TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Làng Báo Chí Sài Gòn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Làng Báo Chí Sài Gòn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9660

Bài gửiGửi: Sun Sep 22, 2019 3:24 am    Tiêu đề: Làng Báo Chí Sài Gòn
Tác Giả: Trang Nguyên

Làng Báo Chí Sài Gòn

Khu Thảo Điền nơi có Làng Báo chí phía dòng sông bên trên vào năm 1973 (Nguồn: Manhhaflicks)


Nhà Văn Hoàng Hải Thủy từng viết trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ như vầy: “Trên thế giới không quốc gia nào có cái làng riêng của những người làm báo. Làng Báo chí có được là công của ký giả Thanh Thương Hoàng, nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam”. Đúng như vậy. Cách nay 12 năm, tôi có dịp ghé thăm một đôi vợ chồng Việt-Nhật sống trên con đường Làng Báo Chí tại Thảo Điền (trước thuộc Thủ Đức nay là Q.2). Con đường có tên Làng Báo Chí được vinh danh là một trong những con đường mang tên số từ 1 đến 5 nằm trong Làng báo chí ngày trước.

Làng Báo Chí Thảo Ðiền hình thành vào năm 1973, khi xưa còn rất sơ sài, chung quanh đầy ruộng rau, cỏ dại. Nằm trên một bán đảo, Thảo Ðiền được bao quanh bởi sông Sài Gòn, chia làm bốn khu. Phía Bắc là đất trồng rau, Làng Báo Chí ở phía Ðông, kế bên là cư xá Ngân hàng Quốc gia, dịch xuống hướng Nam, là cư xá Cảnh sát, phía ngoài hướng sông Sài Gòn về phía Cầu Xa lộ là khu Cư xá dành cho các nhân viên của Ðại Sứ quán các nước, phía Tây ruộng trũng cỏ dại mọc tràn lan kéo dài ra đến mé sông. Làng Báo Chí nằm gần mé sông phía bên trong dòng sông uốn khúc về hướng Thanh Ða. Ở đoạn này có một con rạch nhỏ từ sông chảy vào nên mỗi khi triều cường lên, đường phố đều ngập nước thành sông lai láng.

Nhớ năm 1980, tổ trắc địa chúng tôi công tác tại đây một tháng để thực hiện bản đồ hiện trạng khu Thảo Ðiền. Cứ mỗi khi mưa lớn đường biến thành sông, chúng tôi khỏi phải làm việc, kéo nhau đạp xe ra ngôi chợ nhỏ Văn Thánh ngồi quán cóc uống cà phê, chuyện vãn đủ thứ trên đời. Thuở đó, cả khu vực này và khu vực Hàng Xanh còn trống vắng, thưa thớt dân cư. Các khu cư xá trong bán đảo Thảo Ðiền tuy đã hình thành nên hình nên dạng nhưng số người vào ở chưa nhiều. Nhiều căn nhà khóa cửa, chắc là họ có nhà riêng trong nội thành để tiện bề đi lại trong một thành phố phần đông dùng xe đạp làm phương tiện trong thời kỳ kinh tế khó khăn sau 1975.

Ðôi vợ chồng người Việt-Nhật tôi nói ở trên mua lại một ngôi nhà trên một con đường mang tên Làng Báo Chí nguyên là ngôi nhà thân yêu của một ký giả làm việc cho báo Sóng Thần hồi trước năm 1975. Gia đình ông ký giả bán nhà, dọn về Bình Dương để tuổi già vui thú điền viên. Cô vợ Việt là bạn học thuở sinh viên với tôi, lấy chồng người Nhật kỹ sư điện tử làm việc cho một công ty Nhật Bản đầu tư ở khu Công nghệ cao quận 9. Hai vợ chồng mua căn nhà này, xây lại hai tầng, tầng dưới làm cơ sở gia công các phụ tùng mạch điện cho công ty, tầng trên để ở. Hôm mời đám bạn bè năm xưa tụ họp ăn uống để mừng ngày khai trương tổ hợp gia công với chừng mười nhân công là bà con họ hàng.


Sinh hoạt sáng thường ngày của ký giả Sài Gòn ở quán cà phê (Hình:: LIFE)


Và đó cũng là lần thứ hai tôi đến khu vực Làng Báo Chí. Lần này không may gặp trời mưa lớn và triều cường dâng cao, xe lội bì bõm từ ngoài Chợ Văn Thánh vào đến nhà, nước ngập gần nửa bánh xe. Cũng may, tôi áp dụng kỹ thuật chạy xe gắn máy trong điều kiện đường phố ngập nước của anh thợ thường hay sửa xe cho tôi chỉ giáo. Cứ vô số 1 chạy rề rề, bô xe liên tục tống hơi ra ngoài tránh miệng bô bị ngộp nước. Xe chạy đến đầu đường số 5, nước còn ngập sâu hơn. Nhưng không sao, người và xe vẫn cứ bơi trên nước dưới bầu trời xám xịt sau cơn mưa lớn, quẹo vào đường Làng Báo Chí tráng nhựa phẳng phiu.

Cô bạn tôi chẳng phải dân làm báo và những ngôi nhà nằm trên đường Làng Báo Chí cũng không có ai làm báo. Cô bạn nói có chăng là một vài căn nhà ở trên các con đường số có thể có nhà của một số ít phóng viên đang làm cho các tờ báo lớn ở Sài Gòn. Hầu hết nhà của các ký giả ngày xưa đã bán lại cho chủ khác từ lâu rồi. Cái tên đường Làng Báo Chí đặt ra chẳng qua để gợi nhớ cách nay gần nửa thế kỷ nơi đây có một làng báo chí. Tại đây từ năm 1973 đã hình thành một khu nhà 300 căn với diện tích lô đất 10m x 11m thật là lý tưởng để cất một căn biệt thự nhỏ nhắn xinh xinh có vườn cỏ viền chung quanh. Tiếc là lúc tôi đến khu vực này vào lần ấy, đã có sự thay đổi diện tích khá nhiều. Nó không đều như ngày xưa với hình dạng nếu từ trên cao nhìn xuống trông giống như là những chiếc bánh in hình vuông. Có thể người ta đã tách thửa đất bán đi một phần cho người mua muốn có diện tích lớn hơn hoặc cắt đôi ra làm thành hai căn nhà phố với diện tích giảm đi một nửa để thu về một khoản tiền lớn do thời buổi đất đai bỗng hóa thành vàng.

Ngôi nhà của cô bạn tôi giữ nguyên diện tích ban đầu, cất thêm một lầu, mái lợp ngói trông như một biệt thự đúng nghĩa chứ không phải như hồi xưa khi xây dựng làng báo chí, nhà cửa tuy gọi là biệt thự nhưng đơn sơ mái lợp fibro, tôn thiếc, tường vách xây bằng gạch ống, quét vôi, đường sá còn tung bụi đỏ mịt mù. Ðó là hình ảnh Làng Báo Chí vào năm 1980 thuở tôi còn là một nhân viên trắc địa. Chúng ta cùng quay lại hình ảnh của Làng Báo Chí khi còn là một ý tưởng và hình thành thực tế vào năm 1973 của ký giả Thanh Thương Hoàng nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam bày tỏ trong một bài viết liên quan đến Làng Báo Chí. Tôi xin trích một vài đoạn để trình bày ngọn ngành.


Bà Nguyễn Văn Thiệu đặt viên đá đầu tiên xây dựng Làng Báo Chí (Hình: web của Ký giả Thanh Thương Hoàng)


“... Chủ Nhật, Saigon trời rất nóng nực, tôi đưa vợ con ra xa lộ tìm chút gió mát. Khi qua bên kia dốc cầu Saigon nhìn thấy phía bên trái, sâu vào trong khoảng sáu bảy trăm thước, có rất nhiều căn biệt thự mái đỏ hình như đã có từ lâu mà tôi không biết. Tôi liền cho xe rẽ vào. Hỏi thăm mới biết đó là Cư xá Ngân hàng Quốc gia dành cho các Sếp... Tôi chợt nhớ tới “Làng Ðại Học” Thủ Ðức, nơi tôi được người bạn Giáo sư đại học cho ở nhờ một thời gian. Lập tức trong đầu tôi nẩy ra một ý tưởng “Tại sao ta không lập một Làng Báo Chí?”.

Thế là việc lập Làng Báo Chí cứ ám ảnh tôi suốt buổi chiều hôm đó. Trời đổ tối, trên đường trở về thành phố tôi ghé lại nhà anh bạn Thái Linh (cũng làm chung tòa báo Chính Luận với tôi). Anh Thái Linh hơn tôi cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Anh là một nhà báo có tài, đọc rộng biết nhiều. Tôi thường hỏi ý kiến anh những việc quan trọng. Anh rất vô tư và thẳng thắn khi phát biểu quan điểm. Nghe tôi nói ý định lập Làng Báo Chí, anh cười nói ngay: “Với cá nhân, tôi rất tán thành và tôi nghĩ sẽ có rất nhiều anh em khác cũng vỗ tay hoan nghênh việc làm của ông, vì chúng ta là dân ABC, đều mơ ước được làm chủ một căn nhà khang trang mà cả chục năm nay chưa có được. Nhưng...riêng về phía ông, tôi phải nói trước để ông chuẩn bị tinh thần. Ông phải có đủ can đảm chịu đựng và quyết tâm mới được. Thiên hạ sẽ xúm lại “chơi” ông, “đánh đấm” ông tơi bời! Vinh thì ít mà đau và có thể cả nhục nữa thì nhiều lắm đấy! ”. Tôi nói tôi đã biết rõ sự đời như vậy, nhất là khi làm một việc gì có tính cách chung lợi ích cho xã hội sẽ lãnh rất nhiều sấm sét búa rìu dư luận (xuyên tạc, bôi nhọ). Tôi sẵn sàng chấp nhận những điều tệ hại nhất, miễn sao có một cái Làng cho anh em cầm bút sống quây quần bên nhau. Thấy tôi cương quyết, anh Thái Linh nói: “Vậy thì ông cứ mạnh dạn tiến bước. Tôi sẽ là người ủng hộ ông hết mình”! Và tiếp đó là anh Tô Ngọc, cũng trong toà soạn Chính Luận, hết lời bàn vào. Hai anh đã cho tôi thêm ý chí và quyết tâm”.

Bài viết còn dài và rất nhiều chi tiết gay cấn đầy thú vị trong quá trình làm việc với Tổng Cục Gia Cư, các bạn có thể vào trang mạng của ký giả Thanh Thương Hoàng đọc để tường tận sự tình. Tôi chỉ trích ra từ xuất phát một ý tưởng và quyết tâm thực hiện để ý tưởng biến thành sự thật. Tôi đánh giá cao sự DÁM LÀM của ông, đó là một người có bản lĩnh dẫu biết phải trải qua muôn vàn khó khăn từ thủ tục hành chánh cho đến huy động tiền bạc của các ký giả cũng như việc vay mượn ngân hàng để xây 300 căn nhà bán trả góp cho các ký giả đủ điều kiện được mua ngôi nhà mơ ước.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân