TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Giang hồ xuyên tiểu bang mùa dịch
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Giang hồ xuyên tiểu bang mùa dịch

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Tue Aug 18, 2020 12:04 pm    Tiêu đề: Giang hồ xuyên tiểu bang mùa dịch

Giang hồ xuyên tiểu bang mùa dịch

Hành Trình Lên Miền Trung- Đông Bắc Nước Mỹ


Khi nói về địa lý, du lịch hay hành chính, người ta thường chia nội địa nước Mỹ (không tính Alaska và Hawaii) thành hai nửa Đông và Tây. Tiểu bang Texas mà mình đang ở nằm chính giữa, cực Nam, nên đi về hai phía khoảng cách là như nhau. Sở dĩ người ta hay nói Texas là miền Viễn Tây, bởi lãnh thổ Hoa Kỳ trước đây nằm chủ yếu ở phía Đông, trải qua nhiều đợt mua bán, sáp nhập lớn, Texas mới lọt vào chính giữa.

Nếu cho mình chọn lái xe đi rong chơi, thực sự là mình sẽ chọn cánh Tây, với đại sơn hệ Rocky Moutains, cùng hoang mạc, sông ngòi, bình nguyên, đồng cỏ... Nói chung là màu sắc địa lý phong phú hơn hẳn cánh Đông.


Ảnh: Tác giả bên dòng Ohio, đoạn cắt qua thành phố Cincinati- một trong những đô thị cổ của nước Mỹ, được thành lập năm 1788.


Ở cánh Đông Hoa Kỳ, ngoài dãy núi Appalachia chạy từ phía bắc tiểu bang Georgia lên tới khu vực New England, địa hình có phần đơn điệu. Mà dãy Appalachia, nếu so với Rocky Moutains, thực sự chỉ là một dải núi nhỏ. Nhìn chung, suốt dọc đường đi, từ phía Đông Bắc Texas lên tới cực Đông Bắc Hoa Kỳ, ngút mắt hai bên đường chỉ là rừng cây và các trang trại bạt ngàn. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của miền Đông lại chính là các đô thị cổ kính nhất của nước Mỹ. Vừa mang kiểu Châu Âu, vừa mang màu sắc Hoa Kỳ thời mở cõi. Đây là cái nôi của nước Mỹ, với 13 tiểu bang đầu tiên (gọi chung là New England). Hiện trên lá cỡ Mỹ có 13 cái sọc trắng đỏ, chính là biểu tượng 13 tiểu bang này (kèm thêm 50 ngôi sao là tổng số tiểu bang hiện tại của nước Mỹ).

Hành trình vừa rồi của mình kéo dài từ Houston- Texas, xuyên qua các tiểu bang Arkansas- Tennessee- Kentucky- lên thành phố Cleveland- cực Bắc tiểu bang Ohio, nằm bên hồ Erie, một trong ngũ đại hồ của khu vực Bắc Mỹ. Tổng mỗi chiều hơn 1.300 miles (hơn 2 ngàn km). Hành trình này chưa hẳn đúng là hành trình lên Đông Bắc, vì nó hơi chếch về miền Trung. Vì vậy mình gọi là hành trình lên miền Trung- Đông Bắc.

Hẳn nhiên, vẫn là những con đường phẳng lỳ, với hai bên màu rừng xanh bát ngát lướt qua khung cửa. Nhiều người lái xe đều đều trên con đường này sẽ “thấy cũng đẹp, nhưng mau chán, dễ buồn ngủ”. Tuy nhiên, vì có máu đi, mà đã đi thì phải “ngâm cú” chút ít về địa lý, lịch sử, thậm chí là địa chất, động thực vật... của từng tiểu vùng trong toàn bộ. Đặt chân vào hành trình nghĩa là thực chứng những gì mình đã đọc trước đó. Lúc ấy, mỗi một cây số đường mở ra, trong lòng sẽ tự vỡ òa những cảm xúc kinh nghiệm. Cảm giác buồn ngủ tan biến đâu mất. Vì vậy, mỗi ngày mình có thể lái xe 10- 12 tiếng, liền cả tuần không sao hết!

Thí dụ, sau khi lên đến cực Bắc Texas, mình bắt đầu nhấn vào vùng trung tâm của lưu vực sông Mississippi. Nơi đây là vùng hợp lưu của các dòng sông khổng lồ nhất nước Mỹ: Mississippi- Arkansas- Ohio- trên chút nữa là Missouri... Như người ta nói, mọi nền văn minh đều bắt đầu từ các con sông. Vùng châu thổ phì nhiêu này đã tạo nên những đồn điền mênh mông của nước Mỹ xưa và nay. Phía Bắc trồng bắp, hoa màu, phía Nam trồng bông vải, thuốc lá... Những đồn điền ấy gắn với lịch sử lập quốc, gắn với nội chiến, gắn với chế độ nô lệ- giải phóng nô lệ. Dọc theo những con sông, những thành phố dần mọc lên, khởi nguồn từ các cảng nội địa, những vùng kỹ nghệ khai mỏ, chế biến nông sản, đường, cao su... Mình đã đi qua những thành phố xa mù trong ký ức nước Mỹ ấy, như Little Rock, Memphis, Nashville, Louisville, Cincinati, Columbus...

Ngoài lịch sử, mình nhìn thấy phù sa, thấy những vỉa trầm tích bên đường, thấy sự thay đổi dần lên hướng Bắc của hệ thực vật. Từ cây bụi ở phía Nam, lên rừng bán nhiệt đới ở miền Trung, lên hệ cây lá kim ở phía Bắc. Ngoài ra còn bao thứ khác, kiến trúc, nghệ thuật (rõ nhất là âm nhạc), đường sá, trang phục của dân từng vùng... Thậm chí, nếu để ý kỹ, ngay cả cách làm đường ở mỗi vùng, mỗi tiểu bang cũng có những sắc thái riêng, trong toàn bộ quy định chung. Nếu kể ra cho hết chắc hơi dài.


Một ngã tư tại thành phố Little Rock, tiểu bang Arkansas.


Thực sự lái xe ở Mỹ, như mình đã từng kể, nó vừa dễ vừa khó. Dễ ở chỗ đường sá mênh mông, hầu như nơi nào cũng là xa lộ. Kiểu lái xe của dân Mỹ nhìn chung thân thiện, đúng luật- bởi không đúng luật là lãnh hậu quả mệt nghỉ. Cái khó khi lái đường xuyên tiểu bang là tốc độ các xe luôn duy trì ở mức rất cao, thường khoảng 130- 150 km/h. Cái cảm giác đạp ga qua một chiếc xe tải 18 bánh (thậm chí là cả đoàn xe tải, mỗi chiếc dài hơn 20 mét), nó rất dễ run. Phải ra vào cực kỳ nhịp nhàng, tránh hết sức chạy song song với các xe khác. Đó là chưa kể, khi chạy ngang các đô thị lớn, tốc độ các xe vẫn rất cao. Đường sá phân làn nhằng nhịt, phải căng mắt chọn lane, xin đường, rẽ phải rẽ trái... Trong khi bủa vây quanh mình là hàng trăm chiếc xe khác đang lao điên cuồng. Chỉ cần chậm một giây là có thể lạc hướng, hoặc lúng túng một nhịp là... tan xác như chơi. Khi lái xe xuyên tiểu bang, nên có kỹ thuật định hướng tốt Đông- Tây- Nam- Bắc. Phải coi trước hành trình mình sẽ đi về hướng thành phố nào, để kịp thời nhìn bảng báo hiệu... Nhưng khi đã lái quen, cái cảm giác xuyên qua một đô thị nó... rất đã, giống như mình... tán được một phần nước Mỹ vậy.


Vùng núi tiểu bang South Dakota


Tiểu bang Arkansas

Sếp gọi điện hỏi: Anh cùng team đi mần cái “phóng sự” về mấy công ty mở cửa sau dịch được không- mà đi xuyên tiểu bang, đi xa? Nghe nói đi là gật như giã gạo liền chớ gì nữa! - Ờ mà anh thích đi phi cơ hay chạy xe, có sợ dịch không?- Với mình, dù đi đâu, cái “được đi” không phải là nơi đến mà chính là con đường tới đó. Thí dụ, cho du lịch New York, nếu lên phi cơ, tới nơi chui vô khách sạn, rồi xếp hàng chụp vài kiểu hình với “Bà già cầm đuốc”, hoặc con bò chổng “pin” nơi Wall Street, sau đó về post Facebook, thì coi như chuyến đi đó gần như... vô nghĩa. 95% cái sự thú vị nằm trên con đường du ngoạn chứ không phải điểm đến.

Nhân đây, cũng nói luôn về dịch bệnh. Thiệt tình hành trình cả tuần, đêm ngủ khách sạn, ngày ăn nhà hàng, trong khi virus nó lơ lửng ngoài kia, ai hổng ớn. Thậm chí, khi sắp lên đường, có người còn còm trên trang Facebook mình giống như... trù ẻo! Mình thực ra cũng là thằng kỹ tính, ngày nào cũng lên cập nhật tình hình virus trên tất cả các trang tin tức. Tuy nhiên, so sánh toàn bộ dịch Wuhan Virus lần này với cúm mùa hằng năm là... vẫn nhẹ. Tỉ lệ người nhiễm virus nhưng phát bệnh chỉ khoảng 20- 30%. Tỉ lệ tử vong trong đó cũng thấp. Nạn nhân chủ yếu là người cao niên. Cái con số tử vong “khổng lồ” mà Mỹ công bố thực chất đã “được” cộng ráo trọi những người chết trong kỳ dịch này. Cứ cộng, tuyên bố đã, sau đó mới phân tích ai chết vì nguyên nhân gì sau.


Con đường tác giả và nhóm bạn vừa đi trên bản đồ miền Đông nước Mỹ.


Mình lên trang thống kê virus của chính phủ Mỹ. Họ làm một cái bản đồ rất khoa học, với hình liên bang. Sau đó nhấp vô từng tiểu bang, sẽ bung ra hình các quận (county), nhấp vô mỗi quận, sẽ ra số ca nhiễm virus. Trước khi đi, mình lập bản đồ hành trình. Thấy cả bốn tiểu bang đi qua đều là tiểu bang “đỏ”, nghĩa là tiểu bang Cộng Hòa. Mà tiểu bang Cộng Hòa thì mở cửa sớm, trên lý thuyết là dễ dính virus hơn. Mình rà theo hành trình, ước tính đoạn nào sẽ ăn trưa, đoạn nào sẽ nghỉ tối. Sau đó rà xung quanh khu vực dự tính nghỉ, thấy vùng nào ít virus, mình đánh dấu để anh em chọn nghỉ lại.

Nói về hệ thống khách sạn dọc các xa lộ Mỹ cũng là cả một bài dài. Bình dân nhất là các motel (Việt Nam dịch thoát là lữ quán), chữ gốc kết hợp giữa “mô tô” và “hâu theo”, thành “mô theo”. Tức trong lịch sử, mấy chàng chạy mô tô giang hồ, đêm hay ghé ngang nghỉ ở mấy chỗ này. Thực tình là trên đường thiên lý xưa giờ, mình chưa khi nào nghỉ motel. Tất nhiên là nó không đến nỗi quá tệ, nhưng trong phim kinh dị, hay tội phạm, mấy motel xuất hiện khá nhiều. Với ánh đèn heo hắt bên đường, anh chàng tiếp tân lầm lì bí ẩn, trong phòng luôn có... nhiều ma và mấy gã tội phạm có thể xách súng xả ì xèo rồi biến. Cao cấp hơn motel là hàng loạt hệ thống khách sạn, từ trung bình đến trung bình khá, thường có chữ inn phía sau...



Ở Việt Nam, thường nghe nói về hệ thống Hilton như một định vị cao cấp. Ở Mỹ, Hilton sở hữu chuỗi khách sạn với nhiều nhãn hiệu khác nhau, trải dọc các xa lộ liên bang. Mình cũng từng ở vài lần. Nói chung là gọn gàng, sạch sẽ, hiện đại, nhưng tất cả ở trong một khối hộp khá đơn điệu. Đặc biệt, ăn sáng trong các khách sạn Âu- Mỹ là một... thảm họa với không ít người Việt, vì thực đơn hầu hết là món ngọt, ngọt gay gắt. Lâu lâu có chỗ thêm món trứng đánh sệt, hoặc vài cây xúc xích. Thua xa thực đơn ăn sáng phong phú trong mấy resort hay khách sạn Việt Nam.

Gần đây, cũng như Uber trong lãnh vực vận tải, loại hình Airbnb trong lưu trú phát triển rất nhanh khắp toàn cầu, ở Mỹ cũng vậy. Người ta dư ra một căn nhà, hoặc đầu tư mua kinh doanh loại hình này. Khách có thể đặt thuê qua app trên mạng, nguyên căn. Rất riêng tư, rộng rãi, với đầy đủ mọi thứ tiện nghi. Công ty mình khi đi xa thường dùng Airbnb. Thuê nguyên căn, mỗi đêm khoảng 150- 200 đô, ở 3- 4 người thoải mái. Có thể nấu ăn, nhậu, thậm chí cả... karaoke! Khi đến mỗi thành phố, nhóm mình thường ghé siêu thị, mua các loại đồ ăn chế biến nhanh, sau đó lôi về Airbnb hí hoáy chút đỉnh là có... mồi bén. Mấy miếng thịt bò khổng lồ, mềm nhức răng, uống cùng bia lạnh sau một ngày hành trình, nó đã thôi rồi. Lần này, mỗi khi ghé một căn nhà mới, mình lại lấy chai cồn đem đi xịt vòng quanh các nơi, cho dù chủ nhà trước đó cũng đã xịt rồi.


Một đoạn xa lộ Interstate 30, ngang Arkansas (ảnh Nguyễn Danh Lam)


Nhóm mình có 3- 4 người, ngoài công việc chuyên môn, mỗi tên cũng có chút khả năng riêng. Mình rành địa lý, đường sá, thích lái xe, nên được giao làm “cán bộ đường lối”. Một anh bạn rất giỏi nấu ăn, nên giao hắn việc đi chợ, nấu nướng. Một anh khác rành thủ tục, giấy tờ, tiền bạc nên giao làm quản lý chung. Trước mỗi chuyến đi lại lên nhóm chat, phân công nhau mọi thứ, đem theo vật dụng gì, chuẩn bị ra sao, hành trình thế nào... Công việc cứ thế vận hành... mềm mại. Có thể đi khắp nước Mỹ mà không ngán!

Ở Mỹ, mỗi khi bước vô một tiểu bang, Google Maps luôn thông báo: Chào mừng bạn đã đến... Cảm giác lúc ấy nó lâng lâng gì đâu. Nhất là với những tiểu bang lần đầu mình được đặt chân tới. Giữa các tiểu bang, họ vẫn dùng chữ border- tức là biên giới chứ không phải ranh giới. Vì ở Mỹ, mỗi tiểu bang có những quyền tự trị riêng, luật pháp, thậm chí cả ngôn ngữ cũng có những điểm khác biệt nhất định. Vì vậy, vô một tiểu bang có thể như vô một tiểu quốc.

Chếch về hướng đông bắc Texas, trên hành trình của tụi mình là tiểu bang Arkansas. Hồi còn ở Việt Nam, mình nhớ cách đọc tên rất cắc cớ của hai tiểu bang: Kansas và Arkansas. Cùng có cái đuôi là kansas, nhưng tiểu bang Kansas thì đọc là “Ken zợt”, còn tiểu bang Arkansas thì đọc là “Á ken sò”. Arkansas là một tiểu bang khá nghèo ở Mỹ. Hồi đó đọc cuốn “Các đời tổng thống Hoa Kỳ”, nhớ ông Bill Clinton, sau 2 nhiệm kỳ làm thống đốc Arkansas đã có nhiều cải cách ở tiểu bang này, đặc biệt là về mặt giáo dục, khiến tiểu bang... đỡ hơn xưa. Nhờ thành tích này ông Clinton đã đắc cử tổng thống liên bang.

Với những người đã ngán cái địa hình phẳng lì của Texas, khi lên tới Arkansas bắt đầu thấy sự thú vị của núi đồi. Trong tiểu bang này có một số dãy núi nhỏ, cùng cao nguyên, khiến cho con đường trước mặt lượn sóng nhấp nhô. Arkansas cũng là tiểu bang duy nhất tại Hoa Kỳ có kim cương tự nhiên, vì vậy khi lái xe dọc tiểu bang này, mình cũng chú ý nhìn thử coi có thấy kim cương không, nhưng rất tiếc là xe chạy hơi nhanh nên không thấy (!)

Trên hành trình, tụi mình ngủ lại Arkansas một đêm, ngay thủ đô- thành phố Little Rock. Anh bạn đặt phòng sao đó không để ý, nên căn nhà tụi mình thuê nằm giữa một khu... da đen. Và chủ nhà cũng là một người da đen (thấy qua app thuê nhà). Lái xe tới đó vào buổi chiều tà, nhìn thấy xung quanh toàn các bạn... đậm màu, như một phản xạ tự nhiên, hai tên bạn đi cùng thấy... lạnh lạnh qua tai. Nhất là tình hình “nổi loạn” của người đa đen lúc ấy cũng đã bùng phát được 4- 5 ngày.

Chiếc xe của tụi mình chạy cũng là loại xe khá xịn, đêm quăng nó chơ vơ ngoài đường, kể ra cũng lo lo. Mở cửa căn nhà, thấy được làm cho kiên cố hơn thêm nhiều lớp rào sắt, cái cảm giác “lo lo” lại càng tăng cao. Tuy nhiên, tụi mình đã trải qua một đêm hết sức bình an. Cái cảm giác ở trong căn nhà của một người da đen cũng rất thú vị. Trên tường nhà treo rất nhiều bản các bức tranh cổ của nước Mỹ, từ thời đồn điền lập quốc. Những người đa đen mặc váy rộng, hái bông trên cánh đồng. Ngay cả bàn ghế, giường ngủ của họ cũng có nhiều nét riêng, như thể mình được trở lại với những đồn điền xa xăm trong ký ức nước Mỹ.

***

Thuở còn đi mướn video về coi, một lần mình vớ trúng một bộ phim khá dài, tới 2 cuộn video. Coi xong phim đó, mình ấn tượng vô cùng, đó là phim Tank (1984). Thực ra phim này chẳng có gì sâu sắc, nó kể về một ông cựu binh, sở hữu chiếc xe Tank Sherman cổ điển từ Thế chiến II. Vì mâu thuẫn với cảnh sát địa phương, ông đã cho chiếc tank (tăng) này nã nát đồn cảnh sát, rồi cùng cậu con trai lên xe bỏ chạy từ tiểu bang Georgia, qua tiểu bang Tennessee. Trải dài theo cuốn phim là cảnh rượt đuổi giữa cảnh sát và chiếc tăng, băng qua những cánh rừng xanh ngút mắt, đẹp mê hồn. Từ đó mình găm trong đầu cái tên tiểu bang Tennessee. Nhớ, vì nó nhiều rừng, đẹp mê mẩn, chớ không phải do tên nó giống tên một... hãng rượu.

Thuở ấy, mê thì mê vậy, như kiểu mấy em gái mê diễn viên Hàn, chớ biết Tennessee nó ở đâu, làm sao đến được đó. Sau khi đã qua Mỹ, biết hết tiểu bang nào nằm ở đâu, mình vẫn thầm hò hẹn Tennessee để thỏa mãn... mối tình đơn phương qua chiếc xe tăng ngày xưa.

Giờ thì nhấn ga, bỏ lại tiểu bang Arkansas, nghe cô nàng Google Maps thánh thót: Welcome to Tennessee, lòng mình như ông già gặp lại tình cũ. Tuy nhiên hỡi ôi, đời không như là mơ- cái cảm giác ban đầu về Tennessee nó cũng như gặp lại tình cũ năm nay đã... 50 tuổi!

Tennessee không đón mình bằng những cánh rừng, mà là một thành phố khá “ngầu”- Memphis, giống như ấn tượng về New Orleans ở phía Nam- Memphis nằm bên dòng sông khổng lồ Mississippi, ngược lên hướng thượng nguồn. Một thành phố nổi tiếng với âm nhạc quần chúng. Tennessee được coi như cái nôi của nhạc country. Memphis thành phố lớn nhất của tiểu bang này chính là nơi mất của Vua nhạc Rock and Roll- Elvis Presley.


Một đường phố ở Memphis, Tennessee (Getty)


Cũng như nhiều tiểu bang thuộc lưu vực Mississippi, với những đồn điền xưa cũ, dùng nhiều nô lệ da đen. Hậu duệ của họ giờ cũng tập trung ở vùng này. Vì vậy Memphis cũng nổi tiếng là một thành phố với nhiều người da màu. Coi trước trên... bản đồ virus, hạt bên kia sông, thuộc Arkansas số người nhiễm virus chỉ hơn 300, vậy mà qua hạt bên này, thành phố Memphis, số người nhiễm virus là hơn 4 ngàn! Nhân đây cũng nói thêm, tỉ lệ nhiễm và tử vong bởi Wuhan virus ở Mỹ, các bạn da màu chiếm đa số. Bởi các bạn hay sống trong các khu chung cư, hay “nhà tập thể”. Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe bus, hay xe điện ngầm- vì vậy rất dễ lây lan. Các bạn lại thường ăn fast food, nhiều đạm, dầu mỡ, nên dính nhiều bệnh nền, khi virus tấn công, các bạn không cự nổi. Mà thôi, bàn nhiều về vụ này sẽ lại dính sang vấn đề khác, mình xin lướt qua.

Vừa qua cầu, hướng vô thành phố, đúng một buổi chiều nắng đẹp, mình nghe tiếng mô tô nổ ầm ĩ phía sau. Một đoàn khổng lồ, toàn các bạn da đen, mỗi bạn một chiếc mô tô bự khủng, lạng lách vèo vèo, dàn hàng, chỉ trỏ... “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Một thành phố lạ, xe đông, đường đan ngang đan dọc, đổi hướng liên tục, lại thêm đoàn mô tô khủng, chạy rất ư... bất cần đời, thiệt tình mình muốn quéo giò vì các bạn! Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, dân mô tô ở Mỹ thì “da” nào cũng “ngầu” như nhau. Gặp đám mô tô da trắng cũng quéo giò chớ giỡn à. Ở Mỹ và cũng như nhiều nơi, chiếc mô tô (hẳn nhiên là phân khối lớn) gắn liền với tính tự do, nổi loạn, nhiều khi dính với băng đảng, mang màu sắc cực đoan. Nói về vụ này chắc lại cần cả bài dài. Mình tạm để dịp khác.

Băng qua Memphis, thực sự mình khá ấn tượng. Cái ấn tượng thiên về một vùng được coi là “phức tạp”, nhưng cũng đầy màu sắc văn hóa quần chúng. Mình xin không kể thêm khi đã có... Google. Đêm ấy, tụi mình đã tính ghé nghỉ ở khu vực Memphis, nhưng sau khi “coi lại”, mình ráng đạp thêm một tiếng rưỡi nữa để lên thành phố phía trên. Và có một đêm bình an tại đó.

Nguyễn Danh Lam


còn tiếp

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Thu Aug 20, 2020 5:51 am    Tiêu đề: Giang hồ xuyên tiểu bang mùa dịch (tiếp theo)


Giang hồ xuyên tiểu bang mùa dịch (tiếp theo)


Lướt qua Tennessee, tụi mình tiến vào một tiểu bang mới, với cái tên vô cùng quen thuộc, có lẽ không bạn nào ở VN không biết, vì nó gắn liền với... món gà rán KFC- viết tắt của Kentucky Fried Chicken. Như mình đã đưa cái hình mấy bữa trước, khi ngang tiểu bang này đúng bữa trưa, tụi mình cùng nghĩ, phải ghé cái tiệm KFC nào ăn thử, coi món gà rán trên quê hương của nó ra sao. Thực chất tụi mình cũng biết, KFC đã được nhượng quyền thương mại (franchise) toàn thế giới, nên chẳng còn mấy ý nghĩa cái chuyện gốc gác nữa. Quả thực, món gà ở đây cũng chẳng khác gì các nơi khác, cục nào cục đó bự chảng, đầy dầu, mau ngán và có phần mặn hơn các nơi khác. Thực sự là một món ăn bình dân, mỗi suất có giá chỉ bằng phân nửa suất ăn trong một nhà hàng trung bình. Một món ăn cho dân nghèo, hoặc cần tranh thủ thời gian. Vì vậy người nghèo ở Mỹ thường béo phì nhiều hơn là người giàu.


Louisville, Kentucky


Dù đã nằm ở vĩ độ trung, chếch lên bắc nước Mỹ, nhưng Kentucky vẫn được coi như một tiểu bang miền nam. Với nhiều đặc điểm xa xôi, trước nội chiến. Đặc biệt, đây là tiểu bang khai sinh vị Tổng thống luôn luôn đứng số 1 hoặc 2 trong bảng xếp hạng các Tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ: Abraham Lincoln.

Lái xe qua Kentucky, dường như mình nghe cái “mùi” nước Mỹ xa xôi lướt trong gió, không phải “mùi” đô thị của khu vực New England, mà là cái mùi đồng quê, mùi đất, pha thêm cả mùi... khói súng. Con đường Interstate 65 chạy dọc từ Nam lên Bắc Kentucky là một trong số ít các con đường xuyên tiểu bang có 3 làn mỗi bên. Thường kết cấu các con đường xuyên tiểu bang, khi đã qua khỏi các đô thị là mỗi bên 2 làn. Vì đường rộng, thoáng, nên đạp ga ở Kentucky rất đã.


Thị trấn nhỏ tại Kentucky, ngoại ô thành phố Louisville (ảnh: Nguyễn Danh Lam)


Tụi mình chọn nghỉ đêm tại một thị trấn nhỏ thuộc ngoại vi thành phố Louisville, thành phố lớn nhất Kentucky.

Lái xe vào thị trấn lúc chiều tà, mình choáng váng, không ngờ lại được lạc vô một nơi chốn cổ kính, xinh đẹp, đặc sệt màu sắc một thị trấn trong phim Mỹ mà mình từng coi. Cả thị trấn nằm giữa rừng cây, những con đường nhỏ uốn lượn qua sườn đồi xanh ngắt. Những ngôi nhà cheo leo, ven dốc.

Căn nhà tụi mình thuê qua mạng cũng đặc sệt mùi cổ kính. Y như những căn nhà hay gặp trong... phim ma. Khi tụi mình mới đến, một cơn mưa nhỏ vừa đổ xuống, đủ để khiến không khí thêm mùi ẩm mục. Đẩy cửa bước vô nhà nghe tiếng sàn gỗ chuyển động dưới chân. Những hành lang, cầu thang nhỏ, sâu hút, rờn rợn. Nơi sân sau, patio phủ đầy xác lá. Trên đầu, rừng xanh ngắt phủ trùm. Đặc biệt, khi ba tên đi khám phá phòng ngủ. Nhà có ba phòng, nhưng hai phòng trên lầu. Trong đó có một phòng nằm nơi gác xép. Chui đầu vô căn phòng này, hai tên đồng nghiệp trẻ tuổi không còn rờn rợn nữa mà... lạnh ngắt luôn. Cả hai tên cắm đầu chạy xuống... giành nhau tầng trệt.

Mình được thể, tưng tửng nói: Mấy ông nằm ở phòng nào, giường nào cũng vậy thôi. Thường thì trong những căn nhà cổ như vậy đã có nhiều thế hệ sống và qua đời rồi. Vì vậy trên cái giường nào cũng có ít nhất vài người đã chết nằm trên đó. Vì vậy chạy đâu cho thoát. Hai ông cứ chọn trước đi, phòng nào không dám ngủ thì để tui. Và tất nhiên, đêm ấy mình ngủ trong căn phòng trên gác xép. Để tăng thêm phần hồi hộp cho đồng bọn, mỗi khi bước vô chỗ nào trong căn nhà, mình lại chào: Hello, có ai trong này không?

Đêm ấy, tụi mình tính đóng một... đoạn phim ma trong căn nhà đó, nhưng mùa hè, trời tối rất trễ, đêm xuống thì cũng đã quá khuya, lại kẹt... uống bia và ngủ, nên ý định đành gác lại.

Tiểu bang Ohio.

Trong lịch sử nước Mỹ, Ohio là một tiểu bang khá thú vị. Đây từng là vùng đất biên giới giữa Anh và Pháp tại Bắc Mỹ. Nói một cách vắn tắt, thuở đó nước Mỹ nằm khoảng ¼ lãnh thổ hiện nay chếch về phía Đông Bắc. Toàn bộ vùng miền Trung (khoảng 15 tiểu bang) thuộc Pháp. Nên hai bên hay xảy ra xung đột. Cho đến 1803- 1804, vì cần chiến phí chinh phạt Âu châu, Napoleon đã bán toàn bộ vùng đất miền Trung cho Mỹ. Khu vực Ohio ở giữa hai bên cũng gia nhập liên bang Hoa Kỳ. Và từ đó, nước Mỹ có hơn nửa lãnh thổ hiện nay nằm về phía Đông. Trước đây đọc lịch sử Mỹ, giai đoạn này chia ra đủ phe phái, hình dung đến nhức đầu, nhưng thú vị. Giờ được đặt chân tới nó, thấy bồi hồi ghê gớm.


Hồ Erie, Ohio


Về địa lý, Ohio là một trong các tiểu bang nằm sát khu vực Ngũ đại hồ Bắc Mỹ. Gồm các hồ Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior- gộp các chữ cái đầu là HOMES. Từ hàng triệu năm trước cho đến cách đây khoảng 10 ngàn năm, trái đất trải qua nhiều kỷ băng hà. Nhiệt độ giảm mạnh và băng lấn sâu xuống hầu hết Bắc Mỹ. Trong giai đoạn ấm hơn, băng bắt đầu tan, hàng triệu khối băng khổng lồ trôi chảy, đã bào mòn khu vực và tạo thành nhiều hồ, thậm chí bờ biển. Nên nhìn lên khu vực gần vòng cực Bắc, từ Âu châu sang tới Canada, các bạn có thể thấy một địa hình rất... tan nát vì các khối băng đã “cứa” như thế.

Chỉ là sự tích tụ hay tan chảy của những khối băng mà bao điều kỳ thú của thiên nhiên đã được tạo thành. Đứng bên những mặt hồ bao la như biển cả này, mới cảm nhận rõ sự kỳ vĩ của tự nhiên. Lượng nước ngọt trong ngũ đại hồ, nếu đem đổ vô lãnh thổ Hoa Kỳ, thì toàn bộ 48 tiểu bang nội địa sẽ chìm sâu dưới gần 3 mét nước.

Biên giới giữa 2 tiểu bang Kentucky và Ohio về phía Tây Nam cũng được ngăn cách bởi một dòng sông là dòng Ohio. Thành phố lớn, nằm chung trên cả hai tiểu bang là thành phố Cincinnati. Ở Mỹ có rất nhiều thành phố lớn nằm trên cả hai tiểu bang như thế. Bắt đầu từ Cincinnati, hất ngược lên hướng Đông Bắc, nước Mỹ bắt đầu mang màu sắc các đô thị, khu kỹ nghệ... nhiều hơn là màu sắc nông nghiệp, đồn điền như phía Nam. Dù vậy, các nông trại, các cánh rừng vẫn nối tiếp nhau bát ngát.

Tụi mình ghé thành phố Cincinnati, dừng xe bên bờ sông Ohio, đứng trên cầu Taylor Southgate nhìn về mọi hướng. Mặt sông mênh mông, cuồn cuộn phù sa.

Cứ đứng bên mỗi dòng sông mình lại nhớ bài Tràng Giang của Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao, dù “lưu lạc” chân trời góc bể, nhưng mình không hề mang cảm giác buồn. Mình đã từng đứng bên nhiều dòng sông đặc biệt của nước Mỹ, hay nhiều nơi khác nữa trên địa cầu này, cảm giác cũng y như vậy. Thay vì buồn, mình chỉ thấy tâm khảm tràn lên một niềm hưng phấn mãnh liệt: Mình đã được đến đây, quê hương mình chính là địa cầu này, với một bà Mẹ chung là Mẹ Thiên Nhiên. Mẹ ruột mình, anh em mình, đồng bào mình... đều là con chung của bà Mẹ vĩ đại này. Có được sự liên kết và cái nhìn toàn bộ này, đi đâu mình cũng thấy nơi ấy là quê hương, cũng là nhà của Mẹ. Nếu đi xa mà buồn, sẽ rất khó đi xa. Cũng như muốn giang hồ mà “Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà” (thơ Phạm Hữu Quang) thì làm sao giang hồ được?

Rời Cincinnati, tiếp tục ngược lên hướng Bắc, con đường nhấn vào vùng rừng cây lá kim. Những cây thông như cây thông Noel, hoặc các loại cây cùng họ tạo một cảm giác rất khác. Nếu đi tới vùng này vào mùa Đông, chắc mình sẽ đổi chiếc xe hơi lấy chiếc xe... tuần lộc của ông già Noel để lướt cho nó đã.


Tác giả trên cầu Taylor Southgate tại thành phố Cincinnati.


Nhắc đến tuần lộc, mình phải nói chuyện nai. Khắp nước Mỹ, như mình đã kể, trên mọi cung đường đều có nai, hay các loại thú khác... rình rập lao ra. Tuy nhiên khi nhấn sâu về hướng Bắc, nai càng lúc càng nhiều. Chúng đứng lơ ngơ, đẹp như... thơ, dọc bên đường. Và tất nhiên, khi... buồn buồn, chúng lao ra đường, dù hầu như nơi nào nhà chức trách cũng ráng dựng hàng rào ngăn cách. Mình vô cùng đau lòng, khi liên tục thấy xác nai nằm cạnh đường, mỗi dặm có thể gặp một vài cái xác như thế. Nai vào mùa này thường là... nai tơ, cây cỏ lại xanh tốt, chúng cứ thế lang thang. Với các quán nhậu ở Việt Nam thì chúng hẳn là mồi... cực bén. Nhưng nai ở đây dày đặc, chúng sinh sản nhanh và chẳng mấy ai săn bắn, nên dư thừa để... xe tông phải. Nhìn xác nai mà nghĩ, giờ có “đường dây”, chỉ cần kiếm chiếc xe tải nhỏ, chạy long rong đi lượm xác nai bên đường, đem về mần sơ sơ, bỏ tủ đá, xuất qua Việt Nam, chắc cũng đủ mở chuỗi nhà hàng “Nai thiệt 100%”, ít ra là khắp Sài Gòn!

Thành phố kế theo về hướng Bắc của Cincinnati là thành phố Columbus- thủ đô tiểu bang Ohio. Tất nhiên nghe cái tên này, ai cũng hiểu nó xuất phát từ đâu. Đó là cái tên nhà hàng hải đã khám phá ra châu Mỹ. Trước đây tại Mỹ có một ngày quan trọng là Columbus Day, nhưng về sau, để tránh đi sự nhạy cảm với người da đỏ địa phương, ngày này không còn là một ngày nghỉ lễ quốc gia. Dù cho chính Columbus cũng chẳng thể can thiệp tới lịch sử hậu bối. Tụi mình đi qua Columbus hai lần, đi và về. Lần đầu chạy xuyên qua nó, lần sau, vì ngay giờ cao điểm nên né qua ngoại vi, chạy vô vùng nông thôn.



Cứ mỗi khi lái xe vô vùng nông thôn, tự nhiên mình lại lẩm nhẩm hát bài “Take me home, country roads” của cố ca nhạc- sĩ, thể loại Folk- John Denver. Tuy nhiên, mình giật mình khi nhìn thấy một tấm bảng báo có hình chiếc xe ngựa. Trong đầu bỗng sực nhớ, đây chính là logo của nhóm người nổi tiếng xa lánh xã hội hiện đại tại Mỹ. Nhóm người này di cư sang Mỹ từ Thụy Sĩ khoảng đầu thế kỷ 18, dùng ngôn ngữ Đức- Thụy Sĩ, họ chủ trương duy trì Ki tô giáo truyền thống, giảm tối đa sự ảnh hưởng của đời sống kỹ thuật hiện đại. Không lái xe hơi, cấm dùng máy chụp hình, hay đi phi cơ... Vùng định cư mới của họ là ở tiểu bang Pennsylvania và phụ cận. Và nơi tụi mình đang chạy qua lúc ấy đã rất gần Pennsylvania. Mình vô cùng thích thú khi thấy một người đàn ông râu trắng như cước, dài đến ngực, với chiếc nón có một vòng đen đặc biệt, điều khiển một cỗ xe ngựa vừa lướt qua bên xe mình. Họ là người Amish. Lái xe xuyên tiểu bang trên đất Mỹ, có những điều lý thú như vậy. Mình cứ lần lượt bắt gặp những thứ chỉ thấy trên trang sách trước đây. (Hình kèm bài lấy từ internet vì mình không kịp chụp).


Một người Amish cưỡi xe ngựa băng qua tấm bảng vận động bầu cử ở Pennsylvania (Getty Images)


Ngược hướng bắc, qua Columbus, tụi mình đến đích của hành trình lần này là thành phố Cleveland, nằm bên bờ hồ Erie, thuộc Ngũ đại hồ, giáp biên giới Canada. Đây là một thành phố cổ của nước Mỹ, thành lập sau quốc khánh Mỹ chỉ 20 năm.

Dân từ Texas, đường sá, nhà cửa rộng rãi đã quen, lên tới khu vực này dù đã cầm lái qua nhiều thành phố lớn, mình cũng... quáng gà khi tấp xe vô căn nhà đã thuê. Vì kết cấu nhà ở Texas và nhiều tiểu bang khác không phải vùng Đông Bắc, khu dân cư ít khi nằm ngoài mặt tiền các con phố. Cứ lái xe từ cao tốc vô đường nhánh, rồi từ đường nhánh vô đường nhỏ hơn, cuối cùng là vô khu dân cư. Vô tới khu dân cư thì hầu như chẳng còn xe nào khác ngoài xe của các nhà chung xóm. Lối vô các nhà luôn rộng rãi, chỗ để xe trước nhà cũng rất thoải mái. Còn tới Cleveland thì khác. Căn nhà tụi mình thuê nằm trên phố chính, chỉ có 2 làn xe, xuôi và ngược chiều. Mình rà xe chậm chậm để kiếm số nhà, phía sau có mấy chiếc xe khác đang nối đuôi. Đường phố khi mình tới đã vào đêm, căng mắt kiếm số nhà mà vẫn phải lái ít ra đúng tốc độ tối thiểu, lối vô nhà lại nhỏ vừa một chiếc xe. Khi thấy số nhà thì xe đã... lướt qua, không thể thắng lại, cài số de. Thế là đành... lái tiếp. Mình phải đảo 3 vòng mới tấp vô đúng driveway của căn nhà đã thuê. Bởi vậy dân Mỹ ghét ở trong nội thị, họ chọn ra ngoại ô, thoáng mát, tự do.

Và đó lại là một căn nhà cổ. Trước nhà có một cây phong lớn, vào mùa thu hẳn đẹp mê hồn. Thảm cỏ, bồn cây trước nhà có phần... nhếch nhác hơn nhiều nơi khác. Vì cũng như mấy... cụ già, ít khi muốn dòm ngó, tỉa tót lại nhan sắc mình nữa (hình kèm). Ngoài ra còn có một nguyên nhân, các thành phố ở phía bắc hầu hết thời gian trong năm từ khá lạnh đến rất lạnh, cây cỏ vừa xanh đã tàn, nên rất khó chăm sóc. Bởi vậy muốn tỉa tót cảnh quan quanh nhà cũng khó.


Cái Duyên Để Được Đi
Và Ai Cũng Có Cái Duyên Của Riêng Mình

Sau khi lên mấy kỳ, tiếp nối câu chuyện “giang hồ Mỹ quốc”, mình xin có một tiểu kết:

Như một cái duyên vô cùng lớn, hồi nhỏ, chính vì có chút khiếu vẽ vời, biết... phóng lớn tô màu, nên khoảng từ lớp 6 về sau, cứ đến các môn Địa Lý, hay Lịch Sử, giáo viên cần bản đồ phóng lớn là cả lớp lại giao mình. Cũng chính vì hí hoáy vẽ, nên mọi hình ảnh sông ngòi, núi non, địa hình, địa danh; hay các trận đánh, các hướng tấn công... đã ăn vô đầu từ trước, nên đến bài giảng của thầy cô mình mau thuộc hơn. Và cũng từ đó mình mê hai môn này hồi nào không hay. Không chỉ riêng lịch sử- địa lý VN mà còn lịch sử- địa lý thế giới.


Tác giả trên cầu Taylor Southgate, thành phố Cincinnati, Ohio


Từ mê mình bắt đầu “ngâm cú” thêm, vì biết mọi thứ không hề “đơn giản” như trong sách giáo khoa. Và mình bắt đầu đọc các loại sách khác. Mình nhớ, cho đến khi trong nhà có một trái địa cầu, dù phiên âm địa danh be bét, mình vẫn xoay nó cả ngày không chán, biết châu nọ châu kia, nước này nước khác...

Cái duyên đến với địa- sử, bắt đầu từ... biết vẽ ấy đã hình thành trong tâm trí mình ý muốn giang hồ, phiêu lưu. Bởi mình thấy rõ ràng, cái thế giới này không hề gói gọn trong một rẻo quê hương nhỏ bé, hơn thế nữa là một cổng làng đóng kín.

Con người sinh ra là một ân sủng lớn lao từ tạo hóa- chúng ta có quyền biết, hiểu và hưởng cái thú khám phá thế giới bao la mà lại vô cùng nhỏ bé này. Các bạn cứ lên mạng search cụm từ “xác suất để được làm người” mà coi.

Khởi đầu với tư duy ấy, mình tranh thủ mọi cách để đi. Thời những năm 80- đầu 90 của thế kỷ trước, ai rủ đi là mình đi. Có thể chỉ là... đi bộ từ huyện này sang huyện khác, đi cho đến... đứt dép. Lâu lâu có thể nhảy lên đi ké một cỗ xe bò (vụ này mình đưa vô một truyện ngắn, viết cách đây khoảng gần 20 năm). Uống nước sông, ăn trái dại... Chơi láng. Có lần mình lang thang vô rừng, ăn trái dại, bị ngộ độc, ói muốn lộn bao tử ra ngoài. Còn cảnh tát cá suối ăn cầm hơi, lội rừng cả ngày thì khỏi nói, “bạn giang hồ” với mình thuở ấy vẫn còn.

Đến thời sinh viên, nhậu cóc ổi tới 3 giờ sáng, một thằng bạn bỗng đề xuất: Ra miền Trung chơi. Móc bóp, gom chung còn vài đồng lẻ. Vậy là nửa tiếng sau, mấy thằng đã có mặt ở xa cảng Miền Đông, lắc lư về miền thùy dương.

Khi ra trường, học mỹ thuật, đồng thời cũng đã cộng tác với nhiều tờ báo. Thấy cái nghề báo nó... được đi nhiều. Vậy là bỏ bao năm trời học mỹ thuật, theo cái nghề... giang hồ hơn. Và quả vậy, công việc giúp mình đi kha khá các tỉnh thành khắp VN.

Rồi lập gia đình. Cả nhà cùng thích đi. Con cái nhỏ mấy, cũng cho lên xe, lên tàu. Lên núi, ra đảo. Nhiều chuyến đi kinh hoàng, đến độ liều mạng. Cả nhà đã đi gần hết các cực của Việt Nam theo kiểu ấy, mọi cách, mọi phương tiện...

Rồi từ Việt Nam, bắt đầu tìm mọi cách đi tiếp, ra thế giới... Dám đi, thấy nên đi, còn quan trọng hơn có thể đi. Vì cứ khao khát đi cái đã, cơ hội rồi cũng sẽ tới. Tụi mình đã “lang thang” như thế khắp Âu, Á, Mỹ...

Vì vậy mình nghĩ, cái máu phiêu lưu, khám phá, tìm hiểu... mới chính là điều quan trọng nhất. Có cái máu ấy trong huyết quản rồi thì kiểu gì cũng sẽ đi được. Một số bạn có nhắn, anh mới qua Mỹ mà đi dữ vậy? Thực sự, trên trái đất này, theo đánh giá chủ quan, Mỹ chính là nơi đáng đi, đáng tìm hiểu nhất. Vì vậy, nếu có cơ hội là mình bằng mọi giá, lên đường liền. Và trái tim của “ông già” U.50 lại đập banh như tuổi 20. Phải có chút máu liều, cứ dám chơi, rồi cũng sẽ quen, sẽ không còn sợ nữa.

Có một thời mình mê sách. Bạn bè ở đây cũng biết. Nhưng đọc hoài, một ngày thấy cần tạm khép tủ sách lại. Đi, sống, kết hợp giữa lý thuyết và thực tế. Đọc là linh hồn, đi là thể xác- hai thứ bổ trợ cho nhau.

Mình viết bài này, chẳng có ý đồ gì hơn là... kích động các bạn, nếu có thể thì nên đi. Chưa có thể cũng tìm mọi cách để có thể. Câu thành ngữ “ném nón qua rào” rất hạp cho hoàn cảnh này. Thí dụ có những chuyến đi, chỉ biết, cứ nhắm mắt đi đã, vậy mà nó lại thành chuyến đi sâu sắc, đầy kỷ niệm. Đi mà không biết về đâu ư? Còn về đâu nữa, cả thế giới là nhà mà!

Mình vô cùng nể các bạn trẻ đi được nhiều. Giờ đây, khi đã có Facebook, Instagram, Youtube... vừa “kích động”, vừa bổ trợ, vừa đồng hành, thậm chí còn là nguồn cung cấp kinh phí... Vậy tại sao lại không nghĩ tới chuyện đi. Càng đi, quê hương càng rộng lớn. Và những kiến thức thu lượm được, ngày quay về, cũng sẽ giúp quê hương rộng lớn hơn. Nào, lên đường thôi các bạn!

Đêm ấy, ngủ trong căn nhà cổ, sau 2 ngày lái xe liên tiếp. Nửa đêm mình thấy có một thằng bé da trắng, khoảng 4- 5 tuổi, cứ thế đứng trên bụng mình nhún. Mình mở mắt ra, rõ ràng là đã mở mắt ra, thấy cả căn nhà lắc lư. Cái khung hình phía lò sưởi nhún nhảy, nhấp nhô. Nếu là một cô gái nhún nhảy, thì mình chẳng dại gì mở mắt ra, cứ giả bộ ngủ tiếp, để cô ta làm gì thì làm, đằng này lại là một thằng nhóc, đứng bằng hai chân trên bụng. Mình gạt tay một phát, thằng nhóc biến mất. Tĩnh trí lại, mình nhớ ra, cái cảm giác nhún nhún bồng bềnh này chính là cảm giác lái xe suốt 2 ngày. Và mình ngủ tiếp ngon lành. Cảm ơn giấc mơ, đã thay cô gái bằng thằng bé, để mình... đỡ mệt hơn!

Sau 2 ngày làm việc, tụi mình rời Cleveland, trước đó phải lái xe một vòng ngắm hồ Erie. Như mình kể ở trên, cái hồ rộng như biển vậy. Những căn biệt thự xoay ra hồ, đẹp mê hồn, mỗi căn một kiểu kiến trúc khác nhau. Nhưng xen kẽ giữa chúng vẫn là những khu công viên công cộng, với bãi đậu xe, để mọi người dân đều có thể vô ngắm hồ. Một cảm giác bình an khôn tả, khi lái xe theo con đường số 6 tiểu bang chạy ven hồ. Thực tình là mình ghiền ôm vô lăng, nên lúc ấy và suốt hành trình rất ít khi kịp đưa máy chụp hình. Thậm chí cầm máy lên khi đang lái xe mà gặp cảnh sát là rất... phiền, nên các bạn tạm thông cảm với số hình ít ỏi post theo đây. (Tuy nhiên, còn nhiều nguồn dữ liệu khác, tụi mình có thể trích xuất sau).

Hành trình kỳ này mình xin tạm dừng ở đây. Và nó sẽ chỉ là một phần, như những chuyến đi trước đó. Với công việc, mình sẽ còn tiếp tục cùng “chiến hữu” dọc ngang, vòng quanh nước Mỹ. Và mình sẽ còn viết, kể tiếp, cũng như ghi lại bằng những thước phim, nhiều cảnh sắc, lịch sử, văn hóa, của các miền khác trên đất nước bao la, đa dạng này. Tuy nhiên, trên hết vẫn phải là cảm hứng tự do, vì vậy mình chưa nghĩ tới việc liên kết những bài viết này thành sách hay làm youtuber. Tự do cái đã. Mọi thứ sẽ đến sau khi có tự do.

Nguyễn Danh Lam

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân