TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhân Quả Trong Cuộc Sống
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhân Quả Trong Cuộc Sống
Chuyển đến trang Trang trước  1, 2
 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
phimanh



Ngày tham gia: 24 Sep 2010
Số bài: 150

Bài gửiGửi: Wed Feb 09, 2011 11:30 pm    Tiêu đề:

DO ĐÂU MÀ CÓ TÁI SANH LUÂN HỒI ?


Bị Vô Minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, con người tiếp tục tái sanh trong tương lai.

Con người bị Vô Minh ngăn che, không thấy đúng sự vật nên lầm chấp cái không phải cho là phải, cái không đúng cho là đúng, nên hoàn toàn tạo ra nghiệp ác hoặc thiện.

Do nghiệp thiện, ác mà tiếp tục tái sanh luân hồi. Tham ái (tức là lòng thương yêu, ưa thích) là động cơ mạnh nhất khiến ta tạo nên nhân quả, nghiệp thiện, nghiệp ác và tiếp tục tái sanh luân hồi.
(Trích từ Cẩm Nang Tu Phật 1 www.chonlac.org)


XÚC ĐỘNG TRƯỚC CẢNH KHỔ


Tâm còn xúc động trước cảnh khổ đau, bất hạnh của người khác là tâm dao động.

Phật dạy: “Thương cũng khổ, mà ghét cũng khổ”.

Người muốn tâm bất động trước cảnh thương tâm, thì phải tập nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả.

Trước cảnh đau thương của con người cũng như của loài vật, ta sẵn sàng cứu giúp, an ủi bằng khả năng và sức lực của mình. Nhưng tâm ta bất động, vì thấu suốt nhân quả nghiệp báo mà nguời và loài vật phải trả vay, vay trả. Có gì mà tâm ta phải xúc động, thương cảm?

Chúng ta không làm ngơ trước nỗi bất hạnh của người khác, nhưng tâm ta phải theo pháp, đúng như lời của đức Phật dạy, không được để tâm dao động trước các pháp. Tâm dao động là tâm đau khổ. Tâm đau khổ trước hoàn cảnh bất hạnh của kẻ khác là tâm “thương vay, khó mướn”; nó chẳng giúp ích gì cho ai mà lại còn làm cho mình tối tăm thêm.
(Trích từ Cẩm Nang Tu Phật 1 www.chonlac.org)

CÁC VỊ LẠT MA TÁI SANH


Báo chí có đăng tin các vị Lạt Ma Tây Tạng sau khi chết thần thức đã đầu thai trở lại, nên các vị nầy nhớ lại đời quá khứ của mình một cách rõ ràng. Vậy nên hiểu vấn đề nầy như thế nào?

Trong kinh Phật dạy tu tập tỉnh thức, có bốn giai đoạn:

1/. Tỉnh thức khi bỏ thân nầy vào thai mẹ, biết rõ ràng, nhưng khi vào thai mẹ thì không còn biết biết nữa.

2/. Tỉnh thức khi bỏ thân nầy vào thai mẹvà ở trong bụng mẹ đều biết rõ ràng, nhưng đến khi sanh ra thì lại không biết.

3/. Tỉnh thức khi bỏ thân nầy vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ và đến khi sanh ra đều nhớ biết rõ ràng. Đến khi lớn lên thì không còn biết nữa.

4/. Tỉnh thức khi bỏ thân nầy vào thai mẹ, ở trong bụng mẹ sanh ra và lớn lên đều nhớ biết rõ ràng. Các vị lạt Ma Tây Tạng đã tu tập tỉnh thức thứ tư nên nhớ lại được đời quá khứ của mình.

Đó cũng không có gì đặc biệt, chỉ cần tu tỉnh thức đúng cách mà đức Phật đã dạy pháp chánh niệm tỉnh giác định tu trong hành động ngoại và nội của thân thì sẽ có kết quả như các vị Lạt Ma Tây Tạng.
(Trích từ Cẩm Nang Tu Phật 1 www.chonlac.org)
Về Đầu Trang
phimanh



Ngày tham gia: 24 Sep 2010
Số bài: 150

Bài gửiGửi: Thu Feb 10, 2011 11:06 pm    Tiêu đề:

ĐỨC VƯỢT QUA NHÂN QUẢ - ĐỨC LÀM CHỦ NHÂN QUẢ - ĐỨC CHẤP NHẬN NHÂN QUẢ


Thầy sẳn sàng trả lời những câu hỏi của các con và minh họa những câu chuyện khiến cho câu chuyện trở thành phong phú những hành động nhân quả thiết thực, cụ thể hơn. Trước tiên Thầy xin trả lời những câu hỏi của KQ.

Hỏi: 1- Đức vượt qua nhân quả, đức làm chủ nhân quả, đức chấp nhận nhân quả, ba đức này có nghĩa là gì? Và có sự khác nhau như thế nào?

Ba đức này có ý nghĩa khác nhau.

Đáp I: - Đức vượt qua nhân quả có nghĩa là nhân quả đến mà không tác động được thân tâm chúng ta. Ví dụ: Có người mắng chửi chúng ta, chúng ta nghe thấy biết rất rõ ràng nhưng tâm chúng ta không có chút sân giận. Và cũng không phân bua phải trái với người ta, thường sẵn sàng giúp đỡ người mắng chửi mình khi họ gặp nhân quả xấu. Dưới đây là một câu chuyện vượt qua nhân quả: “HẠT GIỐNG LUỘC CHÍN”

“Ngày xưa tại một vương quốc nọ, có một vị vua anh minh luôn được mọi người yêu mến. Ngài luôn buồn rầu vì tuổi đã cao mà chưa có con để truyền ngôi. Một hôm vua nói với các quần thần: “Ta phải đích thân đi tìm một đứa trẻ thật thà làm con nuôi để sau này có người kế vị”. Thế rồi vua truyền lệnh phát cho những đứa trẻ trong toàn vương quốc một số hạt giống và tuyên bố: “Nếu ai trồng được một chậu hoa đẹp nhất từ những hạt giống này, người đó sẽ được thừa kế ngôi báu”. Tất cả trẻ con đều hăm hở đem hạt giống về trồng, ngày đêm chăm sóc. Trong số đó có một cậu bé cũng chăm chỉ chăm sóc cho hạt giống nhưng mãi không thấy hạt giống nảy mầm. Cậu còn thay đổi đất trong chậu nhưng vẫn không thấy kết quả. Ngày dâng hoa cho vua xem đã đến, tất cả mọi đứa trẻ đều mang những chậu hoa rực rỡ của mình tới trước cung điện, vua đi xem khắp một lượt nhưng trên nét mặt không hề có chút vui tươi. Bổng vua nhìn thấy lẫn trong đám đông có một đứa trẻ tay bưng một chiếc chậu không, với nét mặt buồn thiu. Vua lại gần hỏi vì sao thì cậu bé òa khóc lên và kể lại cho vua nghe việc mình trồng hoa như thế nào mà hạt giống không nảy mầm. Cậu còn nói đây có thể là sự trừng phạt vì cậu đã từng ăn trộm táo ở vườn nhà người láng giềng. Nhà vua nghe xong rất đổi vui mừng. Ngài kéo cậu bé vào lòng và nói: “Đây chính là cậu bé thật thà của ta”. Mọi người thấy vậy ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nhà vua lại chọn một đứa trẻ đưa chậu hoa không tới để kế thừa ngai vàng vậy?”. Nhà vua mỉm cười đáp: “Hạt hoa giống ta giao cho mỗi đứa trẻ đều là những hạt giống bị luộc chín!”. Nghe xong lời của nhà vua, những cậu bé bưng trên tay những chậu bông rực rỡ đều xấu hổ, mặt đỏ và cúi đầu im lặng”.

Câu chuyện trên đây chỉ cho chúng ta vượt qua nhân quả. Vượt qua nhân quả chỉ có LÒNG THÀNH THẬT mà thôi, câu chuyện trên đây tuy đơn sơ nhưng rất thấm thía cho cuộc đời mà con người hay phạm và lỗi lầm này. Theo đức Phật dạy: “Nhân quả chỉ có vượt qua”, mà vượt qua nó bằng ĐỨC THÀNH THẬT. Cho nên mình làm điều gì ác hay thiện chỉ có đức thành thật thì sẽ vượt qua mọi nhân quả ác thiện. Quí vị nên nhớ lời Phật dạy này: “Đứng lại thì chìm xuống. Tiến tới thì trôi dạt. Chỉ có vượt qua”.

*********
Đáp II: Đức làm chủ nhân quả có nghĩa là từ hành động thân, miệng, ý của mình, trước khi làm hay nói chúng ta đều có sự suy tư tính toán mỗi hành động không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh rồi mới nói hay làm. Đó là cách thức làm chủ nhân quả.

Làm chủ nhân quả tức làm lợi ích cho người khác, vì thế ai cũng làm như vậy là đã làm chuyển đổi nhân quả ác trở thành nhân quả thiện. Từ cảnh giới Địa ngục để trở thành cảnh giới Thiên đàng chỉ có hành động làm lợi ích cho người, đừng vì lợi ích cho mình. Đây là một câu chuyện làm chủ nhân quả: “THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC”

“Có một người đi tham quan Thiên đàng và Địa ngục. Trước tiên anh ta tới Địa ngục. Ở đó anh ta thấy một cảnh tượng lạ lùng: Trước mắt mọi người có rất nhiều món ăn ngon, nhưng không ai ăn được. Cho dù họ ngồi bên bàn rượu, nhưng người nào cũng còn da bọc xương, mặt mày ủ rũ.

Anh lại phát hiện ở cánh tay phải mỗi người buộc một cái đĩa, cánh tay trái buộc một con dao, chuôi dao và đĩa dài độ 4 phân, làm cho họ không thể nào ăn được, vì vậy mà ai cũng bị đói.

Tiếp đó anh ta lại đến Thiên đàng. Cảnh tượng ở đây cũng chẳng có gì khác, chuôi dao và đĩa cũng dài 4 phân, nhưng những cư dân Thiên đàng đều ca hát, nói cười vui vẻ.

Anh ta nghi hoặc nhưng cuối cùng cũng tìm ra được câu trả lời. Đó là ở Địa ngục mọi người đều muốn gắp cho mình ăn, vì thế mà không ai ăn được, còn ở Thiên đàng thì mọi người đều gắp cho người ngồi đối diện với mình và cũng được người ngồi đối diện gắp lại, vì vậy mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau nên ai nấy đều có thể ăn uống rất vui vẻ.”

Đọc câu chuyện này quí vị nghĩ sao về nhân quả? Nếu mọi người hiểu biết về nhân quả thì nên sống vì mọi người, sống vì mọi người thì cuộc sống của chúng ta là Thiên đàng quý vị ạ! Sống vì mọi người rất hạnh phúc, tại sao vậy? Vì mọi người có an vui thì sự an vui của mình mới lâu dài.

Nhìn lại cuộc sống của chúng ta hiện giờ như thế nào? Hầu hết mọi người chỉ biết nói nhân quả nhưng chưa thật sống với nhân quả. Cho nên cuộc sống của loài người trên thế gian là Địa ngục, vì con người chỉ biết sống vì mình, chớ không vì người khác, vì vậy mà sự xung đột và chiến tranh thường xảy ra khắp trên thế giới không nước này thì nước khác. Đó là sống phi nhân quả nên loài người phải chịu mọi khổ đau cũng chính nhân quả mình làm mình chịu.

**********
Đáp III: Đức chấp nhận nhân quả có nghĩa là biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng dù bất cứ một nhân quả nào xảy đến. Đức chấp nhận nhân quả thì phải dùng cả ba đức này thì mới gọi là chấp nhận nhân quả, thiếu một đức thì không thành đức chấp nhận nhân quả. Đây là một câu chuyện nói về đức chấp nhận nhân quả:

“Có một người đánh cá bắt được một con rùa biển. Ông ta đối xử với nó như con của mình. Thế nhưng con rùa biển không ăn uống và cũng không động đậy. Lúc nào nước mắt nó cũng giàn giụa.

Con rùa van xin người đánh cá và nói: - Trái tim tôi ở biển cả, nơi đó có nhà của tôi, có niềm vui của tôi. Xin ông hãy thả tôi ra.

Nhưng người đánh cá không thể thả nó được bởi vì ông rất yêu nó. Một thời gian sau, thấy con rùa yêu quý của mình ngày càng tiều tụy, người đánh cá đau lòng, và quyết định thả nó về với biển.

Một năm sau, vào một ngày nọ, bỗng nhiên ông ta nghe có tiếng gõ cửa, mở cửa ra ông thấy đó chính là con rùa mà ông thả.

Người đánh cá liền hỏi: - Con đã có hạnh phúc rồi, lại còn trở lại đây làm gì?

Con rùa liền đáp: “Hạnh phúc của tôi là do ông mang lại, tôi không thể quên ơn đó.”

Người đánh cá nói: “Thôi con đi đi, chỉ cần con hạnh phúc là được rồi, từ sau không cần phải đến thăm ông nữa.”

Con rùa biển lưu luyến không muốn rời xa ông. Và một tháng sau người đánh cá thấy con rùa quay lại.”

Đức chấp nhận nhân quả tức là LÒNG YÊU THƯƠNG. Ở đâu có lòng yêu thương là ở đó có sự chấp nhận nhân quả. Cho nên chúng ta chấp nhận nhân quả vì chúng ta yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương tất cả chúng sinh và ngay cả hoàn cảnh xảy ra chúng ta vẫn yêu thương.

Hỏi 2: Đức vượt qua nhân quả có phải là đức làm chủ nhân quả hay không?

Đáp: Không, đức vượt qua nhân quả và đức làm chủ nhân quả Thầy đã giảng ở trên, nó không phải là một đức. Để Thầy chứng minh thêm đức nhân quả vượt qua bằng một câu chuyện buông xả: “Thổ dân Phi Châu có một tuyệt chiêu vô cùng thông minh khi đi săn khỉ đầu chó. Họ để thức ăn mà Khỉ thích, đặt vào miệng một cái bình lớn và đề cho khỉ đầu chó núp ở chỗ xa nhìn thấy. Khi họ đi xa rồi thì khỉ đầu cho vui mừng nhảy tới, dùng tay thò vào bình, quặp lấy thức ăn, nhưng do miệng bình rất nhỏ, khi tay của nó nắm thành nắm thì rất khó rút ra, lúc bấy giờ người thợ săn chỉ việc bình tĩnh đến bắt con vật, mà không lo nó bỏ chạy. Do khỉ đầu chó không thể bỏ thức ăn khoái khẩu của mình, nên càng sợ hãi và vội vàng nắm chặt lấy thức ăn, và càng không thể rút tay ra khỏi miệng bình.

Có người nghe câu chuyện liền thốt lên: “Thật là tuyệt diệu”. Chiêu này tuyệt ở chỗ con người đem tâm lý của mình suy xét tới các loài động vật khác. Kỳ thật con khỉ đầu chó chỉ cầu buông tay ra là nó có thể thoát, thế nhưng nó lại nhất định không chịu buông tay ra. Chính điều này cho ta thấy rằng, con khỉ đầu chó giống con người, cũng có thể nói người giống khỉ đầu chó. Cử chỉ của khỉ đầu chó là một bản năng không ý thức, không rời nó được, mà con người nếu như giống khỉ đầu chó chỉ nhìn thấy lợi mà không thấy hại. Chết không buông tay, đó chỉ có thể trách họ u mê không tỉnh ngộ.

Người xưa nói: “Lùi một bước trời cao biển rộng”. Người thất tình chỉ cần chấp nhận quên người đã bỏ mình thì đâu đến nổi làm cho bản thân hồn siêu phách lạc, lòng dạ băng giá. Người thất nghiệp chỉ cần từ bỏ cách lựa chọn nghề cứng nhắc của mình mà thay đổi thì đâu đến nỗi suốt ngày ủ rủ, trách trời trách người đây? Con bạc chỉ cần buông tha ý nghĩ may rủi thì đâu đến nỗi tiền đi không trở lại, khuynh gia bại sản? Con nghiện chỉ cần tránh xa chất gây nghiện thì đâu đến nỗi thân tàn ma dại? người hối lộ, người phá kỷ cương chỉ cần chấp nhận từ bỏ chữ “tiền” thì đâu đến nỗi phải vào tù, thậm chí mất mạng”

Câu chuyện trên đây để xác định được đức vượt qua bằng đức buông xả, nhờ có buông xả mà vượt qua nhân quả. Bản chất con người không buông xả, do không buông xả mà con người phải chịu vô cùng khổ đau.

Tất cả các pháp đều vô thường, nên chúng là khổ đau, vì thế ai biết buông xả là người thoát khổ, còn ai không biết buông xả thì khổ đau không bao giờ dứt. Người tu theo Phật giáo cũng chỉ có việc buông xả mà chứng đạo.

Con người ở đời rất là u mê, chết không mang theo vật gì, vậy mà sống thì ôm đồm không dám buông xả cứ khư khư giữ chặt, cho nên chịu khổ là phải. Vậy mà ở đây có người tu hành lại phóng dật thưa hỏi lung tung. Sao không biết buông xả xuống đi để thân tâm được giải thoát trong trạng thái tâm bất động, chỉ được im lặng một chút xíu là thưa hỏi Thầy lăng xăng, đó không phải là phóng dật sao?

Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng còn chi lại nữa.
Vạn sự vô thường buông xuống đi!

Bốn câu kệ này là lời nhắc nhở mọi người tu hành cần phải buông xả thế mà quý vị có buông xả đâu cứ thưa hỏi điều này thế kia để huân tập thêm sự hiểu biết, sự hiểu chỉ là cái tủ đựng kinh sách rộng tếch chẳng có ích lợi gì.

Sợ các con không biết buông xả cho nên Thầy dạy thêm một bài kệ nữa nói lên phương pháp tu tập nhưng nào ngờ các con có tu tập chỗ nào đâu, cứ phóng dật lung tung thưa hỏi những điều vớ vẫn, nên ngậm im miệng lại để nó mốc meo thì may ra mới chứng đạo. Nếu thấy tu không được, tâm phóng dật thì về trông nôm con cháu, nhà của còn có ích lợi hơn.

Tác ý đi, hãy tác ý đi!
Bất động, thanh thản, chẳng sầu bi.
Tác ý đi, còn lo chi nữa.
Giải thoát đây rồi, tác ý đi!

Buông xuống tất cả các pháp tức là vượt qua xin các con hãy ghi nhớ khắc trong lòng mà cố gắng tu tập buông xả đừng nên mượn cớ này cớ khác để hỏi Thầy là các con bị tâm mình lừa gạt phá hạnh độc cư để thỏa mãn tâm phóng dật.

Một lần nữa Thầy xin nhắc lại các con BUÔNG XUỐNG TẤT CẢ thì ngay liền tâm BẤT ĐỘNG, đó là giải thoát của Phật Giáo. BẤT ĐỘNG là VƯỢT QUA NHÂN QUẢ các con có hiểu chưa?
Về Đầu Trang
phimanh



Ngày tham gia: 24 Sep 2010
Số bài: 150

Bài gửiGửi: Sat Dec 03, 2011 11:54 am    Tiêu đề:

Tính Chất Của Nhân Quả Là Gì – Quy Luật Của Cuộc Sống



Quy luật của cuộc sống không khác gì tính chất của nhân quả. Hiểu rõ tính chất của nhân quả chính là hiểu rõ quy luật của cuộc sống.

Để hiểu rõ nhân quả trong cuộc sống chúng ta hãy nhìn cây thảo mộc thì sẽ hình dung ra được ngay được nhân quả của con người không khác gì nhân quả của thảo mộc. Tính chất của nhân quả con người không khác gì tính chất của nhân quả của thảo mộc, bởi vì thảo mộc, con người và muôn vàn vạn vật khác trong cuộc sống đều có đồng tính chất, chỉ cần chịu khó để tâm quan sát thì sẽ dễ dàng nhận ra những quy luật chung của cuộc sống.

• Một nhân cho ra nhiều quả.
• Một quả có nhiều nhân.
• Quả bao giờ cũng lớn hơn nhân nhiều lần.
• Nhân quả của mỗi cây khác nhau.
• Nhân nào quả đó.
• Nhân quả là vô thường.
• Sự tương ưng tái sinh của nghiệp báo nhân quả.
• Nhân quả có thể chuyển hóa được.

1. Một nhân cho ra nhiều quả.
Khi gieo một hạt giống xuống đất, chúng ta gặt hái được rất nhiều hoa, quả, củ, trái.

Con người cũng vậy khi gieo một nhân trộm cắp, chính người đó sẽ gặt hái được rất nhiều hậu quả như: bị đuổi rượt, bị truy nã, bị đánh đập, bị bắn giết, bị ngồi tù, bị ức hiếp, bị tra tấn, bị người đời khinh thường, bị người nhà xa lánh, bị lý lịch xấu, khi ra tù khó xin việc làm, v.v…

2. Một quả có nhiều nhân.
Trong trái đu đủ có hàng trăm hạt, trái ớt cũng có rất nhiều hạt, tuy nhiên cũng có vài quả có một hạt như quả xoài, v.v…

Con người khi bị nhân quả tới thăm, thường phản ứng lại rất nhanh. Ví dụ khi bị quả có người đánh mình, người bị đánh giận nóng mặt lên, nói những lời nói hung dữ, nạt nộ nhau, tìm cách trả thù, đánh nhau, chém giết bắn nhau,v.v…hoặc nhẫn nhịn, thương yêu tha thứ bỏ qua, nói lời nói xin lỗi, v.v… Những phản ứng đó chính là những nhân mới từ một quả bị người đánh đập.

3. Quả bao giờ cũng lớn hơn nhân nhiều lần.
Đúng vậy trái quả nào cũng lớn hơn rất nhiều lần hạt gieo xuống đất từ 10, 100 hay 1000 lần.

Nhân quả của con người cũng như vậy, không phải khi chúng ta gieo nhân trộm cắp  người khác 1 đồng thì sẽ bị người khác trộm lại 1 đồng. Trái lại có khi chúng ta bị người khác trộm lại vật nào đó có giá trị gấp rất nhiều lần. Khi đánh một người một cái, người đó sẽ bị đánh trả lại không phải chỉ một cái mà có khi bị đánh túi bụi bầm dập,v.v…

4. Nhân quả của mỗi cây khác nhau
Thời gian cây thực vật cho ra trái, quả, củ rất khác nhau, có khi chỉ trong một ngày (cây giá từ hột đậu xanh), có khi trong vòng vài ngày, vài tháng,…cho đến vài năm (cây lan, cây mai, cây ớt, cây đu đủ, cây lúa, cây xoài,…).

Nhân quả của con người cũng vậy, có người gieo nhân thì gặt quả ngay như khi đánh người thì bị người đánh lại ngay, có khi đến vài tháng, vài năm cho đến vài chục năm.
Có người đặt câu hỏi tại sao những người tham ô của cải nhà nước lại càng ngày càng giàu, không thấy bị quả báo. Đó là vì phước báu thiện của họ vẫn còn, đến khi phước báu hết thì họ sẽ gặt phải quả báo xấu ngay. Do vậy nhân quả của mỗi việc làm của mỗi con người đều khác, không giống nhau và không có công thức nào tính được.

5. Nhân nào quả đó
Hạt ớt cho ra trái ớt, hạt đu đủ cho trái đu đủ, hạt xoài cho ra quả xoài, không thể hạt ớt cho ra trái đu đủ hay trái xoài được. Chúng ta ví ớt giống như điều ác, đu đủ giống như điều thiện. Gieo nhân ác thì phải gặt quả ác, gieo nhân thiện thì sẽ gặt được quả thiện.

Nhân quả của con người cũng vậy, gieo nhân nào phải gặt quả đó. Gieo nhân giết hại, ăn thịt hay nướng chúng sanh thì phải có quả báo bị giết hại, bệnh tật, tai nạn, bị hỏa hoạn, phỏng hoặc chết cháy. Gieo nhân biết thương yêu tha thứ người hay muôn loài vạn vật thì có quả báo được thương yêu, gặp may mắn và muôn điều lành khác. Sống tham lam ích kỷ, trộm cắp không bố thí giúp đỡ người thì phải có quả báo nghèo hèn, túng thiếu. Sống không siêng năng tìm tòi học hỏi thì làm sao tạo quả thông minh được. Sống không sân giận, nóng tính và luôn trãi rộng lòng từ đến với mọi người, dùng lời nói diu dàng, ôn tồn thì sẽ có quả báo được nhan sắc đẹp tuấn tú, được người thương mến và có cảm tình thân thiện ngay, ngược lại thì tạo quả nhan sắc xấu xí (bởi vì người nóng tính sân giận, thì có gương mặt rất hung dữ và sát khí).

Nhân nào quả đó, không thể nói gieo nhân dâng hoa cho Phật thì được nhan sắc đẹp hay tuấn tú khôi ngô, hay quy y tam bảo thì được quả thông minh. Gieo nhân làm biếng không học hành, đi cầu xin thần thánh cho thi đậu thì không thể thi đậu được.

6. Nhân quả là vô thường.
Sự vô thường đó là sự thay đổi, không bất biến, không bất dịch nghĩa là không có vật gì trên đời này là không thay đổi. Cây thảo mộc rồi cũng phải chết, trái quả cũng có to nhỏ khác nhau, rụng sớm muộn khác nhau, v.v…
Sự vô thường của con người cũng nằm chung trong quy luật của cuộc sống, không thể thoát khỏi. Ai nghĩ rằng chuyện gì đó bất biến, không thay đổi thì chính người đó sẽ tự làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài vạn vật khác. Ai hiểu rõ quy luật vô thường của nhân quả thì người đó không chấp hay dính mắc vào bất kỳ điều gì, vật gì, hay bất kỳ ai, người đó là người sống biết buông xả, biết cách sống đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, cho người và cho muôn loài vạn vật khác.

Để hiểu rõ hơn xin đọc bài “Buông xuống”
http://chanhkien-pa.blogspot.com/2011/10/buong-xuong.html

7. Sự tương ưng tái sinh của nghiệp báo nhân quả
Để dễ hiểu chúng ta hãy nhìn xem cây thảo mộc. Khi cây có trái, người nông phu lại lấy tiếp những hạt từ  trái quả của cây mẹ đầu tiên làm giống gieo xuống đất để ươm thành những cây con mới, những cây con này lại phát triển sanh trưởng lớn lên cho ra trái quả, và cứ như thế bao thế hệ tiếp theo được gieo trồng lớn lên từ thế hệ trước. Cái đặc biệt đáng chú ý ở đây chính là những thế hệ con cháu đó là gốc từ một cây mẹ ban đầu vẫn còn sống chưa chết. Đó gọi là nhân quả hiện tại tương ưng tái sinh.
Còn nếu như cây mẹ chết đi sanh ra những cây con mới gọi là nhân quả cận tử nghiệp tương ưng tái sanh.

Hành động nhân quả của mỗi con người đều phóng xuất từ trường. Nhân ác thì phóng xuất từ trường ác; nhân thiện thì phóng xuất từ trường thiện, nhưng từ trường gồm có hai:
1- Từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo hiện tại.
2- Từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo cận tử nghiệp.

Nghiệp báo của nhân quả có hai trường hợp tái sinh đó là:
• Nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.
• Nhân quả thiện ác cận tử nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.
Chúng ta hãy thử xem từng trường hợp:
a) Nhân quả thiện ác hiện sinh nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.
Hằng ngày nhân quả thiện ác của mỗi người qua thân, khẩu, ý đều phóng xuất ra môi trường sống những từ trường nghiệp báo thiện ác, những nghiệp báo đó sẽ tương ưng tái sinh ngay trong từng giây phút hiện tại mà không ai ngờ được.

Nếu như nhân quả nghiệp báo ác thì sẽ tương ưng tái sanh trong môi trường ác. Ví dụ như người thích ăn thịt gà sẽ phóng xuất từ trường ác và từ trường nghiệp báo này sẽ tương ưng tái sinh thành nhiều chú gà con khắp nơi trên thế giới. nhân quả nghiệp báo thiện thì sẽ tương ưng tái sinh vào môi trường thiện. Ví dụ người sống thiện, giữ gìn ngũ giới thì sẽ tương ưng tái sinh trong hiện kiếp vào gia đình nào đó để được sinh ra làm người.

Chính vì tính chất này của nhân quả mà chúng ta nhận thấy dân số thế giới càng ngày càng tăng lẫn người và vật. Không cần phải đợi đến lúc con người chết mới có tái sanh, mà ngay trong từng giây phút hiện tại con người đang sống đã có biết bao nhiêu sự sống được tương ưng tái sinh từ nhân quả nghiệp báo của chính người đó.

Chúng ta còn nhớ về tính chất của nhân quả, “một nhân có nhiều quả”, mỗi mỗi một từ trường nghiệp báo sẽ tương ưng tái sinh ra nhiều chúng sinh chứ không phải một đâu.

Nếu nói rằng khi chết nghiệp báo mới có tương ưng tái sinh thì khi chết một người, có một người tái sinh thì chắc số lượng chúng sinh trên thế giới là một con số không đổi (constant), nhưng thực ra thì không phải vậy, ngày nay số lượng người và vật (gà, bò, heo, cá sấu, cá, v.v…) tăng rất nhiều. Chính những con vật đó chính là con cháu của những người thích ăn thịt gà, bò, heo, cá, tôm, cua,v.v… và chính những con vật đó lại phải trả nhân quả bị người khác giết, ăn, nướng, v.v…

b) Nhân quả thiện ác cận tử nghiệp báo phóng xuất tương ưng tái sinh.
Trường hợp cận tử nghiệp thì dễ hiểu và ai cũng biết đó là trước khi chết từ trường nghiệp báo cuối cùng của người còn sống phóng xuất vào không gian sẽ tương ưng tái sanh vào những gia đình nào có cùng nghiệp báo tham sân si khắp thế giới, bởi vì thế giới này là thế giới của tham sân si.

Chỉ khi hết tham sân si thì mới không còn tương ưng tái sinh vào thế giới luân hồi này, còn tham sân si thì không thể thoát khỏi thế giới trần gian này. Điều kiện này không phụ thuộc vào người theo tôn giáo nào, ở đây chỉ xét có nghiệp báo tham sân si là đủ điều kiện để quyết định có còn tái sinh hay không tái sinh.

8. Nhân quả có thể chuyển hóa được.
Đối với cây thảo mộc con người luôn không ngừng chuyển hóa chúng thành những cây trái bõ dưỡng, ngon ngọt, thơm và có ích cho con người. Cụ thể như tưới nước, bón phân, cắt ghép giống cây tốt, chuyển gen, giữ lại những gen tốt, loại bỏ những gen xấu,.v.v…Chính vì vậy mà ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều loài giống tốt, thu hoạch ngắn ngày, trái mùa, từ cây lúa, cây lan nhiều loại nhiều màu, xoài, sầu riêng, mận thái lan, trái bưởi, quả măng cụt, trái vú sữa, trái thanh long…

Cuộc sống của con người luôn bị nhân quả chi phối như vậy cho nên đức Phật mới nói rằng: “Con người từ nhân quả sinh ra, sống trong nhân quả và chết với nhân quả.”

Khi chúng ta hiểu được câu này thì những giải đáp của cuộc sống đã sáng tỏ, tại sao có người sinh ra trong gia đình giàu sang, nghèo hèn, bệnh tật, chết yểu, thông minh, ngu khờ, thành thị, nông thôn, cao nguyên, biên giới, miền nam, miền bắc, miền trung, hay ở nước Việt Nam, nước Nga, nước Mỹ, v.v…

Ai cũng muốn có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, vui vẻ, thành công, phát đạt, sống lâu, hưởng thụ phú quý đời đời. Vậy yếu tố gì quyết định cuộc sống hạnh phúc đó?
Có phải là do thần thánh phù hộ?

Chỉ cần chịu khó quan sát một chút ai cũng nhận ra rằng, người nghèo, kẻ khó khăn rất tin tưởng thần thánh, họ còn cầu xin thần thánh, đi chùa, đi nhà thờ, cầu nguyện, tụng đọc kinh còn nhiều hơn người giàu sang phú quý, nhưng cuộc sống của họ vẫn nghèo hèn, khó khăn và túng thiếu.

Lại nữa trong bất kỳ tôn giáo nào cũng có người giàu kẻ nghèo, người khỏe kẻ bệnh, người thông minh kẻ ngu dốt, người thành công, kẻ thất bại,v.v… Do vậy tôn giáo không phải là yếu tố chính làm cho con người trở nên giàu có hạnh phúc hay thành công được.

Vậy yếu tố nào là yếu tố quan trọng nhất để có thể chuyển hóa nhân quả. Đó chính là đạo đức nhân bản nhân quả. Đạo đức nhân bản nhân quả là những đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả muôn loài vạn vật khác, nghĩa là những đức hạnh mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mình, mọi người và muôn loài vạn vật khác.

Chính vì khi gieo một nhân đức hạnh thì chúng ta sẽ gặt được những quả thiện sum sê thơm ngọt trong tương lai.

Có bao nhiêu đức hạnh? Thưa rằng có rất nhiều không thể kể hết, từ một việc nhỏ như nhặt đinh hay vỏ chuối ngoài đường, cho đến bố thí, chia sẻ những gì mình có cho người khác cho đến biết thương yêu sự sống của những loài vật khác bằng cách không ăn thịt hay giết các loài vật và những lời nói ái ngữ thương yêu,v.v… Chính những đức hạnh đó sẽ giúp cho con người thay đổi được cuộc đời mình.

Để hiểu rõ hơn về một phần đa dạng của đạo đức xin mời các bài đọc bài “Sống Thương Yêu”:  
http://chanhkien-pa.blogspot.com/2010/09/song-thuong-yeu.html


Kết luận: Tóm lại khi hiểu được những tính chất của nhân quả, con người hiểu rõ được những quy luật của cuộc sống, biết sợ hãi từng hành vi của mình từ lời nói, hành động và suy nghĩ. Tự trau dồi hay sửa lại những gì đã sai phạm, dần dần trở nên toàn thiện con người mình và cảm thấy rất hạnh phúc.

Để đạt được kết quả thì phương pháp “như lý tác ý” hay còn gọi là phương pháp tự kỷ ám thị sẽ giúp chúng ta rèn luyện những đức hạnh tốt. Thiếu “tác ý” con người sẽ bị cuốn trôi vào ác pháp lúc nào không biết. Nhờ có tác ý mà con người sẽ thấy hiểu rõ và làm chủ từng tâm niệm của mình.

Đức Phật đã dạy: “Có như lý tác ý và không như lý tác ý.
Này các Tỳ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.
Này các Tỳ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt”

(Các lậu hoặc ở đây chính là những điều ác, những điều làm khổ mình, khổ người và khổ những loài vật khác.)
Từ những tính chất này con người có thể dễ đàng tìm thấy được nhân quả của vũ trụ.
Về Đầu Trang
phimanh



Ngày tham gia: 24 Sep 2010
Số bài: 150

Bài gửiGửi: Fri Dec 09, 2011 12:02 pm    Tiêu đề:

Ví dụ minh họa về tính chất “Sự tương ưng tái sinh của nghiệp báo nhân quả trong hiện tại kiếp”.


Mời các bạn đọc câu chuyện dưới đây.

Qua câu chuyện chúng ta nhận xét được rằng, 2 bạn Hường và Ngân có cùng từ một gốc nhân quả mà ra. Và là từ nhân quả trong hiện tại kiếp. Tại sao? Bởi vì 2 cô bạn khác tuổi với nhau. Nếu cùng tuổi thì từ nhân quả của cận tử nghiệp (trước khi chết).

MƯỜI MỘT NĂM CÕNG BẠN ĐẾN TRƯỜNG


Đã 11 năm nay hình ảnh 2 cô bé cõng nhau trên lưng rồi trên xe đã làm cho mọi người vô cùng khâm phục. Đó là em Đỗ thị Hường 17 tuổi, hiện đang học lớp 12c4 và em Nguyễn thị Ngân, 19 tuổi, học sinh lớp 12A3 trường PTTH Yên Lạc 2, tỉnh Vĩnh Phúc.

Cái duyên đưa đẩy hai người bạn này đến với nhau từ năm học lớp 2. Vào một buổi tan trường. Hường thấy một cô bạn gái bé nhỏ đang ngồi chờ người nhà đến đón nhưng chờ hoài không thấy, sợ quá cô bạn ấy bật khóc. Hường đã cõng bạn về nhà. Lúc ấy Hường thấy thương bạn quá và chỉ nghĩ giúp bạn một vài lần thôi, không ngờ tình bạn của Hường – đã gắn bó hơn 11 năm nay.

Dù mưa hay nắng suốt 4 năm học ở bậc tiểu học, Hường đã đi bộ đến nhà Ngân rồi cõng bạn đến trường. Đến khi lên cấp 2 thì mẹ Hường sắm cho chiếc xe đạp đi học và Hường đã dùng chiếc xe đạp ấy để cùng bạn đến trường. Có một điều khá lý thú là gia đình em không ai hay biết chuyện này suốt 10 năm qua.

Ông Đỗ văn Quý bố của Hường cho biết: “Chúng tôi đi làm bên xóm bên, nghe bà con nói đứa con gái học lớp 11 nhà Ông thường qua bên này chở một con bé tật nguyền đến trường ấy. Tôi rất ngạc nhiên, về nhà hỏi cháu và bàn bạc với gia đình sửa sang lại chiếc xe cho chắc kẻo chở té con nhà người ta”.

Cứ như thế hai cô gái trở thành đôi bạn cùng tiến trong học tập, bạn tâm tình và như hai chị em trong một gia đình. Từ khi học lớp 9, Hường đã phải ra đồng lao động như đang làm lúa, tra đỗ... Ngân tâm sự: “Điều em quý nhất ở Hường là đức tính cần cù, chịu khó, nhân hậu và tốt bụng, sẵn sàng chia sẻ với mọi người tất cả mọi điều”.

Một tình bạn gắn bó với 11 năm không thể không có lúc mâu thuẫn, giận hờn nhưng khi cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thì chính những điều ấy đã đem lại cho Hường, Ngân một chân giá trị của tình bạn.
(HỒNG ĐÀO)

NHỮNG CÂU HỎI


Câu hỏi 1: “Hường thấy một cô bạn gái bé nhỏ đang ngồi chờ người nhà đến đón, nhưng chờ hoài không thấy, sợ quá cô bạn ấy bật khóc. Hường đã cõng bạn về nhà”. Đoạn này chỉ rõ có hai đức hiếu sinh. Vậy đức hiếu sinh ý hành ở đọan nào? Đức hiếu sinh thân hành ở đoạn nào?”

Trả lời câu 1: Đạo đức hiếu sinh ý hành ở đoạn: “Hường thấy một cô bạn gái bé nhỏ đang ngồi chờ người nhà đến đón, nhưng chờ hoài không thấy, sợ quá cô bạn ấy bật khóc”. Khi nhìn thấy cảnh cô bạn gái bé nhỏ chờ đợi, sợ, khóc nên ý suy nghĩ rất thương bạn. Ý tư duy suy nghĩ rất thương bạn, đó là đức hiếu sinh ý hành thương người của cháu Hường.

Đạo đức hiếu sinh thân hành ở đoạn này: “Hường đã cõng bạn về nhà”. Hành động cõng bạn là hành động thương người, đó là đạo đức hiếu sinh thân hành thương người tật nguyền của cháu Huờng. Quý học viên học bài này sẽ hiểu rõ đạo đức hiếu sinh ý hành, khẩu hành và thân hành một cách dễ dàng không có khó khăn. Phải không quý vị?

Câu hỏi 2: “Dù mưa hay nắng suốt 4 năm học ở bậc tiểu học, Hường đã đi bộ đến nhà Ngân rồi cõng bạn đến trường” Đoạn này đạo đức hiếu sinh thân hành ở đâu? Đạo đức nhân quả ở đâu?”

Trả lời câu 2: Đạo đức hiếu sinh thân hành là một tình thương hiếm có trên đời này giữa hai cháu bé học sinh thật đáng ca ngợi. Suốt bốn năm trời cõng bạn dù mưa hay nắng vẫn không bỏ nhau, rồi tiếp tục cho đến 11 năm. Tình thương ấy làm cho mọi người xúc động.

Bất cứ chúng ta làm một điều gì giúp người khác không tính hơn thiệt đều xuất phát từ lòng yêu thương yêu đức hiếu sinh. Hai cháu bé này có duyên nhân quả trong tiền kiếp, “chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách”. Vì thế, hiện nay trong tình thương gắn bó suốt 11 năm vẫn giúp nhau vượt khó.

Nhân quả thường tương ưng, nếu một hành động thiện sẽ tương ưng với những người thiện và gặp nhau giúp nhau trong tình thương dù gian khổ không bỏ nhau. Còn nếu một hành động ác như: giết hại, chửi mắng, mạ lị, mạt sát, nói xấu, nói li gián, nói vu khống v.v... sẽ tương ưng gặp những người ác trong hiện kiếp hoặc kiếp sau là những người xa lạ hoặc những người thân trong gia đình như: vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em v.v... cãi cọ rầy rà chửi mắng nhau có khi chém giết nhau, nói xấu nhau cũng do từ nhân quả trước mà hiện tại phải trả vay, thiện thì thương nhau, ác thì ghét nhau thù hận.

Cho nên người hiểu luật nhân quả rất sợ những hành động thân làm những điều ác; miệng nói những lời hung dữ, ý gian xảo nói không thật, nói xấu, nói lời li gián chia rẽ; ý suy nghĩ những điều ác, hoặc tính toán hại người bằng mưu này cách kia v.v... Khi hiểu rõ lý nhân quả quý Phật tử hãy cẩn thận khi suy nghĩ, khi nói, khi làm điều gì đều phải cân nhắc suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới làm, mới nói thì nhân quả không tác động làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh.

Cho nên muốn ngăn ác diệt ác pháp thì phải tư duy suy nghĩ kỹ lưỡng để thực hiện đức hiếu sinh. Khi đức hiếu sinh tăng trưởng trong lòng thì tất cả ác pháp đều bị diệt sạch. Tất cả ác pháp đều bị diệt sạch thì trong tâm chỉ còn duy nhất là lòng yêu thương. Bởi vậy lòng yêu thương là pháp xả tâm đệ nhất.

Hành động nhân quả đều phóng xuất từ trường. Nhân ác thì phóng xuất từ trường ác; nhân thiện thì phóng xuất từ trường thiện, nhưng từ trường gồm có hai:
1- Từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo hiện tại.
2- Từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo cận tử nghiệp.

Chủ đề của bài học này là dạy về đạo đức nhân bản - nhân quả hiếu sinh hiện tại nghiệp báo. Cho nên học viên phải trả lời ngay chủ đề là phải theo từ trường phóng xuất theo duyên nhân quả nghiệp báo hiện tại mà trả lời là không sai. Còn nếu trả lời theo duyên nhân quả nghiệp báo cận tử nghiệp là sai, là lạc đề .

Học viên trước khi trả lời phải xem lại chủ đề của bài học rồi xác định nhân quả của chủ đề thuộc loại gì? Hiện tại nghiệp báo hay cận tử nghiệp báo. Cho nên bài này học viên nào trả lời theo từ trường phóng xuất duyên nhân quả nghiệp báo cận tử thì không đúng chủ đề. Không đúng chủ đề là trả lời câu hỏi là sai, cần phải hiểu rõ chủ đề của bài rồi mới trả lời.

(Trích từ Giáo Án Rèn Nhân Cách của thầy Thích Thông Lạc)
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Chuyển đến trang Trang trước  1, 2
Trang 2 trong tổng số 2 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân