TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chùa Jokhang, Điện Potala
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chùa Jokhang, Điện Potala

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Fri Dec 13, 2019 2:23 pm    Tiêu đề: Chùa Jokhang, Điện Potala

Chùa Jokhang, Điện Potala

Potala Palace nhìn từ chùa Jokhang Temple tại Lhasa.
(Hình: ATNT Tours & Travel)


Lhasa, vùng đất thiêng của Phật Giáo Tây Tạng, có chùa Jokhang nổi tiếng linh thiêng, nơi có nét kiến trúc Tây Tạng độc đáo cũng như sự tấp nập của người dân Tây Tạng.

Chùa Jokhang không lớn lắm, gồm có ba tầng và một tầng sân thượng. Chùa nổi tiếng vì trong điện thờ có một pho tượng Phật do công chúa Văn Thành đời nhà Đường Trung Hoa đem từ Trường An sang. Người dân Tây Tạng gọi pho tượng này là tượng Phật Jowo Rinpoche và cho là một trong những pho tượng thiêng liêng nhất của Tây Tạng mà ngày nay vẫn được thờ trong chùa.

Có nhiều huyền thoại về pho tượng Phật này, các đoàn người hành hương Tây Tạng nối đuôi nhau vào chùa lễ Phật. Lối đi vào khá nhỏ, chỉ vừa đủ cho hai người song song đi vào. Trước sân chùa là các Phật tử lễ bái theo nghi thức Tây Tạng, họ vừa đứng vừa tụng kinh vái lạy rồi cúi rạp người nằm dài trên mặt đất rồi lại đứng lên! Và nghi thức lại được tiếp tục như thế.

Tôi để ý, những người hành hương thường đem theo một loại mỡ con trâu Yat. Loại mỡ này được dùng để đốt đèn cầy. Vào chùa, họ vừa đi vừa đọc kinh và cúng dường mỡ trâu vào những thau nến trong điện thờ. Ánh sáng mờ mờ yếu ớt của các ngọn nến kèm theo khói mù mịt trong khu điện thờ làm tôi cảm thấy vừa khó thở vừa cay cay mắt. Du khách hình như ai cũng đi vội để tìm nơi có chút không khí thoáng để dễ thở hơn, nhưng người Tây Tạng hành hương vẫn chậm rãi vừa đi vừa đọc kinh, vẫn cố len lỏi vào cúi lễ tượng Phật Jowo. Ngoài pho tượng Phật Jowo Rinpoche, người thành tâm còn có thể viếng tượng thờ Liên Hoa Sinh – nhà sư Ấn Độ đắc đạo có biệt tài hàng phục ma thần ác quỷ. Phật Liên Hoa Sinh được người dân xứ Bhutan tôn thờ gần như là quốc giáo của xứ sở này. Gần đó là tượng thờ Tông Khách Ba – người sáng lập ra Phật Giáo Tây Tạng (Lạt Ma Giáo) phái Hoàng Giáo Mũ Vàng.

Khi bạn bước lên tầng sân thượng của chùa Jokhang, từ đây bạn có dịp ngắm nhìn một không gian thoáng mở hơn. Nhìn xuống công trường trước sân chùa bạn cảm thấy không gian “tù túng” như được phá rộng ra, người ta vẫn thấy hình ảnh những người cảnh sát công an đứng dưới đường trước chùa, nhưng họ như nhỏ bé lại giữa một không gian thoáng rộng. Xa xa về hướng tay phải là điện Potala màu trắng đỏ cao vút hiện hữu bên bầu trời xanh thẫm mây trắng. Tôi chợt nghe những tiếng hát ngân vang ở đâu đó, âm điệu thật dễ chịu và thánh thót khiến tôi khựng lại lắng nghe! Nhìn sang bên nóc chùa gần đó, tôi nhận thấy một nhóm người Tây Tạng đang sửa chữa trùng tu lại nóc chùa. Họ vừa làm vừa hát, giọng hát nghe rất lạ tai, âm thanh thật trong trẻo tựa như vừa gần vừa xa. Thoạt nghe tôi không biết những giọng hát đó đến từ đâu, cứ tưởng phát ra từ một chiếc radio gần đâu đó.

Nhưng biểu tượng lớn nhất, vĩ đại nhất, được cả thế giới biết đến nhất của Tây Tạng chính là điện Potala. Potala vừa là biểu tượng tôn giáo vừa là biểu tượng chính trị của Tây Tạng. Điện Potala cao 120 mét, bề ngang dài gần 400 mét, trước điện là một đại lộ tấp nập xe và phía bên kia là một công trường lớn, dĩ nhiên là cũng được canh gác an ninh rất kỹ, cảnh sát công an không rời mắt mọi chỗ trên công trường.


Tu viện của Ban Thiền Lạt Ma tại Shigatse. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Kiến trúc điện Potala phải nói là đặc biệt, không giống như bất cứ cung điện nào của mọi triều đại Trung Hoa, điện được xây đứng sừng sững trên sườn núi và toát ra một vẻ uy nghi khác thường. Nhìn qua ai cũng nhận thấy nét kiến trúc Tây Tạng chứ không có gì là “lai giống” kiến trúc Trung Hoa. Bên ngoài điện Potala được sơn hai màu trắng và đỏ, khu chính giữa được sơn màu đỏ thẫm còn được gọi là “Hồng Cung” là khu vực tôn giáo. Còn lại chung quanh điện được sơn màu trắng, đây là khu vực thuộc về chính quyền. Bạn nên đến thăm công trường Potala hai lần, một lần vào ban ngày và một lần vào ban đêm. Có như thế bạn mới thưởng ngoạn hết được nét đẹp của điện Potala. Cần để ý một điều là Đức Đạt Lai Lạt Ma là người vừa có thẩm quyền về chính phủ Tây Tạng vừa có thẩm quyền về Phật Giáo Tây Tạng (làm việc chung với Ban Thiền Lạt Ma).

Thường thì ai cũng phải leo một số các bậc thang để vào thăm cung điện Potala, tôi không nhớ có bao nhiêu bậc thang nhưng cũng khá cao, vừa đi vừa bước, vừa thở vừa nghỉ vài lần mới đến được cổng điện. Du khách chỉ có đúng một tiếng đồng hồ để thăm viếng bên trong, chỗ nào cũng có cảnh sát bảo vệ nên phải đi theo group có hướng dẫn. Du khách sẽ lần bước để vào “Hồng Cung” thăm khu vực thiêng liêng nhất của Potala. Vì thời gian ngắn nên du khách chỉ xem được những điểm chính như phòng Tàng Kinh Các (thư viện), các điện thờ và các bảo tháp.

Tàng Kinh Các là một thư viện lớn của Potala nhưng có lẽ không làm tôi ngạc nhiên nhiều bằng khu bảo tháp. Đây là nơi có cất giữ di cốt của các vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm của vị Đạt Lai Lạt Ma 14 hiện tại. Bảo tháp lớn nhất, đẹp nhất, cao nhất (15 mét), nhiều vàng nhất (hơn 3,700 kg vàng) là của vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 được cho là người đã có công xây dựng điện Potala và cũng là vị nổi tiếng nhất. Tôi chóng mặt khi đọc thấy gần 4 tấn vàng cho bảo tháp của vị Đạt Lai Lạt Ma này. Nhớ lại những người dân Tây Tạng đi chân đất, khoác những chiếc áo cũ sờn rách tôi gặp trên đường đi mà thấy thật buồn. Có lẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 ngài đã nhìn thấy sự cách biệt đau lòng đó.

Nhớ lại một chút về lịch sử Tây Tạng với các thời nhà Minh nhà Thanh Trung Hoa mà thấy tiếc cho xứ Tây Tạng. Có phải chính người Tây Tạng đã làm mất đi Tây Tạng? Triều đại nào của Trung Hoa thì vẫn là tinh thần Hán tộc, vẫn là tinh thần bá quyền vươn ra khắp mọi nơi.

Có ai đến Bắc Kinh và ghé vào chùa Lạt Ma, ở đây ngày xưa nguyên thủy là cung điện Ung Hòa Cung của vua Ung Chính đời Thanh sau được vua Càn Long đem “cho” Phật Giáo Tây Tạng với mục đích biến cung điện này thành một ngôi chùa để thờ tượng Phật Di Lặc đem từ Tây Tạng về. Tượng cao đến 16 mét và làm bằng nguyên cây gỗ bạch đàn. Phải nói đây là một bảo vật của Tây Tạng, tượng rất đẹp, uy nghi và nghe nói là do một vị Đạt Lai Lạt Ma tặng vua.


Tượng Phật Di Lặc Shigatse. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Một nước nhỏ khi phải biếu tặng một bảo vật cho nước lớn thì đồng nghĩa là dâng, là cống hiến, là chứng tỏ sự lệ thuộc của mình. Làm sao thoát ra được sự lệ thuộc đó khi Bắc Kinh chỉ muốn có thêm chứ không muốn mất đi cho dù cái họ muốn không phải của họ. Không biết tượng Phật Di Lặc có thích thành phố Bắc Kinh hay không mà sao ngài ở trọ Bắc Kinh lâu thế. Ngài trở về chốn cũ biết đâu tham vọng bá quyền con người sẽ theo vạt áo ngài mà tan theo hư không!

Lhasa ngoài cung điện Potala, chùa Jokhang và cung điện Mùa Hè (Summer Palace) của các vị Đạt Lai Lạt Ma còn có thêm một vài tu viện dành cho các vị tu sĩ Tây Tạng. Nhưng Lhasa không cho du khách biết nhiều về Tây Tạng trong tình trạng hiện nay. Shigatse (nơi tu viện của ban Thiền Lạt Ma), Gyantse và cố đô Tsetang mới chính là những nơi đến để ai muốn tìm hiểu thêm về Tây Tạng.

Riêng tôi, tôi vẫn mê nhất bầu trời Tây Tạng trên hồ thiêng Yamdrok ở độ cao hơn 5,000 mét và chân núi Hy Mã Lạp Sơn (cao khoảng 5,300 mét và cách Lhasa hơn 800 km) vì chỉ ở đó bầu trời mới cho ta hít thở tự do. Ở độ cao này, tôi cảm thấy mệt hơn vì không khí loãng nhưng sao vẫn thấy dễ thở hơn ở Lhasa. Màu xanh thẫm của bầu trời, màu trắng bạch của mây, màu xanh lục cẩm thạch của nước, màu trắng tinh của đỉnh Everest và những màu sắc đó đã cuốn hút tôi vào một không gian đẹp vô ngần, đẹp và chưa bao giờ đẹp như thế!

Có đến Lhasa, có nhìn tận mắt người dân Tây Tạng được người Hán Trung Cộng đối xử như những công dân hạng hai hạng ba trên chính quê hương của họ. Tôi xót xa cho dân tộc Tây Tạng và ước mong những hình ảnh này sẽ không bao giờ xảy đến với người dân Việt trên đất nước Việt Nam. Lhasa và các vùng đất khác của Tây Tạng đẹp và linh thiêng nhưng chỉ dành riêng cho người du khách.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân