TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cánh đồng Chum bí ẩn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cánh đồng Chum bí ẩn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9704

Bài gửiGửi: Mon May 06, 2024 11:24 pm    Tiêu đề: Cánh đồng Chum bí ẩn

Cánh đồng Chum bí ẩn

Cánh đồng Chum, một cảnh quan khảo cổ lâu đời nằm ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. (Hình: nuwatphoto/Shutterstock)


Lào được gọi là “Vùng đất bị lãng quên” sau Chiến Tranh Việt Nam. Nằm cạnh những quốc gia láng giềng nổi tiếng hơn - như Việt Nam, Thái Lan, và Cambodia - Lào trở nên khá biệt lập với phương Tây từ khi cuộc chiến tranh này kết thúc và chính quyền cộng sản Pathet Lao tiếp quản đất nước vào năm 1975.

Tuy vậy, trong thập niên vừa qua, Lào đã mở rộng cửa đón du khách. Họ đã khám phá ra đất nước này có người dân thân thiện, phong cảnh tuyệt mỹ, và lối sống bình dị. Người Lào là một trong những dân tộc thân thiện và dễ gần nhất. Khách viếng thăm được chào đón với lời chào, “Sabaidee” và một nụ cười, bất chấp những đau thương từ Chiến Tranh Việt Nam. Những dấu vết sót lại từ cuộc chiến này vẫn hiện diện tại đây, với số lượng hố bom đạn trên mỗi mét vuông nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Người dân Lào đã đáp lại bằng cách biến những miệng hố đó trở thành các hồ cá và những vỏ đạn thành các chậu hoa.

Cuộc sống ở Lào

Có khoảng 5 triệu người sống ở Lào, với 3 nhóm người riêng biệt được xác định theo khu vực địa lý. Các nhóm này bao gồm người Lào Lùm (Lowland Lao), người Lào Thơng (sống ở vùng trung du), và các bộ lạc người Hmong ở biên giới phía bắc giáp Việt Nam. Mỗi một bộ tộc đều có phương ngữ riêng biệt, khiến các nhà ngôn ngữ học luôn bận rộn.

Người Hmong nguyên là di dân từ Trung Hoa và sinh sống ở các khu vực hẻo lánh nhất phía Bắc nước Lào, nơi đường xá và cơ sở hạ tầng đều rất khan hiếm.

Ở Lào, gần 80% dân số sống tại các làng mạc nông thôn, sinh sống bằng chính những cây trồng và gia súc mà họ chăn nuôi. Hầu hết người dân đều sống quá xa những khu chợ để họ có thể bán nông sản và thịt. Một bữa ăn thường ngày của họ gồm có cá nướng, cơm, sốt cay, cải bắp, và rau xanh. Cũng có thể có thịt từ những động vật họ săn được trong rừng.


Cánh đồng Chum, một khung cảnh khảo cổ lâu đời nằm ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào. (Hình: Dmitry Chulov/Shutterstock)


Cánh đồng Chum

Một trong những địa điểm khảo cổ hấp dẫn nhất của Lào nằm gần thành phố Phonsavan, thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Nơi này được gọi là Cánh đồng Chum. Những chiếc chum bằng đá có chiều cao lên tới ba mét và nằm rải rác trên một cao nguyên. Theo ước tính, các chum này có niên đại khoảng 2000 năm. Các chum này được đưa đến đây như thế nào và mục đích của chúng vẫn là điều bí ẩn đối với các nhà khảo cổ học.

Người dân Lào có một truyền thuyết nổi tiếng để giải thích về những chiếc chum này, bắt nguồn từ một vị vua ở miền nam Trung Hoa tên là Khoon Chuong. Truyền thuyết kể rằng vị vua này và quân đội của ông đã đánh bại đối thủ - vua Chao Angka độc ác. Sau đó, vua Khoon Chuong quyết định ăn mừng bằng một bữa tiệc chiến thắng và ra lệnh làm những chiếc chum đá cỡ đại để ủ một lượng lớn rượu địa phương, có tên là Lao-Lao.

Còn các nhà khảo cổ học lại thực sự tin rằng những chiếc chum đó là những bình đựng tro cốt. Chiếc chum càng lớn, thì thân phận của người đó càng lớn. Hài cốt của người đã khuất được đặt trong những chiếc chum này và được đậy bằng nắp đá. Khi thân thể phân hủy xong, hài cốt còn lại được chuyển đến một hang động gần đó để hỏa táng.

Một số nhà lý thuyết còn suy đoán xa hơn rằng hang động này được hình thành từ đá vào cùng thời gian những chiếc chum được tạo ra. Hang động có một số hố lớn trên mái, có thể hoạt động như một ống khói để khói thoát ra ngoài, cho thấy đây có thể là một lò hỏa táng. Ngoài ra, hang động có thể đã được sử dụng như một lò để nung các chiếc chum trên cánh đồng.

Có ba khu vực chum mà du khách có thể viếng thăm, tất cả đều nằm trong phạm vi dễ dàng di chuyển bằng xe từ Phonsavan. Khu vực đầu tiên nằm gần thành phố nhất, khoảng 6 dặm về phía tây nam. Khu vực này có chiếc chum lớn nhất, gọi là Hai Cheaum, cao khoảng 2.5 mét và nặng khoảng 6 tấn. Sách hướng dẫn “Footprint Laos” (Dấu chân Lào) của tác giả Jock O’Tailan ghi rằng: “Khu vực này trông như thể một nhóm người khổng lồ đang say sưa ăn uống đột nhiên bị gián đoạn, họ ném những chiếc chum qua đồng bằng khi vội vã rời đi.”

Tác giả O’Tailan ghi chú thêm: “Công cụ, đồ trang trí bằng đồng, gốm sứ, và những vật dụng khác đã được tìm thấy trong chum, điều đó cho thấy rằng họ đến từ một nền văn minh [nào đó], nhưng không ai biết đó là nền văn minh nào, vì các cổ vật này không có mối liên hệ nào với các cổ vật mà các nền văn minh cổ xưa khác ở Đông Dương để lại.”

Trong giai đoạn Chiến Tranh Việt Nam và “Chiến Tranh Bí Mật” của Mỹ quốc, ở Lào, Cánh đồng Chum đã bị pháo binh của Hoa Kỳ ném bom dữ dội nhắm tới các lực lượng cộng sản Pathet Lào. Người dân địa phương trải qua cuộc chiến này khẳng định rằng trong 5 năm, mỗi ngày đều có ít nhất 4 hoặc 5 chiếc B-52 của Mỹ quốc ném bom xuống đây. Hàng ngàn hố bom nằm rải rác trong khu vực. Bom chưa nổ (UXO) vẫn là một mối nguy hiểm đáng kể. Bạn nên đi những con đường đi bộ đã được Nhóm Tư Vấn Bom Mìn dọn dẹp khi đến thăm các địa điểm này. Thật không may, chiến tranh vẫn tiếp tục lấy đi sinh mệnh những nạn nhân do những người nông dân cày xới phải bom mìn, hoặc trẻ em chơi với những quả bom mà chúng phát giác ra.

‘Thành phố phía chân trời’

Thành phố cổ Xiêng Khoảng đã bị san bằng trong chiến tranh, không một tòa nhà nào còn tồn tại. Phonsavan được xây dựng tại vị trí của thành phố này từ giữa thập niên 1970. Giờ đây, không khí nơi đây bị bao trùm bởi khói bếp và khói từ việc phá hủy rừng. Bụi cũng có mặt ở khắp nơi.

Xung quanh thành phố là những ngọn núi lớn, bao gồm Phou Bia, một trong những đỉnh núi cao nhất của Lào. Những ngọn núi này tạo ra những khung cảnh tuyệt đẹp tương phản với thành thị. Tại Phonsavan, Vansana là khách sạn tốt nhất. Nhà hàng Nisha sẽ phục vụ những món ăn Ấn Độ tuyệt hảo, và nhà hàng Craters phục vụ theo khẩu vị của người dân Mỹ quốc.

Tác giả O’Tailan mô tả về Lào qua bản tóm tắt của mình: “Hài lòng với tất cả những hình ảnh lãng mạn của những cây hoa sứ ngát hương, các nhà sư vận áo cà sa, những chiếc xe đạp han gỉ và những ngôi đền dát vàng, tất cả được đặt giữa một tấm thảm sinh động của các cù lao nhiệt đới, các thôn làng dân tộc thiểu số, những thác nước cuồn cuộn và cánh đồng lúa xanh tươi sống động, và được liên kết với nhau bởi dòng Sông Mekong hùng vĩ, huyết mạch của đất nước.”

Thật may mắn cho du khách, vẻ đẹp của Lào đã được bảo tồn, và sự phát triển chậm rãi không làm mất đi bản sắc văn hóa và nét đặc trưng của vùng đất này. Với những người tìm kiếm một lối sống thảnh thơi, khung cảnh tuyệt đẹp, người dân thân thiện, và món ăn ngon, thì Lào chính là một khó báu tiềm ẩn.

J.D. Haines
Linh Đan biên dịch


Tác giả đã đến Lào khi đi thực hiện một nhiệm vụ quân sự của Hoa Kỳ để thu hồi hài cốt của các phi công bị rơi tại đây trong Chiến Tranh Việt Nam.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân