TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Ông già Nô-en
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Ông già Nô-en

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Tue Dec 25, 2018 11:38 pm    Tiêu đề: Ông già Nô-en
Tác Giả: Ian Bùi

Ông già Nô-en

Chú lính Mỹ giả làm Ông già Noel phát quà cho trẻ em tại một cô nhi viện ở Củ Chi, 1969. ảnh: Allen Dayton, 25th Infantry Division, Supply and Transport


Hàng năm đến mùa Giáng Sinh đi đâu cũng thấy ông già Nô-en, Tây gọi là Papa Noel, Anh Mỹ gọi là Santa Claus. Ông là một hiện tượng marketing độc đáo nhất hành tinh, điều đó miễn cãi. Nhưng do đâu mà có chuyện này?

Thế kỷ thứ ba sau Dương Lịch, tại một vùng đất tên Myra, ngày nay nằm trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) nhưng thuở ấy thuộc Hy Lạp cổ, có một vị giám mục hiền lương tên Nicholas. Sách sử ghi rằng “Nicholas từ Myra” sanh năm 270 và mất năm 343. Sau khi chết ông được giáo dân rất mực thờ phượng vì tiếng đồn ông vô cùng linh thiêng. Ðược người đời sau gọi là Người Làm Việc Vi Diệu (The Wonderworker), Nicholas còn là vị Thánh bảo vệ cho thuỷ thủ, cung thủ, thương gia, kẻ cướp hoàn lương, nhà nấu rượu, và trẻ con. Ông nổi tiếng hay tặng quà cho người nghèo khó, nhưng luôn luôn làm một cách kín đáo, không thích phô trương.


Tranh vẽ Santa Claus trên một tờ báo tiếng Nhật. Nguồn:publicdomainreview.org


Tương truyền gia đình nọ có ba cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng nhà quá nghèo, người cha không đủ tiền lo của hồi môn cho con mình. Một đêm kia Nicholas lẻn ném một bịch tiền vàng qua cửa sổ nhà đó, rồi ông làm như vậy hai đêm tiếp theo (một bịch vàng cho mỗi cô con gái). Nhưng đến đêm thứ ba thì ông bị người cha thức đợi và “bắt quả tang”. Ông dặn người cha ấy phải giữ bí mật, nhưng câu chuyện vẫn bị xì ra và sau khi ông mất nó đã được vẽ lại trong rất nhiều sách vở cũng như các họa phẩm Thiên Chúa Giáo của Châu Âu. Mặc dù sử gia ngày nay không tìm thấy chứng cứ nào xác minh câu chuyện nói trên, nhưng ai cũng công nhận Nicholas khi còn sống rất được người đời yêu mến. 200 năm sau khi ông mất, người ta cho xây một ngôi nhà thờ tại Myra mang tên Nhà Thờ Thánh Nicholas.

Thế còn Santa Claus là từ đâu ra? Santa Claus là do người Anh đọc trại chữ Sinterklaas trong tiếng Dutch của người Hoà Lan. Sinterklaas là cách nói vắn tắt “Sinte Nikolaas” [Thánh Nikolas] của dân Dutch. Trong truyền thuyết của họ, Thánh Klaas mặc bộ đồ Giám mục đỏ, cưỡi con bạch mã tên Amerigo, tay cầm quyển sổ trong đó ghi tên những đứa bé ngoan và những đứa bé hư. Sinterklaas còn có những người phụ tá “mặt đen” gọi là “black Petes” để phụ giúp. Những người phụ tá này tay cầm roi [tiếng Dutch là “roe”] để đét đít trẻ hư. Họ cũng mang những bịch kẹo để ném vào nhà có những đứa trẻ ngoan (bắt chước màn ném bịch vàng). Càng về sau người ta càng vẽ ra nhiều công việc khác cho đám “black Petes” làm, như phụ Sinterklaas gói quà, làm GPS chỉ đường cho bầy tuần lộc (reindeer), leo nóc nhà, tụt ống khói, v.v. v.v. và v.v.


Tranh vẽ của A. Anderson cho Lễ St Nicholas 6/12/1810. Nguồn: publicdomainreview.org


Vào thời thực dân, người Âu Châu đem các truyền thống văn hóa của mình sang những vùng đất thuộc địa. Tại Bắc Mỹ vào thế kỷ 17, người Dutch định cư ở khu vực New Amsterdam (tức New York ngày nay) cũng tổ chức ăn mừng Lễ Thánh Nicholas vào ngày 6/12 hàng năm như ở cố quốc. Nhưng đến khi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ra đời (1776) thì người Mỹ gốc Anh đã chiếm đa số nên lễ lạt của người Dutch dần dần phôi phai. Năm 1804 Hội Lịch Sử New York (New York Historical Society) ra đời; hội trưởng John Pintard quyết định chọn Saint Nicholas làm Thánh đỡ đầu cho Hội và cho cả thành phố. Ngày 6/12/1810 Hội tổ chức Lễ Thánh Nicholas thứ nhất; nhân dịp này họa sĩ Alexander Anderson được thuê vẽ một bức tranh minh họa cho sự kiện này. Ðó là lần đầu tiên người ta nhìn thấy những chi tiết [hư cấu] mới mẻ như lò sưởi với những chiếc vớ đầy quà do “SANCTE CLAUS” mang đến cho các đứa bé ngoan.


Tranh minh họa cho bài thơ “Cuộc viếng thăm của St Nicholas”, 1864 – Nguồn: publicdomainreview.org


Cũng đúng vào dịp này văn hào Washington Irving, một người bạn của John Pintard, cho xuất bản một câu chuyện về Thánh Nicholas với những chi tiết nặng phần tưởng tượng. Tuy lúc ấy câu chuyện này không được nhiều người biết, nhưng 10 năm sau giáo sư Clement C. Moore đã mượn một số ý tưởng của Irving (và bức tranh minh họa của Anderson) để chế tác bài thơ nổi tiếng “Cuộc Viếng Thăm của Thánh Nicholas” mà ngày nay còn được biết đến với tựa đề “Một Ðêm Trước Giáng Sinh”.

Nối tiếp truyền thống đó, đến thời Nội Chiến (1860-1865) họa sĩ Thomas Nast cũng đã có những đóng góp đáng kể vào câu chuyện Santa Claus với những bức tranh tả cảnh St Nicholas thăm viếng binh lính [Union] dịp Giáng Sinh. Cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 lễ Giáng Sinh ngày càng được nhiều người Mỹ ăn mừng hơn. Thậm chí ở Nhật người ta cũng bắt chước ăn Noel với Santa Claus. Thời Ðệ Nhất Thế Chiến hình ảnh Santa Claus cũng được dùng để uỷ lạo tinh thần chiến binh. Sang Ðệ Nhị Thế Chiến thì Santa Claus đã trở thành một truyền thống không riêng gì của người dân Mỹ mà còn của quân đội viễn chinh.


“Nghỉ phép Giáng Sinh”, của họa sĩ Thomas Nast vẽ cho tờ Harper’s Weekly, 1863 – Nguồn: publicdomainreview.org


Một trong những lý do chính là loạt tranh của họa sĩ Norman Rockwell vào thập niên 1920-1930, nổi tiếng với cảnh xã hội đời thường đề cao các giá trị tinh thần cốt lõi của người Mỹ. Dưới nét cọ tài tình của Rockwell, người Mỹ lần đầu tiên nhìn thấy một Santa Claus giống như ông già bụng bự hàng xóm chứ không phải một vị Thánh xa lạ nào đó nữa. Hơn bất cứ ai hết, Norman Rockwell đã biến Santa Claus thành một người Mỹ chân chính.


Santa Claus cổ điển của họa sĩ Norman Rockwell. Nguồn:publicdomainreview.org


Nhưng có công lớn nhất trong việc mang Santa Claus đến với đại chúng không ai khác hơn là công ty Coca-Cola. Từ những thập niên đầu của thế kỷ 20 vài thương hiệu lớn đã nảy ra ý tưởng dùng Santa Claus để quảng cáo cho các mặt hàng của mình — như Procter & Gamble với bột giặt chẳng hạn. Riêng Coca-Cola thì gặp một thử thách hơi bất thường là vào mùa Ðông người ta ít có nhu cầu uống nước ngọt ướp đá, nên muốn quảng cáo cô-ca vào những tháng lạnh không phải dễ. Năm 1931 Coca-cola nghĩ ra cách mướn họa sĩ Haddon Sundbloom vẽ một nhân vật Santa Claus đặc biệt cho thương hiệu của mình. Sundbloom bèn dùng bài thơ “Một Ðêm Trước Giáng Sinh” làm nền cho câu chuyện, thêm thắt vào đó một số chi tiết mượn từ tranh của Anderson và Rockwell để tạo nên một Santa Claus đặc thù của Coca-cola. Tuy trước đây không phải thời đại nào St Nicholas cũng được các họa sĩ cho mặc áo đỏ, nhưng vì Sundbloom vẽ cho Coca-cola nên dĩ nhiên ông chọn hai màu đỏ và trắng cho Santa Claus của mình.


Ông già Nô-en hiện đại, theo tiêu chuẩn Coca-cola do họa sĩ Haddon Sundbloom chế tác – Nguồn: coca-cola.


Mẩu quảng cáo đầu tiên dùng hình ảnh Santa Claus của Sundbloom xuất hiện trên tuần báo Saturday Evening Post vào mùa Giáng Sinh 1931. Chiến dịch quảng cáo dùng Santa Claus của Coca-cola thành công đến độ sau đó Sundbloom được mướn vẽ thêm nhiều mẩu quảng cáo Santa Claus nữa, đến năm 1964 ông mới ngưng. Qua nét cọ của Sundbloom, những người “mặt đen” trong truyền thuyết Dutch xa xưa được biến thành những chú phụ việc người Elf thật dễ thương. Ngày nay tất cả mọi người đều dùng hình ảnh Santa Claus của Sundbloom làm chuẩn. Không mấy ai còn nhớ trước đó đã từng có vô số phiên bản Santa Claus rất khác; cũng không ai buồn sáng chế ra phiên bản Santa Claus nào khác nữa để thay thế.

Nhưng Sundbloom không chỉ vay mượn ý tưởng của người đi trước, ông còn sáng tạo ra một nhân vật không hề có trong truyền thuyết Sinterklaas, đó là... Bà Santa!! Và người mẫu cho ông? Không ai khác hơn là... vợ của họa sĩ!

Ian Bùi
Dallas, TX

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân