TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Lũ người quỷ ám
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Lũ người quỷ ám

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Mon Apr 29, 2019 11:46 pm    Tiêu đề: Lũ người quỷ ám



Lũ người quỷ ám

      LŨ NGƯỜI QUỶ ÁM

      Tôi mượn tựa đề của một tác phẩm Việt dịch trước 1975 mà mình đã quên tên dịch giả [hình như là Thạch Chương?! ], THE POSSESSED (Anh) hay LES POSSÉDÉS (Pháp) của tác giả danh tiếng người Nga, MILKHAILOVICH DOSTOYEVSKY (1821-1881) cho bài viết hôm nay. Lâu quá rồi chẳng còn nhớ gì nhiều, chỉ nhớ tác giả gửi gấm đến người đọc thông điệp “Con người dù sa đọa đến đâu vẫn có điểm tinh anh và có cơ cứu được. ”

      ĐIỂM TINH ANH đó là gì?
      Phải chăng đó là cái mà Ấn giáo gọi là ATMAN và Phật giáo đại thừa gọi là PHẬT TÍNH từ cả nghìn năm trước ở phương Đông – nơi Mặt Trời mọc. Mà đến đầu thiên niên niên kỷ của chúng ta ở một phương trời khác cơ hồ như đã được nhắc lại trong hai quyển kinh của hai tôn giáo có đông tín đồ nhất thế giới hiện nay.

      Hãy mở KINH THÁNH (Holy Bible) của đạo Chúa và đọc đoạn này:

      “But when you pray, go into your room, close the door and pray to your Father, who is unseen. Then your Fater, who sees what is done is secret, will reward you. ” Matthew 6 Holy Bible-New International version ; Zondervan Publishing House, Michigan, 1989; tr. 1099)

      (Còn ngươi khi cầu nguyện thì hãy vào buồng, khóa cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi, có mặt cả nơi kín ẩn; và Cha ngươi, Đấng thấu suốt cả nơi kín ẩn sẽ hoàn trả lại cho ngươi.). xin xem THÁNH KINH TÂN ƯỚC, bản dịch của LM Nguyễn Thế Thuấn (1922-1975), Dòng Chúa Cứu Thế, 1976, tr. 22; dịch theo các cổ bản Hi-Lạp. [Tác phẩm đồ sộ này gồm hai phần: Cựu Ước với 2318 trang và Tân Ước với 616 trang khổ 20 x 14 cm, in trên giấy bible, tức loại giấy vàng, mỏng và dai thường được dùng để in sách Thánh Kinh. ]

      Và kinh THE QUR’ÂN của đạo Hồi:

      16. “And We have already created man and know what his soul whispers to him, and We are closer to him than [his] jular vein. ”
      (Surah Qàf 50; Juz’ 16; THE QUR’ÂN, nxb Saheeh Internation, bản dịch tiếng Anh in 2013; HOLY QUARAN ENGLISH FLEXI COVE; không đánh số trang; nhưng có ghi: 616 pp; khổ 14x20 cm)

      Và:
      “And indeed We have created man, and We know his soul self whispers to him. And We are nearer to him than his jugular vein (by Our Knowledge. ”
      (Sùrat 50. Qàf; THE NOBLE QUA’RÂN, in the English Language; nxb Darussalam; revised edition 2010; trang 609)
      Tạm dịch:
      “Quả thực Ta đã sáng tạo ra con người và Ta biết rõ linh hồn của nó thì thầm với nó; và Ta gần gũi với nó hơn cả tĩnh mạch cổ của nó. ”

      ******************************
   
 Khác với Tây phương, trong minh triết Đông phương không có tự-ngữ QUỶ; có lẽ bắt nguồn từ các kinh & luận của Phật giáo đại thừa với ngữ tuyến “Tam giới duy tâm, Vạn pháp duy thức” chăng? Nhưng dù sao chăng nữa, trước khi nhập vào dòng suối TÂM LINH luôn trôi chảy không bao giờ ngừng nghỉ, để trầm tư mặc tưởng, con người buộc phải nghĩ đến Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Dựng vũ trụ này. Vì tổ tiên chúng ta giữa trời cao đất rộng, xung quanh toàn những khó khăn và cạm bẫy, rất yếu đuối, tất phải ngước lên trời cao khấn nguyện Đấng Tối Cao – không biết danh xưng như thế nào – để mong được Ngài che chở. Đấng đó không có tên, như trong Đạo Đức Kinh (tương tuyền là của Lão Đam) đã dạy:

      Đạo khả đạo phi thường đạo,
      Danh khả danh phi thường danh.
      Vô DANH thiên địa chi thủy,
      Hữu DANH vạn vật chi mẫu.

      Vậy đó, không cần phải đến bốn câu, chỉ một câu Vô DANH thiên địa chi thủy, đủ khiến chúng ta NGỘ được TAM GIỚI DUY TÂM, VẠN PHÁP DUY THỨC rồi. Tuy nhiên muốn đi sâu vào trầm tư quán tưởng, đầu tiên con người mỗi đêm mỗi ngày, từng giờ từng phút từng giây khấn nguyện với ĐẤNG TỐI CAO. Đúng thôi, như em bé từ lúc nhỏ cho đến trưởng thành phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển vừa thân xác, vừa kiến thức và, tâm linh.
      Bởi thế khi đã nói TÔN GIÁO là nói đến ĐỨC TIN, phải có tấm lòng kính ngưỡng ĐẤNG TỐI CAO.

      Tiếc thay, riêng Phật giáo lại có hai trừơng phái gọi là Nam tông (Nam truyền) hay Tiểu thừa và Bắc Tông (Bắc truyền) hay Đại thừa với hai hệ thống kinh điển khác nhau, kiết tập bằng chữ Pàli (Nam truyền) và Sanskrit (Bắc truyền). Rồi vì nguyên bản Sanskrit thất lạc gần hết chỉ còn lại các bản dịch chữ Hán và Tạng ngữ (4 bộ A-hàm – Àgama) trong khi nguyên bản Pàli còn đầy đủ (5 bộ Nikàya).
      Từ khi cố HT Thích Minh Châu (1920-2012) sau 13 năm du học Ấn Độ trở về năm 1964 các Phật tử Việt Nam mới biết đến kinh tiểu thừa – người đời hay gọi thế. Rồi khi vừa phát hành chưa hết 5 bộ tính đến tháng 4/1975, các Phật tử cảm thấy lạc lõng khi chẳng thấy đâu là A-Di-Đà Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát cùng các vị bồ tát khác!

      Nhưng may thay, Phật tử VN lúc đó không những thấm nhuần các bài kinh ngắn và gọn do các bậc túc tôn dịch từ chữ Hán, mà còn trong tâm khảm của mình hình ảnh và đức độ của các vị túc tôn trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn in dấu sâu đậm. Như ngài: HT Thích Tịnh Khiết (1890-1973), vị Tăng thống đầu tiên của Việt Nam được toàn thể các vị túc tôn suy cử năm 1964 ; ngài cũng là sư phụ của cố HT Minh Châu, mà khi viên tịch chính HT Minh Châu, lúc đó là Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng các Viện trưởng đại học tư lập của VNCH, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục của Giáo hội PGVN, được cử làm Trưởng ban Tang lễ của ngài.

      Chỉ cần mở ra tập sách nhỏ NGHI THỨC TỤNG NIỆM, được Phật học viện Trung phần xuất bản năm 1962 (in tại nhà in Hoa Sen, 82 Độc Lập, Nha Trang) khổ nhỏ vừa tầm tay: 14 x 9. 5 cm, 293 trang với giấy phép xuất bản số 1598/XB. HĐKD, Sài Gòn ngày 20-7-1962, chúng ta thấy ngay ở trang đầu:

      CHỨNG MINH:
      Hòa-Thượng THÍCH TỊNH KHIẾT
      Hòa-Thượng THÍCH GIÁC NHIÊN
      Hòa-Thượng THÍCH KHÁNH ANH
      Hòa-Thượng THÍCH GIÁC NGUYÊN.

      Như chúng tôi có lần nhắc lại trên trang web Duy Tân này, khi chí sĩ PHAN BỘI CHÂU (1870-1940) bị Pháp cho an trí ở Huế, ngài mỗi ngày thường hay dùng thuyền đến chùa Từ Vân để đàm đạo với ngài Tịnh Khiết. Điều đó chứng tỏ uy tín của Ngài Tinh Khiết như thế nào. Ngoài các vị túc tôn được suy tôn chứng minh trên, còn rất nhiều các bậc túc tôn khác đã ăn sâu trong não trí và tâm linh của các Phật tử VN như những vị cao tăng và thánh tăng của đời thường. Thế cho nên dù có Kinh Nikaya của tiểu thừa trước 1975 nhưng hầu hết Phật tử VN vẫn một lòng một dạ với A-di-đà Phật và Quan Âm Bồ Tát qua hình ảnh và cuộc sống đời thường của quí Cao tăng Thánh tăng đó. Nếu các con chiên của Chúa kính ngưỡng các vị Giám mục, Tổng giám mục hay Hồng Y (có chữ Đức đứng trước) của mình như thế nào thì Phật tử VN cũng kính ngưỡng quí Cao tăng Thánh tăng đó như vậy; chính những vị này đã dẫn dắt các Phật tử đến ĐỨC TIN vào Đấng Vô lượng quang –Vô lượng thọ (Amitabha-Amitayus).

      Buồn thay, từ hai chục năm trở lại đây, đã và đang xuất hiện mạnh mẽ phong trào các tu sĩ PGVN chuyển hướng sang “thuyết pháp” kinh hệ Nam tông ; và nhiều vị còn mạnh miệng tuyên bố Phật A-di-đà và Bồ Tát Quan Âm là giả, không có thật, do đời sau bịa ra ; cũng có nhiều người lôi kéo cố HT Thích Minh Châu vào để chứng minh cho lối “thuyết pháp” của họ. Tội nghiệp cho ngài Minh Châu, khuất núi đã lâu; vì khi còn sinh thời trước 1975 với uy tín to lớn của mình mà ngài chưa bao giờ phát biểu những gì đụng chạm đến Phật A-di-đà và Quan Thế Âm Bồ tát cả.

      Nói chi đâu xa, chỉ cần so sánh hai quyển sau đây, rất quan trọng đối với Phật tử:
      - Nghi Thức Tụng Niệm, xuất bản 1962;
      - Kinh Nhật Tụng, xuất bản Phật lịch 2546 (năm 2002)

      Cuốn sau chép gần như nguyên văn của cuốn trước, tuy vẫn có nhiều sửa đổi. Ở đây chúng tôi chỉ nêu hai điểm quan trọng nhất:
      1- Cuốn sau ở trang đầu tiên không có các vị Tôn túc chứng minh – một thông lệ rất quan trọng khi có liên quan đến Nghi Thức tụng niệm của Phật giáo [trong khi Giáo hội bây giờ đã có Hội đồng Chứng minh và dưới là Hội đồng Trị sự, theo Hiến chương PG 1981]
      2- Cuốn sau bỏ bài kinh SÁM HỐI PHÁT NGUYỆN, rất quan trọng của phần Nghi thức Sám Hối. Chúng tôi sẽ chép lại ở kỳ sau .

      (còn tiếp)
      Tây đô,
      April 30th 2019

      CHỮ ÍT TÌNH NHIỀU
      भक्तिवेदन्तविद्यारत्न



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân