TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bệnh viêm ruột mạn tính: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bệnh viêm ruột mạn tính: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Fri Oct 20, 2023 10:56 pm    Tiêu đề: Bệnh viêm ruột mạn tính: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Bệnh viêm ruột mạn tính: Nguyên nhân và cách phòng ngừa


Chứng viêm ruột mạn tính khá phổ thông và khó phát giác nhưng lại gây nguy hiểm cho các cơ quan khác của cơ thể. Bài viết trình bày nguyên nhân và 6 cách phòng ngừa căn bệnh này.

Khi cơ thể bị vi khuẩn hoặc virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ đáp ứng bằng phản ứng viêm, biểu lộ ra bên ngoài là 4 dấu hiệu sưng, nóng và đau. Phản ứng viêm nhằm giảm thiểu tác hại cho cơ thể, loại bỏ tế bào chết và chất thải của quá trình chuyển hóa. Sau đó cơ thể có thể xây dựng lại và sửa chữa các mô.

Hầu hết các phản ứng viêm là cấp tính. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch bị kích thích liên tục, tình trạng cấp tính sẽ chuyển thành mạn tính. Một số tình trạng viêm mạn tính, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, có dấu hiệu viêm rõ ràng, gây đau khớp và biến dạng khớp lâu dài. Tuy nhiên, viêm mạn tính ở đường tiêu hóa ít rõ ràng hơn, nhưng chứng bệnh này lại rất phổ thông và ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe.

Viêm mạn tính là mối quan tâm lớn đối với sức khỏe. Viêm mạn tính có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa và gây ra rối loạn tác dụng nhận thức, các bệnh về gan, thận và các bệnh khác.



Nguyên nhân gây viêm ruột mạn tính

Môi trường làm việc hàng ngày của đường tiêu hóa có thể nói là rất khắc nghiệt. Một mặt, dạ dày sẽ tiết ra dịch vị có nồng độ acid mạnh với pH khoảng 1, trong khi tá tràng tiết ra dịch có tính kiềm để trung hòa thức ăn có tính acid được tiêu hóa bởi acid dạ dày. Những loại dịch tiêu hóa này phối hợp với nhau để tiêu diệt vi khuẩn và cắt nhỏ protein để cơ thể tiêu hóa. Thức ăn được tiêu hóa thông qua nhu động, co bóp và ma sát của ruột. Chất thải của quá trình trao đổi vật chất và chất độc cũng được tạo ra trong quá trình tiêu hóa.

Tế bào biểu mô trong dạ dày và ruột sẽ bị mất đi và được thay mới mỗi 4 hoặc 5 ngày. Nếu gánh nặng cho dạ dày và ruột tăng lên thì tình trạng mất tế bào đường tiêu hóa sẽ càng trầm trọng hơn. Mất mát quá mức sẽ gây ra tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp nhưng liên tục.

Nguyên nhân làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa bao gồm ăn không đủ chất xơ, thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài, tâm trạng kém và thực phẩm gây kích thích, chẳng hạn như rượu.

Một số lợi khuẩn cần chất xơ làm thức ăn, do đó bữa ăn nhiều thịt, ít rau sẽ khiến cho số lượng lợi khuẩn giảm vì thiếu chất xơ.

Ngoài cellulose, một số vi khuẩn cần chất nhầy tiết ra trên bề mặt đường tiêu hóa để tồn tại. Khi có quá nhiều chất nhầy, các vi khuẩn này phát triển mạnh dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật cộng sinh trong đường tiêu hóa.

Một khi một số vi khuẩn ruột tiêu thụ lớp chất nhầy để lấy chất dinh dưỡng, hàng rào này trở nên kém vững chắc, tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh phá hủy các tế bào biểu mô và thậm chí xâm chiếm các lớp tế bào ruột khác.

Tổn thương tế bào ruột và mất cân bằng hệ vi sinh ruột sẽ gây ra tình trạng viêm. Điều này có nghĩa là chỉ cần ăn không đủ chất xơ thôi cũng khiến tình trạng viêm ruột mạn tính gia tăng lâu dài.


Hậu quả của viêm ruột mạn tính


Các tế bào khỏe mạnh dọc theo thành ruột được sắp xếp chặt chẽ và liên kết mật thiết với nhau giống như răng của dây kéo, không tạo ra khoảng trống, nên các đại phân tử không phải chất dinh dưỡng không thể thấm vào thành ruột để đi vào cơ thể. Nếu có khoảng trống và thành ruột trở nên dễ thấm thì gọi là “rò rỉ ruột.”

Viêm ruột mạn tính sẽ làm tăng tính thấm của ruột, tạo điều kiện cho các đại phân tử có hại như chất gây dị ứng, vi khuẩn và chất độc dễ dàng xâm nhập vào phần còn lại của cơ thể qua đường máu. Khi đó, các cơ quan và quá trình khác sẽ bị ảnh hưởng.

1. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến gan

Gan có tác dụng giải độc. Các chất dinh dưỡng được hấp thụ qua ruột sẽ được chuyển đến gan. Khi tình trạng viêm mạn tính làm tăng tính thấm của ruột, các chất độc rò rỉ vào cơ thể cũng sẽ tập trung ở gan, do đó làm tăng gánh nặng giải độc cho gan. Ngoài ra, những chất độc mà gan không lọc được sẽ tiếp tục lưu thông theo máu và ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

2. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến sự nhận thức

Một tổng quan nghiên cứu đã đề cập rằng bệnh nhân Parkinson có hệ vi sinh vật ruột và chất chuyển hóa trong ruột khác với những người khỏe mạnh.

Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí PLOS ONE vào tháng 7 đã phân tích dữ liệu từ mẫu của 500,000 người ở Biobank – Anh quốc và phát giác ra rằng các dấu hiệu sinh học gây viêm có liên quan đến suy giảm nhận thức.

3. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến cảm xúc

Một tổng quan y văn trên Tập san BMJ Dinh Dưỡng, Phòng Ngừa và Sức Khỏe cho thấy rằng dùng men vi sinh (thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa vi khuẩn) hoặc kết hợp prebiotic và men vi sinh có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm. Prebiotic là thực phẩm cung cấp loại chất xơ mà vi khuẩn ruột ăn và chuyển hóa.

4. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến cơ xương khớp

Chuyển hóa xương và tổng hợp cơ có liên quan đến sự cân bằng sinh thái của vi khuẩn ruột. Nếu mất cân bằng sẽ gây ra bệnh loãng xương, viêm khớp mạn tính, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa và tổng hợp bắp thịt.

5. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến phổi

Viêm đường hô hấp mạn tính, viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ nang và các vấn đề về phổi khác sẽ liên quan đến sự mất cân bằng vi khuẩn ruột.

6. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến bệnh thận mạn tính

Tính thấm bất thường của ruột do viêm mạn tính sẽ tạo điều kiện cho các chất gây viêm ruột và độc tố trong ruột chảy vào cơ thể, làm tăng nguy cơ bị bệnh thận mạn tính.

Một phân tích gộp năm 2019 trên Tập san Khoa Học và Bệnh Tiêu Hóa cho thấy những bệnh nhân bị bệnh thận giai đoạn cuối đã cải thiện được tình trạng viêm, độc tố niệu và các triệu chứng tiêu hóa sau một đợt dùng men vi sinh.

7. Viêm ruột mạn tính ảnh hưởng đến lá lách

Lá lách có tác dụng miễn dịch nên chứng viêm ruột mạn tính sẽ ảnh hưởng xấu đến lá lách.


6 cách ngăn ngừa viêm ruột mạn tính


Tình trạng viêm mạn tính sẽ gây ra nhiều tổn thương, bao gồm mất trí nhớ, huyết áp cao, mỡ máu cao, lượng đường trong máu cao, béo phì, thiểu cơ, thoái hóa khớp, sức đề kháng thấp và suy nhược cơ thể.

1. Bổ sung chất xơ

Chất xơ rất cần thiết để nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong ruột và cân bằng hệ sinh thái của vi khuẩn ruột.

Nên bổ sung từ 20 đến 30g chất xơ mỗi ngày. Ngoài rau và trái cây, ít nhất một trong ba bữa ăn nên có ngũ cốc nguyên hạt làm nguồn cung cấp calories chính, chẳng hạn như bột kiều mạch và gạo lứt.

Ăn nhiều loại trái cây và rau quả cũng có thể giúp bổ sung các chất dinh dưỡng khác như cà chua chứa lycopene, ớt chứa capsaicin, cà tím chứa anthocyanin, bí ngô và spinach chứa lutein và cà rốt chứa beta carotene.

2. Tiêu thụ chất béo và dầu ăn phẩm chất cao

Một số loại dầu ăn có tác dụng chống viêm. Khi nấu ăn, bạn có thể chọn các loại dầu có chứa acid béo omega-9 như dầu ô liu hoặc dầu hoa trà.

Ngoài ra, bạn có thể ăn nhiều các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu và cá mòi. Những loại cá này rất giàu acid béo omega-3 và có tác dụng chống viêm tốt hơn.

3. Giảm tiếp xúc với hóa chất

Dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm và các chất phụ gia hóa học trong dầu gội, sản phẩm làm sạch da mặt, kem chống nắng và các sản phẩm chăm sóc da cũng có thể liên quan đến tình trạng viêm mạn tính.

4. Cải thiện phẩm chất giấc ngủ

Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc.

Theo một tổng quan y văn năm 2021, những người gặp vấn đề về giấc ngủ có nguy cơ cao hơn phát triển bệnh tự miễn và viêm mạn tính và mối quan hệ giữa phẩm chất giấc ngủ và sức miễn dịch dường như là hai chiều.

Vì vậy, cải thiện phẩm chất giấc ngủ có thể có tác động tích cực đến sức miễn dịch bằng cách giảm tỷ lệ bị các bệnh như bệnh viêm ruột.

5. Điều chỉnh tâm trạng

Căng thẳng tâm lý có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ruột do một số bệnh ruột gây ra.

Căng thẳng tâm lý có thể khởi động hoạt động viêm, thay đổi cảm xúc và nhận thức.

6. Duy trì mối quan hệ tích cực

Một nghiên cứu được công bố trên Tập san Brain, Behavior, and Immunity (Não, Hành Vi và Miễn Dịch) vào năm 2021 đã xác định sự cô lập xã hội và cô đơn là những yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mạn tính và là yếu tố góp phần đáng kể dẫn đến sức khỏe thể chất và tinh thần kém.

Duy trì các hoạt động xã hội trực tiếp giữa mọi người với nhau và thiết lập các mối quan hệ xã hội tốt đẹp không chỉ tốt cho tinh thần mà còn tốt cho cả sức khỏe thể chất.

Amber Yang, JoJo Novaes
Khánh Nam biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân