TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tác Phẩm CHINH PHỤ NGÂM ( d/g Bà Đoàn T Điểm)- Thu Trang
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tác Phẩm CHINH PHỤ NGÂM ( d/g Bà Đoàn T Điểm)- Thu Trang

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1015

Bài gửiGửi: Sun Mar 24, 2024 9:41 am    Tiêu đề: Tác Phẩm CHINH PHỤ NGÂM ( d/g Bà Đoàn T Điểm)- Thu Trang




CHINH PHỤ NGÂM KHÚC

(ĐặngTrần Côn (1715?-1745)-Dịch giã: Đoàn Thị Điểm(1705-1748)


( Cảm xúc của một nhà giáo thời VNCH)

------------------

        Vào những năm 1964-75, trên toàn đất nước ta đã xảy ra một cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa hai miền Nam Bắc càng ngày càng khốc liệt, bao người trai miền Nam đã xông pha ngoài trận mạc chiến đấu với bộ đội miền Bắc khắp nơi trên rừng cao núi thẳm, cả những miền thôn quê hẻo lánh, và những phố thị yên bình..

        Khói lửa đầy trời đã gây bao cảnh điêu tàn, biết bao người bị thương vong, và những người đi không bao giờ trở lại..

        Trong thời điểm chiến sự sôi động, bao cơn biến loạn khiến lòng người hoang mang không biết tương lai sẽ về đâu, chính phủ VNCH đã kêu gọi khẩn cấp tất cả các thanh niên tuổi quân dịch phải đi nhập ngũ. Những người làm việc ở văn phòng cũng như những người đang dạy học cũng phải vào thụ huấn ở các quân trường Thủ Đức, Quang Trung hay Đồng Đế (NT). Khoảng một thời gian một năm hay mười tháng sau họ ra trường với cấp bậc Chuẩn úy hay Trung sĩ..rồi ra chiến đấu trên bốn vùng chiến thuật khắp nơi trên đất nước. Từ đó diễn ra bao cuộc chia ly đầy nước mắt với người yêu chưa trọn, người chồng vừa cưới chưa đầy năm..

        Vào khoảng thời gian ấy, vợ chồng cô Liên đều đang dạy học ở một trường trung học nơi tỉnh nhỏ miền Trung. Cuộc sống đang êm đềm những tưởng được hạnh phúc dài lâu.. Ai ngờ chồng cô được giấy kêu gọi nhập ngũ đã phải rời “phấn trắng bảng đen“, phải xếp áo thư sinh, đi vào cuộc đời quân ngũ như bao người trai thời loạn.

        Cô không còn an tâm với nếp sống bình lặng dưới mái trường, đôi vai thêm nặng nhiều trọng trách cùng nỗi nhớ thương khôn nguôi về người đã đi xa không biết ngày nào về lại..

        Năm ấy cô vừa mang thai đứa con đầu lòng, bổn phận càng nặng nề trên đôi vai: Tổ quốc và Gia đình, lại thêm con thơ sẽ ra đời..

        Cô sẽ phải vượt qua bao nỗi khó khăn. Lòng cô thêm nặng nỗi buồn thương, bao đêm trường khắc khoải khôn nguôi.. trời cao có biết cho chăng?

        Niên khóa ấy cô vừa được phân công dạy môn Việt văn lớp Đệ ngũ (lớp 8 sau này), chương trình giảng dạy về tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc (d/g Bà Đoàn T Điểm).

**

        Cho nên trong khi giảng dạy, với niềm xúc cảm dạt dào đồng cảm, cô đã gởi hết niềm riêng , đã phân tích từng chữ, từng câu, cùng bao nhiêu nỗi niềm của ngưới chinh phụ, cho những học sinh tuổi vừa đủ lớn, tuy tâm hồn còn ngây thơ trong sáng, cũng đã biết nhận thức, đã bị lôi cuốn theo những lời giảng đong đầy cảm xúc của cô..

        Từ ngày còn đi học cô đã thuộc nằm lòng những câu mở đầu trong tác phẩm:

                “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
                Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên..“

        Với lời than trách nhẹ nhàng của người chinh phụ bay tận trời cao:

                “Xanh kia thăm thẳm tầng trên
                Vì ai gây dựng cho nên nỗi này“

        Hình ảnh màu cờ bay phất phơ trước gió ngày chàng ra đi khiến lòng người chinh phụ ngậm ngùi cảm thấy nỗi lạnh lùng cô đơn nơi chốn phòng the :

                “Hàng cờ bay trong bóng phất phơ
                Dấu chàng theo lớp mây đưa
                Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
                Chàng thì đi cõi xa mưa gió
                Thiếp lại về buồng cũ gối chăn..“

        Cơn khói lửa loạn đã tràn về trên khắp nẻo quê hương , bóng trăng thề ngày trước cũng bị lung lay dao động:

                “Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt
                Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây..“

        Lòng càng nghĩ đến người đi như bao người trai thời loạn:

                “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
                Xếp bút nghiên theo việc đao cung“

        Lòng nàng dâng đầy cảm phục người chinh phu đã vì nước nhà, làm trọn chí nam nhi, lên ngựa ruổi dong ra chiến trường mà xem tính mạng mình nhẹ như lông hồng:

                “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
                Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao
                Giã nhà đeo bức chiến bào
                Thét roi cầu Vị ào ào gió thu…

        Tuy người lính VNCH ngày nay thân không cưỡi ngựa, mình không khoác chiến bào như người chiến sĩ thuở xưa, mà người ra trận mạc với bộ quân phục nghiêm chỉnh, đồng phục một màu, chân đi giày sô, ngồi trên các quân xa hay thiết giáp xa.. và bằng đôi chân lội suối băng rừng hoặc giao tranh dưới giao thông hào, vẫn là hình ảnh hào hùng của người trai nơi chiến trận.

        Người ở lại lòng dạ đau xót hằng theo dõi người ra đi ngoài sương gió:

                “Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
                Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san..“

        Ngày ngày trông nhìn về phía trời thẳm chẳng thấy bóng người đi với nỗi bồi hồi xót xa, đôi khi tự hỏi người có nhớ ta không?

                “Chàng thì cõi xa mưa gió
                Thiếp lại về buồng cũ gối chăn
                Ngàn dâu xanh ngát một màu
                Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?“

        Mỗi lần nghe tin truyền về báo không biết bao nhiêu người đã hy sinh ngoài chiến trường, những linh hồn cô quạnh dật dờ nơi hoang vắng, lòng người chinh phụ càng thêm xót thương não nùng:

                “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
                Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
                Chinh phu tử sĩ mấy người
                Nào ai mạc* mặt, nào ai gọi hồn?“
                (*mạc: mênh mông, hoang mạc, mộc mạc)

        Bao tháng ngày chờ đợi khiến lòng người chinh phụ càng thêm sầu thảm u uất.
Người ra đi vẫn biền biệt chân mây, biết than thở với ai :

                “Nỗi lòng biết tỏ cùng ai
                Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây
                Trong cửa này đã đành phận thiếp
                Ngoài mây kia há kiếp chàng vay?
                Những mong cá nước sum vầy
                Nào ngờ đôi ngã nước mây cách vời“

        Ngoài nỗi đau buồn thương nhớ người đi, đã bao mùa đông qua, xuân tới vẫn chưa về. Người chinh phụ còn không quên làm tròn bổn phận với cha mẹ già, với con thơ còn nhỏ dại:

                “Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
                Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân
                Nay một thân nuôi già dạy trẻ
                Nỗi quan hoài mang mể biết bao
                Nhớ chàng trải mấy sương sao
                Xuân thường đôi mới, đông nào còn dư“

        Ngày trước nàng tươi vui, xinh đẹp biết bao, má phấn môi hồng, lụa là thướt tha, mà nay đâu còn nét dung nhan trang đài kiền diễm. Bao buổi sớm chiều, ngồi bên song cửa, nàng ngẩn ngơ trông về phía trời xa, đã chẳng còn thiết tha trang điểm, vì chàng còn đâu để ngắm nhìn:

                “Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói
                Sớm lại chiều, dòi dõi nương song
                Nương song luống ngẩn ngơ lòng
                Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?“

        Nỗi lòng thương nhớ khôn nguôi, từng ngày nàng không ngăn được dòng lệ thấm ướt mảnh khăn hồng:

                “Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi
                Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề
                Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng
                Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn..“

        Nhìn lại tấm thân gầy mòn cô đơn, thương kẻ đường xa, đã không được kề cận chăm sóc chàng, chỉ còn biết tìm trong những cơn mộng để được gần nhau, lòng càng tiếc nuối khi mộng đã tan.. Nàng giận mình không bằng mộng, lòng càng ngẩn ngơ tiếc nuối khi giấc mộng tàn, tình cũng tan theo..

                “Giận thiếp lại không bằng mộng
                Được gần chàng bến lũng Thành Quan
                Khi mơ những tiếc khi tan
                Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không!“

        Nàng ví mình như một loài hoa luôn hướng về phía mặt trời, như lòng người chinh phụ dõi theo bóng người đi từng ngày, mà người đi e không còn tưởng nhớ:

                “Hướng dương lòng thiếp như hoa
                Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương..“

        Người chinh phụ đã ngày đêm cầu mong một ngày tàn cuộc chinh chiến, người chồng trở lại quê nhà cùng nàng giải bày bao niềm tâm sự, đối ẩm từng chén mừng vui hội ngộ, giải bày hết mối sầu đau bao tháng ngày..

                “Mở khăn lệ, chàng trông từng tấm
                Đọc thơ sầu, chàng thấm từng câu
                Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời
                Sẽ rót vơi lần lần từng chén
                Sẽ ca dần len lén từng thiên..“

        Cuối cùng nàng mong ước được sống bên nhau đến cuối đời trong những ngày thanh bình với muôn vàn hạnh phúc:

                “Cùng chàng lại lại kết mối duyên đến già
                Cho bõ lúc xa sầu, cách nhớ
                Giữ gìn nhau vui thuở thanh bình..“

**

        Những lời thơ trong “Chinh Phụ Ngâm“ rất đẹp, rất bóng bẩy, sâu sắc, nhẹ nhàng nhưng đã diễn tả hết tâm sự người chinh phụ trong thời loạn ly, gia đình tan tác, lòng sầu muộn triền miên cùng tình thương nỗi nhớ, nỗi khắc khoải mong chờ..

        Nhiều hình ảnh trong thời loạn lạc nhưng vẫn cho ta cảm nhận lời than trách u hoài như tiếng thở dài não nuột của người chinh phụ:

                “Xanh kia thăm thẳm tầng trên
                Vì ai gây dựng cho nên nỗi này..“

        Đẹp làm sao tiếng trống trận thúc quân đã làm lay động bóng trăng cùng làn khói tỏa tận đến mấy tầng mây trên bầu trời u ám:

                “Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
                Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây..“

        Hình ảnh bóng người đi dưới bóng cờ bay hào hùng biết bao, khiến lòng người chinh phụ luôn ghi nhớ thiết tha:

                “Hàng cờ bay trong bóng phất phơ
                Dấu chàng theo lớp mây đưa
                Thiếp nhìn rặn núi ngẩn ngơ nỗi nhà..“

        Tác giả đã diễn tả ý chí dũng cảm không ngại gian lao không màng sương gió của người chinh phu trên mình ngựa ra ngoài chiến trận trong cơn gió mùa thu từ xa đã thổi về:

                “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
                Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
                Giã nhà đeo bức chiến bào
                Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.“

        Người đã ra đi trong mùa thu, lòng người chinh phụ cũng bay theo từng cơn gió thu, như mảnh trăng sầu, cho nên dù có chờ đợi bao lâu, lời thơ cũng chỉ là lời than trách bóng bẩy nhẹ nhàng:

                “Thư thường tới, người không thấy tới
                Bức rèm thưa lần dãi bóng dương
                Bóng dương mấy buổi xuyên ngang
                Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai..“

        Nhìn những đóa hoa long lanh dưới ánh trăng huyền ảo, hình ảnh đẹp nên thơ là thế mà lòng nàng lại càng thêm sầu não:

                “Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm
                Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
                Trước hoa, dưới nguyệt, trong lòng xiết đau
                Đâu xiết kể, muôn sầu nghìn não..“

        Nàng ví mình như một loài hoa luôn hướng về phía mặt trời, không biết chàng có biết hay chăng?

                “Hướng dương lòng thiếp như hoa
                Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương..“

        Lòng luôn mong mỏi một ngày người chinh phu trở về, nàng sẽ vì chàng:

                “Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
                Xin vì chàng giũ lớp phong sương..“

        Nàng vui lòng tình nguyện làm bao nhiêu việc cho chàng quên đi những lúc hiểm nguy nơi trận mạc, rủ cho sạch lớp áo phong sương ngoài chiến địa.

        Lời lẽ của người chinh phụ luôn êm ái dịu dàng biết bao!!

***

        Nỗi nhớ thương u buồn tha thiết, niềm tâm sự luôn khắc khoải của người chinh phụ mong chờ người chồng xông pha ngoài chiến trận trong bao năm vẫn bằng bặt chưa thấy về, được lồng trong những câu thơ êm ái nhẹ nhàng.         Những cảnh tượng tuy nhuốm màu buồn thảm nhưng những lời thơ dưới ngòi bút điêu luyện của người nữ sĩ tài hoa lại vô cùng long lanh diễm tuyệt ..

        Có thể nói “Chinh Phụ Ngâm Khúc“- d/g Bà Đoàn Thị Điểm là một bài thơ trường thiên tuyệt phẩm mà qua bao thế kỷ vẫn còn để dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc .

        Dù ở nơi phương trời xa cách quê hương vạn dặm, người phụ nữ VN vẫn thấy trong lòng luôn gợi lên bao niềm cảm xúc về tâm sự u buồn của người chinh phụ trong thời chiến, bởi những lời thơ tuyệt mỹ và tấm lòng chung thủy của người chinh phụ trong tác phẩm nầy!

        Thu Trang (L.Hoa Phan)
        (Tha Hương, Tháng Tư -2024)


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân