TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CÔ NÀNG SỞ MỸ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CÔ NÀNG SỞ MỸ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2436

Bài gửiGửi: Sat Jan 19, 2008 6:26 am    Tiêu đề: CÔ NÀNG SỞ MỸ - (MINH HÒA)




CÔ NÀNG SỞ MỸ

MINH HÒA


“Bỗng nhiên lớp học tươi màu
Cô em Sở Mỹ đã vào ghi danh.
Má hồng kiều diễm đa tình
Làm ai ngơ ngẩn, điêu linh một thời.
Ngày đêm thương nhớ ai thôi
Anh chàng đa cảm theo hoài giai nhân.
Cô nàng ranh mãnh vô ngần
Chỉ mong quà cáp anh chàng hào hoa.
Không cho địa chỉ số nhà
Tại ai mê mẩn, quả là tình si”.


Lớp Anh Văn 5, trung cấp, tương đối cao, dành cho học viên có trình độ Anh Ngữ nói viết khá vững vàng. Lớp học giúp học viện đăng làm Sở Mỹ hay sinh viên Đại Học ban Anh Văn muốn thực hành rèn luyện thêm sinh ngữ này. Các lớp Anh Văn tại Trung Tâm Anh Ngữ ở Thủ Đô Sài Gòn, do Cơ Quan Viện Trợ Hoa Kỳ USAID tổ chức và tài trợ. Các lớp học do các Giáo Sư Anh Văn chuyên nghiệp, có bằng cấp Đại Học ở Việt Nam hay Hoa Kỳ phụ trách giảng dạy. Trung Tâm Anh Ngữ to lớn rộng bao la này mục đích chính là giúp nhân viên bản xứ đang công tác tại các Sở Mỹ ở Sài Gòn và vùng phụ cận có điều kiện học tập, trau giàu vốn liếng từ vựng để giao dịch, đàm thoại với người Mỹ, hay người ngoại quốc nói tiếng Anh hằng ngày. Họ cũng rèn luyện thêm ngữ pháp, văn phạm, cách phát âm chuẩn xác, biết cách diễn đạt tư tưởng theo thành ngữ thông dụng Anh Văn. Nhờ thế, họ có thể tiến bộ về môn reading và writing, tức đọc hiểu một bài văn và viết luận văn đúng văn phạm cấu trúc của Anh Ngữ. Sinh ngữ thông dụng và phố biến nhất trên thế giới ngày nay, nhất là về mặt giao dịch, kinh doanh ngoại giao, chính trị kinh tế, văn hóa, khoa học....

Tuy nhiên, xin vào học tại đây không phải dễ dàng. Thật vậy, Trung Tâm chỉ ưu tiên nhận học viên là nhân viên của Sở Mỹ. Sau đó là Sinh Viên Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Ban Anh Văn có thẻ Sinh Viên hẳn hoi. Chỉ dành cho các học viên đang theo học các chứng chỉ Anh Văn Ban Cử Nhân Văn Khoa. Họ cần trau giồi môn Listening, mở cửa từ 1 giờ tới 3 giờ tại Phòng Thính Thị. Sinh Viên ngồi vào bàn có ống nghe. Chính Giáo Sư Mỹ dạy cách phát âm luyện giọng ngữ điệu lên xuống, Internation. Anh ngữ là ngôn ngữ đa âm có dấu nhấn, bổng trầm lên xuống như chim hót vậy. Giáo Sư ngồi trên bục có ống nghe theo dõi, sửa giọng từng học viên, chỉ dẫn thêm cách đọc, cách phát âm, dấu nhấn, âm luật. Đa phần là Giáo Sư người Mỹ phụ trách khâu này. Hiếm khi mới có Giáo Sư Việt Nam giảng dạy. Khánh nhờ đang theo học các chứng chỉ Anh Văn tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nên mới xin được giấy phép vào học. Ông thầy Ba Soái Bắc Kỳ, Phụ Tá Giám Đốc Trung Tâm có trách nhiệm thu nhận học viên. Văn Phòng Giám Đốc và nhân viên ban Quản Trị và Tài Chánh cơ quan Viện Trợ Mỹ của Usaid tọa lạc phía bên kia Đại Lộ, đối diện với Trung Tâm Anh Ngữ. Ông này người Bắc nòi trăm phần trăm, bạn ơi! Giọng ông hơi nặng, khó nghe, vì không phải Hà Nội chính cống. Ông đỗ bằng MA, bạn của Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa, cũng Bắc Kỳ, Giáo Sư Tiến Sĩ dạy môn Anh Văn và Ngữ Học Việt Nam tại Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước đây. Giáo Sư Hòa cũng từng làm Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Giáo Sư Ba Soái (Vì đầu ông bị soái, chỉ loe hoe mấy sợi tóc muối tiêu) thỉnh thoảng cũng đến dạy một vài lớp nếu có Giáo Sư nào vắng mặt bất ngờ vì lý do nào đó. Thật ra, sở dĩ, chàng theo học môn Listening vào ban trưa và lớp Anh Văn vào buổi tối là vì chàng vốn ham học và trau giồi thêm Anh Văn. Chàng tuy đã qua Chứng chỉ Dự Bị Anh Văn, chứng chỉ chằng ăn trăn quấn, trầy vi tróc vẩy, nhưng khả năng nghe còn yếu. Chàng chỉ có khả năng viết và đọc vững vàng và vốn liếng Ngữ Pháp, Văn Phạm học được lâu nay. Chàng từ tỉnh lẻ, lính đánh giặc tiền đồn xa xôi hẻo lánh. Chàng vốn là giáo chức trước kia bị động viên Sĩ Quan Trừ Bị / Thủ Đức Khóa 23, được biệt phái về Bộ Giáo Dục tại Sài Gòn. Chàng vội ghi danh học Đại Học Văn Khoa, Ban Anh Văn cho vui mà. Chàng cũng theo học lớp 5 lớp Trung Cấp để trau giồi thêm khả năng, nói, đàm thoại lưu loát trôi chảy.

Tại đây, bất ngờ, lúc đó có Hương Sở Mỹ. Nàng là bạn cùng học năm dự bị. Hai ngưới chỉ học chung môn Triết Đại Cương, do Thầy Trung và Thầy Cần giảng dạy. Nàng học Dự Bị Ban Việt Hán. Còn chàng ban Anh Văn. Lúc bấy giờ, Hương hiền khô hà. Nàng dễ thương, có duyên chi lạ! Khánh từ Miền Trung xa xôi diệu vội, về Sài Gòn trình diện Bộ Giáo Dục. Lúc đó đã là tháng 3. Trường Đại Học Văn Khoa sắp sửa tổ chức thi kỳ 1. “Hương Trán Chữ Thập” tỏ ra mến mộ Khánh nhiều nhất. Lúc đó, có ba Hương tại lớp Dự Bị mà chàng có dịp quen biết, nhờ tài coi chỉ tay của người hùng Ninh Thuận, còn độc thân tại chỗ. Cũng nhờ hiếu học, có tài ăn nói chút chút, có trí nhớ tốt. Trước hết là “Hương Mập Anh Văn” chừng 21 / 22 là cùng. Nàng dân Sài Gòn chính hiệu “Chăm phần chăm, anh ơi!” Nàng hơi có da thịt chút chút. Dáng dấp không cao ráo. Nhan sắc bình thường, không phải dạng xinh đẹp, duyên dáng. Nhưng nàng thông minh, lanh lợi học giỏi nhất ban Cử Nhân Anh Văn lúc bấy giờ. Nghe nói cô thuộc gia đình khá giả, tốt nghiệp Tú Tài Pháp vì học Chữ Tây từ nhỏ. Tuy nhiên, nàng lại giỏi Anh Văn và theo học ban này để thuận tiện xin xuất cảnh du học ở Mỹ, ban Cao Học và Tiến Sĩ sau này, sau khi đã tốt nghiệp Văn Khoa Ban Cử Nhân Anh Văn. Nghe đâu, nàng đã du học một năm lớp 12 ở Mỹ vì nàng đậu Thủ khoa kỳ thi tuyển, mỗi năm của Bộ Giáo Dục / Việt Nam, chọn Học sinh giỏi Anh Văn cử sang Hoa Kỳ theo học năm cuối bậc Trung học. Thảo nào nàng giỏi Anh Văn như thế. Hương Mập lạnh lùng, hách lắm đấy! Mặt nàng ít khi nở nụ cười. Nhưng nàng có bạn trai rồi. Hàng A Tỷ, khôi ngô tuấn tú chút chút, Tỷ Cò hơi cao gầy, gia đình giàu có Chợ Lớn, Tỷ là con cháu của Sính Sáng, Xì Thẩu gốc Hoa kiều, chính hiệu con ó Ba Tàu Triều Châu. Tỷ Cò là công tử, là cậụ ấm, con nhà Đại Doanh nghiệp Chợ Lớn. Hoàng Tử điển trai, cao ráo, thư sinh nho nhã, có anh chị đều du học hải ngoại, tại Hoa Kỳ hay Đài Loan cả. Công tử lái xe con mới toanh đi học. Hương mập Anh Văn là người tình của A Tỷ lâu rồi. Cậu này khôn thí mồ. Cứ lái xe hơi bóng lộn, mới tinh, đưa rước giai nhân đi học vì hai người cùng đang theo học chung các chứng chỉ mà. A Tỷ ghi chép bài do Giáo Sư Mỹ nói nhanh quá. Ghi đầy đủ không bằng nàng Hương Mập. Thục nữ ghi chép chữ đẹp như Rồng bay, Phượng múa. Ghi nhanh, đầy đủ. Nàng thường đến giảng đường sớm, vào trước, ngồi bàn đầu. Nàng ghi nhiều tờ giấy trắng mỏng, có lót giấy cạc bon. Mỗi lần nàng ghi chép được hai, ba bản. Dành cho bạn tri âm yêu quý của nàng một bản. A Tỷ vui lắm. Khỏe ru bà rù. Có má hồng lo cua hết ráo. Chàng chỉ xem lại, rồi học thuộc ý chính là thi trót lọt thôi. Các chứng chỉ Anh Văn khó, chàng đậu được nhờ nàng hết ráo.

Thành thật mà nói, vào thời điểm đó, Ban Cử Nhân Anh Văn, khó nhất là khâu ghi chép cua do Giáo Sư giảng các môn học trong chương trình. Ban đại diện chỉ bán sách Giáo Khoa,, Tiểu Thuyết, kịch, thi ca cho Sinh Viên đọc và làm luận văn sau này. Còn phần chương trình do Giáo Sư giảng bài, không hề có cua. Đây là phần chính yếu, quan trọng nhất vì Giáo Sư ra thi phần này, không phải trong sách. Giáo Sư Anh Văn có quyền sinh sát. Chương trình do Giáo Sư soạn giảng, tự do. Sinh Viên phải ghi chép nội dung để học thi. Khó là ở chỗ đó. Ngoại ngữ nào cũng thế, khâu ghi chép, hiểu kịp bài giảng của Giáo Sư là khó nhất. Ai nghe được nhiều điều, hiểu được đầy đủ, ý chính của Giáo Sư giảng là Sinh Viên giỏi. Họ hy vọng đậu chứng chỉ đó vào cuối năm học. Người nào không ghi chép kịp, hay ở nhà, nghỉ buổi học hôm đó, coi như bù trớt. Phải có bạn, nhờ giảng hộ lại, hay mượn cua chép lại. Học ngoại ngữ khó nhất là ở chỗ đó. Hương Mập Sinh Viên Anh Văn number one. Có lần học chứng chỉ Văn Chương Văn Minh Mỹ. Giáo Sư Southerland chấm bài luận về tác phẩm Moby Dick (Săn Cá Voi, Tiểu Thuyết cổ điển trong văn chương Hoa Kỳ), bài của Sinh Viên chấm xong bà Giáo Sư bỏ một góc tại thư viện, trường Văn Khoa, bài Khánh, Giáo Sư phê: “Your essay is a good one” Điểm V+ Còn bài của Hương Mập, Giáo Sư phê như sau: “Your essay is very very good one” Điểm V++. Bà gạch dưới chữ very. Nhiều bạn Sinh Viên đã xem qua bài luận văn chương của nàng. Quả là thông minh, tài năng xuất sắc hết nói, vào lúc bấy giờ. Còn Hương Vũng Tàu Pháp Văn. Cô này lớn hơn các cô kia vài ba tuổi gì đó. Lúc đó, nàng đã tốt nghiệp văn bằng BA tại Manila, thủ đô của Phi Luật Tân. Trở về nước, cô làm Giáo Sư dạy tại Trung Tâm Hội Việt Mỹ nói trên. Cô ta nhí nhảnh, trẻ trung, yêu đời vô cùng. Nàng có nước da trắng trẻo. dáng xinh xắn nhỏ nhắn. Nàng hiền khô hà! Nàng quê quán Vũng Tàu, nhưng song thân làm việc tại Sài Gòn lâu rồi. Nàng vốn là nữ sinh trường Trung Học Marie Curie ở Sài Gòn. Đậu Tú Tài Pháp. Nhưng nàng cũng giỏi Anh Văn nữa. Nàng không học Anh Văn mà lại học ban Cử Nhân Giáo Khoa Pháp Văn.

Còn bạn tri âm của Khánh là ai? Bạn của Khánh là “Hương Trán Chữ Thập” nói trên, vì trên trán giai nhân, da trắng hồng, không phải trắng như tuyết đâu ạ. Không phải nõn nà, kiểu chị em Thúy Kiều “Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” hay là trắng như bông tuyết giống người yêu của Thi Hào Xuân Diệu:

“Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương”?

Tuy nhiên, mặt hoa, da phấn của giai nhân bị vạch trên trán, khoảng giữa hai con mắt long lanh của nàng, hình chữ thập, bôi phẩm xanh lè. Nàng thù ghét dấu quái dị làm diện mạo, dung nhan mỹ miều của khuôn mặt trái soan, duyên dáng bị xấu đi. Trông dị hợm, trời ạ! Tức thật! Nàng thù ghét vô vùng kẻ nào khi nói chuyện với má hồng mà cứ len lén liếc mắt nhìn dấu ấn. Sau này, khi thân nhau nàng thổ lộ với chàng:

- Anh Khánh biết hôn. Em là con một. Ba má em phải đi cầu tự. Ông bà nghe lời thầy tướng số nên nhờ thầy ếm, thầy bùa vạch chữ thập trên trán em như dấu ấn để trừ tà ma, yêu quái hãm hại. Hồi nhỏ, em đã không thích rồi. Bây giờ em bực lắm. Muốn phá thì một phần sợ bố mẹ buồn, một phần sợ có thẹo. Mặt càng thêm khó coi, xấu đi, phải không anh? Anh đừng chê cười em, anh Khánh nhé!

Chàng vuốt nhẹ mái tóc huyền óng ả của giai nhân, nhìn vào đôi mắt diễm lệ của nàng, an ủi:

- Hương yên tâm. Em xinh đẹp, duyên dáng lắm. Anh quý mến thương yêu hết mực.

Nàng tươi cươi rạng rỡ. Nàng ngã dầu vào vai chàng nũng nịu:

- Em gặp nhiều khó khăn khi học chứng chỉ Anh Văn Thực Hành. Anh giúp em nhé!

- OK. Chiều nay, một trăm phần trăm em ơi!

Khánh nhại theo tiếng hát của ca sĩ Hùng Cường đang thịnh hành và nổi danh lúc đó, để diễu cợt với cô bạn đồng môn cho vui. Hương Trán Chữ Thập cười khanh khách thoải mái vô cùng. Theo luật lệ của Trường Văn Khoa lúc đó Sinh Viên ban Cử Nhân Việt Hán tức Cử Nhân Giáo Khoa Việt Văn phải đậu một trong những chứng chỉ văn ngoại ngữ Anh hay Pháp văn mới được. Hương, bạn Khánh hồi theo học ban Tú Tài trường Trung Học Gia Long Sài Gòn, nàng chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Tuy nhiên, nàng học Ban A nên ngoại ngữ này hơi yếu. Lúc bây giờ, hai người thân nhau nên Khánh giúp người yêu tận tình. Nhưng vào thời điểm hai bên gặp nhau tại lớp Anh Văn 5 của Trung Tâm Anh Ngữ nói trên thì tình cảm của hai người chưa thân lắm đâu. Chỉ là bạn học Văn Khoa, mới quen biết nhau mấy tháng.

Hai người học chung lớp. Thật tình mà nói cũng vui vui. Cô em tỏ ra cảm tình lồ lộ với Khánh vì nàng phục chàng học cừ quá. Ở xa mới vào Sài Gòn có vài tháng mà đậu được Chứng chỉ Dự Bị Anh Văn. Chàng có tài coi chỉ tay và tướng số. Nàng có lần nhờ chàng xem hộ tay mình rồi. Nàng nhìn Khánh thán phục mắt long lanh:

- Anh Khánh giỏi quá! Anh đoán em về tính tình trúng ghê!

Vả lại, nàng đang cần chàng giúp đỡ học môn này để thi đậu cuối năm chứng chỉ Anh Văn nói trên. Chàng chỉ có cảm tình với nàng vì cô em trông nhu mì dễ thương và hiền khô hà. Nàng nhỏ hơn chàng ít nhất phải 5/ 6 tuổi. Hương cứ la cà gần gũi chàng. Chàng biết nàng mến thương ai rồi. Đùng một cái, hôm đó, có một học viên Sở Mỹ xin vào lớp 5 học. Cô này Bắc Kỳ Hà Nội giọng ngọt xớt như đường phèn. Nàng quả là Tiên Nga giáng trần, trời ạ! Lớp học đang trầm lặng như vui hẳn lên. Ông Giáo trẻ cứ nhìn người đẹp và săn đón nàng nồng nhiệt. Không hiểu Nga Hà Thành Mặt Hoa đã hốt hồn hốt vía Giáo Sư Khánh hồi nào (Khánh đi dạy thêm tại Trung Tâm Đêm, một trường công lập một ít giờ để kiếm thêm tiền gửi về phụ giúp mẹ và các em tại Quê nhà). Cô ta lanh như tép. Biết có người cứ đờ đẫn lai rai đưa mắt say đắm nhìn ai. Nàng như có giác quan thứ sáu. Quả là Ma Nữ, Hồ Ly Tinh. Một hôm, tan lớp Nga tiến về phía Khánh đang dắt chiếc xe gắn máy hiệu BS màu đen. Nàng thỏ thẻ giong oanh vàng. Đôi mắt diễm lệ long lanh ngước nhìn chàng như thôi miên:

- Anh Khánh, xin anh giúp em nhé. Hôm nay bạn và bà chị em không đến chở em về nhà được. Xin cho em quá giang về nhà em, đi anh.

Chàng ngạc nhiên, nhìn người đẹp mình ngưỡng mộ nhan sắc chim sa cá lặn, lâu nay. Chàng chưa nói gì, chưa có phản ứng ra sao, thì Nga mỉm cười nhanh nhẩu nói ngay:

- Nhà em cũng ở không xa nơi cư ngụ của anh?

Khánh càng kinh ngạc nhìn người đẹp:

- Sao cô biết?

- Nghe bạn em nói anh đang ở tại Câu Lạc Bộ Sĩ Quan An Đông tại số 100 Đường Hồng Bàng, Chợ Lớn. Có đúng không nào?

- Đúng vậy. Còn nhà cô ở đâu, cô Nga?

- Dạ em nhờ anh cho em về tại Ngã Tư Đường Nguyễn Kim gần Sân Vận Đông Cộng Hòa, nghe anh!

Thế là “Cá đã cắn câu”. Người đẹp như thế, diễm kiều duyên dáng như thế. Tiếng Hà Thành ngọt lịm “Ngọt gọt dến xương” làm đá cũng mềm, huống hồ nhà thơ trẻ cô đơn, độc thân tại chỗ. Nàng nhờ chàng cứ đến địa diểm đã hẹn nói trên, chở nàng đi học và chở nàng về nhà, ba đêm một tuần. Chàng đã mết má hồng quá đậm. Nên nhằm nhò gì ba cái lẻ đó. Được chở người đẹp tuyệt vời như thế trên đường phố Sài Gòn. Thật là hạnh phúc lắm rồi. Một nhà văn đã ca tụng tình cảm giàu vị tha, nhân ái, giúp đỡ người khác như sau:

“Tình thương và sự giúp đỡ một người nào đó, thì người ban phát là người hạnh phúc trước tiên. bất kể kẻ thụ hưởng là ai. Kể cả kẻ thù của mình.” Huống hồ giúp đỡ người mình yêu thương, quý mến hết mực, thì hạnh phúc biết là dường nào.

Sau đó, nàng hé chút xíu về gia thế của mình. Nàng thi hỏng vấn đáp Tú Tùi 2, ban A, hai năm liền, vì sinh ngữ thực hành quá yếu (Lúc đó, kỳ thi của Bộ Giáo Dục, bắt buộc thí sinh thi Tú Tài II làm ba đợt. Đợt 1, thi viết các môn chính cho các ban A, B, C, D. Đợt 2 thi viết các môn phụ. Đợt 3, sau khi thí sinh đã dỗ hai đợt thi nói trên, thi Vấn đáp Sinh Ngữ 1 và Sinh Ngữ 2. Sau đó, nàng xin làm Sở Mỹ. Giai nhân duyện dáng, thông minh, lanh lợi như thế, nên xin việc làm Sở Hoa Kỳ không khó. Nàng đi xe lam hay xe buýt đến Sở hằng ngày. Sở nàng làm không xa mấy. Xe gắn máy của nàng đã nhường cho chị Hai đi làm công chức tận Tòa Sảnh Sài Gòn xa lắc. Nàng thương Đại Tỷ nên hy sinh cho chị. Nga Hà Nội Mặt Hoa sẽ dành dụm tiền bạc sắm thêm xe gắn máy sau. Nếu cần gì, thì nàng nhờ bạn bè cho quá giang. Say mê dung nhan của ai quá cỡ, Khánh OK ráo trọi. Chàng dễ tính và hiến khô như Ông Bụt vậy. Hoặc giả, chàng dại gái. Yêu là mù quáng. Bị nàng gạt gẫm, xỏ mũi dễ dàng. Ai mà biết được. Cứ bỏ thì giờ quý báu của mình. Cứ đưa, đón giai nhân như thường lệ, tại Ngã Ba. Chưa hề biết Lầu Hoa của má hồng nơi nào. Cứ là mù tịt. Nàng cứ ôm eo lưng ai, khi chàng chở nàng bon bon trên đại lộ. Thật là hân hoan quá cỡ. Tươi như hoa, nàng đẹp như Tiên. Cô nàng còn khôn lanh ranh mãnh hơn nữa. Thỉnh thoảng nàng thỏ thẻ bên tai chàng. Tim chàng như rung lên hạnh phúc.

- Hôm nay, còn sớm, xin anh ghé vào tiệm tạp hóa và trang sức phụ nữ để em mua tí đồ nghe anh! Em bận quá, anh ơi! Giúp em nghe! Anh Khánh ơi! Lái vào lẹ đi chàng!

Nàng khôn thí mồ. Biết ai mê nàng, chi trả không tiếc tiền. Chàng dầu sao cũng là Giáo Sư chánh ngạch, lại dạy thêm giờ. Sống một mình. Tiền bạc cũng thong thả. Đời nào con trai lại để bạn gái mình mê mệt đắm đuối phải trả lặt vặt. Coi sao được. Ai nỡ để giai nhân, “Người tình chưa cho biết địa chỉ” “phải trả món hàng nàng mua sắm bao giờ.” Thế là nước hoa đắt tiền, giày, vớ, nón, hộp phấn, thỏi son, bóp xách tay... Những khi chàng chi cho nàng mua sắm thỏa thuê như thế, Nga, trên đường về nhà nàng, thỉnh thoảng cũng hé chút ánh sáng ở cuối đường hầm cho chàng hy vọng. Nàng thỏ thẻ:

- Thôi mình ghé vô Công viên Văn Lang (gần Câu Lạc Bộ nói trên) hóng gió chút đi anh Khánh. Em rỗi rảnh tối nay anh à!

Thế là chàng mừng húm, coi như trúng số độc đắc. Tại băng đá, hai người ngồi tâm sự chút chút. Khách qua lại hóng mát lai rai. Họ cũng có bạn tâm sự giải sầu như chàng - nàng vậy. Chả có ai quan tâm đến người khác. Thời giờ rảnh ở đâu mà chú ý linh tinh vô bổ như thế, phải không quý vị? Chàng cứ nắm lấy bàn tay người ngọc. Bàn tay trắng muốt, có những ngón búp măng mát rượi hà. Chàng cầm lên hôn nó. Hôn lên má, lên trán nõn nà dưới ánh điện công viên lung linh mờ áo. Nàng đẹp như một Tiên Nữ giáng trần. Chàng cũng dịu dàng hôn lên mái tóc huyền óng ả của giai nhận. Nàng không phản ứng, cũng không ôm lại chàng gì cả. Tuy nhiên, khi chàng tìm đôi môi mọng đỏ, thơm tho của nàng, thì nàng phản ứng ngay:

- Đừng anh. Khoan đã. Từ từ đã anh. Nếu anh yêu em thật sự. Anh không nên làm thế. Em sợ lắm, anh Khánh. Em sợ mình sa ngã. Ba em sẽ đánh em chết mất. Từ từ đi anh. Thôi, khi khác đi chàng! Anh hãy đưa em về đi anh.

Thế là chàng tự ái, mất hứng. Chàng vội dứng dậy, dìu nàng ra xe, chở về chỗ cũ. Mấy lần xẩy ra như vậy. Khánh đâm bực mình. Chàng lẩm nhẩm: “Nàng đâu có yêu mến gì ta. Hôn môi một chút, cũng không cho, trời ạ! Quả nàng có trái tim sắt đá”. Rồi một hôm chàng đâm ra nghi ngờ người đẹp có chi giấu giếm mình. Thế là chàng chịu khó thực thi theo kế hoạch của mình. Thật vậy, chàng cho tiền mấy cậu bé ở đường Nguyễn Kim theo dò la tin tức nhà ở của Nga Hà Nội, Nga Sở Mỹ Mặt Hoa. Chừng vài hôm sau chàng biết nhà nàng rồi. Nhà rộng rãi, cửa thường đóng hoài. Khó vô trong lắm. Quả là:

“Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.” (Kiều)


Một hôm ngày nghỉ cuối tuần, chàng kín đáo đến nhà Nga để xem tình hình cho biết rõ trắng đen, sự thật nàng che đậy bấy lâu nay. Trời đất! Nhà nàng vui ghê quá. Tổ chức tiệc tứ nhãn âm binh. Nào ca nhạc, khiêu vũ. Không khí vui nhộn. tưng bừng náo nhiệt. Có mấy chú Yankee da trắng, tóc vàng, mũi cao, tướng mạo to cao đáng ngồi trò chuyện rôm rả trong nhà nàng. Một tên dường như là tình nhân của nàng ngồi nói chuyện. Y tỏ ra âu yếm với giai nhân, công khai. Nàng trang điểm diễm lệ như một Tiên cô. Áo quần hở hang chút chút, để lộ cánh tay nõn nà, đeo nữ trang lấp lánh. Sợi dây chuyền óng ả nạm kim cương long lanh trên bộ ngực đầy đặn, gợi cảm bắt mắt hết ý, trắng như tuyết. Môi son, mắt biếc, mặt hoa, da ngà. Nga kiều diễm thướt tha như Tiên Nga giữa cõi trần ô trượt. Tên Mỹ ôm nàng lai rai âu yếm công khai, tự nhiên như ba ngày Tết . Chàng như thấy cả bầu trời sắp sụp đổ trước mặt mình. Chàng như nghe cú sét ái tình đánh vào bên tai kêu vù vù. Chàng muốn choáng váng cả mặt mày, chân tay như bủn rủn. Chàng muốn xỉu tại chỗ. Tuy nhiên, vì là sức trai cường tráng khỏe mạnh. Chàng lấy lại bình tĩnh. Từ phía bên ngoài cổng khép hờ, chàng nhẹ nhàng rút khỏi Thiên Thai Tiên Động của má hồng từ xa. Chàng ngâm khe khẽ khi lái xe về lại Câu Lạc Bộ An Đông gần đó thôi. Chàng nhại thơ của Thi Hào Tú Xương:

“Bụng buồn còn muốn nói năng chi
Đệ nhất buồn bị gạt tái tê
Nước hoa, son phấn cho người đẹp
Tranh thủ đón đưa ả tới, về”


Khánh có quyết định nhanh chóng, dù chàng đang đau khổ, thất vọng ê chề và trách mình quá yêu nàng mê muội, ngu dại, mù quáng quá mức. Đã tốn công sức, thời gian, tiền bạc cho giai nhân không hề thương mình. Người hùng thi sĩ đa tình, đa cảm, lãng mạn. Cứ chạy theo cô nàng làm Sở Mỹ. Nàng thích sống xa hoa, vật chất. Người đẹp chỉ khoái vàng bạc và đô la. Nàng đâu có mê Giáo Sư, Sĩ Quan. Nàng đâu có thích gì dù chàng sẽ là Ông Cử nay mai. Thế giới của nàng là Mỹ và đô la. Thế thôi. Tại mình mê gái dại gái. Không trách ai được. Chàng nhớ lại, trước đây nàng cứ giấu địa chỉ, chỗ cư ngụ nhà mình. Tại chàng si khờ khạo quá mức. Chàng không thích học tại Trung Tâm Anh Ngữ nữa. Không hấp dẫn chàng nữa. Chàng ham đi học thêm cho vui. Thật ra, Trình độ trung cấp không quyến rũ chàng mấy. Chàng bận việc lu bù. Chàng quyết định nghỉ học luôn.

Hồi đó, tuyệt đối Nga không chịu chỉ nhà nàng cho Trương Chi mê Mỵ Nương quá cỡ thợ mộc từ hồi nào rồi, bà con ạ. Chàng muốn biết nhà nàng để khi rảnh rang chàng có thể ghé lại thăm giai nhân. Tuy nhiên nàng cứ từ chối, cứ lắc đầu ngoay ngoảy:

- Xin lỗi anh Khánh. Không được. Ba em khó lắm. Ông không cho phép em đem bạn trai về nhà. Vả lại, mình từ từ đi anh. Hôm nào cái đã . Để em xem tình hình ra sao. Quả là:

“Chừng nào gà mái có răng
Sừng kia, thỏ mọc, cô nàng chỉ cho.
Tại mình si dại, khù khờ
Giai nhân gạt gẫm, ngu ngơ anh chàng.”


Tuy nhiên, Khánh vẫn bình tĩnh đưa đón Nga Sở Mỹ như thường lệ vào ngày thứ hai, hôm sau. Chàng coi như không hay biết gì đã xẩy ra tại nhà nàng ngày chủ nhật. Bình thường chàng đưa đón má hồng. Lúc xe chở nàng về lại Ngã Ba, chàng nhìn nàng âu yếm, tự nhiên, nói nhẹ nhàng, không lộ chút gì hờn giận buồn phiền về người đẹp lừa mình lâu nay:

- Anh bận học hai chứng chỉ. Bài vở nhiều quá. Trung Tâm Đêm nơi anh dạy thêm buổi tối, họ sắp xếp dạy, giờ giấc chưa ổn định. Vì vậy, anh nghỉ học tại Trung Tâm Anh Ngữ này. Xin lỗi em nhé! Nga hãy nhờ ai chở em đi học và về, nhé!

Nàng ngạc nhiên, hơi sững vài giây, ngước đôi mắt nhung huyền lóng lánh, diễm lệ vô song, từng nhốt hồn ai. Nàng có vẻ nũng nịu õng ẹo. nàng nhoẻn miệng cười cầu may:

- Em chưa có phương tiện đi học. Anh nghỉ học. Nhưng, Nga tha thiết yêu cầu anh làm ơn giúp em chở đi và về thêm một thời gian nữa được không anh?

Chàng cương quyết, dứt khoát từ chối:

- Xin lỗi em. Anh không thể, Nga ạ! Anh bận lắm. Bao nhiêu công việc bù đầu.

Nói xong, chàng quay xe chạy rề rề ra xa. Chàng quay lại thì thấy nàng buồn bã bước về đường Nguyễn Kim chìm trong ánh đèn điện vàng vọt. Bóng dáng nàng vẫn yêu kiều, tha thướt khoan thai trên lề đường vắng vẻ. Chàng vẫn thương nàng. thế mới thật là đau khổ.

“Chữ tình là cái chi chi
Cởi ra chẳng dễ, mỗi khi buộc vào.
Giai nhân mắt biếc môi đào,
Nam nhân xao xuyến, bào hao khối tình.”



Được sửa bởi Annie ngày Sat Jan 19, 2008 6:48 am; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
Annie



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 2436

Bài gửiGửi: Sat Jan 19, 2008 6:34 am    Tiêu đề:



Chàng nghỉ học tại đó chừng 10 ngày. Chàng không gặp Nga Sở Mỹ nữa. Nhưng buồn vô cùng. Hôm đó, chàng ngồi ôn môn thi ca chứng chỉ văn chương Mỹ trên lầu hai của Trường Văn Khoa. Có biết bao nhà thơ và bài thơ phải học thuộc lòng. Chàng nhớ không xuể. Chàmg phải thu băng do chính mình đọc để lúc nào cũng mở băng nghe cho thuộc lòng mới thôi. Bỗng nhiên, từ trong phòng của lớp vừa tan học, Hương Trán Chữ Thập xuất hiện. Thực ra, cô em đã tỏ ra mến thương chàng rõ nét. Nhưng chàng đã chạy theo người đep Hà Thành mà lạnh nhạt với giai nhân Sài Gòn lâu nay. Nàng còn học tại Trung Tâm Anh Ngữ để trau giồi thêm môn nghe và viết cũng như ngữ pháp văn phạm. Trông thấy Khánh, nàng lộ vẻ hớn hở ra mặt. Nàng tiến về phía chàng. Hương Sài Gòn vồn vã:

- Ô kìa! Anh Khánh. Lâu quá, không thấy anh học ở Trung Tâm Anh Ngữ nữa.

Chàng quay lại, gật đầu chào nàng. Chìa tay bắt tay người đẹp như thói quen với nàng mấy lần nàng nhờ giảng bài Anh Văn. Chàng gượng cười:

- Tại anh bận học và dạy ban đêm. Anh nghỉ luôn rồi Hương ơi.

Con gái nhạy cảm ghê lắm. Nàng nhìn chàng thấy hơi gầy đi. Nét ảm đạm buồn bực còn phảng phất trên khuôn mặt hơi sạm nét phong trần của đời lính chiến lâu nay. Dáng thất tình dễ nhận ra ghê lắm. Nàng dư biết chàng đau khổ, phiền muộn vì ai rồi.

Nàng bất chợt nhìn chàng, thở dài. Nàng cúi xuống chụp lấy bàn tay hơi thô của chàng. Nàng kéo chàng nhẹ nhàng, vừa cười nói tự nhiên như là hai người tình thân thương nhau lắm vậy. Nàng thỏ thẻ như sương như khói bên tai chàng:

- Anh vào đây ngồi với em. Ngoài này nắng và nóng lắm. Trong phòng có quạt máy lớn vù vù, mát lắm, anh Khánh ơi! Em nhờ anh chỉ giúp cách làm hai bài luận văn. Khó quá, anh ơi! Giúp em đi, nghe anh!

Khánh có lòng nhân ái. Ai nhờ gì, hễ chàng có khả năng, là giúp ngay. Huống hồ cô bạn quen biết này lại mến chàng quá cỡ mà. Nàng cũng duyên dáng xinh đẹp, chỉ tội dấu chữ thập xanh lè màu mực xạ nằm chình ình trên vầng trán rộng, nõn nà của giai nhân. Hai người kéo ghế ngồi sát nhau. cạnh khung cửa sổ sáng sủa. Phòng học không có Sinh Viên nào khác ngoài Khánh và Hương. Nàng thò tay rút tập vở ghi chép. Chìa hai đề bài nghị luận vừa văn chương vừa luân lý do Giáo Sư Beiler Mỹ da trắng dạy môn Anh Văn Thực Hành:

Đề 1: Bạn hãy bình luận lời nói sau đây của văn hào Ernest Hemingway trong tiểu thuyết “The Old Man And The Sea”: “A man is not made for defeat” (Con người không phải sinh ra để chịu thất bại)

Đề 2: Tương tự như trên, câu này cũng cùng tác giả “A man can be destroyed, but not defeated” (Con người có thể bị hủy diệt, nhưng không thể bị đánh bại)

Khánh liền lấy giấy bút ra thảo đề cương mỗi bài luận văn trên. Mỗi bài gồm ba phần Nhập đề, Thân bài và Kết luận. Chàng ghi vài điểm gợi ý cho nàng viết thành câu và làm trọn vẹn bài văn nghị luận. Xong chàng giao nàng các tờ đã soạn sẵn ý chính. Chàng nhìn nàng âu yếm nói:

- Em về viết câu ngắn gọn theo dàn ý anh gợi ra. Xong rồi, em đưa anh sửa chữa cho và thêm ý. Như vậy, em mới tiến bộ được. Hương à. Còn nếu như anh viết giúp hết cho em. Làm sao em có khả năng viết luận văn khi dự thi đây?

Nàng nhìn chàng tỏ ra thán phục. Nàng nài nỉ tha thiết:

- Em cám ơn anh nhiều. Anh Khánh, tiện thể, hôm nay, xin anh cho phép em đưa anh về cho biết nhà em, anh nhé.

Chàng kinh ngạc nhìn nàng:

- Nhà em ở đâu?

Hương nhoẻn miệng cười tươi như hoa.

- Nhà em ở cạnh Câu Lạc Bộ nơi anh ngụ đó. Nhà em ở gần công viên Văn Lang.

Nàng vừa nói, vừa ranh mãnh nhìn chàng như chế riễu kẻ si, dại gái, bị cắm sừng chằng chịt mà không hề hay biết. Rõ ràng nàng theo dõi và rõ tất cả. Nàng đã nhiều lần thấy hai người ngồi tù ti tút tít, âu yếm nhau ngoài công viên. Phải mà, cùng làm Sở Mỹ. Họ biết nhau quá đi chớ. Có điều, cô ta cứ tỉnh bơ khi hai người đèo nhau đi về học Anh Văn và ngồi hóng gió cùng nhau âu yếm, tâm sự, gần nhà nàng. Cô ả khôn ngoan, kín đáo và nhạy cảm, tinh vi, lanh lợi hết chê. Một người bạn đường như thế thật là may mắn cho ai. Sau khi thân nhau hơn, Khánh hỏi Hương, vừa vuốt mái tóc huyền óng ả của thục nữ:

- Tại sao em biết Nga có bồ Mỹ mà em không cho anh biết sớm vậy?

Nàng cười vui vẻ, bóp nhẹ bàn tay chàng. Nàng âu yếm nhìn chàng cười chế nhạo:

- Anh ác với em lắm! Anh là Đệ Nhất Nhân BạcTình. Anh mê con quỷ cái Nga Hà Nội. Con Ma Nữ, Hồ Ly Tinh đã hốt hồn, hốt vía anh từ bao giờ. Anh lạnh nhạt với em một thời gian dài. Anh gặp quả báo mà! Làm sao em nói được đây? Thấy ghét anh quá hà! Em hổng chịu đâu! Anh kỳ quá hà! Dù lúc đó, em có nói gì. Anh đang mê nó quá cỡ, sao anh tin lời em được. Chắc chắn, anh chỉ nghĩ rằng em ghen tuôn, ganh tỵ nàng đẹp hơn mình. Em nói xấu nàng. “Hai cô ca sĩ có thương nhau bao giờ” “Hai cô thương mến một chàng Làm sao hai ả chung đàng với nhau”. Nó và em làm cùng Sở sao em không biết được. Để cho chàng thấy rõ mặt thật của giai nhân Hà Nội. Như thế tốt hơn. Em đùa đấy! Đừng giận em tội nghiệp, anh Khánh.

Nói dứt lời nàng ngã đẫu vào vai chàng nũng nịu:

- Em cũng thương anh chớ bộ.

Thế là thỉnh thoảng nàng tới Câu Lạc Bộ gặp người yêu. Còn chàng lai rai dẫn nàng ra ngồi tại cộng viên Văn Lang hóng mát, tâm sự giải sầu, những lúc chàng - nàng rảnh rang. Nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của Khánh, Hương cũng tiến bộ nhanh về Anh Văn rõ rệt. Năm đó hai người bạn may mắn đậu hai chứng chỉ ngay khóa 1, dù họ học khác ban. Để giải trí, sau bao ngày vùi đầu học ôn bài vở quá căng thẳng, mệt mỏi, chàng đưa nàng vào rạp Rex là rạp chiếu bóng lớn nhất và sang trọng nhất Thủ Đô Sài Gòn vào thời điểm đó. Hôm ấy, rạp chiếu phim “Cuốn Theo Chiều Gió” (Gone With The Wind phỏng theo tiểu thuyết nổi danh viết về cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ 1961-1964 của nhà văn nữ nổi tiếng Margaret Mitchell) do tài tử tiếng tăm lừng lẫy “Hoàng đế không ngai vàng” Clark Gable thủ vai chánh, người hùng, người tình của nhân vật chính nữ trong truyện dài lừng danh thế giới này. Truyện quay thành phim và chiếu khắp thế giới.

Hai người vừa an tọa, bỗng nhiên Nga Hà Nội xuất hiện lối vào trên lầu 1. Nàng khoác tay tên Mỹ hôm trước. Hai người âu yếm tiến vào dãy ghế bên kia, phía tay mặt của chàng. Chàng hơi sửng sốt vài giây. Chàng ngỡ ngàng, lấy tờ giấy chương trình vờ che mặt và nhìn xuống đất. Nga đẹp lông lẫy. Đẹp như hoàng hậu. Nàng mặc chiếc váy màu hồng nhạt, làm nổi bật cặp giò trắng nõn thon thả suông đuột. Đẹp tuyệt vời. Da thịt mượt mà như tuyết lóng lánh dưới ánh điện sáng lòa mát dịu. Mặt tươi như hoa. Môi đỏ chót. Miệng nhỏ xinh xắn, gợi cảm hết nói. Má hồng phơn phớt. Tóc huyền óng ả uốn ngắn lồ lộ chiếc cổ trắng như tuyết. Nga quả là giai nhân tuyệt sắc. Nàng không thấy chàng, nhưng chàng và Hương đã thấy rõ Nga và tên Mỹ, có lẽ bồ hay chồng nàng rồi. Sau đó, Hương mới nói thật. Thằng John Sharp cưới nàng chừng vài tháng nay. Chưa có con. Nó mê nàng như điếu đổ. Cung phụng cho người đẹp đủ thứ.

Đèn trong rạp đã tất. Phim bắt đầu chiếu. Hương nhìn chàng âu yếm an ủi:

- Đừng buồn nghe anh Khánh! Hãy quên cô ta đi. Trên đời này, thiếu gì con gái yêu thương anh.

Chàng gượng cười, quay lại nhìn Hương. Đôi mắt nàng như long lanh sáng hơn. Chàng nắm lấy bàn tay mềm mại nhỏ nhắn mát rượi của má hồng. Chàng xiết chặt tay nàng. Nàng tươi cười rạng rỡ. Nàng tựa đầu vào ngực chàng. Nàng ngước nhìn chàng say sưa đắm đuối. Môi hồng thơm tho hé nụ, mùi tóc, hơi thở trộn lẫn mùi nước hoa nhè nhẹ thơm ngát quyện vào hai cánh mũi chàng say sưa ngây ngất. Chàng cúi xuống. Hai người đã gắn chặt môi nhau từ hồi nào. Họ ôm nhau hôn say sưa. Nàng thỏ thẻ, đưa bàn tay mặt trắng muốt, thon thả, xoa vào ngực trái chàng. Hương cứ mơn trớn ve vuốt người yêu. Tóc nàng dày mượt cà vào cổ chàng hơi nhột nhưng thú vị cô cùng. Nàng thỏ thẻ, giọng Sài Gòn nhẹ nhàng ngọt xớt như đường phèn. Dễ thương chi lạ hay chàng tưởng tượng như thế.

- Em yêu anh từ lâu rồi. Xin anh đừng lạnh lùng với em nghe anh Khánh!

Chàng đưa tay vuốt má nàng, mặt nàng, rồi mơn trớn mấy sợi tóc mai mềm mại lòa xòa trên vầng trán trắng nõn của người đẹp. Tự nhiên, đêm nay chàng không thấy dấu chữ thập xanh, bóng tối chập choạng mờ nhạt trong rạp. Chàng chỉ thấy nàng kiều diễm hiền lành ngoan ngoãn dễ thương và quý mến chàng hết mực. Chàng hối tiếc mình đã chạy theo bóng sắc mà lạnh nhạt với giai nhân Văn Khoa lâu nay. Chàng an ủi vỗ về nàng:

- Hương yêu quý của anh. Anh xin lỗi em. Anh sẽ đền bù cho em nhé. Anh cũng yêu em mà, cưng. Đừng buồn nữa.

Rồi nàng cứ thỏ thẻ tỉ tê, bên tai chàng. Nàng nói nhỏ nhưng rõ ràng, vừa đủ cho chàng nghe. Quả là giai nhân hùng biện. Nàng lại ngã đầu vào ngực chàng thì thầm:

- Em không thích làm Sở Mỹ nữa anh à! Em thích dạy học như anh. Em làm đơn xin dạy học, làm Giáo Sư tư nhân dạy giờ. Có ông bác họ làm tại Bộ Giáo Dục giúp đỡ. Ông bảo phải có ít nhất ba chứng chỉ mới có thể dạy tại Sài Gòn. Em đậu ba chứng chỉ rồi, như anh biết đó. Chắc chắn rồi anh ạ. Vì Bác em có quen nhiều chức sắc lắm. Em mừng vô hạn. Như thế, em vừa đi dạy, vừa học nốt văn bằng cử nhân. Rồi từ từ xin vào công nhật, chánh ngạch như anh vậy. Mừng cho em đi anh! Nha Trung Học đã bổ nhiệm em làm Giáo Sư tư nhân dạy giờ tại Trường Trung Học Long Khánh. Nhưng em chưa chịu. Vì em tính phải ở ngay tại Sài Gòn mới có thể theo học Trường Văn Khoa, cho xong Cử Nhân cái đã, phải không anh? Em thấy Sở Mỹ bấp bênh. Tuy lương cao, công việc khỏe. Em vừa làm vừa tranh thủ đi học thêm được. Nhưng dễ bị tai tiếng quá, dễ bị thành kiến. Dân mình đa phần không ưa gái Việt Nam lấy Mẽo. Nhất là các ả, các nường, các bà, các cô bán bar, Sài Gòn Tea. Họ tỏ ra cũng không ưa nốt các nàng có bồ Mỹ, lấy chồng Mỹ vì cho là ham đôla, ham tiền, tầm thường không ra gì... Gái chả giống ai. Họ thường xếp đám phụ nữ làm Sở Mỹ và các me Mỹ, vợ Mỹ cá mè một lứa. Tại Sở em, có lắm chàng Mỹ da trắng, nhiều đô la, cứ theo tán tỉnh em vì biết em trí thức có học, đoan trang, tiếng Anh nói trôi chảy. Nhưng em khác Nga Hà nội. Vả lại...

- Vả lại cái gì em?

- Khó nói quá. Em sợ anh coi thường em.

- Em nói bá láp. Anh quý mến em mà. Hãy nó đi cưng!

Khánh cúi xuống hôn phớt má nàng trắng nõn trong bóng tối nhờ nhờ của rạp xi nê. Nàng sung sướng ôm mặt chàng hôn lia, hôn lịa vào trán, má, mũi ai. Nàng thỏ thẻ giọng nhẹ nhàng như sương, như khói, như thều thào vào tai chàng:

- Em sợ mình dễ sa ngã vì của cải vật chất quyến rũ và sợ bị Mỹ dụ dỗ vào tròng. Hơn nữa, em đã yêu thương anh rồi. Em thích làm đồng nghiệp với anh. Hy vọng anh yêu em. Thế thôi. Khánh đừng cười em nhé, nghe anh?

Trời dất! Khánh nghe mà xúc động cả con tim. Chàng xiết chặt tay nàng, như truyền hơi ấm và hạnh phúc đang dâng ngập cõi lòng mình cho bạn tri âm. Chàng nói nhỏ cương quyết:

- Anh sẽ yêu em mãi mãi, Hương ơi! Em hãy tin anh đi.

Nàng hân hoan, tươi cười rạng rỡ. Nàng lại ngã vào lòng chàng âu yếm, vuốt ve ngực, lưng chàng. Phim cứ chiếu, hết hồi này, tới hồi khác, mà họ xem tơ lơ mơ. Cứ thủ thỉ, tỉ tê, tâm sự nhỏ nhẻ thều thào, dệt mộng tương lai. Họ hạnh phúc vô cùng tối hôm đó. Khánh cảm thấy như mình đã có viên kim cương vô giá trong tay mà cứ đi tìm hòn ngọc lấp lánh từ xa. Khi lại gần mới thấy, toàn là khổ đau và nước mắt. Chàng chợt nhớ đến lời của một nhà văn:

“Hãy tìm đến với người yêu mình. Đừng tìm đến với người mình yêu”. Câu nói này sao đúng với tâm cảnh của hai người lúc bấy giờ quá đi. Chàng chợt xúc cảm, ngâm khe khẽ, chắc Hương không nghe đâu:

“Người yêu mình quả khó tìm
Khi nàng xuất hiện thì tim hững hờ.
Cứ theo bóng sắc vu vơ
Lại gần mới thấy ủ sầu quạnh hiu”

MINH HÒA

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân