TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Năm Mão nói chuyện Mèo
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Năm Mão nói chuyện Mèo

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
PHAMHOANGCHUONG
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 17 Aug 2009
Số bài: 21

Bài gửiGửi: Sat Jan 22, 2011 4:56 pm    Tiêu đề: Năm Mão nói chuyện Mèo
Tác Giả: Phạm Hoàng Chương




Năm Mão nói chuyện Mèo


      Năm Cọp chưa qua hết, nhà nhà đã buồn rầu đón năm con Mèo. Nói “buồn rầu” là vì Mèo nhỏ hơn Cọp, năm nay ăn Tết nhỏ hơn năm ngoái, vì kinh tế vẫn còn bết bác, có lẽ còn bết hơn cả năm ngoái, số người mất việc tăng mà quỹ tiền thất nghiệp chính phủ đã cạn, Cali phải vay của Liên Bang để trả tiền thất nghiệp cho công tư chức. Mèo cũng là Cọp, một loại Sơn Miêu bà con gần của Cọp, nhưng bị Tạo hoá thu nhỏ lại gấp trăm lần, sống dựa dẫm vào con người ở thôn xóm, thành thị để sinh tồn. Mèo có đủ tất cả nhưng gì Cọp có: răng nanh bén để xé thịt, móng vuốt sắc để chụp mồi, ánh mắt vô cảm thôi miên con mồi, lòng bàn chân có thịt dày êm ái để đi đứng, leo trèo, nhảy nhót, rình rập yên lặng không gây tiếng động. Có râu ria, tai vểnh, đuôi dài, lông mịn, đi đứng khoan thai mềm mại, quí phái. Bắp thịt mèo mềm mại hơn bắp thịt cọp, có lẽ vì không phải lao động vất vã leo trèo chạy nhảy trong rừng sâu suốt ngày để kiếm mồi, mà được chủ nhà nuôi ăn cơm thừa cá cặn mỗi ngày, lại giỏi bắt chuột bắt chim để thỉnh thoảng đổi món, “cải thiện”khẩu phần.
      Mèo ở Việt nam có nhiều giống, mèo đen, mèo trắng, mèo mướp, mèo vằn, mèo vá, mèo Xiêm, mèo nhị thể, tam thể. Mèo tam thể được quí nhất, không biết vì đẹp, hiếm có, hay vì bắt chuột giỏi hơn các chuột khác. Mèo có loại đuôi cụt, đuôi dài. Đuôi dài hình như đẹp hơn, vì làm mèo có dáng đi lững thửng, quí phái, thướt tha. Do đó, tục ngữ ta có câu: “Mèo khen mèo dài đuôi” để chỉ những kẻ hay nói tốt về mình, hay khoe khoang gia đình, vợ con mình.. Ở Mỹ và Âu châu, có nhiều giống mèo lạ, to con, mắt xanh, mắt vàng, mắt xám, to con, bệ vệ, lông đủ màu xù ra như đồ chơi, và nói chung đa dạng, đẹp hơn mèo Việt nam. Về mỹ thuật, mèo đẹp nhất ở cặp mắt, to, sáng, trong veo như hòn bi, và đủ màu sắc: xanh, vàng, xám. Ở trong bóng tối, con ngươi đen tròn to, ra sáng con ngươi thu nhỏ lại tí xíu. Đồ chơi cho con nít, hay các đồ đạc bằng sứ xinh xắn, mèo được chọn làm mẩu ngang với chó và gấu, nhờ ở vẻ đẹp quí phái của dáng dấp, khuôn mặt, và đôi mắt huyền bí. Vào lễ Haloween, mèo đen được trang hoàng cùng với nhện, đầu lâu, dơi... để gây cảm giác sợ hãi cho trẻ con. Mèo tánh đa nghi, nhìn hai con mắt lạnh lùng vô cảm thì biết ngay, nên chơi với những người có mắt mèo ta phải luôn luôn cẩn thận đề phòng. Lông mèo, cũng như chó, thường gây allergy (dị ứng) cho một số người, lại hay rụng, nên ai có bệnh suyễn, khó thở, hay ho kinh niên, tuyệt đối không nên nuôi mèo trong nhà.
      Mèo chính yếu được nuôi trong nhà để bắt chuột, nhưng nhiều khi không có chuột, hay chủ quên không cho ăn, đói quá phải rình bắt chim trong xóm hay sóc con trong rừng. Tuy vậy nó là một loại súc vật có tài nhịn đói lâu rất giỏi. Khác xa với heo, không phải cái gì loài người cho, mèo cũng ăn. Nó hít ngửi hai ba lần coi có ngon không trước khi liếm láp, và không ăn nhiều.. Cho nên nuôi mèo không tốn kém, nó kén ăn và ăn uống từ tốn, nhỏ nhẹ, món nào dở chỉ liếm láp qua loa rồi bỏ đi, thà nhịn đói còn hơn. Vì vậy, trong khi “ăn như cọp” dùng chỉ mấy người hùng hổ tham ăn, “ăn như mèo” chỉ những người ít ăn. Nói đến mèo, ai cũng nghĩ ngay đến chuột, vì mèo hay đuổi chuột và ăn chuột, chứ các con thú khác không biết ăn chuột. Cổ tích Việt nam hay kể chuyện Mèo mắc lừa chuột như sau:
      Xưa có con mèo già bắt được con chuột nhắt tính ăn. Chuột khôn ngoan nói ngày mai nhà có giỗ, đang mua tôm tép về làm cỗ, mời Mèo mai tới xơi cỗ, nhà ở trên ngọn cây cau. Mèo tham ăn, thả ngay chuột ra. Sáng mai ăn mặc chỉnh tề ra vườn trèo lên cây cau thì chả thấy họ hàng nhà chuột ở đâu, chả thấy tôm tép gì cả. Mèo kêu gọi khản cổ, hết hơi chả thấy tăm hơi chuột đâu, mới biết là mắc lừa. Bởi vậy, ca dao Việt nam ta có câu:
      Con mèo mà trèo cây cau
      Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
      Chú chuột đi chợ đàng xa
      Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo
      nói lên duyên nợ ơn oán giữa mèo và chuột như một mối thù truyền kiếp nhiều đời. Mèo là con thú đáng sợ đối với chuột chim... nên có câu chuyện bịa ra rằng họ hàng nhà chuột họp nhau, hăng hái đề nghị cử một người hùng can đảm đi gắn chuông lục lạc vào cổ mèo để báo động mỗi khi mèo tới, nhưng khi hỏi ai xung phong làm chuyện đó thì không con nào dám dơ tay. Tuy vậy, không phải lúc nào mèo cũng ăn chuột. Cái gì béo béo, mỡ màng là mèo thích. Như bơ sữa, mỡ heo, thịt cá tươi sống. Thích bắt chuột là bản tính mèo, nhưng ăn hay không ăn, cũng tùy mèo con nhà giàu hay con nhà nghèo.
      Mèo con nhà giàu có sẵn đồ ăn mua ở tiệm, không phải vô bếp lục nồi niêu xông chảo như mèo nhà nghèo. Mèo nhà nghèo đôi khi bị bỏ đói mới phải rình chuột ăn, hay ra đồng rình bắt chim. Có khi đói quá ăn bậy bạ phải đồ thiu thối, trúng độc, không tiêu, hay mửa ra òng ọc, dáng điệu thảm não đau đớn rất đáng thương. Mèo nhà giàu quen ăn của ngon vật lạ, chỉ giết chuột chứ không ăn thịt, vì mùi chuột hôi, nhất là chuột cống, chuột chù.
      Vậy mà tục ngữ ta lại có câu “Không có chó, bắt mèo ăn cứt”, tất nhiên mèo không đời nào chịu ăn, nhưng nghĩa bóng câu này rất thú vị, chua chát, đắng cay. Việt nam ta có tật muốn cho ai cái gì, thường hay cho con cái, anh em bà con trước, hễ họ chê mới thảy cho người ngoài. Dân nhà quê hay nuôi chó, ngoài việc giữ nhà, còn để ăn cứt con nít cho khỏi mất công hốt dọn, lau chùi. Khi chó chê, mới kêu mèo tới ăn, vì đâu còn con nào khác ngoài heo với gà. Cho heo ăn thì phải mang tới tận chuồng, vã lại, sau này ăn thịt heo mà nghĩ đến việc heo ăn cứt thì cũng lợm giọng mất ngon. Gà cũng ít khi ăn của dơ đó, gà cũng biết rửa mỏ khi mổ trúng đồ dơ.. Chỉ còn mèo. Nhưng ai cũng thừa biết Mèo là loại tiểu thư đài các, kén ăn, có bao giờ thèm ăn đồ bẩn thỉu hôi thối như vậy. Câu này hay dùng để mỉa mai những người keo kiệt, tính toán hơn thiệt, đem bố thí các thứ hư gãy, cũ kỹ, không còn dùng được.. Ngược lại, khi con người hết chó, mới xoay ra ăn thịt mèo. Nhiều chủ quán khi hiếm thịt, phải giết mèo làm thịt, thêm gia vị, nói láo là thịt thỏ, thịt rừng. Sau năm 75, có những anh em tù cải tạo, thiếu ăn, đói khát, đôi khi phải dí bắt tắc kè, rắn rít, mèo hoang để lột da làm thịt ăn, bồi bổ cơ thể thiếu chất đạm trầm trọng.
      Mỡ là món khoái khẩu số 1 của mèo, chỉ cần có chút mỡ heo để liếm láp cũng đủ no, không cần phải ăn thịt. Để chê ai quá mê thích cái gì, thiên hạ nói “Sáng mắt lên như mèo thấy mỡ”. Những kẻ mê gái, mê trai, lén lút thậm thọt, thiên hạ gọi là “mèo mỡ’ với nhau. Ngược lại, ghét nhau hay xung khắc nhau, thiên hạ lại gọi là “ủng oẳng như chó với mèo”. Trời sanh chó và mèo tánh tình trái ngược nhau mà phải ở chung một nhà, nên hay ẩu đả gấu ó nhau. “ Lục đục nhau như chó với mèo” nói lên loại người hay xung khắc nhau, có nhiều trong gia đình cũng như ngoài xã hội, hễ gặp nhau là gây sự cãi lộn. Mèo như cô nàng tiểu thư đài các, sắc sảo mà nhỏ mọn, ghim gút, chó như tên phàm phu tục tử hỗn láo, ồn ào, vô ý vô tứ, thấy nhau là tránh mặt hay gầm gừ mắng chửi nhau rồi bỏ chạy.
      Cũng như chó, mèo hay cắn lộn khi giành ăn. “Không biết mèo nào cắn mỉu nào” là câu tục ngữ nói lên cuộc chiến đấu bất phân thắng bại giữa hai người, hai phe, hai đội. Không phải hễ cứ to xác là thắng trận. Có nhiều mèo (hay chó) nhỏ con mà mưu trí, dũng cảm, và hung dữ gấp hai các con to lớn, ồn ào. Mèo sợ nước, thích nằm chỗ khô ráo ấm áp về mùa đông và lăn lộn trên cỏ xanh về mùa nóng. Một năm, mèo lên cơn sốt ái tình chỉ một lần vào mùa hè. Mèo cái kêu ngao ngao suốt ngày, bị chất hormone hành hạ trong cơ thể, lang thang đi kiếm đực. Mèo đực cũng bị chất testerone sôi réo trong máu, xục xạo tìm mèo cái ve vãn. Mèo đực, mèo cái chạy trên mái nhà kêu réo ầm ỹ bất kể ngày đêm, có khi hai chàng đực tranh dành một nàng cái, nửa đêm đánh ghen cắn xé the thé ầm ỹ trên mái nhà, làm chủ nhà giựt mình tỉnh ngủ, vác cây đánh đuổi. Hết mùa ái tình rồi thì mạnh ai nấy đi, nàng và chàng nhìn nhau bằng con mắt xa lạ dửng dưng, rồi mèo cái bụng mang dạ chửa, khệ nệ đi đứng, miệng kêu meo meo đòi ăn tẩm bổ. Mèo có thai rất kén ăn, thèm chất thịt, chất cá, chê cơm trắng đơn sơ. Mèo đực sở khanh, không có trách nhiệm kiếm mồi nuôi vợ như cọp, nên mèo cái rất đáng thương trong thời kỳ này. Bị chó rượt, không chạy được nhanh, phóng lên cao không nổi, phải tìm cách chui núp trong bụi, hay gầm giường. Mèo, do đó, trong tiếng lóng bình dân, có nghĩa là “nhân tình nhân ngãi”, dùng cho cả hai phái nam và nữ, nhưng thường là nghĩa xấu, loại bồ bịch qua đường lén lút, không phải là loại người yêu đàng hoàng công khai ban ngày ban mặt trước đám đông. Trong điện ảnh của Holywood, thập niên 60s, dựa theo tiểu thuyết, diễn tả sự thèm khát yêu đương của người đàn bà như mèo cái trong mùa hè, có một phim nổi tiếng do Elizabeth Taylor và Paul Newman đóng, tên “The cat on a hot tin roof”, dịch là “Con mèo cái trên mái nhà tôn nóng bỏng”, kể chuyện một người vợ trẻ đẹp, sung sức, phải sống cô đơn triền miên với một anh chồng mắc bệnh lãnh cảm thích ngủ riêng.
      Mèo chó đều sanh đẻ năm sáu con một lứa, nhưng chó con lại được quí hơn mèo con, đăng báo bán được giá, trong khi mèo con chủ hay quăng ra ngoài đường cái hay dìm sông cho chết. Ở Việt nam, chó có thể bán cho hàng thịt chó lấy tiền, rượt đuổi chuột thay cho mèo, lại giữ nhà canh ăn trộm rất giỏi, trong khi mèo lười biếng, ngủ suốt ngày, lại hay ăn vụng. Có lẽ đó là lý do mèo bị quăng ra đường và trở thành mèo hoang rất nhiều. Mèo hoang sau biến thành thành ngữ “mèo mả gà đồng”, dùng để chỉ những phường khố rách áo ôm, lang thang không nhà không cửa, phải trộm cắp, hay làm những việc bất lương để sinh sống ngoài lề xã hội. Trong truyện “Thằng người gỗ Pichonio” của Pháp dành cho trẻ em, nhân vật Mèo và Chồn đại diện cho hạng người gian ác, xảo quyệt, chuyên sống bằng nghề lường gạt.
      Có một câu truyện ngoại quốc nọ Mèo được ca tụng và yêu quí: Cậu trai mồ côi nghèo kia làm cho chủ, gia tài chỉ có một con mèo. Cậu theo chủ lên tàu đi buôn ở các nước xa. Đến một hòn đảo nọ, trong nước có nạn vô số chuột cắn phá hoa màu đồ đạc mà không có thuốc trị. Sau khi mua một số hàng của người lái buôn, Vua làm tiệc đãi. Chuột leo lên cả bàn tiệc vua đãi liếm láp, nhấm nháp, chạy náo loạn ào ào. Cậu trai bèn lôi con mèo ra, thế là cả trăm con chuột hoảng hốt phóng chạy biên mất trong chớp mắt. Nhà vua sửng sốt nhìn con vật lạ long mắt sòng sọc, gầm gừ “ngao ngao”, năn nỉ xin mua cho được. Người lái buôn đòi 1000 lạng vàng, vua lập tức sai mở kho xuất vàng ra liền, âu yếm ôm con vật quí giá vào lòng. Trong nước hết ngay nạn chuột, mà cậu trai cũng đột nhiên trở thành triệu phú.
      Tục ngữ ta có câu “Dấu... như mèo dấu cứt” quả là tượng hình và chí lý. Mèo tánh thích sạch sẽ, thích nằm chỗ cao ráo, tay chân dính chất dơ hay vung vẫy cho sạch, thường hay liếm láp bộ lông để rửa, khác hẳn chó xông vào vũng nước để kỳ cọ tắm táp. Mỗi khi phóng uế, Mèo cẩn thận dùng chân cào đất để lấp kín cho khỏi bay mùi hôi, khác hẳn chó đái ỉa bậy bạ khắp nơi, bắt loài người phải đi gắp lượm bỏ thùng rác.. Tuy vậy, cũng như người, có người ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, có người luộm thuộm, bày hày, nhếch nhác, có những chị mèo cái nết na, bắt chuột giỏi, nuôi con chu đáo, nghiêm trang khen thưởng trừng phạt con cái y như người, thì cũng có những chú mèo mất nết, ăn hại đái bát, chủ mới mua miếng thịt về chưa kịp rửa, đã phóng tới đớp nhảy thoắt lên mái nhà nhai ngấu nghiến. Mèo không phải con nào cũng lịch sự. Có những con lựa ngay đống quần áo chủ nhà mới giặt sấy xong còn ấm áp, chui vào phọt ngay cho một bãi nhẹ bụng rồi rảy tay, rảy chân bỏ đi. Chính tôi đã có lần đích thân lừa thế bắt một chú mèo hư trong nhà như vậy chở Honda lên vùng kinh tế mới, thả vô rừng cho tập tính lao động, tự lực cánh sinh. Không ngờ đêm đó nó trở lạị nhà bếp chủ nhà dân kinh tế mới gần đó, vọc miệng ngay vào niêu cá kho ăn vụng.
      Cổ tích Pháp có một câu chuyện Mèo rất hay, hồi nhỏ tôi thường được Ba dịch ra tiếng Việt kể cho nghe, tương tự như chuyện “Cây khế vàng” của Việt nam. Hai anh em nọ cha mẹ chết hết, chia của, người anh dành hết nhà đất, chỉ chia cho người em có một con mèo trắng, nhưng con mèo lại rất khôn ngoan, giúp chủ bằng cách săn bắt thỏ rừng, vịt nước, mang giày bôt, đội nón lông ngỗng, áo vét đính khuy nút vàng, ăn mặc sang trọng, đem tới các lâu đài nhà quan biếu, xưng chủ mình là bá tước này nọ, sai mang tới biếu để làm quen. Đi chơi ngang qua các lâu đài sang trọng, Mèo đều bảo các đại gia rằng đó là một trong các tài sản của chủ nó. Giới quí phái giàu có tin Mèo răm rắp. Dần dần, bằng các mưu mẹo tinh vi khác tôi không còn nhớ rõ, Mèo khiến chàng chủ nghèo của mình trở thành chủ nhân một tòa lâu đài lớn sang trọng, chiếm đoạt của kẻ khác, có nhiều kẻ hầu hạ, và chính mình trở nên vị quản gia ăn mặc sang trọng, ngày ngày sánh vai đi dạo cùng chủ.
      Để kết luận bài Phiếm luận về Mèo trong ba ngày Xuân, người viết xin có một lời cầu chúc đầu năm, mượn câu chuyện cổ tích trên để hy vọng qua năm mới, như chú Mèo thông minh đã giúp chủ từ kẻ tay trắng thành người phú gia, các vị dân cử mới của Đảng Cọng hòa sẽ sang suốt khéo léo giúp tổng thống Obama sớm vực dậy nền kinh tế còn đang trì trệ trong vòng suy thoái kéo dài đã hai năm nay, kẻ thất nghiệp thành người có việc, hãng xưởng đóng cửa sẽ lục tục mở lại, thu hút giới trẻ có tài đang chịu bó tay. Năm Cọp năm ngoái cũng như năm Mèo năm nay, đều rất đáng sợ, vì Cọp và Mèo đều là loại thú sát sanh ăn thịt, bà con hãy cẩn thận tiết kiệm ngân sách, chi tiêu dè dặt. Ước mong những khổ chủ nào bị mất nhà sẽ có cơ hội mua nhà trở lại, tất nhiên là phải liệu cơm gắp mắm, mua nhà nho nhỏ vừa túi tiền đồng lương... kẻo thời thế giặc giã chiến tranh tới nơi, thiên tai dồn dập khắp nơi, không biết đâu lường, coi chừng lại phải trắng tay, kéo nhau ra đường, vợ chồng con cái lếch thếch, gia dình chia năm xẻ bảy tản mác khắp nơi...

Phạm hoàng Chương



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân