TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tuổi già và nơi cư ngụ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tuổi già và nơi cư ngụ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9650

Bài gửiGửi: Sun Jun 13, 2021 8:30 am    Tiêu đề: Tuổi già và nơi cư ngụ

Tuổi già và nơi cư ngụ


Vào thế kỷ XXI con người sống lâu hơn, tuổi thọ trung bình tại Huê Kỳ ngày nay là khoảng 77 tuổi. Tuổi thọ gia tăng đồng nghĩa với sự suy kém của cơ thể, vị cao niên nào cũng gặp một vài khó khăn về sức khỏe, không nhiều thì ít. Về mặt tinh thần, người may mắn duy trì được sự minh mẫn và tự quyết định cách sinh sống cá nhân. Một số người may mắn sống sung túc với bạn đời, duy trì được nếp sống tương tự như khi còn đi làm. Những người khác vì hoàn cảnh sinh sống đổi khác như việc người phối ngẫu qua đời, tài chánh thu hẹp nên không giữ được căn nhà mà phải sinh sống trong những khu nhà cửa được trợ cấp từ chính phủ hoặc tự túc trong các chung cư... Giản dị là vào tuổi già, vì các lý do khác nhau mà người ta thay đổi nơi cư ngụ đôi khi ngoài ý muốn. Một trong các cách sống “mới” của tuổi già đơn độc trong thế kỷ XXI là cách sinh sống “hợp quần”, hay “new housing alternatives”.



Số người cao niên mỗi ngày một đông và đa số không mấy ai chọn viện dưỡng lão nên bá tánh tìm kiếm lối sống khác thích hợp hơn, lối sông giúp họ duy trì được sự độc lập mà vẫn có người chung quanh [lựa chọn theo ý muốn] để bầu bạn. Họ không phải dọn nhà, rời xa nơi sinh sống quen thuộc trong tuổi già nên lối sống này được gọi là “aging-in-place”. “New housing alternatives” bao gồm “shared housing” (“home sharing”), “cohousing” và “village organization” hay “thôn xóm” là những kiểu mẫu sống độc lập nhưng vẫn có người chung quanh là lối cư ngụ ít tốn kém hơn so với “assisted living”, các trung tâm dành cho người cao niên của tư nhân.



Cách sinh sống trong “thôn xóm” bao gồm các cộng đồng dành riêng cho người có tuổi, thường là 55 tuổi trở lên, dân cư sống riêng rẽ trong căn nhà nhỏ và gọn, đầy đủ tiện nghi. “Thôn xóm” lớn cả mấy chục ngàn căn nhà lớn nhỏ (như The Villages tại Florida) có đủ sân quần vợt, hồ bơi, sân golf, hàng quán, chợ thực phẩm, văn phòng bác sĩ, nha sĩ, tiệm giặt ủi, dịch vụ đưa rước... từa tựa một thành phố nhỏ. Các cộng đồng cao niên này thường giới hạn số tuổi của dân cư và không cho phép người trẻ cư ngụ (chỉ được phép thăm viếng thân nhân ở đó vài ngày hoặc vài tuần). Những thôn xóm này “mọc” lên khắp nơi trên lãnh thổ Huê Kỳ vì đáp ứng được nhiều nhu cầu của người cao niên.



Cách sinh sống mới hơn là việc “chia nhà” (home sharing) nhưng khác với cung cách cho thuê phòng trọ, ngắn hạn hoặc dài hạn, kiểu “chia nhà” trong bài viết này có nghĩa là chủ nhà (dư phòng) tìm người chung sống đầu tiên là để “có bạn” và thứ yếu là có người gánh đỡ các phí tổn duy trì căn nhà theo tiêu chuẩn “có qua có lại” dù chủ nhà không hẳn là cần tiền.

Chuyện “chia nhà” với người Việt ta không phải là điều mới mẻ vì bản tính cần kiệm, chấp nhận sự chung đụng, chia sẻ nên nhiều chủ nhà người Việt dù gia đình đề huề vẫn cho thuê phòng để kiếm thêm tiền. Với người Huê Kỳ ưa chuộng tự do cá nhân và tiền bạc phong túc, sống chung chia nhà với kẻ xa lạ là cả một sự thử thách vì họ phải chấp nhận các thói quen, cách ăn uống, nghỉ ngơi... của người không thân thích trong sinh hoạt hàng ngày.



Tại Huê Kỳ, cách sống chia nhà đã trở thành phổ thông hơn trong thập niên này. Ở các thành phố lớn như New York, Chicago..., đã có các tổ chức “mai mối” như the New York Foundation for Senior Citizens làm công việc giới thiệu, liên kết chủ nhà và những người cần chỗ trú ngụ ít tốn kém. Chủ nhà tìm người vì có thể cần “có bạn”, cần người phụ giúp, cần tiền để trang trải chi phí hoặc cả ba mục đích kể trên. Người “thuê” thường tiền bạc ít ỏi nên chịu trợ giúp chủ nhà trong công việc lặt vặt để đổi lấy chỗ ở và đôi khi phụ trả thêm ít chi phí. Đại khái là cả hai bên chủ / khách cùng có lợi ít nhiều. Tuy nhiên, ích lợi dù là mục đích chính nhưng vẫn chưa đủ để chủ nhà và người thuê có thể chung sống lâu dài; điều quan trọng cho cả hai bên là họ có thể chấp nhận những cá tính, lối sống khác biệt hay không và đó là công việc “tìm hiểu” của các trung tâm “mai mối”.



Theo bà Kirby Dunn, người quản trị tổ chức “HomeShare Vermont”, làm công việc môi giới để “chia nhà”, chủ và khách trọ thường trong tuổi 60 trở lên; có chủ nhà muốn tìm người [hợp ý] để bầu bạn (mục đích chính) và chi bớt phí tổn nhà cửa (phụ). Đôi khi, thay vì trả tiền thuê nhà thì khách trọ [dài hạn] trợ giúp chủ nhà làm công việc như đi chợ, dắt chó đi bộ, lái xe đưa rước... Để chọn người thích hợp, tổ chức môi giới thường kiểm nghiệm chi tiết cá nhân, xem xét lý lịch người thuê và chủ nhà, sở thích của họ gồm những gì và nhất là cả hai bên tìm kiếm với mục đích nào là chính?... Chủ nhà cũng như khách trọ / người thuê đều có những băn khoăn thắc mắc từa tựa như nhau về các tự do cá nhân và sự riêng tư. Đem người lạ vào chung sống cũng có nghĩa là khách có thể “thấy” các việc riêng tư của chủ nhà, từ trương mục ngân hàng đến bệnh tình, sức khỏe... Người thuê có thể ồn ào hoặc lặng lẽ khiến nếp sống thường nhật của chủ nhà sẽ thay đổi...

Với các “bất tiện” kể trên, không lạ là số người thuê cao hơn số chủ nhà tìm người chia sẻ. Trung bình, tiền thuê phòng (và được sử dụng nhà bếp, phòng ăn) tại Vermont khoảng 300 mỹ kim / tháng, rẻ hơn rất nhiều so với tiền thuê căn chung cư một phòng ngủ ($1,500 / tháng) trong cùng khu vực. Theo bản tường trình kể trên, chủ nhà cũng như người chia nhà xem ra hài lòng hơn, cảm thấy an toàn hơn so với khi thuê mướn chung cư.



“Cohousing” khác với “home sharing” về nhiều phương diện: không có “chủ” và “khách” mà chỉ có những người cùng ý hướng họp nhau sống quây quần tạo thành cộng đồng. Họ có thể gom tiền mua chung miếng đất và xây tòa chung cư hoặc đôi khi mua lại một tòa nhà cũ rồi sửa chữa thành chung cư. Đây là những căn chung cư nhỏ để sống riêng tư nhưng họ chia chung các phòng ốc lớn để dùng bữa, lớp học hoặc nơi hội họp, “common house” hay “common space”; chung cư thường có vườn tược và lối đi để người ngụ cư gặp gỡ. Theo bà Karin Hoskin, người quản trị tổ chức Cohousing Association of the United States, hầu hết các cộng đồng “cohousing”, khoảng 170 cộng đồng đã hiện diện và nhiều cộng đồng khác đang thành hình, đều tự điều hành với ban quản trị riêng từa tựa như kiểu điều hành của chung cư, “condominium”. Người cư ngụ tại cohousing community ở trong nhiều độ tuổi khác nhau hay “multigenerational”, không hẳn chỉ dành riêng cho người cao niên. Tuy nhiên, tùy theo mục đích thành lập, các cộng đồng “cohousing” khác đang thành hình với những tiêu chuẩn khác nhau, có cộng đồng chỉ dành cho tuổi vàng (65+ tuổi) ; có cộng đồng chỉ nhận người đồng tính cao niên...


Retirees Turn To Virtual Villages For Mutual Support


Mới nhất và dường như “cấp tiến” nhất là lối sống theo “làng xã” hay “villages”. Hiện nay đã có đến 280 thôn làng như thế khắp Huê Kỳ; các thôn làng này hiện diện trong nhiều thành phố, vùng ngoại ô và mỗi ngày một phổ thông. Bà Barbara Hughes Sullivan, sếp lớn của tổ chức Village to Village Network, tường trình rằng mức thôn xóm thành hình gia tăng đến 20% mỗi năm. Hội viên trả lệ phí khoảng 250 – 450 mỹ kim hằng năm để thuê người điều hợp trông coi các dịch vụ như dọn dẹp vườn tược, chuyên chở... chưa kể tổ chức các buổi họp mặt, du ngoạn cho hội viên. Tạm hiểu là hội viên, hay “dân làng” có thể dùng các dịch vụ của “thôn làng”, đôi khi với lệ phí rẻ hơn.

Dù người cao niên tại Huê Kỳ đã cố gắng thay đổi các tiền lệ về nơi trú ngụ trong tuổi già, họ vẫn gặp khá nhiều khó khăn vì số “cung” thì ít mà lượng “cầu” thì cao chưa kể các lựa chọn có tính cách cá nhân khác.



Nhìn chung, ngày nay dân Huê Kỳ cũng như dân cư tại một số quốc gia tân tiến khác sống lâu hơn; nếp sống của người cao niên thay đổi theo tình trạng sức khỏe và do đó có thể cần được trợ giúp ít nhiều để duy trì tiếp tục nếp sống độc lập. Người cần được trợ giúp trong sinh hoạt hằng ngày như nấu ăn, vệ sinh cá nhân cũng như chăm sóc y tế; kẻ chỉ cần trợ giúp tối thiểu như chuyên chở, đi chợ, đi khám bệnh... Ngoài nhà dưỡng lão (nursing home) theo “truyền thống”; chung cư cho người cao niên của tư nhân cũng như của chính phủ, “chia nhà” (home-sharing) hay kiểu sống “thôn xóm” (cohousing) là những kiểu mẫu tương đối mới mẻ để người cao niên lựa chọn tùy theo tình trạng sức khỏe và tài chánh.

lltran

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân