. Người có câu đối đầu tiên treo ở đời Hậu Thục là Mạnh Xưởng. Đó là câu: “Tân niên khai dư khánh, Giai tiết hạ trường xuân" nghĩa là "Năm mới bày tiệc lớn. Tiết đẹp mừng xuân dài”...
      Ở Việt Nam, tục chơi câu đối Tết ở những thế kỷ trước cũng khá phổ biến. Câu đối cửa miệng nói điều ngày Tết, nhà nào cũng có là:
      Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
      Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
      Tết xưa, câu đối gánh về bán tận làng, hoặc bày bán trong các cửa hàng ở chợ tết. Thường thì ngày tết, nhà giàu, mua thêm đôi câu đối hay trang hoàng hoặc thờ trong nhà câu đối thường làm bằng gỗ tốt, sơn then hoặc sơn son, chữ vàng, được ban sẵn, phần lớn là trên gỗ phẳng, cũng có khi hình cong ốp vào cột, nổi bật hơn. Câu đối chơi có khi khắc họa văn điểm tô ở đầu và chân từng vế, còn hình thức thì khắc theo hình qủa bầu, quả bí khá đẹp. Có đôi còn khảm trai, khá đắt tiền...
      Những người hay chữ, tết đến thường dùng mực nho tốt, giấy điều, tự nghĩ ra câu đối mình ưng, hợp với cảnh nhà mình mà viết ra...
      Câu đối tết xưa được lưu truyền cũng có nhiều câu khá hay như của Nguyễn Công Trứ:
      *Chọc trời ngất một cây nêu, hết tối ba mươi, gì cũng hết
      Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một, thế là xuân.
      *Tối ba mươi, nợ hỏi tít mùa, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
      Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà...
      Của Nguyễn Khuyến:
      *Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
      Xuân về, bút mới thử vài trang
      *Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
      Tóc râu them một sợi tuổi trời cao.
      Của Trần Tế Xương:
      *Đì đẹt, ngoài xân, tràng pháo chuột
      Lập loè trên vách, bức tranh gà
      *Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
      Nhân tình trắng thế lại bôi vôi...
      Có người lấy thơ Đường ra viết câu đối, được câu rất hay, thờ cũng được mà chơi tết cũng được:
      Hiền giả quý vị đức
      Thanh sơn sắc tự xuân
      (Người hiền quý vì đức
      Núi xanh sắc tự xuân).
      Thông thường dân chúng thường mua hoặc viết đôi câu đối tết, cầu phúc lộc cả năm như sau:
      Nhân tăng phú quý nhân tăng thọ
      Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường
      Nghĩa là: Người thêm giàu sang, người thêm thọ. Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà...
      Ngày nay, nhiều nhà thư pháp, dân chúng vẫn còn thú chơi câu đối tết. Không những câu đối bằng chữ Hàn mà còn viết bằng chữ Việt nữa khá bay bướm. Nhiều tờ báo tết, mục câu đối cũng là một nhu cầu của bạn đọc, không thể thiếu được.
      II.
      Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nhà nho cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối Đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên thường được gọi chung là câu đối đỏ.
      Chữ nghĩa ở các câu đối này thường là những chúc tụng nhân năm mới, chẳng hạn như:
      Phước thâm tự hải (hạnh phúc nhiều sâu như biển)
      Lộc cao như sơn (của cải nhiều cao như núi)
      Hay:
      Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ (Trời đất ngày gia tăng ngày tháng ví như con người mỗi năm tăng thêm tuổi thọ)
      Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường (mùa xuân về đầy trong Trời đất ví như hạnh phúc đầy nhà)
      Câu đối cũng còn được gọi là Liễn. Liễn thường là những dải giấy màu đỏ hay hồng đào, hai đầu dải giấy có làm trục bằng gỗ hay bằng tre để khi treo lên thì dải câu đối được ngay ngắn. Cũng có khi liễn không cần có trục và chỉ là những dải giấy để tiện dán vào những nơi cần treo như ở hai bên bàn thờ, các cột nhà cửa, cổng hay ngõ...
      Trước đây ở chốn thôn quê, mỗi khi Tết đến, người ta còn cẩn thận dán liễn đỏ ở cửa chuồng lợn, trâu, bò hoặc ở thân cây dừa, nhãn, ổi, na... để ngụ ý cầu mong cho mọi sự được tốt đẹp như lợn, trâu, bò hay ăn chóng lớn, sinh đẻ đầy đàn... các cây thì sai trái.
      Những nhà không có đủ khả năng và phương tiện viết câu đối ăn Tết thường phải nhờ những cụ đồ nho chuyên viết và bán những câu đối Tết.
      Các văn nhân nhân dịp Tết cũng thường làm câu đối để bày tỏ ý chí của mình hoặc chỉ trích những thói hư tật xấu của người đời, chẳng hạn:
      Thiên hạ xám rồi còn đốt pháo
      Nhân tình bạc thế, lại bôi vôi
      (Trần Tế Xương)
      Hay:
      Tối ba mươi khép cánh càn khôn
      Ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới
      Sáng mồng một, lỏng theo tạo hóa
      Mở toang ra, cho thiếu nữ đón xuân vào
      (Hồ Xuân Hương)
      Câu đối Tết
      Những câu đối hay ngày Xuân
      Ngày xuân, nhâm nhi chén rượu, đọc đôi câu đối, cũng là một cái thú của người Việt Nam ta.
      Xin gởi đến Thân Hữu vài câu Đối ngày Xuân để chúng ta cùng vui xuân, thưởng thức tài trí của ông cha ta trong lĩnh vực văn hoá đậm đà màu sắc dân tộc này.
      Những câu đối Tết quen thuộc:
      -Ông vua này hay chữ Lê Thánh Tông trong ngày cuối năm đã mặc giả thường dân, ra ngoại thành xem dân tình chuẩn bị Tết. Nhà vua ghé thăm một quán bán trầu nước, thấy gia đình neo đơn, chưa hề có không khí đón Tết, đã tự tay viết giúp bà chủ quán đôi câu đối đỏ hoàn toàn bắng tiếng mẹ đẻ treo trước cửa hàng:
      Nếp giầu quen thói kình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm
      Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng.
      Câu đối miêu tả một quán bán trầu nước mà ta thường gặp, có đủ giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước, bát, hàng... nhưng lại mang khẩu khí của bậc đế vương: “Việc nước ra tay chuyên bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng ”.
      - Câu đối Tết của “Bà chúa thơ Nôm” thì dân gian biết bao và tuy còn đôi từ Hán-Việt nhưng ai cũng hiểu được:
      Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương bồng quỷ tới
      Sáng mồng một lỏng then tạo hoá, mở toang ra cho thiếu nữ ruớc xuân vào.
      Nhưng quen thuộc nhất là câu đối Tết của nhà thơ đất Vị Hoàng mà người Việt Nam ta ai cũng nhớ:
      Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
      Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
      Câu đối “dán chuồng lợn” hay là câu đối chỉ dùng có... hai chữ
      Đây là câu đối của Nguyễn Khuyến khi ông còn là cậu học trò nhỏ. Học giỏi được thầy, bạn quý nhưng cậu lại bị anh trưởng tràng học kém hơn ganh ghét. Anh ta bày trò bắt cậu làm câu đối “dán chuồng lợn” để giễu cợt (vì có ai làm câu đối để dán chuồng lợn bao giờ!?). Cậu đã làm ngay đôi câu đối để trả đũa anh trưởng tràng, vì vậy hai vế chỉ dùng có... hai chữ “trưởng tràng”:
      Trưởng trưởng, tràng tràng, tràng trưởng trưởng.
      Tràng tràng, trưởng trưởng, trưởng tràng tràng.
      (Nghĩa là: Lớn lớn, dài dài, dài lớn lớn Dài dài, lớn lớn, lớn dài dài).
      Câu đối dán chuồng lợn là để cầu cho lợn chóng lớn, thiết tưởng không còn câu nào hay hơn thế, nhưng đã cho anh trưởng tràng một vố thật sâu cay, nhớ đời.
      Câu đối cực ngắn, dí dỏm thông minh là những câu đối vui, những câu đối cực ngắn chỉ có thể tìm trong văn học dân gian.
      Ngày xuân, hai ông đồ cùng ngồi nhắm rượu, đối văn. Ồng đồ thôn Đông gắp một miếng chả nhai tóp tép rồi tung ra một vế đối:
      - Chả ngon
      Ông đồ thôn Đoài cũng đang bí vì cái từ “chả” hai nghĩa ấy thì may quá từ gầm giường một con cóc nhảy ra, miệng cũng nhai tóp tép.
      Ông liền đối ngay:
      - Cóc sướng
      “Cóc” đối lại “chả” thật tuyệt vì nó cũng mang hai nghĩa như vậy. Ông thôn Đông chịu là giỏi, vờ cắn phải lưỡi kêu lên:
      - Ái! (vừa là tiếng kêu, lại có nghĩa là yêu). Tiếng kêu làm ông thôn Đoài giật mình, đánh rơi miếng thịt hoen bẩn hết chiếc quần sộp.
      Ông đối lại ngay:
      - Ố! (vừa nghĩa là hoen ố, lại có nghĩa là ghét) Thế là hoà cả làng. Người ra đã hóm, người đối cũng hay. Tài trí dân gian thật tuyệt vời.
      Câu đối chơi chữ Việt với chữ nước ngoài:
      Câu đối chơi chữ Việt-Pháp:
      Hai chân duỗi thẳng đơ (deux= hai)
      Sáu cỗ ngồi xúm xít (six= sáu)
      Câu đối chơi chữ Việt- Anh:
      Chó gâu gâu đi cắn trộm ăn đòn (to go= đi)
      Lợn ủn ỉn ốm nằm dài chê cám (ill= ốm)
      Câu đối viếng của giới Văn nghệ sĩ:
      Tú Xương sinh năm 1870, sau Nguyễn Khuyến 35 năm (1835), nhưng lại ra đi trước, khi nhà thơ mới có 37 tuổi (1907). Cụ Tam nguyên Yên Đổ lúc đó đã 72 tuổi, chống gậy đến viếng người bạn thơ đất Vị Hoàng bằng câu đối:
      Kìa ai chín suối Xương không nát
      Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn
      Khi nhà thơ Quang Dũng qua đời (13/10/1988), nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng đã có đôi câu đối viếng:
      Yêu sao chàng tuổi trẻ!
      Cơm lên khói, súng ngửi trời, đoàn Tây Tiến đường lên thăm thẳm.
      Tiếc mấy bạn thơ già!
      Nắng đốt màu, mưa rụng lá, mây đầu ô gió đuổi bời bời.
      Câu đối... toán học:
      Câu chuyện xảy ra giữa bố vợ và chàng rể. Bố vợ là cụ đồ sống vào buổi giao thời nên hiểu cả Tây học, cụ quý chàng rể ham đọc sách và biết ngoại ngữ. Một bữa bắt được con ba ba, định bụng gọi chàng rể đến làm thịt, nấu nướng rồi cùng nhau nhâm nhi. Nhưng thấy con rể vẫn cắm đầu vào quyển sách ngoại ngữ dày cộp, cụ lại thôi. Nấu nướng xong xuôi, cụ sang gọi chàng rể:
      - Ham đọc sách thế là tốt. Nhưng đọc sách thì phải biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Ta ra cho anh một vế đối, nếu đối được thì sang đánh chén, không đối được thì bị “ăn đòn”:
      - Dạ. Xin thầy ra vế đối.
      - Được. Hãy nghe đây: ”Hầm ba ba đã chín”. Đối đi. Đối cho chỉnh vào.
      Câu đối quả là hóc búa, vì “ba ba” là con ba ba nhưng cũng là ba lần ba là chín. Chín vừa là tính từ (đã được hầm chín), lại vừa là số 9. Phải đối sao cho có phép tính nhân với tích số mang hai nghĩa như vế đối ra. Chàng rể đang bí, bỗng có chiếc xe bò chở cát đi qua. Anh ta mừng quá, vội xin đối:
      - Dạ con xin đối là: “Chở cát cát đầy xe”
      Cụ đồ nghe xong, vỗ đùi khen “Giỏi”.
      Chàng rể đối “cát cát” nghĩa là hạt cát, nhưng tiếng Pháp “cát” (quatre) là số 4, “cát cát” là 4x4=16. Tiếng Pháp đọc 16 là seize, đọc là xe, nên “xe” ở đây vừa là cái xe bò vừa là số 16, tích của phép nhân. Thật tài tình! Vế ra chơi chữ tiếng Việt, vế đối lại chơi chữ cả tiếng Việt- Pháp.
      III.
      Sáng tác câu đối là một thú chơi tao nhã của bậc trí thức nhiều thời, có nội hàm văn hóa rất cao, thể hiện luân lý của người Á Đông nói chung, tính nhân văn của dân tộc ta nói riêng. Mỗi độ xuân về, ngoài việc trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, nhà nào cũng dán câu đối.
      Nội dung của các câu đối thường mang nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang, thịnh vượng:
      Gia đình hòa dẫn xuân phong mãn
      Diên kí quang đăng thọ diện cao
      (Nhà đầu ấm gió xuân phơi phới
      Tiếc mừng vui sao thọ ngời ngời)
      Tết đến, người người thêm một tuổi, trướng thành hơn. Đó cũng là sự hãnh diện, là niềm hạnh phúc của mỗi người. Xuân về, trăm hoa đua nở, không khí mát lành là thời gian đế mọi người nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động mệt nhọc. Để tổng kết lại chặng đường trong năm qua và định hướng cho năm tới tốt lành hơn trong ngày xuân, người ta cũng thích dùng câu đối:
      Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
      Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường
      (Trời thêm năm tháng, tuổi thêm thọ
      Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà)
      Phúc là điều tốt lành được dân gian quan niệm là trên hết. Theo triết lý phương Đông, có phúc thì sẽ có con cháu đầy đàn, giúp ích cho việc tăng gia sản xuất, nối dõi tông đường. Vì vậy, trong tam tinh (Phúc, Lộc, Thọ) thì Phúc đứng đầu. Trong các mùa của năm, mùa xuân đứng đầu vì mùa này giúp cho cây trái tươi tốt, đem đến bao ước vọng an lành, vì lý do đó, chúc xuân là phải chúc Phúc:
      Tứ thời xuân tại thủ
      Ngũ phúc thọ vi tiên
      (Bốn mùa xuân trên hết
      Năm phúc thọ đầu tiên)
      Ngày tết cũng là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, nhớ đến công ơn dưỡng dục, sinh thành của ông bà, tổ tiên nên bàn thờ gia tiên ngoài hương đăng trà quả còn có các hoành phi, câu đối thể hiện sự biết ơn tổ tiên, ông bà:
      Cúc dục ân thâm Đông hải đại
      Sinh thành nghĩa trọng Thái Sơn cao
      (Ơn dưỡng dục sâu tựa biển Đông
      Nghĩa sinh thành cao hơn núi Thái)
      Ngoài ra, còn có các hoành phi, liễn đối khác dán khắp nhà cũng không ngoài mục đích ước mong sự thái bình, làm ăn phát đạt, cát tường. Trước cửa nhà, người ta thường dán câu: Xuất nhập bình anh hay Ngũ phúc lâm môn. Trên tủ quần áo hoặc trên trái cây thờ cúng thì dán chữ đại kiết, còn ở lu gạo thì người ta dán chữ Mãn thể hiện ước muốn gạo trong lu đầy mãi. Riêng những gia đình chuyên buôn bán thì dán câu đối với sự cầu mong mua may, bán đắt, dập dìu khách đến, tấp nập người mua:
      Xuân đáo khách phòng xung hỷ khí
      Hoa khai tương điếm phức hương phong
      (Phòng khách xuân sang đầy vẻ đẹp
      Cửa hàng hoa nở nức mùi hương)
      Bên cạnh các câu đối mang nội dung chúc tụng trong các dịp hiếu hỷ, lễ tết, một số nơi ở Nam bộ còn cho dán câu đối ở trước cửa nhà để nói lên chí hướng và hoài bão của gia chủ.
      Phục kế tổ huấn lập đại chí
      Thân công đạo lộ chấn gia thanh
      (Khôi phục và nối tiếp lời dạy của tổ tiên để lập nên chí lớn
      Con đường thành công của bản thân mình cũng sẽ làm cho thanh thế của gia đình nổi lên)
      Ngoài ra, những gia đình có đặt tên hiệu cho nhà mình cũng dùng lối chiết từ để tạo thành câu đối. Tên hiệu của mỗi gia đình thường là để nói lên ý chí, ước vọng của gia chủ về những điều lành, sự giàu sang, phú quý. Cho nên, chiết tự từ cửa hiệu để tạo thành câu đối cũng nhằm khuếch trương quang đại cho gia đình và dòng họ. Ví dụ, một gia đình ở huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng có cửa hiệu là Mộc Lợi, đã dùng câu đối sau:
      Mộc gia tiên đức sáng cơ nghiệp
      Lợi phát tài nguyên chấn gia thanh
      (Cái đức đời trước của gia đình họ Mộc an dựng nên cơ nghiệp
      Nên lợi lộc tiền tố đời nay làm uy danh gia tộc mình thêm)
      Một gia đình khác có tên hiệu là Kim Lợi, thì sẽ tương ứng với câu đối sau:
      Kim ngọc mãn đường tích thiên tứ
      Lợi lộ hanh thông vạn đại xương
      (Vàng ngọc đầy nhà là do thụ hưởng được ơn của trời
      Con đường lợi lộc có tốt đẹp là do gia tộc: muôn đời làm điều tốt)
      Một số tỉnh, thành Nam bộ, câu đối không chỉ được viết trên giấy màu đỏ (Câu đối đỏ), mà còn được viết ra giấy màu xanh (câu đối không chỉ viết bằng chữ Hán hay chữ quốc ngữ, mà còn bằng chữ Khmer. Dán câu đối màu xanh là việc chẳng đặng đừng vì chỉ có màu đỏ mới thể hiện cho sự cát tường, may mắn. Câu đối xanh chỉ do trong trường hợp gia đình có chuyện buồn vào những ngày vui, chẳng hạn không may trước ngày tết có người thân qua đời. Câu đối xanh là "trung hòa" cho việc buồn xảy ra trong ngày vui đó. Dán câu đối xanh cũng giúp cho những người đến viếng đỡ bối rối, ngại ngùng khi ngày tết mà phải đi viếng đám tang.
      Nội dung câu đối xanh thường là nói về tình nghĩa của người đang sống với người đã khuất hoặc ca ngợi công đức của người quá cố.
      Câu đối được viết bằng chữ Khmer là do sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer trên mảnh đất Nam Bộ, viết bằng mực đen và giấy đỏ, cũng được dán trước cửa nhà, cửa buồng, dán ở cột nhà, nội dung các câu đối cũng là chúc mừng năm mới, đón chào quý khách, giàu sang phú quý...
      Ngày xưa, trong các phiên chợ Tết, người ta thường mua vài câu đối của các ông đồ viết sẵn mang về nhà treo.
      Thật là thiếu sót nếu ngày Xuân mà không có câu Đối.
      Kinh

            Kính.

NNS



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân