TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - PHƯỚC BÁO
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

PHƯỚC BÁO

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Thu Mar 14, 2024 11:23 am    Tiêu đề: PHƯỚC BÁO

PHƯỚC BÁO

Trước Thiên Chúa giáng sinh khoảng 520 năm, Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ đến Trung Hoa và diện kiến vua Lương Võ Đế tại Nam kinh, đã có một mẩu đối thoại lý thú còn lưu truyền trong thiền sử Phật giáo như sau:

- Vua Lương Võ Đế: Trẫm xưa nay thường xây chùa, độ tăng, chép kinh, thiết trai đàn...Vậy có công đức gì không?

- Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Không có công đức gì cả.

.......................................................................................

- Vua Lương Võ Đế: Ai đang ngồi trước mặt trẫm đây?

- Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Không biết.

.......................................................................................

Vua Lương Võ Đế hẳn là rất thất vọng vì nghĩ rằng Tổ sẽ hết lời khen ngợi công đức của mình. Thế nhưng Tổ Bồ Đề Đạt Ma cũng ngao ngán vì sử còn ghi rằng ngay sau đó Tổ rời kinh đô, vượt sông Dương Tử, hướng về phía bắc, đến Lạc Dương, lên núi Ngũ Đài Sơn, vào chùa Thiếu Lâm Tự, quay mặt vào tường nhập thất suốt chín năm. Từ đây mỗi khi nhắc đến Sơ Tổ Bồ Đề, người khai sáng thiền tông Trung Hoa, người ta thường nhớ đến thành ngữ “ cửu niên diện bích”.

Thiết nghĩ khi dùng từ “ công đức”, vua Lương Võ Đế muốn biết mình có phước báo hay phước đức thế nào qua những thiện nghiệp đã làm. Còn từ “công đức” của Sơ Tổ nhằm chỉ đến sự tinh tấn trong việc tu tập thiền định hay rèn luyện cái tâm hướng đến “yểm ly, ly tham, đoạn diệt, giác ngộ”. Tức là tinh tấn thực hành giáo pháp Như Lai để dứt tham, sân, si hầu thoát khỏi luân hồi. Trong câu chuyện trên, vua Lương Võ Đế ở trong chân lý Tục đế. Còn Sơ Tổ thì nói đến chân lý Bát Nhã, Tánh Không.

Ngày nay, nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhầm lẫn hai từ “công đức” và “phước đức”. Tuy nhiên, trong phạm trù hữu vi, “công đức” có thể hiểu là việc làm tốt đẹp để duy trì và phát triển Phật pháp. Thí dụ, câu nói thường nghe “ Xin tán thán công đức ông bà đã đóng góp cho chùa”.

Bài viết này xin chỉ nói về “phước đức” theo nghĩa Tục đế.

Phước Đức Là Gì?

“Phước đức” hay còn gọi “phước báo” là kết quả của những việc tốt lành đã làm trong kiếp này và nhiều đời sống trước. Phước báo thuộc về sắc chất nên dễ dàng nhận biết qua tiền bạc, danh vọng, sắc đẹp, tài sản, quyền lực, tri thức, bằng cấp... Trong cuộc đời, ai gặp nhiều may mắn, hanh thông, hôn nhân hạnh phúc, nhà cửa đẹp đẽ, con cái hiếu thảo, thành đạt thường được xem là có nhiều phước đức. Có lẽ 99% loài người chúng ta đều yêu thích phước báo. Ai mà không thích sống lâu, sức khỏe tốt, giàu có, điạ vị xã hội cao, sang trọng, xinh đẹp, được kính trọng, tôn quý. Phước báo là kết quả của sự vận hành luật nhân quả, là một hiện tượng thế gian bị tác động bởi nhiều điều kiện nên là pháp hữu vi, có thể thay đổi, tăng và giảm, còn và hết, đến rồi đi theo luật vô thường.

Phước Đức Ảnh Hưởng Đến Chúng Ta Ra Sao?

Có thể nói phước đức ảnh hưởng rất sâu đậm và vô cùng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần và vật chất của con người. Hãy nhìn vào các nước văn minh tiên tiến, kinh tế giàu có và dân chủ sẽ thấy người dân mặt mày tươi sáng, đời sống tự do, an bình, bình đẳng, sung túc, mạng sống của họ được quý trọng và được luật pháp bảo vệ. Hãy nhìn đến châu Phi nơi con người không chỉ đen đủi, xấu xí mà cuộc sống hết sức khắc nghiệt. Người châu Phi luôn luôn không đủ thực phẩm để ăn, khắp nơi không có nước sạch để dùng, nhiều trẻ em không được đi học. Hạ tầng cơ sở thô sơ. Giao thông đi lại khó khăn. Điều kiện y tế vô cùng thấp nên châu Phi là cái nôi sinh sản những loại vi trùng và vi khuẩn gây bao nhiêu dịch bệnh cho loài người. Người ở đấy nặng nề mê tín và gần như chưa có duyên lành gặp Phật đạo dù có vài vị tăng Việt Nam không quản khó khăn thử thách đã xây dựng vài ngôi chùa. Thế nhưng giới lãnh đạo các nước Phi châu phần lớn tốt nghiệp các đại học nổi tiếng trên thế giới như Sorbonne, Cambridge, Oxford, Harvard hay Yale. Họ sống trong những lâu đài xa hoa có bao nhiêu nô lệ hầu hạ, đi xe Rolls Royce, Cadillac,..., ăn uống những thức ăn thượng vị nhất của thế giới. Thế mới biết trong cộng nghiệp luôn có biệt nghiệp.

Phước lành cũng là hậu cần vững chắc cho việc tu tập thiền định để thoát khổ. Đói ăn, bệnh tật, bị khủng bố tinh thần, hay cuộc sống phải thường xuyên “giật gấu vá vai” hoặc sống trong môi trường bất an vì chiến tranh, ô nhiễm và tội phạm thì khó mà có đủ tâm trí hay năng lượng hướng đến đời sống tâm linh. Chúng ta đang sống ở Mỹ, Úc hay châu Âu thì phải hiểu rằng phước báo của mình cũng nhiều lắm lắm. Thiền sử còn ghi rằng ngày xưa trong tăng đoàn1250 tỳ kheo của đức Thế Tôn có một vị tăng dù cũng đi khất thực hằng ngày như mọi người nhưng luôn luôn bị đói. Thức ăn khất thực về đưa đến miệng rồi nhưng luôn có những sự việc xảy ra ngoài ý muốn khiến ít khi được vào miệng của vị tăng này đầy đủ. Trước khi ông lâm chung, đích thân đức Thế Tôn phải xúc từng muỗng thức ăn cho ông để ông được ăn một bữa no đủ cuối đời.

Làm Sao Để Có Phước Báo?

Phước báo thường là hoa trái kết thành từ “THÍ hay BỐ THÍ”. Tức là việc “cho, tặng, hiến tặng, cúng dường” vật chất, tiền bạc, tài sản... nhằm để giúp đỡ một hay nhiều người trong lúc cấp thiết hay hoạn nạn. Đó cũng là cái hậu của sự “cống hiến” thời gian, tâm sức để chuyển đổi hoàn cảnh, môi trường của một cộng đồng, một dân tộc được tốt đẹp hơn. Từ năm 1997, Bill Gates và Melinda Gates (bà vợ trước) với qũy BMGF (khoảng nhiều chục tỷ đô la) đã thay đổi bộ mặt của châu Phi và cuộc sống của người lớn và trẻ em ở đó. Phật dạy đó là Tài thí. Xây cất và trùng tu chùa chiền, nhà thờ, in kinh ấn tống, ủng hộ hoạt động của các thiền đường, thiền viện, hỗ trợ chư tăng ni thuyết pháp, giúp các tôn giáo phát triển để mọi người sống lương thiện an lành thì Phật gọi đó là Pháp thí.

Thí là cho, tặng. Vậy phải chăng có tiền mới có phước báo? Người có tài chánh hạn hẹp phải chăng không có điều kiện để tạo phước đức cho mình? Thật ra có rất nhiều cách để tạo phước báo cho bản thân, gia đình không mất một xu nào cả mà kết quả nhiều khi rất lớn.

Trước hết là giữ gìn ngũ giới nghiêm minh. Ngũ giới, ai cũng biết là không sát sanh; không trộm cắp; không tà dâm; không nói dối, không phỉ báng, không nói lời hung ác, không nói lời gây chia rẽ; không dùng các chất gây say sưa ghiền nghiện. Chỉ riêng hai giới đầu đã đem đến nhiều phước lành rồi. Tôn trọng mạng sống các chúng sanh khác thì được sức khỏe tốt, ít đau ốm, thọ mạng dài lâu. Không trộm cắp thì tài sản của mình ít hư hao tổn thất.

Thứ đến, hằng ngày tự sám hối, xét lỗi hôm xưa chừa lỗi hôm nay, sẽ giúp chuyển nghiệp và tăng trưởng phước báo.

Mỗi ngày nếu biết gởi đến chúng sanh muôn loài những lời tri ân chân thành và cầu nguyện an lành thì hồi báo rất là đáng kể. Không kiêu căng khinh thường người thua kém mình cũng là cách tích đức dễ dàng. Giúp một người già, một em bé băng qua đường an toàn là phước lành. Trên đường đi bộ, nếu thấy những chướng ngại như hòn gạch, cành cây, miếng sắt nhọn... mà dẹp ngay đi để người yếu ớt hơn mình đi qua không bị nguy hiểm là có phước báo rồi. Một cái nhìn thương yêu, một nụ cười thông cảm, một lời an ủi chia sẻ với người ít may mắn, lời thăm hỏi ân cần cho người trong cơn hoảng loạn, một lời chúc lành cho người homeless...Tất cả điều trên khi xuất phát từ tấm lòng chân thật thì phước báo chắc chắn sẽ đến.

Trong công việc hằng ngày, nếu làm với tất cả khả năng để tăng cao chất lượng và giúp ích cho mọi người nhiều hơn thì cũng tích lũy được nhiều phước đức.

Có hai cách làm tổn đức rất nhanh. Đó là phung phí nước và vứt bỏ thức ăn vào thùng rác. Tại sao? Nước và thực phẩm là phẩm vật của đất trời. Nhưng nếu không có bao sức lao động của con người bỏ ra thì ta không có đủ để dùng. Phung phí hai thứ này là không có lòng tri ân vạn loại. Hãy tiết kiệm nước. Triệu triệu người ở châu Phi hằng ngày phải đi bao nhiêu cây số mới đội về được bình nước để uống. Chỉ mua thức ăn vừa đủ dùng. Chỉ lấy và nhận đồ ăn uống vừa đủ. Biết bao trẻ em khắp nơi nơi đói ăn và không có nước sạch để uống hằng ngày.

Nên Có Cái Nhìn Đúng Về Phước Báo Như Thế Nào?

Trong Lục Độ Ba La Mật, Bố Thí Ba La Mật đứng hàng đầu. Thế nên cần có cái nhìn đúng về phước báo để đời sống nhẹ nhàng và việc tu tập thuận lợi, dễ có kết quả.

Trước hết, nếu có nhiều phước lành thì chớ vội kiêu ngạo. Hãy thực lòng khiêm tốn. Hãy luôn nhớ rằng “các pháp hữu vi mong manh như bọt nước và ngắn như giấc mộng”. Làm điều gì tốt đẹp cho ai thì nên quên điều đó càng sớm càng tốt. Chí ít thì cũng nhớ câu “thi ân không cầu báo” mà để “các pháp tự vận hành”. Hãy làm những việc tốt lành trong tinh thần Bố Thí Ba La Mật. Làm việc tốt và chỉ nhắm đến bào mòn cái Ta và đoạn trừ cái Tham. Và sau cùng, tu Phước mà thiếu tu Huệ, thiếu thực tập thiền định theo thánh giáo Như Lai, thì mãi mãi chìm đắm trong sanh tử.

Hãy nhớ rằng Phước - Huệ song tu

Mới mong ra khỏi luân hồi tử sanh.

Nếu lòng chú tâm giúp ai đó,

Để chỉ mong cầu phước thế gian,

Thức tái sanh mỗi ngày mỗi mạnh.

Khi cận tử chỉ muốn quay về

Hưởng cho tận phước lành đã tạo.

Cứ như vậy, hỡi kẻ cùng tử!

Biết bao giờ Về Lại Nhà Xưa!

Xin thân chào và chúc các bạn ngày đêm an lành.

Ngọc Huyền
March 05, Quý Đông 2024


_________________

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân