TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ngày cho người chết
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ngày cho người chết

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9653

Bài gửiGửi: Tue Oct 29, 2019 8:06 am    Tiêu đề: Ngày cho người chết
Tác Giả: Ian Bùi

Ngày cho người chết

Các cô Catrinas diễn hành ở Mexico City, 2018. nguồn: the independent


Hàng năm cứ đến mùa Halloween thì ở Mễ Tây Cơ và một số nước vùng Trung Mỹ có một ngày hội lớn gọi là Dia de Muertos – Ngày cho Người Chết, được UNESCO công nhận là một Di Sản Phi Vật Thể của Nhân Loại.

Ngày Cho Người Chết thật ra một ngày hội nhiều ngày, thường là ba ngày nhưng có nơi kéo dài cả tuần lễ. Tuy trùng thời điểm với Halloween – 31 tháng 10, nhưng hai ngày lễ này có nguồn gốc hoàn toàn khác và mục đích cũng khác. Halloween đến từ ngày Lễ Các Thánh trong lịch Công Giáo; Ngày Cho Người Chết đến từ truyền thống xưa mấy ngàn năm của thổ dân sống ở vùng Trung Mỹ và khu vực Mễ Tây Cơ ngày nay, nhiều thế kỷ trước khi Kha Luân Bố đặt chân đến Mỹ Châu.

Nhiều nguồn tài liệu cho biết từ 2,500-3,000 năm trước con người ở vùng đất này đã có những sinh hoạt liên quan đến người chết hàng năm. Các nền văn hoá như Aztec, Toltec, Nahua cho rằng than khóc người chết là bất kính. Ðối với họ người khuất bóng vẫn luôn quanh quẩn xung quanh. Hàng năm đến cuối Hè là thời điểm cõi âm và dương đến gần nhau nhất, và linh hồn người chết có thể trở lại dương thế để thăm viếng người thân. Vào dịp này họ tổ chức lễ lạt tiệc tùng, ăn uống, chào đón vong linh của thân nhân.


Bánh mì cho người chết, những chiếc “sọ đường” và hoa vạn thọ trên bàn thờ. nguồn: city express


Sau khi Mỹ Châu được (hay còn gọi là bị) Kha Luân Bố khám phá, người Tây Ban Nha mang Thiên Chúa Giáo đến giáo hóa thổ dân. Ngày Cho Người Chết được dời sang cuối tháng 10 để hòa nhập với lễ Linh Hồn và lễ Các Thánh của Công Giáo, do đó ngày nay cả hai ngày lễ bắt đầu cùng một lúc. Từa tựa như người Việt ta, họ cũng lập bàn thờ cúng đồ ăn thức uống cho người thân đã mất. Thay vì thắp nhang như ta thì họ đốt nến, mỗi người quá cố một cây đèn cầy. Ngoài món Bánh Mì Cho Người Chết (Pan de Muerto) họ còn có món chè bắp gọi là Atole. Thêm vào đó là kẹo bằng đường cát trắng hình thù giống chiếc sọ, gọi là “sọ đường”. Thức uống thì có “pulque”, giống như rượu nếp nhưng làm từ sáp của cây agave – bình thường dùng để nấu rượu tequila. Nhưng khác với ta, họ có ba ngày riêng biệt – ngày đầu tiên dành cho trẻ con mất sớm, ngày thứ nhì dành cho người lớn, ngày thứ ba để đi tảo mộ cho người đã khuất.

So với Halloween của người Mỹ thì Ngày Cho Người Chết của người Mễ nhộn nhịp và hoạt náo hơn. Biểu tượng của ngày lễ là chiếc sọ và bộ xương. Tuy cùng một chủ đề là sự chết, nhưng lễ của người Mễ không mang tính cách hù nhát như Halloween. Thiên hạ ăn vận quần áo màu sắc sặc sỡ, vẽ mặt hóa trang. Nhiều người còn đeo các xâu chuỗi bằng vỏ sò hay lục lạc để tạo âm thanh, họ ra đường ca hát nhảy múa như để đánh thức người chết.


Hí họa của Jose Posada năm 1903, khởi điểm cho Catrina. nguồn: wikimedia


Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, một truyền thống mới ra đời gọi là “văn chương sọ người”, lấy từ chữ “calavera” nghĩa là “sọ”. Người ta bắt đầu chế ra những bài thơ ngăn ngắn thuộc dạng trào phúng, gọi là thơ sọ người, dùng để châm biếm người sống. Trò chơi chữ này ngày nay rất phổ biến, xuất hiện nhiều trên radio, TV, sách báo v.v.

Ðầu thế kỷ 20, họa sĩ José Posada vẽ một bức hí họa cho một bài thơ sọ người. Nhân vật trong tranh của ông được cho mặc áo quần thời trang kiểu Pháp, với chiếc nón rộng vành kết đầy hoa, để châm chọc cái mốt Âu Châu thời thượng dân Mễ ưa chuộng lúc ấy. Tựa của hí họa là “Todos como calaveras” – “chúng ta chỉ là những bộ xương”. Năm 1947 danh họa Diego Rivera mang “bộ xương” của Posada vào trong bức tranh nổi tiếng của ông tên là “Giấc Mơ Chiều Chủ Nhật Trong Công Viên Alameda”. Ông đặt tên cho nhân vật chính là Catrina – tiếng lóng để gọi dân nhà giàu. Kể từ đó, phụ nữ Mễ bắt chước hóa trang làm Catrina vào dịp lễ; ngày nay Catrina đã nghiễm nhiên trở thành biểu tượng chính của Ngày Cho Người Chết, và dĩ nhiên có cả các cuộc thi xem ai hóa trang đẹp (rùng rợn) nhất!


Một cảnh trong bức “Giấc Mơ Chiều Chủ Nhật Trong Công Viên Alameda” của danh họa Diego Rivera, với bà “Catrina” hình mặt xương sọ. nguồn: wikimedia


Ngoài việc ăn uống vui chơi, Ngày Cho Người Chết còn là dịp để người Mễ thăm viếng mồ mả. Dân Mễ, giống như người Việt mình, cũng ra nghĩa trang để dọn cỏ, trang hoàng các ngôi mộ với hoa vạn thọ. Họ rải những cánh hoa trên mặt đất để dẫn đường cho người chết trở về. Vạn thọ còn được họ gọi là “Flor de Muerto” (Hoa Của Người Chết). Nếu người chết là trẻ con, ngôi mộ còn được trang trí với những món đồ chơi.

Người Mễ còn làm những tờ giấy xếp được đục thủng bằng dao, khi mở ra sẽ nhìn thấy một bức hình nào đó. Họ gọi chúng là “papel picado” – giấy cắt. Vào Ngày Cho Người Chết họ treo những tờ giấy xếp này khắp nơi, xung quanh bàn thờ trong nhà, hay trước sân ngoài phố. Papel picado đại diện cho gió và nói lên sự phù du của kiếp người.


Các mảnh giấy cắt “papel picado” được dùng để trang trí. nguồn: info7.mx


Không chỉ ở Mễ, nhiều nước khác ở Mỹ Châu cũng có Ngày Cho Người Chết, mỗi địa phương có những nét độc đáo riêng. Chẳng hạn như ở Guatemala người ta thả diều vì họ tin rằng những cánh diều trong gió sẽ giúp linh hồn người chết tìm thấy đường về dương thế.

Ở Mỹ, những tiểu bang có đông người Mễ như Texas, New Mexico... cũng có ngày hội Cho Người Chết. Thành phố Santa Ana ở Cali là nơi có tổ chức Ngày Cho Người Chết lớn nhất trên nước Mỹ. Các nước xa xôi như Âu Châu, Úc Châu cũng có nơi bắt chước tục lệ này; ngay cả New Zealand cũng có tổ chức. Tại Á Châu, quốc gia ăn mừng lễ này lớn nhất là Phi Luật Tân; người Phi gốc Tàu thắp nhang thay vì đốt nến. Người Nhật thì có một ngày hội cho người chết vào mùa Vu Lan, gọi là Vu Lan Bồn. Tuy có một nguồn gốc rất khác với Dia de Muertos, nhưng Vu Lan Bồn của Nhật cũng giống ở chỗ xem cái chết như điều vui, do vậy họ cũng có nhảy múa, âm nhạc rùm beng.


Cảnh diễn hành trong Ngày Cho Người Chết
tại Mexico City trong phim James Bond “Spectre”


Năm 2015, phim James Bond “Spectre” mở đầu với cảnh một cuộc diễn hành trong Ngày Cho Người Chết tại Mexico City, mặc dù đó giờ chưa hề có cuộc diễn hành nào như vậy tại thủ đô. Nhưng thấy đây là một sự kiện lý thú, chính quyền Mexico City bắt đầu tổ chức diễn hành thường niên vào Ngày Cho Người Chết để thu hút du khách và quảng bá văn hóa Mễ thời tiền-Kha Luân Bố. Một truyền thống mới ra đời. Và cứ như thế Ngày Cho Người Chết cũng được “luân hồi tái sanh” để thích nghi với thời đại mới.


Rượu “pulque” truyền thống trong Ngày Cho Người Chết. nguồn: mic.com


Nếu bạn sống gần nơi có cộng đồng người Mễ đông đảo, mùa Halloween năm nay hãy thử tham dự Ngày Cho Người Chết của họ xem nó ra sao. Nhấm miếng “bánh mì cho người chết”, hay ngụm vài tợp “pulque” xem âm dương có hòa hợp hay chăng?

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân