TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ngôi nhà gỗ trong tòa Tổng Giám Mục
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ngôi nhà gỗ trong tòa Tổng Giám Mục

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Fri Dec 20, 2019 6:39 am    Tiêu đề: Ngôi nhà gỗ trong tòa Tổng Giám Mục
Tác Giả: Trang Nguyên

Ngôi nhà gỗ trong tòa Tổng Giám Mục

Ngôi Nhà Nguyện khi chưa được tháo dỡ cất lại.


Trong ký ức nhiều người Sài Gòn hẳn còn nhớ ngôi nhà gỗ nằm trong khuôn viên rộng lớn của tòa Tổng Giám Mục trên đường Phan Đình Phùng. Ngôi nhà gỗ đơn sơ, nằm cạnh tòa nhà to lớn ba tầng kiểu Pháp với những cánh cửa vòm cong, càng thấy nó khiêm tốn biết bao. Ấy vậy mà ngôi nhà lại có một ý nghĩa lịch sử trong mối quan hệ chính trị và tôn giáo vào thời Gia Long và khi nước Pháp mang quân xâm lược nước ta.

Thuở còn đi học, mỗi ngày đạp xe ngang qua con đường Nguyễn Ðình Chiểu (trước 75 là đường Phan Ðình Phùng), tôi đều nhìn ngôi nhà gỗ rêu phong nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục. Không hiểu tại sao giữa trung tâm thành phố, chung quanh toàn dinh thự to lớn, lại hiện ra ngôi nhà gỗ truyền thống ba gian hai chái? Khoảng thời gian ấy, ngôi nhà có vách hông bằng gạch xây tường quét vôi màu vàng trông giống một cái Ðình hơn một ngôi Nhà Nguyện mà sau này khi tôi làm nhân viên ở một cơ quan gần đó, nên có dịp vào thăm, tìm hiểu.

Nhìn bên ngoài, ngôi nhà mang dáng nhà rường xứ Huế, nhưng khi vào trong, ngoài những bao lam nhỏ chạm trổ hoa lá, cột kèo xuyên trính, thì dường như đã phá cách theo kiến trúc truyền thống của nhà rường. Kết cấu trang trí có thể thay đổi dựa theo công năng sử dụng, điều này không cần bàn cãi. Nếu xét về mặt lịch sử tôn giáo thì có giá trị, nhưng về mặt nghệ thuật kiến trúc thì còn khiếm khuyết so với những ngôi nhà gỗ truyền thống khác hiện có trong thành phố. Chẳng hạn Vân Ðường Phủ của ông Vương Hồng Sển, mặc dầu ngôi nhà của ông mua lại từ một gia tộc lớn ở Nhà Bè mang về phục dựng từ những năm 1950.

Ban đầu tôi cũng không biết ngôi nhà gỗ trong khuôn viên tòa Tổng Giám Mục là ngôi Nhà Nguyện thường mở Thánh lễ vào mỗi buổi sáng sớm các ngày trong tuần. Mở lễ cho ai, chỉ với hơn mười chiếc ghế trong nhà và bên ngoài hiên chừng mười băng ghế gỗ. Sau Thánh lễ 5:30 sáng, cửa đóng then cài, khách đi đường ngang qua hẳn trong đầu hiện ra nhiều câu hỏi.


Tòa Tổng Giám Mục xây xong năm 1911, cây cối chung quanh còn chưa trồng – Nguồn: Manhhaiflickr


Trở về hơn hai trăm năm trước, Nguyễn Ánh cho cất ngôi nhà này bên cạnh bờ kênh Thị Nghè dành cho Giám mục Bá Ða Lộc (Cha Cả), tên tiếng Pháp là Pigneaux de Behaine, hay còn gọi là Giám mục Adran, sau khi Cha Cả cùng Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh từ Pháp trở về Gia Ðịnh năm 1789. Và nơi đây cũng là chỗ Cha Cả dạy chữ cho hoàng tử. Sau đó Giám mục Bá Ða Lộc trở thành cố vấn đặc biệt của Nguyễn Ánh.

Ðiều này trong lịch sử đã ghi chép – Nguyễn Ánh nhờ cậy Bá Ða Lộc đưa Hoàng tử Cảnh, khi đó mới 5 tuổi, sang Pháp cầu viện vua Louis XVI đưa quân sang giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Theo tài liệu Belle Indochine của nhóm truyền giáo người Pháp ghi lại, do sơ Nguyễn Thị Hảo dịch: “Một hiệp ước được soạn thảo rồi ký kết giữa Vua nước Pháp và Vua nước Nam Kỳ tại Versailles ngày 28/11/1787. Người ký là Bá Tước Montmorin, Bộ trưởng của Vua Louis XVI, và ông Pigneaux, người đại diện cho Hoàng tử Cảnh. Với hiệp ước nầy, nước Pháp hứa sẽ giúp Nguyễn Ánh đoạt lại ngai vàng. Bù lại nước Pháp được quyền sử dụng hải cảng Tourane (Ðà Nẵng), đảo Poulo-Condor (Phú Quốc), và độc quyền kinh doanh với vương quốc như đã thỏa thuận trước đó với Nguyễn Ánh.”

Chuyện chính trị giữa hai nước bên trong có nhiều vấn đề phức tạp, tạm gác qua một bên; vấn đề chính là ngôi nhà gỗ thuở ban đầu khi Nguyễn Ánh cho dựng lên là một nhà tranh vách tre. Một bức thư của Thừa sai Lestrade đề ngày 3/5/1797 (hai năm trước khi Bá Ða Lộc từ trần) ghi là: “Thành phố của nhà vua, lâu đài của nhà vua đều bằng tre và tranh. Ðức Cha đã đón tiếp tôi với tất cả lòng yêu thương và đã giữ tôi lại ba tuần lễ để được bồi bổ sức khỏe trước lúc bắt đầu học tiếng... Tòa nhà bằng tranh của ngài được tổ chức quy củ như chủng viện.” Trong một lá thư khác, Thừa sai Lestrade cũng viết: “Ngôi nhà bằng tranh như bao nhiêu nhà khác.”

Có thể hiểu rằng, trong thời nội chiến khi nhà Tây Sơn xuất quân ra Qui Nhơn chuẩn bị đánh Bắc Hà (Thăng Long), Nguyễn Ánh thừa cơ chiếm lại Sài Gòn vào năm 1776, xây dựng tạm thành Sài Gòn bằng vật liệu thô sơ mà Thừa sai Lestrade khi đến Sài Gòn vẫn còn nhìn thấy như miêu tả trong thư. Bình định được Thăng Long, quân Tây Sơn trở lại miền Nam vào năm 1782, chiếm thành Sài Gòn và giết hơn mười ngàn người Hoa ở Chợ Lớn vì đã tham gia ủng hộ Nguyễn Ánh dưới sự kêu gọi của quan đầu tỉnh Hà Tiên. Giám mục Pigneaux cũng nằm trong số phận của những người trốn chạy sự truy sát của Tây Sơn. Nguyễn Ánh và Pigneaux gặp nhau tại Phú Quốc, vì thế mới có chuyện Giám mục Pigneaux dẫn Hoàng tử Cảnh sang cầu viện nước Pháp mang quân vào đánh An Nam. Nhờ vậy Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Ðịnh.


Ngôi nhà gỗ làm Nhà Nguyện nép mình bên hông tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn.


Nguyễn Ánh chọn đất Sài Gòn làm kinh đô; Giám mục Pigneaux nhờ hai sĩ quan công binh là Olivier de Puymanel và Théodore Lebrun vẽ họa đồ thành theo kiểu Vauban kết hợp với bản vẽ quy hoạch của Trần Văn Học. Thành được xây dưới sự chỉ huy của ông Tôn Thất Hội, huy động gần 30,000 dân phu. Không chỉ có thành Gia Ðịnh (tức thành Quy, hay còn gọi là Bát Quái thành) được xây dựng vững chắc, Pigneaux còn góp ý cho Nguyễn Ánh xây thành Diên Khánh ở Nha Trang và trường quân sự ở Sài Gòn để xây dựng một hệ thống quân đội, đào tạo sĩ quan và huấn luyện binh sĩ theo kiểu châu Âu.

Ðến đây thì tôi lại thắc mắc, tại sao Nguyễn Ánh không cất một ngôi nhà đàng hoàng trong thành Gia Ðịnh làm nơi Pigneaux dạy chữ cho Hoàng tử Cảnh mà lại cất ngôi nhà lá đó bên bờ kinh Thị Nghè bên ngoài thành? Thắc mắc của tôi có thể giải thích rằng ông là người truyền đạo, ở nơi cung cấm không phù hợp, và mặc dù là cố vấn đặc biệt của Nguyễn Ánh nhưng quan lại triều đình không ít người ghét bỏ gièm pha.

Ðến đầu năm 1799 Nguyễn Ánh mới cho cất lại một ngôi nhà gỗ mái ngói. Tháng 10 năm đó Giám mục Pigneaux lâm bệnh từ trần; ngôi nhà được dùng làm nơi ở cho linh mục thừa sai Liot. Trong thời gian này Hoàng tử Cảnh vẫn thường xuyên lui tới ngôi nhà, lo hương khói cho người thầy ngoại quốc của mình đến khi hoàng tử bệnh đậu mùa và mất vào năm 1801 khi mới 21 tuổi.


TT nước Ý Sergio Mattarella cùng con gái Laura trên đường công du châu Á, ghé thăm Sài Gòn và tham dự Thánh lễ Chủ Nhật tại ngôi Nhà Nguyện từng là nơi cư ngụ của Giám mục Bá Đa Lộc.


Ðến năm 1811, ngôi nhà được trưng dụng làm kho chứa quân cụ. Mãi đến năm 1863, ngôi nhà mới được khôi phục lại làm tòa Giám mục Ðàng Trong và giao cho Ðức Cha Dominique Lefèbre trông coi. Năm 1864 người Pháp xây dựng Thảo Cầm Viên, cho di dời ngôi nhà gỗ về khu vực đất của các thừa sai trên đường Alexandre de Rhodes. Ông Trương Vĩnh Ký, khi đề cập đến ngôi nhà gỗ này nằm trong khu đất mới, thường gọi nó là Dinh Tân Xá.

Năm 1911, Tòa Tổng Giám Mục xây mới trên đường Richaud (thời VNCH là Phan Ðình Phùng), Ðức Cha Mossard cho dời ngôi nhà gỗ về đây để làm Nhà Nguyện. Ðến năm 1962 thì vách ván của ngôi Nhà Nguyện bị mục nát; Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình cho xây lại tường gạch bao quanh thay thế. Rồi đến năm 1980, Ngài lại cho sửa chữa một số cột mục do mối mọt. Tuy vậy sự sửa chữa cũng không được lâu. Ðến năm 2011 ngôi nhà lần lượt xuất hiện những chỗ mục nát không thể phục chế, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Tòa Tổng Giám Mục họp bàn cho cất mới lại toàn bộ, dựa theo kết cấu cũ nguyên thủy. Ngôi nhà mới được đặt trên nền gạch tam cấp cao hơn so với thuở xưa, có vách gỗ bao quanh.

Ngôi nhà xây lại này không có hồn như ngôi nhà cũ, nhưng dẫu sao vẫn còn lưu lại dấu ấn của một thời gian dài của lịch sử truyền giáo trên đất Ðàng Trong. Tuy vậy khó có thể nói là nguyên bản bên trong ngôi nhà đã được phục hồi như mong muốn.

Mặc dầu vậy, nó vẫn có ý nghĩa lớn khi lần đầu tiên ngôi Nhà Nguyện bằng gỗ đơn sơ bên trong tòa Tổng Giám Mục này được tiếp đón Tổng thống Ý Sergio Mattarella. Trên đường công du châu Á vào tháng 11 năm 2015, ông cùng cô con gái Laura đã ghé thăm Sài Gòn và tham dự một buổi Thánh lễ Chủ Nhật tại đây.

 Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân