TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Hội chợ Giáng Sinh ở Na Uy và Anh Quốc
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Hội chợ Giáng Sinh ở Na Uy và Anh Quốc

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Sun Dec 23, 2018 11:46 pm    Tiêu đề: Hội chợ Giáng Sinh ở Na Uy và Anh Quốc

Hội chợ Giáng Sinh ở Na Uy và Anh Quốc

Chợ Giáng Sinh kiểu Đức ở Manchester, Anh Quốc.
Một gian hàng bán đồ chơi, đồ kỷ niệm. Hình: Di Nguyễn


Lại một mùa Giáng Sinh nữa đang đến. Những năm sau này khi sống ở nước ngoài, Giáng Sinh đến, một trong những sở thích của tôi là đi chợ Giáng Sinh ở những nơi mà tôi đang sống hoặc du lịch ghé qua.


Hội chợ Giáng Sinh ở Oslo và Halden, Na Uy

Xem ca vũ nhạc dân gian. Hội chợ Giáng Sinh ở Norwegian
Museum of Cultural History (Norsk Folkemuseum), Oslo, Na Uy.


Khi mới đến Na Uy, sống ở thành phố Kristiansand, thành phố này nhỏ, cũng có chợ Giáng Sinh nhưng không có gì nhiều. Noel và Tết Dương lịch ở đây không có hoạt động vui chơi gì mấy, chả bù với Paris, Vienna, London, Brussels, Frankfurt... Thậm chí chiều 24 và nguyên ngày 25-12 mọi cửa hàng, siêu thị, quán xá đều đóng cửa. Chiều 31-12 và ngày 1-1 cũng thế. Tất cả mọi người đều tổ chức ăn Noel hoặc mừng năm mới tại nhà mình hay nhà bạn bè, người thân. Ngoài đường vắng ngắt.

Ngay ở thủ đô Oslo, vào dịp Giáng Sinh ngoài đường phố, tại khu vực trung tâm cũng không trang trí gì nhiều. Thậm chí năm nào cũng trang trí giống nhau, từ cây thông xanh ở nhà ga trung tâm Oslo Station cho tới cách trang trí ở những con đường chính. Nhưng Oslo có khá nhiều chợ Giáng Sinh.

Trong đó phải kể đến chợ Giáng Sinh Spikersuppa, có lẽ là lớn nhất ở Oslo, nằm ngay trên con đường chính, với cả trăm gian hàng nhỏ, bằng gỗ, bán đủ thứ từ những đồ chơi, biểu tượng mùa Giáng Sinh, quà lưu niệm các loại, mũ, khăn choàng len, đồ trang sức, đồ chơi cho trẻ em v.v. Thức ăn ngọt với đủ thứ bánh, kẹo, chocolate... Phổ biến như bánh waffle quệt các loại mứt cam, mứt dâu... pepperkaker — một loại bánh bích quy (ginger nuts) còn được gọi là bánh gừng hoặc “brunkage” trong tiếng Ðan Mạch (nghĩa đen là “bánh quy nâu”), pepparkakor ở Thụy Ðiển, piparkakut tiếng Phần Lan, pepperkaker ở Na Uy (theo nghĩa đen, hạt tiêu).

Pepperkaker làm bằng bột mì, bơ, trứng, đường, xi-rô, giấm, và quan trọng nhất là phải có hạt tiêu, gừng, đinh hương, quế... để có vị cay, thơm, được đổ khuôn và trang trí theo hình trái tim, cây thông, hình thú, hình người v.v... rồi nướng trong lò. Món glaserte epler (tiếng Anh: glazed apples) là táo đỏ nhúng vào xi-rô làm từ nước, đường, giấm... đun sôi. Những quả táo đỏ tươi đính trên những cái que dài, hấp dẫn, trẻ em rất chuộng. Món mặn ngoài hot-dog, sandwich, mọi người thường thích ăn các loại thịt nướng; người bán nướng tại chỗ, mùi thơm lừng bay khắp nơi.

Thức uống phổ biến nhất là gløgg, rượu hâm nóng, là một thức uống có cồn (nhưng bây giờ cũng có khi không có cồn mà làm từ nước ép nho, nước ép táo). Rượu gløgg được làm từ rượu vang đỏ, rượu cognac, đường, hoặc xi-rô. Bỏ thêm các thành phần “phụ gia” như thanh quế, thảo quả, đinh hương. Các loại gia vị phổ biến khác là vỏ cam và bạch đậu khấu. Ở Na Uy người ta thường bỏ thêm nhiều thứ khác nữa, ví dụ như đậu phộng nghiền, hạnh nhân và nhất là nho khô. Ðun nóng đến khoảng 67 độ C (không bao giờ trên 70 độ). Gløgg cũng có bán sẵn từng chai trong các cửa hàng tạp hóa mà không có rượu, mua về hâm nóng, bỏ thêm “phụ gia”. Nó là một thức uống truyền thống trong mùa đông, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh và Halloween ở các nước Scandinavia. Sau này lan sang nhiều nước khác, dân Ðức gọi là Glühwein, còn tiếng Anh gọi là mulled wine.

Và tất nhiên không thể thiếu những chỗ vui chơi cho trẻ em thường thấy như ngựa gỗ, đu quay (Ferris wheel), chụp hình với ông già Noel. Nhưng ở Spikersuppa có thêm sân trượt băng. Có khi người ta bày thêm một khu vực giống như nông thôn với cát, những ụ rơm... cho trẻ chơi, một phòng với đầy đủ dụng cụ để trẻ em tự vẽ những cái thiệp Giáng Sinh hay nặn tượng, làm những món quà cho cha mẹ, anh chị, bạn bè...

Một khu chợ Giáng Sinh, hay nói chính xác là Hội chợ Giáng Sinh, nổi bật nữa ở Oslo được tổ chức tại Norwegian Folk Museum (Julemarket på Norsk folkemuseet). Bảo tàng này có những ngôi nhà gỗ, nhà thờ gỗ hàng trăm năm tuổi rất đặc trưng của các nước Scandianvia. Giữa bối cảnh đó người ta tổ chức hội chợ. Ngoài những gian hàng mua sắm, ăn uống thì có những hoạt cảnh ông già Noel, xe ngựa... chương trình ca nhạc khiêu vũ truyền thống dân gian rất thú vị.


Chợ Giáng Sinh ở pháo đài Fredriksten, thành phố Halden, Na Uy.


Một Hội chợ Giáng Sinh khác cũng rất độc đáo được tổ chức ở pháo đài Fredriksten, thuộc thành phố Halden của Na Uy, cách Oslo khoảng 120 km. Fredriksten nằm phía đông nam của Na Uy, gần biên giới với Thụy Ðiển, tại một vị trí cao phía trên thành phố Halden. Pháo đài Fredriksten được xây dựng vào thế kỷ XIIV, được đặt theo tên của Vua Fredrik III của Ðan Mạch và Na Uy, và thành phố Halden lúc đầu cũng mang tên ông, được gọi là Fredrikshald trong khoảng thời gian giữa 1665 và 1928. Fredriksten là một pháo đài biên giới quốc gia, và là một đấu trường văn hóa trong khu vực. Một số sự kiện đáng kể nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh của Na Uy đã diễn ra ở đây, nổi tiếng nhất có lẽ là cái chết của vua Thụy Ðiển Charles XII năm 1718.

Ngày nay pháo đài không còn giữ ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự mà chủ yếu là ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Và vào mùa Giáng Sinh năm nào ở đây cũng có tổ chức chợ Giáng Sinh, dân trong vùng và cả ở những thành phố chung quanh cũng đến. Người ta tìm đến chợ Giáng Sinh ở pháo đài Fredriksten trước hết vì ý nghĩa lịch sử của pháo đài, vì thích cái địa điểm-pháo đài nằm ở trên cao, có thể nhìn xuống thành phố và khu vực chung quanh. Hội chợ ở đây chủ yếu bày bán những sản phẩm, thực phẩm làm ở nhà, ở các nông trại quanh vùng cho tới những tấm trải làm bằng lông cừu, rổ, rá đan tay, áo, mũ, vớ, găng tay len đan tay có những hoa văn truyền thống. Quan trọng nhất, Hội chợ Giáng Sinh ở đây được tổ chức với bối cảnh y như cách đây mấy thế kỷ, với những kỵ binh mặc trang phục của thời đó, những người phụ nữ nông dân luộc xúc xích trong những cái nồi đốt bằng củi, những cái bật lửa kiểu thủ công, có cả người thợ làm đạn viên kiểu thủ công... Vào dịp Giáng Sinh, ban nhạc có thể chơi những bản nhạc Giáng Sinh hoặc nhạc dân gian Na Uy.

Ðối với tôi, thú vị nhất khi đi chợ Giáng Sinh ở Oslo nói riêng và Na Uy nói chung là ngồi trong những cái lều, uống rượu nóng quanh bếp lửa rừng rực cháy, ăn những món ăn truyền thống và xem những điệu nhảy dân gian truyền thống của các xứ Bắc Âu.


Hội chợ Giáng Sinh ở Leeds và Manchester, Anh Quốc

Chợ Giáng Sinh kiểu Đức ở Leeds, Anh Quốc.


Năm nay tôi đón Giáng Sinh ở Leeds, một thành phố ở phía Bắc nước Anh.

Giáng Sinh ở Leeds và ở Anh nói chung không có tuyết, nhưng trời cũng lạnh, và thường có mưa nên càng lạnh hơn. Ðến khi sang Anh tôi mới biết nước Anh không có văn hóa chợ Giáng Sinh riêng của mình, nên chợ Giáng Sinh hoặc là theo kiểu Ðức, kiểu Pháp hoặc theo kiểu châu Âu chung chung.

Ở Leeds chỉ có một khu chợ Giáng Sinh lớn theo kiểu Ðức, nằm tại Công trường Millennium (Millennium Square) với khoảng 40 quầy nhà gỗ xây theo kiểu truyền thống của Ðức. Chợ bày bán đồ chơi thủ công bằng gỗ tinh xảo nổi tiếng của Ðức, đồ trang sức, trang trí lễ hội và các món ngon Ðức, trong đó đương nhiên phải kể đến các loại xúc xích, bia, bánh breze (tiếng Anh: pretzel), một loại bánh mì nướng có hình dạng một nút thắt hình xoắn. Thật ra pretzels có nguồn gốc ở châu Âu, có thể là từ các tu sĩ thời Trung Cổ. Trong thời đại ngày nay, bánh pretzel có nhiều hình dạng, nhiều gia vị khác nhau.


Chợ Giáng Sinh kiểu Pháp ở Manchester, Anh Quốc. Một quầy
hàng bán thực phẩm, nông phẩm của Ý. Hình: Di Nguyễn


Cùng với đó là những trò chơi thu hút trẻ em như vòng ngựa gỗ (carousel) Giáng sinh, câu cá (cá đồ chơi) hoặc bắn cung trúng thưởng thú nhồi bông. Với người lớn thì hấp dẫn là các quầy bar, các chương trình giải trí buổi tối. Chương trình biểu diễn của trẻ em hàng tuần cũng sẽ diễn ra vào mỗi sáng Chủ Nhật trên sân khấu Công trường với mô hình bóng, hát, nghệ thuật sáng tạo, hàng thủ công và sự xuất hiện của các nàng công chúa mùa đông và các nhân vật khác.

Trong khi đó ở Manchester có tới 8, 9 khu chợ Giáng Sinh khác nhau. Khu chợ Giáng Sinh kiểu Ðức lớn nhất nằm tại Albert Square, phía bên ngoài tòa Thị Chính (Town Hall). Vẫn mọi thứ giống như hội chợ Giáng Sinh kiểu Ðức ở Leeds nhưng lớn hơn, nhiều gian hàng hơn. Những gian hàng đồ chơi, búp bê bằng gỗ hoặc bằng vải, thú nhồi bông, nhiều nhất là hình ảnh những chú lính Hoàng gia mặc trang phục xanh hoặc đỏ, đội mũ nồi, áo có ngù vai tua chỉ vàng, thắt lưng màu vàng và bộ ria mép đen ngộ nghĩnh...


Một gian hàng VN tại một hội chợ Giáng Sinh ở Manchester. Hình: Di Nguyễn


Tại một khu chợ Giáng Sinh khác trên Market Street, tôi tình cờ nhìn thấy một gian hàng Việt Nam bán các loại sản phẩm mỹ nghệ và tranh sơn mài, túi xách thổ cẩm, đèn lồng Hội An v.v... Tự nhiên xúc động vì bắt gặp một phần hình ảnh của quê hương ở một thành phố xa lạ!

Song Chi

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân