TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nguyen Đăng Mạnh viết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nguyen Đăng Mạnh viết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7359

Bài gửiGửi: Sat Jan 09, 2021 2:55 am    Tiêu đề: Nguyen Đăng Mạnh viết

Subject: Đọc Nguyen Dăng Mạnh viết


Trich đoạn

Nguyen Dang Manh
(Phú Lan sưu ta^`m)

Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là những ngày rất vui. Tuy nhiên, về đời sống vật chất thì vẫn khổ, có khi còn khổ hơn cả thời chiến tranh. Vẫn cơm độn mì hay bo bo. Vẫn xếp hàng chầu chực từ rất sớm để mua gạo mậu dịch. Mì để lâu bị mọt, sinh ra dòi bọ. Tôi đã thấy một lần như thế trong bát cơm của mình. Sợ quá! Ngày tết thì đem bột mì đi thuê làm bánh bích quy và xếp hàng mua hàng Tết. Làm gì cũng phải xếp hàng, phải chầu chực. Quyền thế nhất lúc bấy giờ là bà chủ kho gạo, là cô hàng mậu dịch… Hồi ấy hay nói đùa: “ Đẹp nhất là hình ảnh một người ngồi giữa hai bao gạo đầy”. Đây là lúc Hoàng Ngọc Hiến từng phát biểu một câu rất tội: “Đi đường thấy một xu ai đánh rơi cũng phải nhặt. Kiếm đâu ra một xu bây giờ!” Giới nhà văn cũng không hơn gì. Nguyễn Tuân cũng phải xếp hàng mua bia hơi (ông gọi là bia bơm). Đi đường, ông mang theo một bi đông rượu cuốc lủi, thỉnh thoảng lại rót ra cái nắp uống. Thương cho cụ Nguyễn quá, bây giờ cụ còn sống thì tha hồ Wisky, Cognac… Cán bộ miền Nam tập kết, trở lại quê hương cũng chẳng sướng hơn. Người thì bán cà phê, thuốc lá, người thì bán đá cục, người thì đêm đêm hì hục làm sữa chua để sáng sớm hôm sau chạy đi bỏ ở các hàng quán…

Vào khoảng 1997, 1998 gì đó, Nguyễn Hưng Quốc về nước có đến thăm tôi. Anh vốn là học sinh ở Sài Gòn dưới thời Nguyễn Văn Thiệu. Sau 30-4- 1975, anh ở lại thành phố và học văn ở Đại học sư phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp, anh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. ít lâu sau, anh vượt biên sang Pháp rồi sang Úc và hiện đang làm việc ở đấy.

Anh nói, sở dĩ anh vượt biên không phải vì sợ khổ mà cảm thấy tương lai mù mịt. Anh kể tôi nghe một chuyện thật tội nghiệp.

Hồi ấy còn chế độ bao cấp, mọi thứ thực phẩm đều được phân phối theo tem phiếu, mà tiêu chuẩn thì rất hạn chế. Tuy nhiên do sự tháo vát của công đoàn, thỉnh thoảng anh em cũng được mua thêm ít thịt, ít cá ngoài tiêu chuẩn. Anh nhớ hôm ấy công đoàn kiếm đâu được một mớ thịt đem về chia đều cho mỗi người một suất. Tất nhiên dù chia cẩn thận đến thế nào vẫn không thể đều nhau tuyệt đối được. Trong khi chia thịt, mọi người đứng vây xung quanh. Không ai bảo ai nhưng người nào cũng chăm chăm quan sát các suất thịt xem miếng nào ngon hơn, miếng nào nhỉnh hơn.

Chia xong, bắt đầu nhận phần. ưu tiên nhận trước phải dành cho bậc cao niên nhất trong khoa, ấy là thầy Lê Trí Viễn. Do đã nhằm sẵn, nhằm kỹ trước rồi nên được lệnh, thầy chộp ngay lấy một miếng ngon nhất và có phần nhỉnh hơn các miếng khác một chút.

“Ôi! – Nguyễn Hưng Quốc nói tiếp – em phấn đấu đến bao giờ mới thành giáo sư Viễn để được chộp lấy miếng thịt kia! Phải vượt biên thôi! Vượt biên thôi!”

Tình cảnh cán bộ, trí thức hồi ấy, giờ nghĩ lại muốn rớt nước mắt. Hoàng Ngọc Hiến, sau 1975, có vào Sài Gòn, đến thăm một người họ hàng. Anh nói, khi trở về Bắc, chỉ mong người ta tặng cho mấy thứ đồ điện như tivi, tủ lạnh hay quạt máy. Nhưng do kính trọng ông giáo sư Bắc Hà quá, người ta lại chỉ gửi ra toàn đồ mỹ phẩm đắt tiền để tặng bà giáo.

Anh Lê Quang Long vào Huế cũng gặp phải một trường hợp được kính trọng một cách tai hại như thế. Năm 1977, tôi và anh được mời vào dạy cho Đại học sư phạm Huế – gọi là thỉnh giảng. Trường cao đẳng sư phạm ở gần kề trường đại học mời anh sang nói chuyện. Họ đón tiếp rất long trọng: tặng hoa, và giới thiệu giáo sư bằng những lời lẽ rất to tát, sang trọng. Nhưng chẳng thấy đưa phong bì gì cả. Đợi mãi mấy hôm cũng không thấy gì. Té ra ở trường này có một anh bạn cũ của Lê Quang Long dạy học ở đấy từ trước 1975. Người bạn này một hôm đến gặp anh Long và nói: “Bọn giám hiệu Cao đẳng nó ngu quá! Nó định đưa tiền cho anh đấy. Tôi vội gạt đi: “Đừng làm thế, bất lịch sự! Ông ấy là giáo sư đấy!”

Lê Quang Long nói với tôi: “Mình chỉ mong nó khinh mình, chứ kính trọng thế thì tai hại quá!”



Tôi có một bà chị ở Sài Gòn nên xin được vào thành phố này ngay cuối năm 1975. Hồi ấy muốn vào Sài Gòn phải có giấy phép với lý do có người nhà trong ấy. Có giấy phép thì mới được đổi tiền Bắc lấy tiền Nam và được đưa vào theo một đường dây có tổ chức. Từ Hà Nội đi xe lửa đến một chặng nào đấy thì được chuyển sang ô tô. Chỗ ăn chỗ ngủ đều có người bố trí chu đáo. Lâu rồi, tôi không còn nhớ nơi ăn ngủ dọc đường, chỉ biết là người ta xếp vào những nhà dân đã được chuẩn bị sẵn.

Bây giờ nghĩ lại thấy không hiểu sao hồi ấy tôi không có nổi một chiếc áo veston hay blouson chẳng hạn. Tôi phải mượn ông anh bộ đội chiếc áo kaki bốn túi của sĩ quan để phủ ra ngoài chiếc sơ mi nhếch nhác ( sau này vào thỉnh giảng ở Sài Gòn, bà chị tôi may cho một chiếc áo sơ mi cộc tay bằng vải ni lông trắng. Mỗi khi lên lớp, chỉ có cái áo ấy là trông được. Vì thế ban đêm tôi phải giặt áo phơi trong phòng ngủ rồi mở quạt hong cho khô, sáng hôm sau mặc lại.)

Lần đầu tiên vào Nam, tôi rất xúc động. Thực ra khi dạy ở Đại học sư phạm Vinh tôi đã có dịp được tham quan Cửa Tùng, Vĩnh Linh. Tôi còn nhớ nhìn sang bờ Nam sông Bến Hải, thấy một khẩu hiệu rất lớn quay sang bờ Bắc – cốt cho người Bắc đọc: “ở đâu con tố cha, vợ tố chồng ?”

Bây giờ xe tôi vượt qua sông Bến Hải. Tôi dán mắt vào bên đường cố ghi lại mọi cảnh vật. Đây là vùng nguỵ, có gì khác với miền Bắc ? Bao nhiêu địa danh nổi tiếng thường nghe qua đài phát thanh hay đọc trên báo, nay hiện ra trước mắt

Chỉ có điều chính sách, thái độ chính trị của ta đã khiến họ trở thành xa lạ, thậm chí đối địch. Hồi giải phóng Thủ đô, ta đã đốt sách đốt vở rất nhiều. Sách vở dưới chính quyền nguỵ đều bị coi là văn hóa nô dịch, phải phát động thanh niên, học sinh tập trung lại, đốt hết. Tưởng việc làm quá khích và dại dột ấy không lặp lại một lần nữa, khi giải phóng Sài Gòn. Té ra vẫn thế. Vẫn tập trung và đốt. Tôi đã được chứng kiến những kho sách tịch thu được gom lại ở sở Văn hoá Sài Gòn. Nhiều sách báo rất quý lẽ ra đưa vào thư viện để nghiên cứu đã bị quăng hàng đống dưới đất, chắc rồi sẽ bị huỷ hoại hết. Nghe nói nhiều người dân Sài Gòn sợ liên luỵ, ban đêm đã phải lén lút đem sách vở của thư viện gia đình vất đi. Một hiện tượng thật vô văn hoá, phản tri thức.



Dọc đường trở ra Hà Nội, thấy một hình ảnh rất phổ biến và cũng rất tiêu biểu của những cán bộ, bộ đội được nghỉ phép trở về Bắc: người nào cũng khuân theo một khung xe đạp và một con búp bê nhựa. Lính thì đi bộ, gánh một đầu cái khung xe, một đầu con búp bê. Khung xe cho bố mẹ, búp bê là quà cho con. Sĩ quan thì đi xe ô tô. Đến các bến phà thì lính cũng như quan dừng cả lại để chờ phà sang sông. Lính nhòm vào xe quan, thấy không phải khung xe đạp, mà ti vi, tủ lạnh, quạt điện…

Hồi ấy có câu: “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”. Một cách chơi chữ thật thần tình.

Nguyễn Văn Hạnh nói, tôi làm hiệu trưởng Đại học Huế mấy năm mà không hiểu được bụng dạ người Huế thế nào. Hôm trước vừa phong một anh là chiến sĩ thi đua, vì rất tiến bộ, rất tích cực công tác. Hôm sau được tin anh ta đã vượt biên rồi !



Trần Độ lên thay Hà Xuân Trường phụ trách Ban văn hóa văn nghệ trung ương. Hai ngày 6 và 7 tháng 10 năm 1987, tổng bí thư Đảng Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các văn nghệ sĩ (số 4 Nguyễn Cảnh Chân). Lần đầu tiên giới văn nghệ sĩ được nghe những lời phát biểu đầy tính kích động tự do dân chủ ở một ông tổng bí thư Đảng Cộng Sản. Nào là “cởi trói”, “hãy tự cứu lấy mình”, “không bẻ cong ngòi bút”, “nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật”, “giờ không phải là lúc bón phân cho lúa, phải nhổ cỏ cho lúa có sức mọc lên”, “hồi phụ trách bí thư ở Sài Gòn, tôi đã làm chui nhiều việc đấy. Những anh em dưới quyền tôi sợ quá mỗi khi có Trung ương về thăm. Tôi nói với họ: Các anh cứ làm, nếu phải đi tù, tôi vào tù với các anh”, “hãy giải phóng cho con chim văn nghệ bay cao”..vv…



Chẳng hạn Ái Vân thuật chuyện anh chị em sân khấu khổ cực như thế nào. Cấp phát thì cấp áo, không cấp quần, tất rách không có để thay, khi biểu diễn phải đứng thế nào để che được phía chân đi tất rách. Trong khi người này biểu diễn trên sân khấu thì người khác bán trà chén ở cửa rạp. Ca sĩ Xuân Thanh xưng hô bác cháu với ông Linh, vừa nói vừa khóc: “Đi thi quốc tế, lãnh đạo không cho đi sớm để chuẩn bị, không cho tiền để bồi dưỡng bà giáo Liên Xô tập luyện cho. Nhưng khi được giải thì thu hết tiền.” Hoạ sĩ Nguyễn Thụ tố cáo: “Sang Liên Xô triển lãm tranh, tranh bán được, tiền bị thu hết.” Trường hợp Nguyên Ngọc cũng tương tự. Anh được nhận giải thưởng quốc tế Á Phi (Đất nước đứng lên), tiền thưởng cũng bị thu hết, không bớt cho lấy một xu để chiêu đãi những người đến chúc mừng. Anh lại nói, hồi lãnh đạo Văn nghệ ở quân khu 5, cứ vài tháng anh lại phải lên Cục chính trị lĩnh tư tưởng về cho anh em viết.



Phạm Thị Thành thì nói về chuyện duyệt kịch. Mỗi lần duyệt, chị không quan tâm gì đến hội đồng chuyên môn, mà chỉ chăm chú theo dõi một ông to đầu nào đấy vui chân tạt vào xem. Ông ta gật gù là yên trí lớn, ông ta lắc đầu là hỏng bét. Tào Mạt, sau Cách mạng tháng Tám đã là huyện uỷ viên. Nhưng anh không đi tiếp con đường chính trị mà chuyển sang làm văn nghệ. Anh nói, nếu cứ làm chính trị, anh là người tiến bộ, nhưng chuyển sang làm Văn nghệ thì bị coi là phức tạp.



“tôi đã từng được gặp một ông to, không to bằng anh Linh đâu (ý nói Tố Hữu), tôi thấy ông ấy cứ nói liên miên, chỉ lo ban phát chân lý chứ không nghe quần chúng nói. Nay anh Linh nói ít, để anh em nói nhiều, nội điều đó thôi cũng là rất mới rồi. Về lãnh đạo văn nghệ, tôi cho “lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ”, và dùng lối chăn vịt, “lãnh đạo văn nghệ theo lối chăn vịt đàn.”, “con người mà bị khinh bỉ mãi thì tự nhiên cũng thấy mình nhỏ bé lại, cũng hèn kém. Biết tôn trọng con người thì con người tự thấy mình cao lớn hơn.” Tôi lại ví văn nghệ như con chim. “Nhốt lại nó không hót hay hót không ra gì . Thả nó ra nó hót hay hơn, nhưng lại sợ nó bay mất…”



Tôi nhớ anh Nguyễn Minh Châu nói, nhà văn Việt Nam cả ba thế hệ đều hèn. Trước Cách mạng là nhà văn nô lệ; từ 1945 đến 1975 là nhà văn – lính, rất sợ cấp trên; sau 1975 là nhà văn đói nên cũng hèn.



Bọn bảo thủ và cơ hội chủ nghĩa nổi lên, ngày càng làm mưa làm gió. Trong Nam có Chế Lan Viên, Bảo Định Giang, Anh Đức, Vũ Hạnh, Diệp Minh Tuyền, Mai Quốc Liên, Trần Thanh Đạm, Hoàng Nhân, Phạm Tường Hạnh, Trần Trọng Đăng Đàn… Ngoài Bắc có Hà Xuân Trường, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Đông Hoài, Hồ Phương, Bùi Bình Thi, đám Văn nghệ quân đội, Thành Duy, Lưu Trọng Lư, Nông Quốc Chấn, Hoàng Xuân Nhị,

Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Phương Lựu, Nguyễn Văn Lưu, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Hữu Thỉnh, Hồng Diệu… Cánh này rất có thế lực vì đằng sau có Lê Đức Thọ, Nguyễn Đức Bình, Trần Trọng Tân, Nguyễn Văn Linh … giờ lại xoay ra chửi Dương Thu Hương và Nguyễn Khắc Viện.



Phải nói nghề “đánh đấm” này xem ra khá hấp dẫn với loại người cơ hội chủ nghĩa, vì nếu khôn ngoan ra có thể tiến thân rất nhanh chóng… Nhưng hành nghề này cũng không đơn giản. Phải có một số điều kiện chủ quan:

- Hoàn toàn vứt bỏ lương tâm, cắt hết mọi “dây thần kinh xấu hổ”

– Có biệt tài dối trá, xỏ xiên, bịa đặt, nguỵ biện.

– Có khả năng diễn đạt giáo hoạt, hấp dẫn (tất nhiên đối với loại công chúng văn hoá thấp)

– Thất nghiệp, nhàn rỗi, được nuôi dưỡng đầy đủ để có thể ngày ngày tiêu thì giờ bằng cách sản xuất ra thật nhiều những “văn bản đánh đấm” cung cấp cho nhu cầu chống đổi mới, chống dân chủ.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân