TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Lăng Cha Cả
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Lăng Cha Cả

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Mon Jun 10, 2019 11:54 pm    Tiêu đề: Lăng Cha Cả
Tác Giả: Trang Nguyên

Lăng Cha Cả

Lăng Cha Cả gần cửa ngõ Phi trường Tân Sơn Nhất hồi đầu thế kỷ 20. Hình: Bưu thiếp


Phạm Quỳnh, trong “Một tháng ở Nam Kỳ” (1918), mô tả Lăng Cha Cả như sau: “Lăng xây kín như kiểu một cái đình lối ta. Chính mộ Cha Cả là cái sập đá to ở giữa, xung quanh đặt cửa bức bàn. Hai cái mộ nhỏ hai bên thì bên tả là mộ Cha Charbonnier, bên hữu là mộ Cha Miche, mới phụ táng về sau. Trong đình trước mộ có tấm bia đá kỷ-niệm cái công-đức của Cha Cả... Sau lưng Lăng Cha Cả có cái mộ địa chôn các Cố đạo”.

Vậy thì Cha Cả là ai? Quê quán ở đâu và khi chết chôn tại chỗ nào? Sao lại có cái lăng thờ phượng tại Gia Ðịnh (làng Tân Sơn Nhất, huyện Tân Bình)? Hẳn nhiều người Sài Gòn cố cựu còn nhớ đôi chút, chứ lớp trung niên trở xuống ngày nay hầu như không còn nhớ, còn biết ở gần cửa ngõ vào phi trường Tân Sơn Nhất từng có một lăng miếu xây cất kiểu truyền thống hình thể giống như cái đình mà nhà báo Phạm Quỳnh miêu tả trong đoạn viết ở trên.

Thật ra thì mãi đến năm 1983 Lăng Cha Cả mới bắt đầu được phá bỏ để mở rộng giao thông, biến thành bùng binh thu nhỏ hơn diện tích cũ. Do vậy, ở tuổi những người như tôi có được cơ hội nhìn thấy sự thay đổi diện mạo một góc nhỏ đô thị, giữa cái cũ mất đi và cái mới hiện diện. Nhớ hồi đâu hơn mười tuổi, tôi từng theo đám bạn bè lớn tuổi hơn trong xóm nhỏ ở Hòa Hưng đi bắt dế ở khu mộ địa sau lăng. Mồ mả các Cha Cố xây vuông vắn xếp hàng thẳng tắp giống như các mồ mả lính Pháp trong khu đất Thánh Tây ở khu vực ngã tư Bảy Hiền. Các mộ này xây bằng xi măng, bọn dế than dế lửa tụ nhau làm ổ dưới các hốc cạnh nhiều lắm, tha hồ mà bắt. Chúng tôi biết đây là Lăng Cha Cả do nghe người lớn nói thôi, chứ chưa từng thấy lăng mộ có ghi tên Cha Cả nào hết.


Tượng Giám mục Bá Đa Lộc dẫn tay Hoàng tử Cảnh được dựng trước Bưu Điện Sài Gòn năm 1904 (Hình: Bưu thiếp)


Hồi nhỏ tôi tưởng Cha Cả là người Việt, sau này mới hay ông là Cố đạo người Pháp, tên là Pierre Pigneau de Behaine – tên tiếng Việt là Bá Ða Lộc. Tên Bá Ða Lộc rất nhiều người biết qua hình tượng đồng được người Pháp dựng bên hông Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn trước Bưu Ðiện thành phố hồi năm 1904. Tượng Bá Ða Lộc nắm tay Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để minh chứng người Pháp ủng hộ Nhà Nguyễn trong thời gian Nguyễn Ánh còn bôn ba ở Hà Tiên (1777) đấu tranh chống lại Tây Sơn.



Trước thời gian này vài năm, Pierre Pigneau de Behaine đã được Tòa thánh Vatican phong làm Giám mục d’Adran, nhận nhiệm vụ đi truyền đạo ở Châu Á. Ông đến Hòn Ðất (Hà Tiên) lập ra một chủng viện nhỏ với khoảng 40 giáo dân, bao gồm cả người Việt, Hoa và Xiêm (người Thái Lan di cư sang Nam Kỳ). Giám mục d’Adran là anh cả trong một gia đình có 19 người con. Có lẽ vì thế, khi sang Nam Kỳ truyền đạo, giáo dân gọi ông là Cha Cả cho dễ dàng trong sinh hoạt. Tuy nhiên, sinh hoạt truyền giáo không thuận lợi vào thời loạn lạc. Giặc giã đánh cướp trụ sở truyền giáo, sát hại giáo dân, nên Cha d’Adran đưa các học sinh chủng viện di tản sang Ấn Ðộ. Cho đến 1777, Hà Tiên yên bình Cha d’Adran mới trở lại, và được Tổng trấn Mạc Thiên Tứ tiếp đón, giúp đỡ công việc truyền đạo.


Lăng Cha Cả xưa


Cũng trong thời gian này quân Tây Sơn đánh Gia Ðịnh, tiêu diệt dòng họ Chúa Nguyễn. May thay còn người cháu là Nguyễn Ánh chạy thoát vào Hà Tiên, có duyên gặp Cha d’Adran tức Bá Ða Lộc giúp đỡ. Cha Cả bỗng nhiên trở thành một chuyên gia chính trị, một quân sư bất đắc dĩ, giúp đỡ Nguyễn Ánh tiền tài, tập hợp binh lực, thậm chí nhờ cậy binh lực của Xiêm La đánh lại Tây Sơn. Cuộc phản công thất bại, Nguyễn Ánh trông cậy vào Giám mục Bá Ða Lộc, giao cho ông chiếc ấn và dẫn Hoàng tử Cảnh sang Pháp nhờ sự hỗ trợ của triều đình.

Tuy nhiên, nước Pháp cũng đang trong cảnh loạn lạc với cuộc cách mạng Pháp nổ ra. Bá Ða Lộc phải tự mình kêu gọi sự giúp đỡ, vận động tiền quyên góp trở lại Việt Nam giúp Nguyễn Ánh. Câu chuyện lịch sử đấu tranh chống Tây Sơn của Nguyễn Ánh còn nhiều tình tiết, tôi không nêu ra làm gì. Sách sử ghi chép rõ ràng, các bạn có thì giờ nên xem lại. Tôi chỉ xin kể tiếp chuyện ở Qui Nhơn căn cứ của Tây Sơn sụp đổ, khiến Nguyễn Ánh thừa cơ tấn công lên phương Bắc. Chính trong thời gian này, Bá Ða Lộc bệnh mất tại Qui Nhơn vào năm 1799.


Văn bia bên trong Lăng Cha Cả


Hoàng tử Cảnh đưa xác Bá Ða Lộc lên thuyền về Sài Gòn làm lễ an táng theo nghi thức Công giáo. Tuy chiến trận đang diễn ra tại Qui Nhơn nhưng Nguyễn Ánh vẫn âm thầm xuôi Nam vào Gia Ðịnh để dự tang lễ của Giám mục Bá Ða Lộc, người đã cưu mang con mình và giúp đỡ mọi phương diện để khôi phục Nhà Nguyễn.

Vậy thì hẳn rằng Giám mục Bá Ða Lộc được chôn ở Gia Ðịnh, lăng tẩm thuộc khu vực Vườn Xoài vùng Tân Sơn Nhất. Ðến đây là có một tư liệu khác, công bố trên Nam Phong tạp chí vào tháng 2/1925 của tác giả Vương Gia Bật, viết là Giám mục Bá Ða Lộc được chôn lần đầu tại Nha Trang.


Văn bia bên trong Lăng Cha Cả


“Tại làng Ngọc Hội, cách thành phố Nha Trang ba cây số, có một ngôi mộ và một cái miếu nhỏ. Hai bên miếu có khắc hai con rồng và hai câu đối bằng chữ Hán: “Minh tâm thù đại đức / Khắc cốt báo thâm ân”. Ở giữa đôi rồng có đề “Bá Ða Lộc chi mộ”, cũng bằng chữ Hán. Và ở phía sau ngôi miếu này có khắc một cây Thánh Giá. Ngay sau ngôi miếu là một bức bình phong. Mặt tiền bức bình phong có khắc hình hai con chim phượng, hai câu đối và mấy dòng chữ Hán: “Thượng đế nhơn từ cứu hạt Bá Ða Lộc linh hồn kim dĩ văn thế khiết thăng thiên quốc hưởng chân phước vô cùng”. Ở mặt hậu bức bình phong cũng có khắc hai câu đối và một bài thơ chữ Hán, theo thể thất ngôn luật Ðường”.

Do nghi vấn trên, quan công sứ và linh mục nhà thờ Bình Can ở Nha Trang đã cho khai quật tìm hiểu hư thực về tư liệu khảo cứu lịch sử Giám mục Bá Ða Lộc. Kết quả tìm thấy được một ít xương mục, một cái hàm còn dính ba cái răng và vài cái răng khác rơi ra bên ngoài... Thiết nghĩ từ lúc Bá Ða Lộc mãn phần đến lúc khai quật mộ phần, thời gian qua đi 125 năm mà không có một cuộc nghiên cứu nào của người Pháp về vấn đề này, trong khi công trạng của Giám mục Bá Ða Lộc không hề nhỏ cho việc phát triển đạo giáo và văn hóa của xứ Nam Kỳ (ông là người soạn cuốn tự điển tiếng Việt Anamitico Latinum, hiện còn lưu trữ tại Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris).


Không ảnh khu vực Lăng Cha Cả năm 1966 (Hình: Alan Beckler)


Như vậy, có thể Lăng Cha Cả ở Gia Ðịnh chỉ là lăng mà không có mộ. Vấn đề này được ông Phan Thứ Lang nêu giả thuyết trong cuốn “Sài Gòn Vang Bóng” như sau: “Thời đó, Nguyễn Ánh còn phải chống đỡ nhà Tây Sơn, nên rất có thể sợ Tây Sơn có ngày chiến thắng, khiến ông phải bôn tẩu lần nữa. Vì vậy việc chôn cất Bá Ða Lộc phải giấu kín, cho làm đám tang Bá Ða Lộc thật lớn và cho dựng lăng ở Gia Ðịnh để đánh lạc hướng. Mãi đến năm 1925, người Pháp mới đem chút xương cốt còn lại của Bá Ða Lộc từ ngôi mộ thực ở Nha Trang về cải táng nơi lăng ở Gia Ðịnh”.

Ðây chỉ là giả thuyết; mộ hư lăng vọng không là chuyện lạ trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động vào thuở xa xưa. Phần mộ của Giám mục Bá Ða Lộc không đặt trong lăng mà được chôn ở bên ngoài bên hông lăng, khi xưa còn là một khu vực cây cối um tùm. Phi trường Tân Sơn Nhất khi đó mới bắt đầu được chọn làm địa điểm xây dựng sân bay; đường sá bắt đầu mở từ Sài Gòn về khu vực này. Không ảnh năm 1966 cho thấy Lăng Cha Cả trở thành một bùng binh giao thông.


Lăng Cha Cả Trước 1975


Năm 1983 lăng mộ giải tỏa hoàn toàn để làm bùng binh có hình quả địa cầu. Di hài của Giám mục Bá Ða Lộc được giao cho Tổng lãnh sự Pháp đưa về cố hương. Tuy nhiên, di hài còn lại là những gì thì không thấy báo chí hay tư liệu nào nhắc tới. Có phải là ít xương mục và vài chiếc răng còn sót, đúng như tài liệu của tạp chí Nam Phong ngày xưa nhắc tới? Ðây là một cứ liệu vô cùng quan trọng cho việc khảo cứu.

Trang Nguyên
Fort Worth, TX

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân