TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 02/04/2022
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 02/04/2022

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9655

Bài gửiGửi: Sun Apr 03, 2022 1:11 pm    Tiêu đề: Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 02/04/2022

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 02/04/2022


Dưới đây là bản tin cập nhật diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày 02/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.



Điện Kremlin: Anh sẽ không thể mua được hơi đốt của Nga do các lệnh trừng phạt

Điện Kremlin cho biết, các lệnh trừng phạt của London đối với ngân hàng Gazprombank của Moscow, nơi các khoản thanh toán sẽ được thực hiện theo kế hoạch mua hơi đốt bằng đồng Ruble của Vladimir Putin, sẽ có nghĩa là Anh sẽ không thể mua được hơi đốt của Nga.

Hôm 01/04, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước Nga TASS rằng, các lệnh trừng phạt của Anh đối với ngân hàng Gazprombank đồng nghĩa với việc Anh phải đối mặt với viễn cảnh bị cắt nguồn cung cấp hơi đốt của Nga.

Ông Peskov cho biết, “London muốn trở thành người lãnh đạo mọi thứ chống Nga. Họ thậm chí còn muốn đi trước Hoa Kỳ! Đó là cái giá phải trả! ”, theo một bản dịch RT về những nhận xét của ông.

Là một phần của làn sóng trừng phạt gần đây chống lại Nga, Anh quốc đã bổ sung Gazprombank vào danh sách trừng phạt của mình (pdf) vào hồi cuối tháng 03/2022. Ngoại trưởng Anh Liz Truss vào thời điểm đó nói rằng, sẽ “không từ bỏ” các biện pháp trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

Bà Truss nói hôm 24/03, “Ông Putin không nên ảo tưởng – chúng tôi đoàn kết với các đồng minh của mình và sẽ tiếp tục thắt chặt các hạn chế với nền kinh tế Nga để giúp bảo đảm ông ấy thất bại ở Ukraine”.

Ngân hàng Gazprombank là một địa điểm quan trọng để thanh toán cho năng lượng của Nga, càng trở nên quan trọng hơn bởi kế hoạch mua hơi đốt bằng đồng ruble của ông Putin.

Theo một sắc lệnh do ông Putin ký hôm 30/03, người mua hơi đốt của Nga ở Châu Âu phải mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và thanh toán bằng đồng euro hoặc USD, sau đó ngân hàng này sẽ chuyển đổi thành đồng ruble và thực hiện thanh toán các giao dịch này theo lệnh của ông Putin.

Ông Putin đã quy định thời hạn hôm 01/04 để bắt đầu thỏa thuận mua hơi đốt bằng đồng ruble, mặc dù ông Peskov cho biết hôm 31/03 rằng thời hạn thực hiện việc thanh toán cho việc giao hơi đốt theo thỏa thuận này là giữa tháng Tư hoặc đầu tháng Năm.

Phát biểu của ông Peskov làm giảm bớt lo ngại rằng Nga có thể ngay lập tức cắt nguồn cung cấp năng lượng cho bất kỳ bên mua nào không trả bằng đồng ruble.

Nhiều người mua năng lượng của Nga ở Châu Âu cho đến nay vẫn từ chối thanh toán bằng đồng tiền của Nga, nói rằng yêu cầu về mua hơi đốt bằng đồng ruble của ông Putin vi phạm các hợp đồng hiện có.

Các chính phủ ở Châu Âu phụ thuộc vào hơn 1/3 lượng hơi đốt của Nga, đang thảo luận với các công ty năng lượng của mình về cách giải quyết các giao dịch và đang tìm cách đưa ra một cách tiếp cận chung.

Theo số liệu của chính phủ Anh, nhập cảng hơi đốt từ Nga của Anh chỉ chiếm chưa đến 4% và dầu của Nga chiếm 8% trong tổng nguồn cung của Anh.

Các nhà chức trách Anh quốc cho biết, họ có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập cảng dầu của Nga vào cuối năm nay và đang nỗ lực để chấm dứt sự phụ thuộc hoàn toàn của Anh quốc vào năng lượng của Nga “để đáp trả sự xâm lược của Nga ở Ukraine”.



Lithuania ngừng nhập cảng hơi đốt của Nga

Toàn bộ khí thiên nhiên phục vụ tiêu thụ nội địa của Lithuania sẽ được nhập cảng thông qua cơ sở khí thiên nhiên hóa lỏng tại cảng Klaipeda, Bộ Năng lượng Lithuania cho biết hôm 2/4, theo Reuters.

“Kể từ nay về sau, Lithuania sẽ không dùng hơi đốt của Nga nữa. Chúng ta đang cắt đứt phụ thuộc về năng lượng với Nga. Nếu chúng ta làm được, toàn bộ châu Âu có thể làm được”, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda viết trên Twitter hôm 2/4.

Bộ Năng lượng Lithuania cũng nhấn mạnh quyết định chấm dứt nhập cảng hơi đốt từ Nga biểu lộ sự phản đối trước yêu cầu của Moscow buộc các nước phương Tây trả tiền mua hơi đốt bằng đồng ruble, trái với các hợp đồng đã ký trước đó.

Cơ sở nhập cảng khí thiên nhiên hóa lỏng Klaipeda khánh thành từ 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Mục đích của cơ sở này là nhằm giảm dần, tiến tới chấm dứt sự thống trị của hơi đốt Nga, điều mà cựu Tổng thống Dalia Grybauskaite miêu tả là “mối đe dọa” với Lithuania.

Lithuania đã ngừng mọi hoạt động nhập cảng hơi đốt của Nga, trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu làm như vậy.

Sự thay đổi này là một phản ứng đối với “sự tống tiền năng lượng của Nga ở châu Âu và cuộc chiến ở Ukraine”, Bộ năng lượng cho biết. Gần đây, Nga đã yêu cầu nhận thanh toán cho lượng hơi đốt được vận chuyển đến châu Âu bằng đồng ruble, đơn vị tiền tệ chính thức của Nga.

Bộ này tuyên bố rằng nhu cầu hiện nay là “vô nghĩa, vì Lithuania không còn đặt hàng hơi đốt của Nga và không còn kế hoạch trả tiền cho nó nữa”.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda khuyến khích các quốc gia Châu Âu khác cũng nên làm như vậy.

Tuy nhiên, Lithuania vẫn chưa chấm dứt quá trình vận chuyển hơi đốt của Nga tới vùng ngoại ô Kaliningrad. Trên trang web về hơi đốt của Lithuania cho thấy vào tối thứ Bảy (02/04), lượng hơi đốt xuất cảng sang Kaliningrad gần bằng lượng nhập cảng từ đồng minh của Nga là Belarus.

Vladimir Putin ngày 31/3 thông báo, ông đã ký sắc lệnh yêu cầu người mua hơi đốt nước ngoài “không thân thiện” của Nga phải thanh toán bằng đồng ruble bắt đầu từ ngày 1/4, và đe dọa sẽ tạm dừng hợp đồng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện theo đúng yêu cầu.

Một số quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào hơi đốt và dầu mỏ của Nga. Việc ngừng xuất cảng hơi đốt của Nga sang các nước này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Nhóm G7 - Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh quốc, Canada, Ý và Nhật Bản - cho đến nay đã từ chối đáp ứng yêu cầu của Nga về việc thanh toán hơi đốt bằng đồng ruble. Đức và Áo đã bắt đầu chuẩn bị để đối phó với một cuộc khủng hoảng hơi đốt có thể xảy ra, khởi động các kế hoạch khẩn cấp để đối phó với bất kỳ sự gián đoạn nào.

Cùng ngày, công ty tích trữ khí thiên nhiên của Latvia là Conexus Baltic Grid cho biết các nước Baltic sẽ chấm dứt nhập cảng khí thiên nhiên của Nga, theo AFP.

“Những sự kiện gần đây cho thấy không thể tin tưởng vào những cam kết của Nga. Kể từ 1/4, hơi đốt Nga sẽ không còn chảy đến Latvia, Estonia và Lithuania”, ông Uldis Bariss, CEO của Conexus Baltic Grid, cho biết.

Lithuania, Latvia và Estonia đều là thành viên của EU và NATO. Ba nước này có chung đường biên giới trên bộ với Nga.

Thủ tướng Ba Lan: Các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả, cần phải “mạnh tay hơn”

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng, các lệnh trừng phạt Nga chưa đạt hiệu quả như mong muốn và Châu Âu cần phải “mạnh tay hơn”.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm thứ Bảy (02/04) đã gặp Chủ tịch Nghị viện EU Roberta Metsola tại một trung tâm tiếp nhận gần Warsaw dành cho những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

Theo hãng thông tấn TASS (Nga), trong phát ngôn ngày 2/4, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki: “Tới hiện tại, các lệnh trừng phạt chúng ta áp đặt với Nga chưa có hiệu quả. Thực tế này biểu lộ qua tỷ giá hối đoái của đồng ruble đã quay về ngang thời điểm Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Điều này có nghĩa là tất cả các biện pháp kinh tế - kinh tế vi mô, kinh tế quy mô, tài chính, ngân sách và tiền tệ - đã không hiệu quả như một số chính trị gia mong muốn”, ông Morawiecki nói.

Ông Morawiecki sau đó kêu gọi áp đặt “các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa” đối với Nga, đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu thúc đẩy việc “cắt đứt triệt để nhiên liệu hóa thạch của Nga” và tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt Nga.

Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh, điều ông muốn nói không chỉ là đóng băng, mà là phải tịch thu “hàng trăm tỷ USD trong các ngân hàng châu Âu, ngân hàng trung ương của giới tài phiệt”.

Châu Âu đã cam kết loại bỏ dần nhập cảng năng lượng của Nga trong vòng 5 năm, tuy nhiên một số nước thành viên Châu Âu không muốn tiến nhanh hơn do phụ thuộc vào dầu, hơi đốt và nhập cảng than của Nga.

Ba Lan, quốc gia coi các hành động của Nga ở nước láng giềng Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của nước này, đang thúc giục trước kế hoạch cấm vận hoàn toàn đối với than, hơi đốt và dầu nhập cảng của Nga vào cuối năm 2022.

Trong phát biểu của mình hôm thứ Bảy, ông Morawiecki cũng đưa ra quan điểm chỉ trích về việc các viên chức ở một số nước EU đã nói về việc bình thường hóa quan hệ với Nga như trước khi xâm lược.

Ông nói “sẽ không có chuyện bình thường hóa” chừng nào chủ quyền của Ukraine còn bị đe dọa, trong khi trong một dòng tweet hôm thứ Sáu, ông chỉ trích một số nhà lãnh đạo EU là quá “mềm mỏng”.

“Một số nhà lãnh đạo EU đang coi nhẹ các lệnh trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt nhằm mang lại hòa bình cho Ukraine chứ không phải để xoa dịu lương tâm cắn rứt của Châu Âu. Các biện pháp trừng phạt sẽ ngăn cản ông Putin”, ông Morawiecki cho hay.

Ba Lan là đồng minh trung thành của Ukraine trong cuộc xung đột, đã tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác và tuyên bố sẵn sàng cung cấp các bảo đảm an ninh theo thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine.


Hệ thống BAE hướng dẫn hỏa tiễn bằng tia laser WS có thể là một dụng cụ quân sự hiện đại trong gói viện trợ này


Mỹ tuyên bố viện trợ thêm 300 triệu USD cho Ukraine

Ngũ Giác Đài ngày 1/4 thông báo sẽ viện trợ thêm 300 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine về khí tài quân sự trong bối cảnh Nga xâm lược. Gói viện trợ 300 triệu USD sẽ bao gồm nhiều loại dụng cụ quân sự hiện đại như phi cơ không người lái (drone), hệ thống chống drone, xe bọc thép, dụng cụ nhìn ban đêm, hình ảnh vệ tinh, đạn dược cùng nhiều vật tư y tế.

Các quỹ sẽ được cung cấp theo thẩm quyền cho Ngũ Giác Đài bởi Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), được thành lập vào năm 2015 để phản ứng với việc Nga sáp nhập Crimea.

Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài John Kirby tuyên bố: “Quyết định này nhấn mạnh cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nhằm ủng hộ những nỗ lực anh hùng trong việc đẩy lùi cuộc chiến do Nga khởi phát”.

Hôm 12/3, Biden đã chỉ thị khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 13,6 tỷ USD cho Ukraine.

Trong biên bản ghi nhớ, đề ngày 12/3 gửi tới Ngoại trưởng Antony Blinken, Biden chỉ thị rằng, 200 triệu USD được phân bổ thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài sẽ được chỉ định cho quốc phòng Ukraine.

Vào ngày 16/3, Joe Biden tiếp tục công bố khoản viện trợ 800 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ quân sự Mỹ gửi cho Ukraine lên 1 tỷ USD.

Theo ông Biden, khoản viện trợ nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra tại Ukraine, bao gồm 800 hệ thống phòng không, 9.000 hệ thống chống thiết giáp, 7.000 vũ khí nhỏ và 20 triệu viên đạn dùng để trang bị cho người Ukraine, “bao gồm cả những người phụ nữ và đàn ông dũng cảm đang bảo vệ thành phố của họ với tư cách là dân thường”.

Gói viện trợ sẽ được dùng để mua vũ khí và các vật dụng quốc phòng khác, cũng như các hoạt động liên quan đến huấn luyện quân sự.

Trước đó, Joe Biden cũng đã công bố gói viện trợ an ninh 1 tỷ USD cho Ukraine.

Ở các gói viện trợ trước đây được ông Biden công bố, vũ khí sẽ được lấy từ kho dự trữ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao cho Ukraine, theo New York Times.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, có khả năng trong gói mới nhất bao gồm hệ thống hỏa tiễn dẫn đường bằng laser, hệ thống liên lạc an toàn chiến thuật, phi cơ không người lái, xe bọc thép, súng máy, đạn dược, vật tư y tế và các dụng cụ khác.

Hôm 30/3 Joe Biden và Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc “bổ sung khả năng” giúp đỡ quân đội Ukraine.

Gói viện trợ mới phần nào đáp ứng được lời kêu gọi của Ukraine về việc cung cấp thêm nhiều vũ khí “tân tiến hơn”, chẳng hạn như xe bọc thép, theo CNN.

Dù vậy, Washington vẫn chưa chấp nhận các yêu cầu viện trợ phi cơ và xe tăng từ Tổng thống Zelensky.

Ngoài viện trợ quân sự, Hoa Kỳ còn viện trợ nhân đạo cho Ukraine và ban hành các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga và các viên chức Nga cũng như các cá nhân khác có liên hệ với Điện Kremlin.

Nga thu giữ toàn bộ phi cơ từ chủ nước ngoài

Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc các công ty hàng không nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng, trong đó tất cả các phi cơ từ chủ nước ngoài sẽ bị Nga thu giữ.

Ông Borisov nói trên truyền hình Nga: “Toàn bộ phi cơ nước ngoài sẽ bị Nga thu giữ. Một số đã bị thu giữ (ở nước ngoài) trước các lệnh trừng phạt, (nhưng) phần lớn các phi cơ của Boeing và Airbus sẽ bị Nga tịch thu”.

Nhằm bảo đảm hoạt động hàng không dân dụng tránh bị gián đoạn, Moscow sau đó đã thông qua luật cho phép các hãng hàng không của nước này đăng kiểm cho các phi cơ thuê từ các công ty nước ngoài tại Nga, trong đó có chiếc phi cơ trị giá gần 10 tỷ USD được đăng bộ riêng, trái với các quy tắc quốc tế.

Gần như toàn bộ phi cơ Boeing và Airbus được các hãng hàng không Nga sử dụng đều ghi danh ở Bermuda và Ireland, nhưng giới chức hàng không hai khu vực đã đình chỉ chứng nhận với toàn bộ phi cơ do Nga vận hành từ tuần trước.

Bộ trưởng Giao thông Nga cho biết nước này mất hàng chục phi cơ do cấm vận, trong khi gần 800 chiếc được đưa vào danh sách đăng bộ trong nước.

“Chúng ta đã đưa gần 800 phi cơ vào danh sách ghi danh hoạt động tại Nga, chúng được bảo hiểm bởi công ty trong nước. Cùng lúc đó, 78 phi cơ đã bị thu giữ ở nước ngoài và sẽ không được trả lại”, Bộ trưởng Giao thông Vitaly Savelyev nói trong cuộc họp Ủy ban Chính sách Kinh tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga hôm 22/3.

Bộ trưởng Savelyev cho biết, có 1.367 phi cơ hoạt động ở nước này trước khi phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận nhằm vào Nga do chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Dữ liệu của công ty phân tích Cirium tại Anh cho thấy, 85% số phi cơ do nước ngoài sản xuất ở Nga đang thuộc sở hữu của các công ty cho thuê phi cơ. Giá trị của số phi cơ này ước tính khoảng 12,4 tỷ USD. Các biện pháp trừng phạt, cấm phi cơ Nga tới nhiều quốc gia đã hạn chế ngành hàng không nước này, hiện chủ yếu chỉ còn hoạt động với các đường bay nội địa.

Các hãng hàng không Nga khá do dự trước luật này, vì lo ngại tác động tiêu cực đến mối quan hệ với các đối tác nước ngoài. Nhưng ông Borisov cho biết, tất cả các phi cơ nước ngoài thuê đã được đăng bộ tại Nga.


Hỏa tiễn phòng không Starstreak do Anh sản xuất đã bắn hạ một phi cơ trực thăng của Nga được sử dụng lần đầu ở Ukraine


Anh quốc gửi đại bác tầm xa và xe bọc thép tới Ukraine

Hôm 31/3, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace nói rằng Anh và một số quốc gia đang gửi thêm vũ khí gồm hàng ngàn hỏa tiễn chống tăng, đại bác tầm xa và xe bọc thép sang quốc gia Đông Âu này nhằm cản bước tiến của quân đội Nga

Sau cuộc gọi hội nghị với các bộ trưởng quốc phòng từ hơn 35 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, New Zealand, Đại Hàn và Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, “sẽ còn có nhiều viện trợ mang tính sát thương hơn nữa nhắm vào Ukraine”. Ông Wallace cho biết, kho vũ khí mới của Anh sẽ bao gồm đại bác tầm xa, đạn dược, và hỏa tiễn chống tăng.

Ukraine cần đại bác tầm xa hơn, trước những đòn pháo kích không ngừng của Nga nhắm vào các thành phố trong đó có Mariupol ở miền Nam Ukraine, Sky News dẫn lời ông Ben Wallace trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/3, sau khi ông chủ trì hội nghị tài trợ phòng thủ Ukraine.

“Cách đối phó tốt nhất với những đòn đánh này là dùng các loại đại bác tầm xa”, ông Wallace nói.

Ukraine cũng đang “tìm kiếm một số loại xe bọc thép, không nhất thiết là xe tăng, nhưng chắc chắn phải là xe có khả năng bảo vệ, cùng nhiều hệ thống phòng không khác”, ông Wallace nói.

Ông cũng nói rằng, Ukraine cần các dụng cụ để bảo vệ đường bờ biển của mình trước các đợt tấn công của Nga từ phía biển, đồng thời cho biết thêm rằng Anh sẽ cân nhắc các biện pháp hỗ trợ khác.

Ông Wallace cho biết thêm, sức mạnh của Nga đã giảm sút nhiều do hậu quả của cuộc xâm lược Ukraine và Vladimir Putin “giờ đây đang ở trong cái lồng do chính ông tạo nên. Quân đội của ông ấy đã kiệt quệ, ông ấy đã bị tổn thất đáng kể. Danh tiếng của đội quân vĩ đại của Nga giờ đây biến thành thùng rác”, ông cho biết. “Ông ấy không chỉ phải chịu trách nhiệm với hậu quả của những gì ông ấy đang gây ra cho Ukraine, mà còn phải chịu trách nhiệm với quân đội của chính mình”.

Anh đã quyên góp hơn 4.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine, với giá khoảng 26.300 USD một quả hỏa tiễn như vậy.

Đầu tuần nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với nội các của mình rằng ông muốn gửi thêm vũ khí sát thương cho Kyiv. Ông đề cập đến đại bác, hỏa tiễn chống chiến hạm và các hệ thống phòng không tiên tiến hơn.

Hiện chưa rõ các hệ thống phòng không mà các ông Johnson và Wallace đề cập là loại hỏa tiễn vác vai như Stinger hay là các loại hỏa tiễn lớn hơn đặt trên xe quân sự.

Tuy nhiên việc gửi vũ khí sang Ukraine có thể là một vấn đề đối với phương Tây khi Nga tuyên bố các đoàn xe chở dụng cụ quân sự như thế là “mục tiêu hợp pháp” cho quân đội Nga một khi chúng đã vào lãnh thổ Ukraine.


Trẻ em đang ngủ khi một đoàn gồm 30 xe bus chở những người di tản từ Mariupol và Melitopol vào thứ Sáu 01/04


Hội Hồng Thập Tự lên kế hoạch cho nỗ lực di tản mới từ Mariupol của Ukraine

Một đoàn xe của Hội Hồng Thập Tự sẽ lại cố gắng di tản dân thường khỏi cảng bị bao vây Mariupol vào thứ Bảy (02/04) khi quân đội Nga dường như đang tập hợp lại cho các cuộc tấn công mới ở miền đông nam Ukraine.

Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cử một nhóm vào thứ Sáu (01/04) để dẫn một đoàn xe gồm khoảng 54 xe buýt và các xe cá nhân khác của Ukraine ra khỏi thành phố, nhưng họ đã quay về và nói rằng hoàn cảnh khiến việc di tản không thể tiến hành.

“Họ sẽ cố gắng một lần nữa vào thứ Bảy để tạo điều kiện thuận lợi cho một hành lang an toàn cho dân thường,” ICRC cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu. Một nỗ lực di tản trước đó của Hội Hồng Thập Tự vào đầu tháng Ba đã thất bại.

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông hy vọng cuộc di tản Mariupol sẽ thành công.

Nga và Ukraine đã đồng ý xây dựng các hành lang nhân đạo trong chiến tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di tản dân thường khỏi các thành phố, nhưng thường đổ lỗi cho nhau khi các hành lang này không thành công.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bảy hành lang như vậy đã được lên kế hoạch cho những người di tản bằng xe giao thông cá nhân và bằng xe buýt cho người dân Mariupol rời khỏi thành phố Berdyansk.

Trong một video vào sáng sớm, ông Zelensky cho biết quân đội Nga đã tiến về Donbas và thành phố Kharkiv bị bắn phá nặng nề ở phía đông bắc.

“Tôi hy vọng vẫn có thể có giải pháp cho tình hình ở Mariupol,” ông Zelensky nói.

Trước rạng sáng ngày thứ Bảy, khi tiếng còi báo động vang lên khắp Ukraine, quân đội Ukraine báo cáo rằng Nga đã không kích các thành phố Sievierodonetsk và Rubizhne ở Luhansk.

Ở khu vực phía đông đó và nước láng giềng Donetsk, phe ly khai thân Nga đã tuyên bố là các nước cộng hòa độc lập. Moscow đã công nhận họ ngay trước khi xâm lược Ukraine.

Quân đội Ukraine cũng cho biết các lực lượng phòng thủ đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công ở Luhansk và Donetsk vào thứ Sáu và các đơn vị Nga ở Luhansk đã mất 800 quân chỉ trong tuần qua. Reuters đã không thể xác minh những tuyên bố đó.

Các viên chức Nga cho biết tương lai của ISS không chắc chắn

Viên chức không gian hàng đầu của Nga cho biết tương lai của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là không chắc chắn sau khi Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và các cơ quan vũ trụ của Canada bỏ lỡ thời hạn để đáp ứng các yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các công ty và cương liệu của Nga.

Người đứng đầu cơ quan nhà nước Roscosmos của Nga nói với các phóng viên vào sáng thứ Bảy (02/04) rằng cơ quan này đang chuẩn bị một báo cáo về triển vọng hợp tác quốc tế tại trạm này, để trình lên các cơ quan liên bang “sau khi Roscosmos đã hoàn thành phân tích của mình.”

Trên kênh truyền hình nhà nước Nga, Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin đã ngụ ý rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây, một số trong đó có trước hành động quân sự của Nga ở Ukraine, có thể làm gián đoạn hoạt động của tàu vũ trụ Nga đang phục vụ ISS.

Ông nhấn mạnh rằng các đối tác phương Tây cần ISS và “không thể xoay sở nếu không có Nga, bởi vì không ai ngoài chúng tôi có thể cung cấp nhiên liệu cho trạm.”

Ông Rogozin nói thêm rằng “chỉ có các động cơ của tàu chở hàng của chúng tôi mới có thể điều chỉnh quỹ đạo của ISS, giữ cho nó an toàn khỏi các mảnh vỡ không gian.”

Cuối ngày thứ Bảy, ông Rogozin đã viết trên kênh Telegram của mình rằng ông đã nhận được phản hồi từ các đối tác phương Tây, họ cam kết sẽ thúc đẩy “hợp tác hơn nữa về ISS và các hoạt động của trạm.”

Ông nhắc lại quan điểm của mình rằng “việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trong ISS và các dự án (không gian) chung khác chỉ có thể thực hiện được khi dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện” các lệnh trừng phạt mà ông gọi là bất hợp pháp.

Đáp lại các lệnh trừng phạt của phương Tây trên Telegram vào tháng trước (02/2022), ông Rogozin báo động vào thời điểm đó rằng nếu không có sự trợ giúp của Nga, ISS có thể “rơi xuống biển hoặc trên đất liền” và tuyên bố rằng địa điểm rơi không có khả năng nằm ở Nga.

Không gian là một trong những lĩnh vực hợp tác cuối cùng còn sót lại giữa Moscow và các quốc gia phương Tây. Các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga về việc nối lại các chuyến bay chung tới ISS đang được tiến hành khi Nga khai triển chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng trước, dẫn đến các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với các tổ chức có liên hệ với chính phủ Nga.


Lính Ukraine ngồi trên một chiếc xe bọc thép bên ngoài Kyiv, Ukraine, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 4 năm 2022. (Hình AP / Vadim Ghirda)


Anh: Ukraine tiếp tục đẩy lui các lực lượng Nga gần Kyiv

Quân đội Ukraine đang tiếp tục đạt được những bước tiến trước đạo quân đang rút lui của Nga trong khu vực lân cận Kyiv, tình báo quân đội Anh tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04).

Quân đội Nga cũng được cho là đã rút khỏi phi trường Hostomel gần thủ đô, nơi đã chứng kiến giao tranh kể từ ngày đầu tiên của cuộc xung đột, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố trong một bản tin thường kỳ.

Bộ cho biết thêm: “Ở phía đông Ukraine, quân đội Ukraine đã giành được một tuyến đường quan trọng ở miền đông Kharkiv sau giao tranh dữ dội.”

Bộ trưởng cho biết kinh tế Ukraine có thể suy giảm 40% trong năm 2022

Trích dẫn các ước tính sơ bộ, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (02/04) rằng nền kinh tế Ukraine đã suy giảm 16% so với cùng thời kỳ năm ngoái và có thể giảm 40% trong năm 2022 do cuộc xâm lược của Nga.

Bộ cho hay: “Những ngành nghề không thể làm việc từ xa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.”


Một người lính Ukraine đi ngang qua xe tăng Nga bị phá hủy ở làng Dmytrivka gần Kyiv, Ukraine, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 4 năm 2022. Ít nhất mười xe tăng Nga đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh hai ngày trước ở Dmytrivka. (Hình AP / Efrem Lukatsky)


Cố vấn Tổng thống: Ukraine mong đợi tin tốt vào cuối tuần liên quan đến việc di tản Mariupol

Ukraine mong đợi ​​sẽ có tin tốt vào cuối tuần liên quan đến việc di tản người dân khỏi thành phố bị bao vây Mariupol ở phía đông nam, một cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Bảy (02/04).

“Phái đoàn của chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận tại Istanbul (trong cuộc đàm phán hòa bình Ukraine-Nga) để cung cấp các chuyến di tản,” ông Oleksiy Arestovych nói với truyền hình Ukraine.

“Tôi nghĩ rằng hôm nay hoặc có thể là ngày mai chúng ta sẽ nghe được tin tốt về việc di tản dân cư của Mariupol.”

Hôm thứ Sáu (01/04), Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã cử một nhóm đến để dẫn một đoàn xe gồm khoảng 54 xe buýt và các xe cá nhân khác của Ukraine ra khỏi thành phố, nhưng họ đã quay về và nói rằng hoàn cảnh đã khiến việc này không thể tiến hành. Họ sẽ thử lại vào thứ Bảy.

Bị bao vây kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược đã kéo dài năm tuần của Nga, Mariupol là mục tiêu chính của Moscow ở khu vực Donbas ở phía đông nam. Hàng chục ngàn người đã bị mắc kẹt trong thành phố này với lượng thực phẩm và nước uống ít ỏi.


Quân nhân Ukraine đi cạnh xe tăng và thiết giáp chở quân (APC) của Nga bị phá hủy ở Dmytrivka, Thứ Bảy, ngày 2 tháng 4 năm 2022.


Hoa Kỳ hủy bỏ thử ICBM do căng thẳng nguyên tử với Nga

Không quân nói với Reuters hôm thứ Sáu (01/04), Quân đội Hoa Kỳ đã hủy một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III mà ban đầu chỉ có mục đích trì hoãn để giảm căng thẳng nguyên tử với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ban đầu Ngũ Giác Đài thông báo hoãn vụ thử hỏa tiễn hôm 02/03 sau khi Nga cho biết họ đang đặt các lực lượng nguyên tử của mình trong tình trạng báo động cao. Vào thời điểm đó, Hoa Thịnh Đốn cho biết điều quan trọng là cả Hoa Kỳ và Nga “phải lưu ý đến rủi ro tính toán sai lầm và thực hiện các bước để giảm thiểu những rủi ro đó.”

Nhưng Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố ý định của mình chỉ để trì hoãn vụ thí nghiệm “một chút” chứ không phải là hủy bỏ nó.

Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Ann Stefanek cho biết quyết định hủy bỏ vụ thử hỏa tiễn LGM-30G Minuteman III là vì những lý do tương tự như lần đầu tiên nó bị trì hoãn. Cuộc thí nghiệm Minuteman III tiếp theo dự liệu ​​diễn ra vào cuối năm nay.

Việc thay đổi lịch trình thí nghiệm lực lượng ICBM của Hoa Kỳ có thể gây tranh luận. Thượng nghị sĩ Jim Inhofe (Cộng Hòa-Oklahoma), thành viên Đảng Cộng Hòa đứng đầu trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã bày tỏ sự thất vọng hồi tháng Ba trước sự chậm trễ của một cuộc thí nghiệm mà ông cho là rất quan trọng để bảo đảm rằng khả năng răn đe nguyên tử của Hoa Kỳ vẫn hiệu quả.

Ông Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu hỏa tiễn tại Trung tâm Nghiên cứu Không thông dụng vũ khí nguyên tử (CNS) James Martin, đã hạ thấp tác động của việc hủy bỏ này.

Ông Lewis cho biết: “Có một giá trị khi thực hiện các cuộc thí nghiệm nhưng tôi không nghĩ rằng việc bỏ lỡ một cuộc thí nghiệm là một vấn đề thực sự lớn trong kế hoạch toàn bộ.”

Hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn nguyên tử Minuteman III là một phần quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của quân đội Hoa Kỳ và có tầm bắn hơn 6,000 dặm (9,660 km/giờ) và có thể di chuyển với tốc độ khoảng 15,000 dặm một giờ (24,000 km/giờ).

Cho đến nay, Nga và Hoa Kỳ là các quốc gia có kho vũ khí mang đầu đạn nguyên tử lớn nhất sau khi Chiến Tranh Lạnh chia cắt thế giới trong phần lớn thế kỷ 20, khiến phương Tây đối đầu với Liên Xô và các đồng minh của nước này.



Liên minh Âu Châu dự định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mà không ảnh hưởng đến ngành năng lượng

Hôm thứ Bảy (02/04), Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni cho biết tại Cernobbio rằng Liên minh Âu Châu đang nghiên cứu thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng bất kỳ biện pháp bổ sung nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng.

Khối 27 quốc gia này sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm tăng trưởng do chiến tranh ở Ukraine nhưng sẽ không phải đối mặt với một cuộc suy thoái, ông cho biết khi nói thêm rằng dự báo tăng trưởng 4% là quá lạc quan và EU sẽ không đạt được.

Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án dầu khí với Nga

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết hôm thứ Năm (31/03), Nhật Bản sẽ không rút khỏi dự án hơi đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 ở Nga mặc dù các công ty khác đã rút lui khỏi Nga do nước này xâm lược Ukraine.

Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin: “Đây là một dự án hết sức quan trọng về mặt an ninh năng lượng vì dự án này đã góp phần vào việc cung cấp lâu dài, ổn định hơi đốt thiên nhiên hóa lỏng giá rẻ.”

Ông Kishida nói thêm rằng Nhật Bản sẽ tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga khi phối hợp với kế hoạch của Nhóm Bảy nước tiên tiến (G7).

Nga là nhà cung cấp LNG lớn thứ năm của Nhật Bản, chiếm khoảng 8% lượng tiêu thụ của cả nước. Dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga là một trong những nguồn cung cấp LNG chính của Nhật Bản, với công suất hàng năm là 9.6 triệu tấn.


Một thợ lặn của Hải quân Romania chuẩn bị vô hiệu hóa một quả thủy lôi trên Hắc Hải, ngày 28 tháng 3 năm 2022


Nga-Ukraine tố cáo lẫn nhau về các thủy lôi trôi dạt trên Hắc Hải

Hôm thứ Năm (31/03), Nga tố cáo Ukraine đặt hàng trăm thủy lôi gần bờ biển của nước này và cho biết một số quả đã trôi dạt vào vùng nước mở của Hắc Hải và gây nguy hiểm cho các tàu buôn, một ngày sau khi Kyiv nói rằng Moscow chịu trách nhiệm cho việc đặt mìn.

Hắc Hải là một tuyến đường vận chuyển chính đối với ngũ cốc, dầu mỏ, và các sản phẩm từ dầu mỏ. Bulgaria, Romania, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Ukraine và Nga, chia sẻ vùng biển này, vốn đã chứng kiến chiến tranh kể từ khi Vladimir Putin xâm lược nước láng giềng phía nam của ông vào ngày 24/02.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm thứ Tư (30/03) tuyên bố rằng Nga đang đặt mìn hải quân ở Hắc Hải với tư cách là “đạn dược trôi dạt không kiểm soát”, biến những quả đạn này “thành vũ khí tấn công bừa bãi trên thực tế.”

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm thứ Năm (31/03) rằng từ ngày 24/02 đến ngày 04/03, tàn tích của lực lượng rà phá bom mìn của hải quân Ukraine đã đặt khoảng 420 thủy lôi neo trên biển - gồm 370 quả ở Hắc Hải và 50 quả ở Biển Azov.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Do hậu quả của các cơn bão ở Hắc Hải và do tình trạng kỹ thuật không đạt yêu cầu, nên khoảng 10 thủy lôi của Ukraine đã bị đứt khỏi các dây cáp có neo dưới đáy biển.”

“Kể từ đó, dưới tác động của gió và dòng hải lưu, các thủy lôi của Ukraine đã trôi tự do từ phần phía tây của Hắc Hải theo hướng đông nam... Không ai có thể biết những thủy lôi còn lại của Ukraine hiện nay đang trôi dạt đến đâu.”

Đầu tháng này, cơ quan tình báo chính của Nga đã tố cáo Ukraine đặt các thủy lôi để bảo vệ các cảng và cho biết hàng trăm kíp nổ đã bị đứt khỏi dây cáp và trôi đi. Kyiv đã bác bỏ tố cáo đó và gọi đó là tin tức sai lệch.

Trong những ngày gần đây, các đội lặn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Romania đã tham gia rà phá bom mìn xung quanh các vùng biển của họ.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ vẫn chưa xác định được nguồn và số lượng mìn trôi dạt và đã liên hệ với các bên Ukraine và Nga về vấn đề này.

Các viên chức hàng hải cho biết năm tàu thương mại đã bị trúng đạn – với một trong số các tàu này đã bị chìm – ngoài khơi bờ biển Ukraine, và hai thuyền viên thiệt mạng.

Epoch Times Staff

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân