TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đường 66
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đường 66

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Jul 28, 2021 11:53 pm    Tiêu đề: Đường 66

Đường 66


Sau những ngày bi thương, tăm tối, nước Mỹ vượt qua đại dịch, với cột mốc Lễ Độc Lập là ngày người dân có thể tựu tập ăn mừng gần như bình thường. Nhờ đã được chích ngừa đầy đủ, gia đình tôi quyết định làm một chuyến du lịch đường bộ xem tình hình ra sao.

Trước Lễ Ðộc Lập hơn hai tháng chúng tôi đã bắt đầu lập kế hoạch đi từ Texas sang Cali cho mấy đứa nhỏ có dịp thăm ông bà. Có hai việc chúng tôi gặp khó khăn nhiều nhất là mướn xe và mướn phòng. Chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung cộng với cơn đại dịch đã dẫn đến tình trạng nhiều vật liệu phụ tùng xe hơi bị thiếu hụt trầm trọng, nhất là chip cho các bộ phận điện tử. Thành thử hầu hết các hãng xe buộc phải cắt giảm mức sản xuất khiến mấy công ty cho mướn xe không đủ xe để cung cấp; giá mướn có khi tăng gấp đôi, và xe minivan hay SUV cỡ lớn cực kỳ khó kiếm.

Trong khi đó thì khách sạn cũng hết phòng vì thiên hạ đổ xô nhau lên đường “cứu quốc”. Muốn chọn chỗ và đặt phòng trước trở nên khó khăn hơn xưa; giá cả cũng cao hơn. Tuy nhiên, nhờ chịu khó lùng sục cuối cùng chúng tôi cũng tìm được vài chỗ ở tạm được trên cả đường đi lẫn về. Hơn cả năm bị bó gối ngồi nhà, giờ được khuyến khích đi chơi nên thiên hạ mạnh ai nấy túa ra đường.


Một trong những cách lộ du khá thông dụng của người Mỹ là kéo theo căn nhà nho nhỏ để cắm trại. Hình: ianbui


Người Mỹ có một truyền thống lâu đời gọi là “road trip”, tức du hành trên xa lộ, nói tắt là lộ du. Dân Việt Nam trong nước khoảng chục năm trở lại cũng bắt đầu đi chơi kiểu này, gọi là đi “phượt”, thường bằng xe gắn máy. Ở Mỹ, lộ du xuất hiện ít nhất từ thập niên 1930, với sự ra đời của con đườnghuyết mạch Route 66 khởi đi từ Chicago, Illinois, dài cho tới Los Angeles ở bờ Tây.

Ðường 66 băng ngang 8 tiểu bang, cùng hàng trăm làng mạc và thành phố lớn nhỏ. Ðể phục vụ khách du hành, dọc theo con đường mệnh danh “Mother Road” này mọc lên vô số tiệm ăn, cây xăng, tửu điếm, lữ quán... Route 66 trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia yêu thích cảm giác độc lập, tự do trên con lộ dài gần 4,000 cây số. Nó từng được John Steinbeck dùng làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết “Grapes of Wrath” (1939) mà năm 1972 Võ Lang dịch sang tiếng Việt là “Chùm Nho Uất Hận”. Cuộc hành trình đầy khổ nhọc từ Oklahoma sang California của gia đình Tom Joad, trốn nạn đói và thất nghiệp thời Ðại Khủng Hoảng kinh tế, đã giúp Steinbeck đoạt giải Pulitzer và sau này giải Nobel văn chương.


Oro Grande, California Route 66 mural. Hình: roadtrippers.com


Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, phong trào lộ du nở rộ. Bản nhạc “ (Get Your Kicks On) Route 66” của Bobby Troup, được Nat King Cole ra dĩa năm 1946, leo lên đến #3 trong bảng xếp hạng Billboard. Lời nhạc đi theo bước chân hai vợ chồng Bobby Troup trong chuyến di cư từ Philadelphia sang California tìm giấc mơ Mỹ quốc:

... Now you go through Saint Louis

Joplin, Missouri

And Oklahoma City is mighty pretty.

You see Amarillo,

Gallup, New Mexico

Flagstaff, Arizona

Don’t forget Winona

Kingman, Barstow, San Bernardino...

Từ đó đến nay bài nhạc này đã được hàng trăm ca sĩ nổi danh hát lại đủ kiểu cách — từ jazz đến R&B, từ country đến rock’n’roll — nào là Bing Crosby, Andrews Sisters, Rolling Stones, Depeche Mode... Nhiều không thể nào kể xiết. Nhưng nhờ vậy mà giấc mơ California — “xứ sở của sữa và mật ong”, của nhạc sĩ Bobby Troup đã thành hiện thực, không đến nỗi tệ như của Tom Joad.


Pre-1937 Route 66 west of Los Lunas, New Mexico. Photo by Kathy Weiser-Alexander.


Có điều thời xưa xe hơi không đi lâu được vì dễ bị nóng máy. Do đó dọc theo xa lộ là vô số những lữ quán cho xe nghỉ ngơi, tiếng Mỹ gọi là “motor court”, nhiều chỗ còn có cả garage riêng cho xe đậu vào trong. Motor courts rất thịnh hành vào thập niên 1950 sau chiến tranh. Nhưng khi máy móc xe hơi ngày càng tiến bộ và hệ thống xa-lộ liên-bang Interstate ra đời thì Ðường 66 và các căn motel hai bên đường dần mất khách và nhiều chỗ mất tích luôn trên bản đồ.

Interstate-40 là tuyến xa lộ cao tốc băng ngang những tiểu bang miền Nam có Ðường 66 chạy qua — Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona, California. Tại nhiều nơi ta có thể bắt từ I-40 sang Ðường 66 để ghé thăm những ngôi làng nhỏ ngày xưa từng đông đúc dân cư. Trong chuyến lộ du lần này, gia đình tôi đã cố tình tấp vào một vài địa điểm như thế.

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé vào là làng Tucumcari, New Mexico, cách biên giới Texas chừng 40 dặm về phía Tây, để ăn trưa. Nhà hàng tên là “Kix On 66”, được Yelp xếp vào hàng ngon nhứt trong vùng. Xây theo kiểu 1950, nhà hàng không lớn lắm, chỉ chừng chục cái bàn xếp dọc theo bức tường có cửa kính phía trước, và một quầy counter cho thực khách đơn lẻ. Giá cả ở đây rất phải chăng, nếu không dám nói là quá rẻ, nhưng đồ ăn lại ngon lạ lùng. Dù chỉ là những món ăn Mỹ truyền thống đơn sơ, nhưng món nào cũng tươi, cũng ngon miệng.


Làm quen với cụ Joe Wood ở Tucumcari, New Mexico. Hình: ianbui


Tình cờ chúng tôi bắt chuyện với một ông cụ người Mỹ ngồi bàn bên cạnh và học được nhiều điều thú vị. Ông tên là Joe Wood, sanh trưởng ở vùng này. Năm nay gần 80 tuổi, ông kể vào thập niên 1950 Tucumcari có đến khoảng 16,000 dân. Nhưng từ khi nhà nước cho xây cao tốc I-40, Ðường 66 dần dần thưa người qua lại. Giờ đây dân số trong làng chỉ còn khoảng 4,000 người. Chính ông khi xưa cũng phải bỏ xứ ra đi để tìm việc, và chỉ mới quay lại cách đây hai năm. Ông cho biết cách chỗ chúng tôi ngồi chưa đầy trăm thước là lữ quán Blue Swallow Motel nổi tiếng, nơi 3 chàng tài tử Peter Fonda, Jack Nicholson và Dennis Hopper từng trú ngụ trong lúc làm phim ‘Easy Rider’ (1969) — một bộ phim cổ điển trong Top-100 của Hollywood, về chuyến du hành bằng xe gắn máy trên con lộ Mother Road.


Blue Swallow Motel trên Đường 66, hoạt động liên tục từ thập niên 1930. Hình: ianbui


Thế là sau bữa ăn chúng tôi liền ghé thăm Blue Swallow, nhờ vậy có dịp nói chuyện với bà chủ. Ðó là một lữ quán kiểu motor court, xây từ thập niên 1930 và vẫn hoạt động đều đặn qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử. Bà kể đây là nơi đã được Disney chọn làm bối cảnh cho phim ‘Cars’ (2006), với rặng núi gần đó được mượn để vẽ cảnh cho địa danh Radiator Springs trong phim.


Garage của Blue Swallow motor court, xưa dùng làm chỗ cho xe cộ nghỉ ngơi, được giữ nguyên và sơn vẽ lại cho đẹp mắt. Hình: ianbui


Ði dạo một vòng Blue Swallow, chúng tôi phát giác các căn garage được sơn vẽ hình ảnh lấy từ phim ‘Cars’ và ‘Easy Rider’. Có lẽ nhờ marketing giỏi, và giá phòng cũng rẻ ($110/đêm) nên Blue Swallow vẫn sống mạnh. Vì motel chỉ có 11 phòng, bà chủ dặn nếu muốn mướn phòng thì nên đặt trước càng sớm càng tốt, nhất là mùa Hè năm nay là mùa du lịch đầu tiên sau cơn đại dịch.


Bên trong nhà hàng Rutherford ở Kingman, xây theo kiểu xưa thời 1940-50. Hình: ianbui


Rời Tucumcari, chúng tôi quay trở lên I-40 để tiếp tục cuộc hành trình. Ðiểm đến kế tiếp là Kingman, Arizona, nơi chúng tôi đã đặt phòng trước để ngủ qua đêm trước khi đi tiếp chặng thứ nhì đến Los Angeles. Chúng tôi phát giác vì đại dịch nên một số dịch vụ trong khách sạn đã thay đổi. Chẳng hạn như điểm tâm miễn phí không còn nữa. Thay vào đó họ cho chúng tôi thẻ discount 10% để ăn sáng tại các tiệm quán trong vùng. Và tuy ở đâu cũng có bảng nhắc nhở mọi người đeo mặt nạ, nhưng số người không đeo khá là nhiều. Dẫu vậy chúng tôi vẫn cẩn thận, trong xe lúc nào cũng thủ sẵn mặt nạ loại xài một lần rồi bỏ (disposable mask) và thuốc khử trùng (hand sanitizer). Ông bà mình nói, cẩn tắc vô áy náy. Dịch khuẩn Covid đâu phân biệt ai là ai...

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Mon Aug 02, 2021 7:27 am    Tiêu đề:


Đường 66 tiến vào Black Mountains. Hình: ianbui


Tiếp tục cuộc hành trình xuyên bang từ Texas sang Bờ Tây nước Mỹ, sau khi ghé nghỉ đêm ở Kingman, Arizona, chúng tôi men theo Route 66 xuôi hướng Tây Nam, xuống thị trấn Needles bên kia biên giới California...

Khi đi lộ du chúng tôi hay chọn khách sạn nào có điểm tâm miễn phí. Nhưng từ khi có Covid hầu hết các khách sạn đều ngưng phục vụ điểm tâm, nên trước khi ra khỏi Kingman chúng tôi quyết định ghé vào một quán nhỏ bên đường làm một bụng cho chắc ăn. Rutherford cũng giống như bao nhà hàng Diner bình dân kiểu xưa nằm dọc Ðường 66. Dù được chấm 4.5 điểm trên Yelp nhưng đồ ăn ở đây không ngon, nếu không dám gọi là dở. Tuy nhiên điều làm tôi ngạc nhiên hơn là những ánh mắt không mấy thiện cảm của dân địa phương. Có lẽ ở vùng núi đồi xa xôi này ít khi họ thấy người Á Ðông ghé vào ăn. Một cặp vợ chồng già ngồi bàn đối diện lâu lâu liếc nhìn chúng tôi một cách khó chịu; chúng tôi giả bộ tảng lờ.


Route 66 through the Black Mountains (Hình: motonero.blogspot.com)


Ðường 66 từ Kingman đi về hướng Nam hoàn toàn khác xa lộ xuyên bang I-40. Xe chúng tôi leo chậm chạp qua vùng núi Black Mountains trong cái nóng Arizona. Dân cư thưa thớt, nhà cửa nghèo xơ nghèo xác. Thỉnh thoảng bắt gặp một lá cờ Confederate của “bên thua cuộc” bay phất phới giữa sa mạc sỏi đá, trông ngộ mắt hết sức. Thời Nội Chiến, Arizona là một lãnh địa trong vùng lãnh thổ New Mexico được Hoa Kỳ sát nhập sau chiến tranh Mỹ-Mễ năm 1848. Phe miền Nam do quân đội Texas cầm đầu cũng có lần tìm cách đánh sang Arizona hòng chiếm đoạt các mỏ vàng trong vùng. Nhưng sau vài trận đụng độ thua tá lả năm 1862 họ phải rút về lại Texas. Lãnh địa tiếp tục nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền liên bang; đến năm 1912 Arizona mới trở thành tiểu bang thứ 48 của nước Mỹ.

Cách Kingman khoảng 20 dặm về hướng Nam, Ðường 66 trở nên ngoằn ngoèo, băng qua một khe núi hiểm trở. Những con đèo quanh co bên vách núi đầy xương rồng thật là đẹp. Nhờ có chuẩn bị trước, chúng tôi đã download bản đồ khu vực vào phone để có thể tiếp tục sử dụng GPS trên điện thoại, vì giữa núi đồi sa mạc này không thể bắt sóng để cập nhật bản đồ. Nhờ kinh nghiệm từ những chuyến lộ du trước, lúc nào trong xe cũng thủ sẵn cái Garmin GPS phòng hờ — và chúng tôi đã có dịp dùng đến nó trên đường về từ Cali.


Thimble Mountain. Hình: ianbui


Ðang luồn lách qua rặng núi Black Mountains bỗng chúng tôi nhìn thấy hai bên đường xuất hiện những con lừa. Chúng không tỏ vẻ gì sợ người mà lại rất thân thiện. Lâu lâu chúng tôi phải ngừng xe vì bị lừa đi đủng đa đủng đỉnh chặn đường. Một con nọ tiến đến bên cạnh xe chúng tôi, cạ đầu vào kính chiếu hậu để gãi ngứa làm mấy đứa nhỏ la om sòm vì sợ gãy kính. Tới lúc đó chúng tôi mới để ý thấy một tấm bảng cho biết trong vòng 8 dặm sắp tới sẽ có rất nhiều lừa, tài xế cần phải cẩn thận.

Ði hết quãng đèo thì thấy một khu mỏ khá lớn có nhiều xe đậu, chứng tỏ còn hoạt động. Dưới chân đèo có một ngôi làng cổ xưa tên Oatman. Hai bên đường là tửu điếm, saloon, tiệm ăn, lữ quán... y hệt như trong phim cao bồi của Clint Eastwood, chỉ khác ở chỗ thay vì ngựa thì có lừa đi lại khắp nơi, đông còn hơn xe hơi. Ðến giữa làng bỗng bị kẹt xe, phải dừng lại. Chúng tôi đang thắc mắc chưa hiểu chuyện gì, chợt nghe một tiếng nổ đoàng thật lớn. Tôi nghĩ thầm trong bụng, chả lẽ lại có bắn nhau? Thời buổi súng đạn đầy đường này, làm sao biết được. Vài phút sau xe cộ di chuyển trở lại, khi ấy chúng tôi mới thấy trước một quán rượu nọ có tấm bảng ghi rằng đúng ngọ mỗi ngày sẽ xảy ra một vụ bắn nhau (giả) cho du khách coi chơi.


Olive Oatman, 1863. Nguồn: wikipedia


Tối hôm đó nằm trong khách sạn tôi bèn tra Google để tìm hiểu thêm về lai lịch của làng Oatman. Thời tìm vàng giữa thế kỷ 19, nơi đây đã có người đến ở nhưng không đông đúc lắm. Ðến khoảng đầu thế kỷ 20 có hai người nọ tìm được quặng vàng trị giá $10 triệu (tiền thời 1910). Thế là thiên hạ đổ xô về vùng này, biến nó thành một thị trấn trù phú, dân số có lúc lên đến 3,500 người. Một trong hai người tìm ra mỏ vàng đặt tên làng là Oatman, lấy tên cô bé da trắng Olive Oatman bị người da đỏ Yavapais bắt cóc tại đây trong chuyến di cư sang miền Viễn Tây của gia đình cô năm 1851. Cha mẹ và năm anh chị em của Olive bị người Yavapais giết chết. Riêng Olive và em gái 7 tuổi bị bán cho một bộ lạc người Mohave. Người Mohave có tục xăm mình, phụ nữ thì xăm mặt. Olive Oatman cũng bị xăm lên mặt. Phải 5 năm sau cô mới được giải cứu. Olive Oatman có viết sách kể lại cuộc thảm sát gia đình mình. Chuyện của cô được truyền bá sâu rộng, về sau còn được soạn thành kịch.

Khi mỏ vàng được mở mang tại đây, người ta đem lừa đến để giúp việc. Trong vòng khoảng chục năm sau đó công ty United Eastern Mines đào hết quặng vàng rồi đóng cửa mỏ năm 1924 sau khi sản xuất được gần $250 triệu đô la vàng (tiền 2020). Dân chúng lần lượt dọn đi nơi khác kiếm việc. Nhưng nhờ nằm ngay trên Route 66 nên Oatman không trở thành một ngôi làng chết (ghost town) như số phận nhiều ngôi làng của dân tìm vàng khác. Có điều khi người ta bỏ làng ra đi họ đã không mang lừa theo mà thả cho chúng chạy rông trong núi.


Oatman Highway. Hình: ianbui


Vào thập niên 1950, khi hệ thống xa lộ xuyên bang được khởi công, I-40 đã mở ra một con đường mới từ Kingman xuống Needles mà không băng qua Black Mountains. Thế là Oatman vốn đã nghèo giờ còn gặp cái eo, dân số xuống còn chưa tới hai trăm. Ðể cứu vãn tình thế, họ biến ngôi làng thành một điểm du lịch. Các căn nhà cổ được tồn trữ và phục hồi để tái dựng không khí Viễn Tây. Ðàn lừa được biến thành diễn viên phụ. Du khách có thể mua đồ khô hay cà-rốt cho chúng ăn. Không bao lâu Oatman trở thành một trong những địa danh thu hút du khách đến từ Cali, nhất là những gia đình có con nhỏ.

Trên Ðường 66 hôm đó chúng tôi làm quen với hai ông bà cụ dẫn hai đứa cháu. Chúng tôi cùng dừng chân trên một điểm cao trên đèo và nhờ chụp hình cho nhau. Hai đứa bé cứ trầm trồ khi nhìn thấy mấy con lừa, cứ xin được đến gần để xem và xoa chúng. Tất nhiên ông bà cụ không cho phép, nhưng có lẽ chúng sẽ nhớ mãi kỷ niệm đẹp này. Biết đâu sau này khi có gia đình chúng lại sẽ dẫn con mình đến đây, tiếp tục truyền thống lộ du lâu đời của dân Mỹ.


Barstow - California Historic Route 66 (Hình: route66ca.org)


Mùa Lễ Ðộc Lập năm nay thiên hạ đi chơi đông kinh khủng. Xe camper van, RV đủ kích thước chạy đầy xa lộ. Các cây xăng, truck stop dọc đường lúc nào cũng đông khách. Nhưng có điều số người đeo mặt nạ không còn nhiều nữa, nhất là ở những tiểu bang như Texas, Nevada, Arizona. Trong khi đó thì dân Cali có vẻ cẩn thận hơn hết, nhất là ở các khu vực phía Bắc. Nhưng Nam Cali thì ngược lại; người ta đeo mặt nạ ít hơn, và tỉ lệ dính bệnh trong cộng đồng người Việt cũng cao hơn.

Thành phố Los Angeles vừa ra khuyến cáo kêu gọi dân chúng mang mặt nạ trở lại cho dù đã chích ngừa đầy đủ vì virus biến đổi Delta đang hoành hành. Tiểu bang Nevada cũng mới cho hay hơn nửa số ca nhiễm trong hai tuần qua đến từ virus biến đổi này. Thành thử bà con nếu có tính đi chơi cũng đừng nên quá ỷ y với Covid.

Ian Bùi/baotreonline

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Aug 04, 2021 11:56 pm    Tiêu đề: Cali đi dễ?

Cali đi dễ?

Hồ nước trong vườn hoa Getty với ma trận bằng cây xanh. Hình: ianbui


Hành trình Tây tiến của chúng tôi từ Dallas nắng nóng, băng qua ngàn dặm sa mạc núi đồi cuối cùng cũng đến được “miền đất của sữa và mật ong”, nơi khí hậu ôn hòa nhưng tiền nhà quá mắc...

Không nhớ đây là lần thứ mấy chúng tôi đã đến Nam Cali trong vòng mười năm qua, nhưng lần nào cũng như lần nào, cảm nhận đầu tiên bao giờ cũng là cú sốc về giá xăng. Ở Texas lâu, quen trả hai đồng lẻ một gallon, qua biên giới thấy toàn bốn đồng trở lên chúng tôi phát ớn. Biết trước nên lúc còn ở Arizona chúng tôi đã đổ đầy bình trước khi lên đường, dù gì xăng Arizona cũng chỉ mới... ba đồng mấy/gallon. May là lần này chúng tôi mướn được chiếc hybrid minivan Sienna, trung bình 32 MPG nên cũng đỡ tốn xăng.

Ðiều đáng sợ thứ nhì ở Cali là... kẹt xe. Tuy đã vận dụng tối đa các mánh mung của Google Maps để tìm lộ tuyến nhanh nhứt, nhưng vẫn không ăn thua gì vì... lối nào cũng kẹt. Mấy đứa nhỏ vì chưa quen cảnh sống ở đây nên cứ vào GPS app trên phone tìm đường khác. Nhưng khi nhìn thấy tất cả đều đỏ lòm từ Ðông sang Tây, từ Nam lên Bắc cả đám tiu nghỉu chịu trận. Và có lẽ vì đợt dịch vừa mới ngớt nên thiên hạ ra đường coi bộ còn đông hơn hồi trước. Ðúng là: “Welcome to L.A.! ”


Tiệm cà rem Joe’s Italian Ice ở Anaheim. Hình: ianbui


Chương trình năm nay dự định cho tụi nhỏ đi Disneyland để thử mấy cái ride mới của Star Wars và Marvel, nhưng rốt cuộc không kiếm được vé vì bị giới hạn bởi nạn dịch. Vài tuần trước đó chúng tôi đã phải vào trang web của Disney sắp hàng chờ mua vé, nhưng xui là không có. Cuối cùng chúng tôi đành chuyển qua Universal Studios dù lần trước đã đi rồi, vì nhờ tìm được đủ vé cho cả gia đình. Tuy nhiên, nhờ khách sạn nằm gần Disneyland nên chúng tôi phát giác ra một tiệm cà rem gelatio thật tuyệt vời. Cứ chiều chiều là thấy thiên hạ xếp hàng dài bên ngoài, trông rất vui mắt. Tiệm mở cửa đến 12 giờ tối, nên bữa nào đi chơi về chúng tôi cũng tà tà đi bộ ra đó ăn cà rem. Bà con nào ghé Anaheim nếu có dịp nên đến Joe’s Italian Ice cho biết (bên kia đường có tiệm Phở Hà cũng không đến nỗi).

Nói đến chuyện ăn uống, thú thật lần nào tới Tiểu Sài Gòn chúng tôi đều khốn khổ vì chuyện này. Không biết dân thổ địa nghĩ sao, chứ đối với gia đình tôi, nhứt là với mấy đứa nhỏ, đồ ăn Việt ở đây nói chung là không ngon. Một vài tiệm được người quen hướng dẫn hay giới thiệu thì còn tàm tạm, nhưng rủi mà đi chơi khuya không còn lựa chọn thì thà ăn fast food còn hơn. Duy có một tiệm ở Bolsa tôi rất thích là quán cá nướng Nam Giao. Món cá ở đây phải nói là xuất sắc. Da cá mỏng giòn không dầy cui, cuốn bánh tráng hay ăn không đều ngon cả. Ðến độ tôi còn gặm nguyên cái đầu cá cho nó đã. Rồi thêm màn nước mắm me nữa mới thiệt phê. Có điều dĩa rau sống hẻo quá. Chỉ có tía tô, húng lủi, rau răm; mà thứ nào cũng ít. Bên Texas nhà chúng tôi trồng nhiều loại rau nên khi ăn mấy món cuốn đều có đủ thứ rau thơm, nào là ngò om, húng quế, dấp cá, lá chua... Nhưng thôi, cơm hàng cháo chợ mà được vầy thì cũng không nên đòi hỏi hơn.


Sảnh đường của Getty Museum. Hình: ianbui


Ngoài những chỗ vui chơi giải trí mắc tiền như Disneyland hay Universal, Los Angeles còn có những địa điểm tuyệt vời và hoàn toàn miễn phí như viện bảo tàng Getty Museum. Những ai yêu nghệ thuật hoặc ưa không khí yên tĩnh bảo đảm sẽ thích nơi này. Nó lớn rộng vô cùng, gồm nhiều khu nhà riêng biệt trưng bày đủ loại tranh họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, bàn ghế, cổ vật... Xem cả ngày không hết. Nào là Van Gogh, Monet, Picasso, Rembrandt và nhiều danh họa từ nhiều thời kỳ khác nữa. Nhiều bức tranh xưa năm sáu trăm năm. Ðộc đáo nhất là những bức phác họa bằng bút chì, cho ta thấy cách người nghệ sĩ tạo dựng những họa phẩm to tát. Riêng tôi thích nhất các bức tượng của Rodin, lần nào đến Getty tôi cũng phải đi tìm chúng để xem đi xem lại, nhìn trước nhìn sau cho đã mắt. Ngoài ra Getty còn có một vườn hoa rất rộng, nằm trên đồi cao, nhìn xuống thấy thành phố và xa lộ I-5 lúc nào cũng... kẹt xe!

Vì lý do đại dịch, số lượng người được vào Getty rất hạn chế. Do đó khách viếng cũng phải lên mạng không sớm hơn một tuần lễ để lấy vé trước. Và dĩ nhiên mọi người bắt buộc phải mang mặt nạ — trừ những lúc ra vườn và giữ được khoảng cách an toàn. So với Texas thì dân Cali có vẻ kỹ hơn trong vấn đề chống dịch. Mặc dù một tuần trước khi chúng tôi đến Cali chính quyền đã nới lỏng một số quy định, nhưng nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục đeo mặt nạ, nhất là ở chỗ đông người mặc dù ở ngoài trời. Còn trong nhà thì hầu hết đều tự giác mang mặt nạ nên chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm. Càng đi về phía Bắc, chúng tôi thấy số người đeo mặt nạ càng nhiều hơn, chứng tỏ có sự khác biệt trong cách ứng xử với đại dịch ở hai miền. Trang CDC của chính phủ cũng cho biết tỉ lệ dân cư vùng San Jose được chích ngừa toàn phần là 67%, trong khi đó ở Quận Cam con số này chỉ có chừng 53%.


Bãi biển La Jolla nơi vắng vẻ, xa xa trên vách đá là sân golf Torrey Pines. Hình: ianbui


Lần lộ du này chúng tôi cũng có kế hoạch đi theo đường số 1 dọc bờ biển để ngắm phong cảnh. Một trong những nơi chúng tôi ghé vào là bãi biển La Jolla gần San Diego cho mấy đứa nhỏ chơi lướt ván. Trên đường đến đó chúng tôi lái xe ngang vùng đất của Hải Quân Mỹ, nơi có căn cứ Pendleton từng được sử dụng làm trại tị nạn cho mấy chục ngàn người Việt lưu vong năm 1975. Ðây là chỗ thai nghén cộng đồng NVQG Nam Cali, nơi những người Việt tiên phong đã có công biến những cánh đồng dâu, những khu nhà xập xệ ở Santa Ana, Garden Grove... thành một Little Saigon nhộn nhịp, trù phú như ta thấy ngày nay.


Tấm bảng chào đón người đi xem U.S. Open vẫn chưa được tháo gỡ. Hình: ianbui


Hôm đó trời đẹp, thiên hạ ra biển khá đông, trông chẳng có vẻ gì như đang có đại dịch. Sau khi tắm nắng một hồi, chúng tôi ghé thăm sân golf nổi tiếng cận kề là Torrey Pines, nơi trước đó vài ngày vừa diễn ra giải vô địch U.S. Open rất lớn, với anh chàng Jon Rahm trẻ tuổi người Tây Ban Nha đoạt chiếc cúp major đầu tiên. Trước đó hai tuần, cũng chính anh ta đã bị loại khỏi một giải khác trong lúc đang dẫn đầu rất xa chỉ vì bị... dương tính Covid (do không chịu chích ngừa) làm mất toi hơn triệu bạc. Ðúng là một bài học nhớ đời!

Nhân tiện chúng tôi lái xe lòng vòng khuôn viên đại học UC San Diego cho tụi nhỏ xem cho biết, đồng thời để tránh... kẹt xe trên xa lộ I-5. Ðại học nằm nhìn ra Thái Bình Dương rất đẹp. Chúng tôi len lỏi trên đường 101 ven biển, đi ngang những ngôi làng nho nhỏ, sạch sẽ, nhà cửa sang trọng, đắt tiền. Nhìn từ bên ngoài trông mê thiệt, nhưng nghĩ tới cảnh tiền nhà, tiền thuế, tiền xăng... tiền gì cũng cao, chưa kể tiền “thì giờ đánh mất” vì phải ngồi trên xa lộ mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày, tôi nhủ thầm trong bụng: “Ta về ta tắm ao ta, dù giông dù bão Tét-xà vẫn hơn! ”

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Mon Aug 09, 2021 1:59 pm    Tiêu đề: Đường 66: Bắc tiến

Đường 66: Bắc tiến

Solvang, California. Hình: ianbui/trẻ


Rời Los Angeles, chúng tôi thả theo đường 101 đi lên San Jose. Như đã nói trong bài “Cali đi dễ?” ở số trước, muốn thoát khỏi L.A. không dễ tí nào. Chúng tôi lại phải kẹt trên xa lộ hơn cả tiếng đồng hồ nữa, nhưng cuối cùng thì biển và núi đồi cũng hiện ra. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Một trong những mục đích của chuyến lộ du năm nay là thăm viếng những địa điểm thú vị dọc đường. Nghe nói trên đường đi có ngôi làng tên Solvang rất hấp dẫn, chúng tôi quyết định tấp vào xem nó ra sao. Nằm cách xa lộ khoảng 10 dặm, Solvang được thành lập vào đầu thế kỷ 20 bởi ba di dân người Ðan Mạch đến từ Iowa — hai giáo sĩ Lutheran và một giáo sư đại học. Năm 1910 họ lập ra công ty Danish-American Colony ở San Francisco để tìm người đầu tư. Một năm sau họ chọn mua được miếng đất 36 Km vuông giữa thung lũng Santa Ynez với khí hậu mát mẻ quanh năm. Giấc mơ của họ là lập nên một cộng đồng Ðan Mạch ở Cali, xa các tiểu bang lạnh lẽo miền Trung Tây nơi đa số di dân Ðan Mạch sang Mỹ kiếm sống từ giữa thế kỷ 19.


Đình làng Copenhagen House, với tượng gỗ của 3 vị sáng lập viên. Hình: ianbui/trẻ


Ngay trung tâm làng họ cho xây một nhà băng gọi là Copenhagen House, và cũng là văn phòng cho Công ty. Ngày nay căn nhà này là phòng tin tức cho du khách, bảo tàng viện, và bên ngoài là quán xúc xích (rất ngon) tên Copenhagen Sausage Company. Thuở ban đầu, nhà cửa nơi đây cũng giống như bao nơi khác. Nhưng sau Ðệ Nhị Thế Chiến một dân cư tên Ferdinand Sorensen, sau một chuyến về thăm cố hương, bỗng nảy ra ý tưởng xây cho mình một căn nhà kiểu Ðan Mạch. Chẳng bao lâu sau nhiều người khác cũng bắt chước, thế là giấc mơ “Tiểu Ðan Mạch” của ba vị tiên phong dần dần thành hình.

Mặt tiền các căn nhà trong làng được tái tạo lại. Dọc hai bên đường vào trung tâm làng là những căn nhà, tiệm bánh, quán ăn, khách sạn... được làm theo lối kiến trúc Bắc Âu trông rất đẹp mắt. Vài cối xay gió nho nhỏ được dựng lên. Chẳng mấy chốc Solvang (cánh đồng nắng ấm) bỗng biến thành một địa điểm du lịch. Du khách đến từ các vùng lân cận ngày càng nhiều. Các vườn nho và xưởng rượu vang của làng ăn nên làm ra. Năm 2005 Solvang lại càng được nhiều người chú ý hơn sau khi phim ‘Sideways’, được quay tại các vườn vang trong vùng, bất ngờ thắng một giải Oscar.


Hình: internet


Vào thập niên 1990 người ta cho xây một cối xay gió thật lớn ngay trên con chính lộ, giờ đây nó là biểu tượng của ngôi làng. Hầu như ai tới Solvang đều có chụp một bức hình với cối xay gió này. Hôm chúng tôi ghé Solvang, cờ Ðan Mạch được treo khắp nơi. Lúc đầu chúng tôi hoang mang, không biết là ngày lễ gì. Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra đang có giải túc cầu Âu Châu; Ðan Mạch lúc ấy đang đứng nhì bảng B và có cơ hội tiến vào vòng loại. Tuy dân làng chỉ khoảng 5,000 người, nhưng có lẽ ai cũng đang theo dõi và ủng hộ “gà nhà”. Trong số hàng triệu du khách viếng Solvang hàng năm có rất nhiều người đến từ Ðan Mạch, chẳng khác nào người Việt ghé Nam Cali đều phải tới thăm Bolsa vậy.

Có thể nói lần đầu tiên dân chúng Mỹ nghe đến tên Solvang là khi Hoàng Thái Tử Frederick (sau này là vua Ðan Mạch) và Công chúa Ingrid đến đây vào năm 1939. Năm 1960, trưởng nữ của vua Frederick là Công chúa Margrethe cũng có viếng nơi này. Gần đây nhất, Vương tế Henrik — chồng của Vương hậu Margrethe, đã ghé thăm Solvang năm 2011, bảy năm trước khi ông qua đời.


Hình: Nha Trang Restaurant, facebook


Sau khi ăn thử món xúc xích và uống bia Ðan Mạch, chúng tôi thẳng tiến trên đường 101 lên San Jose, nơi một số bạn bè đang nóng lòng chờ đợi. Hôm sau việc đầu tiên là... đi ăn! Và dĩ nhiên phải là quán Nha Trang của Xuân Hồng, không chỉ vì nó có món gà lá giang mà không tiệm nào ở Dallas có, mà còn vì gần đây bà con nói có món cá chiên giòn rất đặng. Nha Trang đã được sửa sang lại bên trong, trông thoáng đãng và đẹp hơn lần trước chúng tôi đến. Bàn ghế cũng được sắp xếp khoảng cách xa nhau hơn. Như nhiều nhà hàng chúng tôi đến, ai cũng than dạo này kiếm người làm quá khó, thành thử nhân viên phục vụ phải chạy bở hơi tai.

Trong chuyến đi này chúng tôi có mang theo vài chai rượu đế SuTi đặc sản Texas làm quà cho bè bạn. Một trong những cái thú của tôi dạo gần đây là thử SuTi với các món ăn khác nhau để xem món nào hợp khẩu vị. Tôi có thể khẳng định: ăn gà lá giang uống đế Lion 45 rất hạp! Vị chua chua của lá giang đi với vị nếp thoang thoảng của SuTi rất “bắt”. Anh Hoàng, người bạn ở San Jose, cũng đồng ý đồng tình. Chỉ một bữa trưa mà hai ba người chúng tôi cưa gần nửa chai. Rất tiếc hôm đó Xuân Hồng lại đi vacation nên chúng tôi không có dịp cụng ly và nghe ý kiến của bà chủ. Tối hôm đó tại nhà người bạn chúng tôi nếm tiếp chai đế Ông Già với thịt bò Kobe. Kết quả thí nghiệm: Ba người quất hết nửa chai mà vẫn chưa ai muốn ngừng.


Trò chơi xây dựng thành phố bền vững, Tech Museum of Innovation, San Jose. Hình: ianbui/trẻ


San Jose nằm gần thung lũng Silicon Valley, nơi các công ty như Google, Facebook, Apple... đặt đại bản doanh. Chúng tôi dẫn tụi nhỏ đi xem một vòng các nơi này cho chúng biết, nhưng vì đang mùa dịch nên chỗ nào cũng vắng hoe. May là bảo tàng khoa học Tech Museum of Innovation (TMI) ở downtown vẫn mở cửa nên chúng tôi đưa chúng đến đây; đứa nào cũng khoái. TMI không phải là bảo tàng viện bình thường, mà là một trung tâm high-tech với nhiều trò chơi interactive cho con nít (và người lớn). Hầu hết các khu triển lãm đều cho phép ta sờ mó, điều khiển, lắp ráp, thí nghiệm, học hỏi... Những kỹ thuật video tân tiến nhất được áp dụng một cách sáng tạo, coi không chán mắt.


Thể tháo gia đánh baseball, Tech Museum of Innovation, San Jose. Hình: ianbui/trẻ


Một trong những khu triển lãm tôi thích nhất là các bức tượng cơ thể con người, với đầy đủ bắp thịt, tĩnh mạch, xương xẩu... trong các tư thế vận động khác nhau. Ðiểm đáng nói là chúng là những con người thật đã hiến xác cho khoa học trước khi qua đời. Có người là thể tháo gia đánh baseball, người là ca sĩ opera đang mở miệng hát với lồng ngực căng phồng, người là vũ công ballet. Ðẹp nhất là một phụ nữ đang múa theo điệu Flamenco, trông rất ấn tượng. Nhìn họ, ta có thể thấy những động tác bình thường nhất cũng đòi hỏi sự kết hợp của biết bao nhiêu là bắp thịt.


Môt khu phố downtown Mountain View được biến thành khu ăn uống ngoài trời. Hình: ianbui/trẻ


Một trong những điểm khác biệt tôi nhận ra ở Bắc Cali là thiên hạ cẩn thận hơn đối với COVID. Chẳng hạn như bên trong bảo tàng khoa học TMI ai cũng đeo mặt nạ. Ngoài đường thì số người che mặt cũng nhiều hơn ở miền Nam. Thêm vào đó, một số thành phố trong vùng như Palo Alto, Mountain View, Stanford... đã biến các khu vực downtown thành chỗ ăn uống ngoài trời bằng cách đóng đường lại, không cho xe cộ chạy vào. Nhờ vậy nhiều hàng quán vẫn có thể mở cửa, và người đi ăn cũng tương đối khá đông.

Tin tức mới nhất cho biết virus biến đổi delta đang đẩy dịch bệnh lên cao, nhất là tại Nam Cali. Los Angeles County vừa ban hành luật mặt nạ trong nhà trở lại, kể cả đối với những người đã chích ngừa đầy đủ, sau khi số ca nhiễm tăng vọt 700% chỉ trong vòng một tháng, ngay lúc chúng tôi đang ở đó. Bởi vậy nên khi trở về đến Texas việc đầu tiên chúng tôi làm là đi thí nghiệm SARS-CoV-2; rất mừng là không ai bị truyền nhiễm trong chuyến đi vừa rồi.

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Aug 18, 2021 2:25 pm    Tiêu đề: 17 dặm đường

17 dặm đường

Những cây bách Monterey Cypress hai bên Đường 17 Dặm. Hình: ianbui/trẻ


Từ San Jose trở về Texas, chúng tôi theo Đường số 1 men bờ Tây để xuôi Nam, tà tà ngắm cảnh núi xanh biển bạc. Đã lộ du thì việc gì phải gấp gáp; biết khi nào mới có dịp quay lại chốn này, nhất là khi dịch bệnh vẫn tràn lan.

Ðiểm quẹo đầu tiên của chúng tôi là đoạn đường cong nổi tiếng mang tên “The 17-Mile Drive”. Như tên gọi, con đường này dài 17 dặm, hình vòng cung, chạy ngoằn ngoèo dọc theo bờ biển quanh bán đảo Monterey. Nó nằm trong một khu đất hoàn toàn của tư nhân, có nhiều nhà cửa đắt tiền và ba bốn sân golf cực đẹp. Nếu không phải là dân ngụ cư nơi đây, bạn phải trả lộ phí $10.50 (giá 2021) để sử dụng con đường này (trừ phi bạn đi xe... đạp!)


The Lonely Cypress – cây bách đơn côi. Hình: ianbui/trẻ


Dọc hai bên đường là một số điểm dừng cho ta ngắm cảnh, đi bộ, chụp hình, picnic v.v. Chẳng hạn như The Lone Cypress, nơi có cây bách đứng đơn độc trên một mỏm đá; hoặc The Bird Rock, hòn đảo nhỏ gần bờ nơi hàng ngàn hải âu đến đậu đầy, thỉnh thoảng có hải cẩu tắm nắng. Tại cổng vào du khách được trao một tấm bản đồ hướng dẫn những điểm viếng cảnh cũng như những nơi không được bén mảng đến. Bên trong khu vực hầu như không có bất cứ dịch vụ nào cho du khách như cây xăng, hàng quán hay toilet. Nhưng nếu bạn ghé vào các golf club để ăn uống hoặc mua sắm, bạn sẽ được hoàn lại số tiền lộ phí.

Công ty Pebble Beach Corporation là chủ đất đồng thời quản lý Ðường 17 Dặm. Nơi đây có sân golf Pebble Beach lẫy lừng, từng là chỗ tranh tài các giải lớn trong nhiều thập niên qua; gần đây nhất là giải U.S. Open thứ 149 vào năm 2019. Thuở xa xưa khu vực này được người Tây Ban Nha thám hiểm và vẽ ra trên bản đồ hồi đầu thế kỷ 17. Ðến giữa thế kỷ 19 nó là điền trại rộng lớn của một đại gia người Tây Ban Nha. Năm 1846 bà quả phụ của gia đình ấy bán miếng đất 4000 mẫu này đi. Nó được chuyền tay qua nhiều chủ nhân, đến năm 1862 thì được mang ra đấu giá.

Ông David Jacks đã mua được miếng đất rất đẹp này, khi ấy có tên là “Stillwater Cove”, với giá chỉ 12 xu một mẫu, tức chưa tới $500. Xong ông ta cho công ty “China Hop Man Company” thuê để lập tại đây một làng chài. Lúc bấy giờ trong làng chỉ có khoảng 30 người Tàu sinh sống. Nhưng đến năm 1880 thì David Jacks bán miếng đất này cho công ty “Pacific Improvement Company” (PIC) gồm tứ đại gia của ngành xe lửa đương thời, trong đó có ông Leland Stanford — sau làm thống đốc California và sáng lập đại học Stanford.


The Seventeen Mile Drive Map 17 Mile Dr California Poster. (etsy.com)


Năm 1892, PIC vẽ ra con đường và đặt tên cho nó là “17 Mile Drive”. Xong họ cho xây khách sạn Hotel Del Monte để phục vụ và thu hút khách du lịch. Du khách đến rất đông; họ cưỡi ngựa hoặc ngồi xe cho ngựa kéo đi thăm viếng các địa điểm độc đáo trong vùng. Tổng thống Benjamin Harrison từng đến đây vào năm 1891, ông nói ước gì có thể ở lại đây một tuần lễ để xem cho thỏa thích.

Thuở bấy giờ làng chài của người Hoa vẫn còn. Những đứa bé gái người Hoa hay dựng sạp bên đường để bán đồ lưu niệm như những hòn sỏi (pebble) trơn bóng nhiều màu mà chúng lượm được trên bãi biển. Về sau người ta gọi nơi này là Pebble Beach, tên Stillwater Cove biến mất. Cùng tăng theo lượng du khách là sự kỳ thị đối với dân da vàng tại đây. Dần dà họ cuốn gói đi hết, làng chài biến mất trên bản đồ. Pebble Beach trở thành chỗ nghỉ mát cho dân thượng lưu từ những nơi như San Francisco. Khi Ðệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, bộ Quốc Phòng trưng dụng khách sạn Del Monte làm chỗ cho binh sĩ tập luyện. Sau chiến tranh, Hải quân Hoa Kỳ mua đứt khách sạn này và biến nó thành trường đại học cao đẳng cho sĩ quan, đặt tên lại là Herrmann Hall...


Sương xuống trên Cầu Bixby, nhìn về hướng Nam. Hình: ianbui/trẻ


Sau khi lái hết 17 dặm đường tuyệt đẹp của Pebble Beach, chúng tôi quay trở ra Ðường số 1 để tiếp tục cuộc hành trình. Ðiểm dừng thứ nhì, cũng rất đẹp, là cây cầu Bixby Creek Bridge. Cầu này bắc ngang một đại vực khá rộng với một con suối mang tên Bixby Creek. Nguyên thủy, vào khoảng năm 1870 hai cha con Charles Henry Bixby từ New York sang đây mua đất, phá rừng, bán gỗ cho các cơ sở, công ty trong vùng. Họ cho xây xưởng gỗ (lumber mill) cạnh bờ suối để có thể dễ dàng chuyền gỗ ra biển đưa lên tàu. Do đó con suối ban đầu được gọi là Mill Creek.

Trước khi có cầu này, dân cư ở hai phía Nam và Bắc của Mill Creek nếu muốn qua lại phải đi vòng lên núi rất xa, khoảng 11 dặm về hướng Ðông. Nhưng vào mùa Ðông đoạn đường này luôn bị đóng băng khiến người dân hay bị cô lập, có lúc phải tiếp tế bằng đường biển. Mãi đến thập niên 1930 nhà nước mới cho xây cây cầu bắc ngang Bixby Creek. Lúc bấy giờ nó là cây cầu vòm một nhịp cao nhất thế giới. Và cho đến ngày nay nó vẫn là cây cầu vòm được chụp hình nhiều nhất ở Cali.


Đói nhăn răng, mắc mấy cũng ăn! River Inn, Big Sur. Hình: ianbui/trẻ


Ai du hành qua vùng Big Sur của Cali đều nên ghé qua chỗ này. Và nếu đến được lúc hoàng hôn để ngắm mặt trời lặn thì càng tuyệt. Vùng này ẩm ướt, lại gặp địa thế núi non nên về chiều khi nhiệt độ xuống thấp sương mù từ biển tràn vào trông rất đẹp. Và cũng nhờ có nhiều sương mù và độ ẩm cao nên cây cối, nhất là loài Monterey Cypress, mọc rất mạnh. Nhưng nếu bạn có đi thì nên chuẩn bị trước xăng nhớt và lương thực cho đầy đủ, vì trên đó ít chỗ đổ xăng hoặc thêm năng lượng. Tối hôm đó chúng tôi ghé vào River Inn, lữ điếm duy nhất ở Big Sur còn mở cửa, để ăn tối: $18 cho một cái hamburger với french fries. Cũng may chiếc Sienna hybrid dư xăng xuống núi, nếu không là phải trả $6.50/gallon!

Qua khỏi Big Sur không bao xa thì chúng tôi bắt đầu xuống núi. Ðường số 1 dần duỗi thẳng ra, bớt quanh co khúc khuỷu nên lái buổi tối không khó, có điều không còn thấy được phong cảnh núi rừng nữa nên cũng hơi buồn ngủ. Từ phía biển chúng tôi bắt một đường nhỏ băng qua hướng Ðông để đến Barstow, một trong những thành phố quan trọng ở phía Nam vùng đồng bằng Cali, còn được gọi là Inland Empire - Ðế quốc trong Ðất liền.


Tác giả ngồi ngâm chân trong suối quên chuyện đời, kệ Covid. River Inn, Big Sur. Hình: Sumo Bui


Barstow nằm trên trục lộ của nhiều đường xe lửa và xa lộ, tất nhiên có cả đường cái quan Route 66 danh tiếng. Thuở xa xưa nơi đây là giao điểm của hai con đường mòn đi đến California — một từ Santa Fe, New Mexico, một từ Salt Lake City, Utah. Vì thế cho nên khi thiên hạ đổ xô về California tìm vàng, Barstow biến thành một thị trấn Viễn Tây đầy dân giang hồ tứ chiếng. Ðường xe lửa được bắc ngang qua đây để chuyên chở người và vật liệu. Ngày nay ngoài bìa thành phố là một trung tâm phân phối hỏa xa khổng lồ, với cơ man toa xe, đầu máy, đường sắt chằng chịt, tủa ra bốn phương tám hướng. Trên xa lộ I-40 nhìn thấy rất ư là ngầu.

Từ Barstow chúng tôi bắc lên xa lộ I-15, chạy dọc theo đường xe lửa về hướng Salt Lake City, để đến Las Vegas ngủ qua đêm. Ngày mai chúng tôi sẽ đi thăm bờ Tây của Grand Canyon, nơi có cây cầu Sky Bridge bắc lửng lơ trên mỏm đại vực.

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân