TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Luật lệ về tiền “típ” của nhân viên tại tiểu bang California
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Luật lệ về tiền “típ” của nhân viên tại tiểu bang California

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Mon Jan 20, 2020 10:39 am    Tiêu đề: Luật lệ về tiền “típ” của nhân viên tại tiểu bang California

Luật lệ về tiền “típ” của nhân viên tại tiểu bang California


Tại Hoa Kỳ, luật lao động liên bang và các tiểu bang có một số quy định khác nhau trong vấn đề tiền “típ” của nhân viên. Riêng tại California, luật lao động của tiểu bang cung cấp sự bảo vệ tối đa cho nhân viên có lãnh thêm tiền “típ” trong lúc làm việc (tipped employees), ví dụ điển hình là nhân viên làm việc trong nhà hàng và tiệm Nail.



Định nghĩa thế nào là tiền “tip”

Theo Bộ luật Lao Động California, tiền “típ” được xác định là khoản tiền mà khách hàng để lại cho một nhân viên bên trên số tiền phải trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ đã nhận (California Labor Code, § 350). Nói rõ hơn, tiền “típ” là do khách hàng tự nguyện để lại cho nhân viên như một phần thưởng cho sự phục vụ tốt, và số tiền đó không thể được ấn định hay kiểm soát bởi chủ nhân của người nhân viên.



Nhân viên tại California phải được hưởng trọn tiền “tip”

Luật lao động California quy định nhân viên phải được hưởng toàn bộ tiền “típ” mà khách hàng tự ý để lại cho mình, và chủ nhân không thể giữ lại, khấu trừ hoặc cắt xén bất cứ phần nào trong tiền “típ” của nhân viên (California Labor Code, § 351).

Tại một số tiểu bang ở Hoa Kỳ, khi khách hàng trả “tip” bằng thẻ tín dụng, người chủ được phép khấu trừ khoản lệ phí dịch vụ của máy nhận thẻ tín dụng. Nhưng tại California, người chủ không được phép khấu trừ phần lệ phí máy thẻ tín dụng từ tiền “típ” mà khách hàng để lại cho nhân viên. Vì vậy tại California, khi khách hàng trả “tip” bằng thẻ tín dụng, chủ phải chịu lệ phí máy thẻ tín dụng và phải trao cho nhân viên toàn bộ số “típ” mà khách hàng đã để lại.



Tại Hoa Kỳ, luật lao động đòi hỏi nhân viên phải được hưởng mức lương tối thiểu quy định bởi liên bang, tiểu bang hoặc thành phố. Theo luật hiện hành của liên bang và luật tại một số tiểu bang, chủ nhân có quyền trả lương dưới mức tối thiểu cho nhân viên có nhận thêm tiền “típ” trong lúc làm việc, nếu số “típ” và tiền lương cộng lại là bằng hoặc trên mức lương tối thiểu quy định bởi luật pháp. Tuy nhiên, luật lao động California tuyệt đối không cho phép chủ nhân dùng tiền “típ” của nhân viên để tính vào tiền lương. Nói cách cụ thể, theo luật lao động California thì tiền “tip” không phải là tiền lương, mặc dầu về mặt thuế vụ thì tiền “típ” vẫn được xem là tiền lương của nhân viên (26 U.S.C. § 3121 (a) (12), (q)). Vì vậy, nhân viên có nhận thêm tiền “típ” tại California vẫn phải được chủ trả lương theo đúng mức quy định, nghĩa là phải trên mức tối thiểu quy định bởi liên bang, tiểu bang hoặc thành phố.

Tại California, khi khách hàng để lại “típ” bằng tiền mặt, nhân viên phải được nhận ngay mà không có sự can thiệp từ người chủ. Trường hợp khách hàng trả “típ” bằng thẻ tín dụng, số tiền này phải được người chủ trao lại đầy đủ cho nhân viên vào ngày lãnh lương tiếp theo sau ngày thẻ tín dụng được thanh toán (California Labor Code, § 351).



Một số chủ nhà hàng áp dụng cách thức gộp chung toàn bộ tiền “típ” mà các nhân viên phục vụ kiếm được, sau đó chia lại cho nhân viên theo tỷ lệ phần trăm đã thỏa thuận trước đó (tip pooling). Tại California, cách thức này được xem là hợp pháp, nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định như sau:

    • Những người được chia tiền “típ” là nhân viên phục vụ khách hàng mà thôi;

    • Toàn bộ số tiền “típ” đã gộp chung phải được trao cho nhân viên phục vụ; và

    • Người chủ và người quản lý tiệm không được chia phần trong số tiền “típ” đã gộp chung.



Lệ phí dịch vụ (service charge) của nhà hàng không phải là tiền “típ”

Một số nhà hàng thường tự động thêm vào hóa đơn của thực khách một khoản lệ phí dịch vụ (mandatory service charge). Về mặt pháp lý, khoản lệ phí dịch vụ do nhà hàng tự ấn định này nói chung là thuộc về chủ nhà hàng, chứ không phải là tiền “típ” của thực khách để lại cho nhân viên phục vụ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Vì vậy, tùy ý giữ lại hay phân chia số tiền lệ phí dịch vụ cho nhân viên phục vụ, là quyền của chủ nhà hàng. Nếu chủ nhà hàng trao khoản tiền này cho nhân viên phục vụ thì phải khấu trừ thuế An Sinh Xã Hội và Medicare, và phải tính số tiền đó như một phần tiền lương giờ của nhân viên. Tại California, luật của một vài thành phố mà điển hình là Santa Monica, Oakland và Berkely, quy định chủ nhà hàng phải trao lại cho nhân viên toàn bộ số tiền lệ phí dịch vụ đã thâu của thực khách.



Ngày 31 tháng 10 năm 2019, qua phúc thẩm vụ án Lauren O’Grady v. Merchant Exchange Productions, Inc. - là sự việc một nhóm nhân viên phục vụ kiện một nhà hàng tại San Francisco trong vấn đề lệ phí dịch vụ - Tòa Kháng Cáo khu vực số 1 của California (California’s First District Court of Appeal) đã đưa ra phán quyết rằng chủ nhà hàng phải thông báo rõ ràng cho khách hàng và nhân viên những gì sẽ xảy ra với lệ phí dịch vụ, để không gây hiểu lầm cho bất kỳ ai. Nếu lệ phí dịch vụ không được trao lại cho nhân viên phục vụ, chủ nhà hàng phải cho thực khách và nhân viên biết rõ điều này. Và phán quyết trên đây đã đặt ra một đòi hỏi về pháp lý mới nhất liên quan đến vấn đề lệ phí dịch vụ mà nhiều chủ nhà hàng tại California cần phải hiểu rõ hầu tránh rắc rối với khách hàng, và cũng để ngăn ngừa những vụ thưa kiện rất tốn kém bởi nhân viên.



Tóm lại, luật California có những quy định trong vấn đề tiền “típ” của nhân viên mà chủ nhà hàng hay tiệm Nail cần hiểu rõ để không bị phiền toái với luật pháp. Tại California, chủ nhân vi phạm luật lệ về tiền “típ” của nhân viên sẽ bị phạt rất nặng bởi cơ quan lao động và phải bồi thường thiệt hại cho nhân viên. Ngoài ra, vi phạm luật lệ về tiền “típ” tại California còn là một tội tiểu hình (misdemeanor), và có thể bị phạt tù đến 60 ngày (California Labor Code, § 354).

Tom Huỳnh J.D.
Nguồn: vietbao.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân