TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Mất thính lực do tuổi tác
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Mất thính lực do tuổi tác

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Wed Oct 12, 2022 8:50 am    Tiêu đề: Mất thính lực do tuổi tác

Mất thính lực do tuổi tác


Mất thính lực do tuổi tác tuổi tác là gì?

Mất thính lực do tuổi tác (lãng tai) là tình trạng mất thính lực xảy ra dần dần ở hầu hết mọi người khi tuổi ngày càng cao. Đây là một trong những tình trạng phổ thông nhất ảnh hưởng đến những người cao niên.

Khoảng 1/3 dân số Hoa Kỳ ở độ tuổi từ 65 đến 74 bị mất thính lực, và gần một nửa trong số những người trên 75 tuổi gặp khó khăn trong việc nghe. Điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc hiểu và làm theo lời khuyên của bác sĩ, phản ứng với các báo động, nghe điện thoại, chuông cửa, và báo động cháy. Mất thính lực cũng là trở ngại trong các trò chuyện vui vẻ cùng gia đình và bạn bè, dẫn đến cảm giác bị cô lập.

Mất thính lực do tuổi tác hầu như thường ảnh hưởng đến cả hai tai với mức độ như nhau. Bởi vì mất thính lực do tuổi tác diễn ra từ từ, nên bạn có thể không nhận ra chính mình đang mất một phần khả năng nghe.

Có nhiều nguyên nhân gây mất thính lực do tuổi tác. Thông thường, tình trạng này là do sự thay đổi của vùng tai trong khi chúng ta già đi, nhưng cũng có thể là ở vùng tai giữa, hoặc những thay đổi phức tạp dọc theo các đường dẫn truyền thần kinh từ tai đến óc. Một số căn bệnh nhất định và thuốc cũng có thể đóng một vai trò trong đó.


(Hình: NIDCD)


Hoạt động nghe diễn ra như thế nào?

Hoạt động nghe xảy ra dựa trên một chuỗi các sự kiện chuyển các sóng âm trong không khí thành các tín hiệu điện. Sau đó dây thần kinh thính giác sẽ truyền những tín hiệu này đến óc thông qua các bước phức tạp.

    1. Sóng âm truyền từ tai ngoài, sau đó đi qua một ống hẹp gọi là ống tai để dẫn đến màng nhĩ.

    2. Màng nhĩ rung động do sóng âm truyền tới và truyền những rung động này đến ba xương nhỏ xíu trong tai giữa: xương búa, xương đe, và xương bàn đạp.

    3. Các xương tai giữa tiếp tục truyền những rung động âm thanh từ không khí đến chất lỏng ở ốc tai của tai trong (có hình dạng như con ốc và chứa đầy chất lỏng). Một vách ngăn đàn hồi chạy từ đầu đến cuối của ốc tai, chia ốc tai thành hai phần trên dưới. Vách ngăn này được gọi là màng đáy cứng vì vai trò cấu tạo nên phần đáy (nền ốc tai), nơi chứa các cấu tạo thính giác quan trọng.

    4. Sự dịch chuyển của chất lỏng bên trong ốc tai tạo ra một làn sóng truyền dọc theo màng đáy, kéo theo sự di chuyển [tương ứng] của các tế bào lông nằm trên đỉnh của đáy ốc tai.

    5. Khi các tế bào lông di chuyển lên và xuống, các sợi lông cực nhỏ (lông mao) ở trên đỉnh các tế bào lông sẽ va chạm với các cấu tạo bên trên và uốn cong. Kết quả, các đài giống lỗ chân lông ở các đầu của lông mao mở ra, các chất hóa học đi vào các tế bào và tạo ra một tín hiệu điện.

    6. Dây thần kinh thính giác truyền tín hiệu điện điện đến bộ óc để chuyển thành âm thanh mà chúng ta nhận ra và hiểu được.


Lông mao nằm trên các tế bào lông cảm giác trong ốc tai của tai trong. (Nguồn: Yoshiyuki Kawashim)


Tại sao chúng ta mất đi thính lực khi về già?

Nhiều yếu tố có thể góp phần gây mất thính lực khi chúng ta già đi. Khó có thể phân biệt mất thính lực do tuổi tác với các tình trạng mất thính lực do nguyên nhân khác, như tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài.

Mất thính lực do tiếng ồn xảy ra do tiếp xúc trong thời gian lâu với âm thanh cường độ lớn kéo dài. Tiếp xúc với loại tiếng ồn kiểu này có thể gây tổn thương các tế bào lông chịu trách nhiệm cho cảm giác nghe. Khi bị tổn thương, các tế bào lông sẽ không mọc lại, dẫn đến giảm khả năng nghe.

Các bệnh thông dụng ở người già, như cao huyết áp hoặc tiểu đường, có thể góp phần gây mất thính lực. Các thuốc độc hại đối với các tế bào cảm giác của tai (ví dụ, một số loại thuốc hóa trị) cũng có thể gây mất thính lực.

Các bất thường của tai ngoài hoặc tai giữa hiếm khi gây ra mất thính lực do tuổi tác. Những bất thường như vậy có thể bao gồm giảm tác dụng của màng nhĩ hoặc ba xương nhỏ xíu ở tai giữa vốn có nhiệm vụ truyền các rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong.

Hầu hết người già bị mất thính lực đều có sự kết hợp giữa yếu tố tuổi tác và tiếng ồn.



Có thể ngăn ngừa mất thính lực do tuổi tác không?

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách phòng ngừa mất thính lực do tuổi tác. Tuy nhiên, bạn có thể phòng ngừa mất thính lực do tiếng ồn bằng cách bảo vệ tai khỏi những âm thanh quá lớn và kéo dài quá lâu. Điều quan trọng là nhận ra những nguồn tiếng ồn có hại, như tiếng nhạc quá lớn, súng cầm tay, xe trượt tuyết, máy cắt cỏ, và máy thổi lá. Tránh, giảm thời gian tiếp xúc với những tiếng ồn lớn, và bảo vệ tai bằng nút bịt tai hoặc chụp tai là những cách dễ dàng để bảo vệ thính giác và hạn chế khả năng mất thính lực khi bạn già đi.



Làm cách nào để biết mình có vấn đề về thính giác hay không?

Nếu bạn trả lời “có” với ba câu trở lên ở dưới đây, bạn có thể đang có vấn đề về thính giác và cần đi khám thính lực.

    1. Bạn có đôi khi thấy xấu hổ khi gặp những người mới bởi vì khó khăn trong việc nghe?

    2. Bạn có thấy bực bội khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình do khó nghe?

    3. Bạn có thấy khó khăn khi nghe hoặc hiểu lời của đồng nghiệp, khách hàng hoặc đối tác?

    4. Vấn đề thính giác có khiến bạn bị hạn chế [trong các hoạt động]?

    5. Bạn có thấy khó nghe khi đến thăm bạn bè, họ hàng, hoặc hàng xóm?

    6. Bạn có gặp khó khăn để nghe được âm thanh khi ở trong rạp chiếu phim hoặc rạp hát?

    7. Vấn đề về thính giác có khiến bạn tranh luận với các thành viên trong gia đình không?

    8. Bạn có gặp khó khăn khi nghe tiếng TV hoặc radio ở mức âm lượng người khác vẫn nghe được?

    9. Bạn có cảm thấy bất kỳ khó khăn nào về thính giác sẽ hạn chế cuộc sống cá nhân hoặc xã hội của bạn không?

    10. Bạn có gặp khó khăn trong việc nghe người thân trong gia đình hoặc bạn bè khi đang ngồi cùng nhau trong nhà hàng?

Phỏng theo: Newman, CW, Weinstein, BE, Jacobson, GP, & Hug, GA (1990). Bảng kiểm tình trạng khó khăn khi nghe dành cho người lớn [HHIA]: Tương quan về mức độ hài lòng tâm lý và đo thính lực (The Hearing Handicap Inventory for Adults [HHIA]: Psychometric adequacy and audiometric correlates. Ear Hear). Thính lực của tai, 11, 430-433.



Bạn nên làm gì nếu bị khó nghe?

Các vấn đề thính giác có thể khá nguy hiểm. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm nếu nghĩ mình có vấn đề thính giác là tìm kiếm lời khuyên từ một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dưới đây là một số chuyên viên có thể giúp bạn. Bạn có thể muốn gặp bác sĩ chăm sóc chính, bác sĩ tai mũi họng, chuyên viên thính học, hoặc chuyên viên trợ thính. Mỗi chuyên viên đều được đào tạo về một chuyên môn khác nhau và có thể là một phần quan trọng cho việc chăm sóc sức khỏe thính giác của bạn.

    • Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (otolaryngologist) là bác sĩ chuyên về chẩn đoán và điều trị các bệnh về tai, mũi, họng, và cổ. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, đôi khi được gọi là ENT, sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ra vấn đề thính giác và cung cấp các lựa chọn điều trị. Anh/cô ấy cũng có thể giới thiệu bạn với bác sĩ thính học, một chuyên viên về thính giác khác.

    • Chuyên viên thính học (aw-dee-AH-luh-jist) có chuyên môn sâu về xác định và đo lường các loại và mức độ mất thính lực. Một số nhà thính học có giấy cấp phép lắp máy trợ thính.

    • Chuyên viên trợ thính là người được tiểu bang cấp phép để tiến hành và đánh giá các kiểm soát thính lực căn bản, đưa ra lời khuyên, cách lắp và kiểm soát máy trợ thính.


(Nguồn: NIH/NIDCD)


Các phương pháp điều trị và thiết bị có thể giúp ích

Mức độ trầm trọng của tình trạng mất thính lực sẽ quyết định phương pháp điều trị, vì vậy một số phương pháp điều trị sẽ có hiệu quả hơn những phương pháp khác. Một số thiết bị và máy trợ thính có thể giúp bạn nghe tốt hơn khi mất thính lực. Dưới đây là những lựa chọn thông dụng nhất:

Máy trợ thính là dụng cụ điện tử đeo ở trong hoặc sau tai (như hình phía trên) để khuyếch đại âm thanh. Để tìm máy trợ thính phù hợp, bạn có thể phải thử nhiều loại. Hãy nhớ yêu cầu dùng thử và hiểu các điều khoản, điều kiện của thời gian dùng thử. Bạn cũng cần làm việc với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho đến khi thấy thoải mái với việc lắp và tháo máy trợ thính, điều chỉnh mức âm lượng, và thay pin. Máy trợ thính thường không được các công ty bảo hiểm sức khỏe chi trả, ngoại trừ một số công ty. Các chính sách chăm sóc sức khỏe không bao gồm [việc chi trả] cho máy trợ thính ở người trưởng thành. Tuy nhiên, các đánh giá chẩn đoán sẽ được chi trả khi một bác sĩ chỉ định với mục đích trợ giúp việc phát triển kế hoạch điều trị. (Đọc tờ tin tức của NIDCD về máy trợ thính để biết thêm tin tức.)

    • Cấy ghép ốc tai điện tử. Cấy ghép ốc tai điện tử là các thiết bị điện tử nhỏ được giải phẫu cấy ghép vào tai trong để cung cấp cảm giác về âm thanh cho người bị điếc nặng hoặc nặng tai. Nếu bạn bị mất thính lực trầm trọng, bác sĩ có thể đề nghị cấy ghép ốc tai điện tử vào một hoặc hai tai. (Đọc tờ tin tức của NIDCD về cấy ghép ốc tai điện tử để biết thêm tin tức.)

    • Cấy trợ thính móc neo đường xương bỏ qua [việc cấy ghép] ở ống tai và tai giữa, được thiết kế nhằm dùng khả năng thiên nhiên của cơ thể để chuyển tin tức thông qua sự dẫn truyền của xương. Bộ xử lý âm thanh thu nhận âm thanh, chuyển thành các rung động, và truyền qua xương sọ đến tai trong.

    • Thiết bị trợ giúp nghe bao gồm các thiết bị khuếch đại âm thanh điện thoại và điện thoại di động, “ứng dụng” điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, và hệ thống mạch kín (hệ thống vòng lặp cảm ứng âm thanh) ở nhà thờ, rạp hát, và khán phòng. (Đọc tờ tin tức NIDCD về thiết bị trợ giúp cho người bị các rối loạn thính giác, giọng nói, cách nói, hoặc ngôn ngữ để biết thêm tin tức.)

    • Đọc môi hoặc đọc lời nói là lựa chọn khác giúp những người bị các vấn đề thính giác theo dõi các bài nói đàm thoại, bằng cách nhìn vào môi và các động tác cơ thể của người nói. Các huấn luyện đặc biệt có thể giúp bạn học được cách đọc môi ngữ và cách nói.



Bạn bè và gia đình có thể trợ giúp những người mất thính lực không?

Bạn và gia đình có thể chia sẻ cùng nhau để cuộc sống dễ dàng hơn khi bị suy giảm thính lực. Dưới đây là một số điều bạn có thể thực hiện:

    • Nói với gia đình và bạn bè về tình trạng mất thính lực của bạn. Càng nhiều bạn bè và người thân trong gia đình biết, thì sẽ có càng nhiều người hơn giúp bạn đối phó với tình trạng này.

    • Đề nghị bạn bè và người thân đối mặt với bạn khi nói chuyện để bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt của họ. Nếu bạn nhìn thấy những cử động và biểu cảm trên khuôn mặt của họ, bạn sẽ dễ hiểu [lời nói] của họ hơn.

    • Đề nghị mọi người nói to hơn, nhưng không cần quá to. Bạn có thể bảo họ không cần phải nói chậm lại, chỉ cần nói rõ hơn.

    • Tắt TV hoặc đài radio khi bạn không chủ động nghe.

    • Chú ý đến tiếng ồn xung quanh có thể khiến việc nghe thêm khó khăn. Ví dụ, khi bạn đến nhà hàng, đừng ngồi gần phòng bếp hoặc gần một ban nhạc đang biểu diễn. Tiếng ồn xung quanh sẽ khiến bạn khó nghe thấy mọi người nói chuyện.

    • Một số người có thể gặp khó khăn lúc đầu khi phối hợp với những người khác để nghe tốt hơn. Sẽ mất một thời gian để bạn quen với việc nhìn vào mọi người khi họ nói chuyện hoặc để mọi người quen với việc nói to và rõ hơn. Hãy kiên nhẫn và tiếp tục phối hợp cùng nhau. Thật đáng để nỗ lực nếu bạn có thể nghe tốt hơn.



Nghiên cứu hiện tại về mất thính lực

NIDCD đang tài trợ cho nghiên cứu về nguyên nhân gây mất thính lực do tuổi tác, bao gồm các yếu tố di truyền. Một số nhà khoa học được NIDCD tài trợ đang khám phá khả năng tái tạo các tế bào lông ở tai trong bằng cách dùng thuốc hoặc các liệu pháp về gene. Ngoài ra, NIDCD còn tài trợ nghiên cứu những loại thuốc có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa mất thính lực do tiếng ồn hoặc tuổi tác. Các nhà khoa học được NIDCD tài trợ cũng phát triển và cải tiến các thiết bị có thể được dùng để giúp người bị mất thính lực do tuổi tác.



Tìm hiểu thêm tin tức về mất thính lực do tuổi tác

NIDCD có một danh mục các tổ chức cung cấp tin tức về các quá trình bình thường và rối loạn thính giác, thăng bằng, vị giác, khứu giác, giọng nói, cách nói, và ngôn ngữ.

Dưới đây là xác từ khóa giúp tìm kiếm các tổ chức có thể giải đáp các thắc mắc và cung cấp tin tức về mất thính lực do tuổi tác:

• Chứng điếc ở người lớn

• Trợ thính

• Khó nghe

• Ù tai

National Institutes of Health
Vân Hi biên dịch


Viện Y tế Quốc gia (NIH) là cơ quan nghiên cứu y sinh lớn nhất trên thế giới, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân