TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NHỮNG ÁNG THƠ YÊU BẤT HỦ TRONG THI CA TIỀN CHIẾN VIỆT NAM
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NHỮNG ÁNG THƠ YÊU BẤT HỦ TRONG THI CA TIỀN CHIẾN VIỆT NAM

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
GIANG THIÊN TƯỜNG



Ngày tham gia: 01 Aug 2010
Số bài: 103

Bài gửiGửi: Sat Jan 22, 2011 5:18 pm    Tiêu đề: NHỮNG ÁNG THƠ YÊU BẤT HỦ TRONG THI CA TIỀN CHIẾN VIỆT NAM




Những Áng Thơ Yêu Bất Hủ Trong Thi Ca Tiền Chiến Việt Nam


      Trong lãnh vực thi ca, tình yêu là đề tài nòng cốt và được khai thác sâu rộng nhất trong suốt văn học sử từ Đông sang Tây. Thi ca với bản chất tượng trưng và siêu thoát là một ngành nghệ thuật để diễn tả những nồng nàn, huyền hoặc nhất của tình yêu. Thật vậy, không có thi nhân nào mà không ít nhiều than thở hay ca ngợi tình yêu và cũng hiếm có bài thơ danh tiếng nào mà không phải thơ tình.
      Những bài thơ được giới thiệu sau đây không hẳn là những bài thơ tình hay nhất cho tất cả mọi người, vì mỗi người chúng ta đều có sở thích riêng hay một quan điểm nghệ thuật riêng. Chúng tôi chỉ muốn giới thiệu một số bài thơ tình danh tiếng của Việt Nam, của một số khá đông người ưa thích trong thời tiền chiến, giai đoạn mà bao hương vị nồng nàn của tình yêu tỏa ra trong vườn thơ đầy màu sắc, còn mãi làm lưu luyến khách yêu thơ.
      Nói đến thơ tiền chiến là phải nhắc đến hai khuôn mặt lãng mạn nhất, danh tiếng một thời là Xuân Diệu và Huy Cận.
      Với lứa tuổi đôi mươi, tha thiết với cuộc sống, say đắm với tình yêu, nhưng không bao giờ tận hưởng trọn vẹn được hạnh phúc, Xuân Diệu đã thể hiện trong chính lòng của mình qua hai tập thơ "Thơ Thơ" và "Gởi Hương Cho Gió". Ý thức được bản chất thơ mộng nhưng mông lung và mơ hồ của tình yêu, Xuân Diệu đã được biết đến nhiều khi có nhận xét tế nhị sau:
             Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
             Có nghĩa gì đâu một buổi chiều.
             Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
             Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu

      Bài thơ "Yêu" của Xuân Diệu được truyền tụng nhiều nhất lúc bấy giờ:
             Yêu, là chết trong lòng một ít.
             Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu?
             Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu,
             Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
             Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt,
             Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,
             Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!
             Yêu, là chết trong lòng một ít.
             Họ lạc lối giữa u sầu mờ mịt,
             Những người si theo dõi theo dấu chân yêu
             Và cảnh đời là sa mạc vô liêu,
             Và tình ái là sợi dây vấn vít,
             Yêu, là chết trong lòng một ít.

      Kinh nghiệm về một tình yêu bạc bẽo này phù hợp với tâm trạng của nhiều người, nhưng thật ra không có gì mới lạ, nhất là câu chủ yếu trong bài: "Yêu, là chết trong lòng một ít" cũng chỉ là một sửa đổi đôi chút tục ngữ Pháp "Đi là chết trong lòng một ít". Xuân Diệu đã không thoát được ảnh hưởng của thơ Pháp thời bấy giờ. Tuy nhiên, đến bài "Tình Thứ Nhất" trong tập "Gửi Hương Cho Gió" tuy ít người biết đến hơn, nhưng lại là một sáng tạo độc đáo của Xuân Diệu:
             Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
             Anh cho em kèm với một lá thơ
             Em không nhận nên tình anh đã mất
             Tình đã cho không lấy lại bao giờ
             Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo
             Tình thì buồn như tất cả chia ly

      Tha thiết, nồng nàn dù là trong chuyện buồn, đó là đặc tính thơ tình Xuân Diệu. Không những thế, Xuân Diệu còn diễn đạt được những tình cảm đó một cách gợi cảm và duyên dáng. Cùng một lứa tuổi đôi mươi, khi sáng tác tập "Lửa Thiêng" Huy Cận cũng chứng tỏ được thi tài diễn tả những thực tại trừu tượng như tình yêu, niềm cô đơn, nỗi buồn không bằng những tĩnh từ hoa mỹ mà bằng cả hồn thơ rạt rào. Nếu Huy Cận cho ta nghe được cảnh cô đơn lạnh lẽo trong một gian nhà nhỏ với những giọt mưa rơi đều đều nhẹ nhẹ trên mái nhà trong "Buồn Đêm Mưa", thì ông cũng có khả năng cho ta thấy rõ ràng hương vị cay đắng, êm đềm của tình yêu qua những bước chân của đôi nhân tình trên con đường làng trong "Đi Giữa Rừng Thơm":
             Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
             Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
             Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
             Đất thêm nắng, bóng tre rồi bóng phượng
             Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu:
             Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?
             Không biết nữa - có chút gì làm ngợp
             Trong không khí hương với màu hòa hợp
             Một buổi trưa không biết ở thời nào,
             Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
             Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
             Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
             Buổi trưa này xưa kia ta đã đi,
             Phải cùng chăng? Lòng nhớ rõ làm chi.
             Chân bên chân, hồn bên hồn yên lặng,
             Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng

             Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng
             Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
             "Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu".
             Chân đang bước bỗng e dè đứng lại
             Ở giữa đường làng, mùi thơm, hoa dại

      Hồn thơ tỏa ra bao nhiêu là hương vị, màu sắc, niềm hoan lạc của tình yêu. Điều gì trừu tượng, vô hình mà vẫn là được coi là thực sự hiện hữu chỉ khi nào nó có những thể hiện bên ngoài, nếu không chỉ là từ ngữ trống không. Huy Cận đã thoát được những câu thơ ca tụng tình yêu hoa mỹ nhưng trống rỗng bằng cách cho ta hưởng cái say sưa, êm đềm của tình yêu với hoa dại mùi rơm, có bướm vàng, cu gáy qua bóng tre rồi bóng phượng. Và cũng vì cái vô hình là tình yêu hiện hữu với thể hiện là bước chân trên đường, nên khi thể hiện chấm dứt thì tất vô hình cũng không còn: "Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu".
      Xuân Diệu, Huy Cận thành công trong những áng thơ tình tiền chiến nhưng lại không phải thật sự là người tiền phong của thơ mới. Tới đây thiết tưởng chúng ta nên lùi về quá khứ một chút, khoảng gần một thập niên trước Xuân Diệu, Huy Cận để tưởng niệm vị có công nhất cho thơ mới là thi sĩ Phan Khôi cùng với bước ngoặc có ý nghĩa nhất trong thi ca Việt Nam là bài "Tình Già" của ông. Thật vậy, trước Phan Khôi, Tản Đà duy có dạo được "Bản đàn mở đầu" cho thơ mới, nhưng vẫn còn rụt rè về hình thức lẫn nội dung, còn bài thơ mới của Nguyễn Văn Vĩnh chỉ là bản dịch bài "La Cigale et la Fourmi" của La Fontaine. Chính Phan Khôi năm 1928, là người đầu tiên lên tiếng chỉ trích thơ cũ là "bó buộc quá mà mất cả sanh thú". Đến năm 1932, ông dứt khoát ủng hộ thơ mới như là một cách để "đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết". Cùng năm, ông sáng tác bài "Tình Già" đăng báo Phụ Nữ Tân Văn, được coi là biến cố táo bạo nhất, làm cách mạng cả về hình thức lẫn nội dung trong thi ca. Mối "Tình Già" nầy được diễn tả trong những câu thơ phóng khoáng và cảm động như sau:
             Hai mươi bốn năm xưa,
             Một đêm vừa gió lại vừa mưa
             Dưới ngọn đèn mờ
             Trong gian nhà nhỏ
             Hai mái đầu xanh kề bên nhau than thở:
             "Ôi đôi ta! Tình thương thì vẫn nặng.
             Mà lấy nhau hẳn đà không đặng
             Để đến nỗi tình trước phụ sau
             Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau".
             Hay, nói mới bạc làm sao chớ?
             Buông nhau làm sao cho nỡ?
             Thương được chừng nào hay chừng nấy
             Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
             Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng?
             Mà tính chuyện thủy chung?
             Hai mươi bốn năm sau
             Tình cờ đất khách gặp nhau
             Đôi cái đầu đều bạc
             Nếu chẳng quen lung đố có ai nhìn ra được?
             Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi
             Con mắt còn có đuôi.

      Bài thơ này là những lời than thở của đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết nhưng tình duyên ngang trái phải xa nhau để rồi 24 năm sau gặp lại nhau thì cả hai đều bạc tóc, chỉ còn thương xót cho mối tình xưa và ngậm ngùi vì bóng thời gian. Lần đầu tiên mà một nỗi sầu tình được diễn tả chân thành và cảm động, không qua điển tích hay án chỉ. Phan Khôi cũng đã chứng tỏ được, không chỉ bằng lý thuyết, mà qua chính thi phẩm của mình rằng một khi không bị gò bó bởi niêm luật thì nhà thơ có thể diễn đạt tình cảm dễ dàng và phú hơn. Do đó, tuy là "Tình Già" nhưng bài thơ đã được giới trẻ lúc bấy giờ hưởng ứng nhiệt liệt, khởi động cho phong trào thơ mới sau này.
      Lần dở trang sử tình yêu trong thi ca tiền chiến, có thể ta bắt gặp tình cờ một đoạn nhật ký sau đây:
             Trăng của nhà ai trăng một phương,
             Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
             Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ:
             Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương!

      Tên - có thể là tên đệm - của nàng là Tố và của chàng là Hoàng, còn ngày mười hai tháng sáu đó chắc hẳn là ngày của biệt ly thương nhớ nên mưa đêm nay, chàng dừng chân nơi quán rượu, cay đắng nhớ về kỷ niệm xưa theo bóng trăng ở một phương trời nào. Đúng là chuyện riêng tư của tác giả nhưng sao mà nó nhẹ nhàng, dễ mến và thân mật quá! Nhưng đêm tháng sáu mười hai đó đúng là đêm gì? Với đôi chút tò mò, người đọc xem nhật ký được tiếp tục chép như sau:
             Là thế là thôi là thế đó,
             Mười năm thôi thế mộng tan tành.
             Mười năm trăng cũ ai nguyền ước?
             Tố của Hoàng ơi! Tố của ai?
             Tháng sáu mười hai - từ đây nhé
             Chung đôi - từ đấy nhé lìa đôi!
             Em xa lạ quá đâu còn phải
             Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi!
             Men khói đêm nay sầu dựng mộ
             Bia đề tên tháng sáu ghi mười hai
             Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
             Tố của Hoàng nay Tố của ai?

      Bài thơ tình bất hủ "Mười Hai Tháng Sáu" của Vũ Hoàng Chương còn dài gấp đôi như trên, nhưng giới yêu thơ thường bỏ qua đoạn cuối, có lẽ vì đoạn quá nhiều điển cổ khó hiểu. Hơn nữa, đến đây thì cũng đủ thấy thiên tài của thi sĩ cùng nội dung mối tình đau khổ.
      Thật vậy, đến đây thì đã rõ: ngày mười hai tháng sáu đó là ngày chôn vùi mối tình đầu tha thiết kéo dài mười năm của tác giả, vì đó là ngày nàng bước sang ngang. Tuy là chuyện tình riêng tư của Vũ Hoàng Chương, người đọc văn không thấy xa lạ mấy và có thể tự đồng hóa với khung cảnh tình yêu này dễ dàng. Có thể nói thi sĩ đã cống hiến cho những ai sầu tình một cơ hội thi vị để khẽ gọi tên người yêu xa vắng của mình trong một đêm mưa buồn bằng câu: "Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương"! Yếu tố nào đã khiến người đọc có thể bước chân vào lãnh thổ tình yêu của riêng tác giả mà không ngại ngùng? Có thể do cảm xúc chân thành của tác giả? Không chắc, vì mấy ai viết thơ tình mà không cảm xúc? Có thể do kỹ thuật điêu luyện của bài thơ chăng? Có lẽ phần nào thôi: những điệp ngữ "Trăng", "Mười hai tháng sáu" như gợi mãi một kỷ niệm, "Tố của Hoàng" được lập đi lập lại lúc đầu như nhắc nhở mối tình thắm thiết giữa hai người, để rồi cuối cùng "Tố của Hoàng nay Tố của ai? " làm bàng hoàng người đọc. Đặc biệt tiểu đối "Chung đôi" bị ngắt ở giữa bởi "Từ đấy nhé", rồi mới tới "Lìa đôi", tạo cho câu thơ rất lạ và vô cùng linh động. Tóm lại, cảm xúc chân thành, kỹ thuật điêu luyện còn phải cộng thêm thi tài diễn tả mới là tất cả yếu tố thành công của bài thơ.
      Nếu bài thơ tình "Mười Hai Tháng Sáu" của Vũ Hoàng Chương phơi bày câu chuyện tình cùng tâm sự của thi sĩ khá rõ ràng không khác một nhật ký yêu được đưa cho mọi người xem thì một khuynh hướng của thời tiền chiến lại ở một đầu cực đoan khác, quá kín đáo đến nỗi đôi khi trở thành tối tăm, bí hiểm. Đó là nhóm "Xuân Thu Nhã Tập"; họ làm thơ rất ít, đa số đều rất tế nhị và kín đáo. Một bài thơ điển hình thuộc loại này là bài "Màu Thời Gian" của Đoàn Phú Tứ, một bài thơ tình kín đáo và thâm trầm nhất trong thi ca Việt Nam:
             Sớm nay tiếng chim thanh
             Trong gió xanh
             Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình
             Ngày xưa không lạnh nữa, Tần Phi
             Ta lặng dâng nàng
             Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
             Màu thời gian không xanh
             Màu thời gian tím ngắt
             Hương thời gian không nồng
             Hương thời gian thanh thanh
             Tóc mây một món chiếc dao vàng
             Nghìn trùng e lệ phụng quân vương
             Trăm năm tình cũ lìa không hận
             Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng
             Duyên trăm năm đứt đoạn
             Tình một thuở còn vương
             Hương thời gian thanh thanh
             Màu thời gian tím ngắt

      Thật sự người đọc chỉ nhận ra đây là bài thơ tình khi đọc đến đoạn cuối với: "Duyên trăm năm đứt đoạn, tình một thuở còn vương". Bài thơ lại phảng phất màu sắc triết lý, nhất là với tựa đề "Màu Thời Gian". Người đọc sẽ yên tâm hơn khi biết chắc đây là chuyện tình với hai điển tích ở đoạn hai và bốn: Lý phu nhân lúc gần mất không để vua xem mặt, sợ làm vua hết yêu. Tác giả muốn ám chỉ mối tình cũng tế nhị và thiết tha như vậy.
      Đoạn thơ hay nhất và cũng bí hiểm nhất là đoạn ba đã được Hoài Thanh, một nhà nghiên cứu thơ tiền chiến có uy tín, cố gắng đưa ra ánh sáng một phần ý nghĩa như sau: "Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngắt", có nghĩa "Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đang yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngắt vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẫn với màu yêu". Thật là cầu kỳ và rắc rối, một đoạn thơ yêu ngắn ngủi! Vẫn chưa hết, Hoài Thanh giải thích tiếp: "Hương thời gian là hương một thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu đã qua lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng". Nhưng lời giải thích không làm thỏa mãn những ai muốn hiểu hết những câu bí mật trên. Tuy nhiên thưởng thức bài thơ trên không nhằm tìm nghĩa từng chữ mà cốt nghe được những âm thanh dìu dặt, vương vấn, những cảm giác mông lung, mơ hồ của một thế giới tình yêu xa xôi của dĩ vãng, nay dù có gợi ra được thì chỉ là một hình ảnh chập chờn đầy bâng khuâng và lưu luyến.

Giang Thiên Tường



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân