TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thánh tích Bethlehem
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thánh tích Bethlehem

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Sep 19, 2018 11:39 pm    Tiêu đề: Thánh tích Bethlehem

Thánh tích Bethlehem


Bethlehem là tên gọi theo vị thần sinh sản ‘Lahem’ xuất phát từ gốc rễ Canaanite, theo tiếng Ả Rập là ‘Bayt Lahm’ có nghĩa “House of Meat”; hoặc ‘Bet Lehem’ có nghĩa “House of Bread” theo tiếng Hebrew.

Bethlehem hiện diện trên sách vở từ 1330 năm trước Công Nguyên và như mọi địa danh khác trên vùng đất cổ xưa ấy, Bethlehem cũng trải qua nhiều thời đại, chịu chiếm lãnh, cai trị bởi nhiều đời vua chúa đồng chủng cũng như dị chủng. Kinh sách Hebrew cho rằng thành Bethlehem được xây cất bởi nhóm Rehoboam, là nơi ra đời của vua David, vị vua mở nước của dân tộc Israel. Bethlehem bị vua Hadrian phá nát trong thế kỷ II nhưng rồi được Hoàng Hậu Helena, mẹ vua Constantine the Great (Hy Lạp), xây cất lại sau khi hoàn tất ngôi nhà thờ lịch sử Church of the Nativity vào năm 323. Ngôi nhà thờ ấy cũng bị phá hủy rồi xây cất lại nhiều lần trong lịch sử.


Lễ Giáng sinh ở Bethlehem (khoảng năm 1900)


Bethlehem trở thành một phần của vùng Jund Filastin sau khi bị quân đội Hồi giáo chiếm lãnh năm 637. Quân Hồi giáo thua trận, bỏ đất cho quân Thập Tự năm 1099, và lại về tay người Hồi giáo của Hoàng triều Ottoman trong thế kỷ XIV cho đến khi trở thành thuộc địa của Hoàng gia Anh sau Thế Chiến I. Khi vùng Judea bị chia cắt năm 1948, Bethlehem trở thành một thôn làng của Jordan, rồi bị Israel giành lại sau cuộc chiến tranh 6-Ngày năm 1967. Từ năm 1995, theo hòa ước Oslo, Bethlehem thuộc về lãnh thổ Palestine trong vùng West Bank.

Về mặt địa lý, Bethlehem cách Jerusalem khoảng 6 dặm về phía bắc, diện tích khoảng 30 cây số vuông và dân số là 30 ngàn người theo thống kê năm 2007. Con số này có lẽ đã sút giảm kha khá sau khi tín đồ Thiên Chúa giáo rủ nhau di tản khỏi lãnh thổ Palestine dù các dòng tu trực thuộc Hội thánh La Mã như dòng Franciscan, dòng De La Salle... vẫn còn hiện diện. Dòng tu De La Salle đã thành lập và duy trì Ðại Học Bethlehem từ năm 1893, đại học này vẫn là một trong những đại học hàng đầu của Palestine.

Dù vẫn còn một số khá lớn các tín đồ Thiên Chúa giáo sinh sống ở đó nhưng Bethlehem ngày nay dân cư phần lớn theo đạo Hồi. Như nhiều thành phố khác tại Israel và Palestine, Bethlehem là một thánh tích quan trọng của cả ba tôn giáo: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.


Quang cảnh Bethlehem khoảng năm 1942


Với tín đồ Do Thái, Bethlehem (Bet Lechem) là nơi chôn cất bà Rachel, vợ ông Jacob, một nhân vật quan trọng trong Cựu Ước, và cũng là nơi ra đời của vua David, vị vua mở nước của Israel. Mộ bà Rachel được xây cất năm 1841 và được các tín đồ Do Thái đến cầu nguyện để có con đàn cháu đống mà thờ phượng Chúa Trời.

Khi Bethlehem về tay Palestine, tín đồ Do Thái không còn lui tới nơi này nữa vì bị người Palestine cấm cửa. Người Hồi giáo cũng xem địa danh ấy là chốn linh thiêng nên đã mở một nghĩa địa ngay bên cạnh.

Với Thiên Chúa giáo, theo kinh sách của Thánh Matthew và Thánh Luke, Bethlehem là nơi Chúa Jesus ra đời và là một trong những thánh tích quan trọng nhất. Tự ngàn năm nay, nhiều tín đồ hành hương đã đi bộ từ Jerusalem đến đây (khoảng 2.5 -3 tiếng đồng hồ) để tỏ lòng sùng bái. Phe ta dùng xe bus, nhóm du khách đã phải mướn loại bus do người Palestine làm chủ và tài xế cũng như người dẫn đường đều là công dân Palestine. Nhóm du khách được chính phủ Palestine cho phép “nhập cảnh” sau khi di chuyển trên xa lộ khoảng 20 – 30 phút đồng hồ từ Jerusalem và đi qua trạm canh biên phòng. Trên đường vào thành phố có tấm biển màu đỏ quạch, viết chữ Hebrew, Ả Rập và cả Anh ngữ nhắn nhủ công dân Israel chớ có đặt chân vào lãnh thổ của Palestine, nguy hiểm lắm!

Di tích chỉ có mấy địa điểm nhưng chuyến đi kéo dài cả 3 tiếng vì phải xếp hàng chờ đợi. Ðầu tiên là Shepherd’s Field, cánh đồng nơi thiên thần hiện ra cùng mục đồng và báo tin Chúa ra đời. Ngày nay là một nhà nguyện nho nhỏ do tu sĩ dòng Francisco trông nom. Gần đó là nhà thờ Shepherd’s Field được xây cất khoảng 800 năm nay.

Gần nhà nguyện Shepherd’s Field là một vùng đất đang được khai quật, trước đó là khu vườn và tu viện xây thời Byzantine.


Bên ngoài Church of the Nativity (Hình: Trần Lý Lê)


Thánh tích chính là Church of the Nativity, hang lừa và máng cỏ ngày trước nơi Chúa Jesus ra đời. Tại địa điểm này, nhà thờ được xây cất lần đầu tiên trong thế kỷ IV (do Thánh Helena, mẹ vua Constantine, bà này cũng cho xây cất Church of the Holy Sepulcher tại Jerusalem). Khi người Persia chiếm được Bethlehem năm 614, họ phá hủy tường thành nhưng giữ lại nhà thờ vì ưng ý với các hình tượng Ba Vua (ba người thông thái) trong y phục kiểu Persia đến từ phương Ðông để chiêm bái Chúa Hài Ðồng.

Cổng nhà thờ cao khoảng 1 thước, Humility Door, muốn vào phải khom lưng bước qua ngưỡng cửa. Huyền thoại kể lại rằng người Hồi xây cửa thấp để nhắc nhở tín đồ đạo Thiên Chúa rằng họ đang ở trên “đất khách”, phải tỏ lòng kính trọng chủ nhà bằng cách khom lưng cúi mình (?). Truyền thuyết khác lại cho rằng vào nhà Chúa thì phải cúi đầu (cửa thấp ngăn cản người ngồi trên lưng ngựa).

Bên trong nhà thờ khá rộng, xây cất theo kiểu Byzantine với những cột đá Corinthia và hình ảnh các tông đồ dát bằng gạch vụn (mosaic) trên cột và trên sàn nhà. Nhìn nơi nào cũng thấy hình ảnh thánh thần. Cách bài trí theo kiểu Greek Orthodox chỉ để đèn tù mù, những ngọn đèn chùm bằng vàng và bạc lấp lánh; vào buổi chiều tối khi nắng tắt, hẳn bên trong nhà thờ sẽ tối om? Ðằng sau bàn thờ là đường xuống hang động nơi Chúa Jesus ra đời. Chao ôi là người, xếp hàng rồng rắn gần một tiếng đồng hồ chỉ để xê xích trên khoảng cách cỡ 20 -30 thước, từ cửa nhà thờ Dế Mèn mới xuống tới hang lừa và máng cỏ. Nơi Chúa giáng sinh có một ngôi sao bạc gắn trên tảng đá có hàng chữ ‘Hic de Virgine Maria Jesus Christus natus est’ nơi bà Mary đặt đứa con sơ sinh. Tín đồ sì sụp bái lạy, có người cố hôn lên ngôi sao bạc nhưng bị người canh gác xua tay đuổi và thúc giục bá tánh nhanh bước để đến phiên người khác đến chiêm bái. Ngay trước mặt tảng đá là nhà nguyện Máng Cỏ bé tí xíu, Chapel of the Manger. In như Church of the Holy Sepulcher tại Jerusalem, nhà thờ này cũng được chung tay góp sức bởi nhiều giáo hội Thiên Chúa giáo, mỗi giáo hội giữ một phần nhà thờ và trang trí theo truyền thống riêng. Hang lừa, máng cỏ thuộc về giáo phái Truyền Thống Hy Lạp (Greek Orthodox Church).


Mosque of Omar ngay trước mặt nhà thờ Nativity
(Hình: Trần Lý Lê)


Bên cạnh Church of the Nativity là nhà thờ St. Catherine của giáo hội La Mã nơi cử hành thánh lễ Giáng Sinh vào chiều ngày 24 tháng Mười Hai hàng năm. Trước mặt nhà thờ St. Catherine có bức tượng St. Jerome, vị giám mục Bethlehem đã chuyển dịch Cựu Ước từ tiếng Hebrew sang tiếng Latin. Chapel of the Innocents dành cho các thánh anh hài, những hài nhi bị vua Herod giết trong đêm Giáng Sinh và Chapel of St. Joseph là nơi thiên thần hiện ra biểu ông Joseph hãy trốn qua Ai Cập lánh nạn.

Khu đất mấy trăm thước vuông nhưng nơi nào cũng có một lịch sử và là thánh tích. Hôm đến thăm viếng, một nhóm tín đồ Mormon từ Utah đến hành hương và họ ngồi vòng quanh trong khuôn viên trước mặt nhà thờ St. Catherine để hát thánh ca Giáng Sinh. Ca đoàn hát rất hay. Có điều ngồ ngộ là các bài hát Giáng Sinh quen thuộc như Silent Night, O Come All Thee Faithful, Oh Christmas Tree... lại vang vọng trong một buổi chiều tháng Tư ấm áp. Thì ra giáo phái Mormon cử hành lễ Giáng Sinh vào tháng Năm hằng năm.

Ngồi viết lại mấy dòng này, Dế Mèn lại mơ màng nhớ đến buổi chiều đầy ắp hình ảnh, nếu không nhờ mấy tấm ảnh, cái đầu óc bé tí này chắc trộn lẫn các chi tiết lịch sử và sẽ nhầm lẫn vô số kể!

Quan trọng như thế nên không lạ là Bethlehem có vô số nhà thờ nhà nguyện: giáo phái Hy Lạp Chính Thống có 15 ngôi nhà thờ, giáo hội La Mã có 25, giáo hội Tin Lành có 8, giáo hội Syriac Orthodox có 1, giáo hội Ethiopia có 1 và giáo hội Copt cũng có 1 nhà thờ, chưa kể mấy chục cái đền thờ Hồi giáo. Hình như trên khắp lãnh thổ Israel và Palestine, hễ có nhà thờ là có đền thờ Hồi giáo gần bên cạnh, tháp to hơn và cao hơn?

Nghe người dẫn đường kê khai số nhà thờ, nhà nguyện trong thành phố và hỏi nhóm du khách muốn đi xem tiếp chỗ nào. Sau một tiếng chờ đợi chen lấn, ai cũng le lưỡi lắc đầu và chỉ muốn trở lại Jerusalem vì ngại nỗi khám xét khi trở lại cổng biên giới!

Không mấy an tâm khi loanh quanh ở West Bank nên Dế Mèn và bạn bè bỏ qua một số thắng tích nổi tiếng khác như Rachel’s Tomb, Herod’s Palace, Mar Saba Monastery, Mar Elias Monastery, St. Theodosius Monastery và Solomon’s Pools. Muốn xem hết các di tích này có lẽ ta sẽ cần 1-2 ngày nữa; dù rất cần ngoại tệ nhưng Palestine không mấy thân thiện với du khách Huê Kỳ nên phe ta cũng ngần ngại chẳng muốn thi gan, nhất là khi bạn bè cứ bàn ra chứ chẳng ai tỏ ý muốn ở lại ngắm cảnh nữa.


Đường phố chính của Bethelehem (Hình: Trần Lý Lê)


Trên đường phố quanh co lên đồi xuống dốc là các cửa tiệm buôn bán của dân địa phương; cũng có quán cà phê “Stars & Bucks” và những tấm biển kêu gọi du khách cầu nguyện cho cuộc tranh đấu vì hòa bình của người Palestine.

Trần Lý Lê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân