TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MÙI VỊ NHÀ THƯƠNG..( Thu Trang)
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MÙI VỊ NHÀ THƯƠNG..( Thu Trang)

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1015

Bài gửiGửi: Fri Sep 28, 2018 6:16 am    Tiêu đề: MÙI VỊ NHÀ THƯƠNG..( Thu Trang)



MÙI VỊ NHÀ THƯƠNG

Nhẩm tính từ ngày tôi đến định cư ở đất nước nầy đến nay cũng đã ba mươi mấy năm, tuy tạng người mảnh mai yếu đuối nhưng tôi chưa bao giờ biết cảm giác nằm trong bệnh viện xứ người là thế nào, trong khi nhiều người tỵ nạn khác ra vào nhà thương như đi chợ! Gia đình tôi may mắn được đến tỵ nạn nước CHLBĐ là một trong những nước tân tiến trên thế giới, nhất là về khoa học kỹ thuật, nền y khoa đã tiến bộ vượt bực. Thành phần các bác sĩ ở bệnh viện rất ưu tú nhiều kinh nghiệm, các phương tiện máy móc chữa bệnh tối tân, nếu so sánh với ngành y tế của nước XHCNVN thật khác một trời một vực.

Nhưng ngày tháng trôi qua, tuổi đời chồng chất, sức khỏe dần suy sụp, dẫu tôi luôn chuyên cần luyện tập thân thể sáng chiều, nhưng con người đành bó tay với định luật thiên nhiên của tạo hóa. Giờ đã đến tuổi quá "thất thập cổ lai hy", tôi cảm thấy có dấu hiệu suy sụp dần dần trong cơ thể. Tuy không bị những cơn bệnh lặt vặt nhưng một hôm bỗng giật mình vì nhận thấy cơ thể dần dần bị giảm ký (cứ mươi bữa nửa tháng lại mất đi vài trăm gram), và huyết áp luôn ở mức thấp. Các con tôi khuyên nên vào bệnh viện soi ruột để có thể tìm ra nguyên nhân của "căn bệnh thiếu máu, sụt ký..", có thể trở nên trầm trọng đáng ngại.

Sau khi vào bệnh viện khám, được biết có một polyp nhỏ nằm sát thành ruột, bác sĩ khuyên nên cắt đi thì sau nầy sẽ không còn lo ngại nữa. Vài tuần lễ sau, tôi vào bệnh viện để làm một giải phẫu nhỏ sau khi uống 3L nước có pha thuốc xổ mệt phờ người... Nhưng sau khi kiểm soát lại, bác sĩ nói ruột chưa được sạch hẳn, tôi phải nằm lại bệnh viện vài ngày, ăn uống theo chế độ trong nhà thương cho đúng, mới vào phòng OP làm phẫu thuật được!

Không ngờ những ngày nằm bệnh viện, tôi đã trải qua nhiều sự việc gây cảm giác buồn chán, bức bối, lo sợ... mà từ ngày sống tương đối an lành thảnh thơi ở đất nước nầy, tôi chưa bao giờ trải nghiệm.

Trong khi chờ đợi làm thủ tục nhập viện, cô y tá đến hỏi tôi muốn chọn nằm phòng nào (P. một giường, P. hai giường, hay P. bình thường)? Tôi nghĩ chỉ nằm một đêm thôi nên trả lời là loại phòng "normal", mà tôi cũng chưa rõ là loại phòng có mấy người.

Giường tôi nằm số 2 ở giữa hai bệnh nhân người bản xứ. Bên trái gần cửa ra vào là giường một bà cụ già, bà M (Frau M), về sau nói chuyện mới biết là bà đã 93 tuổi. Bà nầy nằm liệt trên giường, không tự ngồi dậy được, tới bữa ăn có người đỡ lên mới ngồi được một lúc. Bà cử động yếu ớt, mắt lại hầu như không trông thấy rõ vật gì, một tay luôn sờ soạng lên chiếc bàn nhỏ bên cạnh giường, khi thì với lấy chiếc ly nhỏ trên nắp đậy có lỗ nhỏ để hút nước uống, khi thì mò mẫm tìm chiếc bánh khô hay thẻ chocolat trong hộp để gần đó nhai luôn miệng... Bà thường làm rơi ly nước xuống sàn nhà, tôi không làm ngơ được nhiều lần nhặt lên và đổ nước đầy vào ly, đậy nắp lại. Được thể bà luôn nhờ tôi vài việc lặt vặt khác như khi thì chiếc khăn nhỏ, khi thì chiếc muỗng chiếc nĩa, khi thì cuộn giấy lau tay thỉnh thoảng bị rơi lăn xuống gầm giường. Ban đêm bà loay hoay mãi với chiếc điện thoại móc rất sít sao vào giá gỗ trên đầu giường. Vì tay yếu và mắt kém, mỗi lần gác lại không đúng vị trí, chiếc điện thoại lại nằm lơ lửng, rất nhiều lần tôi chạy đến giúp bà mắc lại trên giá cho đúng vị trí. Bà cứ mò mẫm với lấy chiếc điện thoại rồi để sai chỗ, lại gọi tôi giúp dù đã gần nửa đêm! Nhiều lần bị quấy rầy, tôi đến bên bà nhắc nhở đã khuya rồi bà để tôi ngủ với chứ! Có gì cứ bấm nút gọi y tá họ sẽ đến giúp. Bà nằm im một lúc rồi ngủ thiếp đi, nhưng thỉnh thoảng lại ngáy khá to khiến tôi giật mình thức dậy luôn. Tuy nhiên tôi cũng thấy bà cụ nầy rất tội nghiệp, không đủ khả năng làm việc gì dù rất đơn giản, tất cả mọi việc đều trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, suốt ngày gậm nhấm nỗi cô đơn. Bà thường lẩm bẩm những câu vô nghĩa, mắt trân trân nhìn lên trần nhà, không biết bà suy nghĩ gì…Tôi luôn để mắt đến bà xem chừng bà có điều gì bất thường không, có gì giúp đỡ được không (thật nực cười với tấm thân gầy yếu không đứng vững trước gió mưa như tôi mà lại bày đặt giúp người khác! Con gái tôi vào thăm cũng dặn dò tôi hãy nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng lo làm chuyện thiên hạ!!). Ban ngày có hai cô y tá vào lau mình mẩy, thay áo quần, thay tã, thay bịch nước tiểu cho bà M. Mặc dù mỗi sáng đều có lao công đến lau chùi sạch bóng từ bàn ghế đến sàn nhà, toilette... nhưng trong phòng luôn phảng phất mùi phân, mùi nước tiểu, tạo thành những mùi rất khó tả! (cũng may tôi luôn mang theo lọ dầu cù là, thoa lên mũi không ngừng mới giảm bớt phần nào những mùi khó chịu đó!)

Bà cụ M. chỉ có một người con trai duy nhất và người vợ, cả hai có lẽ đã trên 60 tuổi, vài ngày vào thăm một lần, đem vài thứ bánh ngọt và ít trái cây. Hai vợ chồng họ lăng xăng đi tới đi lui chăm sóc mẹ già, lau mặt, lau tay, xoa bóp chân tay, và thì thầm nói chuyện liên tục với bà... Nhưng chỉ được mươi phút ngắn ngủi họ lại ra về, để lại người mẹ già bệnh tật với nỗi đau, nỗi buồn, nỗi cô đơn triền miên trong bệnh viện!

Lại còn cô gái già tên J mập phì nằm giường bên phải của tôi cũng có nhiều phiền phức đáng kể... Người đàn bà nầy khoảng trên 40 tuổi, thân hình đẫy đà, nẩy nở, ưa làm dáng như muốn trở lại thuở thanh xuân, thay mỗi ngày một chiếc áo màu khác nhau và thường đi ra ngoài. Một buổi trưa cô đi tắm về, đứng giữa phòng dùng khăn tắm lau khô mái tóc đang ướt đẫm nước, còn nhỏ vài giọt xuống sàn nhà... Nhưng hình như cô ta mang một căn bệnh gì khó chữa vì tôi thấy các bác sĩ thường xuyên vào thăm bệnh cho cô và những khi cô nằm trên giường luôn được liên tục truyền hai chai nước biển hoặc nước thuốc gì đặc biệt trị căn bệnh của cô. Tôi không thấy người nhà vào thăm, chỉ đôi ba lần một người bạn gái đến thăm đem một mớ áo quần sạch cho cô thay đổi, hoặc một người đàn ông có lẽ là bạn trai đến ngồi nói chuyện có vẻ thân mật khá lâu. Cô ta thường ngồi trên giường cắm cúi ghi ghi chép chép vào một cuốn sổ tay. Đến đêm khoảng 10g tối nàng ta bật TV xem không ngừng nghỉ nhiều chương trình, nhiều phim ảnh hết phim nầy đến phim khác... Mãi đến hơn 11g khi phim đã kết thúc cũng vẫn chưa chịu tắt máy. Ánh sáng trên màn ảnh truyền hình cứ nhấp nháy nhảy múa trước mắt khiến tôi không tài nào ngủ được. Có lần nhịn không nổi, tôi nhắc nhở "Làm ơn tắt TV, gần 12g khuya rồi!" Cô ta ngoan cố đáp lại "Tôi còn muốn xem nữa!" Tôi bực bội gắt gỏng "Bây giờ đã là nửa đêm rồi, ánh sáng trên TV làm rối loạn trước mắt làm sao tôi ngủ được!" Bà cụ già bên trái tôi cũng nói theo "Tôi cũng vậy. Đã khuya quá rồi, sao chưa chịu tắt TV?" Không ngờ cô ta ném chiếc điều khiển TV đang cầm trên tay thật mạnh lên quyển sách, rồi hét to "Tôi cũng có cái quyền của tôi chứ!" Chúng tôi không thừa hơi cãi lại với người ngang bướng. Đêm đã sâu, tất cả chìm vào giấc ngủ im lìm.

Qua một đêm nằm trăn trở, chợp mắt được một lúc, giật mình thức dậy tưởng gần sáng, tôi ngồi dậy vào toilette súc miệng đánh răng, rồi lại nằm chờ sáng. Mới 6g sáng đã nghe tiếng chân xôn xao của các y tá qua lại ngoài hành lang. Vài cô vào phòng đo thân nhiệt, tim mạch, huyết áp, và thuốc uống cho các bệnh nhân. Hai cô y tá vào lau mình mẩy, thay tã, áo quần cho bà M. Liếc nhìn qua tôi chợt thấy bịch nước tiểu gần đầy một màu vàng đục treo lủng lẳng bên giường bà ta, lại ở ngay trước mắt tôi, mùi nước tiểu lại xông lên nồng nặc. Tôi vội bước ra khỏi phòng, đi tới đi lui ngoài hành lang, hít thở chút không khí bên ngoài. Đoán chừng phòng mình đã được lau chùi sạch sẽ, hai người bệnh trong phòng cũng đã được chăm sóc vệ sinh, tôi trở về phòng nằm nghỉ. Một buổi trưa đang lim dim ngủ, tôi giật mình bởi có tiếng la lớn của một ông già bệnh nhân ở một phòng kế cận. Tiếng la rất lớn và liên tục qua dãy hành lang: "Hallo! Hallo!"(*). Mọi người trong các phòng đều nhốn nháo không hiểu chuyện gì. Khoảng vài phút sau mới thấy các cô y tá chạy lại lo cấp cứu người bệnh đang lên cơn, hình như căn bệnh chuyển biến bất thường..

Đầu tháng sáu thời tiết đã bắt đầu nóng nực như những ngày hè, tôi chậm rãi dạo qua ngoài hành lang, các phòng bệnh nhân hầu hết mở rộng cửa cho thoáng. Liếc nhìn vào trong, tôi thấy các bệnh nhân kẻ nằm người ngồi: có người khoảng tuổi trung niên lại mang chứng bệnh ngặt nghèo, ông ta chỉ mặc quần đùi áo thun ngắn tay, đưa chiếc bụng to như quả bong bóng nằm tênh hênh; người bên cạnh bụng cũng phình lên khá lớn đang nằm ngủ miệng há to thở một cách mệt nhọc; trên chiếc giường khác một ông lão đầu sói mái tóc lơ thơ, gầy còm ngồi rũ rượi một góc giường, mắt lờ đờ vô hồn nhìn vào khoảng không…

Một buổi sáng tôi phải thức dậy thật sớm để dùng bữa "điểm tâm" đặc biệt khiến tôi "ớn tận cổ": phải uống hết một lúc khoảng 2L nước trong 2 chai nhỏ, thứ nước màu nhờ nhờ có pha thuốc để xổ ruột (để vài giờ sau vào phòng OP). Cô J béo phì cũng "điểm tâm" như tôi (Tôi còn nhớ cô đã nhếch môi cười châm biếm "bữa điểm tâm thật tuyệt diệu!").Tôi đã nhắm mắt nhắm mũi ráng uống cho hết mấy chai nước đó, những chai nước của cô J vẫn còn y nguyên, cô không mó tới. Đang loay hoay rửa miệng ở lavabo, chợt nghe tiếng kêu thảng thốt của cô J, tôi vội quay lại thấy cô ta đang há miệng ọc ra xối xả bao nhiêu thứ trong bụng cùng chất lỏng trào ra chảy lênh láng một khoảng rộng trên nền nhà (Đây là lần thứ hai cô nôn mửa khá nhiều). Tôi vội vàng rút trong hộp giấy phía trên lavabo đưa cô ta một xấp giấy lau miệng và bấm chuông gọi y tá vào xem tình trạng bệnh nhân đăc biệt nầy. Sau đó có hai nhân viên bệnh viện vào đem cô ta trên chiếc giường có bốn bánh xe đến phòng cấp cứu. Khoảng hơn tiếng đồng hồ sau người ta đưa cô J về lại phòng. Tôi nhìn theo thấy cô ta nhìn tôi với đôi mắt trắng dã, lờ đờ, vô hồn... Một lúc sau có một nhân viên cấp cứu vào phòng vội vã gom tất cả các vật dụng cá nhân, áo quần trong tủ của cô vào hai bao vải lớn. Nghe bên ngoài hành lang có tiếng giày đi lại rộn rịp, tôi bước ra ngoài thấy có chiếc băng ca và một xe kéo nhỏ với vài người mang dấu hiệu của nhân viên cấp cứu đã chờ sẵn trước cửa. Cô J đã được khiêng ra để trên băng ca, mấy bao quần áo, vật dụng để trên chiếc xe nhỏ, rồi tất cả hối hả rời bệnh viện. Tôi đoán tình trạng cô J chắc đã rất nguy ngập, không biết được đem đến đâu để chữa trị, hay đến một nơi nào cuối cùng của đời người…

Phần tôi, bác sĩ giải phẫu cũng đã hoàn tất tốt đẹp việc cắt bỏ chiếc mụt nhỏ trong ruột, chỉ còn chờ gặp bác sĩ Giám đốc bệnh viện đến cho biết kết quả và làm thủ tục về nhà.

Những ngày trong bệnh viện, tận mắt chứng kiến cảnh người già yếu bệnh tật phải chịu nhiều nỗi đau đớn, buồn bã, cô đơn, tôi ngậm ngùi nghĩ đến thân phận con người trong những ngày tháng cuối đời! Trong chuyến hành trình gian khổ đủ cả vinh nhục suốt cả đời người, rồi một ngày ai cũng phải có lúc trải qua nỗi đau đớn, cô quạnh... khi đã đến lúc già yếu, nhất là không may vướng phải những cơn bệnh trầm trọng nan y. Trong bệnh viện tuy được bác sĩ chữa trị, có y tá chăm lo những lúc cần thiết cấp bách, nhưng tâm hồn họ vô cùng cô đơn vì không có người thân bên cạnh chăm sóc, an ủi, chuyện trò, chia xẻ niềm vui nỗi buồn trong khoảnh khắc sắp rời xa… Sinh-Lão-Bệnh-Tử là quy luật bất biến của Tạo hóa, không ai thay đổi được, tôi tự nhủ chi bằng hãy sống thật có ý nghĩa với hiện tại, làm chuyện có ích cho tha nhân, tìm thú vui thanh nhã nhẹ nhàng, để một chút gì có ý nghĩa cho mai sau, sống thành thật không hỗ thẹn với lương tâm, hãy biết buông bỏ để cuối cùng sẽ ra đi thanh thản...
   

* Đọc thêm: Sau đây là một mẩu chuyện nhỏ có thật 100% , mà đến nay tôi vẫn không làm sao giải đáp hiện tượng có vẻ "lạ lùng"nầy trong bệnh viện.

Một buổi trưa hè, trong phòng bệnh vô cùng nóng nực, khoảng không gian như bị tù hãm giữa bốn bức tường chỉ có một cửa ra vào và một cửa sổ trông ra con đường nhỏ trước bệnh viện tuy luôn mở nhưng vẫn oi bức khó thở bởi mùi thuốc chích, mùi ête... và các mùi khó chịu khác. Tôi lại bước ra hành lang đi lên đi xuống mấy vòng, rồi đến khung cửa sổ lớn ở cuối hành lang tìm thở chút không khí trong lành bên ngoài, ngắm nhìn những tàng cây cao rợp bóng mát, những cánh hoa dường đã héo úa dưới ánh chiều tà, và bầu trời xanh gợn chút mây trắng lững lờ trôi.

Tôi muốn đi tắm một lần cho mát mẻ và xả bớt mùi hôi như còn vương vất bên mình. Sau khi hỏi thăm cô y tá, tôi tìm ra vị trí phòng tắm giành cho bệnh nhân ở một góc khuất cuối hành lang khá vắng vẻ. Bên cạnh nhà tắm là phòng lưu trữ các vật dụng về vệ sinh..cũng rất im lìm không một bóng người. Đợi một buổi trưa khi có người nhà vào thăm, tôi mới chuẩn bị đi tắm. Tôi nhờ người nhà đi với tôi đến nhà tắm đứng bên ngoài tay cầm sẵn chiếc áo khoác chờ tôi. Đó là một phòng tắm hình chữ nhật khá rộng rãi, rất sạch sẽ và đang rất vắng lặng. Tôi bước vào cửa chính có khóa, tôi khóa cửa lại, đi một vòng quan sát. Bên trong thấy có ba phòng tắm nhỏ ngăn cách nhau bằng những bức vách bằng gỗ, trống trên trống dưới. Thấy không có ai, tôi yên trí vào một phòng nhỏ phía bên ngoài, phòng nầy cũng có một cửa ngăn, vì nghĩ không có ai nên tôi không khóa cửa. Tôi vừa vặn vòi sen để tắm thì nghe có tiếng nước chảy, tiếng nói thì thầm xen lẫn tiếng cười khúc khích hình như của một nam và một nữ ở phòng tắm sát bên cạnh. Một luồng khí lạnh chợt thoáng qua khiến tôi hơi rùng mình. Tôi lo sợ khóa ngay cửa lại, dội vòi nước tắm sơ sài, nhanh chóng mặc áo quần rồi vội vã bước ra. Lại đi một vòng khắp nơi, phòng tắm nào cũng vắng vẻ, nhìn vào các cửa mở, tôi thấy các phòng đều khô ráo như chưa từng có một giọt nước chảy ra. Bước ra ngoài, người nhà tôi vẫn còn đứng đợi. Tôi hỏi có thấy ai trong nhà tắm đi ra không, thì người bảo "Không có một ai ra vào cả!"

Đêm nằm chưa ngủ, tôi nghĩ mãi vẫn không sao hiểu được hiện tượng kỳ lạ nầy. Tôi vốn không mê tín dị đoan, không tin có linh hồn người chết hiện về, nên hôm sau tôi trở lại nhà tắm quan sát mọi nơi. Tất cả đều vắng vẻ, tôi bước vào nhà tắm xem xét lại, ngoài cửa ra vào phía trước, phía sau các phòng tắm đều không có một cửa thông thương nào nữa! Nhưng làm sao giải thích sự việc xảy ra trong nhà tắm chiều hôm ấy?

Thôi thì xem như một mẩu chuyện đã gây ấn tượng trong lòng tôi trong những ngày nằm bệnh viện.

Thu Trang (CHLBĐ, Đầu Hè 2018)

(*) Đức ngữ:Tiếng gọi một người nào đó.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoảnh Khắc Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân