TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ĐIẾC SƯỚNG HƠN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ĐIẾC SƯỚNG HƠN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7340

Bài gửiGửi: Sun Jan 14, 2024 2:08 am    Tiêu đề: ĐIẾC SƯỚNG HƠN


Điếc Sướng Hơn

Tác giả Lê Đức Luận (từ trái, người thứ hai) nhận giải Danh Dự tại

Lễ Phát Giải Ra Mắt Sách VVNM 2023, Garden Grove, CA


ĐIẾC SƯỚNG HƠN

(Phú Lan sưu tầm)

Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản.

Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý.

Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.

Lão phải sống! Nhưng lão biết với cái lý lịch ba đời nhà lão - chẳng những lão sẽ khổ nhục suốt đời mà con cái lão rồi cũng chẳng ngóc đầu lên được dưới chế độ cộng sản.

Thời điểm ấy, nhiều người ở trong hoàn cảnh như lão, muốn thoát khỏi chế độ cộng sản để tìm cuộc sống tự do và tương lai cho con cháu. Phong trào vượt biên, vượt biển bùng phát. Sự kiện này đã thôi thúc lão tìm đường vượt biên! Lão biết ra đi là “tìm sự sống trong cái chết.” Nhưng lão liều! Thà chết còn hơn sống mà không có tự do. Lão vay mượn đó đây vừa đủ tiền cho lão và đứa con trai sáu tuổi ra đi.

Nhưng chuyện vượt biên của lão không thành công. Chuyến đó, chủ ghe đòi: Người lớn đóng ba cây vàng, trẻ nhỏ dưới mười tuổi đóng một nửa - thằng con sáu tuổi của lão đóng một cây rưỡi. Lão và thằng con trai đến điểm hẹn (ém quân) chờ đến giờ, có người đến đưa xuống taxi (tàu nhỏ). Nhưng người hướng dẫn, gọi là “đề lô” không đến chỗ “ém quân” dẫn cha con lão ra tàu nhỏ mà thay vào đó hai người lớn để kiếm thêm một cây rưỡi vàng, làm cha con lão lỡ chuyến - lão quay về! Vài ngày sau, biết tin: Những người xuống taxi hôm ấy đều bị công an “tóm”. Thế là may mắn cho lão - thoát tù! Từ đó, lão không còn tính chuyện vượt biên.

Nhớ lại, khi ở tù đến năm thứ tư, bẵng đi một thời gian dài, lão không được tin nhà - lão lo lắng không biết có chuyện gì xui rủi xảy ra cho vợ con lão? Sau đó, vợ một người bạn tù ra thăm chồng cho biết tin: “Vợ lão dẫn hai đứa con đi vượt biên đã hơn mười tháng nay.”

Bấy giờ, nhiều đêm lão thao thức với tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui khi nghĩ vợ con lão đã thoát cảnh lầm than và tương lai con cái lão sẽ tươi sáng hơn. Nhưng lão buồn khi tưởng tượng cảnh vợ lão sẽ “theo thằng John, thằng Jack... nào đó” - quên lão! Lão ngậm ngùi... nhưng rồi tự an ủi: Như thế còn may mắn hơn là đi theo “nón cối” như vợ của vài người bạn tù cùng cảnh ngộ.

Đến một hôm, lão đang ngồi tư lự, sau bữa ăn chiều với chén bo bo, chan nước muối, một anh tù tự giác ghé tai nói nhỏ: “Vợ anh vừa đến lúc bốn giờ - đang ở ngoài nhà thăm nuôi.” Lão cười tỏ vẻ không tin.

Nhưng sáng hôm sau, trong lúc sắp hàng đi lao động, lão được gọi tên ra khỏi hàng - đứng đợi ở góc sân. Khi các Đội lao động ra khỏi cổng trại, một tên vệ binh đến dẫn lão ra nhà thăm nuôi. Trên đường đến nhà thăm nuôi lão nghĩ: “ Có lẽ gia đình nhờ một người nào đó đi thăm nuôi.” Khi đến nơi, thấy vợ đang đứng chờ trước cửa nhà “tiếp tân” - lão xúc động! Không ngờ lại được gặp nhau.

Trong hơn nửa giờ thăm gặp, hai vợ chồng lão phải nói “tiếng lóng” trước mặt tên cán bộ ngồi ở đầu bàn. Lão hỏi: “Anh nghe chị Thìn báo tin: “Em đưa các con về vùng kinh tế mới với ông bà ngoại?”- “Mấy tháng trước, em dẫn hai con về quê ngoại, nhưng xe tàu trở ngại, em quay về... ” Vợ lão trả lời ngắn gọn, cho lão hiểu chuyện vượt biên không thành công.

Sau này, khi được về với gia đình, vợ lão kể chi tiết những gian truân trong chuyến vượt biên năm ấy: “Vợ lão dẫn hai con, theo người mối lái xuống Cần Thơ. Họ “ém” trong một căn nhỏ ven sông, chờ đến giờ sẽ cho xuống tàu nhỏ để đưa ra tàu lớn. Nhưng đêm đó công an bao vây, bắt trọn ổ đám người vượt biên “ém” trong các nhà gần đó (khoảng ba mươi người) đưa về trại giam. Vài ngày sau, người mối lái vào trại giam đưa hai đứa con về Sài Gòn cho bà chị nuôi giúp, còn vợ lão ở lại “nếm” cơm tù cộng sản hơn sáu tháng mới được thả. Ra tù, vợ lão mất hết, phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của chị, em cật ruột.

Lão vượt biên không thành, vợ lão vượt biên không xong. Thế là lão biết số trời đã định: từ nay vợ chồng lão sẽ không còn phân ly.

Lão tin vào định mệnh. Cho nên đời lão đã trải qua nhiều thử thách và cảnh ngộ đau thương, lão cam chịu... ít khi than thở. Trải nghiệm cuộc đời, lão “ngộ” được cái lẽ vô thường trong kiếp nhân sinh. Lão cũng thấm nhuần câu chuyện “Tái ông thất mã” - trong cái rủi có cái may. Cho nên, khi gặp may mắn, lão không tự mãn; lúc xui rủi lão không tuyệt vọng. Những người quen biết, đặt cho lão cái tên là Tư Lì.

Những khi cơ khổ, lão nhớ đến mấy câu thơ trong bài Vịnh Cảnh Nghèo của cụ Nguyễn Công Trứ: “...Cơ thường đông hết hẳn sang xuân/ Trời đâu riêng khó cho ta mãi/ Vinh nhục dù ai cũng một lần.” để nuôi hy vọng.

Những năm sau 1975, nhiều người ở miền Nam, không thể sống nổi dưới chế độ hà khắc của cộng sản - phải trốn chạy bằng mọi cách - bất chấp hiểm nguy! Nhiều thảm cảnh đã xảy ra trên biển cả làm động lòng lương tâm nhân loại. Do vậy, nhiều nước chấp nhận cho định cư những người có thân nhân nước ngoài bảo lãnh qua chương trình ODP (ra đi có trật tự) để giảm bớt những đau thương. Sau đó có thêm chương trình HO đã cứu vớt nhiều gia đình cựu quân nhân QL/VNCH thoát cảnh lầm than.

Lương tâm và tình nhân loại đã đem đến cho gia đình lão niềm hy vọng.

Một ngày đẹp trời gia đình lão xách va-li lên phi cơ về miền đất hứa. Lúc ngồi đợi máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, lão còn lo sợ công an đến bắt quay về. Đến khi phi cơ cất cánh lão mới an lòng - đời lão từ đây coi như hết cơn bỉ cực.

Qua khung cửa sổ hẹp của máy bay, lão nhìn xuống thành phố Sài Gòn - những đường phố lướt qua dưới ánh nắng ban mai trong trẻo, rồi những sông rạch uốn lượn, dấu mình trong các làng mạc ven đô, rồi lặn vào các khu rừng thấp... rồi dần dần lộ ra trên những cánh đồng lúa trải dài như những nét kẽ màu trắng trên tấm thảm nhung xanh. Máy bay nghiêng cánh, lên cao - Sài Gòn nhỏ dần, rồi chỉ còn chấm đen. Mất hút! Bây giờ, chung quanh là trời xanh lồng lộng. Bên dưới là biển cả bao la. Lão thấy lòng se thắt!

Bao nhiêu năm, bị đọa đày trên quê hương khốn khổ ấy, lão muốn trốn chạy. Giờ đây, trên đường lưu vong ly biệt - căn nhà cũ, con đường xưa, lũy tre nơi thôn làng quê ngoại, cùng với những kỷ niệm thân thương thời thơ ấu, phút chốc hiện ra, khiến lão rưng rưng... Hình ảnh quê hương khó có thể phai mờ trong ký ức.

Đến nơi đất khách, quê người, cũng như bao nhiêu gia đình tỵ nạn khác, gia đình lão được hội nhập vào xã hội văn minh Hoa Kỳ, nhờ sự giúp đỡ tận tình của người dân bản xứ. Đôi khi lão tự hỏi: “Tại sao những người cùng tổ tiên, nòi giống lại tìm cách đọa đày nhau, còn ở đây với những người xa lạ, nhưng họ lại cưu mang gia đình lão với tất cả tấm lòng nhân ái và hào sảng?”

Mấy mươi năm sống trên nước Mỹ, con cái lão được học hành tử tế, thành đạt. Lão có việc làm, được sống trong tự do, no ấm... Đến năm sáu mươi hai tuổi, lão xin về hưu sớm để an hưởng tuổi già. Lão nghĩ theo quan niệm xưa: “sáu mươi năm cuộc đời” - bây giờ đến tuổi sáu hai, lão cho như vậy đã đủ cho một đời người. Nhưng tuổi thọ của con người ngày nay tăng lên - tám mươi chưa phải là già. Nhiều người đã ví von như thế khiến lão an lòng, vui sống...

Được sống đến tám mươi tuổi, lão bảo đó là “bonus” trời cho, nhưng lão không tránh khỏi tiến trình “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Năm bảy mươi tuổi, thính giác bị lão hóa - lão bắt đầu mang bệnh điếc!

Nhưng lão lì, không mang máy trợ thính, chấp nhận bệnh điếc như một ân sủng. Lão lý luận: “Già phải mang bệnh - điếc là bệnh dễ chịu nhất để bớt nghe những chuyện thị phi - cho tâm hồn thanh thản...

Lão nhớ, hồi ở trại tù K1/Tân Lập - Vĩnh Phú, các niên trưởng, mang cấp bậc Trung tá, Đại tá, đa số đều mang bệnh điếc. Điếc giả, điếc thiệt... không ai biết được. Nhưng “điếc” mang lại sự an toàn. An toàn là thế này: Các đàn em khi gặp lại các niên trưởng thường rỉ tai to nhỏ, toàn những chuyện “giật gân, phản động”. Bọn “ăn ten” thấy vậy báo cáo với cán bộ. Thế là các “cụ” bị kêu lên làm việc, khai báo những gì đã nghe. Sự thật, chỉ là những tin đồn... nhưng các “cụ” phải khai, và phải nói sao cho khéo để đỡ đòn cho đàn em. Thế thì mệt quá! Thôi thì cứ giả điếc (có cụ điếc thiệt) để các đàn em khi gặp phải chào to, nói lớn... mà nói lớn thì đâu dám tiết lộ những chuyện bí mật phản động. Thế là quý cụ yên thân.

Khi lão điếc ở mức độ 50%, Lão bớt nghe chuyện đời thị phi, rối rắm. Ở nhà, những lúc đang say mê xem phim, hay đọc chuyện, vợ kêu rửa chén, lặt rau, lão không nghe, bà vợ bực mình càm ràm... rồi làm hết mọi thứ. Lão cứ ung dung... Nhưng “thái quá thì bất cập! ” Càng già bệnh điếc càng gia tăng, khiến lão ngơ ngác như người ở “cõi trên”. Vợ con thấy vậy, khuyên lão nên đeo máy trợ thính, nhưng lão “lì” không chịu mang. Con gái lão giải thích: “Những người bị điếc mà không đeo trợ thính, lâu ngày sẽ sinh ra bệnh mất trí nhớ (alzheimer).”

Trong đời, lão sợ nhất là bị bệnh đột quỵ (stroke), thứ hai là bệnh lú lẫn (alzheimer). Cho nên lão nghe theo lời khuyên của con gái, ra Costco mua một cái máy trợ thính.

Từ ngày mang máy trợ thính, lão sinh bịnh mất ngủ.

Mỗi lần nghe những tên bình luận thời sự lếu láo trên Radio, TV, You Tube, thiếu khách quan hay nghe những người lắm chuyện khoác lác, khoe khoang... lão bực mình.

Ở nhà, mỗi khi bà vợ già càm ràm điều gì lão nghe hết đầu đuôi... Thực ra, lão chẳng làm điều gì nên tội, chỉ có việc: mặc quần hay quên kéo zipper, làm bà xấu hổ; bày biện lung tung làm bà mất công dọn dẹp; mỗi lần đi đâu bà phải tìm chìa khóa xe, cái ví cho lão... Chừng ấy chuyện mà vợ lão cứ càm ràm - lão không giận và coi đó như cách “mắng yêu của tuổi già”. Nhưng mỗi lần càm ràm, bà vợ thường nói câu kết: “chẳng được tích sự gì.” Khiến lão giận! Trong đời, lão ghét nhất những ai chê lão “vô tích sự”. Mắng thế nào cũng không làm lão tức bằng chê lão “chẳng được tích sự gì”.

Khi chưa có máy trợ thính, lão nghe tiếng được, tiếng mất - chuyện đời coi như gió thoảng, mây trôi... lão không bận tâm, chấp nhứt. Đêm về lão ngon giấc. Nay có cái máy trợ thính, lão nghe rõ sự đời lắm chuyện thị phi... Lão bực mình những chuyện bao đồng, rồi giận luôn bà vợ già hay chê lão “vô tích sự”... Khiến lão nhiều đêm mất ngủ!

Thế là, lão tuyên bố: “Điếc sướng hơn! ”

Lê Đức Luận

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân